Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Làm giàu từ cây mít Thái


Ông Mười bên cây mít 5 năm tuổi.
Tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, hầu như bà con nông dân nào cũng thán phục ông Mười Thông Tin, một nông dân sản xuất giỏi, chuyên trồng mít Thái Changai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tên thật của ông là Nguyễn Văn Mười, nhưng bà con quen gọi là Mười Thông Tin vì trước đây ông đã từng là cán bộ ngành văn hóa - thông tin ở địa phương. Ông Mười tâm sự: “Trước đây tôi đã trải qua nhiều nghề, từ đi buôn đến làm ruộng, làm vườn… có lúc trồng xoài cát Hòa Lộc, nghề nào tôi cũng quyết tâm, vắt óc ra làm nhưng kết quả không như ý muốn, khiến cho vợ chồng tôi nhiều đêm trăn trở, nên trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả trên mảnh đất nhà. Thế là trong đầu tôi đã hình thành một ý tưởng nên chọn cây mít, vì đây là mặt hàng có giá trị kinh tế cao và đang tiêu thụ mạnh”.

Trước khi bắt tay vào công việc, ông đã chịu khó học hỏi, nghiên cứu và đi đó đi đây tìm hiểu về các giống mít, từ mít nghệ cao sản, mít Thái siêu sớm (tứ quý) cho đến mít Thái da xanh, mít ruột đỏ, mít Malaysia… giống nào cũng có ưu điểm riêng của nó. Tuy nhiên, làm thế nào để chọn cho được giống mít ngon, năng suất cao, chất lượng tốt, vừa ăn tươi vừa dùng để chế biến, đó mới là điều quan trọng. Vì hiện nay, tại Việt Nam, ngoài những giống mít cao sản bản địa còn có hàng chục giống mới nhập về từ nước ngoài, vàng thau lẫn lộn, có thứ cơm mỏng, có thứ cơm cứng, cơm nhão, lại có thứ xơ nhiều múi ít… rất khó phân biệt loại nào là ưu việt, loại nào phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng cho từng vùng. Cuối cùng ông đã quyết định chọn mít Thái Changai để sản xuất.

Theo ông Mười, đây là giống mít dễ trồng, phát triển nhanh, trái sai, múi to, cơm dầy, hạt nhỏ, vỏ mỏng, thơm ngon và ngọt. Hiện nay, khách hàng rất ưa thích và các nhà máy sản xuất cũng chọn loại mít này để sấy khô nên người trồng không lo đầu ra và cũng không sợ bị rớt giá. Khởi đầu năm 2005, ông Mười đã chọn được 400 gốc ghép lấy từ Ô Môn đem về hạ thổ và cây phát triển rất nhanh. Từ niềm phấn khởi đó, ông tiếp tục trồng thêm đợt 2, nâng tổng số lên 1.000 gốc trên tổng diện tích là 16,5 công. Tất cả đều phát triển rất nhanh. Ông nhớ lại: Lúc mới mang mít giống về tới nhà, nhiều người cho rằng, ông không thức thời “trồng gì không trồng lại trồng mít, có trái rồi sẽ đem đổ sông, ai mà mua!”. Bây giờ thì thực tế đã chứng minh “cây mít” mà ông chọn trong thời điểm này không sai chút nào!

Chỉ sau một năm rưỡi là cây bắt đầu có trái chiếng, nhưng đợi đến cây hai năm tuổi, ông mới nuôi trái. Hiện nay, cây nào cũng ra trái no tròn, đều đặn, mỗi trái nặng từ 7-20kg, cá biệt có những trái trên 20kg. Tính bình quân mỗi gốc mít 4 năm tuổi cho khoảng 150 kg/năm, giá bán ra từ 10.000-15.000 đ/kg, tùy loại I, II và III. Tính ra mỗi gốc mít tối thiểu cũng thu về 1,5 triệu đồng/năm. Theo ông Mười, mít ra trái quanh năm, nhưng chỉ nên cho trái hai vụ/năm để cây có thời gian nghỉ ngơi. Thông thường, mỗi cây cho rất nhiều trái, thậm chí cả trăm trái nhưng cần phải tỉa bỏ những trái đầu cành và trên thân cao, chỉ giữ lại những trái ôm thân và sát gốc, tối đa khoảng 15 trái/cây nếu cây dưới 4 năm tuổi. Khi cây trưởng thành, số trái có thể nâng lên nhiều hơn.

Hiện nay, tại Hậu Giang chỉ có vườn mít Thái của ông Mười là trồng với số lượng lớn, sản lượng nhiều nhất. Những lúc cao điểm, mỗi ngày ông thu hoạch từ vài trăm kilôgam đến 1 tấn trái, nhưng không đủ để giao cho các bạn hàng chuyển đi các nơi, nhất là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ông Mười cho biết thêm: Tuy mít dễ trồng, nhưng phải thường xuyên chăm sóc, bón phân và theo dõi các loài sâu đục trái, đục thân, nhất là bệnh nấm hại cây trong vụ Đông xuân. Ngoài ra, sau mỗi lần hái trái, phải cắt bỏ bớt cành lá rườm rà để cây nhận đầy đủ ánh sáng giúp cho trái to và ngọt. Vì theo kinh nghiệm, mít càng lâu năm, trái sẽ ngọt đậm, thơm và giòn hơn mít tơ.

Có thể nói, vợ chồng ông Mười là những nông dân cần cù, năng động và chịu khó, dám đầu tư và quyết tâm tạo dựng cho khu vườn ngày càng sung túc. Bất cứ ai đến tham quan vườn mít của ông cũng đều ngợi khen đây là một vườn cây đầy ấn tượng, không những trái sai oằn, đầy đặn mà bờ liếp cũng khang trang, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, bảo đảm môi trường sạch đẹp. Với thành tích trên, ông Mười đã nhiều năm liền được chọn là nông dân sản xuất giỏi và vinh dự nhận được giấy khen của huyện Vị Thủy. Bà Lê Thị Thanh Hoa, Trưởng khối vận xã Vĩnh Tường, nhận định: “Ông Nguyễn Văn Mười là một nông dân cần cù, chịu khó, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn mít của ông năng suất rất cao so với nhiều nơi khác”.

Ngoài trồng mít, ông còn kết hợp thả cá trong ao mương và nuôi gà ta theo mô hình VAC. Đặc biệt, ông đã dùng mít non và mít tuyển bỏ rồi bằm nhỏ để làm thức ăn cho gà và cá nên chi phí giảm rất nhiều. Nhờ vậy, chỉ tính riêng tiền thu nhập từ cá và gà mỗi năm cũng trên 70 triệu đồng.

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Làm giàu nhờ trồng ớt chỉ thiên

Ông Võ Văn Bé, còn gọi là Hai Bé, 54 tuổi, ở ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang là người khởi xướng cây ớt chỉ thiên ở địa phương này. Hiện nay ông đã có 1,5 ha trồng ớt chuyên canh, mỗi vụ lãi trên dưới 200 triệu đồng.


 


Ớt chỉ thiên ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt, ít công chăm sóc. Chỉ cần chú ý khâu thu hoạch: nếu không hái kịp ớt sẽ bị úng, bán mất giá (vừa ửng chín là thu hoạch). Các thương lái ở Campuchia vào tận ruộng mua ớt. Năm nay, đám ớt của ông Hai Bé cho năng suất trung bình 3 - 3,5 tấn/công/vụ, tăng hơn năm ngoái khoảng 500 kg/công bán cho lái 9.000 - 10.000 đồng/kg.
Năm 1989, Hai Bé được cha mẹ cho 2 công ruộng làm lúa, trong một lần đi đám giỗ thấy có người trồng loại ớt có trái hướng lên trời, ăn rất cay và có vị thơm, ông xin về làm giống rồi trồng trên 10.000 cây, năm đầu thu lợi trên dưới 6 triệu đồng. Sau đó ông đầu tư trên 10 triệu đồng...
Với 15 năm kinh nghiệm trồng ớt,  ông cho biết: Trồng cây ớt chỉ thiên cho thu hoạch kéo dài, luân phiên cách nhau một tuần lễ; thu hoạch xong, phải tưới nước, rải phân cho vun thành một lớp đất mỏng, để tạo độ ẩm cho bộ rễ phát triển; làm như vậy, cây ớt không bị mất sức.
Hiện nay ông đã có trong tay 1,5 ha chuyên canh ớt chỉ thiên, mỗi năm trồng hai vụ, trung bình mỗi vụ lãi ròng trên dưới 200 triệu đồng. Từ cây ớt, ông đã xây được căn nhà khang trang, mua xe tải nhỏ chở ớt chỉ thiên thu mua của những hộ lân cận để tập kết đem bán cho lái Campuchia.
Theo phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện An Phú, hiện nay huyện có chủ chương khuyến khích nông dân trồng màu, chủ yếu là cây ớt chỉ thiên, vì đất bãi bồi ở đây rất thuận lợi. Ớt chỉ thiên hiện đang có giá rất cao, tiêu thụ mạnh sang Campuchia và TP.HCM (trung bình mỗi ngày xuất qua biên giới hơn 10 tấn). Hiện nay, toàn huyện có trên dưới 100 hecta trồng ớt chỉ thiên, dự kiến năm tới sẽ mở rộng lên khoảng 150 hecta.

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Nhật cấm trồng lúa trên đất nhiễm phóng xạ

Chính phủ Nhật Bản hôm qua thông báo họ sẽ cấm nông dân trồng lúa trên những vùng đất nhiễm chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Phần lớn lúa mà Nhật Bản sản xuất được dùng để phục vụ nhu cầu của người dân trong nước. Ảnh: blogspot.com.
Phần lớn lúa mà Nhật Bản sản xuất được dùng để phục vụ nhu cầu của người dân trong nước. Ảnh: blogspot.com.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đối với những khu vực nhiễm chất phóng xạ cesium (Cs). Chính phủ sẽ bồi thường cho những nông dân không trồng lúa trên ruộng nhiễm phóng xạ, AP đưa tin.

Từ khi sự cố xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I hôm 11/3 các chuyên gia mới chỉ phát hiện được đất nhiễm phóng xạ với nồng độ cao ở làng Iitate – nơi cách nhà máy Fukushima I khoảng 40 km.

“Chúng tôi phải ban hành chính sách thật nhanh bởi vì nông dân đang chuẩn bị cấy lúa. Tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và quan chức địa phương về cách phục hồi đất nhiễm phóng xạ”, Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano phát biểu.

Vài ngày trước chính phủ Nhật Bản ban hành tiêu chuẩn về nồng độ phóng xạ an toàn trong cá sau khi các chuyên gia phát hiện nồng độ chất phóng xạ trong nước biển xung quanh nhà máy Fukushima I vọt lên mức cao kỷ lục.

Một nông dân
Một nông dân ở ngoại ô thành phố Fukushima, tỉnh Fukushima, Nhật Bản thăm ruộng rau vào ngày 5/4. Ảnh: AP.

Dư luận cũng lo ngại về mức độ nhiễm phóng xạ trong rau và sữa. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, đã cấm nhập khẩu một số nông sản và hải sản từ Nhật Bản.

Giới chức Nhật Bản khẳng định lúa có xuất xứ từ những vùng bị nhiễm phóng xạ cũng sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt. Nồng độ phóng xạ cho phép trong lúa sẽ tương đương với cá và rau. Giới hạn phóng xạ đối với đất trồng lúa cao gấp 10 lần mức đó bởi người ta lo ngại lúa sẽ hấp thụ Cs trong quá trình sinh trưởng.

Nhật Bản sản xuất 8,5 triệu tấn lúa trong năm 2010 và phần lớn sản lượng lúa phục vụ nhu cầu trong nước. Chỉ có khoảng 1.900 tấn được xuất khẩu.

(Theo vnexpress.net)