Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Lâm Đồng kỳ vọng cây tre

Trong năm 2011 này, tại huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), dự án trồng tre sẽ chính thức được triển khai. Đây sẽ là cơ sở để Đạ Tẻh nói riêng và Lâm Đồng nói chung hình thành một ngành công nghiệp tre năng suất cao và góp phần cải thiện đời sống người dân trong vùng.
Theo ông Phạm Văn Án – GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng, dự án trồng tre của tỉnh đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt hồi tháng 8/2010; và dự kiến vào mùa mưa tới (mùa mưa năm 2011), những cây tre giống của dự án sẽ chính thức được trồng trên đất Đạ Tẻh.
Theo dự án, trong 5 năm từ 2011 – 2015, tại huyện Đạ Tẻh sẽ hình thành vùng nguyên liệu 1.000ha tre tầm vông (thyrsostachys siamensis) và Mạnh Tông (dendrocalamus asper) trên những vùng đất nghèo kiệt thuộc 3 tiểu khu 536, 551B và 554B thuộc xã An Nhơn; trong đó, gồm 600ha được người dân trong vùng thực hiện trồng dưới dạng phân tán và 400ha do các doanh nghiệp trồng tập trung.
 Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng 1.000ha tre tại huyện Đạ Tẻh, Sở NN-PTNT đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ với các hộ dân và các doanh nghiệp về chương trình thực hiện thí điểm dự án trồng, quản lý và bảo vệ vùng nguyên liệu tre tại Đạ Tẻh. Dự án này do Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học vùng châu Á (ARBCP) triển khai và điều phối dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Một cán bộ chuyên môn của Lâm trường Đạ Tẻh cho biết: Đạ Tẻh là vùng đất khá phù hợp cho cây tre phát triển, đặc biệt là hai giống tre tầm vông và Mạnh Tông. Lâm trường hiện có gần 50ha tre, và đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân, 1ha trồng được 1.500 bụi tre, năng suất bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50 tấn tre thành phẩm; với thời giá hiện nay, mỗi ha tre cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
 “Với đất nghèo kiệt ở Đạ Tẻh, nếu không trồng tre thì phải bỏ hoang cho cây dại mọc chứ không thể canh tác được gì thì quả thật là lãng phí. Bởi vậy, tuy mức thu nhập trên 1ha không cao so với nhiều loại cây trồng khác nhưng đó vẫn là con số chấp nhận được đối với đất cằn ở địa phương này” – một cán bộ của Sở NN-PTNT Lâm Đồng phát biểu quan điểm của mình.
Điều đáng nói hơn: Theo dự kiến, sau 5 năm, khi vùng nguyên liệu tre ở Đạ Tẻh đã hình thành, Lâm Đồng sẽ cho xây dựng tại đây một nhà máy chế biến lâm sản có nguyên liệu từ cây tre cùng với việc song song xây dựng một nhà máy chế biến măng tre đóng hộp. Bởi vậy, hiệu quả từ cây tre không chỉ tính riêng ở giá trị của nguyên liệu thô mà còn là hiệu quả có được từ chế biến với hai nhà máy được xây dựng tại vùng nguyên liệu ở 5 năm tới.
Cũng theo Sở NN-PTNT, ngay sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, một số doanh nghiệp và người dân được thu hút vào dự án hiện đang triển khai xây dựng các vườn ươm giống tre tầm vông và Mạnh Tông để kịp thời đáp ứng nhu cầu về cây giống vào mùa mưa tới. Cùng đó, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng và huyện Đạ Tẻh cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong các thủ tục đầu tư để họ kịp triển khai dự án trong năm 2011 này.
Với Đạ Tẻh, tre không phải là cây trồng xa lạ nhưng một dự án có quy mô tạo vùng nguyên liệu ổn định lại là một cơ hội hoàn toàn mới để người dân trong vùng có thêm thu nhập; và đặc biệt, đây sẽ là điều kiện để địa phương hình thành một ngành sản xuất bền vững.