Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Những Người Con Xa Xứ - 31/31

Phóng sự đặc biệt - Những Người Con Xa Xứ

 Phóng sự dài 31 tập, phản ánh cuộc sống của hai đối tượng người Việt chiếm đại đa số tại Hàn Quốc: cô dâu và người lao động. Ðây được xem là loạt phóng sự truyền hình đầu tiên ghi nhận một cách chi tiết về người Việt Nam ở Hàn Quốc. 
Tiếng cười chua chát, tiếng nấc nghẹn ngào
Ngay tại sân bay Incheon, Hàn Quốc, đập vào mắt người xem là hình ảnh những cô dâu Việt lớ ngớ chạy tới chạy lui, trong tay chỉ có duy nhất số điện thoại của chồng (nhưng không thể gọi được vì không biết tiếng Hàn Quốc), trong ánh mắt lộ rõ nét sợ hãi, hoang mang, lo lắng. Nhưng đó chỉ là "bài học đầu tiên" mà hàng chục ngàn cô dâu Việt đều đã/đang/sẽ trải qua một khi cất bước sang Hàn Quốc.

15 tập đầu là câu chuyện "thực tế nhiều phũ phàng", ghi nhận một cách sinh động đời sống và số phận của nhiều cô dâu Việt gần như trên khắp đất nước Hàn Quốc, từ những đô thị sầm uất cho tới vùng nông thôn, vùng núi cao hẻo lánh. Hàng chục cô dâu Việt xuất hiện trong phim có thể gọi là những "anh hùng" khi họ dám công khai nói lên những điều tế nhị nhất, nhạy cảm nhất mà mình phải gánh chịu.

Những mâu thuẫn gay gắt đến nỗi phải bỏ chạy khỏi nhà chồng của Thơm, của Hiền (tập Chạy trốn định mệnh), chuyện bất chấp cuộc sống "đồng sàng dị mộng" với chồng chỉ để con cái được đủ đầy của Thy, của chị Hoa (tập Sống vì con), hay cuộc vật lộn giữa miền tuyết trắng (tập Tương lai không hình hài) của chị Mềm chỉ để tồn tại và mưu sinh... đều khiến người xem đau xót.

Phóng sự còn dẫn dắt người xem "đột nhập" những địa điểm "nhạy cảm" như các công ty môi giới hôn nhân (vốn hoạt động hợp pháp tại Hàn Quốc) để tận mắt ghi hình chuyện lách luật của các ông chủ hám tiền (tập "Chợ tình" Seoul); hoặc vào bệnh viện và các nhà tạm lánh (những địa chỉ bí mật, được xem là nơi bất khả xâm phạm) để gặp gỡ những nạn nhân của nạn bạo lực gia đình (tập Nỗi đau bạo hành).

Thực tế phũ phàng đến từ tiếng cười chua chát như thể "chính mình lừa mình, chính mình tát mình" của cô dâu Vân (tập Vỡ mộng nơi xứ người) khi biết ước mơ đã sụp đổ ngay ngày đầu tiên đặt chân về nhà chồng ở một miền quê hẻo lánh; từ cảnh bồng con đi trong giá rét của Liên - người đã khai man tuổi từ 16 lên 18 để lấy chồng, bị nhà chồng chối bỏ khi bụng mang dạ chửa, phải sống và sinh con trong nhà tạm lánh (tập Nơi dang rộng vòng tay), hay tiếng nấc nghẹn ngào của Thắm khi nhớ lại chuyện bị mẹ chồng lột quần áo giữa trời đông vì "tội" không đáp ứng đòi hỏi quan hệ tình dục quá mức của chồng trong lúc mang thai...
Nhưng bên cạnh những thước phim đầy những hình ảnh ngậm ngùi, vẫn có những câu chuyện hạnh phúc, những cô dâu vượt lên số phận, bắt đầu khẳng định "tôi là người Việt Nam" trong cộng đồng người bản xứ, như cô dâu Chinh đang thi tuyển làm cảnh sát, chị Nên - chủ nhà hàng Quê Hương ở Ansan, chị Thư, chị Lan đều là những công dân ưu tú tại Hàn Quốc... Ðó cũng là một chút ấm áp tìm thấy ở Những người con xa xứ.
Những cuộc đánh đổi ở "thiên đường việc làm"

Bốn tập phim về thế hệ con lai Hàn - Việt dù chỉ là một vệt ngắn trong loạt phóng sự nhưng đọng lại nhiều ưu tư cho người xem. Bởi lẽ trẻ con vốn vô tội, nhưng chúng đang nhận lãnh hậu quả của người lớn khi sinh ra từ những mối tình chắp vá vội vã, gia đình có nhiều bất đồng văn hóa, ly tán, mẹ không nói được tiếng cha, ít nhiều bị kỳ thị trong xã hội... Ðó còn là những đứa con của người lao động bất hợp pháp, gửi về VN không được mà ở lại cũng không xong. Các em bị "mắc kẹt" ở Hàn Quốc và trở thành "những đứa trẻ vô thừa nhận".

Một mảng lớn khác mà phóng sự đề cập là lao động VN trong hành trình xa xứ mưu sinh, cũng là những thước phim cô đọng, cung cấp cho người xem cái nhìn toàn cảnh về một thế giới rộng lớn và đầy đủ về cuộc sống của lao động Việt tại Hàn Quốc. Qua các tập Bấp bênh phận bất hợp pháp, Nông dân Việt trên đất Hàn Quốc, Vượt sóng mưu sinh, Ðời viễn xứ..., sự thật về "thiên đường việc làm" được phơi bày. Ðồng lương 1.000-2.000 USD/tháng là cuộc đánh đổi đáng đồng tiền bát gạo.

Ở đó, lao động Việt phải trả giá bằng sức khỏe, tuổi trẻ, sự cô độc và cả những cạm bẫy mà nếu không đủ bản lĩnh, lòng quyết tâm, họ dễ dàng đánh mất mục tiêu ban đầu của mình (kiếm tiền để trở về quê xây dựng tương lai). Bằng chứng là nhiều lao động đã ra về tay trắng chỉ vì "cưu mang" cô dâu Việt bỏ trốn khỏi nhà chồng, hay tay trắng vì cờ bạc, rượu chè giải khuây...

Xuyên suốt loạt phóng sự này, hình ảnh mùa đông tuyết trắng không còn nữa sự thơ mộng như trong các bộ phim Hàn Quốc. Bởi giữa băng giá những cô gái, chàng trai vẫn phải căng mình trong cái lạnh âm 15-20OC để tưới và thu hoạch rau, đêm về co ro trong chiếc container giữa đồng và cũng chính là căn nhà của mình (Nông dân Việt), hay tiếng rao ngồ ngộ và dáng đi xiêu vẹo lúc nửa đêm của Thanh (Ði qua miền tuyết trắng)...

Tất cả đều có thể khiến người xem rơi nước mắt. Tuy nhiên, đau xót nhất là khi xem tập Nỗi đau đời thợ. Bao nhiêu lao động Việt đã/đang chịu sự nghiệt ngã của số phận khi bị tai nạn lao động trên đất khách, mất một phần cơ thể và thậm chí cả tính mạng mình?

Những thước phim hi vọng sẽ mang những người con xa xứ, những thân phận tha hương đến gần hơn với mọi người. Ðể sự sẻ chia, cảm thông cũng được nhân rộng hơn từ đó...

Phóng sự truyền hình Những người con xa xứ do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổ hợp truyền thông đa phương tiện Ðất Việt VAC thực hiện. Phóng sự dài 32 tập, phát sóng lúc 19g30 trên kênh HTV2 và trên trang Truyền hình Tuổi Trẻ (http://tv.tuoitre.vn) liên tục từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần. Hôm nay, 17-10, phát sóng tập đầu tiên mang tên Vỡ mộng nơi xứ người. Xung quanh đề tài này, Tuổi Trẻ đã chuyển tải đến bạn đọc báo in loạt bài Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn (ngày 25 đến 30-9-2011) và Làm dâu xứ Hàn (ngày 12 đến 17-10-2011).
                                                                                                                                          (Theo Tuổi trẻ)
                                                  

Hãy xem và cảm nhận các bạn nhé!

download | Fshare | mp4 |  Tập 1 --> 31    
Trọn bộ 05 DVD ISO
Nguồn phim và link download từ ebookforchildren-baby