Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

THÂM CANH TĂNG NĂNG SUẤT LÚA NGẮN NGÀY

Với tình hình dịch VL-LXL hiện nay ngoài việc phòng trừ Rầy nâu bà con cần thâm canh cho Lúa phát triển tốt và đạt năng suất cao trong khả năng có thể. Công ty Mai Xuân xin giới thiệu quy trình Thâm canh tăng năng suất Lúa ngắn ngày để bà con tham khảo.

Phần 1: THÂM CANH
I. Thời kỳ cây con
Từ 1-7 ngày sau sạ (ngày sau sạ: nss)
1. Đặc điểm
Cây nhỏ sống nhờ dinh dưỡng nội nhũ hạt.
2. Mục đích thâm canh
Tạo cho cây khỏe để chuẩn bị đẻ nhánh.
3. Thâm canh
- Dùng hạt giống tốt, ngâm ủ giúp Lúa nẩy mầm đều.
- Làm đất kỹ, bằng phằng.
- Sạ với mật độ hợp lý (100-120 kg / ha).
II. Thời kỳ đẻ nhánh
Từ 7-30 nss
1. Đặc điểm
Cây đẻ nhánh, ra lá, tăng chiều cao nhanh. Nhu cầu dinh dưỡng cần khá cao (nhất là đạm, lân). Thời kỳ này sẽ quyết định tới năng suất Lúa.
2. Mục đích thâm canh
Có được số bông thích hợp, bông đều và bông to - sáng.
3. Thâm canh
a. Bón phân đợt 1 (7-10 nss)
- Đất phù sa: bón khoảng 150 kg Yara Lúa, 997, R1, JF1, … hoặc 50 kg DAP + 50 kg Urê / ha.
- Đất phèn TB: bón khoảng 150 kg 997, R1, JF1, Yara L1, … hoặc 100 kg DAP + 30 kg Urê / ha.
- Đất xám: bón khoảng 150 kg 997, R1, JF1, Yara L1, … hoặc 100 kg DAP + 30 kg Urê / ha.
Chú ý: Có thể thay phân NutriSmart một phần mà rất hiệu quả. Cụ thể thay bớt phân NPK (30% là khoảng 45 kg / ha) bằng phân NutriSmart (20 % là khoảng 30 kg / ha).
b. Phun trên lá: dùng NUTRIMIX hoặc Food-MX1 (Chuyên dùng cho Lúa) phun ngay sau khi xử lý thuốc cỏ xong (khoảng 10-14 nss).
c. Canh tác
- Phòng trừ cỏ thật tốt.
- Giữ mực nước thích hợp.
- Tỉa dặm sớm (15-18 nss) để cho ruộng đồng đều.
d. Chú ý
Không bón phân lai rai vì sẽ làm tăng chồi vô hiệu. Bón phân đợt 2 sớm (18-22 nss) và tháo khô nước khi ruộng đã kín hàng (30-35 nss) là biện pháp khống chế chồi vô hiệu rất có kết quả. Ruộng nào quá trũng, cần bón đợt 2 nhẹ tay, tránh Lúa quá tốt sẽ lốp đổ.
e. Bón phân đợt 2 (18-22 nss):
- Đất phù sa: bón khoảng 220 kg Yara Lúa, 998, R2, JF2, … hoặc (50-70) kg DAP + 20 kg Urê / ha và thêm (0-30) kg DAP để bón vá áo riêng.
- Đất phèn TB: bón 150-200 kg 998, R2, JF2, Yara L2, … hoặc 50 kg DAP + 50 kg Urê / ha và thêm (0-50) kg DAP để bón vá áo riêng.
- Đất xám: bón 150-200 kg 998, R2, JF2, Yara L2, … hoặc (50-70) kg DAP + 20 kg Urê / ha và thêm (0-30) kg DAP để bón vá áo riêng.
Chú ý:
- Đợt 2 phải bón “vá áo” sửa ruộng cho đều, dùng DAP hoặc 998, R2, JF2, Yara L2,…bón thêm vào chỗ ruộng xấu, chỗ cấy dặm, gò cao,… và dùng NUTRIMIX hoặc Food-MX1 phun vào chỗ cần vá áo.
- Đất phèn TB, đất xám dùng 30 kg NutriSmart thay cho 45 kg NPK cho 1 ha.
III. Hình thành và phát triển đòng
Từ 40-65 nss
1. Đặc điểm
Rất mẫn cảm với nhiệt độ, nước và đạm (thời kỳ mẫn cảm đạm). Thời kỳ này quyết định bông to hay nhỏ và số hạt.
2. Thâm canh
Bảo vệ lá đòng và hai lá dưới xanh bền bằng cách phòng trừ sâu bệnh như bệnh khô vằn, vàng lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá,…
a. Phun trên lá
- Dùng MAGIÊPHOS phun 1 lần lúc Lúa 40-45 nss để đón đòng, chống đổ lốp.
- Dùng thêm MAGIÊPHOS 1 lần nữa (nếu cần) lúc Lúa 52 nss tức 7-10 ngày trước trổ => giúp trổ đòng đồng loạt.
b. Bón phân đợt 3
Không bón dư đạm, bón đủ kali và nên bón đón đòng (40-45 nss) theo kỹ thuật “không ngày - không số”.
* Bón phân đón đòng theo kỹ thuật không ngày - không số
+ Không ngày
Ngày bón phân đón đòng không phải do chủ ruộng quyết định hay do nhà khoa học quyết định mà phải do ruộng Lúa quyết định. Ngày nào có ít nhất 2/3 ruộng Lúa chuyển khoản sang màu vàng tranh đó là ngày bón phân đón đòng.
Lưu ý: Lúa sau 30 ngày không được bón tiếp phân đạm (Urê) lúc Lúa còn xanh.
+ Không số
Không định trước số lượng bón bao nhiêu, cần theo hướng dẫn sau:
- Chỗ chuyển màu vàng tranh: bón theo mức (40-50) kg Urê + 50 kg KCl (hoặc 100-120 kg 999, R3, JF3, Yara L3…) / ha.
- Chỗ còn xanh đậm: tuyệt đối không bón Urê, chỉ bón 100 kg KCl / ha.
- Chỗ Lúa tốt, chỗ trũng, chỗ gần nhà, tàng cây che bóng: giảm Urê chỉ còn 20-30 kg và tăng KCl 70-80 kg / ha hoặc 40-50 kg 999, R3, JF3, Yara L3… cộng 40-50 kg KCl.
Lưu ý: Tuyệt đối không được bón dư đạm vào đợt này, hại gấp nhiều lần. Bón hơi thiếu chỉ bón mức 20-40 kg / ha là an toàn, mức tối đa là 50 kg Urê / ha. Cần xịt thêm phân bón lá MAGIÊPHOS hoặc NUTRIMIX.
IV. Thời kỳ trổ – chín
Từ 65-90 nss
1. Đặc điểm
Cây tích lũy chất khô về hạt. Màu đổi từ xanh sang vàng. Trọng lượng hạt tăng dần và ổn định tới khi chín hoàn toàn.
2. Mục đích thâm canh
Giúp cây trổ đòng tốt để quyết định số hạt chắc / bông, giúp to – sáng hạt và chống rụng hạt.
3. Thâm canh (phun trên lá)
- Dùng HCR (Chống Rụng Hạt - Siêu To, Sáng Hạt) phun 1 lần lúc Lúa 70 nss tức 5-7 ngày sau trổ (giai đoạn cong trái me). Nếu muốn hạt to nhanh thêm nữa thì sau đó 4 ngày phun tiếp 1 lần.
- Dùng Food-MX4 (Sáng - Chắc Hạt) phun 1 lần lúc Lúa 80 nss tức 15-17 ngày sau trổ => giúp hạt chắc, mẩy, bóng, màu vàng sáng và chín đồng loạt.
Chú ý:
- Giữ ruộng đủ nước tới chín sáp (trước thu hoạch 7 ngày).
- Thu hoạch sớm (85-90% độ chín) sẽ cho năng suất và chất lượng cao nhất.


Phần 2: XỬ LÝ NGỘ ĐỘC HỮU CƠ, PHÈN
I. XỬ LÝ NGỘ ĐỘC HỮU CƠ
1. Triệu chứng
- Bộ rễ bị thối đen, có mùi hôi.
- Lúa vàng và lùn lại.
- Lúa phát triển yếu ớt, không bắt phân.
- Thường xuất hiện từ 15-20 nsg, có nơi xảy ra rất sớm khi Lúa mới sạ vài ngày và gây thiệt hại rất nặng. Hiện tượng này đang phổ biến ở ĐBSCL.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính do rơm rạ, tàn dư thực vật của các vụ trước chưa kịp phân hủy do bị vùi lấp trong điều kiện ngập nước tạo ra các gốc phenol, acid hữu cơ gây độc cho Lúa.
3. Giải pháp
a. Giải pháp canh tác
- Mang rơm tươi ra khỏi ruộng.
- Làm đất: cày, xới phơi đất 7-15 ngày càng tốt, giúp chất hữu cơ dễ phân hủy. Và bón 300 kg vôi bột cộng 200-300 kg lân (Văn điển, Ninh bình hoặc NutriSmart) / ha.
- Bón phân đợt 1 sớm trong đó có nhiều lân, nhiều đạm để giúp hạ phèn, mau mục rạ. Hoặc dùng MX-HÒA NƯỚC TƯỚC 3 trộn với phân NutriSmart hoặc NPK bón rải đều trên ruộng giúp rễ phát triển mạnh trở lại (2-3 kg MX-HÒA NƯỚC TƯỚC 3 / 1 công).
b. Phun giải độc hữu cơ
Dùng NUTRIMIX phun sau khi xử lý thuốc cỏ xong (khoảng 10-14 nss) giúp Lúa ra rễ, đẻ nhánh, hạ phèn nhanh và giải độc hữu cơ. Cần phun nhất khi xảy ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ.

II. XỬ LÝ NGỘ ĐỘC PHÈN
1. Triệu chứng
- Rễ có màu vàng, nâu đỏ (ngộ độc sắt); rễ ngắn lại, màu trắng, dòn dễ gãy (ngộ độc nhôm).
- Lúa vàng, đỏ đọt và lùn lại.
- Lúa phát triển yếu ớt, không bắt phân.
2. “5 bước xử lý ngộ độc phèn”
Bước 1. Thay nước mới để xả đang kể lượng phèn trong ruộng ra. Nếu ruộng gò bị xì phèn thì cố gắng ép nước lên gò cho đủ. Có thể bón vôi trước khi bón phân.
Bước 2. Bón Super lân Long thành hoặc Lân nung chảy (Văn điển hoặc Ninh bình) hoặc lân NutriSmart từ 50-250 kg / ha (tùy tình trạng ngộ độc nhẹ hay nặng). Hoặc dùng MX-HÒA NƯỚC TƯỚC 3 trộn với phân NutriSmart hoặc Lân bón rải đều trên ruộng giúp rễ phát triển mạnh trở lại (2-3 kg MX-HÒA NƯỚC TƯỚC 3 / 1 công).
Bước 3. Dùng NUTRIMIX (hoặc MAGIÊPHOS) phun 1 lần có hiệu quả tức thì, cứu Lúa và hạ độc phèn nhanh.
Bước 4. Chờ đợi từ 3-7 ngày cho đến khi nhổ lên thấy ra rễ trắng là cứu Lúa đã thành công.
Bước 5. Bón phân chăm sóc tiếp tục theo qui trình cho Lúa phục hồi.
3. Lưu ý
Khi Lúa bị ngộ độc phèn ngưng ngay bón đạm (Urê), nếu bón vào làm Lúa chết nhanh.


Tài liệu tham khảo do Phòng Kỹ thuật Công ty Mai Xuân biên soạn với sự cố vấn của
PGS.TS Mai Thành Phụng

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

QUY TRÌNH CANH TÁC LÚA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


I. CHỌN LỰA GIỐNG LÚA
- Giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa.
Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, năng suất cao, chống chịu với một số sâu bệnh chính và có phẩm chất gạo tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như OM1490, OMCS2000, IR64, MTL250, VD95-20, AS996, OM3536, Lúa thơm, v.v.
- Sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương cấp xác nhận (theo qui định của Bộ NN & PTNT):
- Độ sạch (% khối lượng) > 99,0%
- Tạp chất (% khối lượng) <>

KS. Nguyễn Chí Công

Công ty Mai Xuân (TP HCM)

(Bài viết tham khảo từ CLRRI)


Tham khảo: Đề tài Tốt Nghiệp Kỹ Sư Nông Học – ĐH Nông Lâm TP HCM – Năm 2008


“KHẢO NGHIỆM 12 TỔ HỢP LÚA LAI VÀ BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT HẠT GIỐNG LÚA LAI F1 HỆ BA DÒNG THÍCH HỢP ĐIỀU KIỆN TÂY NGUYÊN”

Sinh viên: NGUYỄN CHÍ CÔNG
Hướng dẫn: TS. HOÀNG KIM và ThS. DƯƠNG THÀNH TÀI
Xem tại đây: http://www.scribd.com/doc/7781615/Luanvantotnghiep-Cong


Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

Giới thiệu chuyên trang trồng trọt THƯƠNG HIỆU VÙNG MIỀN

Hãy truy cập để cập nhật thông tin về Nông nghiệp

URL: http://thvm.vn/trongtrot/2841

Việt Nam, Thái Lan sẽ thiết lập giá gạo xuất khẩu chung

Thái Lan và Việt Nam, hai nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, lần đầu tiên nhất trí thiết lập giá gạo xuất khẩu chung. Thỏa thuận này nhằm ổn định giá gạo và tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hai nước đã đạt được thỏa thuận này trong cuộc gặp mặt đầu tuần giữa các đại diện chính phủ Thái và Hiệp hội Gạo Việt Nam tại Hà Nội sau 7 năm thiết lập giá tham khảo cho thị trường gạo thế giới.

Theo thứ trưởng thương mại Thái Lan Alongkorn Ponlaboot, thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho nông dân Việt Nam nhiều hơn. Nông dân Việt Nam sẽ có thu nhập cao hơn do trước đây giá gạo Việt Nam thấp hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan (100-200 USD/tấn).

Thỏa thuận sẽ bao gồm 4 mức hợp tác: giữa chính phủ, các nhà xuất khẩu, nông dân và các chuyên gia. Lãnh đạo 2 nước sẽ bàn bạc vấn đề này chi tiết tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Hua Hin, Thái Lan từ 27 tháng 2 tới 1 tháng 3.

Hiện giá phù hợp chưa được đưa ra do hai bên cần thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố.

Tuy nhiên việc ký kết thỏa thuận này sẽ chưa thể thực hiện trong năm nay vì theo Hiến pháp mới của Thái, mọi cam kết quốc tế phải được quốc hội thông qua.

Ban đầu, giá xuất khẩu hợp lý nhất sẽ khoảng 600-700USD/tấn cho 4 loại gạo trắng: 100%, 5%, 10% và 25%. Giá chung sẽ không áp dụng cho gạo hương lài do đây là loại gạo chất lượng cao mà Việt Nam không trồng.

Chủ tịch hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Chookiat Ophaswongse cho rằng để hai đối thủ xuất khẩu gạo nhất trí về cơ chế định giá tối thiểu là không dễ dàng do chi phí sản xuất của hai quốc gia là khác nhau. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu sẽ hợp tác chặt chẽ trong khâu sản xuất, giảm chi phí và bình ổn giá để hạn chế sự khác biệt này.

Trong những năm gần đây, các nhà xuất khẩu gạo Thái khó cạnh tranh được với Việt Nam do giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái. Đầu tháng 2, giá gạo trắng 100% loại B của Thái chào ở mức 575USD/tấn trong khi Việt Nam chỉ chào 410USD/tấn.

Nguồn: http://thvm.vn/trongtrot/3540

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

CÁC BỆNH VÀNG LÁ TRÊN CÂY LÚA

I. Bệnh vàng lá do vi khuẩn
1) Mức độ xuất hiện trên đồng ruộng
· Đồng đều khắp ruộng.
· Lây lan rất nhanh
2) Tình trạng ruộng lúa
· Ruộng có nhiều nước
· Bệnh nặng trong mùa mưa.
· Xuất hiện từ 15 đến 30 ngày sau khi sạ trên ruộng có nhiều nước.
· Nơi trũng bị nặng hơn.
· Lây lan rất nhanh.
3) Những triệu chứng của bệnh
3.1) Lá non
Có thể bị nhiễm bệnh như lá già
3.2) Lá già
- Chóp lá ngã màu vàng cam, xỉn màu và lan dần xuống dưới.
- Trên phần lá ngã màu vàng có các vệt màu nâu sậm chạy dọc theo gân lá.
- Bệnh nặng làm cho lá bị cháy khô.
3.3) Đốm vết trên lá
Trên phần lá ngã màu vàng, có các vệt màu nâu sậm chạy dọc theo gân lá
3.4) Bẹ lá lúa
bình thường
3.5) Chiều cao bụi lúa
Bình thường
3.6) Số chồi trong bụi
Bình thường
3.7) Gốc bụi lúa
Chết lá chân nhiều
3.8) Bông lúa
Bông bị lép nhiều (nếu bệnh nặng)
3.9) Rễ lúa
Bình thường
4) Tác nhân gây bệnh
· Vi khuẩn Pseudomonas sp. gây ra.
· Vi khuẩn lây lan theo nước mưa và nước trong ruộng
5) Cách phòng chống
· Không để nước quá cao trong ruộng.
· Không bón thừa phân đạm.
6) Cách chữa trị
· Rút bớt nước trong ruộng còn 2-3 cm.
· Pha nước vôi 10%, lấy nước trong để phun lên lá lúa. Có thể dùng MX-ĐỘ PH (90% CaO phun xịt cho tiện lợi)
· Phun ít nhứt 2 lần cách nhau 4-5 ngày
II. Bệnh vàng lá chín sớm
1) Mức độ xuất hiện trên đồng ruộng
Đều khắp ruộng
2) Tình trạng ruộng lúa
Chỉ xảy ra ở giai đoạn từ 50 ngày sau khi sạ trở về sau.
3) Những triệu chứng của bệnh
3.1) Lá non
không có
3.2) Lá già
- Trên lá, vết bệnh bắt đầu từ một điểm rồi lớn dần thành vết bầu dục.
- Từ vết nầy sọc vàng lan từ dưới lên trên ngọn lá tạo thành vệt có màu vàng cam, hơi ngã sang đỏ.
- Bệnh phát triển rất nhanh sau khi lúa trổ bông trở về sau.
- Nếu bệnh xuất hiện sớm, bệnh sẽ phát triển rất nặng và có thể làm cháy khô lá lúa trước khi thu hoạch.
3.3) Đốm vết trên lá
Có đốm nâu hoặc bạc trắng bênh dưới các vệt vàng trên lá
3.4) Bẹ lá lúa
bình thường
3.5) Chiều cao bụi lúa
Bình thường
3.6) Số chồi trong bụi
Bình thường
3.7) Gốc bụi lúa
Bình thường
3.8) Bông lúa
Nếu bệnh xuất hiện sớm và nặng, bông lúa bị lép và lửng nhiều
3.9) Rễ lúa
Bình thường
4) Tác nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Gonatophragmium sp. (Deighton) gây ra
5) Cách phòng chống
· Sạ thưa (100 kg/ha)
· Bón phân theo nhu cầu cây lúa (dùng bảng so màu lá)
Nếu áp dụng đúng đắn hai biện pháp trên, bệnh xuất hiện muộn và không gây thất thu năng suất.
6) Cách chữa trị
· Các thuốc có hiệu quả: propiconazole (Tilt super), thiophanate methyl (Topsin-M, Topan), carbendazime (Carban), hexaconazol (Anvil).
· Phun một trong các loại thuốc trên, 2 lần trong vụ lúa vào các thời điểm:
o 5-7 ngày trước khi trổ bông
o 7 -10 ngày sau khi trổ bông.
III. Bệnh vàng lá do nhiễm nhiều bệnh
1) Mức độ xuất hiện trên đồng ruộng
Bệnh xuất hiện rải rác trên ruộng
2) Tình trạng ruộng lúa
· Ruộng có nước.
· Thường xuất hiện từ 20 ngày sau khi gieo sạ trở về sau.
3) Những triệu chứng của bệnh
3.1) Lá non
không có
3.2) Lá già
Lá có thể ngã màu vàng xỉn màu hoặc màu vàng cam. Trong khi đó vẫn có những lá vẫn còn giữ màu xanh và có triệu chứng vặn xoắn hoặc rách lá
3.3) Đốm vết trên lá
Có thể có những đốm nhỏ màu nâu
3.4) Bẹ lá lúa
Bình thường hoặc có thể có màu nâu
3.5) Chiều cao bụi lúa
- Thường buội lúa lùn hơn bình thường.
- Chồi có thêm triệu chứng vàng lùn hoặc lùn xoắn lá sẽ lùn nhiều hơn các chồi khác trong bụi
3.6) Số chồi trong bụi
Số chồi lúa trên bụi thường kém hơn bình thường
3.7) Gốc bụi lúa
Bình thường
3.8) Bông lúa
Bụi lúa không trổ được
3.9) Rễ lúa
- Thúi đen (do ngộ độc vì acid hữu cơ) hoặc vàng quéo (do ngộ độc vì phèn.- Cũng có thể vừa thúi đen vừa bị vàng quéo
4) Tác nhân gây bệnh
· Bệnh do buội lúa bị ngộ độc chất hữu cơ vừa bị nhiễm 2 vi rút RGSV (dòng 2) và RRSV cùng lúc.
· Bệnh vừa do làm đất cập rập nên rơm rạ thúi trong điều kiện ngập nước nên gây ra thúi rễ lúa, đồng thời lúa còn bị rầy nâu truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
· Bệnh còn có thể do ngộ độc hữu cơ (rễ thúi đen) vừa bị ngộ độc phèn (rễ vàng) vừa nhiễm một trong hai bệnh vàng lùn hoặc lùn xoắn lá.
5) Cách phòng chống
· Cần làm đất sớm trước khi xuống giống 15 đến 20 ngày để tránh ngộ độc vì acid hữu cơ.
· Nếu ruộng có phèn, cần đánh rảnh phèn trong ruộng để thường xuyên xã phèn.
· Ngừa rầy nâu bằng biện pháp xuống giống đồng loạt và theo lịch né rầy.
· Trước khi gieo sạ nên xử lý hạt lúa vừa nẩy mầm với thuốc Cruiser-plus hoặc Gaucho.
6) Cách chữa trị
· Bệnh do virus nên không có thuốc trị bịnh.
· Tuy nhiên gây hại cho cả ruộng lúa có thể là rễ lúa bị thúi do các acid hữu cơ tích tụ trong đất. Cũng có tình trạng rễ lúa bị phèn gây hại. Nếu cải thiện tốt điều kiện đất thì sẽ cứu được phần lớn buội lúa không bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Do đó nên tháo nước ra khỏi ruộng, đánh rảnh để nước độc tháo ra thật hết. Rải 20 Kg vôi bột cho 1.000 m2 ruộng. Sau đó đưa nước tốt từ kinh rạch vào.
· Có thể phun thêm các loại phân bón lá có hàm lượng P cao như Hydrophos, hoặc các loại phân bón lá có thể kích thích giúp cây lúa khỏe để tăng cường sức đề kháng của cây lúa hầu vượt qua bệnh.

NGUYỄN CHÍ CÔNG – Tổng hợp từ http://www.caylua.vn/

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

Biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá lúa

Thời kỳ từ khi lúa mùa đẻ nhánh đến trổ bông (từ tháng 8 đến đầu tháng 10), ở nước ta thường có mưa giông, bão lốc... dễ khiến cho bộ lá lúa bị sây sát hoặc giập nát, và đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây nhiễm bệnh bạc lá vi khuẩn cho lúa mùa nặng hơn.

Đặc điểm phát sinh và phát triển bệnh

Bệnh bạc lá vi khuẩn phát sinh ngay từ ruộng mạ trên phiến lá, nhưng biểu hiện bệnh rõ nhất là ở lá lúa khi cây lúa đẻ nhánh và phát triển đến giai đoạn lúa trổ bông, hạt chín sữa và đây là lúc bệnh gây hại mạnh nhất.Phiến lá bị khô trắng từng vệt từ chót lá hoặc từ mép lá. Khi bệnh nặng phiến lá bị khô trắng tới 60-70% diện tích hoặc toàn bộ. Các giọt dịch màu vàng hình cầu li ti thường xuất hiện ở mặt vết bệnh vào buổi sáng. Nếu bệnh bùng phát thành dịch, nhất là trên cây lúa làm đòng, lá đòng bị bệnh thì cây lúa dễ bị nghẹn đòng và năng suất giảm tới 55-70%, bông bạc, hạt lép nhiều.

Loại vi khuẩn Xanthomonas oryzae xâm nhiễm vào lá lúa theo thuỷ khổng, khí khổng và nhất là qua vết thương trên lá lúa. Nguồn cư trú của vi khuẩn bạc lá là qua hạt giống, cỏ dại thuộc họ hoà thảo như cỏ lồng vực, cỏ gừng, lúa chét, lúa tự mọc, đất và nước lưu tồn những vi khuẩn này, từ đó lây lan vào ruộng lúa.

Với nhiệt độ 25-30oC và ẩm độ 95-100% sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển mạnh và có nguy cơ thành dịch. Ở những chân ruộng hẩu, ruộng trũng, chua, bị che rợp, bón đạm muộn, bón nhiều đạm, mất cân đối với lân và kali, hoặc các diện tích bón đạm rải nhiều đợt... cũng làm cho lúa bị bệnh bạc lá vi khuẩn nặng.
Qua thực tế cho thấy, ở những ruộng có mực nước vừa phải khoảng 5-6cm, được giữ ổn định cũng hạn chế được bệnh so với ruộng ngập sâu hoặc khô hạn thất thường. Tính chống chịu của giống lúa cũng ảnh hưởng nhiều đến mức độ bệnh. Những giống lúa có tính chống chịu bệnh khá, đẻ nhánh gọn, tập trung, lá đứng, bề ngang hẹp, giai đoạn làm đòng trổ bông ngắn... tỏ ra chịu được bệnh. Riêng các giống Trung Quốc thường nhiễm bệnh nặng hơn.

Cách phòng trừ hiệu quả

Từ giữa tháng 8 bệnh đã xuất hiện. Khi điều kiện thuận lợi, mưa nhiều bệnh sẽ phát triển nhanh. Bệnh bạc lá vi khuẩn rất khó trị nếu để bị nặng, vì vậy khâu vệ sinh đồng ruộng cần được chú trọng để hạn chế tối đa nguồn bệnh ở rơm rạ, cỏ dại, lúa chét, lúa tự mọc...

Có thể xử lý hạt giống bằng nước ấm 54oC trong 10 phút, gieo mạ vào chân ruộng cao, không bị ngập nước.

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh, điều tiết để cây sinh trưởng nhanh, chăm sóc cân đối về dinh dưỡng, hợp lý về chế độ nước cho ruộng lúa.
Bón đạm gọn, không bón muộn và kéo dài, chú ý kết hợp với phân chuồng, lân, kali, tro bếp. Khi bệnh chớm phát sinh, giữ nước ruộng 5-10cm, nếu lúa đã bắt đầu làm đòng có thể tháo cạn nước vài ba ngày và nhất thiết ngừng bón đạm.

Khi bệnh xuất hiện với tỉ lệ 3-5% số lá bị bệnh, phải phun thuốc hoá học. Sử dụng thuốc Tilt super 300ND pha 1% phun trước khi lúa trổ đòng một tuần và sau khi lúa phơi màu xong 10 ngày, hoặc dùng Starner 20WP, pha 0,1-0,15% phun khi bệnh phát sinh và gia tăng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh xong. Ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc Xanthomix 20WP, Sasa 20WP, Batocide 12WP, 22WP... Nếu bệnh nặng phải phun thuốc lặp lại lần 2, cách nhau 5-7 ngày và nên đổi loại thuốc khác.

TTNCKHNV

Nguồn: http://thvm.vn/trongtrot/3209

Khắc phục thoái hóa giống lúa

Một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm năng suất cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng là do chất lượng giống. Chất lượng giống là độ đồng đều, độ thuần di truyền giống. Độ thuần của giống có giữ được hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào điều kiện chủ quan của người sản xuất và các điều kiện khách quan bên ngoài…

Những chương trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã kết luận rằng sự thoái hóa giống lúa trong quá trình canh tác chủ yếu do các nguyên nhân sau:

- Yếu tố cơ giới: Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thoái hóa giống, có thể nói 90 % lúa bị lẫn tạp là do nguyên nhân này. Khi thu hoạch lúa suốt không làm sạch máy, sân phơi bị sót những giống lúa khác, bao bì đựng không sạch, lúa khác có sẵn trên ruộng khi gieo sạ. Nói chung tất cả các động tác có tính chất cơ giới thực hiện không đúng trong quá trình sản xuất mà không thực hiện đúng thì đều gây nên lẫn tạp giống và sẽ dẫn đến sự thoái hóa giống.

- Thụ phấn chéo: Cây lúa là cây tự thụ phấn, tuy nhiên lúa vẫn bị lẫn tạp do phấn của cây khác bay tới, tỷ lệ lẫn tạp này thường không quá 2% tuỳ theo từng giống và sự cách ly các giống trong sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân khá quan trọng làm thoái hóa giống lúa.

- Sâu bệnh: Trong quá trình sản xuất, giống lúa bị nhiễm sâu bệnh nhưng không thay giống và tuyển chọn lại thì cũng gây nên hiện tượng thoái hóa giống.

- Canh tác: Trên một chân đất vụ này làm một giống, vụ sau làm giống khác sẽ làm lúa bị lẫn rất nhiều. Trong quá trình trồng lúa thực hiện những biện pháp canh tác không đúng, không phù hợp cho giống đã dẫn tới giống bị thoái hóa làm cây cao, cây thấp, trổ chín không đều làm giảm năng suất lúa.

- Khí hậu: Do điều kiện khí hậu thời tiết bất lợi như quá nắng, quá khô hạn, lũ lụt, yếu tố bức xạ... gây ra hiện tượng biến đổi gen sẽ làm thay đổi cơ bản các đặc điểm nông học của giống.

Biện pháp khắc phục:

Về giống:

- Chọn giống có độ thuần tốt, có nguồn gốc rõ ràng, tên giống, cơ quan sản xuất, hạn sử dụng, người sản xuất phải ghi rõ ràng để có điều kiện kiểm tra lại khi giống không đạt yêu cầu.

- Sau hai vụ sản xuất thì nên thay giống khác trên nền đất đó và nên mua những giống mới ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín như ở các Viện nghiên cứu, Trung tâm giống các tỉnh...

Trên một cánh đồng không nên trồng nhiều giống khác nhau để tránh tạp giao.

Chất lượng lúa giống do các cơ sở sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn như:

+ Giống nguyên chủng: Độ sạch tối thiểu 99%, tạp chất tối đa 1%, hạt giống lẫn có thể phân biệt được 0,05%, hạt cỏ tối đa 5 hạt/kg, tỷ lệ nảy mầm 98%, độ ẩm hạt 13,5%.

+ Giống xác nhận: Độ sạch tối thiểu 99%, tạp chất tối đa 1%, hạt giống lẫn có thể phân biệt được 0,25%, hạt cỏ tối đa 10 hạt/kg, tỷ lệ nảy mầm 95%, độ ẩm hạt 13,5%.

Về phương pháp canh tác:

- Làm vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước khi xuống giống, dọn sạch lúa chét trên nền lúa cũ.

- Cày bừa trục đất thật kỹ, san ruộng bằng phẳng cho hạt lúa cũ vùi xuống tầng đất sâu sẽ không nảy mầm được.

- Gieo sạ với mật độ vừa phải, nên gieo theo hàng để dễ kiểm soát lúa lẫn.

- Phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại thật tốt, đáp ứng đủ nhu cầu về nước, dinh dưỡng cho cây lúa.

- Khử lẫn: Sau khi lúa trổ đều thì tiến hành khử lẫn, cắt tận gốc những bụi lúa có ngoại hình khác với quần thể như cao hơn, thấp hơn, kiểu lá, kiểu bông, màu sắc bông khác thường, trước khi thu hoạch cần tiến hành khử lẫn một lần nữa.

Khâu thu hoạch và sau thu hoạch:

- Thu hoạch đúng độ chín, khi cây lúa có 90% số hạt/bông chín thì thu hoạch là vừa.

- Máy tuốt lúa, máy quạt lúa cần phải vệ sinh sạch sẽ trước khi thực hiện.

- Quét sạch sân phơi trước khi phơi lúa, rũ sạch bao bì trước khi đựng lúa.

Trên đây là những biện pháp khắc phục lúa bị lẫn và dẫn đến thoái hóa. Cơ bản là bà con nông dân cần chú ý nguồn giống mua phải rõ ràng, trước khi gieo sạ cần làm vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, công tác này sẽ khử được mầm bệnh và lúa cũ còn lại, đặc biệt là lúa cỏ. Kiểm soát thật kỹ khi thu hoạch, các công cụ thu hoạch, sân phơi, bao bì sẽ hạn chế được rất nhiều sự lẫn giống và sẽ giảm được sự thoái hóa giống lúa.

KS. Lê Minh

Nguồn: http://thvm.vn/trongtrot/3299

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Cần chú ý rầy nâu hại lúa

Theo thông báo mới nhất của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thì diện tích nhiễm rầy nâu ở các tỉnh Nam bộ trong tuần qua (từ 27/1-2/2/2009) là 70.735 ha (tăng 36.380 ha so với tuần trước).
Như vậy, so với những ngày trước Tết Nguyên đán thì diện tích nhiễm rầy nâu đã tăng đột biến (gấp đôi). Mật số rầy phổ biến từ 750-2.000 con/m2, trong đó có khoảng 5.100 ha bị nhiễm nặng (trên 3.000 con/m2). Ở Cái Bè (Tiền Giang), Châu Thành A (Hậu Giang) có những diện tích mật số lên đến 9.000-10.000 con/m2.
Với diện tích khoảng 1.537.905 ha lúa ĐX ở các tỉnh Nam bộ đã được xuống giống, tuổi lúa đa số ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng. Diện tích lúa thơm (thường là những giống nhiễm rầy) năm nay lại tăng đột biến. Trên đồng ruộng rầy non vẫn đang tiếp tục nở. Sau nhiều ngày lạnh, thời tiết rất có thể sẽ ấm dần trở lại… Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi cho rầy nâu phát sinh, phát triển và gây hại mạnh.
Khi đi kiểm tra, bà con phải lội hẳn xuống ruộng kiểm tra nhiều điểm theo đường chéo góc trên ruộng. Tại mỗi điểm bà con cần vạch lá xem xét kỹ từng gốc lúa, vì rầy nâu chỉ tập trung ở phần gốc này. Chú ý những giống lúa nhiễm rầy như một số giống lúa thơm mà bà con vừa gieo trồng nhiều trong vụ ĐX này.Để hạn chế tác hại của rầy bà con cần hết sức chú ý, thăm ruộng lúa nhà mình thường xuyên để phát hiện sớm và phun xịt thuốc diệt trừ rầy kịp thời.
Nếu phát hiện có rầy nâu, mật số khoảng 3 con/tép thì tiến hành phun xịt thuốc kịp thời.
Để thu được hiệu quả diệt rầy cao, trong việc sử dụng thuốc bà con cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:
1- Phun đúng loại thuốc:
Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng trong dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mấy năm vừa qua, chúng tôi thấy để trừ rầy nâu có những bà con đã pha trộn nhiều loại thuốc trừ sâu (thậm chí cả thuốc trừ bệnh) với nhau, trong đó có cả những loại thuốc không phải là thuốc trị rầy. Vì thế hiệu quả diệt rầy rất thấp.
Để diệt trừ rầy nâu có hiệu quả cao, bà con cần dùng những loại thuốc đặc trị rầy nâu, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của cán bộ chuyên môn tại cơ sở để tránh bị lầm lẫn. Trong bộ thuốc trừ rầy nâu hiện nay có khá nhiều loại thuốc, tùy theo tình hình thực tế tuổi phát dục của rầy nâu trên đồng ruộng lúc phun xịt mà bà con chọn loại thuốc cho phù hợp. Làm sao vừa tiêu diệt được rầy nâu vừa có tác dụng hạn chế tác hại đối với các loài thiên địch trên ruộng lúa, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường.
- Nếu thấy trên ruộng lúa nhà mình rầy cám vừa mới nở hoặc hầu hết là rầy non còn nhỏ tuổi thì bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Butyl 400SC/10WP, Viappla 10BTN/25BTN, Applaud 25SC…
- Nếu trên ruộng chỉ có rầy trưởng thành hoặc có cả rầy non và rầy trưởng thành thì bà con nên dùng một trong các loại thuốc như: Applaud-Bas 27BTN, Vithoxam 350SC, Bascide 50EC, Sachray 200WP, Mipcide 50WP, Goldra 250WP…
2- Phun đúng liều lượng và nồng độ:
Trên bao bì của mỗi loại thuốc, nhà sản xuất đều có ghi hướng dẫn rất cụ thể về liều lượng thuốc cần sử dụng, số lượng bình phun hoặc lít nước thuốc đã pha… cho một đơn vị diện tích. Vậy trước khi phun thuốc bà con nên đọc kỹ những hướng dẫn này và phải tuân thủ đúng những gì mà nhà sản xuất đã hướng dẫn. Tránh pha thuốc quá đậm đặc, nhưng lại rút bớt số lượng bình cần phun hoặc lượng nước cần pha thuốc, không đủ số lượng dung dịch thuốc đã pha, làm cho thuốc không phủ đều trên nhưng vị trí cần phun như nhiều bà con vẫn thường làm trong thời gian vừa qua, nhất là những bà con thuê mướn người khác phun thuốc cho ruộng nhà mình.
3- Phun đúng lúc:
Bà con nên kiểm tra ruộng lúa nhà mình thường xuyên để phát hiện sớm và phun xịt thuốc kịp thời khi mật số rầy đã đạt ngưỡng như đã nói ở phần trên và trên ruộng đa số là rầy non.
Không phun thuốc khi trời quá nắng nóng, nhất là vào các buổi trưa. Không phun thuốc khi cây lúa đang nở hoa, thụ phấn. Không nên phun thuốc khi đang có gió to, khi trời sắp có mưa. Nên phun xịt thuốc vào các buổi chiều mát hay lúc sáng sớm là thời điểm rầy bò ra nhiều thì rầy sẽ chết nhiều hơn.
4- Phun đúng cách:
Khác với nhiều loại sâu hại khác, rầy nâu chỉ tập trung ở phần gốc của cây lúa để hút nhựa. Vậy khi phun xịt, bà con nhớ hướng vòi phun xuống sát phần gốc của cây lúa để rầy dễ bị dính thuốc. Tránh tình trạng hua hua vòi phun trên mặt ruộng như một số bà con hoặc những người đi phun xịt mướn vẫn thường làm. Đối với những ruộng lúa tốt bít bùng, những ruộng lúa cao cây, những ruộng lúa đòng trỗ trở đi bà con nên rẽ lúa thành hàng cách nhau khoảng 1,2-1,5 mét rồi mới phun xịt xuống phần gốc của cây thì rầy dễ dính thuốc hơn.
Nếu điều kiện cho phép, trước khi phun xịt, nên đưa nước vào ruộng ngập cao gần ngọn lúa để rầy tập trung lên phía trên, dễ bị tiêu diệt hơn.

Hậu Giang: Rầy nâu bùng phát trên giống lúa Jasmine 85

Sáng 5/2, ông Lê Văn Đời - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết: Hiện nay, rầy nâu đang xuất hiện với mật số lớn ở vùng sản xuất giống lúa Jasmine 85 tại huyện Châu Thành A. Đã có 40 ha gieo sạ giống lúa Jasmine 85 nhiễm rầy nặng với mật số từ 12.000-15.000 con/m2 ở xã Trường Long Tây, Trường Long A, huyện Châu Thành A.
Trước tình hình này, Chi cục BVTV tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật xuống khoanh vùng dập dịch với diện tích 640 ha. Nguyên nhân, rầy bùng phát là do đợt xuống giống tháng 12/2008 trùng với một số tỉnh lân cận Sóc Trăng, Bạc Liêu thu hoạch lúa mùa làm rầy di trú sang.
NGUYỄN DANH VÀN

ĐBSCL: Làm lúa Tài Nguyên thu lãi rất cao


Nông dân trồng giống lúa Tài Nguyên ở Thạnh Trị, Sóc Trăng thu về lãi ròng cao gấp 3 lần lúa CLCLúa đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 300.000/1,4 triệu ha đã xuống giống, năng suất bình quân khoảng 5,5 – 6 tấn/ha. Và điều làm nhà nông vui là lúa được giá. Đối với giống chất lượng cao (CLC) nông dân thu lãi bình quân khoảng 10 triệu đồng/ha, giống lúa thơm cao gấp đôi, đặc biệt giống lúa mùa địa phương (Tài Nguyên) lãi cao gấp 3 lần lúa CLC.
Ông Trần Minh Hứa, ấp Kiết Lập B, xã Lâm Tân, người đồng bào dân tộc Khmer vui vẻ cho biết: Vừa thu hoạch 1 ha lúa được gần 10 tấn, giá lúa đã 4.500 đồng/kg. Với giá này sau khi trừ chi phí cũng còn lãi được hơn 50%. Và điều mà nông dân trồng lúa rất mừng nữa là nhà nước bình ổn được giá phân, thuốc, xăng dầu và lãi suất ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, ấp 12, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng chuẩn bị thu hoạch 1 ha lúa Tài Nguyên nói: Sau hơn 6 tháng hạt lúa trượt dốc thì nay đã hồi sinh. Vụ đông xuân này nông dân Vĩnh Lợi chúng tôi trồng giống lúa Tài Nguyên đã nhẹ thở và có tiền trả được nợ của vụ lúa hè thu rồi. Mặc dù chưa thu hoạch nhưng tôi đã biết chắc sẽ thu về lãi cao. Hiện tại, lúa mới suốt thương lái ra tận ruộng thu mua là 6.000đ/kg, lúa khô 7.000đ/kg, tăng hơn 2.000đồng/kg so đầu vụ. Ông Nghiệp nhẩm tính: Với năng suất 6 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 10 triệu đồng/ha thì vẫn còn thu lãi ròng trên 30 triệu đồng/ha.
Nông dân trồng lúa Tài Nguyên đầu tư 1 vốn thu về 3 lời. Ông Lý Khoa, chủ doanh nghiệp xay xát lúa gạo tại xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng nói: Bây giờ buổi sáng ra bất cứ quán cà phê nào trong xã đều chỉ có chuyện thu được bao nhiêu bao lúa Tài Nguyên, bán giá mấy và lãi bao nhiêu. Ông Huỳnh Văn Đoàn (58 tuổi), ấp 22, xã Thạnh Trị, Sóc Trăng không giấu được niềm vui, khẳng định: Vụ đông xuân này nông dân nào đeo bám với cây lúa Tài Nguyên đều hốt bạc cả. Tôi có 7 ha trồng giống lúa Tài Nguyên đang chuẩn bị thu hoạch, với giá 7.000 đồng/kg thì cầm chắc lãi ròng trên 200 triệu.
Vụ lúa đông xuân này nông dân huyện Thạnh Trị đã xuống giống 22.632 ha, trong đó có khoảng 10.000 ha lúa Tài Nguyên. Lúa đông xuân đã thu hoạch được hơn 50%, năng suất bình quân từ 5,5 – 6 tấn/ha. Giá lúa thơm nhẹ cũng đã tăng lên đang làm cho bà con phấn khởi, riêng lúa Tài Nguyên bà con ai trồng đều rất vui khi doanh nghiệp tại địa phương và thương lái ở Long An đang săn lùng thu mua. Tại Bạc Liêu, nông dân trồng giống lúa Tài Nguyên ở huyện Vĩnh Lợi cũng đang rộn vui. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch được gần 1.000/8.600 ha lúa Tài Nguyên, năng suất ước 6 tấn/ha. Ông Nguyễn Tấn Phục, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: Lúa Tài Nguyên năm nay trúng về năng suất và trúng giá chưa từng có. Hiện thương lái mua 6.500đ/kg, cao hơn khoảng 3.000đ/kg so với lúa hè thu. Với giá này, nông dân đạt lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa chất lượng cao khác.
Không chỉ trồng lúa Tài Nguyên mà người trồng giống lúa Một bụi đỏ ở hai huyện Phước Long và Hồng Dân cũng đang thắng đậm. Khoảng 12.000 ha lúa Một bụi đỏ đang vào thu hoạch rộ, năng suất ước 4,5 - 5 tấn/ha. Anh Trần Văn Cạnh, ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, vui vẻ nói: “Tôi vừa thu hoạch lúa xong được hơn 4,5 tấn/ha và rất mừng giá lúa đã tăng hơn 20.000 đồng/giạ so với tháng trước”, trừ chi phí thu lời khoảng 20 triệu đồng/ha.
Thống kê của Cục Trồng trọt, vụ đông xuân này giống lúa chất lượng thấp như: IR 50404, Hàm Trâu chỉ chiếm khoảng 15% trên tổng diện tích gieo trồng. Cơ cấu giống lúa thơm nhẹ như VD 20, Jasmine tăng mạnh. Và đến giờ này có thể khẳng định rằng việc chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp theo từng vùng, địa phương sẽ giúp cho nông dân được vụ ĐX thắng lợi.
Thanh Phong

Bỏ vụ xuân hè có giảm tổng sản lượng lúa?

Giảm dần để tiến tới việc bỏ hẳn vụ lúa xuân hè đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng để ổn định sản xuất lúa theo hướng bền vững ở ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn e ngại vì sợ giảm tổng sản lượng lúa…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT), vụ xuân hè đã xuất hiện ở ĐBSCL từ hơn 10 năm trở lại đây, khi hệ thống thuỷ lợi nội đồng, tập quán canh tác và mạng lưới thu mua đã được hình thành, mang lại lợi ích kinh tế nhất định cho người sản xuất. Hiện nay, diện tích lúa xuân hè dao động trong khoảng từ 100.000-150.000 ha, chủ yếu ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Hậu Giang. Vụ lúa này nằm trong vùng sản xuất có cơ cấu 3 vụ lúa/năm: đông xuân – xuân hè – hè thu (một số địa phương gọi đông xuân sớm – xuân hè – hè thu hoặc đông xuân – hè thu sớm – hè thu chính vụ).
Với tổng sản lượng hàng năm vào khoảng 400.000- 600.000 tấn lúa, giải quyết việc làm và thu nhập cho khoảng 150.000 lao động, vụ xuân hè đã chiếm được một vị trí nhất định trong cơ cấu mùa vụ và thu nhập của nông dân ở các tỉnh nói trên. Chính vì vậy, nhiều địa phương vẫn còn ngần ngại trong việc giảm dần diện tích để rồi bỏ hẳn vụ lúa này. Hai nỗi e ngại lớn của các địa phương là: bỏ vụ xuân hè sẽ làm giảm tổng sản lượng lúa cả năm; nhiều nông dân bị ảnh hưởng tới công ăn, việc làm
Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, chúng ta hoàn toàn có thể bù lại sản lượng lúa bị thiếu hụt do giảm rồi bỏ vụ xuân hè. Theo đó, giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp khoảng cách về năng suất lúa giữa ruộng này với ruộng khác, giữa cánh đồng này với cách đồng khác, giữa nông dân này với nông dân khác và giữa các vùng sinh thái khác nhau. Thực tế trên đồng ruộng ĐBSCL hiện nay, năng suất lúa vẫn đang tồn tại nhiều sự khác nhau giữa các ruộng lúa. Trên cùng một cánh đồng, có những ruộng lúa đạt 6-7 tấn/ha, trong khi nhiều ruộng khác lại chỉ đạt 4-5 tấn/ha. Năng suất lúa giữa hộ nông dân này với hộ nông dân khác, cánh đồng này với cánh đồng khác, giữa vùng này với vùng khác, cũng đang tồn tại một khoảng cách đáng kể.
Bởi vậy, nếu đẩy mạnh hiện đại hoá trong sản xuất lúa (GAP, thuỷ lợi nội đồng, 3 giảm 3 tăng, cơ giới hoá canh tác và sau thu hoạch…), chúng ta hoàn toàn có thể thu hẹp tối đa khoảng cách về năng suất lúa, qua đó làm tăng đáng kể tổng sản lượng lúa cả năm. Chẳng hạn, nếu nhờ thu hẹp khoảng cách năng suất mà năng suất lúa cả năm của toàn vùng tăng thêm được 0,5 tấn/ha, thì tổng sản lượng lúa tăng thêm sẽ đạt 800.000 tấn. Còn nếu năng suất chung này tăng thêm được 1 tấn/ha, tổng sản lượng tăng thêm sẽ vào khoảng 1,6 triệu tấn. Rõ ràng, lượng lúa tăng thêm nói trên cao hơn nhiều so với lượng lúa bị giảm đi do bỏ vụ xuân hè.
Việc giảm dần rồi bỏ hẳn vụ xuân hè cũng mang tới ngay những lợi ích cho người trồng lúa. TS Phạm Văn Dư cho biết, nếu bỏ vụ lúa xuân hè, nông dân sẽ có đủ thời gian cần thiết để cải tạo đất. Điều này sẽ làm cho năng suất lúa hè thu được tăng thêm từ 0,2-0,5 tấn/ha, thậm chí ở An Giang, năng suất tăng thêm có thể lên tới 1 tấn/ha. Bên cạnh đó, nông dân lại có thể tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng tiền thuốc BVTV trên mỗi một ha, do sâu bệnh sẽ giảm hẳn trên lúa hè thu. Mặt khác, nếu bỏ vụ lúa xuân hè, nông dân hoàn toàn có thể tranh thủ gieo trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác trên nền đất lúa, nhờ đó, công ăn việc làm của họ không hề bị ảnh hưởng, thu nhập cũng sẽ không giảm đi mà hoàn toàn có thể cao hơn do nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác có giá trị cao hơn lúa.
Trong khi đó, nếu cứ tiếp tục duy trì vụ lúa xuân hè như hiện nay sẽ gây ra những tác hại lớn tới sự bền vững trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Xét về mặt khoa học, vụ xuân hè là nguồn gây tái phát dịch bệnh rầy nâu, VL, LXL, trên vụ hè thu. Vụ xuân hè sẽ khiến cho nông dân không có thời gian cải tạo đất, làm cho đất nhanh chóng bị thoái hoá. Việc duy trì vụ xuân hè sẽ khiến cho có điều kiện để biến hoá sang những dạng mới khó phòng, khó trị hơn (lâu nay, giống vẫn được dùng như một giải pháp quan trọng để kiềm chế sự biến hoá của dịch bệnh, nhưng tốc độ ra giống mới lại chỉ bằng 1 phần nghìn so với tốc độ biến hoá của dịch bệnh). 3 yếu tố trên đánh đổ sự bền vững trong sản xuất lúa ở ĐBSCL, gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh lương thực quốc gia.
Chính vì vậy, việc giảm dần rồi bỏ hẳn vụ xuân hè đang rất cần sự đồng thuận và đòi hỏi một ý chí tổng thể từ Bộ NN- PTNT tới chính quyền, Sở NN- PTNT các địa phương và bà con nông dân. Trong đó, phải hình thành được hệ thống sản xuất giống tốt và quản lý chặt chẽ việc phân phối giống xuống nông dân, đưa những giống có khả năng chống chịu rầy nâu, VL, LXL theo hướng đa dạng hoá nguồn gen trên đồng ruộng, tránh tình trạng một vài giống chiếm quá nhiều diện tích.
THANH SƠN

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009

Một công cụ mới diệt trừ rầy nâu hữu hiệu

Rầy nâu (RN) là mối đe dọa thường trực đối với ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, một vùng trồng lúa quan trọng của cả nước. Một trong những đặc điểm sinh học cơ bản của RN là chúng sống dưới gốc lúa và chích hút nhựa ở bẹ lá lúa, nên với những loại bình bơm phổ biến hiện nay rất khó có thể phun xịt đến tận gốc để diệt rầy.
Mới đây có một loại công cụ khác có thể giúp cải thiện tình hình để diệt RN đúng cách. Đó là “xe phun xịt dung dịch” của anh Phạm Hòang Thắng, giám đốc Doanh nghiệp nhựa Hòang Thắng, dùng để áp dụng thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ, phân bón lá và các dung dịch tương tự trên ruộng cây trồng. Những điểm khác biệt cơ bản của xe phun xịt này với các bình phun thuốc đeo vai thông thường hiện nay là: xe phun xịt được di chuyển trên hai bánh xe chứ không phải đeo trên vai; áp suất trong bình phun được tạo ra từ hệ thống pít- tông bởi quá trình di chuyển của hai bánh xe liên kết với phần trục khuỷu của trục bánh xe nhờ một hệ thống tay đòn; khi kéo xe đi phun, người sử dụng đi phía trước nên giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc với chất hóa học độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người.Tuy nhiên từ khi được công nhận đến nay đã trên 2 năm, xe phun xịt vẫn chưa đi vào cuộc sống phục vụ sản xuất một cách thiết thực. Sau khi quan sát, một số chuyên gia trong ngành đã đề xuất một số cải tiến để hoàn thiện công cụ này. Các cải tiến mới như: Thay giàn bơm áp suất hoạt động bởi bánh xe bằng một động cơ xăng mini hiệu Honda 1 mã lực với mức tiêu hao nhiên liệu 1 lít xăng cho 4 giờ hoạt động. Kế đến là lắp đặt hệ thống theo dõi và điều chỉnh áp suất trong bình phun. Sau nữa là các ống vòi phun được bố trí nghiêng xuôi ra phía sau, luồn xuống dưới gốc lúa để phun trực tiếp lên khu vực sinh sống của quần thể rầy nâu. Hiện nay mẫu máy cuối cùng có các đặc điểm sau: Chiều dài máy từ trước ra sau 1,7 m; chiều cao 1,2 m; trọng lượng máy 27 kg; thùng chứa dung dịch 34 lít có thể phun cho 1.000 m2; chiều rộng giữa hai bánh xe 1,4 m; chiều ngang giàn phun 5m; khoảng cách giữa các ống gắn béc là 0,5 m . Ưu điểm cơ bản của công cụ này là cho phép điều chỉnh độ cao vòi phun rà sát tận gốc lúa để diệt rầy mà không bị vướng do cây lúa cao, rậm rạp. Áp suất cao được tạo ra bởi động cơ nên những giọt thuốc được trải nhuyễn, mịn, đều và có thể điều chỉnh theo ý muốn. Với công cụ phun tận gốc này nông dân có thể đảm bảo việc phun đúng cách vào giai đoạn 40- 45 ngày sau sạ nếu trong ruộng có khoảng 3 con rầy/tép lúa nhằm bảo vệ lúa không bị cháy rầy, kết hợp với ba nguyên tắc đúng đắn còn lại như: đúng loại thuốc (nếu chỉ chống lột xác thì dùng nhóm buprofezin) để diệt cả rầy non và rầy trưởng thành, thuốc vừa có tính tiếp xúc, vị độc và cả lưu dẫn thì dùng một trong những hoạt chất thuộc các nhóm như: fenobucarb, imidacloprid, benfuracarb, dinotefuran, clothianidin…; đúng liều lượng theo sự hướng dẫn ghi trên bao bì, cần lưu ý phun đủ lượng nước để thuốc được trải đều dưới gốc. Hy vọng công cụ mới này sẽ góp phần vào việc khống chế hữu hiệu rầy nâu, bảo vệ ruộng lúa cho bà con nông dân.
Quang Mẫn (Theo Tư liệu kiến thức nhà nông )

Vụ Lúa Đông Xuân 2008-2009: Nông Dân Trồng Lúa Sẽ Có Lãi

TT - Vụ lúa đông xuân nhiều nơi tại khu vực ĐBSCL đã xuống giống gần một tháng. Theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng vụ lúa năm nay nông dân sẽ thắng lớn cả về năng suất lẫn giá cả.
Trở lại vùng chuyên canh lúa chất lượng cao huyện Cai Lậy (Tiền Giang) những ngày cuối cùng của năm 2008, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nụ cười của nông dân bên những cánh đồng lúa vừa gieo sạ được 20-30 ngày tuổi. Đưa chúng tôi đi xem cánh đồng lúa chất lượng cao an toàn của xã, ông Trương Văn Bảy ở ấp 5, xã Mỹ Thành Nam cho biết từ ngày gieo sạ tới nay, ngày nào cũng dành 2-3 giờ “khảo sát” đám ruộng và nhận thấy lúa đang phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh. “Với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn vụ đông xuân này bà con trồng lúa sẽ thắng lớn” - ông Bảy khẳng định.

Tập trung giống chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Văn Khang - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, sau “sự cố” lúa IR 50404 tồn đọng bán không được, từ vụ đông xuân này nông dân đã quay sang trồng lúa chất lượng cao và lúa thơm. Hiện toàn tỉnh có tới 50% diện tích trồng lúa hạt dài, chất lượng cao, 30% trồng lúa thơm và chỉ 20% lúa thường (chủ yếu là IR 50404). Tương tự, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL lúa chất lượng cao và lúa thơm vụ đông xuân này cũng chiếm 70-80% diện tích.
Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hiện nay các địa phương đang cố gắng giúp nông dân giảm chi phí đầu tư sản xuất lúa để nâng cao lợi nhuận. Nếu như vụ hè thu 2008 chi phí đầu tư sản xuất lúa lên tới 3.000 đồng/kg, thì vụ này Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL phấn đấu kéo giảm còn 1.700-2.000 đồng/kg. Do giá phân bón hiện đang giảm mạnh nên khả năng chi phí đầu vào sẽ còn giảm.
Ông Khang cho biết trong hội nghị về lương thực mới đây, Hiệp hội Lương thực VN đã cam kết với Thủ tướng là vụ đông xuân này các doanh nghiệp (DN) sẽ phấn đấu mua lúa hạt dài, chất lượng cao của nông dân với giá 3.500-4.000 đồng/kg. Do đó, nếu năng suất trung bình 6 tấn/ha, giá lúa 3.500 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư là 2.000 đồng/kg thì nông dân sẽ thu lãi khoảng 9 triệu đồng/ha. Nếu giảm thất thoát sau thu hoạch và tiết kiệm chi phí sản xuất nhiều hơn nữa thì lãi sẽ còn cao hơn. Đặc biệt, đối với những hộ trồng lúa thơm thì tiền lãi chắc chắn sẽ rất cao. Ông Nguyễn Văn Đồ ở xã Mỹ Thành Nam tính toán: “Lúa thơm hiện nay khoảng 7.000 đồng/kg. Với năng suất 6 tấn/ha và trừ phi phí đầu tư tối đa 3.000 đồng/kg, nông dân sẽ thu lãi tới 24 triệu đồng/ha”.
Giá lúa sẽ tăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-12-2008, một lãnh đạo Công ty Lương thực Long An cho biết mặc dù hiện nay giá gạo trên thị trường thế giới vẫn còn ở mức thấp, nhưng với những tín hiệu khả quan về tiêu thụ cho thấy trong những tháng đầu năm 2009 giá lúa gạo sẽ tăng. “Hiện nay nhiều DN vẫn xuất khẩu gạo, nhưng lượng xuất sẽ tăng nhiều trong những tháng đầu năm 2009. Trong đó, riêng tháng 1-2009 sẽ xuất khoảng 120.000 tấn gạo 5% tấm sang thị trường Iraq, tháng 2-2009 sẽ xuất một lượng đáng kể sang thị trường châu Phi” - vị lãnh đạo này tiết lộ.
Thị trường lúa gạo ĐBSCL trong những ngày cuối năm 2008 cũng rất sôi động. Một số địa phương như Long An, Bạc Liêu... đã bắt đầu thu hoạch lúa thu đông gặp ngay lúc các DN đang thu mua gạo tạm trữ (Thủ tướng chỉ đạo mua 1 triệu tấn lúa, tương đương 500.000 tấn gạo đến hết tháng 2-2009), nên lúa thu hoạch bao nhiêu đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Hiện nay do được vay vốn với lãi suất ưu đãi nên các DN đang đẩy mạnh thu mua gạo của thương lái để tạm trữ. Bên cạnh đó, thị trường nội địa dịp tết này cũng gia tăng mức tiêu thụ, nên giá lúa gạo trong nước cũng đang ở mức khá cao so với cách đây vài ba tháng. Giá lúa mới thu hoạch (chưa đạt tiêu chuẩn độ ẩm) được thương lái thu mua với giá 3.000-3.500 đồng/kg tùy loại lúa thường hay hạt dài. Với giá này nông dân đã có lãi chút đỉnh chứ không bị lỗ như lúc lúa gạo tồn đọng vài tháng trước.
Một số DN xuất khẩu cho biết năm nay vụ đông xuân sẽ thu hoạch muộn khoảng một tháng. Phải đến tháng 3-2009 các tỉnh ĐBSCL mới thu hoạch rộ. Trong khi đó từ tháng 1 đến tháng 2-2009 nhu cầu tiêu thụ lúa gạo hạt dài, chất lượng cao để chế biến gạo 5% tấm cho xuất khẩu khá lớn. Dự báo thời điểm giáp hạt từ tháng 2 đến tháng 3-2009 sẽ khan hiếm lúa gạo loại này, nên chắc chắn giá sẽ tăng cao. Tuy nhiên, từ tháng 3-2009 trở đi tình hình tiêu thụ và xuất khẩu ra sao thì chưa có DN nào tiên lượng được. Tuy vậy, nhiều người vẫn khẳng định họ rất tin tưởng trong năm 2009, đặc biệt là vụ đông xuân này sẽ thắng cả về năng suất lẫn giá cả.
TS LÊ VĂN BẢNH (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL):
Đảm bảo người trồng lúa có lãi trên 30%
Vụ đông xuân 2008-2009, ĐBSCL đã xuống giống 1,5 triệu ha. Hiện trà lúa ở các tỉnh đều phát triển tốt, tình hình sâu bệnh và dịch vàng lùn - lùn xoắn lá giảm hẳn so với các niên vụ trước trong khi giá vật tư, phân bón đều hạ nhiệt. Dự báo vụ đông xuân năm nay sẽ trúng mùa, sản lượng lúa thu hoạch sẽ không dưới 10 triệu tấn.
Trong khi đó, tình hình lúa gạo trên thị trường thế giới đang khả quan hơn do các nước tăng mua dự trữ, chính sách kích cầu ngăn chặn khủng hoảng kinh tế được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nạn đói châu Phi tiếp tục căng thẳng nên nhu cầu nhập gạo sẽ tăng cao. Riêng thị trường trong nước, Chính phủ tiếp tục cam kết thu mua lúa cho dân, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Philippines, Iraq, châu Phi, Indonesia... đảm bảo cho người trồng lúa có lời tối thiểu 30%.(H.T.DŨNG - M.GIẢNG ghi)
VÂN TRƯỜNG

Vấn đề phát triển giống lúa lai ở Việt Nam

Những năm qua, cây lúa lai đã trở thành một trong những giống lúa cho năng suất và hiệu quả khá cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng thành chương trình phát triển 1 triệu ha lúa lai vào năm 2010. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi phải có một sự nỗ lực rất cao của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền các địa phương. Nhưng xung quanh việc đưa cây lúa lai vào trồng còn nhiều vấn đề cần phải bàn tới, đó là trình trạng một số giống lúa lai không có hạt. Mặc dù, quy trình khảo nghiệm giống lúa lai mới khá cụ thể và rõ ràng nhưng việc xảy ra những sai sót không đáng có trong khâu giống đã đặt ra phải có sự kiểm nghiệm chặt chẽ hơn. Một thực tế cho thấy hiện nay là, đa số các giống lúa lai đang được trồng ở Việt Nam là những giống lúa được nhập nhẩu từ Trung Quốc. Hàng năm, chúng ta vẫn phải nhập trên 80% lúa giống F1 từ Trung Quốc về sản xuất tại Việt Nam gọi là lúa lai thương phẩm, với các tên giống lúa lai hiện đang cho năng suất cao như Khang Dân, Hải Phong, Q1, Q5.. Chính điều đó đã cho thấy sự mất tự chủ của chúng ta trong khâu giống. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong số 55 giống lúa lai 3 dòng mà Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương tiến hành khảo nghiệm chỉ vẻn vẹn… có 2 giống của Việt Nam, còn là của Trung Quốc. Do không chủ động được giống, nên tuy Bộ đề ra kế hoạch sản xuất hạt lai F1 trong vụ đông xuân vừa qua là 1.500 ha, nhưng các địa phương chỉ sản xuất được trên 1.200 ha. Việc phụ thuộc vào các giống lúa lai Trung Quốc đã khiến cho nhiều địa phương không thể chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như ổn định về chất lượng giống. Do các giống lúa lai thường có ưu điểm là ngắn ngày, năng suất cao nhưng có nhược điểm là khả năng chống chịu sâu bệnh kém, đòi hỏi qui trình chăm sóc rất nghiêm ngặt. Do vậy, khâu khảo nghiệm đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần phải đưa vào sản xuất thử, nếu đạt yêu cầu mới đem ra trồng đại trà. Điển hình như Nghệ An trong những năm qua rất quan tâm, chú trọng chọn cây lúa lai để phát triển nhằm nâng cao năng suất và thu nhập. Mặc dù kết quả khả quan nhưng việc nhầm lẫn để xảy ra tình trạng lúa lai không hạt luôn là bài học đắt giá với những người làm nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, vụ chiêm xuân năm nay đã là năm thứ 3 triển khai giống lúa lai Q1, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục cho trồng khảo nghiệm trên diện tích của 29 xã thuộc nhiều vùng khí hậu khác nhau từ miền núi đến các xã vùng biển. Với mục đích nhằm có được kết luận chính xác, trung thực nhất khi xin phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho công nhận là giống chuẩn quốc gia. Vào đầu tháng 5 vừa qua, tại hội nghị đầu bờ của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tỉnh cùng với đơn vị cung cấp giống đã có nhiều ý kiến đánh giá về cây lúa lai mà cụ thể là giống lúa lai F1. Đây là gống lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với giống lúa khác từ 5- 10 ngày. Chính ưu điểm này có thể tránh được lũ, bão sớm. Theo đánh giá của bà con nông dân năng suất của giống lúa lai này có thể cho từ 8 - 10 tấn/ha. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển giống lúa lai F1 có thể kháng được rầy và bệnh đạo ôn cao, đặc biệt tránh được bệnh bạc lá, một căn bệnh chung của các giống lúa lai khi được trồng tại Việt Nam. Mặc dù, hiệu quả kinh tế của cây lúa lai đã rõ ràng, nhưng việc bao giờ chủ động được giống lúa lai vẫn đang là bài toán đặt ra với ngành nông nghiệp Việt Nam. Các Viện Nghiên cứu lúa của chúng ta mặc dù vẫn hoạt động, nhưng hiệu quả thực sự vẫn còn xa với yêu cầu thực tế. Nếu đem so sánh lực lương nghiên cứu của Trung Quốc sẽ thấy họ có khoảng 500 cán bộ nghiên cứu trong khi đó Việt Nam có chưa đầy 50 cán bộ. Hàng năm, Trung Quốc được hỗ trợ kinh phí của nhà nước tới hàng triệu đô la để tìm giống lúa mới thì ở Việt Nam con số này là rất thấp. Để khắc phục tình trạng không chủ động được về giống lúa lai, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ một phương án “dài hơi”, đó là mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu. Bên cạnh đó, kêu gọi liên kết hợp tác với các chuyên gia Trung Quốc, hay các chuyên gia nước khác để sản xất ra giống lúa bố mẹ ngay tại Việt Nam. Vừa qua, Công ty giống Trùng Khánh của Trung Quốc đã có những chuyến khảo sát tại Nghệ An, với mong muốn chọn địa điểm và tìm đối tác để hợp tác xây dựng một trại nghiên cứu chọn tạo giống lúa tại Việt Nam. Nếu đi vào hoạt động phía tỉnh Nghệ An sẽ cung cấp đất đai, con người và tài chính, còn phía Trùng Khánh chuyển giao công nghệ, gửi chuyên gia để cùng nhau xây dựng trại giống. Theo ý kiến của lãnh đạo Công ty, Trùng Khánh khẳng định nếu giống lúa lai được nghiên cứu chọn tạo và sản xuất tại Việt Nam thì khả năng kháng chịu sâu bệnh chắc chắn sẽ cao hơn hiện tại, năng suất cũng sẽ cao hơn từ 2-4 tấn/ha. Để chương trình giống lúa lai phát triển bền vững, chương trình không những chỉ quan tâm đến nông dân được hưởng lợi mà còn đề cập đến các doanh nghiệp cũng được tham gia sản xuất giống lúa lai. Đây được coi là một bước đột phát thế độc quyền lâu nay khuyến nông chỉ làm với nông dân để sản xuất ra F1, sau đó các doanh nghiệp thu mua bán sang cho đơn vị khác, địa phương khác. Trong pháp lệnh giống cây trồng do Chủ tịch nước ký ngày 5/4/200 có khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp sử dụng giống cây trồng mới có năng suất cao và chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu thị trường. Và pháp lệnh cũng qui định rõ trách nhiện cụ thể của các Bộ, Ban, Ngành liên quan cùng chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện tượng lúa lai kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương cho thấy việc vi phạm pháp lệnh giống cây trồng vẫn còn là “rào cản” để những tiến bộ về lúa lai chưa đến được với bà con nông dân. Hy vọng rằng trong thời gian tới công tác chọn tạo giống của chúng ta sẽ được kiểm soát và khảo nghiệm một cách nghiêm túc hơn, tránh tình trạng thí nghiệm trên lưng bà con nông dân, cũng như phải giảm mục tiêu phát triển diện tích lúa lai từ 1 triệu ha/năm xuống còn hơn một nửa.
Nguồn: Tạp chí Nông thông mới, Số 179/20065

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2009

Cần sử dụng thuốc trừ cỏ Sofit 300 EC đúng kỹ thuật

Từ khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Sofit 300 EC là một trong những thuốc trừ cỏ được bà con nông dân ưa chuộng nhất. Phải thừa nhận rằng, thuốc Sofit đã giúp đỡ rất nhiều cho nhà nông trong việc quản lý cỏ dại hại lúa.
Với điều kiện sinh thái vùng ĐBSCL rất phù hợp cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ Sofit, đặc biệt là vụ ĐX, sau thời gian ngập lũ kép dài, đất rất nhiều bùn nhão nên giữ ẩm được lâu dài càng làm cho thuốc Sofit tác dụng tốt. Ưu điểm nổi bật của thuốc trừ cỏ Sofit là diệt được nhiều loài cỏ thuộc cả 3 nhóm cỏ hòa thảo, cói lác và lá rộng.
Vì thế với những chân ruộng bằng phẳng, chủ động được nước thì chỉ cần phun thuốc Sofit một lần là đảm bảo sạch cỏ suốt vụ. Ngoài ra thuốc Sofit còn hạn chế được sự nảy mầm, ức chế sự phát triển của lúa cỏ (một loại dịch hại quan trọng cho sản xuất lúa ở nhiều nơi thuộc ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung). Thuốc Sofit 300 ND rất an cho lúa trong điều kiện sử dụng đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Thuốc Sofit 300 ND phát huy hiệu quả diệt cỏ tốt và an toàn cho lúa trong điều kiện đất được xới, đánh bùn thật kỹ, nước không đọng vũng, lúa được ngâm ủ thành mộng, đã ra rễ và sử dụng lúc 1-3 ngày sau khi sạ. Từ trước đến nay rất ít khi thấy nông dân phàn nàn về sự ngộ độc của thuốc Sofit đối với lúa.
Nhưng một khi không tuân thủ những điều kiện trong sản xuất thì thuốc Sofit sẽ phản tác dụng. Anh Đủ (Ô Môn - Cần Thơ) vừa qua đã bị hỏng cả 4 công lúa do sử dụng thuốc trừ cỏ Sofit không đúng kỹ thuật.
Hôm ấy, anh Đủ ngâm lúa giống để sạ. Dự định anh sạ lúa vào buổi chiều nên anh thuê máy xới xới đất và trang phẳng mặt ruộng vào buổi sáng, nhưng do giống của anh nảy mầm không đều nên anh quyết định thay giống khác. 3 ngày sau anh mang lúa ra sạ thì ruộng đã khô, mặt đất bị se lại, hạt giống mới chỉ nhú mầm, chưa ra rễ. Anh sạ lúa trên đất khô và phun ngay thuốc diệt cỏ Sofit với lượng 1,2 lit/ha, hôm sau anh cho bơm nước vào ruộng, ngâm một ngày rồi rút nước đi.
Trong điều kiện bình thường như thế thì lúa sẽ mọc rất đều. Nhưng lạ thay, một tuần sau mà hạt lúa vẫn nằm trơ trơ trên mặt đất, mầm lúa có dài ra nhưng quăn tít, không phát triển thành lá, rễ lúa không phát triển và không bám được vào đất. Khi mưa xuống lúa nổi đầy mặt ruộng và tụ thành từng đám. Rõ ràng, đây là triệu trứng của lúa bị ngộ độc bởi thuốc cỏ mà nguyên nhân là do anh Đủ sử dụng thuốc Sofit không đúng kỹ thuật. Lẽ ra anh phải bơm nước vào, xới lại đất, ngâm ủ lúa cho ra mầm, ra rễ thì mới sạ và 1-3 ngày sau mới nên phun thuốc. Khi đó cây lúa đã phát triển và có rễ, phun thuốc cỏ lúa không bị ngộ độc. Anh Đủ sạ lúa trên đất khô, phun thuốc khi hạt lúa chưa ra mầm, ra rễ, chính vì thế mà trong trường hợp này chất an toàn không được rễ hấp thu nên đã gây ra ngộ độc cho lúa.
Qua đây, người viết muốn lưu ý đến bà con nông dân khi sử dụng thuốc trừ cỏ Sofit 300 EC, ngoài tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng nông dược thì cần phải hết sức quan tâm đến những điều kiện ngoại cảnh trên ruộng lúa như thời tiết, độ ẩm đất, các kỹ thuật ngâm ủ lúa hạt giống… có như thế thì mới đảm bảo được sự phát huy tốt nhất hiệu quả diệt cỏ của các loại thuốc nói chung và thuốc trừ cỏ Sofit 300 ND nói riêng.
ThS.Trần Văn Hiến

Cách sử dụng thuốc trừ cỏ cho lúa xuân

Vụ xuân 2008, một số diện tích lúa nước ở các tỉnh phía Bắc phun thuốc trừ cỏ sớm ngay sau khi cấy, sau đó gặp rét kéo dài và một số chân ruộng cấy mạ non do mạ quá thấp ruộng lại có mức nước quá đầy làm ngập đỉnh sinh trưởng của cây, kết quả là lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ, cây lúa chột, vàng lá, lùn cây, lâu hồi xanh, chậm đẻ nhánh gây hoang mang cho nông dân.
Xin giới thiệu cách sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn cho lúa xuân:
Chỉ phun thuốc trừ cỏ khi thấy chắc chắn cây lúa đã bén rễ hồi xanh, nhiệt độ ngoài trời trên 13oC. Thuốc trừ cỏ cho hiệu quả cao khi mặt ruộng có một lớp nước ngập 2-3cm hoặc có độ ẩm bão hoà, nhẵm mềm chân.
Như vậy đối với vụ xuân, sau cấy 15-25 ngày tuỳ theo nhiệt độ môi trường, khi lúa hồi xanh (nhổ thấy có rễ mới ra màu trắng, ra thêm được 1/2-1 lá) mới tiến hành phun thuốc trừ cỏ.
Lựa chọn loại thuốc trừ cỏ: Trước khi phun thuốc trừ cỏ nên quan sát bề mặt ruộng lúa, nếu thấy bề mặt ruộng chưa thấy cỏ mọc dùng các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như: Machete 60EC; Butavi 60EC; Venus 300EC...
Thấy ruộng lúa có nhiều loại cỏ lá hẹp và lá rộng giai đoạn nhú mầm (cây cỏ có dưới 2 lá): Dùng các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm như: Pyanchor 3EC; Rat 800WG; Tar 10WP; Beron 10WP; Beto 14WP…
Ruộng lúa có nhiều cỏ lá rộng đã lớn (cây cỏ cao 2-3 cm) như dền gai, dừa cạn, cỏ ớt, cỏ bợ, cỏ mực… dùng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm đặc trị loại cỏ hai lá mầm (xem kỹ phần hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm): Zico 48SL; 2,4D 96WP…
Ruộng lúa có nhiều rêu, nhớt và bèo tấm phun thuốc Rat 800WG.
Các loại thuốc trừ cỏ phần hướng dẫn sử dụng ghi có thể trộn với phân đạm hay cát vãi trên ruộng lúa nước: Rat 800WG; Acelidad 30WP; Al*Ha 25WP; Afadax 7WP… bà con có thể áp dụng cách đó nếu trên mặt ruộng có một lớp nước ngập 2-5 cm. Nếu ruộng cạn hở đất nhiều nơi cần phải dùng biện pháp phun hoặc chọn loại thuốc khác phù hợp.


Nguyễn Văn Duy

Chăm sóc lúa đông xuân trước, sau Tết

Hiện nay, đa số ruộng lúa đông xuân của bà con nông dân ở ĐBSCL đang ở giai đoạn 40-60 ngày. Đây là giai đoạn lúa rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh như đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá, rầy nâu, sâu cuốn lá…
Các loại sâu bệnh trên cũng thường xuất hiện và gây hại rất lớn cho lúa vào giai đoạn này. Nếu chúng ta mải vui ăn Tết mà không để ý, phát hiện kịp thời và không có biện pháp diệt trừ ngay thì sẽ dẫn đến thất thu rất lớn cho năng suất lúa. Khí hậu thời tiết ở Nam bộ mùa này khá lạnh, sáng nhiều sương, độ ẩm cao sẽ rất thuận lợi cho các loại dịch hại trên phát triển. Để được an tâm và vui vẻ đón Tết bà con cần quan tâm chăm sóc lúa thật tốt ngay từ bây giờ. Những loài sâu bệnh cần quan tâm giai đoạn này là:
*Bệnh đạo ôn: Thời tiết lạnh và nhiều sương vào buổi sáng sẽ rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển. Khi thăm đồng thấy trên lá lúa xuất hiện vết bệnh hình mắt én là cần phun thuốc ngay. Phun thuốc sớm sẽ có hiệu quả ngăn ngừa bệnh lây ra khắp ruộng và sẽ ngăn chặn nấm gây bệnh đạo ôn cổ bông và trên hạt ở giai đoạn sau. Các loại thuốc có hiệu quả cao với bệnh đạo ôn là Fuan 40 EC, Fuji-one 40 EC, Beam 75 WP, Trizol 20 WP.
*Bệnh đốn vằn: Khi thăm ruộng cần lội xuống ruộng và vạch lá để quan sát vết bệnh dưới gốc lúa. Nếu chỉ đứng trên bờ sẽ không phát hiện được bệnh, để khi bệnh lan tỏa lên ngọn lúa thì lúc ấy đã muộn. Quan sát thấy bệnh phát triển thì sử dụng một trong các thuốc như: Validacin 5 SP, Topsin-M70 WP.
* Bệnh cháy bìa lá: Các giống lúa mẫn cảm với loại bệnh này là Jasmin 85, OM 2517. Bệnh nặng sẽ làm lúa khô hết mép lá, lan dần lên chóp lá và toàn bộ lá. Lá lúa khô giai đoạn này làm lá không quang hợp được và sẽ không đủ chất khô vận chuyển về hạt sẽ gây lửng lép nhiều. Sử dụng các loại thuốc như Kasumin 2 L, Bonanza 100 DD, Anvil 5 SL.
Với những trà lúa đang chuẩn bị trổ thì khi phun thuốc trừ sâu bệnh, bà con nên pha trộn thên thuốc Till supper sẽ giúp lúa trổ đều, tránh được bệnh lem lép hạt và sẽ giúp lúa thêm phì hạt, hạt lúa sáng bóng.
* Rầy nâu: Cần hết sức cảnh giác với rầy nâu. Vào dịp Tết năm ngoái anh Nguyễn Văn An (H. Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đã bị thiệt hại nặng nề 5 công lúa do rầy nâu gây ra. Ngày 29 Tết anh còn ra thăm ruộng, thấy lúa vẫn xanh tốt bình thường, anh yên tâm ăn Tết. Nhưng đến mồng 4 Tết anh ra ruộng thì ruộng lúa đã bị cháy rầy đến 2/3. Nguyên nhân là hôm anh ra thăm ruộng nhưng chỉ đứng trên bờ nên không phát hiện ra rầy nâu ở dưới gốc và trong 3 ngày Tết có đợt rầy trưởng thành từ nơi khác di trú đến. Vì vậy cần quan sát ruộng lúa thật kỹ, nếu phát hiện rầy nâu với mật số 3 con/tép lúa là phun thuốc ngay. Các loại thuốc diệt rầy tốt là Actara, Mipcide 20 EC, Bassa 50 ND…
* Cách phun thuốc: Bà con cần áp dụng đúng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV. Giai đoạn này lúa đã tốt, phủ kín toàn ruộng, nếu phun thuốc chỉ mức 2 bình 16 lít cho 1.000 m2 thuốc sẽ không thể xuống được gốc lúa nên hiệu quả với rầy nâu và bệnh đốm vằn sẽ không cao. Vì vậy bà con cần tăng thêm lượng thuốc và nước trên đơn vị diện tích. Với rầy nâu thì trước khi phun thuốc cần cho nước vào ruộng thật cao để rầy bò lên phía trên sẽ rất hiệu quả. Bà con nông dân ở huyện Cờ Đỏ có sáng kiến độc đáo khi phun thuốc là dùng một đoạn tre dài 3 m, đường kính 5 cm. Dùng dây thừng cột vào 2 đầu đoạn tre và một người đi trước kéo cho cây lúa rạp xuống, một người đi sau phun thuốc. Người đi trước đi đến đâu thì người đi sau phun thuốc ngay đến đó. Cây lúa sẽ đứng ngay dậy khi cây tre kéo qua mà thuốc sẽ ướt hết được từ dưới gốc đến ngọn lúa.
* Bón phân: Cần cung cấp đủ phân cho lúa trước khi lúa trổ. Bón phân cho lúa theo kinh nghiệm hoặc theo bảng so màu lá lúa. Ở mức 1 và 2 là cây lúa còn thiếu đạm, cần bổ sung thêm, mức 3 là đủ đạm, không cần bón thêm nữa, từ mức 4-5-6 là thừa đạm cần bón bổ sung phân kali cho lúa cứng cây tránh đổ ngã và cho lúa chắc hạt.
Th.S Trần Văn Hiến