Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Bạc mặt vì giống lúa lai 10 tỷ

LUAGAO - Giới thiệu bài viết đăng trên Báo NNVN về Lúa Lai

Nghề sản xuất giống lúa lai tưởng dễ ăn vì sản phẩm giống lai luôn đắt. Thế nhưng không ít doanh nghiệp đã phải chịu những cú sốc thất bại có thể nói khó gượng dậy nổi với cái nghề tưởng dễ ăn này.

1. Cay đắng chuyện người tiên phong “Nam sản Bắc tiêu”

Sản xuất hạt lúa lai F1 tại Công ty CP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Khanh

Nói về nghề sản xuất giống lúa lai, “cái nôi” đầu tiên phải kể đến là Nam Định. Nam Định vào giữa những năm 1990, khi một số tỉnh mới tập tành làm giống lúa lai thì tỉnh này diện tích lúa F1 lên con số trên vài trăm ha/năm. Nam Định trở thành điển hình với những HTXNN tự tổ chức sản xuất hạt lai F1 nức tiếng. Ngày đó giống làm chỉ là Bác ưu 64, sau đó là Bác ưu 903, những giống cảm quang chỉ cấy vụ mùa.

Thời hoàng kim làm lúa F1 ở Nam Định kéo dài 6-7 năm rồi suy dần, và nay diện tích còn không đáng kể. Nguyên nhân không nằm ở khâu kỹ thuật, bởi cho đến nay phải nói tay nghề của nhiều HTX tại Nam Định vẫn là số một. Đó là bởi lúa F1 làm ra lúc đó rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc vì tâm lý “sính ngoại” và nhiều lý do tế nhị khác trong đó có chuyện cấu kết gửi giá của không ít DN nhập khẩu. Một lý do nữa là thời vụ. Lúa giống làm ở Nam Định gặt muộn, trong khi vụ mùa thời gian thì gấp rút, có nơi gặt lúa xuân đến đâu, gieo cấy lúa mùa đến đó, vì vậy lúa giống Nam Định gặt, làm sạch phơi khô đóng gói xong thời vụ đã sắp hết. Như đã nói, lúa lai hệ Bác ưu chỉ làm được vụ mùa, giống bán không hết buộc phải chờ vụ mùa năm sau, chi phí bảo quản quá lớn HTX nào chịu nổi...

Đằng sau một thất bại sẽ có vô số kinh nghiệm rút ra. Đã không ít người tâm huyết với nghề suy nghĩ rằng, cần phải sản xuất giống lúa lai khu vực phía Nam để cung cấp giống cho miền Bắc. Người ta có lý khi cho rằng làm giống các vùng phía Nam sẽ thuận lợi vì thời tiết ổn định, thu hoạch sớm hơn phía Bắc 1-2 tháng, từ đó đưa ra Bắc là vừa. Đó là ý kiến hay và dựa vào đó, câu “Nam sản Bắc tiêu” (SX giống lúa lai ở miền Nam, tiêu thụ tại miền Bắc) ra đời.

Chúng tôi nhớ một trong số các đơn vị vào miền Nam sản xuất giống là Cty Nông nghiệp Hữu Cơ (Hà Nội). Cty này với sự trợ giúp về kỹ thuật của KS. Phạm Văn Ngữ, nguyên Trại trưởng Trại giống cây trồng Đồng Văn (Cty Giống cây trồng Trung ương) - một trong những bậc thầy về cây lúa lai lúc bấy giờ, đã vào vùng Cờ Đỏ - Cần Thơ khảo sát và thí điểm làm lúa F1. Đáng tiếc, việc thí điểm đó bị thất bại, bởi lúa lai Trung Quốc kháng rầy kém, vùng Cần Thơ dù đất vô cùng tốt, nhiệt độ hoàn hảo, chỉ có điều lúa lai bố mẹ mọc đến đâu rầy xơi cháy sạch đến đó. Cty Nông nghiệp Hữu Cơ làm thử đúng một vụ, đầu tư mất mấy trăm triệu phải tháo lui vì nạn rầy nâu phá hoại.

KS. Phạm Văn Ngữ, một người rất tự tin về chuyên môn nông nghiệp vẫn kiên định với lý thuyết “Nam sản Bắc tiêu”. Theo đó, ông bỏ vốn tự lập công ty riêng, tiếp tục khảo sát các vùng đất phía trong đèo Hải Vân để thí điểm làm lúa lai F1. Xác định từ Bình Định trở vào thì lúa rất dễ bị dịch rầy nâu, từ đó KS. Phạm Văn Ngữ chọn Quảng Nam và Tây Nguyên để thí điểm sản xuất giống lúa lai 3 dòng: Bác ưu 903 và Nhị ưu 838. Thành công ngoài mong đợi, năng suất hạt lai F1 lên đến trên 3 tấn/ha (nếu SX ở ngoài Bắc cao lắm đạt 2,5 tấn/ha F1), lúa thu hoạch vào cuối tháng tư nắng đẹp, chất lượng độ thuần đảm bảo, đóng gói đưa ra miền Bắc bán được giá cao, thời vụ đảm bảo (lúa vùng Quảng Nam gặt sớm hơn khu vực phía Bắc 1 tháng). Từ thành công bước đầu, ông Ngữ chỉ đạo công ty sang năm làm lớn tại Quảng Nam, thí điểm thêm ở Quảng Ngãi và Đăk Lăk, trong đó riêng Quảng Nam là gần 300 ha. Đó là năm 2001, một năm “ngã đau” của giám đốc Phạm Văn Ngữ, gây một cú sốc lớn trong ngành sản xuất giống lúa lai.

Đầu tháng 4 năm đó, ông Ngữ mời tôi vào Quảng Nam thăm lúa, đi cùng còn có các “cố vấn” kỹ thuật của công ty ông như KS. Nguyễn Thế Nữu, KS. Võ Văn Xuân, đó là những tên tuổi lẫy lừng. Với đội ngũ cố vấn và chỉ đạo kỹ thuật giàu kinh nghiệm, công việc sản xuất lúa lai F1 với giám đốc Phạm Văn Ngữ không thành vấn đề, dù trên một diện tích rất lớn, trên 300 ha, điều chưa hề có trong lịch sử sản xuất giống lúa lai tính đến thời điểm đó khi một công ty tư nhân dám “ôm” diện tích sản xuất lớn như vậy.

Nắng và lúa Quảng Nam vụ đó đẹp làm sao. Trên đồng Điện Bàn nơi chúng tôi đến, những ruộng F1 sắp thu hoạch phẳng phiu được KS. Võ Văn Xuân, cán bộ Trung tâm Khảo kiệm nghiệm GCT TW đánh giá độ thuần rất khá. Vui hơn là năng suất hạt F1 đạt rất cao, trung bình 3,5 tấn/ha, có ruộng thậm chí đạt trên dưới 5 tấn/ha, là chuyện không ai tin trong giới làm lúa lai F1 nếu không trực tiếp chứng kiến. Các HTX hợp đồng làm giống với Giám đốc Ngữ cũng sẽ trúng to. Vì theo hợp đồng, phía công ty chịu toàn bộ giống bố mẹ, hóa chất kích thích tăng trưởng như GA3, HTX chỉ bỏ công và một phần phân bón, thuốc BVTV; công ty có trách nhiệm mua lại toàn bộ sản phẩm quy đổi 1kg hạt lai F1 bằng 4kg thóc thương phẩm. NS F1 đạt 3,5 tấn/ha, đồng nghĩa HTX thu về tương ứng 14 tấn thóc thường/ha, quy tiền theo giá thị trường, đó là thu nhập trong mơ. Về phía công ty, với khoảng trên 330 ha lúa F1, vụ đó họ thu gần 1.200 tấn giống; giả sử bán được giá 25.000 đ/kg, thu 30 tỷ, trừ chi phí còn lãi một nửa.

Nhưng thật ở đời ai lường hết chữ ngờ, câu này ứng vào một người tài năng và tâm huyết như ông Phạm Văn Ngữ quả thật xót xa. Trên ngàn tấn lúa giống F1 ông tổ chức làm ra nhưng bán không được. Một lần nữa tâm lý sính ngoại (giống Trung Quốc) đi cùng nạn móc ngoặc gửi giá nhan nhản thời đó đã bóp chết sản xuất trong nước. Cũng có thể còn do nguyên nhân nữa là ông Ngữ làm lớn quá. Vụ mùa miền Bắc nhu cầu chỉ cần 6-7 ngàn tấn giống F1, trước đó công ty cấp tỉnh nào cũng đã có kế hoạch với đối tác Trung Quốc rồi, nay bỗng đâu “dôi” trên ngàn tấn giống từ Quảng Nam chuyển ra, ai mua?

Hàng làm ra không bán được, ông Ngữ không thể thu mua cho các HTX. Thế là kiện. Thế là ông bại sản…

2. Bạc mặt vì giống lúa lai 10 tỷ

Gần 700 ha SX giống lúa lai 2 dòng F1 tại Quảng Nam vụ ĐX 2010 hỏng hoàn toàn do dòng mẹ tự thụ. Ảnh: Ngọc Khanh

Giống lúa lai có 2 loại: 2 dòng và 3 dòng. Hầu hết bộ giống lúa lai Trung Quốc có mặt ở Việt Nam là lúa lai 3 dòng. Lúa lai 3 dòng bao gồm dòng bố, dòng mẹ và dòng duy trì R. R là dòng đẳng gen với dòng mẹ, có nhiệm vụ duy trì lúa mẹ (bất dục) cho các đời sau. Lúa lai 3 dòng rất khó làm, đặc biệt là việc duy trì dòng mẹ bất dục. Bù lại sản xuất hạt F1 (bố x mẹ) không quá phải lệ thuộc thời tiết như lúa lai 2 dòng. Năng suất thương phẩm cũng cao hơn và ổn định thể hiện ưu thế lai tốt hơn.

Thời gian qua các nhà khoa học Việt Nam tốn không ít công sức, Nhà nước đầu tư không ít tiền của nhưng thực tế thành công trong tạo giống lúa lai 3 dòng của chúng ta chưa được như mong muốn. Quanh quẩn ta chỉ có vài ba giống có nguồn gốc Viện lúa Quốc tế (IRRI) như HYT 83, HYT 100, HYT 103 do Trung tâm NC lúa lai (Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm). Ưu điểm của bộ giống HYT là năng suất, chất lượng khá cao, nhưng năng suất khi làm giống F1 không cao do vòi nhụy dòng mẹ quá ngắn, tỷ lệ kết hạt thấp. Vì khó làm giống F1 nên bộ giống lúa lai HYT ra đời đã nhiều năm nhưng thực tế đóng góp trong sản xuất chưa nhiều. Với một số giống 3 dòng của Trung Quốc, điển hình là nhóm Bác ưu và Nhị ưu, một số DN và cơ quan nghiên cứu tuy đủ khả năng duy trì các dòng bố mẹ cùng quy trình sản xuất F1. Tuy nhiên đây là các giống quá cũ, cũng không còn đóng góp nhiều cho sản xuất.

Vì không thành công trong tạo giống lúa lai 3 dòng, nên khi các nhà khoa học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tạo ra một loạt giống lúa lai 2 dòng lập tức được dư luận chú ý. Đó là bộ giống lúa lai 2 dòng nổi tiếng Việt lai 20, Việt lai 24, Việt lai 50… do PGS.TS Nguyễn Văn Hoan đứng đầu nghiên cứu; một bộ giống lai 2 dòng khác cũng của Đại học NN Hà Nội là TH3-3, TH3-4… của tác giả GS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng rất nổi tiếng. Ưu điểm của lúa lai 2 dòng là ngắn ngày (vụ mùa chỉ trên dưới 100 ngày), năng suất tương đối cao, và một điểm không thể bỏ qua là sản xuất giống F1 – nhìn chung là dễ nếu thời tiết thuận lợi. Giống lúa lai 2 dòng kể từ khi ra đời, chỉ cần lợi thế ngắn ngày đã dễ dàng chen chân vào đất lúa có cơ cấu vụ đông. Kể từ đó diện tích lúa lai 2 dòng ngày một tăng, nhu cầu mỗi năm hàng ngàn tấn giống F1. Từ đó xuất hiện hàng loạt mỹ từ được dành cho lúa lai 2 dòng của Việt Nam, có người cao hứng nói đấy là sản phẩm trí tuệ đẳng cấp thế giới. Một khi giống đem lại lợi nhuận, lập tức bản quyền giống tăng vùn vụt. Đỉnh cao nhất là giống lúa lai 2 dòng TH3-3 của GS.TS Nguyễn Thị Trâm được Cty TNHH Cường Tân (Nam Định) mua bản quyền với cái giá điên rồ: 10 tỷ đồng!

Tiếc thay, khi người ta quá chăm chú vào ưu điểm, đương nhiên nhược điểm dễ bị bỏ qua. Nhược điểm lớn nhất của lúa lai 2 dòng là dòng mẹ muốn bất dục hay không lệ thuộc vào nhiệt độ. Hiểu nôm na dòng mẹ trong lúa lai 2 dòng là thứ “lưỡng tính”, trong giai đoạn phân hóa đòng, nếu nhiệt độ thấp dưới 24 độ C thì cây mẹ sẽ hữu dục (lúa trổ, tự thụ phấn như một cây lúa thường); nếu nhiệt độ cao trên 24 độ C, thì nó mới bất dục thành một cây mẹ đúng nghĩa để nhận phấn từ lúa bố thụ tinh kết ra hạt lai F1. Chính vì sự đỏng đảnh đó, người ta buộc phải chọn vùng và chọn thời điểm để sản xuất hạt F1 lúa lai 2 dòng khá cầu kỳ, làm sao giai đoạn đòng trỗ đừng gặp rét. Nếu gặp rét, coi như ruộng giống bỏ đi vì dòng mẹ tự thụ.

Để ý về lúa lai nhiều năm, chúng tôi nhận thấy lúa lai 2 dòng thường có độ thuần đồng ruộng không tốt, dễ thấy nhất là tỷ lệ cây cao cây thấp nhiều ruộng khá cao. Đó là thực tế mà có chuyên gia cho rằng, do dòng mẹ mẫn cảm nhiệt độ nên cho dù điều kiện ngoại cảnh tối ưu mấy thì dòng mẹ vẫn không bất dục triệt để, dẫn đến lúa không đạt độ thuần như mong muốn. Có thể đấy là nguyên nhân lý giải tại sao Trung Quốc, đất nước của lúa lai, có nhiều chuyên gia siêu giỏi về lúa lai vẫn không mặn mà tạo giống lúa lai 2 dòng, nhường “sân chơi” này cho các nhà khoa học Việt Nam báo cáo trong một số hội nghị lúa lai quốc tế.

Đỉnh núi càng cao vực càng thăm thẳm. Năm nay, chính thành tựu lúa lai 2 dòng đề cao bấy lâu lại khiến một số DN đứng trước miệng vực phá sản.

Vẫn lại là cái nôi “Nam sản” Quảng Nam. Người ta tính rằng, sản xuất lúa lai 2 dòng ở phía trong đèo Hải Vân thì sẽ yên tâm không gặp rét nhất là lại vào tận giữa tháng ba trở đi khi lúa phân hóa đòng. Một số vụ liền sản xuất lúa lai 2 dòng ở đây đạt năng suất cao, độ thuần đảm bảo càng minh chứng lý thuyết đó đúng. Vụ xuân 2010, 3 DN là Cty TNHH Cường Tân với giống TH3-3; Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng với giống Việt lai 20; Cty CP Giống cây trồng TW với giống TH3-4. Tổng diện tích sản xuất lúa lai 2 dòng của 3 công ty: gần 700 ha. Kết quả sản xuất: hỏng toàn bộ vì dòng mẹ tự thụ do giai đoạn phân hóa đòng gặp gió mùa bất thường, nhiệt độ xuống thấp. (Báo cáo tại Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất hạt lai F1 vụ ĐX 2010 ngày 22/4/2010 tại Đăk Lăk, Cục Trồng trọt tổ chức).

Đây đúng là thiệt hại lớn chưa từng có trong ngành sản xuất giống lúa lai từ trước đến nay, được ví như thiên tai địch họa. Gần 700 ha lúa F1 lâm nạn, tương ứng gần 2.000 tấn giống F1 (đủ gieo cấy 50.000 ha) trị giá 70-80 tỷ đồng bị mất. DN thiệt hại đã đành, nông dân, xã hội cũng bị ảnh hưởng, chỉ vì một đợt gió mùa tràn về bất thường không ai lường nổi.

Chợt nghĩ đến ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân, người bỏ ra 10 tỷ mua bản quyền giống TH3-3, lời lãi chưa đếm được bao nhiêu đã phải chịu mất trắng hàng trăm ha lúa giống…

-----

Theo Báo NNVN