Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Giống lúa lai SL8H-GS9

LUAGAO - Với mục tiêu luôn áp dụng TBKT vào sản xuất để tăng cao năng suất chất lượng cây trồng, bước vào đầu vụ mùa này Trạm BVTV & GCT Nghĩa Đàn, Nghệ An đã đưa giống lúa lai SL8H-GS9 vào gieo trồng khảo nghiệm. Kết quả năng suất đã cho thu hoạch được 7,08 tấn/ha, cao hơn giống lúa lai truyền thống 1,74 tấn/ha.

Hội thảo mô hình ngày 20/10/2010 được tổ chức trên đồng đất của xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Đàn đã thu hút hàng trăm cán bộ xã, HTX và bà con nông dân thuộc hai đơn vị ở thị xã Thái Hoà và huyện Nghĩa Đàn. Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật và giống cây trồng Nghĩa Đàn, ông Nguyễn Viết Trung cho biết: Giống lúa lai 3 dòng SL8H-GS9 được lai tạo bởi tập đoàn SL Agritech Philipines, đơn vị nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam là Cty CP Đại Thành (trụ sở đóng ở Liên Bão - Tiên Du - Bắc Ninh). Giống lúa lai 3 dòng này đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống lúa tạm thời từ tháng 4/2010. Đây là cuộc khảo nghiệm lần đầu tiên tại tỉnh Nghệ An.

Ông Trung tiếp tục cho biết: Giống lúa lai SL8H-GS9 Trạm gieo trồng vào ngày 26/6/2010, với mật độ gieo cấy 40-45 khóm/m2. Giống đối chứng là lúa lai Nhị ưu 838. Trong thời gian gieo cấy, cây lúa gặp phải nắng hạn gay gắt, trong quá trình sinh trưởng thời tiết tiếp tục gây bất thuận nặng nề, sâu bệnh nói chung và sâu cuốn lá nói riêng đã bùng phát trên diện rộng, đến khi lúa trổ bông lại gặp phải mưa lũ. Những yếu tố đó đã làm ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và sản lượng cây trồng.

Tuy nhiên qua theo dõi và đánh giá tại ruộng, hội thảo đã đưa ra kết quả: Thời gian sinh trưởng giống lúa SL8H-GS9 tương đương với lúa Nhị ưu 838 (từ 105-106 ngày). Đường kính gốc rạ SL8H-GS9 là 7 mm, Nhị ưu 5 mm. Chiều dài bông SL8H-GS9 23,5cm, Nhị ưu 22 cm. Chiều cao cây lúa SL8H-GS9 115 cm, Nhị ưu 110 cm. Trên thực tế giống lúa SL8H-GS9 đã thể hiện tính nổi trội hơn so với giống lúa Nhị ưu 838 như tính chống đổ khá, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận, khả năng đẻ nhánh khoẻ, tập trung, từ cấy 1 dảnh/khóm đến thu hoạch có 6 bông hữu hiệu/khóm.

Về sâu bệnh, trong vụ này do thời tiết bất thuận nên giống lúa SL8H-GS9 đã bị nhiễm nhẹ một số bệnh như sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu. Đặc biệt giống lúa mới này có tính chống chịu rất tốt với bệnh bạc lá. Trong lúc đó giống lúa Nhị ưu 838 bị nhiễm nặng sâu cuốn lá và nhiễm nặng bệnh bạc lá. Đối với năng suất, qua thống kê tại các nhóm nông dân kiểm tra trên ruộng khảo nghiệm đã cho thấy giống lúa SL8H-GS9 đã cho thu hoạch được 354 kg/sào (500m2), trong khi đó ruộng đối chứng Nhị ưu 838 chỉ thu được 267kg/sào.

Như vậy trong lần đầu tiên khảo nghiệm giống lúa SL8H-GS9 đã cho năng suất cao hơn giống lúa Nhị ưu 838 là 87 kg/sào(tức là cao hơn 1,74 tấn/ha.) Theo lý thuyết khuyến cáo nếu thời tiết thuận lợi và thâm canh tốt thì năng suất lúa LS8H-GS9 sẽ cho thu hoạch đạt 14 tấn/ha. Về chất lượng, qua sản phẩm do Cty CP Đại Thành cung cấp đã cho thấy giống lúa mới này có hạt gạo dài, cơm dẻo, vị ngọt đậm và mùi thơm đầy hấp dẫn. Theo đó Trạm BVTV & GCT Nghĩa Đàn đã lập kế hoạch tiếp tục nhân rộng vùng khảo nghiệm, để khẳng định tính ưu việt của lúa lai SL8H-GS9.

(Theo Báo NNVN)

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Thu hoạch ca cao

Bình thường cây ca cao ra hoa mỗi năm 2 lần.
Lần thứ nhất, thường vào tháng 5 và 6. Lần thứ hai, vào khoảng tháng 10, đợt hoa này ít hơn. Ở những vùng đất cao hơn, so với mặt biển như Tây Nguyên, ca cao ra hoa đậu quả chậm hơn.
Trái ca cao chín sau 4 - 5 tháng. Ở nhiều vùng đất tốt, cây ca cao hầu như ra hoa đậu quả quanh năm.
I. HÁI TRÁI
Người ta thu hái trái ca cao căn cứ vào màu sắc của vỏ trái : khi các trái màu đỏ chuyển sang màu đỏ cam hoặc trái màu vàng chuyển sang màu lục vàng là đã chín. Trái vừa chín cần hái ngay vì nếu chưa chín, hạt trong quả chưa chín rất khó bóc ra và là sản phẩm hạt loại thấp. Ngược lại, để trái chín lâu trên cây, trái dễ bị sâu bệnh, côn trùng, chim, chuột, sóc... phá hại và bản thân trái ca cao mau chín rục và rụng, nhanh chóng thối rữa.
Tuy nhiên, đối với một số trái màu đỏ tím đậm, sự thay đổi màu vỏ không rõ lắm, rất dễ nhỡ vụ. Nên đối với những loại trái đỏ tím rất đậm này này người ta thu hoạch phải chú ý : gõ ngón tay vào vỏ trái để nghe âm thanh bụp bụp khi trái chuyển chín để xác định trái đã chín dễ hơn nhìn màu sắc (nếu rút kinh nghiệm nhìn màu sắc được càng tốt). Trong việc hái trái, chú ý thà trái chín quá một chút còn hơn hái trái chưa chín rất thiệt hại : hạt khó ủ, tỉ lệ hạt tím và xám cao, năng suất ca cao khô giảm nhiều.
Cho nên thu hoạch trái chín phải tiến hành đều đặn hàng tuần, hay 10 ngày hoặc 15 ngày một lứa là chậm nhất. Không được để quá tới 3 tuần lễ, dễ sót trái quá chín và hư hỏng.
Ở những cây ca cao, vùng ca cao có bệnh trái hư thối càng phải chú ý thu hoạch thường xuyên hơn để hạn chế bớt những phá hại của bệnh.
Tất cả những trái thấy rõ bệnh hoặc sâu hại cần được cương quyết loại ra ngoài. Chú ý : chỉ thu hoạch những quả nguyên vẹn, đủ tiêu chuẩn.
Đơn giản hơn ta có thể hái bằng chiếc câu liêm dài cán hay lưỡi liềm sắc và sạch. Cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ nghiêm ngặt không để những trái ca cao hoặc cành hoặc thân, lá ca cao có bệnh vung vãi lây bệnh, quét dọn các quả cũ, các cành chết khô, chôn sâu quả, lá, cành bệnh, nấm...
Cố gắng thu hoạch trái mỗi vụ nhanh gọn trong vòng 3, 4 tuần
II. BÓC QUẢ
Ở một số nước, nơi có ca cao lượng lớn, người ta bóc quả tại chỗ, chỉ đưa hột đóng bao đem về xưởng xử lý. Ở các trại ca cao nhỏ, gia đình, thường quả ca cao số lượng không nhiều lắm, người ta đều thu hoạch quả sau 1, 2 ngày mới bóc hạt và ủ.
Thời gian giữa bóc quả lấy hạt và đưa vào ủ không được kéo dài quá 24 giờ, trái lại hái trái rồi có thể để lại 3, 4 ngày sau mới bóc, không có hại gì.
Bóc quả ca cao để lấy hạt là đập quả ra bằng một khúc gỗ (làm tay nắm trơn như dùi đục thợ mộc) đập theo chiều thẳng đứng (để trái cũng theo chiều đứng thẳng), cũng có thể cầm quả đập vào đá, vào cây gỗ to, để trái vỡ ra, bóc lấy hạt, tách bóc khỏi trung trụ sạch hết xơ cùi trụ : lách hai ngón tay theo chiều dài và cả hai bên xơ cùi trụ, hạt sẽ tách ra dễ dàng.
Có nơi dùng dao mổ trái theo chiều dọc tức là để quả theo chiều đứng, dùng dao chặt hai nhát 2 bên đối diện, ở nhát thứ hai này phải vừa chặt vừa vặn để mổ quả. Xong lấy mũi dao gẩy hạt ra. Dùng dao kiểu này dễ dập hạt, lại không loại được hết xơ cùi trụ dính hạt.
Hạt còn dính xơ cùi trụ thì rất khó phơi khô đều và làm giảm giá trị sản phẩm ca cao.
Bóc quả là việc khó : phải cẩn thận và tốn công. Nếu một lao động hái được 1.000 quả trong một ngày thì cũng phải tốn một lao động để bóc 1.000 quả ấy. Người ta đã tìm cách cơ giới hóa việc bóc vỏ này. Trước đây trên thế giới đã có nhiều kiểu máy bóc quả nhưng ít được sử dụng vì chưa thấy lợi. Mới gần đây có một loạt máy : loại Cacaoette của Pháp, Zumex của Tây Ban Nha, Pinhalense của Brasil. Loại Cacaoette của Pháp tương đối nhỏ gọn và có thể mang đến vườn ca cao. Loại Zumex có 2 cỡ máy : một cái có thể bóc 3.500 trái trong 1 giờ, cái kia có thể bóc 10.000 trái trong giờ. Máy lớn với lượng quả cần quá nhiều như vậy, cho nên ở nước ta cần phải có tổ chức trồng ca cao rộng khắp, thâm canh, kỹ thuật cao hơn nữa để có đủ lượng quả cho máy hoạt động, tránh lãng phí.

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Người chuyên canh giống điều cao sản

Năm 1991, khi mới rời quân ngũ về lập nghiệp ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, gia đình ông Đỗ Hữu Phong gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Bởi khi ấy, chưa có kinh nghiệm SX nông nghiệp và chỉ quanh quẩn với cây bắp, cây khoai mì trồng giống địa phương năng suất thấp, giá cả bấp bênh...

Từ năm 1997, ông Phong đã dành nhiều thời gian theo học các lớp khuyến nông và đi tham quan học hỏi kinh nghiệm làm ăn của nông dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm 1998, sau khi học xong lớp công nghệ ghép điều cao sản do Viện KHKTNN miền Nam tổ chức và được sự hỗ trợ về kỹ thuật của các chuyên gia của Viện, ông Phong đã mạnh dạn vay vốn của bạn bè, người thân và ngân hàng mua hơn 1 ha đất ở ấp 5, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để SX các giống điều ghép cao sản.
Năm 1999, ông SX được 17.000 cây điều giống, nhưng chỉ đạt tiêu chuẩn 7.000 cây. Thế nhưng không nản chí, ông kiên trì tìm tòi đúc rút kinh nghiệm và kết quả thật bất ngờ: Năm 2000, ông SX và tiêu thụ được gần 40.000 cây điều giống cao sản các loại và được Viện KHKTNN miền Nam đánh giá chất lượng cao và từ đó đến nay, vườn ươm cây điều giống của ông Đỗ Hữu Phong được Viện xây dựng làm mô hình nông dân tham gia nghiên cứu giống cây trồng, là điểm trình diễn và nhân giống các giống điều.

Chỉ tính riêng trong 2 năm 2003-2004, vườn ươm của ông đã sản xuất và tiêu thụ trên 380.000 cây điều ghép cao sản các loại và cung cấp 350.000 chồi điều có chất lượng cao cho Binh đoàn 16 trồng theo dự án của Bộ Quốc phòng ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, với doanh thu lên tới tiền tỷ. Còn mùa mưa năm nay, vườn ươm sẽ sản xuất hơn 200.000 cây điều giống các loại phục vụ cho nông dân cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích vườn điều cao sản theo hướng chuyên canh. Trong số đó có giống điều mới xuất xứ từ Thái Lan, nhiều tính trội như cho trái sớm, trái ra nhiều đợt, hạt to, tỷ lệ nhân cao...

Theo báo cáo của Viện KHKTNN miền Nam, các giống điều này trồng khoảng 18 tháng cho ra trái bói vụ đầu, đến năm thứ 4 cho năng suất từ 2,5-3 tấn/ha và tăng dần lên theo các năm sau.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phong cho biết gia đình đang hoàn tất thủ tục xin thành lập DN dịch vụ nông nghiệp - thương mại để có điều kiện phát triển kinh tế, phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Theo bannhanong.vietnetnam.net

Xây nhà cao tầng nhờ rau xanh

Viên Sơn là xã đầu tiên của Sơn Tây (Hà Tây) về đích khi đặt mục tiêu thu nhập 65 triệu đồng/ha/năm. Đối với bà con nông dân ở đây, cây rau là nguồn thu nhập chính và cũng nhờ cây rau, nhiều hộ xây được nhà cao tầng.

Giàu nhờ rau

65 triệu đồng/ha/năm là thu nhập của nhiều hộ dân xã Viên Sơn (Sơn Tây - Hà Tây) lúc này, trong khi ở thị xã, đa phần các hộ sản xuất nông nghiệp khác vẫn chỉ dám phấn đấu ở mức thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm.

Về Viên Sơn bất cứ lúc nào cũng có thể bắt gặp màu xanh của rau, mùa nào thức nấy, vụ sau gối tiếp vụ trước. Bên cạnh các loại rau truyền thống, người dân còn tiếp cận một số giống rau, củ quả mới du nhập. Anh Nguyễn Văn Cần - một nông dân chuyên sản xuất rau giống trong xã cho biết, nghề trồng rau rất vất vả, nhưng bù lại là cho thu nhập khá so với trồng lúa. Với 4 sào rau giống, bình quân mỗi năm trừ tất cả chi phí anh thu được trên dưới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Cần thì "quy luật" cứ vài năm thắng lợi lại có một năm thất bại do thời tiết hoặc rau bị ế.

Kinh nghiệm của một hộ giàu

Kinh nghiệm mà anh Cần có được trong 20 năm là phải luôn coi trọng khâu làm đất, trước khi gieo hạt cần chuẩn bị đất khô, ải, làm luống cao để tránh ngập úng, sau mỗi vụ lại bổ sung thêm đất phù sa... Gieo hạt xong phải che phủ bằng cót hoặc rơm trên mặt luống, tuy nhiên che làm sao phải giữ được độ ẩm để hạt nảy mầm đều. Chăm sóc rau hằng ngày, tưới cho rau bằng nước sạch, phân bón phải được phơi ải, ủ sau một năm mới đem ra sử dụng, trước khi thu hoạch rau giống không được sử dụng thuốc hoá học...

Ngoài anh Cần, trong xã còn có một số hộ cũng giàu lên nhờ nghề trồng rau, đáng kể như anh Vượng, anh Cường, Bình... Thu nhập bình quân đạt từ 20 - 25 triệu đồng/năm. Hiện nay, cả xã có tới hàng trăm hộ trồng rau thương phẩm, nhiều hộ trở nên khá giả nhờ cây rau, một số hộ đã xây được nhà tầng...

Nhằm duy trì nghề sản xuất rau, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2004 xã Viên Sơn đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích 2,5ha, thu hút hơn 40 hộ tham gia. Theo ông Phan Văn Thái - Chủ tịch xã Viên Sơn, trong thời gian tới xã sẽ tăng thêm diện tích trồng rau an toàn, tăng cường giám sát về việc thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn, vừa để giữ uy tín, vừa thay đổi thói quen sản xuất của bà con.

Theo bannhanong.vietnetnam.net

Kiếm bạc tỷ bằng nghề trồng hoa

Năm đầu tiên dốc vốn vào dự án trồng hoa, anh Tuấn bị lỗ 700 triệu đồng. Không nản chí, anh bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật chăm bón, năm 2007, anh thu về được hơn 7 tỷ đồng.


Ruộng hoa cho năng suất rất cao

Trong khi bạn bè đổ xô vào kinh doanh những mặt hàng "hot", anh Tuấn, vốn là một công dân Hà Nội "xịn" lại lên tận núi rừng. Điêu đứng, khốn khổ vì yêu hoa, lại mang tiếng là "hâm", nhưng Phạm Ngọc Tuấn vẫn tin có một ngày mình sẽ nhuộm cả Hà Nội trong những sắc màu thiên nhiên rực rỡ.

Tuấn vốn là một kỹ sư điện tử chuyên ngành âm thanh, một nghề vốn chẳng dính dáng gì đến hương sắc thiên nhiên cả. Anh từng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Kiev.

Về nước từ năm 2000, đến năm 2002 anh thành lập một công ty cung cấp máy tính. Tình cờ anh được xem một chương trình của VTV nói về nghề trồng hoa, nhìn những bông hoa sặc sỡ, đẹp mê hồn bỗng dưng Tuấn như bị ma ám. Anh mê mẩn với những phương cách tạo ra một bông hoa đẹp, anh về bàn với vợ: "Hay là mình chuyển sang kinh doanh hoa?".

Ban đầu, chị Thảo nghe chồng đề xuất thế phì cười: "Hâm! Nhà có mấy chậu hoa, cả đời chẳng thấy anh tưới bao giờ mà nay lại đòi kinh doanh hoa". Không giận, anh cứ lẳng lặng bắt đầu quá trình tìm hiểu về cách trồng các loại hoa theo cách của mình. Không có kiến thức, Tuấn mò lên tận Sa Pa để tận mắt xem Viện Di truyền trồng thử nghiệm hoa ly lần đầu tiên tại Việt Nam.

Xem xong rồi mê mẩn, anh về tìm sang Viện Sinh học của ĐH Nông nghiệp I để học hỏi thêm kinh nghiệm. Rất may khi đó anh gặp Tiến sĩ Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học. Ông Thạch khi đó rất ngạc nhiên khi thấy một ông chủ doanh nghiệp lại có ý định kinh doanh hoa bèn tư vấn: Nếu muốn thì nên trồng hoa hồng vì đây là loại hoa tương đối dễ trồng.

Với 1 ha đất nếu chăm tốt sẽ cho 10 triệu cành. Anh Tuấn nhớ lại: "Khi đó trong đầu mình nảy ngay ra một bài toán, giá hoa hồng là 500-700 đồng mỗi bông. 10 triệu cành sẽ cho thu nhập từ 5-7 tỷ. Thời gian trồng lại ngắn. Cơ hội hốt bạc rõ như ban ngày".

Với 1,2 ha đất thuê được của ĐH Nông nghiệp I, Tuấn hăm hở mua nhà vườn, cây giống về bắt tay vào thực hiện. Dự án kiếm 5-7 tỷ đồng tiền hoa đổ vỡ ngay trong lần thực hiện đầu tiên. Năm ấy, Tuấn lỗ nặng tới 700 triệu tiền vốn vì đầu tư không nghiên cứu kỹ phương thức. Có bắt tay vào mới hiểu, muốn trồng hoa không dễ chút nào.

Ban đầu là chuyện giống má, rồi đến vấn đề phân bón, thổ nhưỡng, khí hậu cùng trăm thứ bà dằn khác. Không kinh nghiệm, không kiến thức nông nghiệp, không thể làm nổi, Tuấn nghĩ vậy nên anh quyết định bắt tay vào nghiên cứu. Rút cuộc, anh nhận ra một điều là khí hậu miền Bắc không thể thích hợp để trồng hoa quanh năm, hai vợ chồng bàn nhau bỏ phố lên rừng. Cuối năm 2004, anh lặn lội lên tận Mộc Châu hỏi thuê đất.

Đây là vùng cao nên nhiệt độ thích hợp cho việc trồng trọt. Anh thức ngày thức đêm, nhập hạt giống, nghiên cứu cách trồng hoa của Hà Lan rồi về áp dụng vào mô hình của mình. Hiện giờ, những vườn hoa ly, hoa tulip của anh nhanh chóng phát triển. Đến giờ Tuấn vẫn tự hào, mình là người cung cấp chủ yếu hoa tulip cho 90% thị trường Hà Nội. Đấy là chưa kể đến các loại khác như ly, hồng...

Trên Mộc Châu, người ta vẫn truyền miệng nhau câu "tuyên ngôn" của Tuấn: Trồng hoa thu được... siêu lợi nhuận. Người dân bản Búa thi nhau bỏ ruộng với một vụ lúa mỗi năm để quay sang trồng hoa theo Tuấn. 5 ha hoa của anh năm 2006 cũng mang về 6,1 tỷ, đến năm 2007 là 7,1 tỷ.

Anh Tuấn bảo, tương lai anh sẽ chuyển hướng về giống, công nghệ, kỹ thuật cùng bà con chuyển sang trồng thêm hoa màu để cung cấp rau quả sạch cho thị trường Hà Nội.

"Những sản phẩm miền núi này sẽ có mặt đàng hoàng tại những siêu thị của Hà Nội như Hapro, Fivimart. Mình sẽ giúp bà con làm nhà lưới để họ trực tiếp sản xuất, còn mình sẽ đảm bảo đầu ra. Bấy lâu nay, tiềm năng đất, khí cả vùng Mộc Châu rất lớn mà bị bà con bỏ phí quá" anh hồ hởi.

(Theo An Ninh Thủ Đô)

Mô hình nuôi cá rô đồng thương phẩm hiệu quả

Ông Phạm Văn Đông, sinh năm 1952, ở ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Gia đình ông có 1.350m2 ao. Từ lúc được học lớp huấn luyện kỹ thuật sinh sản nhân tạo, ương nuôi cá rô đồng do Trung tâm khuyến ngư Tiền Giang tổ chức tháng 3/2007, ông bắt tay nuôi cá rô đồng.

Đến năm 2008 này ông đã tự sản xuất cá bột rô đồng để ương nuôi. Bằng bàn tay khéo léo, ông đã chọn, tự nuôi vỗ cá bố mẹ và tiêm thuốc kích dục tố cho cá sinh sản nhân tạo. Trong năm nay ông đã cho đẻ được hai đợt với gần 4 triệu cá bột. Phương pháp là dùng LRHa + Dom để tiêm cho cá sinh sản, liều lượng 0,2 mg LRHa + 2 viên Dom cho 1 kg cá cái; liều chích cho cá đực bằng ½ liều so với cá cái.

Ông Đông nêu kinh nghiệm nuôi rô đồng như sau:

Sau khi cải tạo ao như sên bùn, bón vôi, lấy nước qua túi lọc, diệt khuẩn thì ông chọn cá bố mẹ đạt tiêu chuẩn để cho sinh sản nhân tạo ra cá bột rồi ương thành cá giống. Với số lượng 1,5 triệu cá bột sau thời gian ương 1,5 tháng ông xuất bán 140 kg cá giống với giá 45.000đ/kg, trừ chi phí còn thu lãi 5 triệu đồng.

Số giống còn lại ông để nuôi với mật độ 30 con/m2. Sau thời gian nuôi 4 tháng ông thu được 3 tấn cá thương phẩm. Cá chia làm 2 cỡ (10 – 14 con/kg và trên 15 con/kg), bán với giá 30.000 đến 35.000đ/kg. Tổng thu: 96 triệu đồng. Trừ chi phí cải tạo ao, cá giống bố mẹ, thức ăn... hết khoảng 64 triệu đồng, còn lãi 32 triệu. Như vậy cộng với khoản thu từ bán giống, sau 1 vụ nuôi hơn 5 tháng, ông Đông có thu nhập 37 triệu đồng từ ao nhà.

Hiện ông Đông tiếp tục tiêm kích dục tố cho cá bố mẹ sinh sản được khoảng 2,5 triệu cá bột, tiếp tục thả ương được trên 1 tháng và cá giống đang phát triển tốt. Sau hai năm nuôi cá rô đồng, ông rút ra bài học: Nuôi cá rô đồng thâm canh, nếu bà con biết nắm bắt kỹ thuật như cho cá bố mẹ sinh sản, ương lấy giống thả nuôi để giảm giá thành sản xuất, mạnh dạn đầu tư thức ăn có độ đạm cao phù hợp từng giai đoạn phát triển của cá, biết cách phòng bệnh và chăm sóc hợp lý… thì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Trần Văn Trọng
(theo NNVN)

Nuôi cá rô đầu vuông, thu tiền tỉ

Giống cá này có trọng lượng mỗi con từ 400-700 g, lớn hơn gấp 3 - 4 lần cá rô bình thường

Thời gian gần đây, nông dân tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận đổ xô tìm mua cá rô đầu vuông để nuôi. Giống cá này mới được phát hiện cách đây hơn một năm, có kích thước lớn gấp nhiều lần so với cá rô đồng bình thường.

Càng nuôi càng lớn
Năm 2008, ông Nguyễn Văn Khải (ngụ ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) tình cờ phát hiện trong ao cá rô đồng nhà mình có khoảng 70 con cá lạ, lớn hơn cá rô bình thường, đầu lại vuông. Trọng lượng mỗi con từ 400-700 g, lớn hơn gấp 3 - 4 lần cá rô bình thường. Ông Khải tuyển những con lớn nhất trong đàn để đem nhân giống. Vụ nuôi đầu tiên, cá lớn rất nhanh, mới hơn 3 tháng đạt trọng lượng 10 con/kg. Thu hoạch hết trong ao được 11 tấn cá rô thịt, ông Khải đem bán cho thương lái với giá 30.000 đồng/kg, thu lời hơn 180 triệu đồng. Do thấy đây là loại cá lạ, lại có nhiều ưu điểm nên ông Khải tiếp tục nhân giống bán cho những người hàng xóm cùng nuôi. Từ đó, loài cá này trở nên nổi tiếng và được đặt tên là cá rô đầu vuông.

Cá rô đầu vuông.
Cá rô đầu vuông có ưu điểm lớn nhanh, con đực và con cái có kích thước như nhau. Thời gian nuôi 4 tháng đầu có thể đạt trọng lượng 6 con/kg. Nếu nuôi kéo dài 7 tháng, trọng lượng cá có thể đạt từ 500-800 g/con. Hình dáng cá rô đầu vuông giống như cá rô đồng bình thường nhưng khi cá có kích thước lớn, đầu cá có hình hơi vuông, thân dài có hai chấm đen ở gần đuôi và mang cá.

Tuy kích thước và trọng lượng rất lớn nhưng chất lượng cá cũng thơm ngon như cá rô đồng bình thường. Nếu thời gian nuôi cá càng kéo dài, kích thước và trọng lượng cá càng lớn chứ không giảm cân như cá rô đồng bình thường.

Hiện tại, gia đình ông Khải đang mở rộng diện tích nuôi cá rô đầu vuông và nhân giống bán cho bà con trong vùng. Người con của ông Khải cho biết lứa cá bố mẹ đầu tiên giờ đã già và sinh sản cũng ít. Cá bố mẹ lớn nhất nặng đến 0,95 kg và đã chết. Ngoài ra, những con cá bố mẹ khác nặng từ 0,7 đến 0,8 kg/con là chuyện bình thường. Qua nhiều lứa nuôi và nhiều lần nhân giống, cá rô đầu vuông vẫn phát triển bình thường và có những ưu điểm vượt trội so với cá rô đồng.

Lợi nhuận rất cao
Hiện tại, do số lượng cá rô đầu vuông chưa nhiều nên hầu hết người dân chỉ bán cá giống. Ngoài ra, ở Trại Dịch vụ Thương mại Thủy sản Hậu Giang có số lượng cá bố mẹ trên 5.000 con, số lượng cá bột cung ứng khoảng trên 20 triệu con cho thị trường.

Sẽ xây dựng thương hiệu

Ông Nguyễn Minh Đức, quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang theo dõi, xác định rõ nguồn gốc, phân tích ADN để tiến tới xây dựng thương hiệu "Cá rô đầu vuông Hậu Giang". Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, với những ưu điểm vượt trội về thời gian nuôi, tốc độ lớn nhanh, trọng lượng lớn sẽ là lợi thế để xây dựng thương hiệu cho giống cá này.

Vì vậy, giá cá giống cũng rất đắt đỏ. Mỗi con cá giống nặng 250 g trở lên có giá từ 40.000 đồng - 130.000 đồng. Thời điểm sốt giá nhất, một con cá rô giống nặng 450 g có giá 150.000 đồng.

Nơi nuôi cá rô đầu vuông nhiều nhất là xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy. Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết mấy năm trước diện tích nuôi cá rô đồng trên địa bàn xã chỉ có vài chục hecta; hiện nay đã tăng lên đến 225 ha, chủ yếu là nuôi cá rô đầu vuông. Nhiều hộ nông dân làm giàu nhờ bán được cá giống với giá cao. Ông Nguyễn Hùng Anh (ngụ ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy) vừa thu hoạch ao cá rô giống khoảng 11.000 con, lời hơn 1 tỉ đồng. Ông là một trong những người đầu tiên mua lại cá giống cá rô đầu vuông của ông Khải về vỗ béo, nhân giống để bán. Cả cuộc đời làm nông nghiệp của ông thì đây là lần đầu tiên ông thu hoạch với lợi nhuận lớn như vậy.

Theo tính toán, nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm sẽ mang lại lợi nhuận rất cao do đặc điểm cá rất mau lớn. Trung bình nuôi 1 kg cá rô đầu vuông sẽ tốn khoảng 1,4 kg thức ăn, trong khi đó nuôi cá rô đồng bình thường tốn đến 2 kg thức ăn. Ông Nguyễn Văn Luôl, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: "Từ 3 hộ nuôi đầu tiên, hiện nay mô hình nuôi cá rô đầu vuông đã nhân rộng ra với diện tích rất lớn không chỉ ở huyện Vị Thủy mà cả tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận. Ngành nông nghiệp huyện cũng chưa thể thống kê được số lượng vì diện tích nuôi tăng quá đột biến".

Theo Nguoilaodong Online

Tỷ phú sò

Sinh năm 1958, trong một gia đìng nghèo, năm 27 tuổi, anh Re anh lập gia đình, rồi ra ở riêng. Tài sản lúc ấy của hai vợ chồng chỉ duy nhất là đôi bông tai. Người bà con cùng xóm thương tình cho miếng đất để vợ chồng cất cái chòi lụp xụp che nắng che mưa. Còn cuộc sống hàng ngày, anh thì đi làm mướn, câu cua biển... chị thì mò cá kèo, tôm... bán kiếm tiền cơm gạo nuôi 2 đứa con nhỏ.

Thương tình cảnh nghèo, vất vả làm lụng của vợ chồng anh Re, Ông Tám Son ở xã Bình Thắng có miệng đáy đóng ở gần nhà anh không người trông coi nên kêu anh chị bán lại với giá 15 chỉ vàng. Được ông Tám mở lời giúp đỡ vợ chồng anh mừng lắm, ham lắm. Lục lọi hết trong nhà thì tài sản chỉ có 1 chỉ vàng làm sao mua. Cả hai bàn nhau đi mượn nhưng cũng chỉ được 7 chỉ vàng của họ hàng . Chạy không ra thêm phân vàng nào nữa, anh Re hùn với người anh thứ tư của mình để mua cho bằng được miệng đáy.

Cái miệng đáy ấy là khởi đầu cho sự vươn lên của vợ chồng anh Re. Cá tôm chạy nhiều, sau gần 2 tháng làm nghề đóng đáy anh đã lấy lại vốn. Năm 1990, chỉ sau hơn 1 năm anh Re có tiền xây nhà. Cất nhà xong, anh mua luôn 5 công đất xung quanh nhà với giá 5 chỉ vàng và đầu tư vốn làm cơ sở thu mua tôm thịt cho vợ buôn bán.

Gom vốn, 7 năm sau anh Re sang 14 ha đất ở xã Thừa Đức làm đập. Tôm cá ở đập không nhiều, anh Re chuyển sang nuôi sò huyết. Bỏ ra 3 triệu đồng mua 1 tấn sò huyết loại 300 con/kg đổ nuôi. Một năm sau anh bán sò huyết thu được lợi nhuận 12 triệu đồng. Có kết quả, anh gom vốn, lãi để mua 2,5 tấn sò loại 1.500 con/kg tiếp tục nuôi. Vụ này anh lời 100 triệu đồng. Từ đó khu nuôi sò huyết này cùng với khu nuôi 3 ha ở bãi bồi rạch Chòi Câu xã Thạnh Phước mỗi năm đem về cho anh Re hàng trăm triệu đồng tiền lời. Anh còn mua thêm 6 ha đất ở xã Thừa Đức nuôi tôm quảng canh, rồi chuyển sang nuôi tôm công nghiệp và thu lời không ít.

Theo kinh nghiệm của anh Re thì nuôi sò huyết chủ yếu là tiền mua con giống, phần còn lại dành công chăm sóc và bảo quản. Thắng hay bại phụ thuộc nhiều vào tay nghề, sự hiểu biết của người nuôi. Sò huyết giống nuôi ở thời điểm ban đầu có độ mặn trong giới hạn 10%o đến 15%o là tốt nhất. Ở bãi bồi nuôi sò huyết được quanh năm vì nguồn nước thuận lợi. Còn nuôi trong đập đến tháng 2 tháng 3 âm lịch không dời sò ra bãi, hoặc bắt bán thì chúng sẽ chết trên 50% vì nguồn nước nơi đây lâu ngày sắc lại làm tăng độ mặn trong ao, sò không chịu nổi. Thời gian nuôi sò huyết trong đập thuận tiện nhất từ tháng 5 đến tháng Giêng âm lịch. Nuôi trong đập nên mua loại sò huyết giống cỡ 300 con/kg để khi thu hoạch sò đủ tiêu chuẩn bán. Nếu con giống nhỏ hơn, người nuôi phải dự trù bãi bồi để đến mùa nắng gắt dời sò đến đây nuôi tiếp.

Từ tay trắng, anh Re đã có trong tay bạc tỉ. Dù sống trong ngôi nhà trị giá tới gần tỷ bạc từ 4 năm nay, nhưng anh Re vẫn rất bình dị, gần gũi mọi người. Năm nào anh Re cũng hỗ trợ bà con nghèo gạo, mượn vốn làm ăn. Cái tên Nguyễn Văn Re đã trở nên thân thuộc với bao người dân xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre.

Theo bannhanong.vietnetnam.net

Làm giàu từ gà ác

Tôi đã từng gặp nhiều triệu phú miệt vườn ở Nam bộ, nhưng họ làm ăn phát đạt chủ yếu nhờ vào vườn cây, ao cá, chăn nuôi heo, gà công nghiệp... chứ với con gà ác bé tí tẹo mà cũng trở thành triệu phú như anh Huỳnh Ngọc Mai (Hai Mai) - hội viên Câu lạc bộ Khuyến nông xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành - Tiền Giang) thì đây là lần đầu tiên. Gia đình anh có 5 miệng ăn, nhưng chỉ có 1,5 công đất vườn (1 công =1.000m2), thổ cư và khoảng 2 công đất rẫy. Để có đủ tiền trang trải cho gia đình, hàng chục năm nay anh thường xuyên thay đổi cơ cấu cây trồng từ cam, quýt, sapô (hồng xiêm), nhãn tiêu Huế cho đến gần đây nhất là mận (gioi) ấn Độ. Đến năm 1999, thấy mận ấn Độ có triệu chứng "dội chợ" anh nhanh chóng chuyển sang nuôi gà ác đẻ.
Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm anh chỉ nuôi 200-300 con. Thấy có hiệu quả cao, tích luỹ được một số kinh nghiệm, năm 2000 anh bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất bằng cách chặt bỏ dần vườn mận ấn Độ, lấy mặt bằng làm chuồng gà, dần dần cả vườn mận đã được thay bằng 3 chuồng gà lớn có tổng diện tích 320m2. Số lượng gà cũng được tăng dần lên 500-600 con.

Hiện trong chuồng nhà anh thường xuyên duy trì 500 con mái đẻ, 400 gà mái hậu bị để thay thế những con mái già đẻ ít. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua 3 máy ấp trứng với công suất 4.000 quả/lần ấp, vừa để có gà giống nuôi, vừa mở thêm dịch vụ ấp gia công cho các chủ trang trại trong vùng. Anh Mai cho biết: Mỗi ngày đàn gà cho 450 quả trứng, giá 1.300 đồng/quả, lãi 150.000 đồng, mỗi tháng lãi 4,5 triệu. Với 3 máy ấp trứng liên tục, mỗi tháng anh thu lãi 1,2 triệu đồng. Năm 2003, gia đình anh thu lãi gần 70 triệu đồng, năm nay dự kiến sẽ thu lãi cao hơn.

Trước khi tiễn chúng tôi ra về anh Mai nói vui: Con gà ác tuy bé nhưng mà "bé hạt tiêu" đấy các anh ạ!.

Theo bannhanong.vietnetnam.net

Tỷ phú nuôi vịt an toàn sinh học

Men theo con kênh 13, hỏi nhà tám Hải nuôi vịt an toàn sinh học, bà con nông dân ở đây đều biết. Đang rải lúa cho đàn vịt ăn, tám Hải khoe: "Đây là giống vịt siêu thịt VIGOVA SUPER-M3 bắt ở Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) đem về nuôi được hơn 2 tháng chuẩn bị xuất bán trong và sau Tết. Giống vịt này rất dễ nuôi, khoảng 75 ngày tuổi đạt trọng lượng từ 3-4 kg, bán với giá 35.000 đồng/kg, trừ đi tất cả chi phí, mỗi con lời khoảng 50.000 đồng…". Ngoài ra, tám Hải còn mở luôn lò ấp vịt, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn con vịt giống siêu thịt.
Cái nghề nuôi vịt an toàn sinh học đã mang lại lợi nhuận cao cho tám Hải. Thế nhưng, khi kể về quá trình nuôi vịt của mình thì tám Hải cho biết cũng lắm gian truân, nhiều lúc lùa vịt chạy đồng đi nơi khác, khi về trắng tay. Còn nhớ khoảng cuối năm 2003, những người nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL đã chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N1, hàng loạt đàn vịt bị tiêu hủy, gây tổn thất lớn cho nhiều hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó gia đình tám Hải. Năm đó, ông Hải lỗ hàng chục triệu đồng, sau lần ấy tưởng chừng đã bỏ nghề, nhưng với lòng kiên trì và chịu tìm tòi, học hỏi từ báo, đài, tám Hải đã mạnh dạn đầu tư nuôi vịt sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trang trại của ông Hải rộng khoảng 6.000 m2, xung quanh được bao bọc bởi những tấm mành lưới, trong chuồng bơm lớp cát phủ bề mặt, cạnh đó ông cho đào 2 cái ao độ nông, sâu khoảng 200m2 để vịt thoải mái đi lại, bơi lội và uống nước. Còn nước trong ao, cứ hai ngày là tám Hải thay một lần. Nhờ vậy mà vịt lớn nhanh phơi phới, tránh được bệnh tật. Tám Hải bộc bạch: "Nuôi vịt khép kín có lợi thế hơn vịt chạy đồng ở khâu vê sinh chuồng trại dễ phát hiện được dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời không để phát sinh dịch sang nơi khác. Ngoài ra, ít tốn thời gian chăm sóc, đến buổi cho ăn là chỉ cần rải thức ăn, lúa thì vịt sẽ bu lại. Nuôi vịt sạch bán không sợ ế, cứ đến lứa xuất chuồng thì điện thoại, mối lái lại tận nhà mua…". Bằng cách làm này, nhiều năm ông Hải thu nhập hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi vịt an toàn sinh học. Cụ thể, trong năm qua, tám Hải nuôi và cho xuất chuồng 10.000 con vịt siêu thịt (giống VIGOVA SUPER-M3), trừ đi tất cả chi phí, tám Hải bỏ túi hơn 500 triệu đồng. Hiện tại nhà tám Hải còn đến 6.000 con vịt siêu thịt, dự tính bán trong vài ngày nữa, với giá từ 35.000-40.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm lời khoảng 300 triệu đồng.

Chưa hết, với những cái ao nuôi vịt, tám Hải còn thả cá rô phi, sặc rằn, điêu hồng, mỗi năm ông tát bán, còn kiếm thêm khoảng 40 triệu đồng.

Làm giàu từ “chim khổng lồ”

Được Tổng Cty Khánh Việt cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm, cuối năm 2008 gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã quyết định mua đất và thuê đất pha cát bỏ hoang của người dân địa phương tại xã Cát Trinh, huyện Phù Cát với diện tích 4ha để xây dựng trang trại nuôi đà điểu bao gồm khu chuồng trại và trồng cỏ làm thức ăn cho đà điểu.

Trước khi tiến hành nuôi đà điểu chị Tuyết đã tuyển 10 lao động vào làm và cử vào Khánh Hòa học cách nuôi đà điểu của Tổng Cty Khánh Việt. Có kỹ thuật trong tay, đầu năm 2009 chị Tuyết đã mua 500 con đà điểu giống 3 tháng tuổi với giá 1,5 triệu đồng/con về nuôi. Khi nhập giống về, chị Tuyết còn được Tổng Cty Khánh Việt cử 2 cán bộ kỹ thuật trực tiếp ra trang trại của chị để theo dõi và hướng dẫn thêm cách chăm sóc đà điểu. Sau 8 tháng nuôi, đến cuối năm 2009, chị Tuyết đã xuất chuồng toàn bộ 500 con đà điểu với trọng lượng bình quân 95kg/con.

Toàn bộ số đà điểu thương phẩm của chị Tuyết được Tổng Cty Khánh Việt thu mua. Đợt nuôi đầu tiên Chị tuyết thu về hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí, chị Tuyết còn lãi trên 500 triệu đồng. Chị Tuyết cho hay: Không ngờ từ vùng đất bị bỏ hoang, giờ đây trang trại đà điểu của tôi có thể mang về tiền tỷ mỗi năm, giải quyết được 10 lao động với thu nhập bước đầu 1,6 triệu đồng/tháng. Từ thắng lợi ban đầu, hiện nay chị Tuyết lại tiếp tục mua 300 con đà điểu giống và nuôi dự kiến đến giữa năm 2010 sẽ xuất bán được.

Cũng trong năm 2008 ông Lê Ba, được Trung tâm Giống đà điểu Quảng Nam (thuộc Tổng Cty Khánh Việt) chuyển giao kỹ thuật và bán con giống, ông đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi đã điểu tại vùng cát hoang hóa xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với diện tích 7ha. Tổng cộng ông đã đầu tư hết 225 triệu đồng. Đợt đầu tiên do còn vừa nuôi, vừa học kinh nghiệm nên ông Ba chỉ mua 50 con đà điểu giống về nuôi. Đến cuối năm ông xuất bán tất cả cho Tổng Cty Khánh Việt được 4,5 tấn thịt hơi, thu 180 triệu đồng. Hiện trong trang trại của ông còn khoảng 100 con sắp đến ngày xuất bán. Ông Ba cho biết sắp tới ông sẽ tăng diện tích trồng cỏ voi lên gần 1ha để mỗi đợt nuôi ông có thể nuôi được 400 – 500 con đà điểu. Trang trại nuôi đà điểu của ông Ba và chị Tuyết chỉ là một trong số rất nhiều trang trại nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh miền Trung hiện nay.

Không lo đầu ra

Ông Huỳnh Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm giống đà điểu Ninh Hòa, thuộc Tổng Cty Khánh Việt cho hay: Chương trình nuôi đà điểu thương phẩm đưa đến hộ nông dân là chủ trương lớn, xuyên suốt và lâu dài của Tổng Cty Khánh Việt nhằm phát triển ngành công nghiệp đà điểu. Từ năm 2008, Tổng Cty Khánh Việt đã chỉ đạo các Trung tâm Giống đà điểu hợp tác với nông dân phát triển mô hình liên kết trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Đến nay Tổng Cty Khánh Việt đã triển khai chương trình này tại hầu hết các tỉnh miền Trung. Theo đó Tổng Cty Khánh Việt sẽ cung cấp toàn bộ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Khi thu hoạch, nông dân bán sản phẩm cho doanh nghiệp theo giá thỏa thuận.

Tuy nhiên theo ông Sơn trong hợp đồng chuyển giao nuôi đà điểu thì người nuôi phải đáp ứng được các điều kiện về quỹ đất, vốn, nguồn nước đặc biệt là phải cách ly được với các đối tượng gia cầm khác như gà, vịt để tránh lây lan dịch bệnh. Khi được ký hợp đồng, người nuôi đà điểu thương phẩm được cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, tập huấn kỹ thuật nuôi. Trung tâm giống đà điểu có trách nhiệm cung cấp con giống khỏe mạnh từ 2 – 3 tháng tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh với giá ưu đãi giảm 25% (giảm khoảng 500.000 đồng/con) so với thị trường. Trong qua trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sẽ thường xuyên đến chăm sóc, giám sát việc tuân thủ kỹ thuật của các trang trại.

Với nhiều ưu đãi có lợi cho người nuôi nên tuy mới triển khai nuôi đà điểu đến nông hộ, nhưng chương trình này đã thu hút hàng trăm nông dân tại các tỉnh miền Trung tham gia. Số lượng đăng ký mua con giống đã lên tới trên 10.000 con. Tổng Cty Khánh Việt đang tiếp tục phát triển con giống để cung cấp đủ nhu cầu người nuôi. Chỉ tính riêng Trung tâm giống đà điểu Ninh Hòa, quy mô năm 2009 đã lên tới trên 15.000 con, dự kiến trong năm 2010 đạt 17.000 con. Tổng Cty Khánh Việt cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy giết mổ đà điểu công suất lớn tại cụm công nghiệp xã Ninh Ích.

Nguồn báo nông nghiệp

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Đã có giống lúa hàng hóa cho miền Bắc

LUAGAO - Các nhà chọn giống phía Bắc luôn mong mỏi tìm một bộ giống lúa chất lượng đủ sức thay thế giống Bắc thơm 7, HT1; hay một giống thích ứng rộng, dễ tính, thay thế giống Khang dân, là giống chủ lực trong gieo cấy nhưng đã tồn tại quá lâu đang dần thoái hóa. Giống lúa thuần mới VS1 dường như đáp ứng tương đối các yêu cầu trên: Chất lượng cao, thích ứng rộng, kháng sâu bệnh tốt. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Viện Di truyền NN và Cty CP giống cây trồng TW, đang được kỳ vọng.

Trên cánh đồng rộng 20 ha lúa VS1 của HTXNN Thanh Lãng (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) vụ mùa này nhìn không lẫn vào đâu được. Đồng lúa vàng màu lá gừng, phẳng phiu, không một bụi đổ ngã; nếu vạch từng bông thì hạt nào ra hạt nấy rất sáng chắc. Chủ nhiệm HTX Thanh Lãng Nguyễn Huy Kiên kéo chúng tôi cùng ra đồng. Vừa một chốc đã có mấy nông dân từ đâu xúm đến vị chủ nhiệm đòi mua giống cho vụ sau.

Bà Tèo, nông dân trong xã, nhà có đến 8 sào lúa cấy, nói: Các bác đưa được giống đâu về tốt quá. Mỗi lần đi qua, tôi nhìn lại mê sạch sẽ cả con mắt. Vụ này nhà tôi cấy Khang dân, rầy xơi hết, phun đến 2 lần thuốc lúa vẫn cháy rầy. Năm nay lúa nhiễm rầy nặng nhiều nhà mất ăn. Giá như có giống kháng rầy tốt như loại lúa này nhà nông chúng tôi đỡ cực hơn không…

Quả thật vụ mùa năm nay miền Bắc bị dịch rầy hại nặng nhất là cuối vụ. Cũng như nhiều tỉnh khác, Vĩnh Phúc cơ cấu lúa mùa chủ lực vẫn là Khang dân 18. Phải nói nếu thời tiết thuận, ít sâu bệnh thì Khang dân 18 cũng sẽ không đến nỗi nào vì nó vốn dễ tính, có lười chăm bón vẫn đạt 5-6 tấn/ha, vì vậy bao năm nay nông dân đã quen thuộc với giống lúa được coi dành cho con nhà nghèo này. Tiếc rằng khi con người quá quen thuộc thì đồng thời mọi loại sâu bệnh cũng không lạ gì Khang dân 18, chúng sẽ tấn công hễ có điều kiện. Dịch rầy nâu xảy ra, những hộ trồng Khang dân 18 không thất trắng vì cháy rầy thì có cho thu hoạch cũng không được là bao.

Chủ nhiệm Kiên nói: Chúng tôi thử đủ loại giống rồi. Như Bắc thơm 7 gạo ngon thật đấy nhưng không hợp, chịu rầy kém lại nhiễm bạc lá nặng. Thử chán nông dân lại quay về với Khang dân. Mà Khang dân cũng năm được năm mất, gạo lại không ngon, bà con cực chẳng đã mà phải cấy thôi.

Ông chủ nhiệm phấn khích lội xuống ruộng ngắt căng tay một khóm VS1, kiểm tra kỹ từng bông, đếm hạt, ông kết luận năng suất xấp xỉ 6 tấn/ha (2,2 tạ/sào). Hiện thời VS1 một số nơi vừa gặt, hàng xáo cân ngay 7.000đ/kg thóc mà đâu có nhiều để bán, trong khi Khang dân giá chỉ 5.000đ/kg. Chỉ cần làm phép tính đơn giản, cứ cho năng suất 2 giống như nhau, thì chênh lệch giá VS1 đã hơn đứt Khang dân 2 triệu đồng/tấn. NS trung bình 5,5 tấn/ha đồng nghĩa lợi nhuận VS1 tăng thêm 11 triệu đồng/ha, chưa nói VS1 kháng sâu bệnh tốt hơn nên chi phí dùng thuốc BVTV giảm xuống, sản phẩm an toàn hơn, lại ngắn hơn Khang dân 3-5 ngày là điều kiện tiên quyết đảm bảo vụ đông.

Đây mới là vụ đầu tiên HTX Thanh Lãng thử nghiệm giống lúa VS1, nhưng sản xuất thử mà tới 20ha thì phải có lý do mà Ban quản trị HTX đã tính toán kỹ. Là bởi vì họ đã tham quan chán, nhất là bên xã Phú Xuân kề bên đồng đất từa tựa nhau đã làm VS1 thắng lợi từ vụ đông xuân trước đó. Thực tế đã minh chứng VS1 vừa đảm bảo năng suất khá, kháng sâu bệnh tốt, gạo ngon thị trường ưa chuộng, lại ngắn ngày nữa thì còn lựa chọn nào bằng.

Đồng đất Thanh Lãng vàn cao, có phong trào làm vụ đông nhiều năm qua; xã có trên 600 ha đất canh tác thì diện tích cây vụ đông bao giờ cũng đạt trên dưới 350 ha, chủ yếu đậu tương. Ông chủ nhiệm vung tay khoát một cung về đồng lúa VS1 sắp gặt, nói với tôi: Mươi hôm nữa các anh về đây sẽ lại là một màu xanh của đậu tương. Dân chúng tôi gặt đến đâu tra ngay đậu tương vào gốc rạ đến đó, cho nên thời vụ là rất quan trọng và giống ngắn ngày là lựa chọn hàng đầu. Chúng tôi tính kỹ rồi, công thức là 2 vụ lúa VS1 hàng hóa + 1 vụ đậu tương đông, cũng là hàng hóa đang hút thị trường. Anh thử nghĩ xem, 2 lúa VS1 vứt đâu chả được 12 tấn/ha, bán thu 80 triệu; 1 vụ đậu tương mèng cũng 15-17 triệu nữa. Cánh đồng 100 triệu/ha chính là đây!

Khi chúng tôi về Vĩnh Phúc cũng là thời điểm tivi đang quảng bá cho bộ phim sắp khởi chiếu: Bí thư Tỉnh ủy. Một bộ phim dài đến 50 tập, xây dựng hình tượng đồng chí Kim Ngọc khi xưa, người mà trước hay sau công chúng đều yêu mến, chắc chắn bà con đón xem từng tập. Người ta nhớ ông Kim Ngọc khoán hộ là nhớ đến cái nôi đổi mới Vĩnh Phú, hay Phú Thọ, Vĩnh Phúc bây giờ. Tôi theo dõi nông nghiệp chưa hẳn đã lâu nhưng cũng đủ kịp ngồi hàn huyên với 4 đời giám đốc sở nông nghiệp Vĩnh Phúc thời kỳ nông dân được giao toàn quyền suy nghĩ trên đường cày của họ.

Nhớ khoảng 10 năm trước, từ ông Nguyễn Văn Hòa, rồi sau đó là ông Phùng Quang Hùng làm giám đốc sở, các vị đều là những người say sưa tìm những hướng đi mới cho nông nghiệp. Vĩnh Phúc từng có những mũi nhọn kinh tế nông nghiệp lẫy lừng, nào trồng dâu, trồng nấm, chương trình 6 cây 3 con, kể cả việc miễn thuế nông nghiệp hay miễn thủy lợi phí, nơi đây cũng thí điểm đầu tiên, có thất bại và có thành công nhưng có lẽ cho đến bây giờ nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn nhiều trăn trở tìm hướng đi với mong muốn làm sao nông dân bật lên khi mà tỉnh nhà công nghiệp đã khá vững chãi. Vĩnh Phúc không thiếu tiền đầu tư cho nông nghiệp, vấn đề là cách đầu tư thế nào. Nhìn từ Nghị quyết phát triển nông nghiệp của Vĩnh Phúc, thấy thì ra tỉnh đang hướng vào đầu tư trọng điểm, ưu tiên vùng sản xuất hàng hóa.

Đến nay VS1 đã có mặt nhiều tỉnh miền Bắc như Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc… GS.TS Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền NN đánh giá VS1 – giống 5 tốt: Năng suất, chất lượng, chống chịu, ngắn ngày, gạo ngon.

Về Bình Xuyên xem cây lúa mới VS1, giống được kỳ vọng sẽ là lúa hàng hóa chủ lực của tỉnh, bà Thiều Thị Thu Hằng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kể chuyện: Nếu được là cây hàng hóa theo quy hoạch của tỉnh chắc chắn sẽ được ưu tiên nhiều thứ. Như lúa thuộc vùng hàng hóa được hỗ trợ 70% giá giống; giống rau thì hỗ trợ 100%; rồi hỗ trợ làm mô hình, tập huấn khuyến nông… Nhưng chọn cây nào, con nào làm sản phẩm hàng hóa, không dễ. Chẳng hạn với cây lúa, ban đầu chúng tôi nghĩ tới Bắc thơm 7, rồi HT1 và một số giống chất lượng đang được quảng cáo gạo vừa ngon năng suất vừa cao. Làm mới biết, anh nào tốt xấu nó lộ ra ngay, như Bắc thơm 7 là không hợp đất Vĩnh Phúc. May chăng được HT1, giống này khá ổn định, tuy nhiên chẳng lẽ chỉ mỗi HT1 là hàng hóa.

Bà Hằng nói tiếp: "Cho đến khi chúng tôi có được VS1, ngay vụ đầu làm mô hình đã ưng ý: Hầu như các tiêu chí về năng suất, chất lượng, tính chống chịu, thời gian sinh trưởng đều đạt… Nếu như vụ đầu mô hình chỉ 2 ha ở HTX Phú Xuân mùa 2009 thì vụ xuân 2010 HTX này đăng ký làm hẳn mô hình 20 ha. Lúa quá đẹp, từ hình dạng cây, bộ lá đòng, bông. Giống lại chịu rét tốt nên khi trỗ không bị đen hạt và mất đầu bông như Khang dân hay Bắc thơm 7. Hạt rất sáng và chắc. Tổng kết mô hình chúng tôi tổ chức xát và nấu cơm VS1 ngay cho đại biểu đến từ các huyện cùng toàn thể bà con nông dân.

Hôm đó ai cũng nức nở: cơm VS1 mềm mà dai, ngọt đậm lại có mùi thơm nhẹ. Thế là bước vào vụ sau tức là mùa 2010 này, huyện nào cũng thử nghiệm VS1, tổng diện tích lên đến gần 200 ha, có HTX làm thử với diện tích lớn ngay như Trung Nguyên – Yên Lạc 40 ha, Vũ Kiên – Vĩnh Tường 30 ha, Phú Xuân và Thanh Lãng – Bình Xuyên trên 20 ha… Hiếm có một giống mới nào lại được chấp nhận ra sản xuất nhanh như vậy. Đơn giản, bởi đây là giống hội đủ nhiều yếu tố để thành vùng hàng hóa".

Hướng dẫn gieo trồng lúa VS1:

Đặc điểm giống:

- Cao cây từ 100 - 110 cm, phiến lá đứng, dầy, lá đòng lòng mo, đẻ nhánh khá, khóm gọn.

- Thời gian sinh trưởng: Vụ xuân muộn từ 120 – 125 ngày; vụ mùa từ 95 – 100 ngày.

- Năng suất trung bình: 55 - 60 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 65 – 70 tạ/ha. Hạt nhỏ, thon dài, màu vàng sáng, khối lượng 1.000 hạt 21 – 22 gram, chất lượng gạo tốt, cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ.

- Cứng cây, chống đổ tốt, chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính (đạo ôn, khô vằn, bạc lá…), khả năng thích ứng rộng.

Yêu cầu kỹ thuật:

- Thích hợp loại đất chân vàn, vàn cao.

- Thích hợp trà xuân muộn và mùa sớm ở các tỉnh phía Bắc.

- Mật độ cấy: 50 – 55 khóm/m2, 2 – 3 dảnh/khóm, cấy nông tay.

- Phân bón cho 1 ha: 8 - 10 tấn phân chuồng + 200 – 220 kg đạm urê + 450 – 500 kg supe lân + 140 – 160 kg kaliclorua.

- Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân + 40% đạm + 50% kali; Bón thúc lần 1(khi lúa hồi xanh): 50% đạm; Bón thúc lần 2 (trước trỗ 20- 25 ngày): bón nốt lượng phân còn lại.

- Chăm sóc: Phòng trừ sâu bệnh, chế độ nước và chăm sóc như các giống khác.

Các địa phương có nhu cầu phát triển giống lúa VS1, liên hệ Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Phương Mai - Đống Đa – Hà Nội. Điện thoại: 04.38523294; 0913207662; 0913580247 – Fax: 04.38527996.

(Theo Báo NNVN)

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Mời đăng rao vặt, quảng cáo miễn phí

Diễn đàn 123 mua nhanh kính chào quí khách

Diễn đàn 123 mua nhanh ( http://123mua.forumvi.com/ ) phấn đấu trở thành nhịp cầu hữu hiệu cho cho người mua và người bán trong các hoạt động mua bán-Rao vặt, hỗ trợ các giao dịch thuê và cho thuê, hỗ trợ tìm việc làm và tuyển dụng. http://123mua.forumvi.com/ sẽ mang đến cho bạn cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm và dịch vụ của mình đến các khách hàng và đối tác tiềm năng.

Các ưu điểm khi đăng tin rao vặt của bạn tại http://123mua.forumvi.com/

• Thời gian lưu tin 3 năm.

• Hỗ trợ BBCode, thêm không giới hạn hình ảnh và liên kết vào bản tin.

• Tin rao tồn tại vĩnh viễn trên hệ thống ngay cả khi đã hết hạn, và người đăng có thể gia hạn bất cứ lúc nào nếu muốn.

• Tùy biến thông tin trang giới thiệu về doanh nghiệp hoặc cá nhân (dành các thành viên đã đăng nhập).

• Phân loại tin rao tốt, giao diện đơn giản, hiệu quả, dễ tìm kiếm cho cả người mua lẫn người bán.

ĐĂNG TIN NGAY ĐỂ CẢ THẾ GIỚI BIẾT ĐẾN SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ CỦA BẠN!

http://123mua.forumvi.com/ mong muốn chắp cánh cho mọi thành công của bạn.

BAN QUẢN TRỊ KÍNH MỜI

ADMIN

(Nguồn: http://123mua.forumvi.com/forum-f1/topic-t24.htm  )

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng keo lá tràm (Acacia auriculiformis)

Cây gỗ cao tới 25 - 30m, cành nhỏ, tự tỉa cành tốt, dễ trồng bằng hạt, sống lâu, cố định đạm. Có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, kể cả đất nghèo kiệt, thoát nước kém. Cây mọc nhanh, tốc độ sinh trưởng cao trong vài năm đầu.

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG KEO LÁ TRÀM
(Acacia auriculiformis) Mục đích kinh doanh: Phù trợ cây bản địa, làm gỗ gia dụng và củi Chu kì kinh doanh: 8 - 10 năm

ĐẶC ĐIỂM, GIÁ TRỊ KINH TẾ

Cây gỗ cao tới 25 - 30m, cành nhỏ, tự tỉa cành tốt, dễ trồng bằng hạt, sống lâu, cố định đạm. Có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, kể cả đất nghèo kiệt, thoát nước kém. Cây mọc nhanh, tốc độ sinh trưởng cao trong vài năm đầu. Song trên một nơi nếu trồng nhiều chu kì liên tục có thể dẫn tới nghèo Kali và Mg trong đất. Gỗ làm trụ mỏ, bột giấy (giấy gói), ván dăm, thân cành làm củi tốt do nhiệt lượng của than cao. Trong lâm sinh dùng làm cây trồng phù trợ cải tạo đất, che bóng.

A. Kỹ thuật tạo cây con

1. Vườn ươm.

- Ưu tiên phát triển các vườn ươm nhỏ phân tán gần khu vực trồng rừng (không xa quá 4km).
- Gần nguồn nước sạch đủ tưới quanh năm. Tránh dùng nước ao tù, nước đọng .
- Mặt bằng vườn ươm tương đối bằng phẳng (không dốc quá 5­o), cao ráo thoát nước tránh úng ngập. Có diện tích đủ lớn để dãn bầu hoặc phân loại cây con.
- Tránh đặt vườn ươm nơi thung lũng hẹp thiếu ánh sáng hoặc đỉnh đồi có gió lùa.
- Đất vườn ươm có thành phần cơ giới thịt nhẹ hay pha cát, không dùng đất đã qua canh tác cây nông nghiệp nhiều năm bị bạc mầu hoặc đã bị nhiễm sâu bệnh.

2. Giống.

2.1. Thu mua hạt giống.

Dự án chỉ cho phép dùng hạt giống từ các nguồn giống được nhà nước công nhận. Giống được thu hái từ các vườn giống hoặc lâm phần chuyển hoá. Hạt giống các loại keo thường được cung ứng từ các tỉnh phía Nam, cho nên khi mua về từ các cơ sở sản xuất giống phải có lí lịch ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Xuất xứ giống Keo lá tràm cho Dự án được khuyến cáo: Đồng Nai

Một số thông số cơ bản:

· Tỷ lệ chế biến: 3 - 4kg quả/1kg hạt.
· Số lượng hạt/1kg: 45.000 - 50.000 hạt.
· Hàm lượng nước sau chế biến: 7 - 8%.
· Tỷ lệ nảy mầm: Trên 90%.

2.2. Bảo quản hạt giống.

Hạt mua về nên tiến hành gieo ươm ngay để đạt chất lượng gieo ươm cao. Trường hợp cần bảo quản, có thể áp dụng phương pháp bảp quản khô:
- Sau khi hạt đã phơi khô, độ ẩm của hạt đưa vào bảo quản từ 7 - 8%.
- Hạt đựng trong chum vại hoặc lọ thuỷ tinh có nút kín, sau đó được cất trữ nơi thoáng mát.
- Kiểu bảo quản này tỷ lệ nảy mầm có thể suy giảm từ 20 - 30%.

3. Tạo bầu.

3.1.Vỏ bầu.

- Loại vỏ bầu PE mầu trắng đục hoặc đen, bảo đảm độ bền, dai để khi đóng bầu hoặc qúa trình tạo cây trong vườn cũng như khi vận chuyển không bị hư hỏng.
- Kích thước bầu: 7x11cm. Bầu không đáy và đục lỗ xung quanh. Không dùng bầu có đáy hoặc cắt góc đáy.

3.2.Thành phần hỗn hợp ruột bầu.

- Phân chuồng ủ hoai: 10%.
- Supe lân Lâm thao: 2%.
- Đất tầng A dưới tán rừng : 88%.

Yêu cầu phân chuồng:

· Phân phải qua ủ hoai
· Phân khô.

Yêu cầu phân Lân:

· NPK: Hàm lượng P2O5 dễ tiêu đạt tỷ lệ 14%

Yêu cầu đất rừng tầng A:

· Có hàm lượng mùn 3%
· Độ pH(KCL): 5.0 - 6.0 .
· Thành phần cơ giới: thịt nhẹ, pha cát (sét vật lí 20-30%)
Tuyệt đối không được gieo "Chay", không có phân chuồng hoặc dùng đất tầng B sau đó bón thúc phân vô cơ (đạm lá).

3.3. Kỹ thuật pha trộn đất ruột bầu.

- Đất tập kết tại vườn ươm, được đập nhỏ và sàng có đường kính 4cm loại bỏ rễ cây, sỏi đá, đất sét, rồi vun thành đống cao 15 - 20cm. Sau đó phun ẩm và dùng vải mưa, giấy bóng ủ 4 - 5 ngày ngoài nắng.
- Phân chuồng qua ủ hoai và phân Lân nếu vón cục cũng phải đập nhỏ và sàng.
- Các thành phần kể trên được định lượng(đong bằng thúng, sảo...) theo tỷ lệ đã quy định và trộn đều trước khi đóng bầu.
- Để có độ kết dính khi đóng bầu, đất được tưới nước ẩm, nhưng tránh quá ướt kết vón.

3.4. Xếp bầu trên luống và kỹ thuật đảo bầu.

- Luống để xếp bầu được trang cho phẳng, đất nhỏ mịn, sạch cỏ. Luống có quy cách: Chiều rộng 1m, chiều dài 10 - 20m và cao 15 - 20cm. Rãnh luống: 40 - 50cm.
- Xếp bầu theo hàng, cứ 2 hàng để cách 1 hàng. Mật độ bầu trên luống khoảng 280bầu/m 2.
- Từ tháng thứ 2 phải tiến hành thăm bầu. Khi rễ cọc phát triển ra ngoài đáy bầu phải tiến hành cắt phần rễ thò ra ngoài bầu và đảo bầu kết hợp phân loại cây để tiện chăm sóc (ít nhất phải đảo bầu 2 lần).
- Chỉ tiến hành đảo bầu vào những ngày dâm mát hoặc có mưa nhỏ.

4. Xử lý hạt giống.

- Diệt khuẩn bằng cách ngâm hạt trong dung dịch thuốc tím KMnO4 nồng độ 0,1% (1gam thuốc tím pha cho 1 lít nước) thời gian ngâm: 30 phút.
- Sau đó vớt ra tiếp tục ngâm trong nước sôi 100oC để nguội dần trong 8 giờ.
- Vớt hạt ra ủ trong túi vải bông, mỗi túi ủ không quá 3 kg hạt để nơi khô ráo ấm áp.
- Hàng ngày tiến hành ủ chua bằng nước sạch, cho đến khi hạt nứt nanh 30% đem gieo (tránh để nanh quá dài khi gieo có thể bị gẫy mầm).
- Trong suốt thời gian ủ hạt phải giữ nhiệt độ 30 - 40oC.

5. Thời vụ gieo.

· Gieo hạt để trồng cây vụ Xuân:Tháng 10 - 12 .
· Gieo hạt để trồng cây vụ Thu: Tháng 3 - 4.

6. Gieo hạt và cấy cây.

v Gieo hạt nứt nanh trực tiếp vào bầu:
- Tạo 1 lỗ sâu 0.3 - 0.5cm giữa bầu và gieo 1 - 2 hạt đã nứt nanh, sau đó phủ lớp đất mỏng từ 3 - 5mm
- Dùng rơm rạ đã qua khử trùng bằng cách ngâm trong nước vôi phủ trên mặt luống.
- Thường xuyên tưới nước giữ độ ẩm cho đất.
- Khi cây mầm đội mũ, cần dỡ bỏ rơm rạ và tạo dàn che tránh nắng.
v Cấy cây mầm vào bầu:
- Để tiết kiệm hạt và tạo độ đồng đều, gieo hạt trên luống, sau đó cấy cây mầm vào bầu.
- Hạt gieo theo hàng hoặc gieo vãi. Số hạt gieo: 1kg/15 - 20m2.
- Gieo gieo xong phủ lớp đất mịn dày không quá 4mm, sau đó phủ rơm rạ trên mặt luống. Rơm rạ để phủ cần được khử trùng bằng nước vôi.
- Thường xuyên giữ độ ẩm trong đất. Tưới 6 lít nước cho 1m2
- Cấy cây mầm khi chưa có lá thật (còn lá kép lông chim) thường đạt tỷ lệ sống cao nhất.
- Chỉ tiến hành cấy cây khi trời râm mát hoặc mưa nhẹ, tránh những ngày nắng gắt, gió mùa Đông Bắc. Trước hôm cấy cần tưới đất ướt đều: Cứ 1m2 tưới 4 - 6 lít nước.
- Cây cấy sau khi nhổ cần nhúng luôn vào bát nước để tránh khô rễ mầm. Cấy đến đâu nhổ đến đấy. Loại bỏ những cây xấu.
- Dùng que nhọn chọc 1 lỗ sâu 1- 2 cm ở giữa bầu, đặt cây mầm sao cho cổ rễ ngang mặt bầu và dùng que ép chặt đất rễ mầm. Trường hợp rễ cây mầm quá dài có thể cắt bớt, nhưng tránh gây dập nát.
- Cấy xong cắm ràng ràng che bóng nhẹ và tưới nước cho cây.

7. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

7.1.Tưới cây.

- Thường xuyên giữ đất ẩm sau khi gieo hoặc cấy cây nếu trời không mưa.
- Trong tháng đầu nếu trời không mưa, tưới mỗi ngày ít nhất 1-2 lần vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều 2 - 4lít/1m2. Tưới liên tục trong 20 ngày đầu, sau đó dỡ vật liệu che bóng và chỉ tưới khi đất khô.
- ở giai đoạn sau tuỳ theo thời tiết mà điều chỉnh lịch tưới cho phù hợp: Cách 10 - 15 ngày tưới 1 lần.
- Trước khi xuất vườn 15 - 20 ngày tuyệt đối không được bón thúc và hạn chế tưới nước để hãm cây.

7.2. Cấy dặm.

- Sau khi cấy cây 5 - 10 ngày, cây nào chết cần tiến hành cấy dặm ngay. Nơi cây dặm chết nhiều, nên xếp riêng những bầu cấy dặm ra một chỗ để tiện chăm sóc.
- Chỉ cấy dặm vào những ngày râm mát và che nắng, tưới đủ ẩm cho cây.

7.3. Nhổ cỏ phá váng.

- Luôn làm cỏ sạch trên mặt luống. Thời gian đầu cứ sau 10 - 15 ngày cần làm cỏ, kết hợp phá váng 1 lần.
- Dùng que vót nhọn xới nhẹ phá lớp váng tạo trên mặt bầu, tránh không làm hư tổn đến bộ rễ cây

7.4. Bón thúc.

- Có thể bón thúc để thúc đẩy sinh trưởng của cây con, trong trường hợp dinh dưỡng ruột bầu không bảo đảm hoặc vào những giai đoạn thời tiết không thuận lợi như rét đậm, sương muối Cứ 15 - 20 ngày thúc 1 lần.
- Dùng loại phân hỗn hợp N:P:K = 25:58:17 với nồng độ 2 - 3% tưới 2 lít/m2. Hoặc dùng phân Supe Lân Lâm thao khi cây có biểu hiện tím lá: 2kg bón cho 1000 bầu chia làm 6 lần (Mỗi lần bón 0,170kg/1000bầu. Hoà phân với nồng độ 0,5% (1kg phân/200 lít nước). Tưới dung dịch nước phân bằng bình hương sen. Sau khi tưới phân phải tưới rửa bằng nước lã.
- Không tưới thúc vào những ngày nắng gắt, vào lúc buổi trưa nắng. Tốt nhất nên bón vào những ngày râm mát hoặc mưa phùn.

7.5. Phòng trừ sâu bệnh.

(1). Bệnh thối cổ rễ.

- Thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh, nếu phát hiện bệnh lở cổ rễ dùng Benlát 0,5%. Liều lượng: 1 lít/24m2. Cứ 7 - 10 ngày phun 1 lần.
- Khi bệnh xuất hiện có triệu chứng: Cổ rễ cây bị thối nhũn làm cây con bị chết. Bệnh thường xuất hiện ở cây con 1 tháng tuổi.

(2). Bệnh nấm mốc trắng.

Ngoài thuốc Benlát, có thể dùng hỗn hợp lưu huỳnh vôi nồng độ 3 - 5 ppm phun 1 Lít/24m2 định kì 10 - 15 ngày/lần.

(3). Bệnh lí thiếu dinh dưỡng khoáng.

- Trong vườn xuất hiện một số cây thậm chí một đám cây có các biểu hiện thiếu dinh dưỡng khoáng chất, cây còi cọc, tím lá, bạc lá hoặc vàng còi, cây không có màu xanh lục.
- Cách điều trị: Ngoài việc bón thúc, phun phòng bệnh theo chế độ kể trên cần tăng cường Supe Lân Lâm thao nồng độ 0,2% với liều lượng 2,5 lít/m2 cứ 4 - 5 ngày 1 lần kéo dài 1 - 2 tuần cho đến khi cây khỏi bệnh.


(4). Sâu hại.

Khi xuất hiện sâu hại, ngoài việc thường xuyên kiểm tra và bắt sâu vào sáng sớm, có thể dùng 0,05 lít Fenitrotion pha với 10 lít nước phun liều lượng 1 lít /10m2.

8. Tiêu chuẩn cây xuất vườn.

· Tuổi cây: 3 - 5 tháng tuổi.
· Đường kính cổ rễ: 0,25 - 0,30 cm.
· Chiều cao bình quân: 25 - 30 cm.
· Cây đã hoá gỗ hoàn toàn.
· Cây không bị nhiễm bệnh.
· Bộ rễ phát triển tốt và có nấm cộng sinh.
· Cây không bị cụt ngọn, không nhiều thân.
.
TRỒNG RỪNG

1. Khu vực trồng Keo lá tràm.

- Keo lá tràm có thể gây trồng được trên nhiều vùng thuộc các tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An
- Keo lá tràm giới hạn trồng trên các nhóm dạng lập địa "D" và "C".

2. Phương thức trồng.

(1). Trồng làm cây phù trợ cây bản địa lá rộng, chịu bóng

- Trồng hỗn giao theo hàng với cây bản địa lá rộng như: Trám trắng, Dẻ đỏ...
- Bố trí trồng cây Keo lá tràm xen giữa các hàng cây lá rộng
(2). Trồng làm cây "đến trước" để sau đó trồng cây bản địa

- Trồng trên diện rộng hoặc hỗn giao với Thông theo đám, sau 2-3 năm trồng cây bản địa lá rộng dưới tán.
- Trong các đám hỗn giao Keo với Thông bố trí theo hàng như trồng Thông.

3. Cự li mật độ trồng ban đầu.

(1). Đối với trồng làm cây phù trợ cây bản địa lá rộng.
- Cây Keo lá tràm: Cự li 3x2m. Mật độ 1.660cây/ha
- Cây bản địa lá rộng: theo quy định của Dự án đối với từng loài cây

(2). Đối với trồng làm cây đến trước

- Cây Keo lá tràm: Cự li 3x2m. Mật độ 1.660cây/ha
- Cây bản địa lá rộng trồng dưới tán sau 2-3 năm: theo quy định của Dự án đối với từng loài cây

4. Thời vụ trồng.

· Vụ Xuân: Từ 10.2 đến 30.3.
· Vụ Thu: Từ tháng 7 - 9

5. Xử lí thực bì.

- Nơi thực bì thưa thớt, đất trống trảng cỏ: Không cần xử lí thực bì.
- Nơi có thực bì rậm rạp nhiều tế guột: Xử lí thực bì cục bộ theo băng chừa băng chặt song song với đường đồng mức. Băng chặt rộng 2m, băng chừa rộng 1m. Cự ly giữa các hàng: 3m
- Trong băng chặt: Phát dọn hết cỏ dại cây bụi, với loài cây có khả năng tái sính phải cuốc lật gốc ra ngoài băng chừa.
- Công việc xử lí thực bì phải hoàn thành trước khi trồng rừng 1 - 2 tháng.

6. Cuốc hố.

- Quy cách hố: 40x40x40cm.
- Hố bố trí so le hình nanh sấu giữa các hàng.
- Khi cuốc để riêng phần đất tốt: đất đen tới xốp ra một bên.
- Thời gian cuốc hố phải hoàn thành trước lúc trồng rừng từ 1 - 2 tháng.

7. Lấp hố kết hợp bón phân.

- Lấp hố bằng đất tốt khi cuốc lên để riêng và đất xung quanh cùng với cỏ rác, thảm khô mục lấp phần đáy hố.
- Phân bón lót N:P:K = 5:10:3 trộn đều với phân vi sinh hữu cơ theo tỷ lệ 1:1. Mỗi cây bón 60g.
- Vun đất theo hình mui rùa.

8. Trồng cây.

- Trồng cây vào những ngày có mưa nhỏ hoặc râm mát. Tránh trồng vào những lúc trưa nóng hoặc có gió mùa Đông bắc.
- Trình tự trồng từ đỉnh xuống chân đồi.
- Khi trồng nhất thiết phải rạch vỏ bầu. Dùng dao lam hay kéo sắc rạch bầu, tránh hư hại bầu.
- Dùng cuốc hoặc xẻng bới 1 lỗ giữa hố sâu bằng chiều cao của bầu cây trồng. Đặt cây sao cho cổ rễ ngang mặt hố, rồi vun đất xung quanh cho kín. Có thể dùng tay hoặc chân dẫm chặt xung quang gốc cây, tránh nhẵm vào bầu làm vỡ bầu.
-
C. Chăm sóc và bảo vệ rừng

Sau khi trồng rừng cần chăm sóc và bảo vệ liên tục trong 8 năm cho đến khi khép tán, đặc biệt 4 năm đầu nhằm bảo đảm tỷ lệ sống cao và cây sinh trưởng tốt.

1. Chăm sóc rừng mới trồng.

1.1.Chăm sóc năm đầu .

- 2 lần với cây trồng vụ xuân và 1 lần với cây trồng vụ thu.
- Lần 1 ngay sau khi trồng rừng 1 - 2 tháng (tháng 5,6)
- Lần 2 vào các tháng:11, 12.
- Trồng dặm những cây chết
- Phát dọn dây leo, cây bụi cỏ dại trong rạch trồng cây.
- Xới đất xung quanh hố với đường kính rộng 40 - 50cm.
- Bảo vệ không cho gia súc phá cây. Phát hiện những cây bị nhiễm nấm cắt bỏ phần lá bị bệnh, những cây bị nặng nhổ đem đốt tránh lây lan.
- Phòng chống cháy rừng bằng thi công các đường băng cản lửa.
Trường hợp không tiến hành bón thúc trước khi trồng cây vì lí do nào đó thì tiến hành bón phân vào thời điểm xới đất, vun gốc lần chăm sóc đầu tiên. Liều lượng như quy định trên và bón cách gốc 5 - 10cm. Quy định hướng bón để dễ kiểm tra.

1.2.Năm thứ 2.

- 2 lần vào các thời điểm đầu và cuối mùa mưa.
- Phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi trong rạch trồng cây.
- Trồng dặm những cây chết.
- Xới đất xung quanh gốc đường kính rộng 50cm, sâu 3 - 4cm, vun gốc kết hợp bón thúc vào lần chăm sóc đầu.
- Bón phân N:P:K=5:10:3 kết hợp trộn đều với phân vi sinh hữu cơ tỷ lệ 1:1. Liều Lượng phân bón: 100g/cây.
- Bảo vệ kết hợp chăm sóc những cây tái sinh mục đích mới xuất hiện.
- Bảo vệ không cho gia súc phá và phòng chống cháy rừng: Duy tu các đường băng cản lửa.

1.3. Năm thứ 3.

- 2 lần vào các thời điểm đầu và cuối mùa mưa.
- Phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi trong rạch trồng cây.
- Trồng dặm những cây chết.
- Xới đất xung quanh gốc cây với đường kính rộng 60cm, sâu 3 - 4cm, vun gốc.
- Bảo vệ kết hợp chăm sóc cây tái sinh mục đích.
- Bảo vệ không cho gia súc phá và phòng chống cháy rừng: Duy tu các đường băng cản lửa.

1.4. Năm thứ 4.

- 1 lần vào các thời điểm đầu mùa mưa.
- Phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi chèn ép cây trồng.
- Bảo vệ kết hợp chăm sóc cây tái sinh mục đích.
- Bảo vệ không cho gia súc phá và phòng chống cháy rừng: Duy tu các đường băng cản lửa.
- Trong phương thức trồng làm cây phù trợ đối với cây trám trắng, thì tỉa cành hoặc điều chỉnh mật độ sớm để không ảnh hưởng đến nhu cầu ánh sáng của cây trồng chính.

2. Chăm sóc nuôi dưỡng rừng non.

- Trong giai đoạn này chủ yếu bảo vệ không để cháy rừng.
- Nơi có thực bì rậm rạp, cần phát luỗng thực bì trước mùa hanh khô.
- Điều chỉnh khoảng không, loại bỏ cây bụi, tái sinh phi mục đích chèn ép cây trồng.
- Tỉa cành: những cành khô, những cành thấp không có khả năng quang hợp và những cành chèn ép cây trồng chính.
- Tỉa thưa Keo khi xuất hiện sự chèn ép đến cây trồng chính


D. Nghiệm thu rừng trồng

1. Mục đích nghiệm thu ngay sau khi trồng rừng.

- Đánh giá loài cây trồng với khuyến cáo của điều tra lập địa.
- Đánh giá diện tích rừng trồng so với diện tích thiết kế.
- Đánh giá chất lượng cây con đem trồng theo tiêu chuẩn của dự án. Trường hợp không đúng, các chủ vườn ươm chịu trách nhiệm.
- Đánh giá kỹ thuật kỹ thuật phát băng, cuốc hố, trồng cây. Trường hợp thi công không đúng quy trình dẫn đến cây con bị chết, các chủ rừng phải chịu trách nhiệm.
2. Nghiệm thu chăm sóc rừng hành năm theo định kì của dự án quy định.

Tổ chức nghiệm thu đánh giá các nội dung chăm sóc theo quy trình của dự án theo các thời điểm của dự án:
· Đánh giá việc thực hiện chăm sóc rừng mới trồng theo thời điểm, kỹ thuật và diện tích.
· Bón phân: Chủng loại, thời điểm bón, liều lượng và kỹ thuật bón phân.
· Tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn về sinh trưởng hiện có.
· Các biện pháp phòng chống cháy rừng, bảo vệ gia súc và người phá hoại.


Nguồn http://muaban247.forum-viet.net/forum-f137/topic-t639.htm