Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Việt Lai 50: Bước đột phá lúa lai Việt

LUAGAO - Trong những năm gần đây diện tích gieo cấy lúa lai của Việt Nam ngày càng tăng. Theo báo cáo sơ kết của Cục Trồng trọt, diện tích lúa lai thương phẩm vụ đông xuân 2009 đạt 378.509 ha, chiếm 32,6% so với tổng diện tích lúa của miền Bắc. Vùng đồng bằng sồng Hồng đạt 142.246ha, chiếm 25% diện tích, một số tỉnh có diện tích tăng mạnh là Hải Dương tăng 4.564ha, Bắc Ninh tăng 6.395ha, Nam Định tăng 6.390ha…


Hàng năm nhu cầu cần 15.000 – 18.000 tấn giống lúa lai để phục vụ sản xuất đại trà, trong đó Việt Nam đã chủ động 30%, còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.


Có được kết quả trên do có chủ trương đúng đắn của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, nhất là có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai. Đối với lúa lai 3 dòng, tổng kết cho thấy sản xuất hạt lai F1 năng suất thường thấp, chất lượng không cao vì vậy giá thành không hạ là mấy so với lúa nhập khẩu, vì vậy các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu chọn tạo các tổ hợp lúa lai 2 dòng.


Đến nay chúng ta đã rất thành công trong lĩnh vực này, nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng đã được công nhận như TH3-3, TH3-4, VL20, VL24… được đưa vào cơ cấu giống của nhiều tỉnh, nông dân ưa chuộng vì chất lượng gạo khá lại ngắn ngày. Nổi bật giống TH3-3 đã sang nhượng bản quyền với giá kỷ lục 10 tỷ đồng, tạo tiếng vang lớn, là động lực để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các tổ hợp lúa lai mới. Các tổ hợp lúa lai 2 dòng của Việt Nam đa phần đáp ứng được các mục tiêu: dễ sản xuất hạt lai F1 với năng suất trung bình 2,5 – 3 tấn/ha, chi phí thấp hơn hẳn so với sản xuất hạt lai F1 lúa lai ba dòng. Lúa lai thương phẩm có khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện bất thuận khá, năng suất và chất lượng khá cao, đặc biệt hầu hết đều là giống ngắn ngày.


Một số kết quả khảo nghiệm cho thấy giống Việt Lai 50 là giống ngắn ngày, tiềm năng năng suất cao, thích hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ; có thể gieo ở xuân muộn, xuân cực muộn (chân trồng cây vụ đông muộn đến cuối tháng 2 dương lịch) đặc biệt là vụ mùa sớm để trồng cây vụ đông ưa ấm có giá trị kinh tế cao.

Việt Lai là một thương hiệu lúa lai hai dòng của Viện Nghiên cứu Lúa - Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Việt Lai 20 do PGS - TS Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa chọn tạo, là giống lúa lai hai dòng được Bộ Nông nghiệp & PTNT đưa vào danh sách giống lúa được phép sản xuất kinh doanh, cũng là giống lúa lai đầu tiên sang nhượng bản quyền sản xuất. Nối tiếp thành quả đó, Viện tiếp tục chọn tạo thành công giống Việt Lai 24, đây là giống lúa lai có khả năng chống bạc lá rất tốt, ngắn ngày (thời gian sinh trưởng trong vụ mùa 92 - 97 ngày) được đặc cách công nhận giống để đưa vào phục vụ sản xuất trong vụ xuân muộn và mùa sớm, nhất là chân đất trồng cây vụ đông sớm. Nông dân đánh giá cao hai giống trên bởi nhiều ưu điểm: ngắn ngày, chống bạc lá, năng suất, chất lượng khá, tuy nhiên cả hai giống đều thuộc loại hình bông không to, số hạt trên bông không nhiều, tiềm năng năng suất hạn chế.


Khắc phục nhược điểm, PGS - TS Nguyễn Văn Hoan cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công giống lúa lai hai dòng thế hệ mới: Việt lai 50 (VL50). Theo báo cáo tổng kết của Viện Nghiên cứu Lúa - ĐH Nông nghiệp HN, kết quả khảo nghiệm giống VL50 năng suất bình quân 70 tạ/ha, cao nhất là ở tỉnh trung du miền núi như Phú Thọ, Bắc Giang, năng suất đạt 75 – 80 tạ/ha, thời gian sinh trưởng trong vụ xuân phía bắc chỉ 115 – 120 ngày, đẻ nhánh trung bình, thuộc loại hình bông to, nhiều hạt, trung bình 250 – 300hạt/bông.
Theo PGS - TS Nguyễn Văn Hoan, VL50 là giống lúa có kiểu xếp hạt đặc biệt, hạt nọ xếp chồng hạt kia nên bông tuy không dài hơn nhiều giống lúa lai khác nhưng số hạt trên bông lại có thể cao gấp 1,5 lần chính vì vậy tuy thời gian sinh trưởng ngắn nhưng tiềm năng năng suất của giống VL50 rất cao. Trong thời gian tới ngoài việc nâng cao độ thuần của giống Viện sẽ bố trí thí nghiệm nhằm hoàn thiện quy trình thâm canh giống VL50 ở từng vùng sinh thái như áp dụng phương pháp cấy hàng rộng hàng hẹp, cấy mạ non, cấy mật độ 40 khóm/m2, 2 – 3 dảnh cơ bản/khóm (do VL 50 khả năng đẻ nhánh trung bình) đưa số bông/m2 đạt khoảng 300 bông thì mới khai thác tối đa tiềm năng năng suất giống.

Th.S Nguyễn Tuấn

Xem: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/67/67/38525/Default.aspx