Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Bệnh đốm vằn

LUAGAO - Trân trọng giới thiệu bài viết về "Bệnh Đốm Vằn" của Th.S Huỳnh Kim Ngọc - Công ty CP BVTV SAIGON đăng trên NNVN ngày 27/07/2010

1. Tầm quan trọng

Bệnh đốm vằn hay khô vằn, có nơi còn gọi là bệnh ung thư là bệnh thường gặp và quan trọng thứ hai trên lúa sau bệnh cháy lá. Mặc dù bệnh dễ nhận diện và có thuốc đặc trị, tuy nhiên nếu không phát hiện và phòng trị kịp thời hay phòng trị không đúng cách, năng suất có thể giảm đáng kể.

Khác với bệnh cháy lá (đạo ôn) gây hại trong điều kiện khí hậu nóng, lạnh xen kẽ, trời âm u, nhiều sương mù, nên thường xuất hiện và gây hại trong vụ đông – xuân. Bệnh đốm vằn ưa thời tiết nóng: 28 – 32 độ C, ẩm cao 96 – 100%, ít ánh sáng nên bệnh thường thấy xuất hiện trong vụ hè thu, vụ mùa.

2. Tác nhân gây hại

Bệnh đốm vằn do nấm sống trong đất: Rhizoctonia solani, ngoài lúa nấm còn gây hại trên rau cải, đậu, bắp, bầu bí, dưa, cà rốt, ớt… mầm bệnh lây lan qua nước tưới, đất mang mầm bệnh và tàn dư thực vật của cây trồng bị bệnh vụ trước.

Trên lúa, nếu dùng giống ngắn ngày, năng suất cao, ruộng sạ, cấy dầy, thiếu ánh sáng, bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối N-P-K, ẩm độ trên ruộng quá cao, ruộng vụ trước trồng bị bệnh đốm vằn, không dọn sạch rơm rạ, lúa chét, cỏ dại… bệnh đốm vằn dễ xảy ra trong vụ tiếp theo.

Khác với bệnh cháy lá, có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và gây hại trên tất cả các bộ phận của lúa như lá, cổ lá, cổ bông, hạt, mặt khác vết bệnh dễ thấy nhờ đó dễ phòng trị kịp thời. Bệnh đốm vằn, trái lại, thường xảy ra vào giai đoạn lúa đẻ nhánh tối đa – làm đòng, trổ (khoảng 35 – 70 NSS), bệnh âm thầm tiến triển nơi bẹ lá tiếp giáp mực nước, do đó nếu đi thăm đồng mà không chịu khó lội xuống ruộng quan sát thì sẽ không phát hiện được bệnh, đến khi bệnh phát triển lên lá đòng (trổ nóc) mới phòng trị thì đã quá muộn.

Triệu chứng bệnh đốm vằn dễ nhân diện, lúc đầu bệnh xuất hiện ở bẹ lá giáp mực nước, vết bệnh có dạng đốm loang lổ như da beo, màu xanh xám, viền nâu, sũng nước, dần dần đốm bệnh ăn sâu vào bẹ lá làm bẹ lá vàng, khô chết dần, đồng thời bệnh còn ăn lan lên trên, một khi bệnh lan lên tới lá đòng (trổ nóc) thì năng suất có thể giảm tới 50%, hạt không đẹp, lúa bị lép, lửng, khi xay dễ bể.

Nếu quan sát kỹ trên vết bệnh già, ta sẽ thấy có những hạch nấm nhỏ màu nâu xám, cứng. Đây chính là những hạch khuẩn, các hạch khuẩn này sau đó sẽ rụng, rơi xuống nước lây lan qua bụi lúa bên cạnh hoặc nằm dưới đất, trong rơm rạ chờ vụ sau sẽ tiếp tục gây hại.

Bệnh đốm vằn thường xảy ra thành từng chòm trên ruộng nhất là những nơi lúa mọc quá dày, quá tốt (ở giữa ruộng hay ở gần cống bộng dẫn nước), do đó khi thăm đồng, bà con cần lưu ý các nơi này trước tiên.

3. Phòng, trị

Để phòng, trị bệnh đốm vằn cần áp dụng biện pháp tổng hợp như:

Dọn sạch rơm rạ, lúa chét, cỏ dại, tàn dư thực vật sau khi thu hoạch.

Không sạ, cấy quá dày, bón cân đối N-P-K, không bón thừa đạm, bón đạm muộn, nên tăng cường bón K vừa tăng tính chống chịu bệnh vừa hạn chế đổ ngã.

Không để ruộng quá ẩm, nước ngập quá sâu.

Thường xuyên thăm đồng, nhất là giai đoạn đòng - trổ, cần lội xuống ruộng để quan sát, chú ý nơi lúa mọc quá dày là nơi bệnh dễ xảy ra, cần vạch lúa và quan sát nơi gốc xem có bệnh hay không. Nếu có, phải lập tức ngưng bón đạm, ngưng phun phân bón lá có đạm và phải phun thuốc trừ bệnh ngay.

Sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị sau:

Carbenzim 50 WP, Carbenzim 500 FL: liều dùng 1,0 kg (0,5 L)/ha

Vanicide 3SL, 5SL: liều dùng 1,5 L (1,0 L)/ha.

Saizole 5SC: 1,0 L/ha.

Chú ý:

Khi phun cần phun kỹ, phun đẫm vào nơi có vết bệnh, cần phun đủ lượng nước khuyến cáo trên nhãn, hiệu quả phòng trị sẽ cao.

Nguồn: Báo NNVN

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Trồng bơ trái vụ lãi 100 triệu đồng/ha

Trong những năm gần đây, bơ đã trở thành loại đặc sản nổi tiếng của Đăk Lăk và đang được bày bán tại nhiều siêu thị lớn tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ cây bơ do các giống bơ hiện có đều đồng loạt chín cùng lúc vào khoảng tháng 6 - 6 hàng năm. Vào chính vụ, giá bơ trên thị trường chỉ còn khoảng vài trăm đồng/kg, nhiều người dân đã chặt bỏ những cây bơ sai quả trong vườn cà phê để chuyển sang trồng sầu riêng, chôm chôm, măng chụt, xoài...để có thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên, gần đây nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ các cơ quan nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Trường đại học Tây Nguyên, nhiều nông dân ở xã Ea Na huyện Krông Ana (Đăk Lăk) đã chuyển sang trồng một giống bơ mới có tên là Booth. Đây là giống bơ trái vụ (cho thu hoạch vào khoảng tháng 10, sau các loại bơ hiện có khoảng 2-3 tháng) và đã mở ra một triển vọng mới cho nông dân Đăk Lăk.
Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, giống bơ Booth tỏ ra thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu Đăk Lăk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Hơn nữa, loại bơ này kháng sâu bệnh khá tốt và cho năng suất, chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên đã được nhiều nông dân đưa vào trồng, thay thế những vườn cà phê già cỗi. Mặc dù cho thu hoạch trái vụ nhưng năng suất của bơ Booth không thua kém bơ chính vụ. Đặc biệt, ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao.
Theo một nông dân ở xã Ea Na cho biết, mật độ trồng của loại bơ này khoảng 6x6 mét, bơ rất dễ trồng, sau 3-4 năm là cho thu hoạch, bình quân mỗi cây có thể từ 300-400 kg quả với giá bán trên thị trường khoảng 10.000-12.000 đồng/kg thì mỗi ha bơ có thể cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng.
Hiện  toàn tỉnh Đăk Lăk có khoảng 2.694 ha bơ với sản lượng hàng năm trên dưới 40.000 tấn bơ/năm. Giá trị thu về từ cây bơ ước đạt 7 triệu USD/năm.

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Kết quả thử nghiệm Agrifos-400 trên cây hồ tiêu

I. Giới thiệu về thuốc Agrifos-400:
1. Thành phần:
Thuốc đặc trị nấm Phytophthora, Agrifos-400 (Phosphonate), thuốc có dạng lỏng, màu xanh nhạt, tương đối ít độc hại. Nó có một thành phần hoạt chất được tổng hợp sản xuất từ việc hình thành của chất mono - potassium phosphonate và di -potassium phosphonate.

- Tên thương mại: Agrifos- 400 (Phosphonate).
- Tên hoạt chất: Phosphorous Acid.
- Dung dịch màu xanh nhạt, không mùi tại nhiệt độ 20 độ C.

2. Đặc tính:
Agrifos-400 là thuốc có tính lưu dẫn toàn thân theo 2 chiều đi lên ra cành lá, đi xuống rễ theo đường mạch dẫn. Ngoài ra thuốc có tác dụng tiếp xúc, thấm sâu khi phun lên cành lá hoặc quét lên vết bệnh. So với các loại thuốc có chứa phosphate khác, Agrifos- 400 không chứa các thành phần có hại như nhôm, đồng, amôni, nhuộm xanh, natri. Không pha chung thuốc Agrifos-400 với các loại thuốc có chứa gốc đồng.

Sau nhiều năm sử dụng thuốc trên các loại cây trồng khác nhau và dưới nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, không thấy bất cứ hiện tượng gây hại nào trên cây trồng khi sử dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn, không có triệu chứng kháng thuốc.

II. Kết qủa thử nghiệm hiệu lực của thuốc AGRIFOS-400 trên cây tiêu:

Trước đây Agrifos-400 đã được sử dụng để phòng trị bệnh thối rễ, thối thân, xì mủ, thối trái do nấm phytophthora gây ra trên cây sầu riêng cho kết quả rất tốt, và đã dập tắt được dịch bệnh do nấm Phytophthora gây ra.

Phytophthora.sp là vi sinh vật đa kí chủ, chúng tấn công gây hại trên rất nhiều loại cây trồng như sầu riêng, tiêu, cao su, cà chua, nho, dưa hấu, hoa lan cây kiểng. Vì vậy từ năm 2003-2004, Cty Donatechno đã làm khảo nghiệm hiệu lực của thuốc Agrifos-400 trên cây tiêu, tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cho kết quả như sau:

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu: 
Kết hợp với Chi cục BVTV Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng thuốc Agrifos-400 ở nồng độ khuyến cáo (40ml thuốc/10lít nước), kết luận như sau: Thuốc có tác dụng sau xử lý lần 1: 10 ngày nhận thấy bệnh không phát triển thêm.

Đối với cây tiêu bị bệnh héo dây hay thối gốc rễ, thuốc có hiệu quả tốt trên những cây tiêu bị bệnh từ mức độ nhẹ đến trung bình, cây phục hồi nhanh và mạnh, nhưng đối với cây tiêu bị bệnh mức độ nặng thuốc không có hiệu quả hoặc có hiệu quả kém và phục hồi chậm. Những cây tiêu có xử lý thuốc Agrifos-400 có chiều hướng phục hồi và phát triển tốt so với không xử lý. Agrifos-400 có hiệu quả phòng bệnh trên cây tiêu rất tốt.

Tại Đồng Nai:
Thực nghiệm 2 điểm tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ với sự kết hợp của Trạm Khuyến nông và Phòng Kinh tế huyện, kết quả như sau: Cả 2 điểm thực nghiệm khi xử lý thuốc Agrifos-400 theo qui trình, sau 3 lần xử lý thuốc đã có tác dụng ngăn chặn quá trình lây lan của dịch bệnh, cây có chiều hướng phục hồi nhanh, mạnh hơn, một số cây có biểu hiện ra đọt non. Trong khi đó ở lô đối chứng không xử lý thuốc, cây vẫn tiếp tục chết.

Tại Gia Lai:
Kết hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê tiến hành xử lý tại 3 địa điểm. Kết quả hồ tiêu được xử lý thuốc Agrifos- 400 cây phục hồi nhanh, lá xanh tốt, không rụng gié, tiêu đâm chồi mạnh, bộ rễ khoẻ hơn. So với các trụ tiêu không xử lý thuốc, lá vàng, rụng gié nhiều hơn và một số dây tiếp tục chết.

Tại Quảng Trị:
Được chi cục BVTV tỉnh thực hiện từ tháng 12/2005 đến 12/2006.
Đã sử dụng thuốc Agrifos- 400 ở nồng độ khuyến cáo, và xử lý 3 lần.

Tại nghiệm thức xử lý bằng thuốc Agrifos-400 trước xử lý tỉ lệ bệnh là 19,10% sau xử lý lần 3, tám ngày tỉ lệ bệnh không tăng mà giảm xuống là 12,72%, trong khi đó lô đối chứng không xử lý thì tỉ lệ bệnh từ 22,20 % tăng lên 50,48%. Như vậy kết quả ở nghiệm thức xử lý bằng thuốc Agrifos- 400 đã thật sự khống chế quá trình lây lan của dịch bệnh, đó cũng chính là kết quả mà chúng tôi đánh giá là rất khả quan. Trong khi đó ở lô đối chứng tỉ lệ bệnh đã tăng hơn gấp đôi so với tỉ lệ bệnh ban đầu.

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Đã có thuốc trị bệnh hồ tiêu chết nhanh


Đã có thuốc trị bệnh hồ tiêu chết nhanhKhông biết tự bao giờ, hễ cứ nhắc đến bệnh tiêu chết nhanh là có ngay mệnh đề phụ - không có thuốc trị, vô phương cứu chữa. Thế nhưng thực tế đang xảy ra ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai) lại không phải vậy.

Một lô hồ tiêu 0,8 ha, năm ngoái anh Nguyễn Vui ở ấp 3, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai thu được 4,8 tấn. Thế nhưng năm nay, cả lô bỗng rũ lá. Nghe bạn bè và người bán thuốc BVTV chỉ, anh chạy mua thuốc Mocap về đổ gốc, mua Aliet về phun lá, mua sun phát đồng về bôi thân, nhưng tất cả đều chẳng ăn thua. 80% hồ tiêu của anh bị chết vì bệnh thối gốc rễ… Cuộc sống gia đình từ trước đến nay nhờ hồ tiêu mà nuôi 3 con ăn học của anh đang có nguy cơ trắng tay.
Đâu chỉ có anh Vui, đâu chỉ có Lâm San mà cả huyện Cẩm Mỹ đi đâu cũng nghe râm ran chuyện tiêu chết. Với 2.500 ha, so với cao su, điều thì diện tích tiêu không phải lớn nhưng lại chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu thu nhập, năm ngoái cây tiêu đã mang về cho người dân Cẩm Mỹ hơn 120 tỷ từ bán hạt tiêu. Và hy vọng năm nay sẽ đạt 150 tỷ nhờ lên giá. Trong 13 xã của Cẩm Mỹ thì Lâm San có diện tích lớn nhất, là nơi thích hợp với cây tiêu và cũng là nơi có năng suất cao nhất, trong lúc năng suất bình quân của toàn huyện đạt 1,8 T/ha thì Lâm San lên tới 2,8 T/ha, bởi vậy khi có hơn 150 ha trong tổng số 590 ha tiêu của xã này bỗng như có ai dội nước sôi vào đã tạo nên cơn sốc nhốn nháo cho cả xã. Ông Nguyễn Mạnh Hồi, ấp 4 Lâm San có 1,4 ha tiêu đã chết 45 gốc và lây lan rất nhanh. Ông Hồi bất lực nói với cán bộ khuyến nông - Đừng có động viên tôi kiểu rứa. Tôi cũng nghe nhiều, bệnh ni do nấm phy tốp không có thuốc trị, người ta hiến xác còn được huống chi mấy gốc tiêu, thôi thì tiêu đấy, các anh chị muốn làm gì thì làm. Tuy dỗi vậy nhưng ông vẫn cùng cán bộ khuyến nông huyện và cán bộ kỹ thuật của Cty Donatechno, công ty có sản phẩm Agri-fos 400 chọn ra 30 gốc tiêu nơi trũng nhất của vườn đang có dấu hiệu "đi" hàng loạt để thí nghiệm.
Cùng với ông Hồi, ông Trương Đình Bá cũng có vườn tiêu đang chết. Ông Bá cho biết, các triệu chứng xuất hiện vào cuối mùa mưa, nhưng phải đến đầu tháng 12 mới bộc phát "đi" hàng loạt. Ông Bá cũng chọn 30 gốc tiêu gần vườn điều, nơi tiếp giáp với những cây tiêu đang héo rũ. Trong 30 cây của ông Bá có 1 gốc bắt đầu héo, 2 gốc bắt đầu vàng lá, 1 gốc đã chết 2 dây, còn lại chưa có biểu hiện nhưng theo ông Bá thì chỉ 10 ngày sau sẽ chết như những cây đã chết trước đó. Cả ông Hồi và ông Bá đều tự tiến hành thí nghiệm của mình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Cty Donatechno, chia làm 3 lần xử lý, mỗi lần cách nhau 10 ngày theo cách vừa phun qua lá, vừa đổ vào gốc.
Sau 40 ngày, kết quả bất ngờ ngoài sự mong đợi. 30 gốc tiêu của ông Hồi chỉ có 5 gốc chết, còn lại 25 gốc vẫn phát triển bình thường, lá vẫn xanh và quả vẫn no. Theo ông Hồi, 5 gốc chết là 5 gốc mà ông thử chỉ phun lá mà không đổ thuốc vào gốc. Trong lúc đó, số tiêu còn lại không xử lý thuốc tiếp tục chết thêm hơn 40 gốc nữa. Tại vườn ông Bá, chỉ có 2 gốc bị chết, 28 gốc còn lại đều có dấu hiệu bệnh chựng lại sau đó hồi phục bình thường, nhiều cây đã bắt đầu đâm chồi mới. Gốc tiêu đã chết 2 dây vẫn chỉ 2 dây chết, 2 dây còn lại vẫn xanh tươi.Số tiêu còn lại không xử lý thuốc tiếp tục chết. Không chờ cán bộ kỹ thuật đánh giá kết quả, ông Bá tự mua 29 lít thuốc Agri-fos 400 để kịp cứu vườn tiêu. Hôm 24/1, hơn 100 nông dân của huyện Cẩm Mỹ đã vui mừng khôn xiết khi tận mắt chứng kiến vườn tiêu của anh Bá kĩu kịt quả và không chết thêm một dây tiêu nào khác Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, lãnh đạo huyện rất lo lắng và bồn chồn về dịch bệnh chết nhanh trên tiêu, toàn huyện đã có hơn 600 ha bị chết, gây tổn thất không nhỏ cho bà con nông dân và huyện đã chủ động cùng với Cty Donatechno tiến hành các thí nghiệm trên. Agrifos 400 trị được bệnh chết nhanh trên tiêu là quá rõ, vấn đề còn lại là khi đã trị dứt được bệnh thì cần có quy trình kỹ thuật canh tác chặt chẽ để đảm bảo cho các vườn tiêu không tái nhiễm. TS Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Bộ môn BVTV của Viện NC Cây ăn quả miền Nam, chuyên gia về nấm Phytopthora cho biết Agri-fos 400 là loại thuốc đặc trị nấm Phytophthora, thực tế 5 năm qua cho thấy thuốc có hiệu quả rất cao trong việc phòng và trị các bệnh thối rễ, thối trái, xì mủ trên cây sầu riêng và chắc chắn cũng sẽ có hiệu quả cao với những cây trồng khác khi bị nấm bệnh Phytopthora tấn công. Riêng về cây tiêu, ngoài việc sử dụng Agri-fos 400 để ngừa cần chú ý tạo môi trường thuận lợi cho các nấm có ích đối kháng với nấm Phytopthora phát triển bằng cách không lạm dụng phân hóa học, sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục (tốt nhất có trộn 30% phân gà), hoặc phân vi sinh có chủng nấm Trichoderma. Cần thiết kế hệ thống thoát nước tốt để chống nước chảy tràn, dư độ ẩm trong mùa mưa.
- AGRI-FOS 400 có hoạt chất là Phosphorous acid, xuất xứ từ Úc, là loại thuốc đặc trị nấm Phytophthora. Theo Quyết định số 23/2002/QĐ/BNN ngày 26/32002 của Bộ NN-PTNT, Agrifos 400 được đặc cách sử dụng tại VN để trừ bệnh thối rễ trên cây sầu riêng theo cách bơm thuốc trực tiếp vào bó mạch của cây.
- Agri-fos 400 do Cty Phát triển công nghệ sinh học (DONOTechno) nhập khẩu và phân phối tại VN.
- Để trừ bệnh chết nhanh cho hồ tiêu theo khuyến cáo của nhà phân phối, chia làm 3 lần, cách nhau 10 ngày. Lần 1: Lấy 5 ml thuốc pha 4 lít nước tưới gốc + 40 ml thuốc pha 10 lít nước phun lá; lần 2: Lặp lại lần 1; lần 3: Lặp lại tưới gốc, riêng phun lá cần kết hợp với phân bón lá giàu vi lượng để cây tiêu chóng phục hồi.

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Phòng tránh bệnh bạc lá lúa


LUAGAO - Hỏi: Vụ mùa năm trước các ruộng lúa của gia đình tôi và nhiều bà con khác bị bệnh bạc lá gây hại nặng nhưng chưa biết cách phòng trừ. Xin quý báo cho biết kỹ hơn về bệnh này và cách phòng tránh, chữa trị?

(Nguyễn Thị Hải Đường - xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)

Trả lời: Bệnh bạc lá lúa (BBL) do vi khuẩn Xanthomonas campestris Oryzae gây ra và là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trên cây lúa. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm nên ở các tỉnh phía Bắc thường xuất hiện từ tháng 3 trở đi, gây hại ở cả 2 vụ lúa trong năm, trong đó nặng nhất là các trà lúa vụ mùa, đặc biệt vào các thời kỳ hay có giông, bão. Các giống lúa thuần, lúa lai Trung Quốc rất dễ bị nhiễm bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở các mép lá, cháy dần từ đầu chóp xuống (nên còn gọi là bệnh cháy lá) làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây; nhẹ làm cây sinh trưởng, phát triển kém, còi cọc, đẻ nhánh yếu, giảm năng suất, bị nặng làm các lá bị cháy, đặc biệt cháy lá đòng làm cho hạt bị lép lửng, chất lượng gạo kém, giảm năng suất nghiêm trọng, từ 25 đến 50%, thậm chí gây thất thu hoàn toàn.

Nguyên nhân dẫn đến cây lúa bị BBL thường do thời tiết nóng ẩm, mưa gió lớn xẩy ra trong thời kỳ lúa cần quang hợp cao; do đất làm không được ngấu, cây lúa bị bệnh vàng lá sau tiết lập thu được bón thêm phân để cấp cứu vàng lá, cây lúa ra lớp rễ mới phát triển lá non khi gặp mưa dông dễ nhiễm BBL; bệnh rất mẫn cảm với lượng đạm dư thừa trong lá, do đó những ruộng bón nhiều, bón muộn, bón lai rai, bón không cân đối giữa đạm, lân và kali, những ruộng trũng hấu dồn đạm bón cuối vụ, chăm sóc, thâm canh không đúng kỹ thuật… đều làm cho cây lúa dễ mắc BBL.

Trong quá trình nhổ cấy, vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống dẫn nhựa của cây thông qua các vết thương cơ giới do bị đứt rễ hoặc lá lúa bị tổn thương. Vi khuẩn thường tụ tập thành những giọt keo đọng ở mép lá hoặc đuôi lá vào buổi chiều và dễ lây lan ra các cây lúa khỏe mạnh khác nhờ gió thổi đánh tan các giọt vi khuẩn này.

Biện pháp phòng tránh và chữa trị: Do chưa có thuốc đặc trị BBL, theo khuyến cáo của các nhà khoa học bà con cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh là chính, tập trung vào một số điểm sau đây:

1. Chọn các giống chống chịu tốt với BBL để bố trí mùa vụ cho thích hợp, đặc biệt là gieo cấy trong vụ mùa. Được biết, trong những năm gần đây Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Hải Dương nghiên cứu và sản xuất thành công một số giống lúa chống chịu hoặc kháng được BBL dựa trên công nghệ chuyển gen như các giống Bắc thơm số 7, Bắc ưu 253, HYT103, VL45, Syn 6. N.ưu 69, Bắc ưu 025 và một số giống khác được đưa vào cơ cấu gieo trồng trong tỉnh và khuyến cáo các địa phương khác sử dụng cho kết quả tốt.

2. Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh sau:

- Làm đất kỹ, đủ ngấu và bón vôi từ 15-20kg/sào Bắc bộ để tránh ngộ độc rễ nhiễm bệnh vàng lá khi lúa đang đẻ sau tiết lập thu.

- Cấy mạ đủ tuổi, bón phân cân đối NPK và phân tổng hợp NPK có hàm lượng kali cao. Chú ý bón nặng đầu, nhẹ cuối (bón lót sâu, bón thúc sớm hết lượng đạm và kali), nhất là các giống dễ nhiễm BBL, không bón kali giai đoạn lúa đứng cái vì cây lại huy động đạm lên dễ bị bạc lá. Với các giống chất lượng, nên cấy lùi thời vụ (25-30/7) để lúa trỗ sau 25/9 đến trước 5/10, sát tiết hàn lộ nhiệt độ giảm, thời tiết mát sẽ đỡ bị nhiễm bệnh hơn. Hoặc Cty CP Giống cây trồng miền Nam có giống lúa Bác ưu 903 KBL kháng bệnh bạc lá rất tốt...

- Phun thuốc phòng chống BBL ngay sau khi có đợt mưa dông lớn, khi trên ruộng chưa xuất hiện các vết bệnh trên lá bằng các loại thuốc: Staner 20WP, Xanthomix 20WP… vào sáng sớm hoặc chiều mát. Chỉ phun thuốc trừ bệnh khi thật cần thiết với một số loại thuốc như: Staner 20WP, Batuxit, Bactocide12WP, Kasumin… theo hướng dẫn của cán bộ ngành BVTV.

(Theo NNVN)

----------------------------

GIỚI THIỆU THUỐC BVTV PHÒNG TRỪ BẠC LÁ LÚA

HOẢ TIỄN 50SP - Hoạt chất: Chlorobromoisocyanuric Acid

Liều dùng: 0,5 kg/ha. Pha một gói thuốc 20g/ bình 16 lít. Phun 400 lít nước/ha

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Tìm hiểu hiện tượng lặt lá và nở hoa mai

Khi muốn hoa mai nở đúng ngày Tết thì các nghệ nhân khuyên rằng: Lặt lá bắt đầu từ mồng 8 tới 23 tháng Chạp tùy theo kích thước nhỏ hay lớn. Và nếu năm nhuận thì phải lặt hai lần lá, một là vào nửa năm, hai là vào tháng Chạp. Như vậy phải có liên hệ nào giữa lá và nở hoa nên phải bỏ lá tùy theo kích thước nụ.

Nhân tiện bàn về liên hệ giữa lá và hoa mai, tôi xin phép chia các vấn đề khoa học làm hai khía cạnh gọi là ứng dụng kỹ thuật của vấn đề và cơ bản khoa học của vấn đề.

Các nghệ nhân dựa vào kinh nghiệm mà dạy lúc nào phải lặt lá, đó là khoa học ứng dụng. Chúng ta thử tìm hiểu vấn đề khoa học cơ bản sau đây:

Nụ hoa mai đã bắt đầu đậu và thấy được vào tháng 8, nó lớn dần và sau đó bung lá lụa rồi nở. Nhưng kích thước lúc nở không đều, tại sao? Ta hãy tìm hiểu ngay khi có phát hoa. Nụ đã xuất hiện tháng 8, nhưng các phát hoa thành lập liên tục trong chồi ngọn hoặc chồi nách từ một vùng của bó libe mộc. Khi cắt dọc chồi ngọn thấy các phát thể lá đài, lá cánh (lá lụa), nhụy và nhị đã hiện rõ. Thời điểm giải phẫu lá tháng 11 (tháng 10 âm lịch), tức khoảng 2 tháng trước khi thấy nụ lú ra, từ thời điểm đó các phát hoa sẽ lớn dần theo hướng thượng tạo một nụ tròn bao bởi những lá lụa và chờ nơi đó. Như vậy trong giai đoạn từ khi tượng hoa cho đến khi thành nụ, các thành phần hoa chỉ tăng trưởng tức là phải huy động năng lượng do hô hấp, huy động các chất biến dưỡng từ nguồn lá nơi có quang hợp và từ rễ nơi có nước và chất khoáng để tổng hợp các protein cần thiết tạo hình cho các lá cánh, lá đài vv. và các enzym xúc tác các phản ứng biến dưỡng tạo màu vàng cho hoa, màu xanh lợt cho lá lụa, v.v.

Sau khi nụ lớn tối đa rồi thì các thành phần của nó sẽ làm bung lá lụa ra bằng không chúng bị giam cầm trong bọc cứng, sẽ héo và rụng.

Hiện tượng nở hoa là do sự tăng trưởng không đều của 2 bề mặt lá lụa. Biểu bì ngoài thấm nước, làm mềm tế bào và nước thấm vào phụ với áp suất của tế bào, mặt trong lớn hơn mặt ngoài lá lụa, lá phải bung ra dưới áp lực nội tại. Vì vậy các nghệ nhân khuyên phải phun nước thật nhiều, nếu cần phun nước ấm 40oC để làm mềm mặt ngoài mà không giết tế bào. Các lá lụa đã ép dính vào nhau nên cần nước nóng làm tan chất giữ chúng lại. Vì vậy có nghệ nhân khuyên giữ nụ đến Tết bằng cách phết lên nụ một lớp mỏng lòng trắng trứng gà và tưới nước lôi trứng gà đi cận ngày mồng Một.

Các phát hoa tuần tự xuất hiện cho đến Tết nếu ta bón phân, tưới nước đầy đủ giúp chúng tăng kích thước cho nên ta có nụ nhỏ hoặc lớn tùy điều kiện nuôi trồng, giống như ta nuôi một con vật còn trong bụng mẹ đến ngày sanh ra. Đó là một chương trình tạo nụ và nở hoa không hoàn nghịch. Nó phải tuần tự xảy ra do gen của giống quyết định. Ta chỉ có thể thúc hoặc hãm lại mà thôi. Chương trình đó, dựa theo các phẫu thức cắt trong phòng thí nghiệm và thời gian nụ xuất hiện và nở có thể tóm tắt: tượng (tược) hoa 10 tháng trước khi nụ xuất hiện vào tháng 8 năm sau và hoa nở.

Trong thiên nhiên, hoa nở mùa xuân khi trời hơi lạnh và ngày ngắn làm lá rụng, vì vậy người bán hoa đốn từ trên rừng, chọn những cành có nhiều nụ lớn, bó trong lá dừa giữ ẩm và đem về thành phố. Vài hôm trước khi Tết, người mua mai về cắm ngay vào lọ, phun nước thường xuyên lên nụ hối chúng nở đúng ngày. Trên rừng sự thay đổi thời tiết đã làm cho lá rụng nếu đúng ngày thì nụ nở đúng Tết.

Theo kinh nghiệm nghệ nhân, phải lặt hết lá sớm hay muộn tùy theo kích thước của nụ. Nếu nụ nhỏ phải lặt lá mùng 8, nếu nụ to phải lặt lá 23 tháng Chạp. Vậy lá có liên hệ gì đến sự nở hoa. Như đã nói trên, sau khi phát hoa đã tượng rồi thì cần được nuôi tới một khối tích nhất định, đến lúc đó cần một yếu tố giúp rụng lá lụa. Yếu tố đó là sức hút nước làm mềm lá lụa và trương nước. Môi trường ẩm và thực phẩm đưa tới nụ, như vậy ta phải hiểu rằng lá già cản yếu tố đó, nên phải lặt bỏ đi và nếu năm nhuần phải lặt hai lần để không có lá già trước Tết vì lúc đó lá rụng và nở hoa trước Tết. Thời điểm lặt lá là thời điểm quyết định sự nở hoa. Yếu tố cản sự trương nước đó, xuất xứ từ lá già 12 tháng tuổi là một chất ức chế, có thể là axít abscisic, thường được tập trung trong lá già và được chuyển qua hoa và ức chế sự thấm nước nên nụ hoa không lớn được.

Mẫu tìm hiểu này đưa ta tới kết luận sau:

1. Dựa vào kinh nghiệm của ông cha ta, nên lặt lá trước Tết

2. Dựa vào hiểu biết khoa học cơ bản mà các nhà khoa học như tôi suy ra vai trò ức chế của lá già. Đây là một suy luận chứ không phải là một thực tế khoa học vì tôi chưa phân tích được bao nhiêu chất ức chế trong lá già khi nụ còn nhỏ và bao nhiêu khi nụ to hơn để giải thích rõ ràng tại sao phải lặt lá ngày mồng 8 hay ngày 23 tháng Chạp. Tôi cũng không biết nụ nhỏ có kích thước bao nhiêu và tương xứng với lá già có bao nhiêu chất ức chế, và nó cản phản ứng nào trong sự thấm nước. Tóm lại trong sự nở hoa mai vào ngày tết ta chỉ nhờ vào một kinh nghiệm mà các nghệ nhân sẵn lòng cho ta hưởng và nhà khoa học suy luận về cơ bản các hiện tượng chứ chưa có đo lường, phân tích bằng thí nghiệm tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm.

Như vậy mẫu tìm hiểu này là một công việc sử dụng kinh nghiệm mà không nghiên cứu kỹ lý do. Nếu ta biết rõ liều lượng và tác dụng của axít abscisic thì ta lặt đúng ngày với kích thước nụ bao nhiêu, để mỗi năm ta đều thành công tạo những cây mai nở vàng mà không dựa vào may rủi. Muốn thành công trong ứng dụng thì phải hiểu rõ cơ bản, nêu một giả thuyết rồi mò mẫm thực hiện lại cho đến khi nào lặp lại sự việc trong thiên nhiên và điều khiển sinh vật ta thích (cây mai) theo ý muốn.

Các thăm dò trong phòng thí nghiệm đòi hỏi hàng chục năm trời với sự đam mê như một nhạc sĩ đứng trước cây đàn hay một người đánh bạc trong sòng bạc. Mỗi người đam mê một thứ và sau cùng tìm ra được sự thật khoa học: một công thức nào đem ra áp dụng, chứng tỏ thành công, đem công bố kết quả thành "gói mì ăn liền" mà ai cũng muốn hưởng thụ rẻ tiền.Muốn có mì ăn liền thì thời gian tìm tòi đó đưa đến một bằng phát minh bán được, hoặc được trả bằng một hợp đồng khoa học. Nếu ta chờ người khác đổ mồ hôi nước mắt để cho ta sử dụng thì quả thực là bất công.

Ta thích đối tượng cây mai để làm giàu, người khác nghiên cứu trên đối tượng đậu phộng để kinh doanh. Ta cứ đọc tài liệu của đậu phộng rồi ứng dụng mò mẫm vào cây mai hoặc cây nào ta thích là một việc ta phải động não, vô cùng hợp lý cho đối tượng ta yêu. Bạn đọc nghĩ thế nào?
(theo http://www.nongnghiepvn.forumup.vn )