LUAGAO - Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) sản xuất nông nghiệp và dịch vụ vẫn chiếm ưu thế. Đây là vùng thường xuyên gánh chịu những đợt thời tiết khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến SXNN. SX lúa gạo có tầm quan trọng đặc biệt đảm bảo ANLT, ổn định đời sống cho người dân trong vùng.
Sản xuất lúa vụ đông xuân ở Nam Trung bộ có nhiều lợi thế như thời gian sản xuất kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau nên cây lúa có điều kiện tích sinh trưởng và lũy chất khô vào các bộ phận kinh tế để đạt năng suất cao. Trong khi nền nhiệt độ tăng dần từ đầu vụ đến cuối vụ, biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch nhau khá cao từ 6-12oC; cường độ ánh sáng dồi dào, nhất là vào cuối vụ; cường độ bốc hơi nước thường thấp hơn vụ hè thu đã giúp cho cây lúa tích lũy chất khô về hạt rất tốt, khả năng đạt năng suất cao nhất trong năm là có cơ sở.
Tuy vậy, thực trạng sản xuất lúa vụ đông xuân tại các tỉnh trong vùng thường không ổn định, nhiều nơi mất mùa cục bộ, cụ thể kết quả điều tra tình hình sản xuất lúa trong 11 năm từ 2000-2010 tại các tỉnh trong vùng cho thấy số vụ đông xuân năng suất thấp và bấp bênh như sau: Đà Nẵng có 5/11 vụ, Quảng Nam 3/11 vụ, Quảng Ngãi 4/11 vụ, Bình Định 5/11 vụ; Phú Yên 4 /11 vụ và Khánh Hòa 7/11 vụ.
Nguyên nhân chính là do một số địa phương còn sử dụng cơ cấu 3 vụ lúa/năm nên đã co kéo về thời gian, hoặc cơ cấu 2 vụ lúa/năm nhưng do bố trí không đúng lịch thời vụ gieo sạ, thường nôn nóng đẩy thời vụ đông xuân lên sớm để kịp sạ lúa vụ 3 và sử dụng không đúng cơ cấu giống lúa gieo sạ theo từng trà, giống lúa ngắn, trung ngày lại gieo cấy sớm vào trà đầu vụ (tháng 12) nên khi cây lúa vào giai đoạn làm đòng, trổ bông luôn gặp thời tiết bất lợi như nhiệt độ thấp, mưa phùn đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối cùng.
Mặt khác còn có nguyên nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ đông xuân tại các tỉnh trong vùng đó là:
- Mưa muộn trong tháng 12 của năm trước, do mưa tập trung có khi hình thành lũ sớm đã gây ảnh hưởng đến trà gieo sớm sẽ làm trôi dạt giống thời điểm gieo sạ và ức chế sinh trưởng phát triển cây lúa thời kỳ cây con.
- Thời tiết giá lạnh từ tháng 1 đến 15/3, do nhiệt độ xuống thấp dưới 18-20oC, ẩm độ không khí tuyệt đối thấp < 55% và kết hợp mưa phùn đã ảnh hưởng đến trà lúa sớm làm đòng, trổ bông từ tháng 2 đến trước 10/3 sẽ gây nên tỷ lệ lép cao, thoái hóa đầu bông và hạt lửng nhiều dẫn đến năng suất thấp.
- Hạn hán diễn ra mạnh từ tháng 2 đến tháng 5, nặng nhất là từ tháng 2-5. Hạn kết hợp nhiệt độ tăng nhanh trên 30oC đã làm cạn kiệt nguồn nước tưới cho lúa. Hạn hán cũng tạo nên môi trường nắng ẩm là một trong những điều kiện rất thích hợp cho rầy nâu, rầy lưng trắng có cơ hội phát triển nhanh và có nguy cơ lan rộng thành dịch gây hại lớn.
Từ thực tiễn sản xuất lúa trong nhiều năm qua, các tỉnh trong vùng đã đồng loạt chuyển đổi hầu hết diện tích từ 3 vụ lúa/năm bấp bênh sang trồng 2 vụ/năm ăn chắc. Nhờ việc bố trí lại thời vụ gieo cấy và sử dụng cơ cấu giống lúa hợp lý, nên sản lượng lúa 2 vụ lúa/năm vẫn đạt cao từ 11-13 tấn/năm, tương đương sản lượng lúa gieo cấy 3 vụ lúa/năm, nhưng lại giảm được gần 1/3 chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế tăng cao. Từ những căn cứ có cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên nên khung thời vụ và cơ cấu giống lúa sản xuất vụ đông xuân 2011-2012 tại các tỉnh trong vùng như sau:
1. Thời vụ gieo sạ
- Đà Nẵng: lúa trổ bông an toàn từ ngày 20/3-5/4; thu hoạch lúa trước 30/4. Thời vụ gieo sạ từ ngày 20/12 và chậm nhất 10/1.
- Quảng Nam: lúa trổ bông an toàn từ ngày 20/3 đến 5/4; thu hoạch lúa từ ngày 25/4 đến 5/5. Thời vụ gieo sạ từ ngày 25/12 và chậm nhất 5/1.
- Quảng Ngãi: lúa trổ bông từ ngày 20/3 đến 5/4; thu hoạch lúa từ ngày 25/4 đến 5/5. Thời vụ gieo sạ từ ngày 25/12 và trà muộn nhất 10/1.
- Bình Định:
+ Cơ cấu 2 vụ lúa/năm: lúa trổ bông an toàn từ 15/3-30/3 và thu hoạch từ 15-30/4. Thời gian gieo sạ ngày 25/12 và trà muộn nhất 10/1.
+ Cơ cấu 3 vụ lúa/năm: lúa trổ bông từ 15/2-30/2. Thời gian gieo sạ từ 05/12-15/12 và thu hoạch từ 25/3-5/4.
- Phú Yên: lúa trổ bông an toàn từ 10/3-25/3 và thu hoạch từ 15-30/4. Thời gian gieo sạ từ ngày 20-30/12 và muộn nhất 5-10/1.
- Khánh Hòa: lúa trổ bông an toàn từ 10/3-25/3 và thu hoạch từ 10-25/4. Thời gian gieo sạ từ ngày 10-30/12 và chậm nhất 5/1.
2. Cơ cấu giống lúa
- Đà Nẵng: gieo sạ các giống lúa chính: NX30, Xi23. Giống bổ sung TBR45, HT1, Q5, Khang dân đột biến.
- Quảng Nam: gieo sạ các giống lúa chính Xi23, X21, TBR45, CH207, HT1, Q.Nam1; các giống lúa lai Nhị ưu 838, BiO404. Giống lúa bổ sung: NP12, NP16, TBR1, ĐT34, BC15, SH63, Q5, ĐV108, KD18 đột biến và TH3-3.
- Quảng Ngãi: gieo sạ các giống lúa chính: Q5, Khang dân đột biến, ĐV108, ĐH99-81, ĐH815-6, TBR1, ML48, HT1, ĐT34; các giống lúa lai: Nhị ưu 838, TH3-3, Syn6. Các giống lúa bổ sung: VS1, NX30, Xi23, BM9855, BTE1, BIO404.
- Bình Định:
+ Cơ cấu 2 vụ lúa/năm: các giống lúa chính: ĐV 108, ĐB6, Khang dân đột biến, SH2; lúa lai Nhị ưu 838. Các giống lúa bổ sung: TBR1, Q5, VTNA1, BiO404, D.ưu527, BTE1, N.ưu 69.
+ Cơ cấu 3 vụ lúa/năm: các giống lúa chính: ĐV 108, ĐB6, Khang dân đột biến, SH2; lúa lai Nhị ưu 838. Các giống lúa bổ sung: TBR1, ML202, ML214, ML48, HT1, VTNA1, TH3-3 PAC 807.
- Phú Yên: các giống lúa chính: ML202, ML201, ĐV108, Khang dân đột biến, OM6162, OM4088; các giống lúa lai: BiO404, Syn6, PAC807. Các giống bổ sung: ML68, ML48, TH41, HT1, TH6, ML216, ĐT34.
- Khánh Hòa: các giống lúa chính: TH6, ML202, TH41, TH6, ĐT34, VS1, ML48, HT1, ĐV108, Khang dân đột biến. Các giống lúa bổ sung: ML214, TH41, ML216.
3. Một số lưu ý trong thâm canh
Trong sản xuất lúa vụ đông xuân tại các tỉnh Nam Trung bộ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tiếp tục cải tiến thời vụ gieo cấy để lúa đông xuân làm đòng và trổ bông an toàn trong thời tiết nắng ấm. Các tỉnh phía bắc DHNTB gồm TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các huyện phía bắc tỉnh Bình Định cần cho lúa trổ bông an toàn từ ngày 20 tháng 3 trở đi để tránh gặp lạnh, nhiệt độ thấp dưới 22oC.
- Cần sử dụng cơ cấu giống lúa thuần ngắn, trung ngày, năng suất cao, chất lượng khá, ít nhiễm sâu bệnh, thích ứng rộng phù hợp gieo cấy cả 2 vụ đông xuân và hè thu để thu hoạch gọn trước 15/9 nhằm tránh gió bão, lũ lụt.
- Đẩy mạnh sản xuất lúa lai, nhất là các giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, com ngon. Phấn đấu tăng dần diện tích lúa lai gieo cấy trong vùng từ 15-20% tổng diện tích để nâng cao sản lượng lúa nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ.
- Xây dựng các vùng sản xuất lúa giống tập trung hàng hóa kể cả giống lúa thuần và giống lúa lai để chủ động hạt giống và phục vụ sản xuất vụ mùa tại các tỉnh miền Bắc.
- Thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và chương trình 3 giảm 3 tăng trong thâm canh tăng năng suất lúa.
- Đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, sử dụng các loại phân bón hỗn hợp NPK, phân nén để bón ruộng, kết hợp bón phân hữu cơ vi sinh và bón vôi để nâng cao độ phì đất lúa tại các tỉnh trong vùng.
- Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, chứng nhận chất lượng và kinh doanh giống cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng tại các tỉnh trong vùng.
(Báo NNVN)