Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

Quy trình bón phân NPK cho lúa HT ở ĐBSCL

LUAGAO - Bước vào vụ lúa HT bà con nông dân lại quan tâm đến việc làm đất, chọn giống và bón phân. Vừa qua, tại Đồng Tháp, Trung tâm KNKN quốc gia và Cty CP VTTH và Phân bón Hóa Sinh đã tổ chức hội thảo tại chỗ về “Quy trình bón phân NPK cho lúa HT”.
Tại cuộc hội thảo này bà con nông dân đặt ra nhiều câu hỏi từ thực tế SX đã được các nhà khoa học trực tiếp trả lời một cách dễ hiểu, dễ áp dụng vào đồng ruộng.
Về chuẩn bị làm đất: Phải cày ải làm cho đất thoáng, để tiêu diệt được một số dịch bệnh trong đất. Làm đất lúa phải được cày sâu, bừa kỹ cho đất nhuyễn, mặt ruộng phải phẳng để hạn chế cỏ dại và phèn và thuận lợi khi điều tiết nước. Đất phải được cày sâu để tạo điều kiện cho rễ phát triển, tăng nguồn dự trữ dinh dưỡng, có lợi cho các hoạt động của vi sinh vật vùng rễ phân hủy các chất hữu cơ khó phân hủy, tăng chất dinh dưỡng cho lúa. Đất phải được làm sạch cỏ dại, rơm rạ.
Về giống: Nông dân Nguyễn Văn Khâm (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành – Đồng Tháp) hỏi: Ở vụ lúa HT cần chọn giống nào tốt nhất để gieo sạ? Câu hỏi này được GS.TS Mai Thành Phụng trả lời như sau: Bà con thấy giống tốt ở chỗ khác chưa chắc là giống tốt của mình. Khi người ta bán giống họ thường nói về ưu điểm mà không nói về khuyết điểm. Đề nghị bà con khi mua giống cần xem xét giống lúa thật kỹ, hỏi về ưu và khuyết điểm của giống lúa đó. Ví dụ, giống lúa này giấu bông hay khoe bông, thời gian sinh trưởng bao lâu? Chúng ta cần tìm hiểu triệt để ưu và khuyết điểm của giống lúa đó.
Những giống phổ biến nhất vụ HT này là: OM6073, OM5199, OM5451, OM6072, OM5464, OM5472, OM5453, OM4088, OM2474. Đây là các giống lúa có năng suất cao, phẩm chất hạt tốt, khả năng kháng sâu bệnh cao, tính kháng rầy tốt, tính ổn định và thích nghi cao với những điều kiện thâm canh khác nhau. Lưu ý: Khi sạ khô, hạt giống đã được ngâm và no nước, lượng hạt giống sạ là từ 110 – 120 kg/ha. Sạ ướt, hạt giống được ngâm ủ nảy mầm. Lượng hạt giống từ 80-100 kg/ha.
Về bón phân: Nông dân Ngô Văn Xứa ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành – Đồng Tháp hỏi: Bón phân đón đòng lúa từ 40-45 ngày tuổi bón 100 kg phân Kali + 50 kg phân Urê/ha, bón như vậy có thừa Kali không? Có ảnh hưởng đến năng suất không?
GSTS. Mai Thành Phụng (Trung tâm KNKN quốc gia) trả lời: Đất trồng lúa ở ĐBSCL là thích hợp nhất cho cây lúa nước phát triển. Bà con làm lúa, khâu bón phân được xem là nghệ thuật, khi lúa trong giai đoạn vàng xanh nên bón phân Kali hoặc phân chuyên dụng của Cty Hóa Sinh. Vì lúc này bón Kali hoặc phân chuyên dụng giúp lúa cứng cây, khỏe, tránh đổ ngã. Bón phân cân đối và hợp lý cho lúa rất quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất.
Vụ HT có thể áp dụng công thức 80-90 N – 50-60 P2O5 – 30-40 K2O.
Bón đợt 1: Từ 7- 10 ngày sau sạ, dùng HS-997, lượng bón 150-200 kg/ha. Bón đợt 1 sớm, bón HS-997 có nhiều đạm và lân, giai đoạn này cần bón nhiều đạm và lân vì cây lúa HT mọc trong điều kiện còn gốc rạ của lúa ĐX, trời nắng nóng dễ xì phèn, dễ ngộ độc do đó cần bón nặng giai đoạn đầu để giúp cây lúa phát triển bộ rễ, đẻ nhiều nhánh, tăng năng suất về sau. Trên đất phèn bón nhiều lân sẽ giúp giảm độ độc trên đất phèn, tăng khả năng chống chịu của cây. Bón tốt giai đoạn đầu là biện pháp quan trọng để đạt năng suất cao.
Bón đợt 2: Từ 18 đến 22 ngày sau sạ, sử dụng HS-998, lượng bón từ 150-200 kg/ha. Cây cần nhiều đạm và lân để đẻ nhiều nhánh hữu hiệu, cây phát triển bộ lá, cần bón tập trung để cây phát triển nhánh tập trung.
Bón đợt 3: Từ 40-45 ngày sau sạ, sử dụng HS-999 , lượng bón 100-120 kg/ha. Thời kỳ tượng đồng nên cần bón nhiều kali. Sử dụng HS-999 giúp lúa tập trung trổ bông, bông to và chắc ít bị lép, tăng năng suất và chất lượng gạo.
KS. LOAN