Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Ấn tượng máy làm mạ khay

LUAGAO - Trong chuyến tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng chương trình nông thôn mới và triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vừa qua, cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn hết sức ấn tượng bởi cách làm mạ khay của nông dân nước này.

Dây chuyền làm mạ khay tại Triết Giang
- Theo ông Dũng, Phó trạm trưởng Nông viện cơ giới TP Kim Hoa (Chiết Giang), mô hình làm mạ khay trên máy hiệu quả kinh tế rất cao, mỗi thôn chỉ cần trang bị 1 máy là đủ năng lực cung cấp mạ, xuống giống đồng loạt kịp theo lịch thời vụ để hạn chế sâu bệnh cũng như thời tiết bất thuận.
Quy trình làm mạ khay trên dây chuyền này rất đơn giản và dễ vận hành, người nông dân chỉ cần quan sát một lần là có thể thành thạo. Hơn nữa chi phí cho chiếc máy này tương đối rẻ, chỉ khoảng hơn 20.000 NDT, tương đương 65 triệu VNĐ. Hiện loại máy làm mạ khay này đang được nhà SX máy nông cụ Lion chào bán rất nhiều cùng với các loại máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cấy tại thị trường VN.

Mạ sắp đến tuổi xuống đồng trong hệ thống nhà lưới
Ông Dũng giải thích thêm, trước khi đưa nguyên liệu làm mạ khay lên dây chuyền, người dân cần lấy phân trâu bò ủ hoai rồi trộn với đất và nước đã sát trùng để diệt trừ mầm bệnh. Sau đó tiến hành các bước đưa đất lên máy và đổ thóc giống vào phễu để máy chạy rồi đón khay mạ đưa vào nhà lưới. Chỉ sau 7 ngày là mạ lên đúng thời điểm có thể đưa ra đồng chuyển lên máy cấy.
Ông Nguyễn Quang Hùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang cho biết, ông sức ấn tượng với mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong SX lúa của nông dân Triết Giang. Mặc dù ở Bắc Giang đã trình diễn máy cấy của KUBOTA từ vụ mùa 2012, nhưng việc triển khai chưa được đồng bộ do đồng ruộng manh mún. Hy vọng thời gian tới Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ máy cấy, máy làm mạ khay cho các tổ hợp tác, HTX thì việc triển khai sẽ hiệu quả hơn.






(Theo Báo NNVN)

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Gian nan tiêu thụ lúa gạo cuối năm

LUAGAO - Ngày 5/7, tại TP HCM, Bộ Công thương cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết XK gạo 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm 2012. Mối băn khoăn lớn tại Hội nghị là khả năng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm và thu mua tạm trữ lúa hè thu ở ĐBSCL.

Lo Thái Lan, Myanmar…

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu 5,288 triệu tấn gạo. Trong đó, 3,414 triệu tấn đã được giao cho khách hàng nước ngoài. Như vậy, lượng gạo đã xuất khẩu trong 2 quý vừa qua cao hơn so với dự kiến trước đây tới 300-400 ngàn tấn, nhưng vẫn thấp hơn 500 ngàn tấn so với cùng kỳ 2011.

Đến nay, trong kho của các doanh nghiệp vẫn còn tồn 1,688 triệu tấn gạo. Lượng gạo hàng hóa trong 6 tháng cuối năm vào khoảng 3,2 triệu tấn (2,9 triệu tấn vụ hè thu và 0,3 triệu tấn vụ thu đông). Như vậy, lượng gạo hàng hóa từ nay đến cuối năm là 4,888 triệu tấn. Trên cơ sở đó, VFA đề ra định hướng về lượng gạo sẽ xuất khẩu trong 2 quý còn lại của năm nay là 3,6 triệu tấn, để đạt mức xuất khẩu cả năm trên 7 triệu tấn gạo. Còn 1,286 triệu tấn gạo sẽ được chuyển gối đầu cho xuất khẩu đầu năm 2013.


Sản lượng lúa tăng cao, XK không thuận lợi, giá lúa xuống thấp, nông dân bị thiệt hại

Hiện tại, số hợp đồng đã ký giao hàng từ 1/7 trở đi là 1,874 triệu tấn. Do đó, các doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng xuất khẩu thêm khoảng 1,8 triệu tấn nữa là đạt được mục tiêu định hướng nói trên. Đây là điều không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới sẽ rất gay gắt trong những tháng cuối năm nay. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng tất cả các phân khúc gạo đều sẽ có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ở Thái Lan, lượng gạo tồn kho hiện đã lên tới trên 11 triệu tấn và nước này gần như đã hết kho chứa trong khi vụ thu hoạch mới đã gần kề. Vì thế, nếu Thái Lan bất ngờ “xả hàng” trong thời gian tới, việc tiêu thụ gạo Việt Nam sẽ càng trở nên khó khăn hơn nữa. Còn theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, ngoài Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, Myanmar cũng đang nổi lên rất mạnh và trở thành mối lo ngại lớn nhất của các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam, khi gạo Myanmar có sự tăng mạnh về sản lượng mà giá bán lại rất thấp.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Thành Biên khẳng định trước hết phải làm tốt hơn nữa và giữ thật vững thị trường Trung Quốc vì đây đang là thị trường lớn nhất của hạt gạo Việt Nam, với lượng hợp đồng chính ngạch đã ký là 1,2 triệu tấn và trên 900 ngàn tấn đã được giao. Theo đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (giảm giá bán) hay vì mối lợi trước mắt mà làm mất uy tín gạo Việt Nam (trộn gạo thường vào gạo thơm theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc) phải được chấm dứt ngay. Đồng thời, phải thúc đẩy mạnh việc thâm nhập vào những thị trường đầy tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Theo ông Biên, với thị trường Hàn Quốc, vừa qua đã có tín hiệu vui là 4 doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gần 30 ngàn tấn gạo vào nước này. Nhật Bản sau 5 năm ngưng nhập khẩu gạo Việt Nam vì dư lượng hóa chất, cũng đã quay lại mua thăm dò. Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo Việt Nam ở các nước Trung Đông và châu Phi…

Tạm trữ 500 ngàn tấn quy gạo

Xét đề nghị của Bộ NN-PTNT và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, cùng ý kiến của VFA, ngày 2/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 821/QĐ-TTg về việc tạm trữ tối đa 500 ngàn tấn quy gạo vụ hè thu 2012 ở ĐBSCL. Thời gian mua tạm trữ từ 10/7 đến 10/8/2012. VFA được giao tổ chức phân giao cho các thương nhân mua lúa gạo tạm trữ. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ trong thời gian tối đa là 3 tháng (từ 10/7 đến 10/10/2012).

Theo ông Trương Thanh Phong, giá thành lúa hè thu ở nhiều địa phương lên tới trên dưới 4.500 đ/kg cho thấy chi phí sản xuất lúa đã bị đẩy lên quá cao. Với giá thành này, các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, vì mua giá thấp sẽ không đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, còn mua giá cao, doanh nghiệp rất dễ bị thua lỗ nặng nề do giá gạo Việt Nam hiện đã ở mức thấp nhất trên thế giới (chỉ tính những nước xuất khẩu chính).


Ông Nguyễn Thành Biên cho hay, các bộ, ngành và VFA đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất rằng chỉ nên mua tạm trữ 500 ngàn tấn quy gạo, bởi nếu mua hơn sẽ gây thêm áp lực cho ngân sách nhà nước. Bởi những lần tạm trữ trước đây với mức 1 triệu tấn quy gạo, lần nào nhà nước cũng phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp tạm trữ không lãi suất trong thời hạn 3 tháng.

Mối băn khoăn nhất hiện nay là giá sàn tạm trữ lúa gạo vụ hè thu này sẽ là bao nhiêu? Trong Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ, không nói rõ việc này. Trong khi đó, theo văn bản số 8605/BTC-QLG do Bộ Tài chính ban hành ngày 27/6/2012, giá thành sản xuất lúa hè thu ở các tỉnh, TP vùng ĐBSCL rất khác nhau.

Tỉnh có giá thành cao nhất là Tiền Giang lên tới 4.540 đ/kg, cao hơn tới 1.016 đ/kg so với tỉnh có giá thành thấp nhất là Kiên Giang (3.524 đ/kg). Nhiều tỉnh khác cũng có giá thành trên 4.000 đ/kg, như Hậu Giang (4.367 đ/kg), Long An (4.356 đ/kg), Đồng Tháp (4.325 đ/kg), Vĩnh Long (4.137 đ/kg) và Cần Thơ (4.016 đ/kg). Như vậy, nếu lấy giá thành bình quân của cả vùng là 3.993 đ/kg để tính ra giá sàn thu mua đảm bảo cho nông dân lời tối thiểu 30% là 5.200 đ/kg, thì người trồng lúa hè thu ở những tỉnh như Tiền Giang, Hậu Giang, Long An và Đồng Tháp sẽ phải chịu thiệt khá nhiều. Bởi thế, ông Nguyễn Thành Biên cho rằng VFA cùng với các doanh nghiệp và các địa phương phải ngồi lại với nhau để giải quyết sự khác biệt khá lớn về giá thành sản xuất lúa giữa các tỉnh, TP, qua đó, tìm ra được giá sàn thu mua hợp lý nhất.

(Theo Báo NNVN)

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Bí quyết cho xoài trĩu quả

Bí quyết cho xoài trĩu quả
Cây xoài non mới trồng trên đất tốt 2 – 4 năm tuổi trở lại không cần bón nhiều phân để tiết kiệm chi phí, chỉ chú ý phân bón thời kỳ 5 năm tuổi trở đi vì hầu hết xoài cho trái có hiệu quả cao từ giai đoạn này.
Có thể dùng phân chuyên dụng NPK 14-14-14 hoặc phân hỗn hợp NPK 16-16-8 để bón cho xoài. 
Liều lượng bón phân theo tuổi cây như sau: Từ 5 - 6 năm: Bón cho mỗi cây từ 0,5 - 1kg phân NPK 14-14-14 + 3 - 4kg phân hữu cơ. Từ 7 - 14 năm: Bón tăng thêm mỗi năm 1kg phân chuyên dụng NPK 14-14-14 + 1kg phân hữu cơ. Từ 15 - 20 năm trở lên mỗi năm bón thêm so với giai đoạn 14 năm từ 2 - 3kg phân NPK 14-14-14 + 2 - 3kg phân hữu cơ cho mỗi cây. Bón 1 lần hoặc chia ra bón làm 2 lần lúc bắt đầu mùa mưa và trước khi chấm dứt mùa mưa. Phân bón cũng có thể áp dụng trong mùa khô nếu có đủ nước tưới. Đào rãnh chung quanh tán cây cách thân cây từ 1 - 2m đường kính, sâu 15 - 30cm, đặt phân và lấp đất hoặc bón theo lỗ từ 6 - 8 lỗ quanh thân cây.
Để tăng lợi nhuận có thể dùng phân hoá học kích thích ra hoa tăng đậu trái cho cây như các loại phân kali nitrat (KNO3). Loại phân này có chứa 13% đạm và 46% kali, giúp tăng cường kali cho cây, kích thích ra hoa tăng trái hữu hiệu. Tuy nhiên để cho việc sản xuất có lợi nhuận cao và bền vững lâu dài, trước khi kích thích cho cây xoài ra hoa, bà con cần lưu ý rằng cách phát triển hoa và trái thay đổi trên các giống xoài khác nhau. 
Ngoài ra không nên dùng chất hóa học, phân bón lá kích thích ra hoa khi mà cây xoài còn quá nhỏ, lá và chồi quá non hoặc khi cây đang đâm chồi, nẩy lộc, có trái hay đang bị bệnh, trong những ngày mưa và sau khi thu hoạch. Dùng liều lượng cao (2.0 - 3.0%) phun khi thời tiết lạnh hoặc trời u ám, khi cây bắt đầu phát triển sung mãn hoặc cây có lá và chồi mạnh khỏe. Áp dụng liều lượng thấp (1.0 - 1.5%) khi thời tiết nắng hoặc nóng, khi cây lớn, già hoặc trưởng thành đầy đủ, khỏe mạnh.
Lưu ý chỉ sử dụng chất kích thích ra hoa, tăng đậu trái một lần trong năm. Có thể áp dụng cho cây đã mang trái mùa trước nhưng không được sai trái. Không nên kích thích trên hoa. Phun khi cây, lá khô ráo và dự định không có mưa sau khi phun khoảng 6 giờ. 
Phun KNO3 ướt đẫm lá hoàn toàn nhưng không chảy thành giọt. Phun vào sáng sớm từ khi mặt trời mọc cho đến khoảng 9 giờ sáng, hoặc phun muộn vào chiều mát từ 4 - 5 giờ chiều nhằm tránh khả năng lá bị nám do ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Theo Tư vấn nông nghiệp