Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Đa dạng hoá cây lâu năm trong vườn cà phê

Huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) đã nhân rộng hàng ngàn ha các mô hình đa dạng hoá các loại cây trồng lâu năm trong vườn cà phê vối mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng thuần cà phê trên cùng một đơn vị diện tích. Đây cũng là địa phương có phong trào thực hiện đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê khá nhất tỉnh.

Trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê. Ảnh minh họa
Cư M’Gar là một trong những vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích trên 30.000 ha. Sau khi tham quan, học tập, bà con nông dân các dân tộc đã mạnh dạn đầu tư vốn mua các giống cây ăn quả chất lượng cao như: bơ sáp ghép, sầu riêng cơm vàng hạt lép, cam sành, quít đường hoặc trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà phê.
Theo UBND huyện Cư M’Gar cho biết, cứ mỗi ha cà phê vối đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch, trồng xen từ 160 đến 280 cây tiêu leo trụ sống hay 370 cây tiêu leo trụ chết thì mỗi năm ngoài năng suất cà phê ổn định (2,8 đến 3 tấn cà phê nhân) còn thu thêm từ 1 tấn tiêu đen trở lên.
Trồng xen cây sầu riêng với mật độ 90 cây/ ha, sau khi cây sầu riêng đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, mỗi năm các hộ gia đình cũng thu nhập thêm từ 20 triệu đồng trở lên. Hiện nay, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc trồng cà phê ở các xã Quảng Hiệp, Ea H’đing, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk đã có hàng ngàn ha cà phê được trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm chất lượng cao mỗi năm cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 2A, xã Ea M’Nang trồng xen 80 cây bơ sáp trong 1 ha cà phê kinh doanh. Sau 3 năm, mỗi cây bơ sáp cho thu hoạch từ 800.000 đến 1 triệu đồng, trong khi đó, năng suất cà phê vẫn ổn định 3 tấn cà phê nhân/ha. Niên vụ cà phê 2009-2010, gia đình anh có tổng thu nhập gần 144 triệu đồng, trong đó, bơ sáp cho thu hoạch được gần 75 triệu đồng. Anh Hồ Văn Sỹ, thị trấn Ea Pốk cũng trồng xen 160 cây tiêu leo lên cây lồng mức trong vườn cà phê, bước đầu cũng cho thu hoạch được gần 50 triệu đồng, chưa tính 3 tấn cà phê nhân…
Phần lớn các loại cây ăn quả lâu năm trồng trong vườn cà phê tuy ít được đầu tư chăm sóc nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các mô hình trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm, tiêu trong vườn cà phê đều giảm được số lần cũng như lượng nước tưới cho cây cà phê. Cụ thể, mùa khô năm nay, nắng nóng kéo dài, khốc liệt, nhưng các mô hình đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê chỉ tưới nước từ 3-4 đợt, trong khi đó, diện tích cà phê trồng thuần phải tưới 5 đến 6 đợt.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- lâm nghiệp Tây Nguyên), việc đa dạng hoá cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích cà phê ở huyện Cư M’Gar cũng có nghĩa là đa dạng sản phẩm , giúp cho bà con nông dân tránh được thua lỗ trong trường hợp độc canh một loại cây trồng, nhất là trong thời điểm như hiện nay khi giá cà phê nhân đang rơi xuống thấp.
Mặt khác, đã dạng hoá cây lâu năm trong vườn cà phê còn có tác dụng tốt đến việc điều hoà điều kiện tiểu khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết góp phần vào việc gìn giữ cân bằng môi trường sinh thái, giúp cây phát triển thuận lợi, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân các dân tộc.