Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Cây lúa thời hội nhập

LUAGAO - Sản xuất lúa theo hướng GAP là yêu cầu tất yếu của thời đại. Nhưng nhân tố giá cả, chất lượng, thương hiệu… có ý nghĩa quyết định trong sự cạnh tranh, điều kiện then chốt, sống còn cho việc sản xuất. PGS. TS. Mai Thành Phụng (ảnh) là một nhà khoa học, thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đã có nhiều tham luận đóng góp cho các diễn đàn về cây lúa.

Sản xuất lúa theo hướng GAP là yêu cầu tất yếu của thời đại. Nhưng nhân tố giá cả, chất lượng, thương hiệu… có ý nghĩa quyết định trong sự cạnh tranh, điều kiện then chốt, sống còn cho việc sản xuất. PGS. TS. Mai Thành Phụng (ảnh) là một nhà khoa học, thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đã có nhiều tham luận đóng góp cho các diễn đàn về cây lúa.

- Thưa PGS, xin ông cho biết có những yêu cầu nào để nông dân có thể đưa được lúa gạo của mình ra thị trường nước ngoài cạnh tranh?

PGS. MTP: Nông dân cá thể, nông dân bình thường khó có thể trực tiếp đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài. Như vậy để có thể đưa sản phẩm ra nước ngoài nông dân cần: Liên kết tổ chức sản xuất, liên hệ với đầu ra ký kết hợp đồng trước khi sản xuất. Cần lưu ý: sản phẩm phải đạt chất lượng, có độ đồng đều cao và bảo đản đủ số lượng để cung cấp cho bên mua đúng hợp đồng đã ký kết. Nông dân sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt được doanh nghiệp đầu ra chấp nhận thu mua và xuất khẩu.

- Ông có yêu cầu quan tâm hơn nữa chất lượng lúa gạo, vậy phải làm gì để đạt được yêu cầu này?

PGS. MTP: Chất lượng lúa gạo phụ thuộc: đặc điểm giống, quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, thực hành nông nghiệp tốt, thu hoạch đúng độ chín, tăng cường các biện pháp bảo vệ hạt lúa sau thu hoạch (phơi, sấy, tồn trữ, bảo quản), công nghệ chế biến, xay xát và bảo quản, tồn trữ hạt gạo. Như vậy cần phải làm các việc sau: 1/ Cần xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất và hạ tầng cho vùng sản xuất lúa (theo quy hoạch), tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất – tiêu thụ lúa gạo. 2/ Tăng cường công tác nghiên cứu và xác định cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng sinh thái, có phương án sản xuất, nhân giống, cung ứng giống hợp lý (xã hội hóa công tác giống) để có thể đưa giống tốt ra sản xuất ngày càng cao. 3/ Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và khuyến nông trên cây lúa. 4/ Tăng cường cơ giới hóa (tất cả các khâu sản xuất lúa), đặc biệt là khâu thu hoạch, sấy lúa, bảo quản hạt lúa. 5/ Triển khai nhanh chương trình sản xuất lúa theo Viet GAP và nhà nước có chính sách hỗ trợ để thực hiện chương trình này.

- Còn hạ giá thành, thực tiễn phải làm gì?

PGS. MTP: Nông dân không ngừng học hỏi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên cây lúa, nông dân liên kết sản xuất để có thể áp dụng các TBKT như 3G3T, 1P5G, cơ giới hóa và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đầu vào (cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV, dịch vụ làm đất, tưới nước…) và doanh nghiệp đầu ra (bao tiêu sản phẩm).

- Giải pháp cho việc thu hoạch và sau thu hoạch rõ, nhưng vướng chỗ nào, ta thực hiện không đúng được các giải pháp?

PGS. MTP: Việc áp dụng máy gặt đập thu hoạch lúa trong các năm qua đã làm tốt. Số lượng máy GDLH đã tăng rất nhanh ở DBSCL từ 497 máy (7/2007) đến nay (7/2011) là trên 6.500 máy và có thể tiếp tục tăng nhưng theo tôi là chưa bền vững. Giải pháp sắp tới đề xuất: (i) nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy GDLH trong nước; (ii) có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp làm dịch vụ gặt đập liên hợp; (iii) có chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suât mua máy GDLH; (iv) có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu về cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Về sấy, hiện nay có 6.500 lò sấy quy chuẩn (4t mẻ) là trên 9.000 lò sấy đáp ứng khoảng 30% sản lượng lúa vụ Hè Thu ở ĐBSCL. Giải pháp sắp tới: (i) doanh nghiệp thu mua lúa, xuất khẩu gạo cần có vùng nguyên liệu và liên kết với kho tàng, máy sấy, tồn trữ, bảo quản lúa; (ii) có chính sách thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất ra các máy sấy thích hợp; (iii) có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp làm dịch vụ sấy lúa; (iv) cho vay vốn hỗ trợ lãi suất cho nông hộ mua máy sấy .

- “Festival lúa gạo Việt Nam” lần này tại Sóc Trăng, theo ông diễn đàn Nông nghiệp nên tập trung những vấn đề nào?

PGS. MTP: (i) Thông tin về triển vọng và giá cả, thị trường xuất khẩu gạo của VN trong năm 2011 và các năm sắp tới; (ii) Các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bình ổn giá cả cho lúa gạo; (iii) Thông tin về các TBKT mới nhất ứng dụng trên cây lúa đặc biệt là các giải pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu; (iv) Thông tin về chính sách của nhà nước về quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu, vay vốn tín dụng, hỗ trợ sản xuất; (v) chương trình hỗ trợ sản xuất lúa theo Việt GAP và một số thành tựu của mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất – tiêu thụ lúa gạo.

Xin cám ơn ông!



HUỲNH CÔNG thực hiện (nguồn Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

GS-TS. Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: LÚA LÀ MỤC TIÊU

LUAGAO - Sản xuất lúa hằng năm tăng đều theo công nghệ sản xuất mới. Bên cạnh đó, vẫn có một số hạn chế cho việc sản xuất lúa hiệu quả cao. GS. TS. Nguyễn Văn Luật là một nhà quản lí đã nhiều năm lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL; nhưng ông còn là một chuyên gia giỏi về cây lúa. Trong các Diễn đàn, GS. luôn có những tham luận khoa học đề cập việc tăng năng suất lúa trên nền tảng của công nghệ sản xuất mới ở Việt Nam. GS-TS. Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, có cuộc trao đổi với Báo NNVN về những vấn đề ông quan tâm nhân Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II năm 2011 từ ngày 8/11/2011 đến ngày 11/11/2011, tại Sóc Trăng.

PV: Thưa GS, về hưu không tham gia công tác quản lí, ông vẫn nặng lòng với nông dân và cây lúa?

GS. NVL: Vâng, nhưng nói “nặng tình” thì đúng hơn, nặng tình đến mức “phải lòng” nếu không nói quá. Đấy là ước nguyện của tôi mà, từ khi tự nguyện rời khỏi vị trí “giảng viên trẻ đại học NN 1 Hà Nội” để gần nông dân, gần cây lúa tính đến nay đã gần nửa thế kỷ đấy, trong thời gian đó ở ĐBSH thì tôi có góp phần đưa vụ lúa Xuân thành vụ chính; ở ĐBSCL thì góp phần đưa vụ lúa Thu Đông thành vụ lúa chính. Thật thú vị: khi mình còn trẻ thì “nặng tình” với nông dân và cây lúa ở ĐBSH phù sa “cao tuổi” với vụ lúa xuân; Khi mình cao tuổi, hay tuổi đã sang thu thì vẫn trung thủy với hai đối tượng trên, nhưng ở vùng phù sa trẻ ĐBSCL với vụ lúa thu đông cùng với các giống lúa OMCS mà nhiều nhà báo dịch sai là “ôm em cực sướng.

PV: Ông nói nhiều về công nghệ sản xuất mới. Xin ông cho biết, những vấn đề chính nông dân trồng lúa nên quan tâm.

GS. NVL: Hiện nay, những vấn đề chính nông dân trồng lúa nên quan tâm chính là khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT mới nhất. Đấy là việc thực hiện “Ba không”: Không cúi cấy; Không phơi lúa; và Không gặt lúa bằng tay. Về lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội do khuyến cáo này đưa lại rất to lớn, chắc hẳn là bà con nông dân mình và cán bộ khuyến nông đã rõ. Tôi chỉ xin nói thêm một chút: “Ba không” cũng là một “gói định hướng kỹ thuật mở” nhằm thực hiện “Ba tăng, Ba giảm”, một gói kỹ thuật mở mang tính phong trào nhằm đưa nhanh kỹ thuật mới vào sản xuất, như PCT An Giang Huỳnh Thế Năng đã có nói. Vì là gói kỹ thuật mở, nên ở miền Bắc là “Không cúi cấy” còn ở ĐBSCL là “Không sạ lan lãng phí” mà dùng dụng cụ sạ lúa theo hàng. Dụng cụ này là IRRI SEEDER, vì mẫu máy của Viện Lúa Quốc tế, tôi mang về, cùng Viện tôi và doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng nghiên cứu cải tiến, bà con nông dân miền Tây hưởng ứng sử dụng. Đến nay miền Bắc lại áp dụng nhanh hơn, tôi rất vui về điều đó, vì quê tôi ở Hà Nội mà. Nhiều nước trồng lúa có đến tham quan rút kinh nghiệm và mua mẫu máy đã cải tiến từ Việt Nam ta mang về phát triển ở nước mình.

PV: Còn theo ông, nông thôn mới có ý nghĩa như thế nào tới việc trồng lúa?

GS. NVL: Nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới việc trồng lúa, là bước đi cơ bản nhất cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, cũng là biện pháp rất thiết thực nhằm “Đền ơn đáp nghĩa” với bà con nông dân mình vốn chịu nhiều thiệt thòi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nói nông nghiệp là giá đỡ cho đất nước mình đứng vững trong biến động về tài chính mấy năm qua. Và chắc chắn sẽ là giá đỡ trước biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKH) ngày càng phức tạp. Nhiều nhà khoa học thế giới có nói BĐKH sẽ dẫn đến thay đổi vị trí quốc gia, nước nào sản xuất được nhiều lương thực thực phẩm sẽ là cường quốc, chứ không như hiện nay, nhiều nước phát triển “hy sinh” nông nghiệp, nông dân, và nông thôn nhằm tập trung vào mấy sản phẩm công nghiệp để giầu có. Họ chỉ biết “Phi công bất phú”, mà không biết “Phi nông bất an”.

PV: Thế, hoạt động khuyến nông giữ vai trò gì trong sản xuất lúa đạt thương hiệu bền vững?

GS. NVL: Hoạt động khuyến nông giữ vai trò quan trọng trong sản xuất lúa đạt thương hiệu “Lúa gạo Việt Nam” bền vững trên thị trường thế giới, tất nhiên là trên cơ sở phát triển sản xuất lúa bền vững. Tổ chức nòng cốt của họat động khuyến nông là Trung tâm Khuyến nông QG, và TTKN tỉnh/ thành, có màng lưới sâu rộng đến huyện, xã, ấp/ xóm. Còn hoạt động khuyến nông thì có rất nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, như cá nhân chuyên gia Nguyễn Lân Hùng luôn xuất hiện và hướng dẫn kỹ thuật rất cụ thể, từ con giun, con dế đến con kỳ đà, con dê núi; từ cây lúa cây ngô đến cây tóc gây trầm kỳ Nam.. Nếu như tổ chức khuyến nông có điều kiện quy tụ được các họat động khuyến nông thì bà con nông sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

PV: “Festival lúa gạo Việt Nam” lần này tại Sóc Trăng, ông lại tham gia diễn đàn Nông nghiệp?

GS. NVL: Tất nhiên rồi. Tôi thường được Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ và Cty BVTV An Giang hỗ trợ ít nhiều qua Hội Giống Cây trồng Nam Bộ, nên chưa “lực bất tòng tâm”.

Xin cám ơn Giáo sư!

Bài & ảnh: THẠCH THẢO (nguồn Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Giống lúa OM ở Nam Trung bộ: Năng suất cao bất ngờ

LUAGAO - Trong nhiều năm qua, những giống lúa OM được phổ biến rộng rãi và cho thấy tính thích nghi cao ở vùng ĐBSCL. Gần đây một số địa phương các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên đưa nhiều giống lúa mới dòng OM về khảo nghiệm. Trong đó, tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã đưa các giống lúa mới do Viện lúa ĐBSCL lai tạo về gieo cấy cho năng suất vượt hơn mong đợi.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tánh Linh, năm 2010 Viện lúa ĐBSCL cung ứng hơn 18.600 kg lúa giống bao gồm cấp nguyên chủng (NC) và cấp xác nhận (XN), với các giống lúa OM6162, OM2395, OM6677, OM4900, OM7347, OM6561, OM5472. Kết quả khảo nghiệm đa số giống đều thích nghi với điều kiện sản xuất của địa phương, năng suất đạt bình quân 7- 8 tấn/ha, chất lượng gạo ngon, đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Ngoại trừ giống lúa OM6561 có khả năng thích nghi không cao, đẻ nhánh thấp và đang tiếp tục theo dõi qua những vụ sau.

Vừa qua, huyện Tánh Linh hợp tác với Viện lúa ĐBSCL chọn lọc những giống lúa thích nghi nhằm đáp ứng chương trình sản xuất lúa chất lượng cao, quy hoạch tại các xã Nghị Đức, Huy Khiêm và thị trấn Lạc Tánh. Theo đó, trong vụ mùa 2010 và vụ ĐX 2010-2011, sử dụng giống lúa xác nhận OM6162 cấp XN bố trí sản xuất 100 ha trên các chân ruộng tốt, thuận lợi đường giao thông, đảm bảo nguồn nước tưới. Kết quả, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha, cá biệt một số diện tích năng suất cao tới 75- 80 tạ/ha. Sản lượng đạt 650 tấn.

Qua theo dõi tình hình sâu hại, giống lúa OM6162 khi đưa vào sản xuất đại trà có xuất hiện các đối tượng sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá. Tuy nhiên mức độ gây hại trên đồng ruộng nhẹ. Hiện nay huyện Tánh Linh đang thực hiện kế hoạch sản xuất 3.000 ha lúa chất lượng cao giai đoạn 2010-2015, hợp tác với Viện lúa ĐBSCL tiếp tục thực hiện chương trình khảo nghiệm giống lúa mới như OM10041, OM100040, OM5451, OM6976, OM6916, OM7347, OM5886.

Riêng trong năm 2011, Phòng NN-PTNT huyện Tánh Linh sản xuất 500 ha lúa chất lượng cao với các giống lúa OM 6162, OM4900, OM2395, đồng thời sản xuất giống XN cung cấp đáp ứng nhu cầu nông dân trong huyện.

Nguồn: Báo NNVN

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Arkansas – Vựa lúa của nước Mỹ

LUAGAO – Câu chuyện kể về doanh nghiệp và nhà khoa học trên con đường đồng hành cùng nông trại làm giàu, chuyên môn hóa trong sản xuất hàng hóa lớn, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao ở nước Mỹ. Và đặc biệt hơn, câu chuyện sẽ khắc họa tư duy và hành động của những người chủ nông trại trồng lúa này trong việc bảo tồn nguồn nước-tài nguyên quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng để dành dụm nguồn lực cho con cháu của họ thế hệ sau này.

Bang Arkansas nằm ở phía nam nước Mỹ. Đường biên tự nhiên phía Đông – sông Mississippi – cung cấp nguồn nước ngầm cho sản xuất và đời sống nông nghiệp của cả bang. Arkansas đứng đầu nước Mỹ về diện tích và sản lượng lúa gạo.
Gần 9.000 nông trại trồng lúa của Arkansas hàng năm cung cấp gần 50% sản lượng lúa của Hoa Kỳ. Diện tích canh tác bình quân của mỗi nông trại khoảng 3000 mẫu Anh. Nông dân trồng luân canh ngô, đậu tương và lúa mỳ.

Sản xuất nông nghiệp tại Arkansas là ngành thâm dụng vốn. Mỗi nông trại thường chỉ có 2 đến 3 nhân công. Trong khi đó yêu cầu đầu tư vốn vào thiết bị canh tác và hệ thống thủy lợi lại rất lớn. Số tiền đầu tư bình quân tại mỗi trang trại khoảng 500.000 USD. Những người chủ nông trại ở Arkansas thường mua máy nông nghiệp của hãng nội địa John Deere, hoặc Case in. Máy nông nghiệp John Deere là thương hiệu lâu đời nhất của Mỹ, thành lập từ những năm 1890.

Thu hoạch lúa

Nước được coi là nguồn tài nguyên quý giá nhất đối với nông dân trồng lúa ở Arkansas. Gần 80% diện tích trồng lúa của Arkansas được tưới bằng nguồn nước ngầm hút lên từ dưới lòng đất của nông trại. 20% diện tích còn lại được tưới bằng nguồn nước từ sông hoặc hồ chứa.

Nguồn nước ngầm là thước đo giá trị của đất nông trại ở Arkansas. Vì lẽ đó, nông dân Arkansas có truyền thống tích lũy vốn từ đời nọ sang đời kia để đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi của nông trại. Hệ thống thủy lợi nông trại thường xuyên được cải tiến thiết kế, ứng dụng công nghệ tiên tiến, cho phép tiết kiệm nước, quay vòng tái sử dụng nước, nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như bảo tồn giá trị đất nông trại trong tương lai, đồng thời tăng năng suất lúa. Tất cả hệ thống thủy lợi nông trại ở Arkansas được thiết kế và xây dựng dưới mặt đất. Đây là hệ thống đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều tiền đầu tư, thường là tiền tiết kiệm để dành của nhiều thế hệ của mỗi gia đình nông dân Arkansas. Thiết bị công nghệ và vật tư lắp đặt cho hệ thống thủy lợi được phân phối bởi các công ty chuyên nghiệp. Công ty Phân phối Thủy lợi và Công ty Ống nước Hoa Kỳ là hai nhà cung cấp chính toàn bộ thiết bị và công nghệ để xây dựng hệ thống thủy lợi cho nông trại.

Trạm bơm nước của hệ thống thủy lợi nông trại

Giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho các nông trại do các công ty dịch vụ nông nghiệp cung cấp. Hàng tuần, công ty vật tư đều cử chuyên gia đến nông trại cùng nông dân theo dõi sự phát triển của mùa vụ, phát hiện dịch bệnh và tư vấn biện pháp khắc phục kịp thời.

Để chủ động hơn trong nghề trồng lúa, các nông trại ở Arkansas chủ động liên kết và thành lập Ban Xúc tiến Nghiên cứu Gạo của Nông dân Arkansas- những người sáng lập Ban này đều là nông dân. Các chủ nông trại cùng nhau đóng góp một phần tiền bán lúa vào Quỹ Xúc tiến Nghiên cứu Gạo. Cứ 20kg thóc bán ra, chủ nông trại sẽ để dành 1,5 cents, (1 đô la Mỹ= 100 cents), tương đương với khoảng 300 đồng Việt Nam theo tỷ giá hiện tại) để đóng vào quỹ nghiên cứu.

Quỹ nghiên cứu được sử dụng để đặt hàng dịch vụ nghiên cứu ứng dụng cho nông dân trồng lúa Arkansas. Trung tâm Nghiên cứu và Khuyến nông, Bộ môn Nông nghiệp thuộc trường Đại học Arkansas là địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất lúa gạo. Các sản phẩm nghiên cứu được thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế của nông dân, do nông dân đặt hàng, nên đều có tính ứng dụng thực tiễn cao. Để làm được điều này, cán bộ của Trung tâm phải thường xuyên cập nhật nhu cầu nghiên cứu của nông dân bằng nhiều hình thức: từ gặp gỡ và trao đổi trực tiếp tại nhà, trên đồng ruộng, đến ghi nhận thông tin thứ cấp qua Ban Xúc tiến Nghiên cứu của nông dân, thu thập ý kiến qua điện thoại, tổ chức điều tra về nhu cầu của nông dân.

Để được hỗ trợ tiếp thị và bán hàng, khoảng 60% nông dân ở Arkansas tham gia với tư cách thành viên của Công ty Chế biến và Kinh doanh Lương thực Riceland Food. Riceland Food hoạt động theo hình thức một hợp tác xã của nông dân. Lệ phí tham gia thành viên của Riceland Food là 1 đô la Mỹ/năm/nông dân. Riceland Food cung cấp dịch vụ tiếp thị sản phẩm cho gạo, đậu tương và lúa mỳ của 9000 nông dân thành viên ở các bang Arkansas, Louisiana, Mississippi, Missouri và Texas, và luôn nỗ lực tôn trọng quy tắc tối đa hoá giá thu mua lương thực cho các nông trại. Riceland Food bố trí một hệ thống kho bãi và điểm xuất khẩu dọc theo sông Mississippi.
Mỗi năm, Riceland Food thu nhận, dự trữ, vận chuyển, chế biến và bán ra khoảng 2,5 triệu tấn lương thực. Sản phẩm gạo của Riceland có chất lượng cao. Riceland Foods đầu tư toàn bộ quá trình sản xuất gạo khép kín: từ thóc, gạo lức, gạo trắng (đã xay xát) đến gạo đồ. Hiện tại, Riceland Food là hãng chế biến và kinh doanh gạo lớn nhất thế giới.

Riceland Food phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu và Khuyến nông Arkansas trong kiểm tra chất lượng giống lúa mới, kiểm tra năng suất chế biến của gạo được trồng thử nghiệm từ những giống lúa mới, nhờ vậy giúp đảm bảo chất lượng các hoạt động nghiên cứu ứng dụng phục vụ khuyến nông cho các khách hàng nông dân Arkansas.

Hoàng Ngân - Theo Nụ Cười Việt