(1) Arize B-TE1
- Nguồn gốc: Arize B-TE1 là tổ hợp lúa lai ba dòng, do Công ty Bayer CropScience tại Ấn Độ lai tạo và sản xuất, nhập vào Việt Nam và được công nhận là giống quốc gia năm 2004.
- Đặc tính chủ yếu: Đây là giống lúa thích ứng rất rộng, khối lượng 1.000 hạt 17 - 18 g, kháng đạo ôn (cấp 1), chống rầy nâu trung bình (cấp 5), chống bạc lá tốt. Năng suất từ 7 – 10 tấn/ha.
+ Arize B-TE1 đã đạt Cúp Vàng Nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) trao tháng 9/2007; cúp Bạn nhà nông do Bộ Công thương trao tháng 12/2007 và cúp Bông lúa vàng Việt Nam 2008 do Bộ NN và PTNT trao ngày 29/4/2008.
+ Arize B-TE1 hiện đang trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam như Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.
(2) Bác ưu 903 (Bác ưu quế 99)
- Nguồn gốc: Bác ưu 903 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, do trạm nghiên cứu Nông nghiệp Bác Bạch, Trung Quốc tạo ra từ tổ hợp lai BoA/Quế 99, nhập vào Việt Nam từ 1991
- Đặc tính chủ yếu: Bác ưu 903 là giống cảm quang yếu, cấy vào vụ mùa.
+ TGST từ 125 – 130 ngày. Cây cao từ 105 – 115 cm, thân gọn, cứng cây.
+ Bông dài 25 – 26 cm, số hạt chắc trên bông khoảng 130 – 140 hạt.
+ Khối lượng 1.000 hạt từ 23 – 24 g; gạo trong, dài. Năng suất 6,5 – 7 tấn/ha.
+ Chống bệnh đạo ôn khá, nhiễm nhẹ khô vằn và bạc lá.
(3) Bio 404
- Nguồn gốc: Bio 404 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng do Ấn Độ lai tạo, được Công ty Bioseed Việt Nam nhập nội và sản xuất
- Đặc tính chủ yếu:
+ TGST vụ xuân từ 120 -125 ngày, Bio 404 có khả năng chống đổ tốt, nhiễm bệnh khô vằn nhẹ, chiều cao cây từ 105 – 110 cm, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, dạng hình cây gọn, lá màu xanh nhạt, bông to, nhiều hạt, trung bình 176 hạt/bông.
+ Năng suất bình quân 8,05 tấn/ha
+ Bio 404 thích hợp vùng từ Bình Định trở ra phía Bắc
(4) Bồi tạp 49
- Nguồn gốc: Bồi tạp 49 là giống lúa lai hệ hai dòng mẹ là Pei A’I 64S và bố là Te 49 do Trung Quốc tạo ra, được thử nghiệm ở Việt Nam từ 1997
- Đặc tính chủ yếu: TGST từ 116 – 120 ngày vụ xuân và 95 – 100 ngày vụ mùa. Chiều cao cây 95 – 105 cm, chiều dài bông 22 – 23 cm. Số hạt/bông 150 – 170 hạt, khối lượng 1.000 hạt 19 – 20 g, hạt thon bé màu vàng đậm, gạo trong, cơm dẻo. Giống sinh trưởng nhanh, chống đạo ôn, nhiễm khô vằn nhẹ, không chống rầy nâu. Năng suất đạt 8 – 8,5 tấn/ha.
(5) CNR 5104
- Nguồn gốc: CNR 5104 là tổ hợp lúa lai ba dòng, do công ty Xuyên Nông (Trường Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc) chọn tạo
- Đặc tính chủ yếu: CNR 5104 có chiều cao cây trung bình 121 cm. Chiều dài lá đòng 29,4 cm, lá dày, đứng, màu xanh đậm; chiều rộng lá đòng 1,8 cm, góc lá hẹp. Chiều dài bông 25,6 cm, bông to, hạt xếp sít, dạng hạt thon dài, màu vàng sáng.
+ CNR 5104 có khoảng 145 hạt chắc/bông, 8 bông/khóm, trọng lượng 1.000 hạt trung bình 28g. Nhiễm bệnh khô vằn, đạo ôn ở mức nhẹ. Năng suất bình quân đạt 7,8 tấn/ha.
+ CNR 5104 hiện đang trồng phổ biến tại Ninh Bình
(6) HYT83
- Nguồn gốc: Tác giả chính PGS. TS Nguyễn Trí Hoàn (Trung tâm nghiên cứu lúa lai, Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam). HYT83 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, là con lai F1 của IR58025A/RTQ5; được công nhận tạm thời năm 2004
- Đặc tính chủ yếu: TGST vụ xuân 120 – 130 ngày, vụ mùa 110 – 115 ngày. Chiều cao cây 95 – 110 cm, lá xanh đậm, đẻ nhánh khá, hạt gạo thon, mỏ hạt trắng. Khối lượng 1.000 hạt 23 – 24 g. Cơm mềm, ngon, có mùi thơm nhẹ. Năng suất trung bình 5,5 – 6 tấn/ha, năng suất cao nhất có thể đạt 7 – 7,5 tấn/ha. Chống chịu bệnh đạo ôn, đốm sọc vi khuẩn, bạc lá tương đối khá.
(7) Nhị Ưu 63
- Nguồn gốc: Nhị Ưu 63 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, là con lai F1 của Nhị 32A/Minh khôi 63, có nguồn gốc Trung Quốc, nhập vào Việt Nam năm 1995
+ Đặc tính chủ yếu: là giống cảm ôn, cấy được hai vụ. TGST vụ xuân 135 – 140 ngày; vụ mùa 115 – 125 ngày. Cây cao trung bình 115 – 120 cm, thân cứng, đẻ trung bình khá. Lá xanh lục nhạt, to bản, góc lá đòng lớn. Bông dài 23 – 27 cm, số hạt/bông 130 – 160 hạt, mỏ hạt tím, vỏ trấu màu vàng sáng, hạt bầu hơi dài. Khối lượng 1.000 hạt 28 g, gạo trắng, cơm ngon. Năng suất trung bình 7,5 – 8,0 tấn/ha, thâm canh có thể đạt 9,0 – 10 tấn/ha. Chịu rét, chống đạo ôn tốt, nhiễm bạc lá.
(8) Nhị ưu 838
- Nguồn gốc: Nhị ưu 838 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, có nguồn gốc Trung Quốc, là tổ hợp lai của II-32A/Bức khôi 63. Dòng phục hồi 838 được tạo ra theo phương pháp gây đột biến. Nhập trồng ở Việt Nam 1998
- Đặc tính chủ yếu: là giống cảm ôn. TGST khoảng 128 ngày. Cây cao 100 – 110 cm, thân to chống đổ, chịu phân, đẻ khá, lá xanh, cứng. Bông dài 22 – 24 cm, số hạt/bông từ 140 – 150 hạt. Trọng lượng 1.000 hạt 27 – 28 g, gạo dài mẩy. Chống bệnh đạo ôn khá.
(9) Sán Ưu Quế 99 (Tạp giao 5)
- Nguồn gốc: Sán Ưu Quế 99 là tổ hợp lai của Trân Sán 97A/Quế 99 của Quảng Tây, Trung Quốc, nhập vào Việt Nam năm 1991
- Đặc tính chủ yếu: là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, cảm ôn, cấy được hai vụ, thời gian sinh trưởng (TGST) vụ xuân 130 – 135 ngày, vụ mùa 110 – 115 ngày. Cây cao 90 – 110 cm, cứng cây chịu phân, chống đổ tốt, đẻ khỏe, bông hữu hiệu 70%, gốc tím nhạt. Lá màu xanh đậm, góc lá đòng bé. Bông dài 22 – 25 cm, số hạt/bông 120 – 140 hạt, hạt bầu dài, màu vàng sáng, mỏ hạt tím. Khối lượng 1.000 hạt 27 – 28 g, hạt gạo trong, cơm mềm không dẻo. Thích ứng rộng, chống chịu rét, chịu đạo ôn khá, kém chịu nóng, dễ nảy mầm trên bông khi gặp mưa hoặc bị ngập nước. Năng suất trung bình 7 – 7,5 tấn/ha, thâm canh cao đạt trên 9 tấn/ha.
(10) TH3 – 3
- Nguồn gốc: Tác giả chính PGS. TS Nguyễn Thị Trâm (Viện sinh học Nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội). TH 3 – 3 là tổ hợp lúa lai hai dòng, là con lai F1 của T1s96/R3 (ĐH96), được công nhận giống quốc gia năm 2005
- Đặc tính chủ yếu:
+ TGST vụ Xuân 115 – 120 ngày, vụ mùa 100 - 105 ngày. Chiều cao cây 95 – 105 cm, bông to, số hạt/bông 180 – 250 hạt, tỷ lệ lép 6 – 7%. Khối lượng 1.000 hạt 24 – 26 g, hạt thon dài trên 7 mm, hàm lượng amylose 21,43%; hàm lượng protein 7,82%.
+ Năng suất trung bình vụ xuân 5,5 – 6 tấn/ha, năng suất cao đạt 7 – 7,5 tấn/ha. Nhiễm khô vằn vừa và nhẹ, chống đổ khá.Chiều cao cây: 90 – 95 cm, đẻ nhánh trung bình, bản lá rộng, hơi mỏng, xanh sáng.
+ Chịu rét khá trong giai đoạn mạ, chống đổ khá, nhiễm nhẹ các bệnh khô vằn, bạc lá, không bị đạo ôn. Thích hợp chân đất vàn, chịu thâm canh khá, chịu hạn khá.
+ Bông to, hạt dài, xếp, sít, khối lượng 1.000 hạt 24 – 26 g. Năng suất: 70 – 80 tạ/ha. Hạt gạo trong, tỷ lệ gạo xát cao 69 – 71 % thóc, hạt dài trên 7 mm, hàm lượng amylose 21,43 %, cơm ngon trắng, mềm, vị đậm.
+ Tổ hợp TH 3 – 3 đã chuyển giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Nam Định) với giá 10 tỷ đồng. Hiện đang trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung như: Nam Định, Quảng Nam, Thái Bình, Hà Nam.
(11) TH3 – 4
- Nguồn gốc: TH3 – 4 là tổ hợp lúa lai hệ hai dòng, cả bố và mẹ đều được chọn tạo tại Viện Sinh học Nông nghiệp, trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. Dòng mẹ là T1S-96, dòng bố R4 được chọn trong quần thể phân ly của một giống nhập nội năm 1997. Được công nhận cho sản xuất thử năm 2005.
- Đặc tính chủ yếu: TGST vụ xuân 120 – 125 ngày, vụ mùa 105 – 110 ngày. Chiều cao cây 100 – 110 cm, đẻ nhánh khá, bản lá đứng, cứng, xanh đậm. Năng suất trung bình 6 – 8 tấn/ha, bông to dài, nhiều hạt, hạt dài sếp xít, trọng lương 1.000 hạt từ 23 – 24 g. Chất lương xay xát tốt: tỷ lệ gạo xay xát 69 – 71%; gạo nguyên 60 – 70%; hạt gạo trong, thon dài, hàm lượng amylose 23%, protein 7,8%, cơm trắng, ngon, mềm. Chống chịu: chịu thâm canh, chống đổ tốt, kháng đạo ôn, nhiễm nhẹ khô vằn, bạc lá, chịu chua phèn.
(12) TH3-5
- Nguồn gốc: TH3 – 5 là tổ hợp lúa lai hai dòng. Tác giả chính PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Viện Sinh học Nông nghiệp - Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội) chọn lọc và lai tạo. Dòng mẹ là T1S-96, dòng bố R5 chọn lọc từ quần thể phân ly của giống nhập nội
- Đặc tính chủ yếu: Đây là giống có thời gian sinh trưởng ngắn: vụ mùa 105-110 ngày, vụ xuân 120-125 ngày, kiểu cây bán lùn, thân cứng, lá xanh đậm, bông to, hạt dài, chất lượng gạo khá. TH3-5 có thể chống được bệnh bạc lá ở vùng đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên theo như khuyến cáo khi trồng ở vùng miền núi hoặc vùng Bắc Trung bộ cần lưu ý tới khả năng nhiễm bạc lá. TH3-5 chống chịu rét khá, chống đổ tốt, kháng rầy trung bình, kháng đạo ôn, nhiễm nhẹ khô vằn, bạc lá, chịu hạn, chua phèn, thâm canh…Chất lượng xay xát tốt, tỷ lệ gạo xát đạt 68-70%, hạt gạo dài, cơm trắng, ngon, vị đậm. Năng suất trung bình 7-8 tấn/ha.
(13) TH5 – 1
- Nguồn gốc: TH5 – 1 là tổ hợp lúa lai hệ hai dòng, cả bố và mẹ đều được chọn tạo tại Viện Sinh học Nông nghiệp, trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. Dòng mẹ P5S là dòng bất dục đực mẫn cảm quang chu kỳ ngắn, chọn từ tổ hợp lai T1S-96/Peia’64S và dòng bố R1 được chọn trong quần thể phân ly của một giống nhập nội. TH5 – 1 đã được công nhận tạm thời năm 2006
- Đặc tính chủ yếu: TGST vụ xuân 120 – 125 ngày, vụ mùa 105 – 110 ngày. Chiều cao cây 100 – 110 cm, đẻ nhánh khá, bản lá đứng, lòng mo, xanh đậm. Năng suất trung bình từ 6 – 8 tấn/ha, khối lượng 1.000 hạt khoảng 25 – 26 g. Chất lương xay xát tốt: tỷ lệ gạo xay xát 69 – 71%; gạo nguyên 60 – 70%; hạt gạo trong, thon dài, hàm lượng amylose 20%, protein 8,5%, cơm trắng, ngon, mềm. Chống chịu: chịu thâm canh, chống đổ tốt, kháng đạo ôn, nhiễm nhẹ khô vằn, bạc lá, chịu chua phèn.
(14) PAC 807
- Nguồn gốc: là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, nguồn gốc Ấn Độ, nhập nội bởi Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, được công nhận là giống quốc gia năm 2008
- Đặc tính chủ yếu:
+ Thấp cây 85 - 95 cm, đẻ nhánh khỏe, bông to (180-200 hạt chắc /bông), hạt gạo dài, trong, không bạc bụng, cơm nở mềm, ngon. Trọng lượng 1000 hạt (P 1.000) 24 g.
+ Năng suất 7 – 8 tấn/ha, cao hơn lúc thuần 10 - 15% (thâm canh tốt đạt 10 - 11 tấn/ha). TGST ngắn 85 - 90 ngày. Đặc biệt chống chịu tốt rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
+ Trồng được ở các tỉnh phía Nam (từ Quảng Nam trở vào). Hiện đang trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam như Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, và Bình Định.
(15) Việt Lai 20 (VL20)
- Nguồn gốc: Tác giả chính PGS. TS Nguyễn Văn Hoan (Đại học Nông Nghiệp I, Hà Nội). VL20 là tổ hợp lúa lai hệ hai dòng, là con lai F1 của 103s/R20, được công nhận giống quốc gia năm 2004. VL20 được đánh giá là bước ngoặc trong nghiên cứu lúa lai ở nước ta
- Đặc tính chủ yếu:
+ TGST vụ Xuân 110 – 115 ngày, vụ mùa 85 – 90 ngày. Chiều cao cây 90 – 95 cm, chiều dài bông 25 – 27 cm, số hạt/bông 150 – 160 hạt, tỷ lệ lép 6 – 7%. Khối lượng 1.000 hạt 29 – 30 g, hàm lượng amylose 20,7%; hàm lượng protein 10,5 – 10,7%; độ bạc bụng cấp 0 – 1, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,2 mm.
+ Năng suất trung bình vụ xuân 7 – 8 tấn/ha, năng suất cao đạt 9 – 10 tấn/ha; vụ mùa 6 – 7 tấn ha, năng suất cao đạt 7 – 8 tấn/ha. Khả năng chống chịu bệnh đạo ôn, bạc lá, nhiễm khô vằn, rầy nâu và chịu chua mặn nhẹ.
+ Việt lai 20 đã đoạt giải thưởng khoa học công nghệ năm 2005. Các tỉnh đưa Việt Lai 20 (VL20) vào cơ cấu giống chính thức là Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình, Yên Bái.
(16) Việt lai 24
- Nguồn gốc: là tổ hợp lúa lai hệ hai dòng, do PGS.TS Nguyễn Văn Hoan (Viện nghiên cứu lúa - Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội) lai tạo
- Đặc tính chủ yếu:
+ Việt lai 24 có TGST khoảng 120 ngày, cây thấp, cứng. Việt lai 24 đã được bổ sung gien Xa21 từ một giống lúa dại, có tác dụng kháng bệnh bạc lá rất tốt, đặc biệt có khả năng chịu hạn tốt. Chất lượng gạo tốt, không bạc bụng.
+ Năng suất bình quân 7 – 9 tấn/ha.
+ Việt Lai 24 hiện đang trồng tại các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nội và Hà Nam.
(Tổng hợp bởi KS. Nguyễn Chí Công - Nông học 30- ĐH Nông Lâm TP HCM)