Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Vị thế mới của gạo Việt

LUAGAO - Theo dự báo, năm 2012 Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu được 7,3 triệu tấn gạo - kỷ lục từ trước đến nay. Có được con số này, lúa gạo Việt đã trải qua nhiều khó khăn, giông bão, nhiều câu chuyện chưa từng được kể.


Một thời gian khó
Năm 2011 này, lần đầu tiên Việt Nam đạt vượt qua ngưỡng 40 triệu tấn lúa với tổng sản lượng cả nước đạt tới hơn 41,5 triệu tấn với năng suất bình quân đã vượt mốc 6,1 tấn/ha. Nhưng để đạt được kỳ tích như ngày hôm nay, hạt gạo Việt Nam đã có thời bị thiếu hụt trầm trọng, hàng năm phải đi nhập khẩu một lượng lớn để bù đắp cho sự thiếu đói.
Vị thế mới của gạo Việt, Thị trường - Tiêu dùng, xuat khau gao, thi truong gao, lua gao, bao, tin hya, tin hot, tin tuc
Nhớ lại những thời kỳ đó, ông Nguyễn Công Tạn -nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nói: “Năm 1980, sản lượng lúa nước ta mới đạt 11,65 triệu tấn, sau khi thực hiện Chỉ thị 100 đến năm 1988 vươn lên được 17 triệu tấn, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và đây chính là thời điểm cao độ của khủng hoảng, lúc đấy đất nước ta có hàng triệu người thiếu ăn và phải nhập hàng triệu tấn gạo và bột mỳ”.
Các cột mốc trong 22 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam: Nếu năm 1989, Việt Nam mới xuất khẩu được 1,37 triệu tấn gạo, thì 6 năm sau đó đến năm 1995 đã đạt số lượng 2,05 triệu tấn. Ngay sau đó 1 năm (1996) đã tăng vọt lên 3,06 triệu tấn, đến năm 1999, xuất khẩu gạo đạt cột mốc mới với 4,56 triệu tấn. Nhưng kể từ sau năm 2000, số lượng xuất khẩu lại bị tụt xuống ở mốc 3,35 triệu tấn và đến năm 2005 mới thiết lập được mốc mới là 5,2 triệu tấn. Tới năm 2009 đạt cột mốc 6 triệu tấn, năm 2010 đạt 6,8 triệu tấn và năm 2011 đạt 7,2 triệu tấn.
“Năm 1987, khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, nước ta vẫn đói, chúng ta thiếu tới 1 triệu tấn gạo, nhưng chỉ nhập được có 440.000 tấn. Lúc đó, tôi đã kiến nghị với đồng chí Phạm Hùng, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phải nhập thêm, nhưng đồng chí nói, ngoại tệ và vàng trong nước đã hết rồi, nên có đề nghị nhập cũng chịu” - ông Tạn nhớ lại.
Thế rồi, luồng gió mới từ Nghị quyết 10 đã đến và giải phóng cho toàn bộ nền nông nghiệp nước ta, biến một nước từ chỗ phải lệ thuộc vào lương thực nhập khẩu trở thành một nước xuất khẩu gạo liên tục trong 22 năm vừa qua.
Ông Tạn tâm sự: “Ngay năm 1989, sản lượng lúa cả nước đã đạt 18,99 triệu tấn, đến 1990 đạt 19,22 triệu tấn, rồi 19,43 triệu tấn vào năm 1991 và cứ thế suốt từ 1988 đến nay, sản lượng lúa chỉ có tăng và lên. Đặc biệt, cũng từ 1989, chúng ta đã xuất khẩu được 1,37 triệu tấn gạo, từ bấy đến nay chỉ toàn xuất khẩu tới ngưỡng 7,2 triệu tấn như năm nay”. Theo ông Tạn, để có được thành công đó là do Đảng, Nhà nước đã thay đổi chính sách về nông nghiệp, nhất là chúng ta đã luật hóa được toàn bộ tư liệu sản xuất đối với nông dân bằng Luật Đất đai năm 1993.
Có lúc đi xin... xuất khẩu
Hiện nay, hạt gạo Việt Nam đã vươn đi gần như khắp thế giới. Nhưng để có được thành công và những thuận lợi đó, những người làm công tác xuất khẩu gạo đã trải qua những thời kỳ vô cùng gian khó.
Là người điều hành xuất khẩu gạo ngay từ những ngày đầu, hạt gạo Việt Nam vươn ra khỏi bản đồ hình chữ S, ông Nguyễn Đăng Chi - nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhớ lại: “Khi chúng ta mới tham gia xuất khẩu gạo, trên thị trường thế giới cung vẫn còn lớn hơn cầu, nước xuất nhiều hơn nước nhập, nên dạo đó, có những hợp đồng khi tổ chức đấu thầu, chúng tôi đã phải đi “lobby” cả đến cấp Chính phủ nước đó. Thậm chí, có thời điểm xuất khẩu khó khăn quá, chúng tôi đã phải thảo cả thư cho Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký gửi cho Tổng thống Philippines chiếu cố nhập khẩu gạo cho chúng ta”.
Vị thế mới của gạo Việt, Thị trường - Tiêu dùng, xuat khau gao, thi truong gao, lua gao, bao, tin hya, tin hot, tin tuc
Năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam đã xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, triển vọng xuất khẩu gạo năm 2012 của Việt Nam nhìn chung vẫn khá sáng sủa do yếu tố lũ lụt ở Thái Lan, cộng với chính sách quy định về thu mua gạo ở giá sàn khá cao của nước này, tạo cơ hội cho Việt Nam có thể san bằng, thậm chí vượt Thái Lan về số lượng xuất khẩu gạo ở vị trí “quán quân”.
Theo ông Chi: “Trong trước mắt và có lẽ cả lâu dài, xuất khẩu gạo nhìn chung thuận lợi nhiều hơn do chúng ta có được cơ hội do đất đai ngày càng thu hẹp, dân số thế giới lại tăng, nguy cơ đói của thế giới vẫn còn. Cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong xuất khẩu với nhiều thị trường, bạn hàng lâu năm, chúng ta sẽ vẫn rất thuận lợi về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, vai trò điều hành, nhất là của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải được xây dựng lại mạnh hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp phải đoàn kết, bảo được nhau. Như thế, xuất khẩu mới đem lại hiệu quả”.
“Vương miện” phải dành cho nông dân
Có một thực tế hiện nay, mặc dù riêng ngành lúa gạo xuất khẩu đã đem lại giá trị tới 3,5 tỷ USD/năm về cho nước ta, nhưng thực tế, từ sau năm 1975 đến nay những người trồng lúa vẫn là những người nghèo nhất.
TS Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Thực tế, cái vị trí số 1 hay số 2 chẳng có gì vinh dự, mà điều quan trọng là người nông dân được hưởng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận trong những con số xuất khẩu đó. Cho nên, theo tôi chiếc “vương miện” số 1 đó phải được dành cho những người nông dân trực tiếp làm ra từng hạt gạo”. Cũng theo ông Quốc, trên thế giới đã có nhiều nước, thậm chí người ta còn điều chỉnh vị trí xuất khẩu của mình từ số 1 xuống số 2, từ số 2 xuống số 3… để đem lại hiệu quả cho người sản xuất.
Cùng chung tư tưởng với ông Quốc, ông Nguyễn Đăng Chi nhận định, vươn lên số 1, số 2 về số lượng không khó nếu các nước thi nhau xuất khẩu giá thấp. Ông nói: “Chúng ta cần tập trung vào nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đảm bảo cho nông dân có lợi trong từng cân lúa bán ra với mức lãi 30% thậm chí có thể 50% và cao hơn nữa”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Cây lúa là thế mạnh của nước ta
Nói về định hướng cho ngành sản xuất lúa gạo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Trên thực tế, một mặt chúng ta phát triển sản xuất lúa gạo để đảm bảo nhu cầu trong nước, nhưng mặt khác chính cây lúa là lợi thế của nước Việt Nam. Cây lúa đem lại lợi ích cho nước Việt Nam và cho những người nông dân trồng lúa. Không dễ gì tìm được cây khác có hiệu quả hơn trên những vùng đất trồng lúa truyền thống của chúng ta. Đây là sự sàng lọc của lịch sử”.
Theo ông Phát, ĐBSCL của nước ta là một trong những vùng trồng lúa nước tốt nhất trên thế giới và không phải ngẫu nhiên mà nước ta trở thành nước xuất khẩu lúa gạo lớn thứ 2 tuy với diện tích đất rất nhỏ hẹp. Vì cây lúa có lợi thế và nhìn lại quá trình hơn 20 năm vừa qua khi chúng ta đổi mới, có thể thấy nền nông nghiệp của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi chúng ta tập trung vào phát huy những gì là thế mạnh của chúng ta.
Cây lúa là một trong những thế mạnh của nền nông nghiệp và của cả nước. Do đó, chúng ta nên tiếp tục phát huy và nên gìn giữ mảnh đất màu mỡ ấy cho muôn đời sau. Không phải hôm nay chúng ta xuất khẩu nhiều gạo là để làm an ninh lương thực cho thế giới, mà chúng ta làm ra hạt gạo trước hết là vì chúng ta, vì đất nước chúng ta”.
Ngọc Lê (ghi)
Theo: 24h

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

GIÁ TRỊ MANG LẠI TỪ GẠO THAN

LUAGAO – Giới thiệu về gạo than, thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn.


Tiến sĩ Lê Hữu Hải, người âm thầm nghiên cứu gạo than từ năm 2005 đến đã phát hiện hàm lượng anthocyanin của gạo than Cai Lậy, Tiền Giang lên tới 600 mg/kg.
“Anthocyanin có trong gạo than tới 60,4 mg/100g, cao hơn 94,47% so với gạo trắng. Đây là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quí như: khả năng chống oxy hóa cao nên được sử dụng để chống lão hóa; chống oxy hóa các sản phẩm thực phẩm; hạn chế sự suy giảm sức đề kháng; có tác dụng làm bền thành mạch, chống viêm, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư”, TS Hải giải thích.
Một nghiên cứu khác của phòng thí nghiệm chuyên sâu thuộc trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM khẳng định: 1 kilogam gạo than chứa đến 26,4 mg chất sắt, cao hơn 450% so với gạo trắng (4,8 mg/kg), chỉ thấp hơn thịt bò 13,6% (30 mg/kg).
Vi chất sắt trong gạo than cần thiết trong việc duy trì sự khoẻ mạnh của hệ miễn dịch, các cơ và điều chỉnh sự phát triển của các tế bào. Chất sắt được dự trữ trong hemoglobin và myoglobin, 2 tế bào protein máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô và cơ trong cơ thể. Các nhà khoa học còn phát hiện quan hệ giữa kẽm và tuyến tiền liệt rất mật thiết.
Ngoài ra, trong gạo than còn chứa nhiều khoáng chất khác như amylose, canxi, lysine… có hàm lượng cao hơn gạo trắng bình thường.
Gạo than chứa Anthocyanin, xay lứt ngâm trong 20 giờ, nấu chín… người Nhật ăn theo phương pháp thực dưỡng còn gọi đó là cơm gạo mầm, tác dụng chống các tia phóng xạ.
Từ nguồn giống của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), chạy điện di protein SDS – PAGE tại bộ môn Di truyền chọn giống, trường Đại học Cần Thơ, trồng khảo nghiệm nhiều vụ ngoài đồng ruộng tại Cai Lậy, tiến sĩ Hải đã tuyển chọn được 2 dòng lúa than thích nghi tốt với điều kiện sản xuất thâm canh, thời gian sinh trưởng chỉ 75 – 80 ngày, không cảm ứng quang kỳ như các giống lúa mùa nên có thể thâm canh 3 vụ/năm.

Tiến sĩ Võ Công Thành, bộ môn Di truyền chọn giống, cho biết giống lúa than “Huyền Ngọc”, được chọn tạo từ tổ hợp lai từ loại lúa Khẩu Lệch (Huế) và giống BN, kết quả kiểm nghiệm của phòng thí nghiệm chuyên sâu trường đại học Cần Thơ cho thấy hàm lượng Fe tới 54,9 mg/kg và anthocyanin lên đến 1432 mg/kg, cao hơn lúa than Cai Lậy. Tiến sĩ Thành nói rằng ông cố gắng làm cho giống lúa có tính kháng sâu bệnh, chịu hạn hoặc mặn trên 5‰.
Tại Sóc Trăng, kĩ sư Hồ Quang Cua, âm thầm nghiên cứu tổ hợp lai, cũng bất ngờ trước những kết quả vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo ông, cần tiếp tục nghiên cứu. Thầm lặng và ngẫu nhiên, 3 điểm nghiên cứu lúa than vô tình chạy vào đường đua.
Tiến sĩ Hải cho biết ông đã làm hồ sơ đăng ký “Gạo Lá cẩm Cai Lậy” và HTX Mỹ Thành, Cai Lậy, Tiền Giang đã trồng 39 ha lúa than theo tiêu chuẩn GlobalGAP trong vụ hè thu sớm 2011.
Công ty TNHH ADC đặt hàng toàn bộ lúa than với giá tương ứng 1 kg “lúa cẩm Cai Lậy“ = 1,6kg lúa hột dài. Công ty này sẽ giúp HTX mở rộng diện tích và kết hợp với ngành dược phẩm tạo ra cuộc đời thứ hai của gạo than với dòng sản phẩm mới có giá trị dinh dưỡng cao, dùng như thực phẩm chức năng.
Với năng suất bình quân 5-6 tấn/ha, các nhóm tác nhân: chế biến, đóng gói, kinh doanh siêu thị đang tìm cách săn đón gạo than. Một số công ty xuất khẩu cũng muốn tham gia chuỗi giá trị bằng cách đẩy giá lên cao để mua hàng mà không cần đầu tư vùng nguyên liệu. Nhưng những cơ hội thương lượng với người sản xuất cá thể ở Tiền Giang, Sóc Trăng rất mong manh vì nguồn giống vốn rất giới hạn và việc kiểm soát dự án tại gốc hết sức chặt chẽ.

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Vui Tết không quên ruộng đồng: Đề phòng dịch hại lúa ĐX

LUAGAO - Cho đến tuần đầu tháng 1/2012, ĐBSCL vẫn còn một vài địa phương chưa gieo sạ xong vụ lúa ĐX. Phần lớn diện tích đất lúa chậm trễ gieo sạ thuộc vùng chân ruộng sâu, hạ tầng thủy lợi không đảm bảo chủ động bơm tát.

Theo dự đoán ban đầu của Sở NN-PTNT các tỉnh trong vùng, ảnh hưởng lũ năm 2011 khá lớn, nước rút chậm và tác động triều cường biển Đông nên lúa vụ ĐX xuống giống trễ hơn lịch thời vụ. Tại Cần Thơ, đến cuối tháng 12/2011, nông dân mới gieo sạ khoảng 88.000 ha. Đợt gieo sạ sớm tại vùng thủy lợi chủ động nguồn nước, đến nay lúa đã gần 2 tháng tuổi. Ước có khoảng 60.000 ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và khoảng 2.000 ha làm đòng.

Để đề phòng dịch bệnh hại lúa xảy ra ngày giáp tết, Sở NN-PTNT Cần Thơ triển khai phân công cán bộ nông nghiệp, trạm BVTV các quận huyện trực, theo dõi tình hình sâu bệnh và khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: Theo kế hoạch vụ lúa ĐX, ĐBSCL trồng 1.550.000 ha, đến ngày 10/1/2012 tiến độ xuống giống đạt hơn 95%, còn hơn 60.000 ha vẫn tiếp tục xuống giống. Các địa phương khuyến cáo lịch xuống giống lúa ĐX sớm bắt đầu từ đầu tháng 10/2011, vào tháng 11 tập trung gieo sạ cao điểm đồng loạt và đến đầu tháng 12 kết thúc.

Tuy nhiên vụ lúa ĐX năm nay nước lũ rút chậm, nhiều vùng nội đồng nước còn ngập sâu, đến tháng 11/2011 tiến độ xuống giống chỉ đạt 50%, phần diện tích còn lại gieo sạ trong tháng 12/2011 và dự tính trễ lắm đến đầu tháng 1/2012 xuống giống dứt điểm.

Việc xuống giống chậm trễ khiến ngành nông nghiệp các tỉnh lo lắng. Nông dân canh tác ở những vùng lúa xuống giống chậm có thể phải đối phó với hạn, mặn xâm nhập giai đoạn cuối vụ; ảnh hưởng tới bố trí lịch thời vụ cho vụ HT, lúa vụ 3 trong năm.

Thế nhưng mùa lũ cũng đem lại lợi ích cho vùng đất lúa hai bên sông Tiền, sông Hậu. Lũ mang phù sa màu mỡ tưới tắm đồng ruộng nên lúa phát triển tốt. Ngành nông nghiệp một số địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng hạn chế các loại phân đạm, chỉ bón ở mức hợp lý và không nên lạm dụng chất kích thích, phân bón lá.

Thời tiết những ngày cận tết se lạnh, một số nơi có sương sớm buổi sáng dễ gây bệnh đạo ôn, cháy bìa lá. Hiện nay bệnh đạo ôn lá xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trong vùng với diện tích nhiễm là 22.720 ha, giảm 14.752 ha so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến 5-10%, nơi cao trên 20%. Các tỉnh xuất hiện bệnh đạo ôn lá phổ biến như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Bạc Liêu…

Về bệnh đạo ôn cổ bông, có 8.653 ha nhiễm bệnh, giảm 748 ha so cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến 5-10%, nơi cao tỷ lệ trên 20%. Bệnh này xuất hiện ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh…

Bệnh ốc bươu vàng tưởng chừng sau lũ lớn về sẽ sinh sôi nhiều, nhưng đến nay chỉ có 20.665 ha nhiễm ốc bươu vàng, giảm 14.257 ha so với cùng kỳ năm trước, với mật số phổ biến 2-4 con/m2, nơi cao trên 6 con/m2 (500 ha). Ốc bươu vàng xuất hiện và gây hại phổ biến ở các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang… Bên cạnh đó, bệnh sâu cuốn lá nhỏ có 11.650 ha bị nhiễm, giảm 7.082 so với cùng kỳ năm trước, mật số phổ biến từ 10-20 con/m2, nơi cao trên 40 con/m2 (100 ha).

Các tỉnh xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ là Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu… Ngoài ra, một số đối tượng dich hại khác như bệnh bạc lá (9.126 ha), bệnh đốm vằn (6.458 ha), bệnh lem lép hạt (5.354 ha), chuột (4.660 ha), sâu đục thân (2.687 ha).

Ông Trần Ngọc Thể, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết: Tổng diện tích lúa ĐX bị nhiễm các loại dịch hại trên 8.700 ha, tăng 3.394 ha. Trong đó 4.325 ha nhiễm rầy nâu, 2.479 ha nhiễm bệnh đạo ôn, 1.169 ha bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại và một số sâu bệnh khác.

Dự báo trước Tết Nguyên đán còn một đợt rầy nở, do đó bà con nông dân cần cảnh giác, đề phòng sâu rầy tấn công trên diện rộng. Mặt khác, thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển mạnh và gây hại trà lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Vì vậy khi phát hiện trên đồng ruộng có vết chấm kim, bà con nên sử dụng các loại thuốc đặc trị đạo ôn để phòng trừ. Ngoài ra, trà lúa ĐX đã xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên giống lúa IR 50404 làm 43 ha nhiễm bệnh.

Ở Vĩnh Long rầy nâu đã xuất hiện nhưng mật độ còn trong vòng kiểm soát, trong khi đó bệnh đạo ôn đang có chiều hướng tăng. Hiện tại, đã có trên 1.044 ha lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ tại các huyện Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn và Vũng Liêm bi bệnh đạo ôn với tỷ lệ từ 6-14%. Bệnh đang tiếp tục phát sinh và gây hại trên trà lúa gieo trồng giống nhiễm, sạ dầy, bón thừa phân đạm.

Chi cục BVTV Vĩnh Long khuyến cáo nông dân bám sát đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh để phòng trị kịp thời. Khi bệnh chớm xuất hiện có thể sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị phun xịt theo “4 đúng”. Bệnh đạo ôn trên bông có thể phòng ngừa bằng cách xử lý thuốc đặc trị trước và sau trổ 7 ngày. Mặt khác cần bón phân cân đối giúp cây lúa khỏe, tăng cường bón phân kali cho lúa cứng cây, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết. Hạn chế tối đa việc phun các loại thuốc gốc lân hữu cơ phổ rộng hoặc thuốc có gốc cúc tổng hợp trừ sâu ăn lá, để bảo tồn thiên địch. Tùy theo sự xuất hiện và gây hại của từng đối tượng mà có biện pháp xử lý phù hợp. Các trạm BVTV phải theo dõi tình hình dịch bệnh và báo cáo trước 14 giờ hàng ngày về Chi cục, Sở NN- PTNT, Trung tâm BVTV phía Nam và Cục BVTV, Cục Trồng trọt.

Cục BVTV cảnh báo hiện nay trong toàn vùng ĐBSCL có 41.881 ha lúa bị nhiễm rầy, tăng 10.094 ha so với cùng kỳ năm trước, với mật độ trung bình 1.000-2.000 con/m2, nơi cao trên 3.000-6.000/m2 (khoảng 4.899 ha). Rầy nâu xuất hiện tập trung ở Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long. Bệnh VL, LXL trong vùng cao điểm có 48,5 ha bị nhiễm, tăng 48,5 ha so với cùng kỳ, chủ yếu ở Hậu Giang, Đồng Tháp.

Tại Đồng Tháp, rầy nâu đã xuất hiện và gây hại 707,5 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ và hiện đã có 15 ha nhiễm nặng, mật độ 3.000- 5.000 con/m2; 114 ha nhiễn trung bình, mật độ 1.500 - 3.000 con/m2, còn lại nhiễm nhẹ. Ngoài ra, bệnh đạo ôn trên lá đã gây hại 3.425 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng; trong đó có 10 ha nhiễm trung bình. Bệnh VL-LXL đã xuất hiện và gây hại rải rác. Ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo không phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày sau sạ nhằm hạn chế ảnh hưởng thiên địch, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết: Trong những ngày nghỉ tết bệnh đạo ôn có khả năng phát triển và giống IR 50504 là dễ nhiễm nhất. Chính vì vậy đối với những trá lúa trên những cánh đồng xả lũ cần bón phân cân đối, tránh để dư đạm. Vụ ĐX 2011- 2012 xuống giống trễ hơn 15- 20 ngày so với cùng kỳ năm trước nên trà lúa làm đòng và trổ rơi vào những ngày tết.

Hiện nay, bên cạnh công tác phòng chống dịch hại, Sở NN-PTNT các tỉnh trong vùng cho biết đang chuẩn bị khắc phục hiện tượng thiếu nước, xâm nhập mặn cuối vụ ĐX 2011-2012 và đầu vụ HT sớm 2012 ở các huyện thuộc vùng ven biển; đồng thời khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên phát hiện và quản lý kịp thời các đối tượng rầy phấn trắng, nhện gié, muỗi gây lá hành, đạo ôn cổ bông. Với diễn biến thời tiết khá thuận lợi và hoạt động kiểm soát phòng chống dịch hại tốt, kỳ vọng vụ lúa ĐX tiếp tục thắng lợi lớn.

Ông Phạm Văn Quỳnh (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ: Không chủ quan, lơ là

Đến thời điểm này diện tích xuống giống vụ lúa ĐX ở Cần Thơ là 88.000 ha, đạt 100% kế hoạch. Mặc dù năm nay đất được tăng lượng phù sa do lũ lớn, giúp lúa phát triển nhanh, tốt nhưng cũng rất dễ tạo cơ hội cho sâu bệnh và rầy nâu tấn công trong những ngày tết.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân, trong những ngày vui xuân đón tết không nên lơ là thăm đồng ruộng để đảm bảo thắng lợi vụ lúa ĐX. Qua tết, Cần Thơ sẽ thu hoạch khoảng 1.000 ha lúa ĐX sớm. Hiện nay, giá lúa trên 5.000 đ/kg, đảm bảo nông dân có thể lãi trên 30%. Hy vọng đầu năm mới Nhâm Thìn giá lúa tăng cao hơn.

Ông Đoàn Chí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Phòng ngừa là chính

Vụ lúa ĐX năm nay lịch xuống giống có trễ hơn so với các năm, nhưng đến thời điểm này tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống hoàn tất (trên 207.500 ha). Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn nên bị thiệt hại nhiều do lũ nhưng bù lại lũ cũng giúp bà con nông dân giảm được chi phí phân bón rất lớn trong vụ ĐX này.

Năm nay lịch nghỉ tết khá dài so với mọi năm. Chúng tôi luôn khuyến cáo bà con nông dân không được chủ quan trong những ngày tết. Trong chăm sóc lúa phải giảm bón phân đạm. Nếu bón thừa đạm sẽ dẫn đến cây đổ ngã, năng suất kém. Thông thường hàng năm vụ lúa ĐX có đợt rầy nâu bùng phát, nếu không kịp thời phát hiện ngăn chặn sẽ dễ bị cháy rầy. Chính vì vậy biện pháp phòng ngừa được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Đồng (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Coi chừng rầy nâu

Đến thời điểm này nông dân Hậu Giang đã hoàn thành việc xuống giống 77.000 ha lúa ĐX theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số diện tích nhỏ lẻ, điều kiện khó khăn không thể xuống giống tập trung theo lịch thời vụ, nông dân đang tiếp tục gieo sạ, nhiều khả năng diện tích lúa ĐX 2011-2012 của tỉnh sẽ đạt 80.000 ha. Nhìn chung, trà lúa gieo sạ tâp trung trong tháng 11 và 12 hiện đang phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, bà con đang tích cực chăm bón để ra giêng sẽ có vụ mùa bội thu.

Về tình hình dịch bệnh trên lúa, tới thời điểm này đã phát hiện 43 ha lúa bị bệnh VL-LXL, chủ yếu ở giống IR 50404, với mức độ gây hại từ 5-10%, tập trung ở TP Vị Thanh. Ngành đã hướng dẫn bà con cách xử lý để tránh lây lan. Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 ha lúa bị nhiễm rầy với mật độ trung bình. Năm nay thời gian nghỉ tết dài nên ngành khuyến cáo bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng, để kịp thời phát hiện và phun thuốc phòng trừ. Riêng đối với các ngành chuyên môn như BVTV, Thú y… chúng tôi chỉ đạo phải phân công người túc trực 24/24 để nắm bắt tình hình dịch hại trên địa bàn, khuyến cáo, hướng dẫn bà con cách xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang: Dịch bệnh rất dễ xảy ra

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong dịp Tết Nguyên đán sẽ có đợt thời tiết lạnh kéo dài, đây sẽ là cơ hội tốt để một số dịch bệnh trên lúa bùng phát mạnh như: đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Trong khi đó, tết năm nay thời gian nghỉ dài, nông dân thường ít đi thăm đồng vào những ngày này nên nguy cơ dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Vì vậy, ngành khuyến cáo nông dân phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm dịch bệnh và phòng trị kịp thời. Nếu ruộng lúa đã nhiễm hai loại bệnh nói trên thì phải ngưng ngay việc bón phân đạm, bơm nước trên ruộng đầy đủ theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa và chọn các loại thuốc đặc trị để phun xịt. Đối với các giống lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông cần chủ động phun thuốc vào giai đoạn trước và sau khi trổ để phòng ngừa. Trong suốt thời gian nghỉ tết, Chi cục sẽ phân công cán bộ theo dõi, điều tra sâu bệnh trên đồng ruộng định kỳ để kịp thời xử lý.

Đ.T.Chánh - L.H.Vũ

Theo: Báo NNVN

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Quản lý chồi hữu hiệu cho lúa Đông Xuân

LUAGAO - (Diễn giả: PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ - ĐH Cần Thơ; ThS Phan Văn Tâm, Cty CP Phân bón Bình Điền, KS Lê Thị Thủy, Chi cục BVTV Đồng Tháp)

SẠ DÀY HAY SẠ THƯA?

Một số nông dân băn khoăn đặt câu hỏi: Xưa cha ông nói “Cấy thưa thừa thóc, cấy dày thì cóc được ăn”. Trong điều kiện sản xuất ngày nay câu nói trên liệu còn đúng? Đúng trong điều kiện nào?

Theo các nhà khoa học, "ba giảm ba tăng" là một tiến bộ kỹ thuật của Bộ NN-PTNT mới được đưa ra áp dụng đại trà hơn 10 năm nay. Trong 3 giảm thì giảm đầu tiên là giảm lượng lúa giống gieo sạ. Trước đây người dân ĐBSCL có thói quen sạ dày, lên đến 200, thậm chí 250 kg lúa giống/ha. Khuyến cáo mới trong 3 giảm 3 tăng là chỉ cần sạ 80 – 100 kg giống, nếu vụng thì cũng không nên quá 120 kg. Sau hơn 10 năm chuyển giao, diện tích áp dụng 3 giảm 3 tăng hiện đã lên tới khoảng 600.000 – 700.000 ha. Tuy nhiên nhiều nông dân vẫn phớt lờ, trong đó có không ít là nông dân sản xuất giỏi.

Lý luận của những nông vẫn sạ dày là họ không cần lúa đẻ nhánh, mỗi hạt lúa giống chỉ cần 1 cây cho 1 bông, bông đó vừa to vừa dài hơn là bông của nhánh nên sẽ hiệu quả hơn, còn bông của nhánh do có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên bông sẽ kém to, kém dài, lép nhiều.

Theo tính toán, để đạt năng suất khoảng 7-8 tấn/ha (năng suất này đã phát huy hết tiềm năng của giống) với lúa vụ đông xuân cần 600 bông cho mỗi m2, vụ hè thu cần 500 bông/m2. Một thực nghiệm cho thấy giai đạn lúa từ 30-40 ngày thì mỗi m2 có trên 1.000 cây và nhánh nhưng đến khi trổ đòng chỉ còn lại 600 do lúa tự hủy bớt chồi. Nếu sạ 100 kg giống/ha, thì mỗi m2 có 400 hạt, nếu sạ 150 kg giống thì mỗi m2 có 600 hạt, nếu sạ 200 kg thì có 800 hạt. Tỷ lệ nảy mầm của giống đạt bình quân 85%.

Như vậy, nếu không cho lúa đẻ nhánh thì việc sạ dày với lượng giống từ 175 – 200 kg/ha là hợp lý. Tuy nhiên việc để mật độ lúa dày xúm xít ngay từ đầu thì có 2 trở ngại, một là mặt ruộng quá rậm rạp (mỗi cây có 6 lá) nên sẽ có nhiều sâu bệnh, hai là rất tốn phân vì phải nuôi nhiều chồi vô hiệu (vì lúa vẫn đẻ nhánh nhưng sau nhánh con mới tự chết đi). Qua nhiều so sánh thực nghiệm, ở nhiều vùng, quốc gia khác nhau, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI mới kết luận rằng: Với giống lúa ngắn ngày, hiệu quả nhất là mỗi cây lúa lấy một bông chính và 2 bông nhánh và mật độ sạ từ 80 – 100 kg giống/ha sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

QUẢN LÝ CHỒI HỮU HIỆU

Cây lúa sẽ bắt đầu đẻ nhánh (ra ngạnh trê) khi được 5-6 lá, cứ 3 ngày thì ra một lá, ứng với 18-20 ngày sau sạ. Khi mới đẻ, thì cây mẹ phải nuôi nhánh nên cần phải bón phân lần 1 kịp thời vì nếu thiếu dinh dưỡng thì nhánh sẽ bị yếu ớt sau này không đạt năng suất. Thuật ngữ bón thúc đẻ nhánh là không chính xác vì dù muốn hay không thì lúa đã đẻ nên cần đổi lại là Bón nuôi nhánh.

Trên thực tế, việc một số nông dân vẫn duy trì sạ dày còn do yếu tố khách quan, đó là những ruộng không có mặt bằng tốt và có khi còn bị ốc bươu vàng tấn công. Bởi vậy cũng không nên cứng nhắc là đâu đâu cũng phải sạ 80-100 kg giống/ha mà còn phải tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể sao cho đến khi lúa trổ thì phải đạt 600 cây/m2 với vụ đông xuân và 500 cây/m2 với vụ hè thu.

Nếu để lúa đẻ nhánh nhiều, đẻ lai rai thì năng suất sẽ không đạt, bởi vậy điều cần thiết là phải biết quản lý sao cho mỗi cây lúa có 2 chồi mạnh khỏe. Để hạn chế việc lúa đẻ lai rai, ngoài đặc tính giống cần phải bón phân nuôi chồi đúng thời điểm và bón cân đối cả đạm, lân và kali. Việc dư thừa phân đạm trong giai đoạn này sẽ mang đến hiện tượng lúa đẻ lai rai và sinh ra nhiều chồi vô hiệu.

Việc sử dụng nước ngập để ngăn ngừa lúa đẻ nhánh nhiều lai rai cũng là một giải pháp, nhưng trên thực tế giải pháp này không có tính khả thi vì muốn hạn chế lúa đẻ thì độ ngập nước phải từ 30 cm trở lên. Tuy nhiên, bà con nông dân hãy yên tâm vì khi lai tạo giống, các nhà khoa học đã đưa tiêu chí đẻ ít vào mục tiêu của lai tạo nên các giống lúa được phổ biến hiện nay đều không có khả năng đẻ nhiều. Cũng từ thực nghiệm, các nhà khoa học mới khuyến cáo là sau khi đẻ nhánh cần giảm dần mực nước để cho rễ lúa có điều kiện phát triển, ăn sâu và vững chắc.

Sạ với mật độ 80-100 kg giống/ha là lý tưởng cho việc tạo tiền đề cho năng suất cao và giảm chi phí. Muốn vậy phải có sự chuẩn bị chu đáo là trang bằng mặt ruộng, phòng trừ OBV, chọn giống, cảnh giác với ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra còn phải chú ý đến dinh dưỡng. Bà con ĐBSCL không có tập quán bón lót nên việc bón phân đợt 1 (7-10 ngày sau sạ) và bón phân đợt 2 (18-20 ngày sau sạ) là cực kỳ quan trọng.

Cả 2 lần bón này đều có yêu cầu bón vừa đủ và cân đối tỷ lệ NPK, trong đó nhu cầu về N là khá cao. Việc sử dụng phân bón chuyên dùng cho giai đoạn này tỏ ra thuận tiện và hiệu quả. Sản phẩm NPK Agrotain + TE Lúa 1 của Bình Điền được nông dân tin dùng bởi nó đáp ứng được nhu cầu tăng năng suất, giảm chi phí nhờ vào việc nuôi chồi lúa khỏe mạnh ngay từ đầu.

Theo: Báo NN Việt Nam