Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Lúa trời Đồng Tháp Mười

LUAGAO - Trong dân gian, lúa trời cũng thường được gọi là lúa ma. Bởi lẽ muốn gặt phải đi thật khuya, nếu sớm quá lúa chưa chín và hễ mặt trời mọc lên thì lúa rụng hết. Lúa trời là một loại lúa thiên nhiên mọc trên cánh đồng mênh mông nước quanh năm. Cọng lúa bò dài ra, mọc trồi vượt lên trên mặt nước để trổ bông. Bông lúa trời có hạt thóc to hơn lúa thường và hạt rất thưa, mỗi ngày một bông chín đôi ba hạt.

Thu hoạch lúa trời

Mùa lũ bơi chiếc xuồng vào giữa đám lúa trời, rồi cầm hai thanh tre đập ngọn lúa vào be xuồng cho lúa rụng vào xuồng. Ông Huỳnh Thế Phiên, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay trong Vườn còn bảo tồn 500ha quần thể lúa ma. Đây là giống lúa hiếm hoi được bảo tồn lưu trữ nguồn gen để gửi sang Viện Lúa Quốc tế (IRRI) làm thành giống lúa mới nhóm IR chịu phèn canh tác thích hợp ở vùng Đồng Tháp Mười.

Ông Lê Văn Năm, một lão nông cố cựu đang sinh sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim hồi tưởng lại: Ngày ấy, trên xuồng ba lá người ta thường căng một tấm đệm ở giữa theo chiều dọc dài 2m, cao khoảng 1,5m nhờ hai cây đứng. Cây sau chỉ cao bằng tấm đệm, cây trước cao 2,5m, các lão nông tri điền gọi là cây cần câu. Hai cần đập bằng tre dài khoảng 2,5m nằm hai bên và dọc theo chiều dài tấm đệm, một đầu cột vô cây cần câu, khoảng giữa cần đập được cột dây treo trên đầu cần câu. Khi đập lúa, người đứng trước mũi chống xuồng đi vào đám lúa, người ngồi sau cầm hai cần đập, đập lúa vào tấm đệm cho rụng hột vào xuồng. Trên xuồng có ba người, một người bơi, hai người kia cắt lúa. Mỗi bông lúa chỉ rụng một hoặc hai hạt trên xuồng, phải cất công khó nhọc lắm vì từ khuya đến sáng mới thu lúa được đầy xuồng.

Gạo lúa ma với hàm lượng dinh dưỡng cao, đậm cơm. Một thời, Cty bột Bích Chi Sa Đéc (Đồng Tháp) tìm mua gạo về chế biến bột dinh dưỡng chất lượng cao dành cho trẻ em. Sau khi thu hoạch xong, đem giã giống như lúa thường, nhưng không giã gạo quá trắng. Khi nấu, đổ gạo và nước vào nồi đất, úp một lá sen vào nồi trước khi đậy vung, đun bằng củi hoặc rơm, nếu dùng chất khác để đun sẽ làm giảm hương vị lúa trời. Một cách nấu cơm gói lá sen hiện nay được nhiều nhà hàng như ở khu du lịch Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang thực hiện.

Gạo lúa trời dài, nhưng không cong như hạt gạo Nàng Thơm Chợ Đào (Long An). Nhiều lão nông tri điền tranh thủ chắt nước cơm nấu bằng gạo lúa trời, bỏ vào chút đường phèn hoặc ít mật ong Tràm Chim hoặc rừng U Minh, tưởng không có gì ngon và bổ dưỡng bằng. Sau khi cơm chín, khách phương xa sẽ có những chén cơm tuyệt vời với mùi đặc trưng không loại gạo nào có thể sánh được. Cơm nấu bằng gạo lúa trời màu hồng nhạt có hương vị ngọt, béo. Ngoài ra, người ta còn chế biến làm bột tinh lọc đổ bánh xèo. Bánh xèo Ðồng Tháp làm bằng bột gạo lúa trời bọc nhân thập cẩm được xem là món ẩm thực đặc thù của miền quê hương sông nước mà nhiều người ưa thích khi đặt chân lên Đồng Tháp Mười.

NAM PHƯƠNG

NGUỒN: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/44301/Default.aspx

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

GIỚI THIỆU RẦY NÂU NHỎ - MỘT ĐỐI TƯỢNG SÂU MỚI ẢNH HƯỞNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP

LUAGAO - Giới thiệu một đối tượng sâu mới phá hại nền nông nghiệp đó là RẦY NÂU NHỎ.
Bài viết tham khảo từ Báo cáo trong Hội nghị tổng kết công tác BVTV 2009 các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên tổ chức ngày 3/12/2009 tại Thành Phố Pleyku – Gia Lai

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Một số phương pháp gieo mạ xuân muộn

LUAGAO - Vụ lúa xuân muộn ở các tỉnh phía Bắc gặp thường rét khi gieo mạ, phương pháp gieo mạ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng mạ cuối vụ.Xin giới thiệu một số phương pháp gieo mạ đảm bảo chất lượng mạ tốt.

Gieo mạ dày xúc trên dược có che phủ nilon (Tunel trên ruộng): Đây là phương pháp gieo mạ phổ biến trong nhiều năm qua, được nhiều người dân áp dụng. Thóc mầm được ngâm ủ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, rễ dài = 1/2 hạt thóc, mầm dài bằng 1/2 rễ. Dược mạ được bón lót phân chuồng ủ mục 3 tạ + 1kg đạm ure + 1kg kali + 10kg supe lân cho 01 sào bắc bộ 360m2 mạ. Luống mạ lên rộng 1,2-1,5m hình mui rùa cho thoát nước ở giữa. Giống lúa thuần gieo với mật độ 1kg thóc giống/3-4m2 mạ, tuổi mạ 2-3 lá sau gieo 15-20 ngày tùy thời thiết rét nhiều hay ít. Lúa lai gieo thưa hơn 1kg thóc/8-10m2. Nước tưới ngập cách mặt luống 2cm trong 5 ngày đầu và cách mặt luống 10cm những ngày tiếp theo.

Gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon: Mạ được gieo trên lớp bùn ướt phủ trên nền đất cứng tráng nắng, chú ý không gieo trên nền bê tông hay sân vôi, sân gạch vì các vật liệu này không giữ được nhiệt, được ẩm. Trải một lớp bùn ướt dày khoảng 2cm lấy nơi ao hồ thoáng nắng, không lấy nơi ao tù hẩu (loại bùn đen có mùi hôi tanh chứa nhiều chất độc làm thối mầm thóc). Gieo với mật độ dày hơn mạ trên dược, lúa thuần 1kg giống/2-3m2. Lúa lai 1kg giống/4-6m2. Tưới ẩm thường xuyên 5ngày đầu, mỗi ngày tưới 01 lần, những ngày tiếp theo 2-3 ngày tưới/1 lần.

Gieo mạ nền khô (Tunel nền khô) che phủ nilon: Mật độ gieo, tuổi mạ như gieo mạ trên nền đất cứng. Thóc giống rắc đều lên mặt luống phẳng đã tưới đủ ẩm. Đất màu được làm nhỏ như bột rắc lên hạt thóc giống một lớp dày 1cm, dùng bình bơm bơm ướt đều mặt luống sau đậy ni lon, khoảng 2-3 ngày tưới ẩm 01 lần bằng thùng ô doa lỗ nhỏ.

Gieo mạ ném trên khay nhựa: Nhờ công nghệ plastic sản xuất ra các khay nhựa có kích thước 35x60cm, trên khay có 561 lỗ hình nón cụt để tạo ra 561 khóm mạ. Người ta không cấy như mạ khác mà đem ném. Khóm mạ được tung lên cao 3-4m và rơi xuống ruộng thành từng khóm, khống chế mật độ 20-35 khóm/m2. Sử dụng ruộng cấy hoặc ruộng chuyên mạ, cày bừa kỹ như cách gieo mạ truyền thống, chia luống mạ thành luống rộng 1,2m đặt vừa 2 hàng khay theo chiều ngang. Dùng bùn ở rãnh bỏ vào khay, lấy bàn xoa san đều gạt bùn thừa trên khay, miết bàn xoa sao cho nổi các gờ của lỗ trên khay để phòng hiện tượng rễ mạ đan từ bầu này, sang bầu kia sẽ làm vỡ bầu khi tách bầu khỏi khay để ném. Rắc hạt thóc giống đã ủ mọc mầm vào khay với mật độ 1-2kg thóc giống/20-30 khay đủ cấy cho 01 sào lúa, dùng bàn tay vỗ nhẹ sao cho hạt thóc giống chìm vào các lỗ khay. Cần làm Tunel hình vòm cống che nilon chống rét cho mạ. Tuổi mạ và cách tưới ẩm như phương pháp Tunel trên ruộng.

Đây là phương pháp gieo mạ tiến bộ nhất, mạ không bị đất rễ nên không chột, khóm mạ bấm nông trên mặt ruộng nên rễ đủ oxy phát triển mạnh, cây lúa đẻ nhánh sớm, rút ngắn thời vụ 5-10 ngày và tăng năng suất 10-15% so với các phương pháp gieo mạ khác.


KS. NGUYỄN

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/82/82/43995/Default.aspx