Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

ĐBSCL: Sẽ có Festival lúa gạo thường niên

LUAGAO - Ông Trịnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng với Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA), TCty Lương thực Miền Nam, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất năm 2009 tại Hậu Giang.

Dự kiến, Festival lúa gạo sẽ diễn ra từ ngày 26-28/11/2009. Mục tiêu của Festival là nhằm tôn vinh và nâng cao vị thế của lúa gạo Việt Nam, tạo thương hiệu và quảng bá sản phẩm gạo chất lượng trên thị trường thế giới, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, góp phần phát triển KTXH và nâng cao đời sống nông dân.
Đ.T.CHÁNH

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Xem Sáu "khùng" làm lúa lai 10 tỷ

LUAGAO - Sau sự kiện mua bản quyền giống lúa lai TH3-3 (10 tỷ đồng), Cty Cường Tân (Nam Định) tính chuyện làm ăn thế nào? Chúng tôi đã vào miền Trung xem GĐ Đoàn Văn Sáu tổ chức sản xuất hạt lai F1 TH3-3.

Vào miền Trung.

Nhà giáo Nhân dân, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, tác giả giống lúa lai TH3-3 nói với tôi rằng: - Bán bản quyền giống TH3-3 cho GĐ Đoàn Văn Sáu rồi, nhưng không phải bán xong là xong, Viện của mình còn ký hợp đồng hàng năm sản xuất giống bố mẹ cho Cty Cường Tân sản xuất hạt lai F1. Tiếng là bán bản quyền 10 tỷ đồng, nhưng công ty sẽ trả làm 4 lần, đến hết năm 2008 mới trả 3,3 tỷ đồng. Còn nếu sản xuất hạt F1 khó khăn, thì không biết bao giờ họ mới trả hết nợ, thành ra mình cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với họ.

Tôi hỏi: Chị có “liều” khi bán chịu bản quyền đến 10 tỷ đồng cho một Cty tư nhân chưa mấy tiếng tăm? Chị nói: - Vào miền Trung xem họ sản xuất hạt giống lúa lai khắc biết.

Thế là giữa tháng 4/2009, tôi có chuyến cùng chị Trâm vào miền Trung, xem anh Sáu “khùng” làm ăn thế nào. Trước đó những ngày đầu tháng 4, miền Trung gió mưa kéo dài, lòng dạ chị Trâm như lửa đốt. Chị nhẩm tính còn mươi ngày nữa lúa lai TH3-3 trên đồng ruộng huyện Đại Lộc, Quảng Nam sẽ trỗ bông. Phun GA3 vào thời điểm nào được nếu cứ mưa kéo dài như thế? Anh Sáu mua bản quyền giống vào tháng 6/2008, vụ đầu tiên (mùa 2008) sản xuất giống ở miền Bắc, không mấy thuận lợi, sang vụ đông xuân thì ở miền Bắc khó có thể sản xuất được lúa lai hai dòng F1 do trời lạnh vì thế phải vào miền Trung sản xuất giống.
Chúng tôi có mặt ở huyện Đại Lộc, đúng dịp Trạm BVTV huyện đi kiểm tra các Cty sản xuất giống vụ đông xuân 2009 ở 7 HTX trong huyện, với diện tích 221 ha lúa lai, trong đó Cty Cường Tân ký hợp đồng sản xuất trên 100 ha giống TH3-3 tại HTX Ái Nghĩa. Chị Trâm nói với tôi: HTX này có kinh nghiệm sản xuất giống lúa lai, nhưng cũng nổi tiếng với vụ kiện Cty Nông Hữu (cách đây vài năm) vì không đủ tiền mua hết thóc giống của dân. Cứ nhớ đến chuyện ấy tôi lại thấy ái ngại cho Cty Cường Tân.

Khi chúng tôi ra đồng thì trời cũng nắng lên. Lúa bố và lúa mẹ trỗ đều nhau giúp cho việc gạt phấn của nông dân rất thuận lợi. Chị Trâm rất hài lòng với các kỹ thuật viên, họ đã phun GA3 đúng độ, quyết định cơ bản tới năng suất lúa vụ này. Nông dân Ái Nghĩa thì không ngại trưa nắng miền Trung như đổ lửa, họ ra đồng gạt phấn cho lúa, lòng hồ hởi, đoán chắc vụ này trúng mùa. Gặp GĐ Đoàn Văn Sáu trên đồng ruộng, anh cho hay vụ đầu đã “liều” làm lớn trên 100ha, chỉ cần sơ sẩy, sẽ thất bại thảm hại. Giờ thì GĐ Sáu đã có thể yên tâm khi đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT Quảng Nam thăm đồng ruộng HTX Ái Nghĩa đã trầm trồ khen lúa cho năng suất cao.
Đợi qua bốn cái “thở phào”

Ông Đoàn Văn Nhân, GĐ Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, không như Quảng Nam, vụ xuân năm 2009 chúng tôi mới chỉ dám sản xuất thử 3 ha giống lúa lai TH3-3. Ông đùa rằng họ Đoàn có 2 ông “khùng” đáng kính, đó là ông Đoàn Nguyên Đức ở Gia Lai dám mua cả máy bay, bây giờ đến ông Sáu Nam Định thì mua bản quyền một giống lúa lai nội đến 10 tỷ đồng. Ngay chuyện ông Sáu sản xuất trên 100 ha giống lúa lai F1 ở Bình Định mà sợ. Ở Quảng Nam dù sao dân đã quen làm lúa lai còn ở Bình Định chưa làm bao giờ, cũng là việc “liều”.

Thế mà trúng mùa. GĐ Sáu nói với tôi: - Chị chớ vội viết bài, trúng mùa cũng mới chỉ là cái thở phào ban đầu, còn phải lo tiền tỷ mua hết thóc giống, để không lặp lại bài học “Cty Nông Hữu”. Giờ thì GĐ Sáu đã qua 4 cái thở phào. Vụ đầu “liều” sản xuất trên 200 ha lúa lai F1 TH3-3, ở miền Trung đã thắng lợi, anh bảo rằng, chỉ có Quảng Nam mới là địa bàn của sản xuất giống lúa lai.

Những ngày lúa chuẩn bị thu hoạch, ngồi cùng chuyến xe đi công tác với GĐ Sáu, tôi thấy máy điện thoại của anh dường như không ngớt tiếng chuông. Khắp miền Trung, miền Bắc, các đại lý bán thóc giống từ to tới nhỏ, đều gọi anh Sáu đăng ký mua thóc giống. Giờ đây thị trường tiêu thụ giống lúa TH3-3 đã mở rộng. Người mua thì lắm người bán chỉ có một, cũng sướng. Nhưng trước hết phải mua hết thóc giống cho dân, vốn cần trên 10 tỷ. Anh đang mừng thầm khi Nhà nước đang có gói kích cầu cho nông dân vay vốn và mong Cty được vay tiền kịp thời mua hết thóc cho dân.

Thế nhưng anh mừng hụt. Dù đã được Ngân hàng ĐT-PT bảo lãnh, có dự án sản xuất giống, có hợp đồng tiêu thụ để gửi sang Ngân hàng Hàng Hải làm thủ tục vay, vòng vo hơn 1 tháng thì phía Ngần hàng trả lời, dự án nông nghiệp nhiều rủi ro, không cho vay 10 tỷ đồng. Cty Cường Tân bây giờ chỉ còn cách vay nóng các nguồn, huy động bạn hàng ứng trước tiền, lấy thóc sau. Bây giờ thì những gay cấn đã qua, Sáu “khùng” phở phào. Anh cho biết, so với các Cty khác thì vụ này làm giống ở miền Trung, Cty Cường Tân cũng thắng lợi. Đã mua hết thóc của dân và cũng đã cơ bản bán hết 500 tấn thóc giống. Chuẩn bị cho vụ mùa, Cty đã ký hợp đồng sản xuất lúa lai F1 lên tới trên 400 ha trong đó Nam Định 200 ha, Thanh Hóa 100 ha còn lại ở các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang…

Anh Sáu bảo: Nếu vụ mùa này lại trúng, thì cả năm Cty Cường Tân sẽ có đến 1.500 tấn thóc giống TH3-3 cung cấp cho nông dân.

Nhìn gương mặt rạng rỡ niềm vui của anh Sáu, tôi biết PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã không chọn lầm người, không “liều” khi “gả cô con gái đẹp TH3-3” cho anh Sáu “khùng”.

Nghiêm Thị Hằng

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Cỏ dại và biện pháp phòng trừ (Công ty SPC)

LUAGAO - Cỏ dại luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trồng trọt đặc biệt là trồng lúa. Bởi cỏ dại gây những tác động không tốt cho cây trồng. Hiểu biết rõ về cỏ dại, nhà nông sẽ quản lý tốt cây trồng bằng những biện pháp phòng trừ cỏ dại thích hợp, có hiệu quả, góp phần làm giảm chi phí trong sản xuất.Cỏ dại có rất nhiều loài với nhiều đặc tính rất khác nhau, tuy nhiên chúng vẫn có những đặc điểm giống nhau. Dựa vào những đặc tính này, chúng ta có thể phân loại cỏ dại theo nhiều cách ( phân theo chu kỳ sinh trưởng, theo địa hình, theo hình thái và theo các khoá phân loại thực vật,v.v…)
1. Phân loại theo chu kỳ sinh trưởng: Theo cách phân loại này ta thấy có hai nhóm cỏ: cỏ hằng niên và cỏ đa niên.
- Cỏ hằng niên: là các loại cỏ hoàn thành vòng đời (từ hạt đến nảy mầm ra hoa tạo hạt) trong một hoặc hai mùa canh tác trong một năm. Các loại cỏ này thường chết vào mùa khô sau khi hoàn thành vòng đời của chúng.

- Cỏ đa niên: là những loại cỏ sống lâu hơn một năm. Loại cỏ này rất khó diệt vì có thân ngầm hoặc thân bò trên mặt đất, có bộ rễ, củ phát triển sâu, khả năng sinh sản vô tính mạnh.2. Phân loại theo hình thái: Theo kiểu phân loại hình thái, ta có cỏ lá hẹp (còn gọi là cỏ một lá mầm) và cỏ lá rộng (còn gọi là cỏ hai lá mầm)

- Cỏ một lá mầm có những đặc tính chung như: lá hẹp, dày, mọc xiên, mặt lá có lông, rễ thường là rễ chùm, ăn nông, đỉnh sinh trưởng được bọc kín trong bẹ lá. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có một số loại cỏ có đặc tính hơi khác như cỏ cói lác lá hẹp nhưng mềm, mỏng và trơn.

- Cỏ hai lá mầm thường có lá rộng, nằm ngang, mỏng và mềm; rễ thường là rễ cọc, ăn sâu, đỉnh sinh trưởng để lộ ra ngoài.3. Phân loại theo đặc điểm hệ thực vật (cỏ được phân chia thành ba nhóm):

- Nhóm cỏ hoà bản: cỏ có bản lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân: Thường tròn và bọng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ: thường là rễ chùm, ăn nông.
Nhóm cỏ chác lác: lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác, lá đính trên thân theo ba hàng kiểu xoắn óc.

- Nhóm cỏ lá rộng: lá rộng, nằm ngang, mọc đối, mặt lá ít lông, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau.
TÁC HẠI CỦA CỎ DẠI:
1. Làm giảm năng suất và phẩm chất của cây trồng: do có bộ rễ phát triển rất mạnh, phần lớn được phân bố ở lớp đất mặt nên dễ dàng cạnh tranh với cây trồng về dinh dưỡng, ánh sáng và nước làm cho cây trồng không đủ điều kiện sinh sống nên sinh trưởng và phát triển kém, cho năng suất thấp, phẩm chất nông sản giảm. 2. Là ký chủ của sâu bệnh: Các cây cỏ dại cùng họ có những đặc điểm giống cây trồng là những ký chủ phụ rất tốt cho sâu bệnh. 3. Làm tăng chi phí sản xuất: như tốn công làm cỏ, diệt cỏ bằng hoá chất …
PHÒNG TRỪ CỎ DẠI:
a. Biện pháp phòng: - Không để cỏ tạo hạt trên ruộng - Sử dụng giống không lẩn hạt cỏ- Vệ sinh nông cụ sạch cỏ trước khi sử dụng- Dùng phân hửu cơ đã oai ủ.- Dùng lưới chắn hạt cỏ khi cho nước vào ruộng.b. Biện pháp trừ:- Có thể nhổ cỏ bằng tay, làm đất, sử dụng nước thích hợp vaø dùng thuốc hoá học. Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau, không cực nhọc, vất vả như các biệp pháp làm cỏ khác.
PHÂN LOẠI THUỐC TRỪ CỎ
- Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: tức phun thuốc khi cỏ chưa mọc hoặc mới mọc được một lá, loại thuốc này phải phun sớm sau khi sạ lúa khoảng 1-3 ngày, cần trang bằng mặt ruộng và đất đủ ẩm. Sau phun vài ngày cho nước vào ruộng (1-3 ngày), không để ruộng khô sau khi phun thuốc. Một số loại trên thị trường như: Venus 300EC, Bebu 30WP…
- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: tức dùng thuốc khi cỏ đã mọc ra lá (cỏ có từ 2-7 lá tương ứng với lúa sạ được 7-20 ngày ). Loại thuốc này được lá cỏ hấp thu vào bên trong, do đó khi sử dụng, ruộng phải tháo cạn nước để lá cỏ tiếp xúc được với thuốc. Phun thuốc xong 1-3 ngày cho nước vào ruộng (không để nước ngập ngọn lúa) và giử mực nước trong ruộng phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của lúa ( Pyanchor 3EC sử dụng khi lúa được 7-20 ngày sau sạ , Pyanplus 6EC từ 10-14 ngày sau sạ…)
- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm : tức dùng thuốc khi cỏ đã mọc ra lá nhưng còn nhỏ (cỏ có từ 1- 3lá ) tương ứng lúa 3-7 ngày sau sạ. Sử dụng thuốc loại này rất có hiệu quả vì được cỏ hấp thu vừa qua lá vừa qua rễ. Loại sản phẩm này, có thể phun hoặc trộn với đất, phân bón để rải vào ruộng có nước xăm xấp (Star 10WP…) Trên đây là một số thông tin về cỏ dại và cách phòng trừ , hy vọng bà con nông dân có thể nắm bắt và ứng dụng trên ruộng nhà đạt kết quả.
Chúc quý bà con đạt mùa lúa bội thu, được giá.
Ths. Ký Văn Ngọt (SPC)

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Diệt trừ ốc bươu vàng như thế nào cho hiệu quả

LUAGAO - Trên ruộng lúa, cùng với những loại sâu bệnh hại thường gặp như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn… thì ốc bươu vàng cũng là một đối tượng thường xuyên có mặt trên đồng ruộng, chúng luôn tiềm ẩn một sức phá hại rất lớn đối với cây lúa nếu điều kiện ngoại cảnh thuận lợi cho chúng.

Mùa mưa ở các tỉnh Nam bộ đã bắt đầu, mới vào đầu mùa mưa mà lượng mưa ở nhiều nơi đã rất cao, khiến cho nước trên ruộng lúa khá nhiều, đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sản, phát tán lây lan gây hại mạnh cho lúa hè thu ở đầu vụ.

Để hạn chế tác hại của ốc một cách chủ động bà con cần áp dụng kết hợp sớm và đồng bộ những biện pháp trong Quy trình quản lý tổng hợp ốc bươu vàng. Sau đây là một số biện pháp chính:

- Thu gom ốc và ổ trứng: Để hạn chế số lượng ốc ở đầu vụ, các bạn nên tổ chức đi thu gom ốc và ổ trứng trên đồng ruộng, xung quanh các ao hồ, kênh rạch công cộng… trước khi gieo sạ lúa.
- Đào rãnh thu gom ốc: Trước khi sạ cấy, các bạn nên đào các rãnh nhỏ xung quanh ruộng và những chỗ có nhiều nước trong ruộng để khi nước rút ốc sẽ tập trung vào những đường rãnh này, việc thu bắt chúng sẽ dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.
- Dùng lưới chắn ốc: Nên dùng lưới nilon có lỗ nhỏ che chắn kỹ những chỗ có đường nước chảy tự nhiên từ ngoài kênh vào ruộng hoặc những chỗ nhong bơm nước vào ruộng để ngăn chặn ốc từ kênh mương vào ruộng lúa.
- Thả vịt vào ruộng ăn ốc: Trước khi xuống giống nếu có điều kiện các bạn nên thả vịt vào ruộng để vịt ăn những con ốc nhỏ mà trong lúc đi thu gom chúng ta đã bỏ sót. Khi cây lúa đã lớn nên thả vịt vào ruộng để vịt ăn ốc và một số loại sâu hại thường tập trung ở phần gốc của cây lúa.
- Tăng mật độ sạ cấy: Trước khi sạ nếu ruộng có nhiều ốc thì các bạn phải tăng lượng giống gieo sạ lên từ 5-10% so với những ruộng bình thường khác để trừ hao cây ốc ăn mất sau này. Nếu ruộng cấy thì nên cấy mạ hơi già hơn một chút và cấy nhiều tép.
- Giữ mực nước ruộng phù hợp: Khi cây lúa còn nhỏ dễ bị ốc gây hại, các bạn chỉ nên để mực nước ruộng sâu khoảng 2-3 phân để hạn chế bớt sự di chuyển của ốc sang nơi khác.
- Thu gom ốc và trứng ốc thường xuyên: Trong quá trình chăm sóc lúa, nếu thấy có ốc và ổ trứng thì thu gom ngay. Việc này các bạn nên làm thường xuyên để tạo thành thói quen.
- Cắm cọc nhử ốc đến đẻ trứng: Dùng cây, que cắm ở những chỗ có nhiều ốc tập trung “dụ” cho ốc leo lên đẻ rồi thu gom trứng để tiêu huỷ, kết hợp với việc thường xuyên thu gom trứng trên bờ cỏ và trên thân cây lúa (định kỳ khoảng 5-7 ngày/lần) trước khi trứng kịp nở ra ốc con rơi xuống nước phát tán đi.
- Dùng thuốc diệt ốc: Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào chúng ta đều có thể áp dụng hết tất cả những biện pháp trên, do đó ốc vẫn có cơ hội để tồn tại và phát triển. Những ruộng thường có mật số ốc cao, gây hại nhiều, các bạn có thể phun thuốc VINICLO 70WP, DIOTO 250EC vào giai đoạn trước hoặc ngay sau khi sạ giống, với liều lượng 250 gram thuốc pha với 400 lít nước phun cho một ha lúa. (Cụ thể là pha 5 gram thuốc cho một bình xít loại 8 lít, phun 5 bình cho một công ruộng (1.000m2). Chú ý: Khi phun thuốc ruộng phải có độ ẩm bão hoà hoặc xâm xấp nước (mực nước ruộng dưới 5 cm). Nhớ là không sử dụng thuốc này cho những ruộng có nuôi cá.
HÀ MINH

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

VAI TRÒ CỦA CÁC CHẤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY LÚA. GIỚI THIỆU MỘT SỐ PHÂN BÓN CHẤT LƯỢNG CHO LÚA

KS. Nguyễn Chí Công – chicong1002@gmail.com

I. CÁC CHẤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI LÚA
- ĐẠM (N): tăng khả năng đẻ nhánh, tăng chiều cao cây lúa; tăng năng suất và chất lượng gạo
- LÂN (P2O5): giai đoạn đầu giúp phát triển rễ; giai đoạn sau giúp phân hóa mầm hoa; giúp lúa trỗ sớm, qua đó tăng năng suất và chất lượng tốt
- KALI (K2O): tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn, rét do làm cho cây lúa cứng cây; tăng tỷ lệ hạt chắc, tăng năng suất phẩm chất
- LƯU HUỲNH (S): tăng năng suất; tăng hàm lượng protein và acid amin trong gạo
- MAGIÊ (Mg): tăng hấp thu và vận chuyển Lân; tăng cường quang hợp (là thành phần diệp lục tố). Tăng số hạt chắc và năng suất
- CANXI (Ca): tăng cường độ cứng cây và khả năng chống chịu sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng gạo
- SẮT (Fe): tăng cường quang hợp, tăng năng suất và chất lượng gạo
- KẼM (Zn): tăng khả năng hút Lân và dinh dưỡng; tăng năng suất và chất lượng gạo
- ĐỒNG (Cu): tăng cường khả năng chống nấm bệnh; tăng sinh trưởng, phát triển qua đó tăng năng suất và chất lượng
- MANGAN (Mn): tăng cường sinh trưởng và phát triển, tăng năng suất và chất lượng
- BO (Bo): tăng số hoa, tăng sức chống chịu của hạt phấn, giúp hạt phấn sống lâu; tăng tỷ lệ hạt chắc, tăng năng suất phẩm chất
- MOLYPDEN (Mo): tăng khả năng hút dinh dưỡng, tăng sinh trưởng và phát triển; tăng năng suất và chất lượng
II. GIỚI THIỆU MỘT SỐ PHÂN BÓN CHẤT LƯỢNG CHO LÚA
1. Canxi Nitrate - Ca(NO3)2

- Thành phần: Đạm (NO3) = 15,5%; Ca (CaO) = 26,5%
- Công dụng:
+ Làm tăng pH của đất, hạn chế nhiều loại nấm bệnh trong đất
+ Cải tạo đất bị nhiễm phèn và làm giảm độ mặn của đất
+ Tăng cường độ cứng cây, hạn chế đỗ ngã và sâu bệnh xâm nhiễm
+ Giúp cây mau bén rễ và phục hồi nhanh sau khi bị ngập úng
+ Kích thích lúa đẻ nhánh sớm, giúp bông to
- Cách dùng: bón gốc hay phun qua lá
+ 10 – 15 NSS bón 20 – 25 kg/ha
+ 40 – 45 NSS bón 25 – 30 kg/ha
2. Multi – K (13 – 0 – 46)

- Thành phần: Đạm (N) = 13%; Kali (K2O) = 46%
- Công dụng:
+ Giúp cây hấp thu trong điều kiện bất lợi
+ Giúp cứng cây, giảm đổ ngã, hạn chết xâm nhiễm của bệnh hại
- Cách dùng: 80 – 100 g/bình 8 lít; phun 2 lần: trước và sau trỗ 7 – 10 ngày
3. Poly – Feed (19 – 19 – 19 và 15 – 15 – 30)

- Thành phần: gồm hai dạng 19 – 19 – 19 và 15 – 15 – 30
- Công dụng:
+ Rất thích hợp cho thời kì cây con, giúp phấn triển rễ, thân lá, cứng cây
+ Phân còn bổ sung các chất vi lượng cần thiết cho cây trồng như Fe, Zn, Mn, Bo và Molypden
- Cách dùng: 20 – 40g/ bình 8 lít. 19 – 19 – 19: sau khi sạ 10 – 15 ngày và 15 – 15 – 30: lúc tượng đòng (40 – 45 NSS) và lúc lúa trỗ đều
4. MKP (0 – 52 – 34)

- Thành phần: Lân (P2O5) = 52%; Kali (K2O) = 34%
- Công dụng:
+ Phát triển bộ rễ lúc cây còn nhỏ: cung cấp lân hữu dụng tức thời
+ Phục hồi rễ lúa khi bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ
+ Làm chắt hạt, tăng khả năng chống chịu đổ ngã
+ Phân hóa đòng tốt, trỗ đều, bông to không nghẹt đòng
- Cách dùng:
+ Pha nồng độ 1%; 80 g/bình 8 lít dùng 10 – 15 NSS
+ Giải độc phèn, chất hữu cơ: dùng 2 lần cách nhau 7 ngày
+ Đón đòng lúc 40 – 45 NSS=> Chú ý: Tất cả các loại phân giới thiệu trên dùng tốt cho tất cả các loại Cây trồng khác, đây là các sản phẩm chất lượng uy tín trên thị trường. Khi sử dụng nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Giống lúa lai 3 dòng Nghi hương 305

LUAGAO - Giống lúa lai 3 dòng Nghi hương 305 do Cty Long Bình Tứ Xuyên (Trung Quốc) lai tạo, Cty TNHH Phát triển Nông nghiệp Trường Giang (Quảng Ninh) nhập về khảo nghiệm qua 3 vụ (2 vụ năm 2008, vụ xuân 2009) tại các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thanh Hoá, Thái Bình, Nghệ An.

Đây là giống lúa cảm ôn, có thể gieo cấy cả 2 vụ, vụ xuân từ 120 - 125 ngày, vụ mùa từ 105 - 110 ngày. Qua đánh giá khảo nghiệm từ các địa phương cho thấy, giống Nghi hương 305 cứng cây trung bình, chiều cao cây 110 cm, lá xanh đậm, lá đứng chịu thâm canh, đẻ nhánh trung bình 5,6 bông/khóm, độ thuần tốt, trọng lượng 1.000 hạt là 30,3g; số hạt trên bông đạt 163 hạt, năng suất từ 75 - 80 tạ/ha.

Qua khảo nghiệm tại Trại Khảo kiểm nghiệm Văn Lâm (Trung tâm KKN giống, sản phẩm cây trồng và phân bón QG) cho thấy, giống Nghi hương 305 ít sâu bệnh, không nhiễm đạo ôn, chịu hạn tốt, đẻ nhánh khoẻ; TGST ngắn hơn Khang dân 18 và Q5 khi gieo cấy cùng thời vụ. Hạt gạo trắng trong, chất lượng gạo ngon.

Ông Phạm Ngọc Chiến, GĐ Cty TNHH Phát triển nông nghiệp Trường Giang khuyến cáo, vụ xuân ở miền Bắc thường rét đậm kéo dài, khi gieo trồng giống Nghi hương 305 phải chủ động che phủ nilon để mạ khoẻ và sinh trưởng tốt trước khi cấy. Tuỳ tập quán mỗi địa phương có thể làm mạ dược, mạ nền, hoặc sạ; chăm sóc tốt để mạ khoẻ, cứng cây, đủ tuổi. Vụ mùa, gieo cấy trà mùa sớm; giống đặc biệt thích nghi chân ruộng vàn, tưới tiêu chủ động. Trước khi cấy phải bừa nhuyễn đất, làm sạch cỏ dại, bón vôi bột trước đó 7 - 10 ngày để khử mầm bệnh và tàn dư cỏ dại. Mật độ cấy 45 - 48 khóm/m2, cấy 2 dảnh/khóm.
Trường Giang

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Sạ hàng giống lúa mới TH3-5

LUAGAO - Mới đây, tại Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội nghị đầu bờ gieo thẳng lúa theo hàng bằng giống lúa lai mới TH3-5.

Gieo thẳng theo hàng bằng công cụ kéo tay, Hà Nội đã làm qua 5 vụ sản xuất nên có thể khẳng định thực hiện được cả 2 vụ xuân và mùa. Vụ mùa 2009 này, Hà Nội sẽ phấn đấu mở rộng diện tích lúa gieo thẳng lên 5.000 ha (riêng huyện Phúc Thọ đã xây dựng kế hoạch 1.000 ha). Qua thực tế cho thấy bên cạnh thành công là chủ đạo nhưng vẫn có một số nơi gieo thẳng gặp khó khăn, thậm chí có nông dân còn nhổ lúa gieo thẳng để… cấy lại cho yên tâm. Có thể nói gieo thẳng bằng công cụ là cái mới, nó ngược hẳn với tập quán nhổ mạ, cấy của người nông dân nên để đánh đổ được “thành trì” định kiến là rất khó khăn.

Kinh nghiệm đúc rút từ những thành công của Hà Nội cho thấy để gieo thẳng đạt được kết quả tốt, rất cần lưu ý: Về chỉ đạo, các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch gieo thẳng lúa theo hàng trên những chân đất có đủ điều kiện, chủ động tưới tiêu, có cơ chế hỗ trợ về giống, thuốc trừ cỏ, công chủ đạo… Giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng xã và thành lập ban chỉ đạo. Những HTX chưa làm quen với gieo thẳng, không làm ồ ạt mà cần xây dựng mô hình điểm có sức thuyết phục cao để nhân rộng trong những vụ sau. Cần thành lập các tổ chuyên làm dịch vụ từ khâu ngâm ủ, làm đất, gieo, phun thuốc trừ cỏ… nhằm từng bước chuyên môn hoá.

Về kỹ thuật, phải tạo được lớp bùn mới trước khi gieo để mống chìm trong bùn hạn chế chim, chuột phá đồng thời đề phòng nắng, mưa to ảnh hưởng đến sự phát triển của hạt giống. Nên gieo hàng lỗ thưa, nếu ngâm ủ đúng kỹ thuật trung bình hết 0,7-1kg/sào, gieo xong giữ nước ở rãnh, đắp kín bờ để nếu gặp mưa nước dâng lên hạt giống không bị trôi… Thời kỳ đầu, lúa gieo thẳng có đặc điểm phát triển chậm hơn hẳn lúa cấy nên trong vòng 10 ngày ra ruộng không nhìn thấy lúa, bà con rất sốt ruột, sợ hỏng ăn nên dễ có tâm lý đòi cấy lại nhưng cần kiên quyết ngăn chặn, bởi lúa sau khi đẻ nhánh sẽ phát triển nhanh hơn lúa cấy.

Đại đa số dân Đa Tốn gieo sạ bằng công cụ làm tốt, tuy vẫn có một số diện tích không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhưng khi thực hiện mô hình gieo thẳng, tính toán chi li vẫn tiết kiệm chi phí từ 100.000-150.000đ/sào lại giải phóng được sức lao động, nhất là phụ nữ, trẻ em, bà con rất thích. Giống để gieo thẳng tại Đa Tốn là TH3-3 và TH3-5 do Viện Sinh học Nông nghiệp (Trường ĐHNN Hà Nội lai tạo). TH3-5 là giống lúa lai cùng mẹ, khác bố với TH3-3, có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ mùa 105-110 ngày, vụ xuân 120-125 ngày), kiểu cây bán lùn, thân cứng, năng suất, chất lượng gạo khá, kháng đạo ôn, nhiễm nhẹ bạc lá, khô vằn, thích hợp với xuân muộn, mùa sớm.

Theo Chủ nhiệm HTX Đa Tốn, ông Lê Văn Tán, dù là vụ đầu tiên áp dụng gieo sạ theo hàng bằng công cụ nhưng địa phương vẫn mạnh dạn gieo 156 ha, bằng 50% diện tích cấy lúa toàn xã. Do mới tiếp xúc với tiến bộ kỹ thuật này, khi ứng dụng còn những lúng túng như ngâm ủ giống chưa đảm bảo kỹ thuật nên khi gieo bị mất khoảng hoặc bị thưa, dầy không theo ý muốn, phải tỉa dặm. Khi đưa dẫn nước giữ ẩm lại quá đầy thành ra có hiện tượng mầm mạ bị chết không mọc được, gây mất khoảng. Một số hộ không chăm sóc kịp thời, cộng với khi gieo bị mất khoảng và ốc bươu vàng phá, trong khi đó mạ gieo lại thừa khiến một số hộ đã phá đi cấy lại
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Giống lúa lai 3 dòng Thiên Ưu 1035

LUAGAO - Vụ xuân 2009, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Cty CP Giống cây trồng Hoàng Tùng đã tiến hành khảo nghiệm giống lúa lai 3 dòng Thiên Ưu 1025 trên địa bàn huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.

Khảo nghiệm được tiến hành tại 2 chân đất khác nhau có đối chứng với giống lúa lai đang được trồng phổ biến ở địa phương. Tại HTX Thịnh Thắng, lúa lai Thiên Ưu 1025 được gieo ngày 4/2 trên 2 thửa ruộng liền kề, mật độ 35 khóm/m2 và được chăm bón với chế độ khác nhau. Ô ruộng thứ nhất được bón với tỉ lệ 12kg đạm, 15kg lân và 5kg kali trỗ vào ngày mùng 9/5 và năng suất ước tính đạt 85 tạ/ha, ô ruộng thứ hai có lượng lân, kali tương đương nhưng bón tăng thêm 2kg đạm, lúa sẽ trỗ sớm hơn 3 ngày và năng suất ước đạt 87 tạ/ha. Diện tích 50ha khảo nghiệm tại HTX Giao Hải cũng cho năng suất tương tự, riêng ô ruộng bón tỉ lệ đạm 18kg, lân 20kg và 3kg kali thì năng suất dự kiến có thể lên tới 90 tạ/ha.

Qua theo dõi đánh giá quá trình sinh trưởng và phát triển của giống Thiên Ưu 1025 cho thấy lúa đẻ nhánh khoẻ, thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh từ 125-130 ngày. Độ dài trung bình mỗi bông từ 24-26cm, bông to nhiều hạt (140-160 hạt/bông), hạt bầu, tỷ lệ lép thấp 8- 11%. Ngoài ra, cây lúa có thân cứng, bản lá đòng lòng mo mầu xanh đậm, độ dày bản lá cao hơn nhiều so với đối chứng, phiến lá có nhiều lông tơ hứa hẹn khả năng chống chọi sâu bệnh tốt. Nhìn chung, lúa tại các ô ruộng khảo nghiệm tương đối sạch bệnh, không phát hiện đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn và nhiễm rầy nhẹ.

Hiện Cty CP Giống cây trồng Hoàng Tùng tiếp tục đề nghị Bộ NN- PTNT cho phép mở rộng diện tích sản xuất thử ở vụ mùa và vụ xuân năm 2010 ở các tỉnh Tây Nguyên, Trung bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Lê Thống Nhất – PGĐ Cty cho biết Thiên Ưu 1025 không phải là giống gạo đặc sản, Cty không có tham vọng phát triển tại đồng bằng mà hướng sẽ đưa giống này tập trung vào các tỉnh trung du và miền núi.Được biết, ba vụ xuân trước khi khảo nghiệm giống Thiên Ưu đã được trồng thử tại Nam Định cho năng suất ổn định từ 80-87 tạ/ha. Đặc biệt cho đến nay, tất cả diện tích trồng thử nghiệm giống Thiên Ưu 1025 đều không phải phun thuốc trừ rầy- điều khá hiếm với lúa xuân vụ vừa qua. Cùng trong vụ xuân này giống lúa Thiên Ưu 1025 đã trồng thử và đạt năng suất từ 68- 80 tạ/ha tại các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá, Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước….
NGUYỄN KIÊN CƯỜNG

Giống lúa lai 3 dòng Thiên Ưu 1035

LUAGAO - Vụ xuân 2009, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Cty CP Giống cây trồng Hoàng Tùng đã tiến hành khảo nghiệm giống lúa lai 3 dòng Thiên Ưu 1025 trên địa bàn huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.


Khảo nghiệm được tiến hành tại 2 chân đất khác nhau có đối chứng với giống lúa lai đang được trồng phổ biến ở địa phương. Tại HTX Thịnh Thắng, lúa lai Thiên Ưu 1025 được gieo ngày 4/2 trên 2 thửa ruộng liền kề, mật độ 35 khóm/m2 và được chăm bón với chế độ khác nhau. Ô ruộng thứ nhất được bón với tỉ lệ 12kg đạm, 15kg lân và 5kg kali trỗ vào ngày mùng 9/5 và năng suất ước tính đạt 85 tạ/ha, ô ruộng thứ hai có lượng lân, kali tương đương nhưng bón tăng thêm 2kg đạm, lúa sẽ trỗ sớm hơn 3 ngày và năng suất ước đạt 87 tạ/ha. Diện tích 50ha khảo nghiệm tại HTX Giao Hải cũng cho năng suất tương tự, riêng ô ruộng bón tỉ lệ đạm 18kg, lân 20kg và 3kg kali thì năng suất dự kiến có thể lên tới 90 tạ/ha.


Qua theo dõi đánh giá quá trình sinh trưởng và phát triển của giống Thiên Ưu 1025 cho thấy lúa đẻ nhánh khoẻ, thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh từ 125-130 ngày. Độ dài trung bình mỗi bông từ 24-26cm, bông to nhiều hạt (140-160 hạt/bông), hạt bầu, tỷ lệ lép thấp 8- 11%. Ngoài ra, cây lúa có thân cứng, bản lá đòng lòng mo mầu xanh đậm, độ dày bản lá cao hơn nhiều so với đối chứng, phiến lá có nhiều lông tơ hứa hẹn khả năng chống chọi sâu bệnh tốt. Nhìn chung, lúa tại các ô ruộng khảo nghiệm tương đối sạch bệnh, không phát hiện đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn và nhiễm rầy nhẹ.


Hiện Cty CP Giống cây trồng Hoàng Tùng tiếp tục đề nghị Bộ NN- PTNT cho phép mở rộng diện tích sản xuất thử ở vụ mùa và vụ xuân năm 2010 ở các tỉnh Tây Nguyên, Trung bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Lê Thống Nhất – PGĐ Cty cho biết Thiên Ưu 1025 không phải là giống gạo đặc sản, Cty không có tham vọng phát triển tại đồng bằng mà hướng sẽ đưa giống này tập trung vào các tỉnh trung du và miền núi.Được biết, ba vụ xuân trước khi khảo nghiệm giống Thiên Ưu đã được trồng thử tại Nam Định cho năng suất ổn định từ 80-87 tạ/ha. Đặc biệt cho đến nay, tất cả diện tích trồng thử nghiệm giống Thiên Ưu 1025 đều không phải phun thuốc trừ rầy- điều khá hiếm với lúa xuân vụ vừa qua. Cùng trong vụ xuân này giống lúa Thiên Ưu 1025 đã trồng thử và đạt năng suất từ 68- 80 tạ/ha tại các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá, Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước….


NGUYỄN KIÊN CƯỜNG