Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Làm giàu nhờ nuôi heo 
Anh Lữ Xuân Thanh- Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn đưa chúng tôi đi tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ấn tượng để lại với tôi nhiều nhất là trong khi tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp ở khắp nơi nhưng nhiều năm qua trại heo anh Nguyễn Hoài ở xóm Bầu Chuốc, thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn cứ làm nên ăn ra.
(Trại nuôi heo anh Hoài)      
Hai năm qua, nơi đây trở thành “điểm đến” của nhiều nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Hẳn ai đã đến đều trằm trồ khen ngợi cái chàng trai chưa đầy 40 tuổi với cách làm ăn đầy năng động, tự tin này.
       Trao đổi với chúng tôi, anh Hoài bộc bạch: Nhờ có được kiến thức từ Trường Trung cấp chăn nuôi thú y,với quyết tâm phấn đấu để phát triển kinh tế hộ gia đình, từ năm 2001 tôi đã mạnh dạng đầu từ chăn nuôi heo. Theo anh Hoài, địa phương có Khu kinh tế Dung Quất đang thu hút ngày càng đông lao động, tất sẽ đòi hỏi lượng thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày rất lớn. Thịt heo là loại thực phẩm thông dụng, do vậy phải đầu tư nuôi tập trung theo qui mô lớn mới đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và xã hội.
        Trong 2 năm 2005-2006, anh Hoài đã đầu tư trên 30 triệu đồng để xây dựng 10 ô chuồng theo kiểu công nghiệp hiện đại, bằng thanh nhôm, có máng chứa thức ăn nước uống tự động, mỗi ô có diện tích 10m2. Mỗi năm anh thả nuôi 3 lứa heo thịt, mỗi lứa khoảng 100 con, với giống heo hướng nạt được mua từ trại heo giống có uy tín tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2007, anh đầu tư mở rộng thêm 110m2 diện tích chuồng nuôi heo sinh sản với giá 35 triệu đồng, trong đó có 6 chuồng đẻ và 16 chuồng mang thai, thả được 21 con heo sinh sản và 01 đực giống. Năm 2008, mở rộng thêm 55m2 diện tích chuồng với giá gần 20 triệu đồng, trong đó có 3 chuồng đẻ và 8 chuồng mang thai. Hệ thống chuồng trại tôi là mô hình chăn nuôi khép kín nên anh đã đầu tư xây dựng hầm biôgas với diện tích hầm 36 khối và hệ thống phun sương với 20 béc với giá 40 triệu đồng. Trong những tháng thời tiết nắng nóng, thường xuyên cúp điện, anh Hoài đã đầu tư một hầm chứa khí với dung tích 10m khối để phục vụ cho việc chạy máy phát điện từ hầm biôgas với giá trên 15 triệu đồng. Đầu tư và thuê mặt bằng, làm trại,...đến nay khoản 120 triệu đồng. Tổng chi phí chuồng, trại và các khoản khác đến nay khoản 250 triệu đồng. Hiện tại tổng diện tích chuồng nuôi gần 300m2, phía trên là chuồng nuôi heo, phía dưới là hệ thống hầm biôgas, trên là hệ thống phun sương nên chuồng trại luôn thoáng mát, sạch sẽ từ đó hạn chế tối đa dịch bệnh.
          Trang trại chăn nuôi heo của anh Hoài được hình thành và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phần nào đã thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương phát triển, nhiều mô hình chăn nuôi khác đã được hình thành góp phần tạo thu nhập cho hộ gia đình và giải quyết việc làm tại chỗ. Riêng trại chăn nuôi của gia đình tôi đã giải quyết từ 3 – 4 lao động thường xuyên, có thu nhập ổn định từ 2 – 2,5 triệu đồng/ người/tháng.
           Trong quá trình chăn nuôi heo, anh luôn tìm tòi học hỏi để áp dụng đúng KHKT vào chăn nuôi ngay từ khâu chuồng trại, đến con giống. Hiện tại, trại nuôi heo của anh tuy chưa phải là lớn, nhưng qui cách đúng như mẫu thiết kế chuồng hiện đại trong nước hiện nay như: chuồng heo hậu bị, chuồng đẻ, sàng cai sữa, hệ thống máng ăn, nước uống tự động, bể biôgas Composite, hệ thống phun sương làm mát và hệ thống phát điện bằng khí hầm biôgas. Hiện nay, trại anh Hoài có 32 heo sinh sản, 01 heo đực giống và 220 heo thịt.
         Chỉ tính riêng trong năm 2009, anh Hoài đã xuất bán ra thị trường trên 720 con heo, trong đó có 600 heo thịt, bình quân trọng lượng đạt 65-70kg/con, đưa lại lợi nhuận trên 270 triệu đồng. Năm 2010 này dự kiến xuất chuồng số heo giống và heo thịt cao hơn năm 2009, lợi nhuận trên 300 triệu đồng.  Anh Hoài cho biết: Qua 4 năm chăn nuôi và buôn bán lợi nhuận thu về gần 800 triệu đồng, khoản lợi nhuận thu được tôi đã khấu hao tài sản gồm, chuồng, trại và tiền đầu tư ban đầu để mua con giống, tiền thuê mặt bằng...khoản lợi nhuận còn lại khoản 450 triệu đồng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng trại chăn nuôi tại chổ với qui mô lớn hơn, mặt khác tôi đã đầu tư mua 2 ha đất tại Bình Nguyên để mở rộng chăn nuôi với qui mô lớn hơn và đa dạng con vật  nuôi, kết hợp với trồng trọt. Trong tương lai, đây sẽ là một trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.
       Ngoài ra, bản thân anh thường xuyên tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi, thiết kế chuồng trại, hệ thống nước, hầm biôgas, lắp ráp máng ăn, núm uống tự động, tư vấn về khẩu phần ăn, lịch tiêm phòng,... cho rất nhiều hộ chăn nuôi khác trong và ngoài xã.
      Anh Hoài tâm sự: “Được Nhà nước quan tâm đến phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại. Được địa phương xã Bình Chánh quan tâm tạo điều kiện về mặt bằng để xây dựng chuồng trại. Bản thân tôi được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật về chăn nuôi. Gia đình có cửa hàng bán nhiều loại thức ăn gia súc nên thuận lợi trong việc lựa chọn thức ăn phù hợp với từng độ tuổi của heo để so sánh đối chứng từ đó rút ra kinh nghiệm”. Nhờ nuôi heo theo qui mô công nghiệp đã giúp anh trở thành triệu phú. Gia đình anh đã xây nhà cửa khang trang, có cuộc sống hạnh phúc. Qua các kết quả đạt được trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh trong những năm qua, bản thân anh vinh dự được cấp trên công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện năm 2006, cấp tỉnh năm 2007, cấp trung ương từ 2008 – 2010.

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Kỹ thuật xây dựng mô hình VAC
 1. Xác định kiểu vườn thích hợp
- Xác định vị trí của các thành phần trong hệ thống và phân bố đất đai cho quy hoạch tổng thể vườn.
- Chọn giống cây, con để nuôi trồng; khối lượng và chủng loại
- Cần có bản đồ thiết kế chi tiết về vườn cây, chuồng ao
- Xác định thời vụ gieo trồng, nuôi cá thích hợp
- Lập kế hoạch mua cây con giống, vật tư, dụng cụ cần thiết cho thiết kế xây dựng hệ thống
2. Xây dựng hệ thống đường xá và hang rào bảo vệ
Tuỳ thuộc vào quy mô vườn, khả năng cơ giới hoá, nhu cầu vận chuyển sản phẩm mà xây dựng hệ thống đường xá cho thích hợp. Nếu vườn rộng, có nhu cầu sử dụng cơ giới hóa thì cần có đường chính xuyên qua vừa đủ lớn cho xe cộ máy móc đi lại. Vườn có quy mô nhỏ thì cần đường nhỏ đủ để phương tiện cho việc đi lại và vận chuyển vật tư bằng xe thô sơ.
Hệ thống đường nối thông các khu sản xuất như vườn cây, ao cá, chuồng trại và nhà ở vừa tiện cho việc đi lại, vừa tiết kiệm đất. Hai bên đường có thể trồng rau, hoa hoặc cỏ cho vật nuôi và cá ở trong ao.
Hàng rào bảo vệ vườn có thể là cây cối, lưới sắt, tường xây tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể từng nơi. Hàng rào bằng tre, mây và các loại cây họ đậu… có tác dụng bảo vệ vườn, làm thức ăn cho gia súc, thu sản phẩm, ít phải đầu tư, loại hang rào này thích hợp cho vườn rộng.
3. Xây dựng ao
Kiểu và dạng ao phụ thuộc vào địa hình và quy mô sản xuất. Có thể là ao đơn hoặc một hệ thống ao nối liền nhau như: ao chuỗi, ao song song hoặc ao xen giữa các luống gọi là kênh ao.
Ao chuỗi: Thả cá ở các độ tuổi khác nhau. Nhược điểm của ao chuỗi là khi có dịch bệnh hoặc nước bị ô nhiễm nước chảy từ ao này sang ao khác.
Ao song song: mỗi ao nuôi cách biệt nhau, không sợ lây dịch bệnh, dễ kiểm tra, dễ xử lý hơn ao chuỗi.
Ao kênh: thích hợp cho cácloài cá ăn cây cỏ ở ven ao, trên luống ao hoặc thức ăn ở đáy ao.
Độ sâu: độ sâu mặt nước thường là 1- 1,5m.
Kích thước ao: tuỳ thuộc vào mục đích sản xuất, loại cá nuôi và quỹ đất sẵn có.
4. Xây dựng chuồng trại chăn nuôi
- Vị trí: chuồng trại chăn nuôi lợn, trâu bò, dê... nên đặt cách xa nhà để đảm bảo vệ sinh. Đối với gia cầm có thể nhốt ở cạnh nhà bếp nhưng phải dọn phân hang ngày. Chuồng trại có thể đặt cạnh ao, trên ao hoặc dưới tán cây trong vườn. Thiết kế chuồng trại cần chú ý chỗ ủ phân. Chuồng phải có máng ăn và chỗ đựng nước uống.
- Kích thước: phụ thuộc vào số lượng vật nuôi và giống.
5. Xây dựng vườn cây
Sau khi đã xây dựng cơ bản xong về chuồng trại, ao thì tiến hành xây dựng vườn cây, gồm các công việc sau:
- Phân chia lô thửa và vị trí trồng các loại cây trong vườn. Cây trong vườn chia thành cây hang năm và cây lâu năm.
Cây hàng năm có các loại rau ngắn ngày, cây gia vị, cây thuốc, cây thực phẩm, cây hoa.
Cây lâu năm chủ yếu là cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây cảnh.
- Kế hoạch trồng xen, gối các loài cây khác nhau trong vườn
- Lên luống, đào hố để trồng cây
- Chế độ canh tác từng loại cây trong vườn.

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Những lý do ngăn bạn làm giàu


Hẳn bạn vẫn nghĩ lý do duy nhất khiến bạn không trở thành tỉ phú vì bạn… không kiếm được nhiều tiền, không có tiền để khởi nghiệp. Thật buồn cười, nhưng thực tế, đối với hầu hết mọi người, thu nhập không phải là lý do chính quyết định họ có trở thành tỉ phú hay không.
Cách sử dụng đồng tiền trong cuộc sống hằng ngày mới là nguyên nhân chính. Và có đến 10 lý do ngăn cản con đường làm giàu của bạn đấy!
Quá quan tâm đến suy nghĩ của hàng xóm
Nhà hàng xóm mới sắm cái ti vi LCD vài chục triệu, thế là bạn cũng lùng sục bàn với chồng, nhất định cuối tuần phải rước cái LCD về đặt ở phòng khách? Sai lầm. Nếu bạn đang cạnh tranh với họ xem ai nhiều của cải hơn, bạn đang phí tiền mua những thứ xa xỉ thay vì nên tích trữ và tự làm giàu cho chính mình.
Không đủ kiên nhẫn
Hãy cảnh giác với những chiếc thẻ tín dụng. Chúng ra đời giúp bạn chi tiêu nhiều hơn số tiền thực có. Nhưng nếu bạn dùng thẻ tín dụng chỉ vì không thể chờ đến khi đủ tiền mua sắm, bạn đang làm giàu cho người khác và tự “chôn” mình dưới hố nợ.
Những thói quen xấu
Shopping, ăn tiêu xa xỉ, hút thuốc, uống rượu, mê đánh bạc… là những thói quen xấu làm thâm thủng ngân sách. Mức độ “tàn phá” của những thói quen tai hại này luôn vượt xa chi phí trước mắt. Như hút thuốc chẳng hạn, một điếu thuốc ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của bạn và kéo theo là sự sụt giảm khả năng kiếm tiền. Hay như “căn bệnh” nghiền shopping của giới chị em, chất một đống đồ trong tủ cho thoả cơn nghiền, không những làm hao ngân sách mà còn tốn thời gian cho những kế hoạch và mục tiêu làm giàu của bạn.
Không có mục tiêu sống
Nếu không có mục tiêu làm giàu , bạn sẽ không có cơ hội làm giàu. Làm giàu không đơn giản là chỉ suy nghĩ hoặc nói to: “Tôi muốn thành tỉ phú”. Bạn nên dành chút thời gian để lên kế hoạch đầu tư hằng năm cũng như phương hướng thực hiện những dự tính của mình.
“Thống kê cho thấy nguy cơ bị sét đánh cao gấp nhiều lần cơ hội trúng số. Tham vọng làm giàu nhanh chóng có thể đẩy bạn vào tình huống ngược lại!”
Chưa chuẩn bị tốt
Những chuyện tồi tệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu chưa chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất bằng cách mua bảo hiểm thích hợp, sự giàu có bạn dày công xây dựng có thể đội nón ra đi.
Quá nóng vội
Sự giàu có không từ trên trời rơi xuống. Đừng nghĩ rằng trúng số là điều dễ xảy ra! Thống kê cho thấy nguy cơ bị sét đánh cao gấp nhiều lần cơ hội trúng số. Tham vọng làm giàu nhanh chóng có thể đẩy bạn vào tình huống ngược lại!
Dựa dẫm người khác
Không ít người cho rằng mình ít kiến thức về đầu tư nên luôn nghe theo chỉ dẫn của người khác. Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Ai cũng muốn kiếm thật nhiều tiền và kế hoạch họ vạch ra cho bạn có thể mang lợi cho họ nhiều hơn. Bạn có thể tham khảo những lời khuyên, những ý tưởng mới nhưng hãy là người quyết định cuối cùng việc đầu tư của chính mình!
Đứng núi này trông núi nọ
Nghe người khác kể chuyện họ đầu tư kiếm được nhiều tiền, bạn lập tức lao theo. Nên nhớ rằng họ đầu tư thành công vì họ hiểu rõ lĩnh vực ấy và biết cách đầu tư hiệu quả. Quăng tiền vào những nơi mà chính bạn không hiểu làm thế nào để kiếm tiền thì cũng như quăng tiền ra cửa sổ.
Luôn e sợ
Bạn sợ rủi ro nên khư khư giữ tiền trong ngân hàng. Nhưng đừng quên rằng đồng tiền mất giá từng ngày, lạm phát chỉ có tăng chứ không bao giờ giảm. Sợ mất tiền có thể khiến bạn nghèo đi trông thấy.
Bỏ lơ tài chính
Một sai lầm rất phổ biến là tự cho mình đã kiếm đủ và tài chính sẽ tự sinh sôi. Làm giàu phải được vạch kế hoạch cụ thể và không xảy ra một cách thần kỳ với bất cứ ai.

Làm giàu từ nuôi cá lóc

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá lóc đang được nhiều nông dân ở xã Đức Lân (Mộ Đức) quan tâm. Một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn nhà sang xây hồ nuôi cá, vì nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ổn định đời sống.


Quảng Ngãi - Người Quảng Ngãi
Mô hình nuôi cá lóc của gia đình anh Lê Hoàng (Đức Lân, Mộ Đức).

Trước đây gia đình anh Nguyễn Đức Út ở thôn Thạch Trụ Đông (Đức Lân) chủ yếu làm ruộng và chăn nuôi gia cầm, nhưng thu nhập không ổn định. Vì vậy, anh Út suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Sau khi tham quan nhiều nơi nuôi trồng, anh Nguyễn Đức Út thấy nuôi cá lóc có thể thích hợp với điều kiện gia đình (từ giống, thức ăn, quy trình nuôi đều dễ áp dụng) nên năm 2006 anh Út nuôi thử nghiệm 1.000 con cá lóc trên diện tích hồ 15m2. Sau khoảng 4 – 5 tháng, anh thu hoạch lứa đầu tiên, thu lãi gần 15 triệu đồng.

Thấy hiệu quả anh Út mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi. Đến nay gia đình anh Út đã phát triển được 4 hồ nuôi cá lóc. Mỗi hồ nuôi rộng khoảng 15 m2 xây bằng xi măng. Một hồ nuôi anh thả từ 1.500 - 2.000 nghìn con giống và nuôi theo phương thức gối đầu. Hiện tại ở 4 hồ có 3 lứa cá (lứa vừa thả giống nửa tháng, có lứa đã bước sang tháng thứ 3, có lứa chuẩn bị thu hoạch). Theo anh Út để đảm bảo tỷ lệ cá sống cao, nâng cao năng suất và chất lượng cá cần chú ý từ khâu chọn giống, mật độ thả nuôi, khẩu phần thức ăn trong từng giai đoạn phát triển của cá...

Đồng thời trong quá trình nuôi, định kỳ phân loại cỡ cá để tránh hao hụt. Đặc biệt là phải thường xuyên thay nước hồ nuôi (2 ngày/lần) để phòng tránh dịch bệnh. Nguồn thức ăn chính của cá lóc cũng rất dễ tìm, chủ yếu là cá tạp, cá vụn, cua, ốc… xay nhuyễn, có thể tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ. Nhờ nuôi cá lóc nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định, mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng chục triệu đồng.

Anh Út tâm sự: Mô hình này có nhiều thuận lợi (diện tích nhỏ, tận dụng được lao động dư thừa. Chi phí đầu tư nuôi cá lóc không nhiều, đầu tư ao nuôi đơn giản, chỉ khoảng 1 triệu đồng là có thể làm được một hồ nuôi (diện tích 15m2), nguồn nước nuôi ít, thời gian nuôi ngắn). Mỗi gia đình có thể nuôi nhiều hồ cùng lúc. Cá lóc là loại cá ăn tạp, ít dịch bệnh, dễ nuôi và các quy trình kỹ thuật cũng đơn giản... phù hợp với nhiều điều kiện kinh tế khác nhau.

Thấy được hiệu quả của mô hình nuôi cá lóc, nhiều hộ nông dân ở xã Đức Lân đã mạnh dạn đầu tư nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như anh Lê Hoàng, ở thôn Thạch Trụ Đông. đầu năm 2010 anh đầu tư xây dựng 4 hồ nuôi cá, mỗi hồ 15m2. Trong lứa nuôi đầu tiên anh thả nuôi 4.000 con cá lóc giống, sau 3 tháng nuôi, anh thu lãi trên 20 triệu đồng. Sau lứa nuôi đầu tiên có lãi, anh Hoàng tiếp tục thả nuôi 7.000 con giống, hiện cá đang trong giai đoạn phát triển tốt. Anh Hoàng cho biết: Thị trường tiêu thụ cá lóc cũng ổn định, dễ tiêu thụ, mỗi khi có cá xuất bán anh chỉ thông tin bằng điện thoại là có xe đến thu mua.

Ông Nguyễn Ngọc Tư- Chủ tịch Hội nông dân xã Đức Lân cho biết: Hiện toàn xã Đức Lân có trên 10 hộ gia đình nuôi cá lóc. Với mô hình này sau vài tháng thả nuôi, mỗi hộ có thể thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhờ nuôi cá lóc mà nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu, góp phần giúp cho chính quyền địa phương có được định hướng cụ thể hiệu quả trong việc xoá đói giảm nghèo cho nông dân.