Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Sản xuất hạt giống lúa lai F1: Gặp sự bất thuận của thời tiết

LUAGAO - Vụ ĐX 2009 – 2010, các doanh nghiệp trên cả nước đã tiến hành sản xuất hạt giống lúa lai F1 với diện tích rất lớn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận nên đã có nhiều diện tích giống bị ảnh hưởng đến chất lượng. Ngày 22/4, tại Đăk Lăk, Cục Trồng trọt đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình sản xuất hạt lai F1 vụ ĐX 2010 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa.

Diện tích tăng mạnh

Do tình hình khan hiếm hạt giống lúa lai vụ ĐX 2009 – 2010, nên các DN phải nhập khẩu hạt giống lúa lai với giá rất cao. Chính vì vậy Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ theo hướng ưu tiên sản xuất hạt lai F1 trong nước nên diện tích SX giống vụ này tăng mạnh. Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết, vụ ĐX năm nay, các đơn vị kinh doanh giống trên cả nước đã sản xuất được gần 1.800ha hạt lai F1, cao hơn 200ha so với cả năm 2009. Riêng tỉnh Quảng Nam và Đăk Lăk diện tích hạt lai F1 đã chiếm khoảng 70% tổng diện tích SX giống lúa lai cả nước vụ này. Trong đó Đăk Lăk có diện tích 447ha chủ yếu là lúa lai 3 dòng (417ha) còn lại là lúa lai 2 dòng. Còn tại Quảng Nam diện tích sản xuất hạt lúa lai F1 đạt tới 900ha, diện tích lúa lai 2 dòng chiếm 700ha và có 200ha là lúa lai 3 dòng. Bên cạnh đó diện tích sản suất dòng bố mẹ cũng tăng hơn năm trước, đạt 47,5ha dòng mẹ và 9,4ha dòng bố đáp ứng sản xuất hạt lai F1 được khoảng 4.000ha cho vụ tới.

Cùng với diện tích sản xuất hạt lai F1 tăng, theo Cục Trồng trọt, chúng ta cũng đã bước đầu xác định được những vùng sản xuất gồm: Quảng Nam, Bình Định, Đăk Lăk, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá, Lào Cai… Đặc biệt, các tỉnh Lào Cai, Đăk Lăk, Quảng Nam đã lập dự án xây dựng vùng chuyên sản xuất hạt giống lúa lai với quy mô 1.000ha/tỉnh. Đây sẽ là vùng chuyên canh sản xuất lúa lai ổn định để cung cấp nhu cầu hạt giống cho người dân trong nước… Ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch Hiệp Hội thương mại giống cây trồng Việt Nam cho biết: Để chúng ta đảm bảo được 70% hạt giống lúa lai F1 cung cấp cho nhu cầu của người dân thì cần phải mở rộng vùng sản xuất hạt giống đối với Tây Nguyên không chỉ tập trung tại Đăk Lăk mà phát triển tại cả Gia Lai, Kon Tum… Đồng thời phải có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh phục vụ yêu cầu sản xuất hạt lai…

Thời tiết bất thuận

Ông Trần Văn Khởi, Trưởng phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt đánh giá: Qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng chúng tôi nhận thấy các tổ hợp lúa lai 3 dòng tại Quảng Nam và Đăk Lăk sinh trưởng, phát triển tốt, bố mẹ trổ bông trùng khớp, sâu bệnh được quản lý, độ thuần đảm bảo, khả năng cho năng suất cao. Còn đối với diện tích sản xuất hạt lai hệ 2 dòng do dòng mẹ dễ bị ảnh hưởng từ biến động của nhiệt độ thời tiết nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Tại Quảng Nam với diện tích lúa lai 2 dòng đạt gần 700ha nhưng do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh cuối tháng 3 nên dòng mẹ đang trong thời kỳ phân hoá đòng từ bước 4 – 6, gặp thời tiết lạnh dưới ngưỡng 24oC khiến cây mẹ hữu dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hạt giống, một số diện tích phải loại bỏ làm thóc thương phẩm. Theo ông Khởi thì đây là hiện tượng thời tiết bất thường mà trên 30 năm qua chưa từng thấy xuất hiện tại Quảng Nam.

Tương tự, Đăk Lăk cũng bị ảnh hưởng. Ông Vương Mân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất giống lúa lai Ea Kar cho biết: Tại huyện Ea Kar chúng tôi đã sản xuất hạt lai được 7 năm, qua quá trình sản xuất cho thấy năng suất đều đạt từ 3 – 4,5 tấn/ha/vụ. Vụ ĐX năm nay, 447ha lúa F1 trên địa bàn đa số phát triển tốt, tuy nhiên do thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng đến sự phát dục của lúa mẹ nên diện tích trỗ lệch pha chiếm khoảng 20% diện tích gồm các giống 3 dòng Nhị ưu 838 và Sán ưu, thời gian thời gian lệch pha lên tới 10 ngày. Những diện tích này năng suất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với lúa lai 2 dòng, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho hay: Mặc dù diện tích lúa lai TH3 – 3 tại Ea Kar không lớn, nhưng qua kiểm tra đồng ruộng chúng tôi thấy cũng xuất hiện tình trạng lúa mẹ hữu dục do ảnh hưởng của thời tiết.

Cục Trồng trọt cho biết: Kế hoạch sản xuất lúa lai của các đơn vị sản xuất giống trong vụ mùa 2010 đạt khoảng 1.500ha, tăng 50% so với vụ mùa 2009, sản lượng ước đạt 4.000 tấn hạt lai F1 cung cấp cho sản xuất.
Kết luận hội nghị, TS Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã nêu ra những biện pháp để chương trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 phát triển bền vững. Theo đó phải xây dựng được đề án phát triển lúa lai giai đoạn 2011 – 2015 trên cơ sở tập trung các ý kiến của các đơn vị sản xuất giống lúa lai và của các địa phương. Nhanh chóng xây dựng được vùng tập trung sản xuất hạt lai F1 và bố mẹ tại Đăk Lăk, Quảng Nam, Lào Cai, đây là việc làm rất quan trọng để thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư sản xuất hạt giống phục vụ sản xuất đại trà. Tập trung xây dựng và hình thành công nghệ sản xuất hạt lai F1 tại các vùng sản xuất tập trung, nhưng cũng cần mở rộng ra những địa phương khác để tận dụng vùng sinh thái phù hợp.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa lai phải chia sẻ hài hoà lợi ích và lấy mục tiêu đảm bảo lợi ích cho người sản xuất là yếu tố quyết định nếu không người nông dân sẽ không phấn khởi trong việc sản xuất hạt giống lúa lai F1. Các cơ quan khoa học nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh quy trình nghiên cứu và quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1 cho từng loại giống khác nhau. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đầy đủ bản quyền tác giả cho các tổ chức và cá nhân nghiên cứu, chọn tạo các loại giống nói chung và giống lúa lai nói riêng… Đối với vùng bị thiệt hại sản xuất lúa lai 2 dòng do thời tiết gây ra tại Quảng Nam trong vụ ĐX năm nay cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng của Trung ương, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở để tháo gỡ khó khăn.


NGỌC KHANH - NGỌC THĂNG

Nguồn: http://nongnghiep.vn/NongnghiepVN/vi-VN/61/158/45/67/67/52565/Default.aspx

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

10 khâu kỹ thuật giúp giảm chi phí canh tác lúa


1. Thời vụ: (Đông xuân sớm-hè thu trễ).

Bố trí mùa vụ thích hợp có nghĩa là: Mùa vụ có thời tiết thuận lợi cho cây lúa phát triển và không thuận lợi cho một số sâu bệnh chính phát triển như đạo ôn và bù lạch trong vụ đông xuân, đốm vằn và bù lạch, rầy nâu trong vụ hè thu, giảm được chi phí sản xuất mà lúa vẫn cho năng suất cao.

Đông xuân: Xuống giống trong tháng 11 đến đầu tháng 12, thu hoạch tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch.

Hè thu: Xuống giống tháng 4-5, thu hoạch tháng 7-8 dương lịch. Tùy điều kiện từng vùng nên xuống giống khi đã có mưa đều.

2. Làm đất và vệ sinh đồng ruộng:

Yêu cầu: Đất có mặt bằng tốt, thiết kế hệ thống mương phèn, làm vệ sinh đồng ruộng sạch cỏ và lúa gài, ốc bươu vàng. Vụ hè thu nên cày ải đất hoặc đốt đồng phơi đất.

- Đất có mặt bằng cày bừa nhuyễn giảm chi phí dặm lúa, trừ cỏ, bơm nước.

- Cày ải phơi đất giảm độ phèn, hạn chế ốc bươu vàng.

3. Chọn giống phù hợp mùa vụ:

- Vụ đông xuân bố trí các giống hơi kháng bệnh cháy lá: OM 4498, OM 2718, OM 2517, OM 2513, TXĐB 93… Nếu sử dụng các giống lúa thơm nhiễm cháy lá như Jasmin 85, VD 20 thì phải xuống giống sớm trước tháng 12.

- Vụ hè thu: Chọn các giống cứng cây, kháng rầy, ít lép (OM 1490, OM 1717, OM 2513...).

Lợi ích: Giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh, tránh rủi ro, khả năng đạt năng suất cao.

4. Phương pháp sạ (Sạ hàng hoặc sạ thưa):

- Sạ hàng: Mật độ: 120 kg giống/ha.

- Sạ thưa: Mật độ: 150-180 kg giống/ha.

Lợi ích:
- Giảm 80-100 kg lúa giống/ha.
- Cây lúa khỏe, hạn chế sâu bệnh.
- Giảm chi phí phân, thuốc.
- Đi lại chăm sóc thuận lợi.
- Lúa phát triển đồng đều, năng suất thường cao hơn sạ lan.

5. Xử lý cỏ:

Nếu quản lý cỏ sớm có hiệu quả sẽ giảm chi phí phân bón, công lao động… Không ảnh hưởng xấu đến nông sản, chất lượng sau này.

Yêu cầu: Làm vệ sinh đồng ruộng tốt trước khi xuống giống, xử lý thuốc cỏ sớm (tiền nảy mầm hoặc hậu nảy mầm sớm) hoàn thành trước 20 ngày sau khi sạ.

Biện pháp: Tùy đối tượng cỏ trong ruộng mà dùng thuốc cho thích hợp, các loại thuốc như: Sofit, Sirius, Clincher, Facet... Sau khi xịt thuốc 1-2 ngày phải đưa nước vào ngập cỏ.

6. Điều chỉnh nước:

Điều chỉnh nước tốt giúp cây lúa phát triển thuận lợi, khỏe mạnh, ít sâu bệnh, chống đổ ngã, hạn chế cỏ dại.

Phương pháp: Sau khi sạ 5 ngày xử lý cỏ xong, đưa nước vào và nâng mức nước dần tới 10cm để khống chế cỏ và giúp lúa sinh trưởng tốt, giữ nước đến khoảng 1 tháng sau khi sạ, rút nước phơi ruộng 5-7 ngày nhằm tăng cường lượng ôxy trong đất giúp rễ ăn sâu, hạn chế chồi vô hiệu, cây lúa cứng cáp, khỏe mạnh hơn.

7. Bón phân theo bảng so màu lá:

Lợi ích: Giúp cây lúa phát triển khỏe không có hiện tượng dư đạm dẫn đến sâu bệnh, giảm được lượng phân đạm.

Phương pháp: So màu 15-20 lá lúa đã trưởng thành (lá thứ 3 từ trên xuống), ghi nhận kết quả, tính bình quân sẽ được chỉ số màu biểu hiện tình trạng đạm trong lá lúa. Căn cứ kết quả so màu để quyết định bón phân đạm hay không. Trên bảng so màu lá có 6 khung màu từ nhạt tới đậm, thường thì chỉ số màu lá ở khung số 4 là khung chuẩn (đủ đạm), nhỏ hơn 4 là thiếu đạm, lớn hơn 4 là dư đạm.

- Lần 1: Bón phân nền: Sau khi sạ 7 ngày bón 50 kg DAP + 30 kg urê + 10 kg kali.

- Lần 2: 18-21 ngày sau khi sạ, so màu lá nếu chỉ số dưới 4, bón 50-70 kg urê + 50 kg DAP + 20 kg kali. Nếu chỉ số trên 4 thì có thể bón 50 kg DAP + 20 kg kali hoặc không cần bón nếu chỉ số màu lá quá cao hay vùng đất ít phèn. Tiếp tục so màu lá 7 ngày 1 lần (28-35 ngày sau khi sạ), nếu chỉ số so màu dưới 4 thì bón 50 kg urê/ha, nếu chỉ số vẫn cao hơn 4 thì không bón phân và chờ đến khi lúa có tim đèn.

- Lần 3: Khi lúa có tim đèn (đòng cao 1-2cm) so màu lá, nếu chỉ số so màu nhỏ hơn 4 thì bón 20 kg kali + 60-70 kg urê. Nếu chỉ số so màu lớn hơn 4 thì không bón urê mà chỉ bón 20 kg phân kali/ha. Khi lúa chuẩn bị trổ không nên bón phân đạm.

8. Quản lý dịch bệnh theo chương trình IPM:

Tất cả biện pháp canh tác trên đều nhằm mục đích nuôi cây khỏe tăng sức đề kháng sâu bệnh, bảo vệ nguồn thiên địch trong đồng ruộng. Đó là 2 nguyên tắc chính của chương trình IPM.

Trường hợp mật độ sâu bệnh không đến mức gây hại thì chỉ cần xịt thuốc 1 lần trước khi lúa trổ 5-7 ngày.

- Vụ đông xuân: Ngừa bệnh cháy lá bằng Kasai, ngừa sâu cuốn lá, bọ xít hôi bằng Padan 95 SP, Regen 0.3G...

- Vụ hè thu: Ngừa bệnh lem lép hạt, đốm vằn bằng Til super, Validacin, Anvil. Ngừa các loại sâu bằng Padan 95 SP, Karate...

- Nếu sạ dày, bón dư phân đạm sẽ tạo điều kiện sâu bệnh phát triển.

- Nếu sử dụng thuốc quá sớm trước 40 ngày sau khi sạ sẽ có nguy cơ sâu bệnh bộc phát khi lúa trổ.

9. Thu hoạch đúng độ chín:


Thu hoạch khi lúa chín 85%, giữ được chất lượng gạo, nếu để lúa quá chín sẽ dễ bị rụng, hao hụt nhiều khi thu hoạch, tăng tỉ lệ gẫy gạo khi xay chà.

10. Phơi sấy kịp thời:


Làm khô hạt sớm ngay sau khi thu hoạch, trong vòng 24-48 giờ sau thu hoạch sẽ được phẩm chất gạo. Nên dùng lò sấy điều chỉnh nhiệt độ sấy thích hợp sẽ tăng tỉ lệ gạo nguyên trong xay chà.

 

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Chào các bạn đến

Chào các bạn đến với diễn đàn nông nghiệp Việt Nam. Diễn đàn được lập nhằm mong muốn nông dân, cán bộ khuyến nông và các bạn yêu thích nông nghiệp có nơi trao đổi học tập. Diễn đàn mong là nơi để bà con nông dân, cán bộ khoa học, các bạn sinh viên...trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của mình về lĩnh vực nông nghiệp.

@ Các bạn có thể xem tất cả các đề mục tùy thích.

@ Nếu muốn xem các liên kết hoặc gửi bài xin các bạn đăng ký thành viên.

@ Một số quy định...

     Xin cảm ơn và mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân và bạn bè.


Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Trung Quốc: Lúa lai siêu cấp sản lượng lên tới 900 kg/sào vào năm 2015


LUAGAO - Mới đây, tại Bác Ngao, Hải Nam, viện sĩ Viên Long Bình-"Cha đẻ của lúa lai thế giới", người đề xuất và chủ trì Chương trình gây giống lúa lai siêu cấp Trung Quốc nói, sau 13 năm nghiên cứu và nhân rộng, công tác nghiên cứu lúa lai siêu cấp Trung Quốc đã thu được thành tựu đáng mừng, gieo trồng thử trên diện tích nhỏ tại khu vực thâm canh lương thực đã cho thu hoạch cao. Chương trình gây giống lúa lai siêu cấp Trung Quốc bắt đầu triển khai từ năm 1996, nhằm giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực Trung Quốc trong tương lai.

Viện sĩ Viên Long Bình cho biết, theo Chương trình "nghiên cứu cải tiến và ứng dụng giống lúa lai siêu cấp chất lượng cao" do Bộ Khoa học kỹ thuật Trung Quốc ấn định vào năm 2008, mục tiêu giai đoạn 3 được thực thi theo 3 bước, tức là chỉ tiêu sản lượng thí điểm trên diện tích rộng lúa lai siêu cấp một vụ năm 2010 lên tới 830 kg/sào; năm 2012 lên tới 860 kg/sào; năm 2015 lên tới 900 kg/sào.

Viện sĩ Viên Long Bình nói, "nghiên cứu lúa lai siêu cấp có ý nghĩa to lớn, có lợi cho đảm bảo an ninh lương thực Trung Quốc và thế giới; có lợi cho nông dân Trung Quốc gia tăng thu nhập, nông nghiệp tăng năng suất; có lợi cho kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững; nâng cao trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật ngành giống Trung Quốc; thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường."

Hiền Phạm

Nguồn: http://nongnghiep.vn/NongnghiepVN/vi-VN/61/158/2/107/107/46981/Default.aspx