Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Bangladesh lai tạo thành công 4 giống lúa mới



LUAGAO - Các nhà khoa học Bangladesh vừa nghiên cứu lai tạo thêm bốn giống lúa lai phục vụ sản xuất vụ hè, mở ra hy vọng cải thiện năng suất cũng như an ninh lương thực tại quốc gia Nam Á này.

Bốn giống lúa này lần lượt được đặt tên là BRRI Dhan-51; BRRI Dhan-52; Hybrid-4 và Hira Dhan-10. Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu trong 4 năm liền của đội ngũ các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu lúa gạo Bangladesh (BRRI) và Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) với doanh nghiệp tư nhân Supreme Seed của nước này. Hiện cả bốn giống lúa đã được Ủy ban hạt giống quốc gia cấp chứng nhận cho phép nông dân sản xuất đại trà.

“Trong điều kiện bình thường hai giống lúa BRRI Dhan-51 và BRRI Dhan-52 cho năng suất từ 5 đến 5,5 tấn/ha và khi sản xuất trong mùa mưa lũ ngập úng, năng suất cũng đạt từ 4 đến 4,5 tấn/ha. Riêng đối với giống lúa lai Hybrid-4, năng suất dự kiến có thể đạt 7,5 tấn/ha còn giống Hira Dhan-10 cũng ước đạt 6 tấn/ha” - nhà khoa học Khairul Bashar cho biết. Theo ông Bashar, để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng thì các giống lúa vừa sáng chế vừa qua là một bước đột phá quan trọng.

Theo: Báo NNVN

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Nam Dương 99 - giống lúa kháng rầy


LUAGAO - Nam Dương 99 là giống lúa lai 3 dòng đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống sản xuất thử trong vụ xuân muộn, mùa sớm tại các tỉnh phía Bắc (quyết định số 424/QĐ – TT – CLT ngày 2 tháng 11 năm 2009). Giống lúa lai mới này có đặc tính sau:

Thời gian sinh trưởng 130 – 132 ngày trong vụ xuân, 105 – 110 ngày vụ mùa. Dạng hình đẹp, cứng cây, chịu thâm canh cao, lá dầy đứng, màu xanh trung bình. Năng suất cao, ổn định ở các vùng, vụ mùa 2008, năng suất trung bình tại 4 vùng đạt 72,2 tạ/ha, tương đương Nhị ưu 838, cao nhất đạt 86,3 tạ/ha tại điểm khảo nghiệm Thanh Hóa.

Về chất lượng, giống Nam Dương 99 có chất lượng gạo tương đương D.ưu 527, dạng hạt dài thon hơn Nhị ưu 838, tỷ lệ xát của Nam Dương 99 đạt 70,6%, cao hơn hẳn Nhị ưu 838 và D.ưu 527.

Về khả năng chống chịu sâu bệnh: Trong điều kiện sản xuất vụ mùa 2007 và 2008, theo kết quả khảo nghiệm của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, SPCT & PB Quốc gia, giống Nam Dương 99 nhiễm bệnh khô vằn và rầy nâu nhẹ hơn giống đối chứng Nhị ưu 838, đặc biệt với bệnh bạc lá Nam Dương 99 không nhiễm đến nhiễm nhẹ ở hầu hết các điểm khảo nghiệm (điểm 0 – 1).

Sau khi giống Nam Dương 99 được công nhận cho sản xuất thử, vụ xuân 2010, Công ty TNHH Nam Dương đã triển khai sản xuất thử ở nhiều tỉnh đại diện cho vùng ĐBSH và miền Bắc; xây dựng mô hình trình diễn ở những điểm mới, hợp đồng chuyển giao cho các địa phương đã sản xuất thử có kết quả tốt. Ông Ngô Văn Dương, giám đốc Công ty TNHH Nam Dương cho biết: công ty giao cho cán bộ kỹ thuật phối hợp, triển khai tập huấn kỹ thuật trước gieo cấy cho nông dân, nhất là những địa phương gieo cấy giống Nam Dương 99 lần đầu để nông dân chủ động gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật của giống. Trong từng thời điểm sinh trưởng phát triển của lúa, cán bộ kỹ thuật của công ty phối hợp với cán bộ kỹ thuật của địa phương thăm đồng và thống nhất điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho từng diện tích gieo cấy.

Vụ này, theo nhận định của các địa phương, năng suất của Nam Dương 99 đều đạt trên 75 tạ/ha, là một trong những giống lúa lai nằm trong tốp dẫn đầu về năng suất. Ấn tượng nhất trong vụ sản xuất này cũng như một số vụ trước là khả năng kháng rầy của giống Nam Dương 99. Cụ thể, vụ xuân 2010 tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định gieo cấy giống Nam Dương 99 trên 150ha, trong đó xã Giao Yến gieo cấy 25 ha, đây là tâm điểm của bệnh lùn sọc đen tại Nam Định nhưng toàn bộ diện tích trồng Nam Dương 99 đều không bị rầy gây hại, đương nhiên không bị lùn sọc đen. Ông Đoàn Văn Đồng, chủ nhiệm HTXDVNN Giao Yến cho biết: Đặc thù vùng này là lúa hay bị nhiễm rầy, bệnh lùn sọc đen rất nặng, qua thông tin đại chúng biết được giống Nam Dương 99 có khả năng chống chịu rầy rất tốt, năng suất cao nên chúng tôi đã mang về sản xuất thử, đúng là cầu được ước thấy!

Gặp bác Lâm Đình Thám - nông dẫn xã Giao Yến đang thăm đồng, biết chúng tôi về thăm giống lúa Nam Dương 99, bác rất hào hứng: “Đây là năm đầu tiên gia đình tôi cấy giống Nam Dương 99 theo khuyến cáo của HTX, thực sự lúc đầu cũng lo lắng vì chưa hiểu về giống nhưng khi được tư vấn tôi đã mạnh dạn cấy 6 sào và cho đến thời điểm này có thể khẳng định đây là giống năng suất nhất xã tôi, vừa rồi mấy anh khuyến nông đã gặt điểm ruộng nhà tôi, đạt gần 3,2 tạ/sào, bênh cạnh đó nó còn rất sạch sâu bệnh…”.

Tại Hưng Yên, vụ xuân 2010 giống Nam Dương 99 được đưa vào chương trình khảo nghiệm, trình diễn, với diện tích khoảng 10 ha. Theo báo cáo kết quả của Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, giống Nam Dương 99 gieo thẳng thời gian sinh trưởng vụ xuân 2010 chỉ 125 – 128 ngày, còn gieo mạ nền cứng cấy mạ non khoảng 130 ngày, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, gọn cây, góc lá đứng, cứng cây chống đổ tốt, lúa trỗ tập trung, độ thuần đồng ruộng cao, năng suất mô hình gieo mạ nền cứng cấy mạ non đạt 77,8 tạ/ha, mô hình gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng đạt 80 tạ/ha. Tại xã Ngũ Lão, huyện Kim Động, nông dân cấy chân ruộng nước ngập quanh năm, độ sâu trên 20cm, cho thấy giống Nam Dương 99 tỏ ra rất thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu, bệnh gây hại, năng suất cao nhất trong các giống lúa ở chân ruộng này (cả lúa lai và lúa thuần).

Về khả năng chống đổ, ngày 10 và 15/5/2010 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mưa lớn kèm gió to, Kim Động là địa phương có nhiều diện tích lúa đổ nhất, có nhiều giống lúa lai tham gia khảo nghiệm trình diễn bị đổ, chỉ có giống N.ưu 69, Nam Dương 99 là không bị đổ, đây là một trong những đặc điểm tốt, nông dân lựa chọn cấy vụ mùa.

Tổng kết, đánh giá về giống lúa Nam Dương 99, cho thấy giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng rộng, kháng đạo ôn, nhiễm khô vằn, bạc lá, rầy nâu rất nhẹ, cứng cây chống đổ tốt, là những đặc tính rất quý trong bối cảnh bệnh nguy hiểm lùn sọc đen đang phát sinh gây hại, và nhất là trong sản xuất vụ mùa hay gặp mưa to gió lớn gây đổ ngã.

Với những kết quả trên mặc dù việc đưa lúa lai vào sản xuất trong vụ mùa đang có xu hướng giảm nhưng vụ mùa 2010 giống lúa Nam Dương 99 vẫn được nông dân nhiều địa phương lựa chọn để gieo cấy. Ông Ngô Văn Dương cho biết dù mới công nhận sản xuất thử nhưng công ty nhập 70 tấn giống (gieo cấy hơn 2.000ha) mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Mong muốn của công ty là được Bộ Nông nghiệp & PTNT sớm công nhận chính thức Nam Dương 99, đưa vào danh mục giống cây trồng được sản xuất kinh doanh để công ty nhập giống với số lượng lớn hơn đáp ứng nhu cầu các địa phương.

Nguyễn Tuấn

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/67/67/55302/Default.aspx

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Giống lúa chịu hạn, mặn ở ĐBSCL

Phục trang giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân cho vùng lúa, tôm

LUAGAO - Theo các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL, thì việc tìm giống lúa chịu hạn, mặn thích nghi với biến đổi khí hậu đã được họ chuẩn bị từ lâu.

TS Võ Công Thành, Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp – Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ cho biết: Từ năm 2000 một số nhà khoa học trường ĐH Cần Thơ đã có những công trình sưu tập và giữ lại những giống lúa cổ truyền. Chúng tôi ngạc nhiên với giống lúa mùa địa phương như: Nàng Qướt, Tiêu Chùm, Sỏi Đá có khả năng chịu mặn tới 20%o, dù năng suất rất thấp, chỉ chừng 2-3 tấn/ha. Trong đó giống lúa Nàng Qướt của Tiền Giang xưa kia nổi trội thích nghi trên đất sát mé biển, vùng ngập mặn thường xuyên. Hay giống lúa Sỏi Đá nổi tiếng cứng cây, năng suất khá...

TS Phạm Trung Nghĩa, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học - Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Cả 2 vùng lúa phía Bắc và Nam đã bắt đầu thực hiện đề tài chọn tạo giống lúa chịu mặn của Bộ NN-PTNT. Ở phía Nam, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện chọn tạo bộ giống chịu mặn với kinh phí 3 tỷ trong 5 năm (2009-2013). Thời gian từ lai tạo - tuyển chọn, cho đến khi có được một số dòng lúa mới thuần chủng cần ít nhất là 6-7 vụ lúa, sau đó cần khoảng 2-4 vụ cho việc đánh giá năng suất, khảo nghiệm đặc tính của giống. Do đó thời gian chọn tạo giống là tương đối dài, cho nên mỗi chương trình, đề tài chọn giống đều có phần kế thừa nguồn dòng/giống lúa từ đề tài chọn tạo giống lúa khác thực hiện trước đó.

Từ năm 2009 đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã bước đầu tìm 30 dòng lúa có triển vọng chịu mặn là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện chịu mặn qua nhiều lần thanh lọc trong phòng thí nghiệm và nhà lưới. Đánh giá những dòng lúa triển vọng này có khả năng chịu mặn tốt trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL hay không còn đang được phối hợp khảo nghiệm ở một số trung tâm giống của các tỉnh như SócTrăng, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu...

TS Nghĩa cho biết thêm, trong nghiên cứu ngoài việc chọn tạo giống lúa chịu mặn, chúng tôi cũng đang rất quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa như sử dụng phân bón giàu khoáng vi lượng-vitamin, chế phẩm sinh học, hóa chất cải tạo đất, kỹ thuật tưới tiêu, cải tạo đất... sao cho giúp cây lúa chịu đựng tốt hơn trong điều kiện bị nhiễm mặn. Kết hợp được giống lúa chịu mặn với biện pháp kỹ thuật sẽ giúp tăng tính chịu mặn của cây lúa lên cao hơn, sản xuất lúa trong mùa vụ nhiễm mặn sẽ an toàn, hiệu quả. Ngoài tính chịu mặn ra, giống lúa mới cần phải có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện tự nhiên thì mới được bà con nông dân ưa thích, gieo trồng trong sản xuất.

Hiện nay, một số giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL xác định có khả năng kháng mặn khá cao như OM6976, OM6677, OM5464, OM5629, OM5166... đã và đang được khảo nghiệm ở một số tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Kết quả khảo nghiệm ban đầu ghi nhận khá khả quan, trong đó giống lúa OM5464 đang được đề nghị nhân rộng và trình Bộ NN-PTNT công nhận là giống lúa sản xuất thử trong năm 2010. Hai giống OM6976 và OM5166 đang được tiếp tục khảo nghiệm, xác định biện pháp kỹ thuật thích hợp để tăng tính chịu mặn và năng suất của giống. Hai giống lúa mới này đang dự kiến xin công nhận trong năm 2011.

TS Võ Công Thành xác nhận: Trong 2 năm 2008-2009, giống lúa BN được chọn tạo từ giống lúa IR 50404 đột biến cho thấy khả năng thích nghi trên vùng đất phèn, chịu hạn ở Đồng Tháp, Trà Vinh và ở Hậu Giang đã có gần 400-500ha. Giống BN chất lượng gạo mềm cơm, hàm lượng amylose trên 22%, bạc bụng 5% (ngưỡng cho phép 15%); kháng rầy, kháng đạo ôn, khô đầu lá, bệnh von… Riêng giống Một bụi đỏ Hồng Dân, từ tháng 2/2009 bắt đầu thực hiện đến nay có được kết quả bước đầu với 100kg giống chuyển giao về huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) nhằm đáp ứng cho mô hình lúa-tôm, không sử dụng thuốc trừ sâu để sản xuất gạo sạch. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ môn Di truyền chọn giống nông nghiệp – Khoa nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ đã có kết quả trong việc chọn tạo giống đậu bắp mới với ưu thế lai, có khả năng kháng sâu đục trái, sâu đục thân, chịu hạn, phèn; có khả năng trồng trên vùng đất mặn và năng suất cao. Đây là giống hướng tới sản xuất sạch, không dùng thuốc sâu để phát triển vùng rau màu ở vành đai các đô thị.

Trở lại với đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu mặn, TS Nghĩa nhận xét: Thực tế trong sản xuất hiện nay ở một số vùng lúa nhiễm mặn, ruộng lúa thường bị ngập tạm thời trong thời gian từ 7-18 ngày sau khi xuống giống đầu vụ. Hướng nghiên cứu thích nghi này đã được Viện Lúa Quốc tế thực hiện, còn Viện Di truyền NN và Viện Lúa ĐBSCL cũng đang bắt đầu thực hiện. Giống lúa bố mẹ mang tính chịu mặn và chịu ngập đã được xác định và không bị rào cản về bản quyền nguồn giống. Do BĐKH, kết hợp với việc xuất hiện đê ngăn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nước trong sông, kênh rạch vùng ĐBSCL có thể bị thiếu tạm thời. Do đó chọn giống lúa chịu hạn trong thời gian ngắn (khoảng 5-14 ngày), đất không quá khô hạn (chủ yếu là ráo nước đến hơi khô) mà vẫn cho năng suất khá cao (từ 4-7 tấn/ha) là thích ứng nhất với điều kiện ĐBSCL. Chọn giống lúa theo hướng này sẽ đáp ứng tốt với kỹ thuật quản lý nước tưới tiêu tiết kiệm của Viện Lúa Quốc tế (tưới - khô ráo xen kẽ), hợp với điều kiện nguồn nước của ĐBSCL hiện nay”.

Đối với chọn giống lúa chịu nhiệt độ cao, TS Nghĩa cho rằng: Nhiệt độ cao trong giai đoạn trổ bông sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ở nhiệt độ cao hơn 35oC trong vài giờ sẽ làm bông lúa đang trổ bị lép rất nhiều sau này. Nhiệt độ cao cũng sẽ làm giảm kích thước hạt lúa và giảm tỷ lệ xay chà gạo. Một vài đặc tính liên quan đến cấu trúc bông lúa cũng như đặc tính trổ sớm vào buổi sáng của một số lúa hoang có thể giúp lúa ít bị thiệt hại do nhiệt độ cao. Do đó, việc đầu tiên của hướng chọn giống này là phải đánh giá lại các ngân hàng gen giống lúa cho đặc tính chịu nhiệt độ cao, hoặc tìm nguồn giống lúa chịu nhiệt độ cao sử dụng trong các chương trình lai tạo.

Hữu Đức

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/54732/Default.aspx

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Nuôi gà sao, lãi 25 triệu/tháng

Gà sao xuất hiện trên địa bàn được người dân ở tổ 15 (thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) gọi là “chim trời”. Dân càng nghi ngờ hiệu quả từ mô hình nuôi gà sao thả vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh. Họ nhắc nhở nhau, cứ từ từ để xem thế nào, nó bay hết thì mất cả chì lẫn chài.
Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, tháng 5/2009, chị Oanh về tận Bắc Giang để mua 1.000 con gà sao với giá 40 triệu đồng. Qua hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà, chị trồng 1.000m2 cỏ VA06. Người dân tò mò đến xem gà, thấy dáng vẻ lạ lẫm, nghe tiếng kêu như chim, họ cười ầm lên rồi kháo nhau, lạ thật, nhà này nuôi chim trời mà mong làm giàu. Chồng đi làm thuê, chị Oanh hàng ngày ngoài chăm lo cho 2 con ăn học thì thực hiện việc chăm sóc đàn gà theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Chị cho biết, giống gà này dễ nuôi, còn dân dã hơn cả gà ta. Gà sao ngoài ăn ngô, ăn thóc hạt còn “ngốn” một lượng lớn cỏ. 1.000 m2 cỏ VA06 mới trồng không đủ cho gà ăn. Chị Oanh phải lên rừng chặt chuối về thái ra cho chúng ăn. Ăn tạp vậy nhưng gà sao lại có sức đề kháng đặc biệt, hầu như chúng không mắc bệnh tật gì cả. Qua 4 tháng nuôi gà, cho đến lúc xuất chuồng, đàn gà 1.000 con của chị Oanh chỉ chết 7 con nhưng nguyên nhân lại không phải do bệnh mà do chúng bị kẹt chuồng. Gà sao có chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon nên bán được giá và nhanh chóng được nhiều người tìm mua. Bà chủ vườn “chim trời” bán vèo trong mấy ngày hết gần 900 con gà. Chị giữ lại 100 con để nhân giống. Chị hạch toán, qua 4 tháng chăn thả, gà có trọng lượng bình quân 1,8 kg, giá bán 100 ngàn đồng/kg. Nếu bán cả đàn thì tổng thu đạt xấp xỉ 180 triệu, trừ đi tiền mua giống, tiền thức ăn và tiền thuốc phòng bệnh thì số lãi đạt tới 100 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng số lãi là 25 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập trên, chị đã mạnh dạn bàn với chồng tiếo tục xây dựng trại nuôi lợn rừng với quy mô 18 con.
Mô hình nuôi gà sao thả vườn hiệu quả của gia đình chị Oanh đã được người nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Hà Giang tìm về tham quan. Chị Oanh cho biết, có người ở tận Mèo Vạc, Bắc Mê cũng tìm về, ban đầu thì hỏi, sau cứ nhất nhất, khăng khăng đòi bán cho mấy đôi để mang về nuôi lấy giống. Gà sao chỉ đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Với 100 gà đẻ trứng hiện nay, chị đã tính tới việc đầu tư lò ấp trứng để nhân giống. Trước mắt, trong vụ nuôi tới, chị đã đăng ký với Trung tâm giống gia cầm Thuỵ Phương đặt mua 2.000 gà giống. Bà Cao Thị Thêm (Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vị Xuyên) cho rằng, hiệu quả mô hình nuôi gà sao thả vườn của gia đình chị Oanh có giá trị lan toả rất lớn, Trạm Khuyến nông huyện coi đây là mô hình điểm để nhân diện trên địa bàn.

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Kế Hoạch Kinh Doanh Sản Phẩm Mới Giống Lúa Lai Arize B-TE1

LUAGAO - Giới thiệu bài cáo cáo chuyên đề "Kế Hoạch Kinh Doanh Sản Phẩm Mới Giống Lúa Lai Arize B-TE1" - Tham khao File Powerpoint theo link dưới nhé

http://picasaweb.google.com/haylachinhminh1986/SPC#slideshow/5478517427726402946

Xử lý tôm nuôi khi có mưa trái vụ

Những cơn mưa trái vụ thường gây ảnh hưởng đến môi trường nước tại các ao nuôi, có thể làm tôm bị chết do sốc. Vì vậy, để nuôi tôm hiệu quả, việc hạn chế sự biến đổi môi trường nuôi cần được quan tâm hàng đầu.

Ông Nguyễn Trung Hưởng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau cho biết: "Tình trạng nắng nóng, thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay sẽ làm môi trường ao nuôi biến đổi đột ngột, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Đặc biệt, những cơn mưa trái vụ có thể làm tôm chết do sốc".

Nắng nóng làm nước trong ao nuôi tôm bốc hơi nhanh, từ đó nhiệt độ tăng cao, độ mặn trong vuông nuôi cũng tăng theo, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của tôm. Khi xuất hiện mưa trái vụ, nước mưa sẽ cuốn trôi phèn từ bờ vuông xuống ao nuôi làm pH giảm thấp, nhiệt độ thay đổi đột ngột, dẫn đến hiện tượng tôm chết do bị sốc nhiệt và pH hoặc tôm nuôi yếu đi, mất khả năng đề kháng, dễ mắc bệnh.

Theo ông Hưởng, để nuôi tôm đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro, ngoài việc thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi, gia cố đê bao, người nuôi tôm cần có khu lắng riêng để chủ động nguồn nước cũng như hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài.

Để khắc phục tình trạng tăng cao của nhiệt độ, độ mặn, người nuôi cần chủ động duy trì mực nước trong vuông cao (mặt trảng trên 0,4m và mương bao từ 1,2-1,5m), thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao tránh tình trạng rò rỉ. Nếu nước trong ao có màu đậm, pH cao cần tiến hành thay nước (khoảng 20% lượng nước) hoặc lấy thêm nước. Khi lấy thêm nước cần kết hợp sử dụng vôi từ 10-15 kg/1.000m3 nước, bón vào 21-22 giờ và có thể lặp lại 2-3 lần cho đến khi các yếu tố trở lại ngưỡng thích hợp.

Khi thấy có dấu hiệu mưa, dùng vôi với liều lượng 10-15kg/100m2 bón xung quanh bờ vuông để hạn chế phèn rửa trôi xuống ao nuôi. Đồng thời tiến hành xả bớt lớp nước mặt hoặc dùng quạt, xuồng máy chạy đảo trong ao để phá vỡ sự phân tầng nước.

Ngoài ra, để hạn chế sự biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường nuôi trong mùa mưa hay mùa hạn, người nuôi nên sử dụng các chế phẩm sinh học theo định kỳ.