Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

“Hoa khôi dự án” ở vùng nghèo khó


Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi nhận nhiệm vụ phó chủ tịch xã vùng cao, hai cán bộ trẻ 8X Nguyễn Thị Hương (1989), Nguyễn Thị Thu Lan (1983) hăng hái thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giúp dân thoát nghèo.

Nuôi lợn cỏ

Tốt nghiệp ngành Xã hội học, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) Nguyễn Thị Hương tham gia dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã và được phân công về xã Xuân Lẹ, Thường Xuân, Thanh Hóa. Ai ngờ "hoa khôi dự án" lại “bén duyên” với chăn nuôi lợn!

Khi Hương về nhận công tác được một tháng, ở xã xảy ra dịch bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò. Dù chưa được phân công phụ trách mảng kinh tế nhưng cô đã thuyết phục người dân tiêu hủy trâu bò bị bệnh thay vì bán cho lái buôn.

“Việc thuyết phục tiêu hủy trâu là rất khó khăn vì nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, phải vay tiền ngân hàng để mua trâu”, Hương cho hay.

Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch xã Xuân Lẹ. Ảnh: Minh Đức.
Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch xã Xuân Lẹ. Ảnh: Minh Đức.

Sau hơn nửa năm làm phó chủ tịch xã, Hương đang mang đến hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương khi thực hiện đề án chăn nuôi lợn cỏ theo mô hình trang trại.

Hương nói: “Trên địa bàn xã có sẵn nguồn gen giống lợn cỏ, loài có sức đề kháng tốt, dễ thích nghi với môi trường, khí hậu miền núi khắc nghiệt. Đây cũng là giống vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế nhưng người dân trong xã chủ yếu chăn nuôi giống lợn này theo tập quán nhỏ lẻ, manh mún”.

Lường trước những khó khăn như thuyết phục người dân thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi, lo nguồn vốn, đầu ra sản phẩm…, Hương đã chủ động trực tiếp đi khảo sát, tham quan các mô hình để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu, liên hệ các đầu mối tiêu thụ.

“Đến nay, đề án được phê duyệt. Cuối tháng 2 này, xã Xuân Lẹ trình đề án lên UBND huyện để xin nguồn vốn hỗ trợ chăn nuôi”, Hương cho hay. Hiện, gia đình anh Vi Văn Dương (thôn Bàn Tạn) đã lập trang trại hơn 200 m2 chăn nuôi lợn cỏ.

Theo Hương, để tạo điều kiện cho trang trại hoạt động ổn định, xã sẽ hỗ trợ mua lợn con và lợn nái. Đồng thời đưa hộ lập trang trại đi tham quan mô hình chăn nuôi có hiệu quả trong tỉnh.

Bên cạnh dự án chăn nuôi phát triển kinh tế địa phương, nữ phó chủ tịch xã cùng với các cán bộ triển khai chương trình hỗ trợ giáo dục, nâng cao đời sống thanh thiếu nhi như tham mưu cho UBND xã, phối hợp với nhà trường mở rộng quỹ đất, vận động nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn ủng hộ xây dựng bếp ăn cho trường mầm non. Hiện công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng...

 Phó Chủ tịch xã Tam Thanh, Nguyễn Thị Thu Lan.
Phó Chủ tịch xã Tam Thanh, Nguyễn Thị Thu Lan.

Hầm Biogas

Sinh năm 1983, Nguyễn Thị Thu Lan được phân công làm Phó chủ tịch UBND xã Tam Thanh (Tân Sơn, Phú Thọ), phụ trách lĩnh vực kinh tế. Lan xây dựng đề án: Xây hầm Biogas bằng nhựa Composite trong hoạt động chăn nuôi.

“Dự án giúp bà con nông dân xử lý chất thải đảm bảo hợp vệ sinh môi trường và sử dụng công nghệ khí sinh học nhằm cung cấp năng lượng sạch với giá rẻ, giảm được chi phí và tăng lợi nhuận; đồng thời tận dụng nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng sau khi chất thải đã qua xử lý”, chị Lan chia sẻ.

Để các bước của đề án được thực hiện thuận lợi, chị Lan đã vượt qua khó khăn lớn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ. Ở Tam Thanh, người Mường chiếm trên 65% dân số, có một bản người dân tộc Dao, một số bộ phận người dân không biết chữ...

Vì thế, vừa học tiếng dân tộc, chị Lan tranh thủ buổi trưa, buổi tối xuống từng hộ gia đình vận động, giải thích cặn kẽ kỹ thuật, lợi ích của việc tham gia đề án.

Từ con số 40 gia đình tham gia đăng ký trước Tết, những ngày đầu năm Quý Tỵ này, có thêm 55 hộ gia đình đăng ký tham gia vay vốn. Nhiều hộ gia đình khác có điều kiện kinh tế hơn đồng ý bỏ vốn thực hiện.

“Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ vay vốn từ 15 triệu đến 20 triệu theo chương trình 30A của Chính phủ để xây dựng hầm Biogas. Tháng 3 tới, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn về địa phương thẩm định dự án và cấp vốn”, chị Lan cho hay.

Không chỉ nỗ lực thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cả hai nữ Phó chủ tịch xã Thu Lan và Nguyễn Thị Hương đều nỗ lực học tiếng dân tộc, làm quen với phong tục tập quán của người dân, tham khảo tài liệu, đọc sách báo, dạy học cho trẻ em…

Thu Lan nhận công tác tại xã Tam Thanh khi có con nhỏ. Những ngày đầu công tác, Lan thực sự băn khoăn khi chưa nhận được sự chia sẻ của chồng. Nhưng bằng quyết tâm và với sự ủng hộ của gia đình nhà chồng, Lan đã thuyết phục được ông xã tạm dừng công việc theo cô lên nơi ở mới chăm sóc con.

Thầy giáo trẻ với trang trại tiền tỷ trên mảnh đất khó


Tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, khoa Thể chất rồi về công tác tại một trường cấp III. Để làm tiếp giấc mơ của người cha đã quá cố, thầy giáo Nguyễn Văn Ngợi vừa làm công việc giảng dạy vừa xây dựng một trang trại lớn nhất nhì trong tỉnh

Thầy Nguyễn Văn Ngợi (sinh năm 1985) giáo viên bộ môn thể chất trường THPT Nông Cống I, chưa đầy 30 tuổi nhưng thầy giáo Ngợi đã có một trang trại lớn tổng hợp về cả gia súc, gia cầm lên đến hàng tỷ đồng.
 
Nằm trên dãy núi Nưa của xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, trang trại của thầy giáo Ngợi bao gồm hơn 200 con trâu, bò, hàng trăm con dê, lợn, gà. Trải qua gần 6 năm phấn đấu, nỗ lực, giờ đây ước tính trang trại trên 30 ha đất núi của thầy với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng.
Thầy giáo Ngợi với niềm vui khi đã hoàn thành được ý nguyện của người cha đã qua đời
Thầy giáo Ngợi với niềm vui khi đã hoàn thành được ý nguyện của người cha đã qua đời
Sẽ không có ngày thầy giáo Ngợi lại làm chủ một trang trại hàng trăm con gia súc, gia cầm như bây giờ nếu như người cha già của anh không đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư. Người cha với ước mơ lập nên một trang trại lớn nhưng mới chỉ gây dựng được gần 100 con trâu bò thì tai họa giáng xuống khiến ông qua đời.
 
Phần vì thương cha, phần vì muốn làm theo ước nguyện mà ngày còn sống bố anh đã dày công nghiên cứu, thầy Ngợi đã không quản khó khăn, vất vả, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi từ những người đi trước.
Những ngày đầu bước vào công việc mới thật gian nan, mỗi ngày, thầy phải sắp xếp, lên lịch làm sao để việc đi dạy và công việc làm trang trại không thể chồng chéo nhau.
 
Thầy chia sẻ: “Lúc đó mình vẫn nghĩ nhất định không thể bỏ nghề đi dạy, nhưng cũng không thể từ bỏ ước nguyện và đam mê của bố khi còn sống. Thế là dù những ngày đầu tuy có gian nan, vất vả, vẫn nhủ sẽ phải cố gắng. Dù là 5 năm hay 10 năm nhưng nhất định phải làm được”.
Sau giờ lên lớp, thầy lại bộn bề với công việc trong trang trại tổng hợp của mình
Sau giờ lên lớp, thầy lại bộn bề với công việc trong trang trại tổng hợp của mình
Tuy nhiên, chỉ sau những giờ lên lớp, thầy mới bắt tay vào những việc làm khác. Vừa làm, vừa nghiên cứu sách, vừa học hỏi từ những người có kinh nghiệm, dần dần thầy Ngợi đã gây dựng thêm được số lượng đàn trâu bò.
 
Sau 1 năm, trang trại của thầy đã được UBND tỉnh Thanh Hóa nghiệm thu đạt tiêu chuẩn quy mô, mô hình cấp tỉnh và được hỗ trợ 700 triệu đồng không hoàn lại. Đàn trâu, bò từ số ít ỏi ban đầu lên gần 130 con bò và hơn 100 con trâu.
 
Sau đó thầy lại đầu tư thả thêm 150 con dê và đàn heo cỏ 70 con, tạo cho thu nhập ngày càng cao, giải quyết được việc làm cho hàng chục lao động trong xã. Hiện, thầy Ngợi đang trồng thử nghiệm thêm loại cây keo để vừa tạo thêm thu nhập lại tận dụng được diện tích đất rộng.
Sau những gắn bó với nghề chăn nuôi, thầy nhận ra yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi đó là chuồng trại phải xây dựng đúng quy cách, bảo đảm ấm về mùa đông, mát về mùa hè, tiêm phòng dịch bệnh định kỳ và vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
 
Cùng với việc được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trong chăn nuôi thông qua kênh của Đoàn, của hội nông dân xã, huyện nên trang trại của thầy ngày càng phát triển. Mỗi năm, gia đình thầy giáo trẻ này thu về 300 – 400 triệu đồng từ trang trại.
 Đàn dê của thầy Ngợi giờ đã lên hàng trăm con
 Đàn dê của thầy Ngợi giờ đã lên hàng trăm con
Dù bận rộn nhưng thầy giáo Ngợi vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện thầy đang là ủy viên ban chấp hành đoàn xã Phú Nhuận. Thầy đi đầu trong các phong trào do đoàn xã phát động, nhất là tham gia mô hình thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương.
 
Cũng vẫn không quên hoàn thành nhiệm vụ của một thầy giáo, vừa năng động, nhiệt tình, vui vẻ và hòa đồng. Giờ đây, ngoài những giờ lên lớp đều đặn, hoàn thành các tiết học, thầy Ngợi lại dành thời gian cho trang trại tổng hợp của mình.
Với những gì đã làm được, thầy Ngợi đã được nhận rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh, của chi đoàn huyện, tỉnh, của trung ương đoàn về đạt thành tích phong trào thi đua.
 
Đặc biệt, thầy Ngợi được tỉnh Thanh Hóa trao giải “Điển hình thi đua yêu nước toàn tỉnh” năm 2010, và là một trong tám nhà nông trẻ của Thanh Hóa vừa được nhận giải thưởng “Lương Định Của” năm 2012.

Bò sữa là đầu cơ nghiệp


Sau bao thất bại cay đắng, thậm chí trắng tay, nghề chăn nuôi bò sữa đã trở thành "đầu cơ nghiệp" của nông dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); nhiều hộ đã thành đại gia bò sữa. Con bò sữa đã trở thành một cỗ máy, kéo cả nền kinh tế nông nghiệp của huyện đi lên.
Bò sữa "chữa" nghèo
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Tường hồ hởi cho biết, nghề chăn nuôi bò sữa trong huyện đã có từ những năm 2000. Ban đầu một vài hộ đi mua giống từ các địa phương khác về để nuôi. Cứ thế, bò mẹ đẻ bê con, số lượng đầu bò tăng dần. Một hộ làm ăn hiệu quả, nhiều hộ tìm đến học theo. Mô hình chăn nuôi bò sữa lan ra như nấm sau cơn mưa.
Tính đến thời điểm hiện tại, số đầu bò của toàn huyện đạt 2.500/600 hộ chăn nuôi. Sản lượng sữa cung cấp ra thị trường ước đạt gần 4.000 tấn/năm. Từ những hiệu quả mà con bò sữa mang lại, Vĩnh Tường đang tiếp tục triển khai rất nhiều biện pháp để bò sữa trở thành đầu cơ nghiệp cho người nông dân. “Chúng tôi đang phấn đấu từ nay đến năm 2015 sẽ tăng số đầu bò lên 4.000 con”, ông Quỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, nhiều người chăn nuôi đã trải qua bao thất bại cay đắng, suýt lụi bại vì con bò sữa. Giữa trưa nắng chang chang, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Thảo của Phòng NN-PTNT huyện dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi ở xã Vĩnh Thịnh. Đây là xã đi đầu trong mô hình nuôi bò sữa của huyện cũng như cả tỉnh.
Nhìn ngôi nhà ba tầng còn hơi mùi vôi vữa khang trang của gia đình anh Đỗ Gia Phong, thôn An Lão Ngược, ít ai ngờ rằng, chỉ suýt nữa là cả nhà anh phải phá sản vì con bò sữa. Anh Phong bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2001. Ban đầu, anh chọn mua một con bò cái lấy giống tận trong Nam. Nuôi vài năm, khi bò cái đến kì sinh sản, anh liền cho phối giống với bò đực.

Đàn bò của gia đình anh Đỗ Gia Phong
“Khi đó bò cái còn hiếm, con bò nhà tôi lại sinh tiếp được một con bê cái nên cả nhà vui mừng đến độ mất ăn mất ngủ chú ạ”, anh Phong tươi cười nhớ lại. Lúc cao điểm nhất, trong chuồng nhà anh có 11 con bò sữa trưởng thành. Nhưng sự may mắn đó không được kéo dài. Đàn bò bỗng dưng có một con bị đổ bệnh, bỏ ăn, sút cân rồi nằm bẹp. Anh cho uống bao nhiêu thuốc, mời bác sĩ thú y về chữa trị vẫn không ăn thua. Con bò cứ thế ốm yếu dần rồi chết trong sự xót xa của gia đình.
Mà kể cũng lạ, cả đàn chỉ có duy nhất một con đổ bệnh mà không lây nhiễm sang cả đàn trong khi được nuôi nhốt chung. Tưởng chừng “vận hạn” đã qua, anh Phong nghĩ, thôi coi như của đi thay người. Nhưng rồi, năm nào đàn bò nhà anh cũng có 1 con đang khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra ốm rồi chết.
Trong 10 năm liền, nhà anh Phong bị chết đến 10 con bò sữa trưởng thành. Chuyện nuôi bò sữa của gia đình anh khiến cả xã... xót theo. Cán bộ thú y đã bó tay, gia đình anh tiếc công, xót của mà không nói được gì.
“Nhiều đêm anh nằm vắt tay lên trán thắc mắc, tại sao lại chỉ có một con bị bệnh, lại cùng một vị trí”, anh Phong nhớ lại. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, anh chợt vùng dậy chạy ra chỗ những con bò bị bệnh rồi chết. Sáng hôm sau, anh cùng mấy người hàng xóm dùng xà beng phá tung chỗ đó lên để kiểm tra. Cả anh và mọi người ngã ngửa, ngay dưới nền chuồng là một hố phân gà đang phân hủy.
“Thế mà tôi không nghĩ ra, trước đây đó chính là hố phân gà. Khi nuôi bò, nhà tôi chỉ lấp đất qua loa rồi cho đổ nền luôn”, anh Phong như bừng tỉnh. Vậy là anh lại hì hục đào hết đất chỗ đó lên, tạo thành một cái hố sâu. Tiếp đó, anh ra chợ mua vôi sống về rồi tôi nóng sùng sục mới lấp đất, san nền.
Kỹ sư Thảo bảo, chuyện nuôi bò sữa nhà anh Phong đúng như một câu chuyện truyền kỳ. Từ khi xử lý xong “ổ dịch”, đàn bò nhà anh lại phát triển bình thường, tuyệt nhiên không có con nào bị bệnh tật như trước. Hiện anh duy trì đàn bò 9 con, trong đó 8 con đang cho sữa, 1 con đang nuôi bê. Trung bình 1 ngày vắt được 70 kg sữa. Với giá sữa hiện nay là 12.000 đ/kg, mỗi tháng thu về khoảng 35 -50 triệu đồng.
Anh Phong hồ hởi chia sẻ, trong số 9 con bò nhà anh thì có một con thuộc diện “cao sản” nhất xã. “Chú có tin không, một ngày nó có thể cho 40 kg sữa, vắt đến 8 - 9 tháng, lượng sữa vẫn đạt hơn 30 kg/ngày”, anh Phong tươi cười. Nói đoạn, anh dẫn chúng tôi ra xem chiếc “máy SX sữa” của mình. Con bò này nặng đến hơn 6 tạ, một ngày ăn hết 40 kg thức ăn cả cỏ, ngô xay.
Cách không xa nhà anh Phong, chúng tôi tìm đến một đại gia bò sữa khác là ông Đỗ Gia Việt ở cùng thôn An Lão Ngược. Gia đình ông Việt bắt đầu nuôi bò sữa từ những năm 2001. Đến nay, trong chuồng nhà ông luôn duy trì được 11 con cho vắt sữa thường xuyên. 1 ngày đàn bò nhà ông cho 140 kg sữa.

Ông Đỗ Gia Việt đang cho bò ăn
Rút kinh nghiệm từ hộ anh Phong, ông Việt đã xử lí vệ sinh một cách triệt để. Từ chuồng trại, dụng cụ vắt sữa, chất thải đều được dọn dẹp thường xuyên. “Bao nhiêu chất thải tôi cho đẩy hết xuống hố biogas. Bây giờ nhà tôi có phải dùng ga và điện lưới mấy đâu, nguồn biogas cung cấp cho thắp sáng, quạt mát, bình nóng lạnh mà vẫn thừa”, ông Việt chia sẻ.

Người dân làm hầm Biogas để sử dụng, tránh ô nhiễm môi trường
Từ năm 2011, gia đình ông được chọn để xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAHP do Trung tâm Nghiên cứu bò & đồng cỏ Ba Vì triển khai. Theo đó, mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/con giống cùng 2 tạ cám gia súc. Ngoài ra, còn được tập huấn kỹ thuật thường xuyên, đảm bảo chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt VietGAHP.
Yên tâm chăn nuôi
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, năm 2012, cả xã có tổng đàn trâu bò là 3.661 con. Trong đó, bò sữa 1.794 con, tăng 353 con so với năm 2011. Số bò sữa cho vắt thường xuyên là 880 con, sản lượng sữa năm 2012 đạt 4.450 tấn, vượt 22% so với cùng kỳ năm 2011.
Một con số đáng kinh ngạc đó là, giá trị SX từ chăn nuôi bò sữa chiếm đến gần 50% tỷ trọng nông nghiệp toàn xã. “Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi bò sữa nhưng phải đảm bảo yếu tố môi trường”, ông Hòa cho biết thêm.

Trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò sữa
Ông Trần Văn Khoa, Phó trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) cho biết, trong năm 2012, mô hình thí điểm nuôi bê bằng sữa bột tại Vĩnh Tường đã đạt được hiệu quả khả quan. Trong năm 2013, Sở sẽ mở rộng mô hình để nhiều hộ dân có thể tham gia, nâng cao giá trị chăn nuôi con bò sữa.
Xác định chăn nuôi bò sữa là hướng đi đúng đắn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2011 - 2015 với tổng số vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Tại Vĩnh Tường, dự án đã được thực hiện trên 10 xã gồm: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường, Phú Đa, Phú Thịnh, Cao Đại, Bình Dương, Tân Cương, Tuân Chính, Tam Phúc.
Dự án sẽ hỗ trợ nông dân mua mới 1.000 con bò sữa để phát triển chăn nuôi bò sữa sinh sản. Ngân sách tỉnh hỗ trợ mua vật tư phục vụ thụ tinh nhân tạo cho bò sữa: 50% về tinh bò sữa, tinh HF giới tính cái nhập ngoại; 100% nitơ lỏng, găng tay, ống ghen cho thụ tinh nhân tạo; 100% vacxin lở mồm long móng, hóa chất khử trùng tiêu độc và tiền công thực hiện; hỗ trợ toàn bộ về vật tư dụng cụ để bình tuyển gắn số tai cho đàn bò sữa...
Ông Nguyễn Văn Quỳnh cho biết thêm, dự án này con được sự hỗ trợ của Cty Cổ phần Sữa quốc tế IDP. Theo đó, IDP sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/con bò giống không lãi suất với thời gian vay từ 12 - 18 tháng cho những hộ mua mới bò sữa về chăn nuôi, khai thác sữa; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, huấn luyện nghề chăn nuôi bò sữa cho những hộ có nhu cầu. Đồng thời IDP cũng bao tiêu toàn bộ đầu ra của sữa, người dân hoàn toàn có thể yên tâm phát triển con “đầu cơ nghiệp”.

Trồng xen canh cây ăn quả


Trang trại của anh Nguyễn Hải Tùng ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhờ trồng cây ăn quả đã hái ra tiền. Trước khi bắt tay vào SX, vợ chồng anh đã có hơn chục năm buôn bán hoa quả.
Anh Tùng chia sẻ: “Ổi, táo là những trái cây mà thị trường rất cần, dễ tiêu thụ, vấn đề là giá thành lúc cao lúc thấp mà thôi. Đây cũng là những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc...”.
Khu vườn của anh Tùng có diện tích khoảng 4 mẫu, được thuê lại với mức giá trung bình 600.000 đ/sào. Anh kể trước đây là một vùng trũng, cỏ mọc um tùm, chỉ nhìn là lắc đầu ngán ngẩm. Hai vợ chồng phải mất nhiều tháng mới có thể thu dọn hết cỏ. Sau đó thuê máy múc đất đắp lên để trồng cây. Vùng trũng trở thành ao thả cá. Tính ra, anh phải đầu tư 400 triệu đồng để cải tạo vườn cây, ao cá như bây giờ.

Anh Tùng chăm sóc cây ổi
Hiện anh Tùng có 1 mẫu ao thả cá; 8 sào trồng ổi với khoảng 400 gốc; 300 cây táo; còn lại là đu đủ, vải thiều… Theo anh, mô hình trồng xen cây có kỹ thuật chăm sóc đặc biệt. Chẳng hạn với táo, anh chỉ trồng và thu hoạch trong vòng 2 năm, đến năm thứ 3 thì chặt bỏ. Táo để càng lâu năm, tán sẽ càng to, quả nhiều nhưng không thể để, vì cây càng to thì việc chăm sóc sẽ khó khăn hơn, hơn nữa ảnh hưởng đến sự phát triển của cây khác.
Còn đu đủ cần thay gốc thường xuyên, năm nay trồng ở vị trí này, năm sau trồng ở một chỗ đất mới hơn. Đối với ổi cũng thế, sau khi thu hoạch, anh cắt cành, không chỉ để quang đãng, mà còn cho cây kịp nảy cành mới và ra quả mùa sau.
Theo anh, trồng cây ăn quả nói chung và trồng ổi nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đã có năm gặp phải mưa nhiều, bị ngập nước, cây cho năng suất rất thấp, đu đủ bị thối rễ, ổi và táo thì mất mùa. Đặc biệt, cần chú ý đến việc phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Từ 3 năm nay Tùng đều ăn, ngủ ở trang trại, chưa một đêm nào anh về nhà ngủ. Cả hai vợ chồng quần quật làm vườn cả ngày. Từ Tết đến giờ, do lượng công việc quá nhiều nên anh phải thuê thêm nhân công. Anh vui vẻ cho hay, vườn cây cho thu nhập vài ba trăm triệu mỗi năm, đủ ăn đủ tiêu với một gia đình 6 người và tích cóp được một khoản tiền để dành.
Với ổi, khi cây mới ra nụ hoa và quả non cần phun thuốc BVTV, vì đây là thời điểm dễ bị sâu bệnh nhất. Sau khi đã bọc lớp xốp bên ngoài thì không cần phun. Tùy vào thế của từng gốc ổi mà để số lượng quả cho phù hợp, nếu để nhiều quá thì cành bị gãy, mà quả cũng không to. Với mỗi gốc ổi từ 3 năm trở lên cho khoảng từ 70 - 100 quả.
Mùa ổi chính thường vào tháng 6, tháng 7 DL. Mùa ổi chiêm vào dịp sát Tết Nguyên đán. Anh Tùng cho biết, riêng mùa ổi chính năm vừa rồi, tính cả ổi găng và ổi bọc, vườn của anh thu hoạch được khoảng hơn 6 tấn.
Vườn rộng, chi phí đầu tư không phải là con số nhỏ. Ngay như số tiền để mua vỏ trấu để rải quanh các gốc cây, một năm cũng đã mất 17 triệu đồng. Khi hỏi anh tác dụng của việc rải trấu quanh gốc cây thế nào mà phải bỏ ra một số tiền lớn như thế, anh cho biết, rải trấu sẽ hạn chế được cỏ mọc, chống xói mòn đất và thuốc trừ sâu chảy xuống ao. Cứ trồng cây là nên rải trấu, tán cây to đến đâu thì rải đến đó.
Ngoài ra, phải bón phân theo vụ, mỗi lần bón tiền phân lên đến 100.000 đồng/gốc…