Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Thị trường phân bón: Vẫn lo chuyện giá tăng, hàng giả

LUAGAO - Nguồn cung trong nước tăng lên trong khi điều kiện sản xuất thuận lợi và các biện pháp kỹ thuật trồng trọt đang có xu hướng tiết giảm dần sử dụng phân bón, khiến thị trường này được dự báo sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, (Bộ NNPTNT) tổng lượng sản xuất phân bón sản xuất và nhập khẩu năm 2011 đạt khoảng 9,28 triệu tấn các loại, đáp ứng cơ bản nhu cầu cả nước.
Trong đó, lượng phân sản xuất trong nước đạt hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 6% so với năm 2010. Dự báo, sang năm 2012, cả nước cần khoảng 9,88 triệu tấn phân các loại, trong đó urê chiếm khoảng 2 triệu tấn, đạm SA khoảng 710.000 tấn, kali 920.000 tấn và DAP khoảng 950.000 tấn. Khả năng sản xuất trong nước, theo dự báo của Bộ Công Thương ở mức 7,25 triệu tấn với các loại như urê, DAP và NPK, còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Cá c doanh nghiệp đang tích cực sản xuất để cung cấp phân bón cho sản xuất vụ đông xuân.
Vẫn lo hàng kém chất lượng
Riêng vụ đông xuân tới, cả nước cần 970.000 tấn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, ngành nông nghiệp trong nước hiện có một số ưu điểm khiến nhu cầu phân bón vụ tới không cao như dự báo. Theo đó, lũ lụt ở ĐBSCL thời gian qua giúp nông dân giảm một lượng phân bón đáng kể do có phù sa bồi đắp.
Ngoài ra, diện tích vụ đông ở miền Bắc giảm kéo theo nhu cầu phân bón cũng giảm theo. "Dù nhu cầu không tăng nhưng khi ĐBSCL vào vụ tập trung thì lượng phân bón cần đáp ứng là rất lớn. Lúc đó giá phân bón trong nước cũng sẽ tăng đồng thời sẽ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ do phân bón không đưa về kịp, nhất là vùng sâu, vùng xa" - ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cho biết.
Tình trạng hàng giả, kém chất lượng trong năm qua mặc dù đã giảm nhiều những vẫn là vấn đề “đau đầu” của ngành phân bón. Năm 2011, quản lý thị trường đã xử lý khoảng 300 vụ vi phạm, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn bất chính. "Lợi dụng những thời điểm nhu cầu phân bón tăng cao, phân bón giả được mang về vùng sâu vùng xa tiêu thụ. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp cũng chỉ mới bị xử lý hành chính nên sức răn đe chưa cao" - TS Võ Văn Quyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết.
Tính toán lại giá thành
Cả nước hiện có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất phân bón. Sản xuất nhìn chung trên đà tăng trưởng, từ năm 2000 đến nay, tăng từ 42 - 50% sản lượng. Tuy nhiên, giá phân bón vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, tính đến cuối tháng 9.2011, giá phân bón các loại tăng bình quân 31,8%. Tỷ lệ tăng cao nhất là SA với 48,8%, kali tăng thấp nhất cũng đạt mức 19,5%.
Bộ NNPTNT khuyến khích nông dân sử dụng các loại phân bón có chứa các chất tăng hiệu suất như: NEB - 26, Agrotain và tăng cường sử dụng phân tổng hợp NPK, phân hữu cơ, vi sinh... để giảm chi phí sản xuất.
Ông Trương Hợp Tác 
Trưởng phòng Phân bón, 
Cục Nông nghiệp VN
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thành sản xuất phân bón trong nước rẻ hơn rất nhiều so với giá thành phân bón nhập khẩu vì doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường trong hoạt động sản xuất phân bón. "Nếu tính đủ theo nguyên tắc thì trong thời gian tới, giá than cục 2b bán cho sản xuất phân lân phải tăng 82% và giá than cục 1b cho sản xuất phân đạm phải tăng 54% so với giá đang bán hiện tại, việc này sẽ đẩy giá thành sản xuất phân bón tăng lên rất nhiều" - ông Thỏa cho biết thêm.
Theo tính toán của ông Thỏa, nếu tính đủ các yếu tố chi phí, giá đạm urê sử dụng than để sản xuất tăng hơn 24% (từ 7,86 lên gần 9,77 triệu đồng/tấn), giá đạm urê sử dụng khí để sản xuất tăng 22,3%, lên mức 5,32 triệu/tấn và giá phân lân tăng 20% lên 2,86 triệu đồng/tấn.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

ĐBSCL: Phát triển cánh đồng mẫu lớn: Nông dân giảm chi, bội thu

LUAGAO - Việc mở rộng cánh đồng mẫu lớn là xu hướng sản xuất lúa tất yếu trong thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng, không phải đắn đo.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng tại Hội nghị Tổng kết lúa thu đông 2011 và phát triển cánh đồng mẫu lớn 2012 (CĐML) do Cục Trồng trọt vừa tổ chức.
Lợi nhuận tăng cao
Với tổng diện tích hơn 7.800ha cùng sự tham gia của 6.400 hộ nông dân trong lần thí điểm đầu tiên, CĐML được đánh giá là một cải tiến rất lớn của ngành nông nghiệp.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Long An.
Theo Cục Trồng trọt, mục tiêu của mô hình CĐML nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: "Do diện tích canh tác bình quân của từng hộ nông dân ta rất nhỏ, chỉ khoảng 1,08 ha/hộ trong khi việc sản xuất lúa ngày càng hiện đại, những cánh đồng lớn, những vùng nguyên liệu đủ sức cung ứng cho chế biến, xuất khẩu từ vài ngàn đến vài chục ngàn ha là yêu cầu tất yếu".
Theo ông Dư, vụ hè thu 2011, CĐML được thực hiện tại 12 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh với những thành công ban đầu rất thuyết phục. Theo đó, lợi nhuận tăng thêm so với khu vực sản xuất ngoài mô hình đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha. Cá biệt, có tỉnh như Trà Vinh, lợi nhuận tăng thêm đạt đến 7,5 triệu/ha, nâng tổng lợi nhuận bình quân đạt mức 26 - 27 triệu đồng/ha.
Trong khi giá thành sản xuất giảm nhiều do nông dân sử dụng đồng nhất 1 - 2 loại giống cấp xác nhận I hoặc cấp xác nhận II trên cùng một cánh đồng, áp dụng phương pháp sạ hàng, lượng giống gieo chỉ từ 100 - 120kg/ha so với mức thông thường từ 130kg/ha. Ngoài ra, chi phí phân bón giảm từ 480.000 đồng/ha, thuốc BVTV giảm 110.000 đồng/ha.
Đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu
Một đặc điểm của sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL là phần lớn hộ nông dân khi thu hoạch lúa thường bán ngay cho thương lái. Nếu có phơi khô cũng bán đến 95% sản lượng lúa, rất ít hộ giữ lúa tại nhà với thời gian trên 1 tháng/vụ. Việc này khiến nông dân thường bị thương lái ép giá, tranh mua nguyên liệu…
Tham gia mô hình CĐML, Công ty Angimex vừa cung ứng giống, phân bón cho nông dân vừa thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường từ 200 - 300 đồng/kg. Còn Công ty cổ phần BVTV An Giang lại giúp nông dân vận chuyển, sấy và lưu kho trong thời gian 30 ngày. Những mô hình liên kết này bước đầu hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua, có sự liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ.
"Xưa nay DN chỉ thu mua lúa theo cách "chộp giật". Nông dân vì cần vốn quay vòng cho vụ tiếp theo mà phải bóp bụng bán lúa ép giá. Khi liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất lúa, chúng tôi được đảm bảo về nguồn hàng cho xuất khẩu, cả về số lượng và chất lượng" - ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty BVTV An Giang chia sẻ.
CĐML là một cải tiến vượt bậc của ngành nông nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội với nông dân của DN. Cần có quy hoạch cụ thể cùng sự tự nguyện tham gia của các DN để duy trì và nhân rộng mô hình này.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT 
Bùi Bá Bổng
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Dư nhấn mạnh: "Không thể hình thành thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam nếu không có vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn, CĐML từng bước giúp nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng và theo kế hoạch cụ thể". Vẫn theo ông Dư, Việt Nam hiện có 210 DN tham gia xuất khẩu gạo, nếu mỗi DN xây dựng cho mình vùng nguyên liệu rộng 10.000ha thì sẽ có ít nhất 210.000ha sản xuất lúa nguyên liệu, chiếm khoảng 12,7% diện tích canh tác.
Trước những hiệu quả ban đầu trên, mô hình CĐML được nhân rộng ra trên diện tích khoảng 20.000ha trong vụ đông xuân 2012, hướng tới việc hình thành vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu sản xuất theo chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tập hợp nông dân cũng như kêu gọi DN tham gia vào mô hình cần giải quyết.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Thời vụ, cơ cấu giống lúa ĐX tại Nam Trung bộ

LUAGAO - Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) sản xuất nông nghiệp và dịch vụ vẫn chiếm ưu thế. Đây là vùng thường xuyên gánh chịu những đợt thời tiết khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến SXNN. SX lúa gạo có tầm quan trọng đặc biệt đảm bảo ANLT, ổn định đời sống cho người dân trong vùng.

Sản xuất lúa vụ đông xuân ở Nam Trung bộ có nhiều lợi thế như thời gian sản xuất kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau nên cây lúa có điều kiện tích sinh trưởng và lũy chất khô vào các bộ phận kinh tế để đạt năng suất cao. Trong khi nền nhiệt độ tăng dần từ đầu vụ đến cuối vụ, biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch nhau khá cao từ 6-12oC; cường độ ánh sáng dồi dào, nhất là vào cuối vụ; cường độ bốc hơi nước thường thấp hơn vụ hè thu đã giúp cho cây lúa tích lũy chất khô về hạt rất tốt, khả năng đạt năng suất cao nhất trong năm là có cơ sở.

Tuy vậy, thực trạng sản xuất lúa vụ đông xuân tại các tỉnh trong vùng thường không ổn định, nhiều nơi mất mùa cục bộ, cụ thể kết quả điều tra tình hình sản xuất lúa trong 11 năm từ 2000-2010 tại các tỉnh trong vùng cho thấy số vụ đông xuân năng suất thấp và bấp bênh như sau: Đà Nẵng có 5/11 vụ, Quảng Nam 3/11 vụ, Quảng Ngãi 4/11 vụ, Bình Định 5/11 vụ; Phú Yên 4 /11 vụ và Khánh Hòa 7/11 vụ.

Nguyên nhân chính là do một số địa phương còn sử dụng cơ cấu 3 vụ lúa/năm nên đã co kéo về thời gian, hoặc cơ cấu 2 vụ lúa/năm nhưng do bố trí không đúng lịch thời vụ gieo sạ, thường nôn nóng đẩy thời vụ đông xuân lên sớm để kịp sạ lúa vụ 3 và sử dụng không đúng cơ cấu giống lúa gieo sạ theo từng trà, giống lúa ngắn, trung ngày lại gieo cấy sớm vào trà đầu vụ (tháng 12) nên khi cây lúa vào giai đoạn làm đòng, trổ bông luôn gặp thời tiết bất lợi như nhiệt độ thấp, mưa phùn đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối cùng.

Mặt khác còn có nguyên nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ đông xuân tại các tỉnh trong vùng đó là:

- Mưa muộn trong tháng 12 của năm trước, do mưa tập trung có khi hình thành lũ sớm đã gây ảnh hưởng đến trà gieo sớm sẽ làm trôi dạt giống thời điểm gieo sạ và ức chế sinh trưởng phát triển cây lúa thời kỳ cây con.

- Thời tiết giá lạnh từ tháng 1 đến 15/3, do nhiệt độ xuống thấp dưới 18-20oC, ẩm độ không khí tuyệt đối thấp < 55% và kết hợp mưa phùn đã ảnh hưởng đến trà lúa sớm làm đòng, trổ bông từ tháng 2 đến trước 10/3 sẽ gây nên tỷ lệ lép cao, thoái hóa đầu bông và hạt lửng nhiều dẫn đến năng suất thấp.

- Hạn hán diễn ra mạnh từ tháng 2 đến tháng 5, nặng nhất là từ tháng 2-5. Hạn kết hợp nhiệt độ tăng nhanh trên 30oC đã làm cạn kiệt nguồn nước tưới cho lúa. Hạn hán cũng tạo nên môi trường nắng ẩm là một trong những điều kiện rất thích hợp cho rầy nâu, rầy lưng trắng có cơ hội phát triển nhanh và có nguy cơ lan rộng thành dịch gây hại lớn.

Từ thực tiễn sản xuất lúa trong nhiều năm qua, các tỉnh trong vùng đã đồng loạt chuyển đổi hầu hết diện tích từ 3 vụ lúa/năm bấp bênh sang trồng 2 vụ/năm ăn chắc. Nhờ việc bố trí lại thời vụ gieo cấy và sử dụng cơ cấu giống lúa hợp lý, nên sản lượng lúa 2 vụ lúa/năm vẫn đạt cao từ 11-13 tấn/năm, tương đương sản lượng lúa gieo cấy 3 vụ lúa/năm, nhưng lại giảm được gần 1/3 chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế tăng cao. Từ những căn cứ có cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên nên khung thời vụ và cơ cấu giống lúa sản xuất vụ đông xuân 2011-2012 tại các tỉnh trong vùng như sau:

1. Thời vụ gieo sạ

- Đà Nẵng: lúa trổ bông an toàn từ ngày 20/3-5/4; thu hoạch lúa trước 30/4. Thời vụ gieo sạ từ ngày 20/12 và chậm nhất 10/1.

- Quảng Nam: lúa trổ bông an toàn từ ngày 20/3 đến 5/4; thu hoạch lúa từ ngày 25/4 đến 5/5. Thời vụ gieo sạ từ ngày 25/12 và chậm nhất 5/1.

- Quảng Ngãi: lúa trổ bông từ ngày 20/3 đến 5/4; thu hoạch lúa từ ngày 25/4 đến 5/5. Thời vụ gieo sạ từ ngày 25/12 và trà muộn nhất 10/1.

- Bình Định:

+ Cơ cấu 2 vụ lúa/năm: lúa trổ bông an toàn từ 15/3-30/3 và thu hoạch từ 15-30/4. Thời gian gieo sạ ngày 25/12 và trà muộn nhất 10/1.

+ Cơ cấu 3 vụ lúa/năm: lúa trổ bông từ 15/2-30/2. Thời gian gieo sạ từ 05/12-15/12 và thu hoạch từ 25/3-5/4.

- Phú Yên: lúa trổ bông an toàn từ 10/3-25/3 và thu hoạch từ 15-30/4. Thời gian gieo sạ từ ngày 20-30/12 và muộn nhất 5-10/1.

- Khánh Hòa: lúa trổ bông an toàn từ 10/3-25/3 và thu hoạch từ 10-25/4. Thời gian gieo sạ từ ngày 10-30/12 và chậm nhất 5/1.

2. Cơ cấu giống lúa

- Đà Nẵng: gieo sạ các giống lúa chính: NX30, Xi23. Giống bổ sung TBR45, HT1, Q5, Khang dân đột biến.

- Quảng Nam: gieo sạ các giống lúa chính Xi23, X21, TBR45, CH207, HT1, Q.Nam1; các giống lúa lai Nhị ưu 838, BiO404. Giống lúa bổ sung: NP12, NP16, TBR1, ĐT34, BC15, SH63, Q5, ĐV108, KD18 đột biến và TH3-3.

- Quảng Ngãi: gieo sạ các giống lúa chính: Q5, Khang dân đột biến, ĐV108, ĐH99-81, ĐH815-6, TBR1, ML48, HT1, ĐT34; các giống lúa lai: Nhị ưu 838, TH3-3, Syn6. Các giống lúa bổ sung: VS1, NX30, Xi23, BM9855, BTE1, BIO404.

- Bình Định:

+ Cơ cấu 2 vụ lúa/năm: các giống lúa chính: ĐV 108, ĐB6, Khang dân đột biến, SH2; lúa lai Nhị ưu 838. Các giống lúa bổ sung: TBR1, Q5, VTNA1, BiO404, D.ưu527, BTE1, N.ưu 69.

+ Cơ cấu 3 vụ lúa/năm: các giống lúa chính: ĐV 108, ĐB6, Khang dân đột biến, SH2; lúa lai Nhị ưu 838. Các giống lúa bổ sung: TBR1, ML202, ML214, ML48, HT1, VTNA1, TH3-3 PAC 807.

- Phú Yên: các giống lúa chính: ML202, ML201, ĐV108, Khang dân đột biến, OM6162, OM4088; các giống lúa lai: BiO404, Syn6, PAC807. Các giống bổ sung: ML68, ML48, TH41, HT1, TH6, ML216, ĐT34.

- Khánh Hòa: các giống lúa chính: TH6, ML202, TH41, TH6, ĐT34, VS1, ML48, HT1, ĐV108, Khang dân đột biến. Các giống lúa bổ sung: ML214, TH41, ML216.

3. Một số lưu ý trong thâm canh

Trong sản xuất lúa vụ đông xuân tại các tỉnh Nam Trung bộ cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Tiếp tục cải tiến thời vụ gieo cấy để lúa đông xuân làm đòng và trổ bông an toàn trong thời tiết nắng ấm. Các tỉnh phía bắc DHNTB gồm TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các huyện phía bắc tỉnh Bình Định cần cho lúa trổ bông an toàn từ ngày 20 tháng 3 trở đi để tránh gặp lạnh, nhiệt độ thấp dưới 22oC.

- Cần sử dụng cơ cấu giống lúa thuần ngắn, trung ngày, năng suất cao, chất lượng khá, ít nhiễm sâu bệnh, thích ứng rộng phù hợp gieo cấy cả 2 vụ đông xuân và hè thu để thu hoạch gọn trước 15/9 nhằm tránh gió bão, lũ lụt.

- Đẩy mạnh sản xuất lúa lai, nhất là các giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, com ngon. Phấn đấu tăng dần diện tích lúa lai gieo cấy trong vùng từ 15-20% tổng diện tích để nâng cao sản lượng lúa nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ.

- Xây dựng các vùng sản xuất lúa giống tập trung hàng hóa kể cả giống lúa thuần và giống lúa lai để chủ động hạt giống và phục vụ sản xuất vụ mùa tại các tỉnh miền Bắc.

- Thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và chương trình 3 giảm 3 tăng trong thâm canh tăng năng suất lúa.

- Đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, sử dụng các loại phân bón hỗn hợp NPK, phân nén để bón ruộng, kết hợp bón phân hữu cơ vi sinh và bón vôi để nâng cao độ phì đất lúa tại các tỉnh trong vùng.

- Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, chứng nhận chất lượng và kinh doanh giống cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng tại các tỉnh trong vùng.

(Báo NNVN)