Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Giải pháp sản xuất lúa thu đông bền vững


Nông dân xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang) canh nước lũ, giữ lúa TĐ

LUAGAO - Diễn biến lũ lụt ở ĐBSCL vừa qua làm một số vùng làm lúa vụ thu đông (TĐ) 2011 bị thiệt hại. Mới đây, tại Viện lúa ĐBSCL, cán bộ khoa học Đại học Cần Thơ và lãnh đạo Sở NN-PTNT của 7 tỉnh, thành bị ảnh hưởng lũ: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang đã tham dự hội thảo “Thực trạng và giải pháp cho sản xuất lúa thu đông vùng lũ ở ĐBSCL trong thời gian tới”.

Lúa vụ 3 có lợi

Trong những ngày lúa vụ 3 vị vỡ đê, ngập lụt, TS Chu Văn Hách, Trưởng bộ môn Kỹ thuật canh tác và các cán bộ của Viện lúa ĐBSCL đã đến các địa phương khảo sát, nắm rõ tình hình thực tế để tìm cách hỗ trợ nông dân địa phương. Về thuận lợi, phần lớn nông dân cho rằng: Nếu có hệ thống đê bao tốt, giá lúa cao, chi phí ít, chất lượng gạo TĐ lại tốt hơn so với HT thì làm lúa vụ này trúng lớn, vả lại có điều kiện cung cấp giống tốt cho vụ ĐX.

Kết quả điều tra hộ nông dân tại 4 tỉnh/thành có diện tích canh tác lúa vụ 3 cho thấy: 91% hộ làm lúa vụ 3 có lời, chỉ có 1% bị lỗ và 8% hòa vốn. Tính hiệu quả lúa vụ 3, năng suất bình quân đạt 4,22 tấn/ha (lúa khô), với giá lúa cao như hiện nay thì nông dân có lời trung bình khoảng 11 triệu đồng/ha/vụ.

Mức lời như vậy là hấp dẫn người dân, vì nếu không làm lúa vụ này thì khó có thể tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn bất lợi mà nông dân thường gặp là giá công lao động, giá vật tư cao và không ổn định. Lũ về sớm nếu không có đê bao chắc chắn sẽ bị mất mùa.

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích lúa TĐ 2011 toàn vùng đạt 635.385ha, cao hơn năm trước khoảng 100.000ha. Trong 10 năm qua nông dân trong vùng đê bao đã an tâm sản xuất lúa vụ 3. Thế nhưng vụ TĐ năm nay gặp lũ lớn bất ngờ. Do sau nhiều năm không có lũ lớn nên nông dân chủ quan, không quan tâm việc gia cố đê bao. Tới khi lũ quá cao tràn bờ, xảy ra vỡ đê một số vùng lúa bị thiệt hại.

Các cán bộ nông nghiệp các tỉnh làm lúa TĐ nhận xét: Nông dân làm lúa vụ 3 năm nay bị thiệt hại cần được Nhà nước hỗ trợ. Nhưng nhìn toàn cục, lúa TĐ vẫn thắng lớn và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho vụ TĐ những năm sau. Nhất là lo củng cố đê bao, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, nhất là sử dụng các giống ngắn ngày.

Để lúa vụ 3 ăn chắc

Theo các địa phương có diện tích lúa TĐ trong vùng, nếu được đầu tư đê bao đảm bảo chắc chắn, 7 tỉnh trong vùng lũ sẽ giữ ổn định diện tích vụ TĐ như năm 2011. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới đê bao đảm bảo chất lượng, đủ cao trình, gia cố đê bao cũ và xây dựng các trạm bơm điện vừa và nhỏ để phục vụ cho tưới tiêu.

Ngành thủy lợi giúp tính toán lại cao trình của lũ, vì mỗi năm lũ một dâng cao hơn để có phương án nạo vét các hệ thống thoát lũ và gia cố đê điều cho phù hợp. Cần có liên kết vùng trong tránh lũ và ô nhiễm môi trường, liên kết giữa các tỉnh để tránh trường hợp tỉnh này xả lũ làm cho tỉnh khác bị ngập úng.

Về mặt khoa học, GS.TS Nguyễn Văn Luật cho rằng không thể phủ nhận việc sản xuất liên tục có thể làm giảm độ màu mỡ của đất nếu không có nước lũ vào ruộng như ở nơi có bờ đê bao khép kín ngăn lũ để tăng vụ. Tuy vậy thực tế trong gần chục năm qua bà con nông dân đã làm lúa 3 vụ năng suất vẫn tăng cao.

Các nhà khoa học Viện lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ góp ý: Nếu canh tác thuần 3 vụ lúa liên tiếp trong năm có thể làm xói mòn một số nguyên tố khoáng và hữu cơ, ảnh hưởng tới độ phì tự nhiên của đất. Tuy nhiên, hàng năm đất lúa vùng ĐBSCL đã được bù đắp lại một lượng phù sa rất lớn cộng với một lượng rơm rạ hoàn trả cho đất cũng khá lớn, nên khả năng thiếu các nguyên tố trung, vi lượng và hữu cơ không lớn lắm.

+ Trong 635.385ha lúa TĐ, đã thu hoạch 231.486ha, đạt gần 40%; chưa thu hoạch 396.334ha (trên 60%); diện tích lúa bị mất trắng do vỡ đê 7.565ha, chiếm 1,2%. Lúa bị thiệt hại tập trung ở 3 tỉnh An Giang 3.902ha; Đồng Tháp 2.073ha và Long An 481ha.

+ Năm 2010, ĐBSCL có hơn 520.000 ha lúa TĐ, góp phần làm tăng thêm sản lượng lúa cả năm lên 2 triệu tấn, trong đó riêng lúa vụ 3 (TĐ) toàn vùng có sản lượng 2 - 2,2 triệu tấn lúa/năm.

Về độ phì thực tế, kết quả cho thấy trên các vùng trồng từ 2-3 vụ lúa/năm, thậm chí là 7 vụ/2 năm thì năng suất lúa năm sau luôn bằng hoặc cao hơn so với năm trước, mặc dù lượng phân bón đa lượng không tăng. Các kết quả từ thí nghiệm dài hạn về N, P, K tại Viện lúa ĐBSCL từ 1986 tới nay cho thấy chỉ những ô không bón lân thì năng suất có xu hướng giảm dần theo thời gian, còn nếu bón đầy đủ N, P, K thì năng suất lúa không thay đổi theo thời gian. Do vậy việc khuyến cáo bón phân cân đối vẫn là giải pháp hữu hiệu để duy trì năng suất lúa.

Đề phòng dịch bệnh, trước hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu và canh tác lúa liên tục nếu áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại không hợp lý trên đồng ruộng có thể gây ra nhiều thay đổi về tính đa dạng và phong phú của côn trùng và bệnh hại, phân bố về địa lý của các loài dịch hại, biến động quần thể, kiểu sinh học (biotype) của loài dịch hại, mối tương quan giữa dịch hại và cây lúa, hoạt động và mức độ phổ biến của các loài thiên địch, khả năng thay đổi độc tính của một số loài, và nhất là khả năng phát sinh nhiều loài dịch hại mới.

Do vậy, cần bố trí gieo sạ đồng loạt trên một cánh đồng theo lịch né rầy của ngành BVTV; chọn những giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với từng địa phương, giảm thời gian cây lúa đứng trên đồng và bố trí thời vụ sao cho không làm ảnh hưởng tới vụ sau, đặc biệt là vụ ĐX.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

VFA không muốn chia nhỏ “chiếc bánh” xuất khẩu gạo

VFA không muốn chia nhỏ “chiếc bánh” xuất khẩu gạo
Gạo Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường thế giới.
LUAGAO - Trước việc hiện đã có 130 DN được cấp phép xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 và hàng loạt DN khác vẫn tiếp tục nộp đơn, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - cho rằng “miếng bánh” xuất khẩu gạo có giới hạn.

VFA muốn có điểm dừng chứ để tăng tới 200-300 DN thì giống như TPHCM, đông xe quá dẫn tới kẹt... Tuy nhiên, nếu “hãm” lại thì trật quy định luật pháp...

“Miếng bánh” quá... ngon

Theo tính toán của VFA, xuất gạo cả năm 2011 này sẽ vượt qua mốc 7 triệu tấn, thu về hơn 3 tỉ USD (năm 2010 cả nước xuất khẩu 6,89 triệu tấn gạo, thu về 3,25 tỉ USD).

Đáng lưu ý, theo VFA, trong 9 tháng vừa qua, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt trên 520USD/tấn - tăng hơn 133USD/tấn so với cùng kỳ. Dù giá tăng nhưng từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo khó mà tụt xuống, thậm chí sẽ có lợi cho cả quý I/2012. Bởi thị trường xuất khẩu biến động theo chiều hướng thuận lợi cho Việt Nam. Cụ thể, thị trường hiện đã hình thành 2 cấp. Một là nhu cầu gạo cấp thấp, giá rẻ với nguồn cung từ Ấn Độ. Hai là nhu cầu gạo cao cấp, giá cao từ Thái Lan, Việt Nam.

Với gạo cấp cao Thái Lan - nước tác động lớn đến giá gạo thế giới - áp dụng chính sách hỗ trợ nâng giá lúa sẽ khiến giá gạo tăng cao - đạt mức 750 - 800USD/tấn. Điều này chưa hẳn được nhiều nước nhập khẩu chấp nhận, bởi những nước này đa phần đang chịu lạm phát. Khả năng các nước đổ sang tìm nguồn cung từ Việt Nam là điều dễ nhận thấy. Với thị trường gạo cấp thấp, trung bình, Ấn Độ là nước cạnh tranh gay gắt với Việt Nam. Hiện Ấn Độ đã công bố bán 2 triệu tấn gạo ra thị trường thế giới. “Với sản lượng này thì Ấn Độ chưa đủ làm giảm nhiệt giá gạo, trừ khi họ tuyên bố bán nhiều hơn. Nhưng theo dự đoán của chúng tôi thì Ấn Độ khó có khả năng này, vì phải tăng cường chính sách ANLT” - ông Bảy cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam ngoài việc có thể cạnh tranh thị phần gạo cấp cao với Thái Lan trong lúc họ biến động, thì có thể giành được cả thị trường gạo cấp thấp và trung bình ở gần địa giới, bởi cước vận chuyển thấp, chất lượng và nguồn hàng ổn định hơn Ấn Độ.

VFA không muốn chia nhỏ “chiếc bánh” xuất khẩu gạo, Thị trường - Tiêu dùng, gia gao, xuat khau gao, gao viet nam, VFA, kinh te, bao

VFA không muốn chia nhỏ “chiếc bánh” xuất khẩu gạo.

Bất ngờ ngoài toan tính

Bên cạnh sự khấp khởi, VFA lại đang dấy lên nỗi “băn khoăn”, khi đến thời điểm này, đã có 125 DN được Bộ Công Thương cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo theo Nghị định 109, chưa kể 4 DN liên doanh với nước ngoài. Đáng lưu ý, trong số đó có 29 DN chưa bao giờ xuất khẩu gạo, đa phần làm ngành nghề khác, nhưng trước “miếng bánh” xuất khẩu gạo đã góp vốn liên kết với DN có kho chứa đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 109.

Nhiều DN khác vẫn tiếp tục củng cố năng lực và nộp hồ sơ đăng ký xuất khẩu gạo. Thực tế này làm bất ngờ nhiều người. Bởi mục tiêu của Nghị định 109 là loại bỏ những DN nhỏ lẻ, không đủ năng lực, không đầu tư kho bãi, đầu tư cho nông dân nhưng mua bán “chụp giật” phá giá, gây hỗn loạn thị trường, làm ảnh hưởng uy tín gạo Việt Nam. Khi nghị định “hình hài”, VFA từng tin rằng với những quy định chặt chẽ đòi hỏi DN phải có vốn rất lớn thì sẽ chỉ còn dưới 100/262 DN đang xuất khẩu gạo.

Nên ngoài 125 DN đã được cấp phép, trước việc các DN tiếp tục nộp hồ sơ, ông Bảy đã không giấu giếm toan tính của VFA: “Quan điểm của VFA là phải có điểm dừng. Chứ lên tới 200-300 DN xuất khẩu gạo, lượng gạo có giới hạn. Nếu miếng bánh cứ chia nhỏ, mỗi DN chia nhau ít gạo để xuất thì sẽ càng làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Giống như tình trạng xe cộ ở TPHCM, phải tính toán lượng dân cư, đường sá để quy định bao nhiều đầu xe là vừa. Chứ vô đông quá, tắc đường thì hại nhiều hơn lợi!” - ông Bảy nói.

Tuy nhiên, nếu “người ta” tìm cách hãm và không cho DN đủ điều kiện đăng ký xuất khẩu gạo, lại vi phạm Luật DN và các quy định khác của pháp luật. Nên các cơ quan chức năng hiện đang loay hoay tìm giải pháp.

Theo: 24h.com.vn

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Giới thiệu phần mềm FertilizerChooser - Chương trình thông minh giúp nông dân sử dụng phân bón hiệu quả

LUAGAO - Giới thiệu phần mềm FertilizerChooser - Chương trình thông minh giúp nông dân sử dụng phân bón hiệu quả
- Chương trình thông minh giúp nông dân sử dụng phân bón hiệu quả

- Thị trường phân bón hiện nay rất đa dạng và phong phú, gồm nhiều chủng loại. Tất nhiên giá thành cũng rất khác nhau. Mỗi loại phân bón, đều có đặc tính riêng, tùy thuộc vào thành phần dưỡng chất chứa bên trong mà nhà sản xuất chế tạo. Việc xác định công thức phân bón thích hợp cho từng loại cây trồng, trên từng vùng đất canh tác khác nhau cũng như chọn lựa dạng phân nào vừa đáp ứng đúng các yêu cầu trên vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông, đó là việc làm mang tính thiết thực, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong chương trình 3 Giảm 3 Tăng do ngành nông nghiệp khuyến cáo hiện nay.

- Biểu tượng chương trình sau khi cài đặt Chương trình Fertilizer Chooser sẽ giúp chúng ta thỏa mãn những yêu cầu trên. Các tiện ích trong chương trình:

- Đáp ứng đúng và đủ lượng phân cần dùng cho cây trồng, dựa trên công thức phân bón đã được xác định với hàm lượng dưỡng chất Đa lượng (Đạm, lân , Ka li ) Trung lượng (Ca, S) Vi lượng (Fe, Cu, Zn,...)

- Hạ chi phí giá thành sử dụng phân bón

- Tăng lợi nhuận cho nông dân

- Cùng một công thức phân bón, nhưng với nhiều dạng phân bón khác nhau, chương trình sẽ tìm ra loại phân nào hữu hiệu, so sánh giá thành sử dụng của các loại phân bón hiện có trên thị trường, từ đó khuyến cáo một giải pháp lựa chọn kinh tế nhất .

- Hướng dẫn cài đặt Sau khi download về, Giải nén file Fert_Generic.zip, bấm vào file Fert_Generic.exe để tiến hành cài đặt. Xuất hiện hộp thoại Name Setup, nhấn OK Trong hộp thoại Installshield Wizard, License Agreement, chọn Yes Cũng trong phần Installshield Wizard, Setup Type, có 2 cách chọn. Typical: Sẽ cài hầu hết các tính năng thông dụng. Custom: Cài theo tùy chọn. Theo mặc định, chúng ta chọn Typical.

Nhấn Next. Quá trình cài đặt sẽ diễn ra trong ít phút. Khi hộp thoại Name Setup: Completed. Quá trình cài đặt đã hoàn tất. Nhấn Close để kết thúc trình cài đặt. Lúc này, màn hình Desktop sẽ xuất hiện biểu tượng FertilizerChooser, nhấn đúp chuột vào, (hoặc vào Start/All Program/FertilizerChooser/FertilizerChooser) =================================

Hướng dẫn sử dụng

Unit Currency Unit (Đơn vị tiền tệ): Chương trình sử dụng đơn vị Dollar Mỹ (USD). Để chuyển sang đơn vị tiền Việt Nam, ta quy đổi tỷ giá vào thời điểm tính toán. Ví dụ, 1 US$ = 16.000. Đặt đơn vị là dong: Viet Nam .

Tiếp đến, đặt các thông số sau: Area Unit (Đơn vị diện tích): 1 ha = 1.0 hectare Recommendation Unit (Đơn vị khuyến cáo): 1 kg/ha = 1.0 kg/ha Để lưu lại thiết lập cho những lần sau, nhấn vào tab Save Thông tin về loại cây trồng các xác định công thức phân bón Crop/Farm Info: Thông tin về loại cây trồng các xác định công thức phân bón Crop: Thông tin về loại cây trồng các xác định công thức phân bón, ví dụ lúa, bắp lai, đậu xanh,...(Lưu ý, gõ tiếng Việt, không bỏ dấu).

Total Area: Diện tích đang canh tác. Ví dụ, 0.5ha ; 2ha;...

Target Amount : Lượng phân cần sử dụng để bón cho cây trồng với diện tích hiện canh tác (hay công thức phân). Ở đây, nhập giá trị theo hàm lượng nguyên chất: Đạm (N), Lân (P2O5), Ka li (K2O). Nếu cần tính đến thành phần bổ sung đa lượng (Ca, S) hay vi lượng (Fe, Cu, Zn, Mg,...), chọn tiếp vào ô other. Chương trình cho phép bổ sung thêm 3 ô để trống. Thực hiện xong yêu cầu, nhấn vào Tab Fertilizer Sources để chọn loại phân. Giao diện chương trình hiện ra, gồm một danh sách với các loại phân bón, liệt kê rõ thành phần đa lượng, trung vi lượng của từng loại phân. Muốn sử dụng loại phân nào, bấm vào ô check. Nếu muốn chọn tất cả, bấm vào Select All. Ở cột Type, có 3 loại. Liquid : Phân dạng chất lỏng (nước) Solid: Phân dạng chất rắn (dạng bột, hạt) Gas: Phân ở dạng thể khí.

Tiếp theo, ở cột Weight Unit (WU): Đơn vị trọng lượng. Phụ thuộc vào quy cách loại phân bón của nhà sản xuất. Chọn kg, lít,... Cột Price: Giá phân, nhập giá thực tế. Bảng Fertilizer Sources để chọn loại phân Xong, nhấn vào Caculate. Chương trình sẽ tự động tính toán và đưa ra kết quả. Trong những loại phân đưa ra, khuyến cáo nên sử dụng loại phân nào hiệu quả kinh tế nhất, có nghĩa giá thành phân bón thấp nhất. Tại bảng kết quả này, có các tùy chọn: - Coppy to Clipboard: Chép và dùng lệnh dán (paste, Ctrl V) vào Ms Excel - Save As: Lưu kết quả - Print: In trang này - Exit: Thoát khỏi chương trình

Trong danh sách đưa ra, có thể không có những loại phân thông dụng trên thị trường, bổ sung bằng cách chọn Insert Row, để thêm vào. Application Cost: Chi phí ứng dụng, Số tiền trên đơn vị diện tích.(CU/AU) Đồng/ha. Phần mềm miễn phí. Địa chỉ Download tại: http://www.irri.org/science/software/fertchooser.asp. Yêu cầu: Độ phân giải màn hình hợp lý: 800 x 600 pixels Dung lượng: 8,462 Mb, file nén. Để download được Chương trình này, đòi hỏi phải đăng ký thành viên để được cấp Account và Password. Thực hiện theo hướng dẫn. (Liên hệ với người viết để nhận Chương trình này) Tuy chưa gọi là nhất được, nhưng với phần mềm nhỏ gọn này, hy vọng rằng sẽ giúp ích được bà con nông dân và những người làm công tác nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, một trợ thủ đắc lực. Sẽ còn nhiều sự hữu dụng từ chương trình này, trông chờ vào sự nghiên cứu tiếp của chúng ta.

Tôi download tại địa chỉ này: http://www.softepic.com/windows/graphic-apps/cad/fertilizer-chooser/

(Sưu tầm)