Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

sâu bệnh trên cây mai (phần 2)

Trên cây mai vàng có một số sâu, bệnh thường gặp như bệnh nấm mốc hồng hại cành, bệnh đốm đồng tiền hại thân, bệnh rỉ sét, bệnh bù lạch hại lá, sâu ăn lá, nhện đỏ... Để có thêm tư liệu tham khảo cho mọi người, chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm phòng và trị bệnh thông thường trên cây mai. Hi vọng giúp ích được phần nào cho những người trồng mai.

Nhện đỏ hại lá
Nhện đỏ có tên khoa học là Tetranychus sp. Loài nhện này gây hại trên khá nhiều loại cây, từ cây ăn trái, cây rau màu cho đến một số loại cây kiểng. Cơ thể của chúng rất nhỏ (khoảng 0,3 – 0,4mm), hình bầu dục và có 8 chân. Khi mới nở nhện có màu xanh vàng lợt, khi lớn chúng chuyển dần sang màu hồng và đỏ đậm. Muốn quan sát kỹ chúng các bạn phải có kính lúp có độ phóng đại nhiều lần. Nhện sinh sản rất nhiều, đã thế vòng đời của nhện lại ngắn vì thế chúng tích luỹ mật số khá nhanh, dễ bộc phát gây hại nặng nếu gặp điều kiện thuận lợi. Cả nhện trưởng thành và nhện non đều bu bám trên bề mặt của lá, cạp ăn biểu bì và chích hút dịch của lá từ khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi, làm cho lá có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám, sau đó lá chuyển dần sang màu xanh đen và nâu hơi đậm loang lổ, phiến lá bị phồng lên như bánh tráng.


Nếu không phát hiện và có biện pháp diệt trừ kịp thời, bộ lá của cây hoa mai sẽ bị cằn lại, thô cứng và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cây mai, nhất là trong mùa khô. Do cơ thể của nhện rất nhỏ mắt thường khó nhìn thấy mà chỉ nhìn thấy triệu chứng gây hại để lại của nhện trên lá nên trong thực tế đã có những chủ vườn mai ở Q.12 cứ tưởng cây mai bị bệnh và điều trị theo hướng dùng thuốc trừ bệnh nên không thấy "bệnh" thuyên giảm.

Để phòng trị loại nhện này các bạn có thể tiến hành một số công việc sau đây:

· Không nên trồng hoặc đặt các chậu mai quá xít nhau, để vườn mai có độ thông thoáng.

· Hàng ngày khi tưới nước, chăm sóc vườn mai các bạn nên chú ý quan sát cây mai, kiểm tra bộ lá mai (nhất là những lá từ giai đoạn bánh tẻ trở đi) để phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ nhện kịp thời.

· Do cơ thể của nhện rất nhỏ vì thế để dễ phát hiện nhện các bạn phải dùng kính lúp, nếu không có kính lúp các bạn có thể kiểm tra bằng cách gián tiếp như sau: ngắt những lá mai nghi có nhện đặt vào giữa hai tờ giấy trắng rồi lấy tay vuốt nhẹ phía ngoài tờ giấy, nếu thấy trên mặt giấy có những chấm nhỏ màu vàng xanh, hồng hay đỏ thì lá đó đang có nhện gây hại, những chấm này càng nhiều thì chứng tỏ mật độ của nhện càng cao.

Khi phát hiện có nhiều nhện trên cây các bạn có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây để phun xịt: Danitol 10EC; Comite 73EC; Pegasus 500SG; Ortus 5SC; Cascade 5EC; Nissuran 5EC; Sirbon 5EC; Kelthane 18, 5EC… Do nhện là một loại dịch hại rất dễ kháng thuốc, vì thế các bạn không nên chỉ dùng một loại thuốc liên tục trong một thời gian dài (dù thuốc đó diệt nhện rất tốt) mà các bạn nên dùng luân phiên những loại thuốc trên đây với nhau. Về liều lượng và cách sử dụng các bạn có thể đọc hướng dẫn có in trên nhãn thuốc.



Sâu ăn lá mai


Trên cây hoa mai, ngoài một số đối tượng sâu bệnh gây hại thường gặp như: bệnh "rỉ sét" lá, bệnh nấm hồng làm khô cành, nhện đỏ, bù lạch gây hại lá… thì sâu ăn lá cũng là một đối tượng thường xuất hiện và gây hại cho cây mai, nhất là vào những đợt cây ra đọt non, lá non để phát triển thân cành.

Con trưởng thành của chúng là một loài bướm, có chiều dài cơ thể khoảng 10mm, sải cánh rộng khoảng 19 – 20mm. Trứng được đẻ trên các đọt non mới ra. Sau khi đẻ khoảng 3 ngày thì nở ra sâu non. Sâu non hình ống, thân màu xanh trong, đầu màu nâu đen. Khi mới nở sâu non gặm nhấm làm khuyết lá, khi lớn chúng nhả tơ kéo vài lá non lại với nhau, rồi nằm bên trong cắn phá, làm cho lá bị khuyết, nếu nặng lá có thể bị cắn phá đến phân nửa, đôi khi chỉ còn trơ lại một đoạn gân chính ở gần cuống lá. Làm mất diện tích lá quang hợp cho cây. Khi lá già nhìn cây mai xơ xác, cây mai sinh trưởng và phát triển kém, cây còi cọc, ra ít bông, và bông nhỏ không đẹp.


Khi đẫy sức sâu dài khoảng 25 – 28mm, hóa nhộng bên trong tổ lá. Sâu thường gây hại nhiều trong mùa mưa, là mùa cây mai ra nhiều đợt đọt non, lá non để phát triển thân, cành, lá. Để phòng trị sâu có kết quả các bạn có thể áp dụng một vài biện pháp đơn giản sau đây.

Khi chăm sóc cây mai nên chú ý quan sát, nếu phát hiện thấy "tổ sâu" thì bắt giết (loại sâu này rất dễ bắt vì chúng ít trốn chạy).

Nếu mật số sâu cao, không đủ sức bắt bằng tay thì các bạn có thể dùng thuốc trừ sâu để phun xịt. Đây là một loài sâu tương đối dễ chết, vậy các bạn có thể sử dụng bằng một vài loại thuốc trừ sâu thông thường như: SecSaigon 5EC hoặc 10EC; Diaphs 5EC; Sagothion 50EC; Padan 95SP; Fastac 5EC… Về liều lượng và cách sử dụng của thuốc các bạn có thể đọc hướng dẫn trên vỏ bao bì.

Bệnh đốm đồng tiền

Bệnh đốm đồng tiền có thể gặp trên nhiều loại cây thân ăn trái thân gỗ như: cam, quýt, chôm chôm, nhãn, bưởi, mãng cầu, sầu riêng, mít, xoài…

Ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm rất nhỏ cỡ mọt vài ly, sau đó nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như ẩm độ trong vườn cao, thiếu nắng… thì chúng phát triển rộng ra. Vết bệnh đa số có dạng hình tròn hoặc hơi tròn như đồng tiền (nên gọi là bệnh đốm đồng tiền) hoặc hình bầu dục, màu xám trắng hay xám xanh da trời. Theo thời gian vết bệnh cứ lan rộng dần ra xung quanh, nếu nặng nhiều vết sẽ hoà lẫn vào nhau tạo ra hình dạng bất kỳ, màu sắt loang lổ vằn vèo như da hổ, cứ thế nhiều lớp chồng chất lên nhau làm cho lớp vỏ của cây mai dày lên, có độ xốp giống như một lớp nhung bao quanh gốc cây mai.


Khi cây mai còn nhỏ, cành lá chưa giao tán, vườn luôn được thông thoáng, ẩm độ trong vườn thấp, điều kiện không thuận lợi nên bệnh không hoặc xuất hiện rất ít. Càng về sau cây càng lớn, tán lá giao nhau dày đặt, bít bùng, tạo ẩm độ trong vườn cao, phía trong tán cây lại thiếu ánh nắng… đã tạo thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển mạnh.

Qua quan sát thực tế cho thấy bệnh này rất thích phát triển trên lớp vỏ cây đã già cỗi, cổ thụ một chút. Vì thế bệnh thường phát triển nhiều trên những gốc mai đã lớn tuổi, thuộc loại cổ thụ. Theo chúng tôi có lẽ do lớp vỏ cây bị mục thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển. Ban đầu bệnh chỉ tập trung ở phần thân sát với gốc cây là chính, về sau bệnh cứ phát triển dần lên các nhánh cấp 1, nhánh cấp 2… Do bệnh chỉ phát triển bên ngoài của lớp vỏ cây nên nhiều nhà chuyên môn cho rằng có thể sẽ không gây hại trực tiếp cho cây, nhưng do chúng làm cho bề mặt của cây luôn bị ẩm ướt, vì thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nấm bệnh khác tấn công, nhất là các loại nấm bệnh thường tấn công ở vùng gốc. Ở một vài thân cây thuộc loại cỗi, cổ thụ, thấy phía trên cây bị chết, khi bốc vỏ ra thì ngay chỗ bên trong những đốm bệnh đồng tiền chúng tôi thấy lớp vỏ cây đã bị hư mụa, có lẽ do điềukiện luôn ẩm ướt đã tạo điều kiện cho các nấm bệnh khác tấn công


Để phòng trị bệnh các bạn có thể làm như sau:


Không nên trồng hoặc sắp xếp những chậu mai trong vườn quá dày, quá gần nhau để vườn mai thông thoáng, khô ráo, dưới tán, dưới gốc cây nhận được thêm ánh sáng mặt trời, sẽ có tác dụng hạn chế bệnh phát sinh, phát triển. Đây có thể được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh.

Thiết kế mặt liếp để trồng mai (hoặc để đặt chậu mai) theo hình mai rùa, xẻ rãnh thoát nước để nước không đọng lại trên mặt vườn trong mùa mưa để vườn luôn được khô ráo.

Đối với những gốc mai đã bị đốm bệnh xuất hiện nhiều, dày đặc bạn có thể dùng bàn chải cọ rửa sạch những đốm bệnh trên thân trên cành.

Có thể dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc Boóc dô 1% quét lên thân cây vào đầu màu mưa, cũng có tác dụng ngăn chặn bệnh xâm nhập, lây lan. Ngoài ra bạn có thể dùng một số loại thuốc gốc đồng như Copper – B, Coc 85; Copper – Zinc hoặc Zinccopper… xịt ngừa lên chỗ thường hay bị bệnh trên thân, cành.


Nguồn: Nguyễn Danh Vàn,Phòng trừ sâu bệnh hai cây hoa kiểng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét