Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Gạo đang xuất... “siêu”

LUAGAO - TT - Bốn tháng đầu năm nay, VN đã xuất đến 2,3 triệu tấn gạo và số hợp đồng xuất khẩu đã ký đến thời điểm này cũng đạt tới con số 4 triệu tấn.
Bốn tháng đầu năm 2009, xuất khẩu gạo của VN đạt gần 2,3 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo ngày 27-4, đại diện Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết tổng số hợp đồng đã ký xuất khẩu gạo VN lên tới con số 4 triệu trong tổng số 5 triệu tấn kế hoạch năm 2009.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ - tổng thư ký VFA, trong khi các mặt hàng xuất khẩu khác gặp khó khăn thì xuất khẩu gạo của VN trong những tháng đầu năm nay thật sự khởi sắc.
Đạt mức kỷ lục
Ông Huỳnh Minh Huệ cho biết tổng số lượng đăng ký đến 26-4 gần 4 triệu tấn, trong đó đã xuất khẩu được 2,3 triệu tấn, trị giá gần 900 triệu USD với giá trung bình 406,73 USD/tấn. Dự kiến tổng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4-2009 đạt 700.000 tấn, đây là số lượng giao hàng trong tháng cao nhất từ khi VN xuất khẩu gạo đến nay, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân do vụ đông xuân trúng mùa lớn nên các doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ giao hàng, thực hiện các hợp đồng đã ký kết.
Nhu cầu mua gạo của VN tăng nhanh đến vượt mức cân đối nên ngày 20-2, VFA phải thông báo yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ký hợp đồng mới có thời hạn giao hàng từ tháng 7 trở đi. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, cần phải tạm ngưng ký hợp đồng để các doanh nghiệp cân đối lại khả năng giao hàng. Còn theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA, nếu không tạm ngưng ký hợp đồng thì với tốc độ hiện tại, các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng vượt mức lượng gạo có thể đáp ứng. Giá lúa gạo bán lẻ từ đầu năm đến nay cũng tăng mạnh. Giá lúa đạt tiêu chuẩn tăng từ 3.400 đồng/kg vào cuối tháng 12-2008 lên 4.600-4.700 đồng/kg hiện nay. Ngay cả khi vụ đông xuân thắng lớn và thu hoạch rộ, giá lúa gạo cũng không giảm và có xu hướng tăng tiếp.
VFA có thiếu sót
Phát biểu tại cuộc họp xung quanh vụ 53.500 tấn gạo của Công ty Du lịch thương mại Kiên Giang bị ách lại dù đã ký hợp đồng giao hàng cho các đối tác nước ngoài, ông Trương Thanh Phong thừa nhận VFA đã có thiếu sót trong công văn buộc Công ty Du lịch thương mại Kiên Giang cam kết phải giao hàng tại các cảng Sài Gòn (TP.HCM) và không dỡ hàng tại cảng Malaysia.
“Cá nhân tôi do tập trung nhiều việc, đặc biệt là lo việc xây dựng hệ thống kho chứa và đàm phán với các đối tác tìm nguồn xuất khẩu gạo nên không kịp thời gặp gỡ giải quyết sớm các vướng mắc cho doanh nghiệp” - ông Phong nói.
Xu hướng giá giảm
Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo đầu năm khởi sắc như vậy, nhưng ngành gạo đang đối mặt với giá xuất khẩu ngày một giảm. Theo thông tin từ VFA, giá thị trường tiếp tục giảm trong tháng 4 và xu hướng còn giảm tiếp. Tháng 4, giá xuất khẩu gạo VN trung bình 406,5 USD/tấn, giảm 26 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2008. Trong khi đó, các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn như Thái Lan hiện vẫn giữ gạo tồn kho và mua vào theo các chương trình trợ giá, Ấn Độ chưa tích cực xuất khẩu dù đã công bố xuất khẩu 2 triệu tấn gạo basmati...
Ông Huỳnh Minh Huệ cho biết xu hướng giá vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu yếu, người mua chỉ mua đủ ăn và khi cần, trong khi dự kiến Ấn Độ sẽ xuất khẩu trở lại vào quý 3-2009 còn tồn kho của Thái Lan sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
Như vậy, sáu tháng cuối năm 2009 sẽ còn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái, nhất là đối với các nước nghèo nhập khẩu gạo và dự báo giá sẽ tiếp tục giảm. Mặc dù nhu cầu gạo VN vẫn còn đối với các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia cũng như châu Phi (khu vực này sẽ gặp cạnh tranh gạo cấp thấp từ Ấn Độ), nhưng hiệu quả xuất khẩu vụ hè thu sẽ thấp vì giá thành cao hơn, trong khi giá bán có thể thấp hơn.
Một nỗi lo nữa đối với xuất khẩu gạo VN trong nửa cuối năm 2009 là khi nguồn cung gạo cấp thấp từ Ấn Độ và Thái Lan đưa ra nhiều thì người dân trong nước lại đẩy mạnh trồng loại lúa IR50404. Theo đề xuất của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tỉ lệ loại lúa này trong vụ hè thu chỉ khoảng 15% là hợp lý nhưng một phần thiếu các giống lúa khác, một phần vì lợi nhuận cao trong vụ đông xuân vừa qua nên người dân tiếp tục mở rộng diện tích. Một số địa phương cho biết loại IR50404 đã vượt quá mức 40%.
Đề xuất tăng thêm 200.000 tấn
Tuy nhiên, ông Trương Thanh Phong cho rằng với tình hình hiện tại, VN có thể xuất khẩu vượt mức kế hoạch là 5 triệu tấn trong năm 2009. Theo VFA, dự kiến xuất khẩu trong các tháng quý 2 vẫn còn khá cao. Cụ thể, lượng giao hàng trong tháng 4 là 700.000 tấn, tháng 5 là 620.000 tấn và tháng 6 là 600.000 tấn.
Ông Trương Thanh Phong cũng cho rằng trong những tháng cuối năm thị trường xuất khẩu gạo diễn biến phức tạp và khó khăn, do đó thời gian tới VFA sẽ đề nghị với Thủ tướng cho phép sớm giao dịch xuất khẩu gạo trở lại thay vì phải tạm ngưng ký các hợp đồng mới có thời gian giao hàng từ nay đến tháng 7.
“Nếu VN tranh thủ thời gian này tiến hành giao dịch, lượng gạo xuất khẩu trong năm nay có thể vượt mức kế hoạch đề ra” - ông Phong nói.
Dự báo lượng gạo hàng hóa vụ hè thu và thu đông năm nay là 2 triệu tấn, nên căn cứ số đã xuất và ký hợp đồng, lượng gạo hàng hóa sẽ vượt kế hoạch 500.000 tấn. Do đó, VFA dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu thêm 200.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu năm nay lên mức 5,2 triệu tấn.

H.T.DŨNG - T.MẠNH

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Sử dụng bảng màu so lúa để bón phân đạm

LUAGAO - Bón phân theo màu lá là dùng bảng so màu là cách bón khoa học dựa vào nhu cầu đạm trong cây, đơn giản, tiện lợi, dễ áp dụng đối với nhà nông. Sử dụng bảng so màu lá lúa góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh và ngã đổ do không có lượng đạm dư thừa trong cây, đồng thời giảm tác hại đến môi trường do không có lượng đạm dư thừa trong đất và nguồn nước.
Lợi ích sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân đạm
- Về kỹ thuật: Tăng hiệu quả sử dụng phân N.
- Về kinh tế: Giảm chi phí.
- Về thực hành: Đơn giản, dễ làm.
- Về môi trường: Giảm tác hại của lượng phân đạm thừa; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Đối với các giống lúa "chậm đáp ứng" với phân đạm, có màu lá xanh nhạt (mã tranh) như lúa mùa, một số giống lúa thơm, nên áp dụng dãy màu số 3 trên bảng so màu làm màu chuẩn để xác định thời kỳ cần thiết phải bón thêm phân đạm cho lúa.
- Đối với các giống lúa "nhạy cảm", đáp ứng nhanh với phân đạm, có màu lá xanh đậm (đa số giống lúa trồng đại trà hiện nay) và mau đổi màu khi có bón phân đạm, nên dùng dãy màu số 4 trên bảng so màu làm màu chuẩn để so với màu lá lúa. Nếu màu lá nhạt hơn màu chuẩn là thiếu đạm cần phải bón ngay, nếu đậm hơn thì không cần phải bón.
- Đối với một số giống lúa lai nên dùng dãy màu số 5 trên bảng so màu làm màu chuẩn để so với màu lá lúa. Nếu màu lá nhạt hơn màu chuẩn là thiếu đạm cần phải bón ngay, nếu đậm hơn thì không cần phải bón.
Ngoài ra cần chú ý đến mùa vụ gieo trồng thí dụ vụ Đông Xuân, nên áp dụng dãy màu số 4 trên bảng so màu, vụ Hè Thu nên áp dụng dãy màu số 3 trên bảng so màu làm màu chuẩn để xác định thời kỳ cần thiết phải bón thêm phân đạm (N) cho lúa. Tuy nhiên trong từng điều kiện cụ thể có thể áp dụng dãy màu số 4 cho vụ Hè Thu.
Cách thực hiện so màu lá lúa
+ Thời gian so màu thích hợp đối với hầu hết các giống lúa ngắn ngày hiện nay là 7 - 10 ngày thực hiện một lần (kể từ ngày 14 sau khi sạ hoặc cấy cho đến lúc lúa trổ).
+ Thời điểm tiến hành so màu tốt nhất là 8:30 - 9:30 giờ buổi sáng và nên cố định thời gian như nhau cho mỗi lần so màu. Chỉ một người thực hiện việc so màu lá lúa trong suốt vụ lúa.
* Bón thúc lần 1: Không cần dùng bảng so màu.
* Bón thúc lần 2: lúc 18 - 20 ngày sau sạ và sau đó 2 - 3 ngày so một lần nữa.
* Bón thúc lần 3: khoảng 35 ngày sau sạ và sau đó 2 - 3 ngày so một lần nữa.
+ Phương pháp: Khi so màu lá lúa nên xoay lưng về phía mặt trời để che mát cho lá lúa, dễ thấy màu sắc hơn.
Chọn khoảng 20 lá lúa (lá cao nhất trong bụi lúa) của 5 điểm khác nhau trên ruộng. Ghi nhận số khung màu của từng lá. Sau đó tính trị số trung bình của 20 lá được so màu.
Đặt phần lá lúa ở khoảng 1/3 đến 2/5 chóp lá lúa lên khung màu trong bảng so màu.
BIỆN PHÁP XỬ LÝ NGỘ ĐỘC TRÊN PHÈN
- Bước 1. Thay nước mới để xả đáng kể lượng phèn trong ruộng ra, nếu ruộng gò (bị xì phèn) thì cố gắng ép nước lên gò cho đủ. Có thể bón vôi từ 300 - 500kg/ha trước lúc bón phân lân 1 - 2 ngày sẽ tăng hiệu quả phân lân.
- Bước 2. Bón Super lân Long Thành hay lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) từ 100 - 250kg/ha (tùy tình trạng ngộ độc nhẹ hay nặng).
- Bước 3. Xịt phân bón lá (có chứa dinh dưỡng NPK có chứa lân nhiều như 15-30-15, Hydrophos,...). Hiện nay đang khuyến cáo xịt phân bón lá hữu cơ là K- Humate 1lít/ha có hiệu quả tức thời, cứu lúa và hạ độc phèn nhanh.
- Bước 4. Chờ đợi từ 3-7 ngày cho đến khi nhổ lúa lên thấy ra rễ trắng là cứu lúa đã thành công.
- Bước 5. Bón phân chăm sóc tiếp tục theo quy trình (Urê, Lân, Kali...) cho cây lúa phục hồi.
* Lưu ý: khi cây lúa bị ngộ độc phèn ngưng ngay bón đạm (urê), nếu bón vào làm lúa chết nhanh.
BIỆN PHÁP XỬ LÝ NGỘ ĐỘC HỮU CƠ
- Nguyên nhân chính là do rơm rạ, tàn dư thực vật của vụ trước chưa kịp phân hủy do bị vùi lắp trong điều kiện ngập nước tạo ra các gốc phênol, axit hữu cơ gây độc cho cây lúa.
- Triệu chứng: Rõ nhất là bộ rễ bị thối đen, cây lúa vàng và lùn, lúa phát triển kém, không bắt phân. Thường xuất hiện từ 15-30 ngày sau sạ, có nơi bị sớm hơn khi lúa mới sạ vài ngày và gây thiệt hại rất nặng.
- Cách xử lý:
+ Nên đốt rơm rạ, thu hoạch vừa xong châm lửa đốt ngay đống rơm sẽ cháy gần hết. Nếu không đốt được, tìm cách mang rơm tươi ra khỏi ruộng.
+ Làm đất: Cày, xới phơi đất từ 7 - 15 ngày giúp khoáng hóa chất hữu cơ.
+ Bón 300 kg vôi bột (CaCO3/ha) để mau ngấu rạ.
+ Bón lót lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển: 200-400kg/ha).
+ Bón phân đợt 1 sớm (7-10 ngày sau sạ) gồm nhiều lân, nhiều đạm để giúp hạ phèn, mau ngấu rạ. Cụ thể bón 50kg DAP + 50-70 kg Urê/ha.
+ Phun phân bón lá giúp lúa ra rễ, đẻ nhánh mạnh, hạ phèn nhanh, giải độc hữu cơ cho lúa.
KS. Lệ Thoa - Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM
Nguồn:
http://thvm.vn/trongtrot/2841

Phòng trừ bệnh lem lép hạt lúa

LUAGAO - Theo các kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật (1995); Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam (1997); Viện Lúa ĐBSCL (2000) kết hợp với các tài liệu ở nước ngoài có thể xác định được nhiều nguyên nhân:

Tác nhân gây bệnh
*Do nhện gié thường sống trong các bẹ lá lúa khi mật số cao chúng có thể bò lên trên bông lúa chích hút các gié lúa đang phát triển, các bông lúa bị hại thường mọc thẳng đứng và phần lớn số hạt đều bị lép.
*Do vi khuẩn Pseudomonas glumae (tên mới Bukhoderia glumae) làm thối đen hạt hoặc gây vết bệnh trên vỏ hạt.
*Do nấm là chủ yếu: Alternaria padwickii, Bipolaris oryzae, Fusarium sp, Curvularia lunata, Microdochium oryzae, Phoma sp, Pyricularia oryzae, Sarocladium oryzae, Septoria sp, Tilletia barclayana, Ustilagonoides virens.
Sự phát sinh và tác hại
*Thời kỳ cây lúa dễ mẫn cảm với bệnh là từ trổ bông đến chín sữa và rơi vào những tháng có nhiệt độ thấp ẩm độ không khí cao, lượng mưa lớn và số ngày mưa nhiều.
*Lem lép hạt làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa, đồng thời tác hại vào vụ sau.
Biện pháp phòng trừ tổng hợp
*Giống: Gieo cấy hạt giống ít mang mầm bệnh hoặc dùng giống lúa có xác nhận tuyệt đối, không lấy giống ở chân ruộng vụ trước bị lem lép nặng để gieo sạ lại. Trước khi ngâm ủ phơi khô rê sạch loại bỏ những hạt lép lửng, biến màu.
*Thời vụ: Gieo cấy lúa vào thời kỳ thích hợp để khi lúa trổ không trùng với thời kỳ mưa gió nhiều; khi lúa có đòng - trổ không để ruộng bị khô hạn.
*Phân bón: Bón phân đầy đủ và cân đối tuỳ theo giống lúa, điều kiện đất đai, mùa vụ của từng vùng. Có thể áp dụng phương pháp bón phân theo màu lá lúa dựa vào bảng so màu hoặc bón phân đón đòng theo kỹ thuật “Không ngày, Không số".
*Sâu bệnh: Phòng trừ tốt các loại sâu bệnh phát sinh vào giai đoạn đòng - trổ là sẽ giảm bệnh lem lép hạt.
*Cỏ dại: Cỏ dại ký chủ của nhiều nấm gây bệnh trên lá và hạt lúa. Cần phòng trừ cỏ trong ruộng cũng như trên bờ ruộng.
Biện pháp hóa học
Những điều cần lưu ý để sử dụng thuốc hóa học đạt hiệu quả cao:
*Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ:
- Biện pháp này rất có hiệu quả và kinh tế nhất mà chúng ta thường không chú ý.
- Pha Dibavil 50FL nồng độ 3‰ cho hạt lúa giống đã phơi khô rê sạch vào ngâm 24 – 36 giờ vớt ra rửa sạch bằng nước trong sau đó ủ bình thường.
- Xử lý hạt giống giúp phòng ngừa ngoài bệnh lem lép hạt còn thêm các bệnh khác như lúa von, đạo ôn lá, vàng lá chín sớm…
*Chọn lựa thuốc và phun phòng là chính:
- Nên chọn thuốc trừ bệnh phổ rộng để phun như: Dibavil 50FL, Dibazol 5SC, Tiên Sa 250EC, Matador 750WG, Tiên Super 300EC. Liều lượng các loại thuốc đã có ghi ở nhãn bao bì.
- Thời điểm phun là rất quan trọng. Nên phun phòng là chính nếu để bệnh đã xâm nhập vào hạt lúa rồi thì rất khó có kết quả tốt. Phun hai lần vào thời kỳ lúa bắt đầu trổ và trổ đều để hạn chế các loại nấm phát triển trên vỏ hạt lúa. Chú ý nếu phun thuốc muộn khi lúa vào mẩy hoặc chín sữa thì hiệu lực thuốc không cao. Phun thuốc vào giai đoạn đòng trổ này còn phòng trừ được các bệnh khác như đốm vằn, vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông, thối bẹ lá đòng.

Giống lúa mới BM9962

LUAGAO - Tác giả của giống lúa BM9962 là TS Lê Vĩnh Thảo, ThS Nguyễn Văn Vưng và cộng tác viên -Viện KHKT Nông Nghiệp Việt Nam. BM9962 được tạo ra từ tổ hợp lai VN10/D88-6-5, chọn lọc theo phương pháp phả hệ. Được công nhận tạm thời theo QĐ số 2182BNN-KHKT/QĐ ngày 29 tháng 7 năm 2004.

TS Lê Vĩnh Thảo cho biết, Giống lúa BM9962 có những đặc điểm chủ yếu: Chiều cao cây 125 - 130 cm, đẻ nhánh trung bình, bông dài, số hạt/bông 160-170 hạt, tỉ lệ lép 16,2%, tỉ lệ gạo xát trắng 66,96%, tỉ lệ gạo nguyên 60,03%, tỉ lệ dài/rộng 2,59, năng suất trung bình đạt 60 -65tạ/ha. Chống ngập tốt, khả năng vươn lóng nhanh, chịu rét khá, nhiễm nhẹ sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bạc lá.
Giống lúa BM9962 được Trung tâm giống cây trồng vật nuôi du nhập vào Quảng Ngãi tháng 12 năm 2006, thông qua Viện KH NN Duyên hải Nam Trung Bộ và tiến hành khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh từ vụ ĐX 2006-2007 đến nay. Khảo nghiệm so sánh các giống lúa dài ngày có triển vọng trên chân vàn 2 vụ lúa thuộc tỉnh Quảng Ngãi năm 2007 và 2008. Sản xuất thử giống lúa BM9962 trên nhiều chân đất và mùa vụ khác nhau thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Giống lúa BM9962 thuộc nhóm giống dài ngày, cảm ôn, có thời gian sinh trưởng 125 ngày (vụ ĐX) tương đương đối chứng Xi23, vụ Hè thu 115 ngày, dài hơn Xi23 5 ngày có sức sinh trưởng mạnh. Đây là giống lúa có khả năng sinh trưởng phát triển tốt tương đương đối chứng (đ/c) Xi23 phù hợp với điều kiện thâm canh 2 vụ lúa tại tỉnh Quảng Ngãi.
Giống lúa BM9962 có khả năng chống chịu với đối tượng sâu bệnh hại chính và ngoại cảnh bất lợi khá tương đương với đối chứng Xi23 và hơn hẳn các giống trong thí nghiệm đặc biệt nổi bật là rầy nâu (điểm 0- đ1), bệnh đạo ôn cổ bông, đ/c điểm 1, khả năng chống chịu lạnh và chịu nóng tốt, phù hợp với điều kiện thâm canh 2 vụ lúa của tỉnh.
Giống lúa BM9962 có năng suất biến động từ 63 -75tạ/ha vượt từ 3-11% so với đ/c. Ưu điểm của giống BM9962 là giống dài ngày, mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ có thể khống chế được, sức sinh trưởng mạnh, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi tốt, có tiềm năng năng suất cao, phù hợp điều kiện sản xuất tại Quảng Ngãi. Nhược điểm là rụng hạt mức trung bình trong vụ Đông xuân và độ cứng cây trung bình trong vụ Hè thu.
Ngày 14/4, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị đầu bờ tham quan và đánh giá kết quả các mô hình nghiên cứu sản xuất giống lúa thuần mới BM9962 vụ Đông xuân 2008-2009 tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành.
Ông Đoàn Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi cho biết: Qua 4 điểm sản xuất hạt giống lúa Nguyên chủng và xác nhận vụ Đông xuân 2008-2009, năng suất dự kiến từ 65 -75 tạ/ha; sản lượng hạt giống lúa sẽ thu được 100 tấn (khoản 70 -80% sản lượng thực thu) và sẽ phục vụ được >1.000ha gieo trồng vụ HT 2009 sắp tới trong vùng.
Theo TTKNQG

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

QUẢNG NGÃI: GIỐNG LÚA LAI BIO404 CHO NĂNG SUẤT CAO

LUAGAO - Vụ sản xuất đông xuân 2008-2009, Công ty Bioseed Việt Nam phối hợp với Trung tâm giống cây trồng và vật nuôi Quảng Ngãi sản xuất thử nghiệm 10 ha giống lúa lai Bio404 tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TP Quảng Ngãi.

- Qua sản xuất cho thấy, giống lúa lai Bio404 có thời gian sinh trưởng 115-120 ngày đối với vụ đông xuân và từ 100-105 ngày đối với vụ hè thu.
- Năng suất ước đạt của vụ đông xuân này từ 70-80tạ/ha. Ưu điểm của giống lúa lai Bio404 là cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ ngã tốt. Đặc biệt, tại huyện Mộ Đức trong cơn gió lốc ngày 16/4 vừa qua các giống lúa khác đều đổ ngã, riêng giống lúa lai Bio404 không bị đổ ngã. Bên cạnh đó, lúa lai Bio 404 còn chống chịu tốt với bệnh bạc lá, đạo ôn, chống chịu rầy nâu và cơm mềm, có mùi thơm.
- Theo đánh giá của các đại biểu tại hội nghị đầu bờ thì giống lúa lai Bio 404 có chất lượng gạo và năng suất khá so với các giống lúa được sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Được biết, đây là vụ sản xuất thứ 3 mà giống lúa lai Bio404 được đưa vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh và có thể khẳng định rằng đây là giống lúa lai có nhiều triển vọng.
Quang Huy

RA MẮT PHÂN "DAP" "MADE IN VN"

LUAGAO - TT - Ngày 22-4, tấn sản phẩm phân bón DAP đầu tiên sản xuất tại VN đã được ra lò tại Nhà máy sản xuất phân bón diamond phosphate (DAP) Đình Vũ (thuộc Tổng công ty Hóa chất VN - Vinachem), Hải Phòng.
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất VN. Nhà máy có công suất 330.000 tấn/năm, đáp ứng 50% nhu cầu thị trường trong nước về phân bón DAP, tạo việc làm cho hơn 600 lao động.
Dự án Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ được khởi công ngày 27-7-2003, là nhà máy sản xuất phân bón sử dụng công nghệ hiện đại tại VN, với tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD. Quy mô của nhà máy gồm ba xưởng chính: xưởng sản xuất DAP, xưởng sản xuất axit sulfuric, xưởng sản xuất axit phosphoric và một trạm phát điện.
THU HẰNG

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 cho năng suất cao

LUAGAO - Ngày 18/4, tại huyện Đại Lộc - Quảng Nam, Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng (TP Hải Phòng) và các đơn vị liên quan ở Quảng Nam đã tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá tiềm năng năng suất và khả năng chống chịu với thời tiết, sâu bệnh của giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 (do Công ty TNHH Giống cây trồng Minh Phong, Phúc Kiến, Trung Quốc lai tạo).


Vụ đông xuân này, Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng tổ chức cho 5 hộ dân ở thôn Hoà An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc sản xuất khảo nghiệm 10 ha giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 trên những chân đất có độ phì trung bình.


Những hộ tham gia sản xuất giống lúa này cho biết, trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, Nhị ưu 986 rất ít bị các loại sâu bệnh gây hại, thân cây cứng, lá xanh-nhỏ-thẳng, ít đổ ngã, đẻ nhánh khoẻ. Đặc biệt, không chỉ chịu rét tốt mà còn chịu nhiệt và khô hạn rất tốt. Qua gặt thống kê cho thấy, năng suất lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 rất cao, khoảng hơn 10 tấn khô/ha...


Ông Trần Hữu Đạt – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng cho biết thêm: Nhị ưu 986 là giống trung ngày tương đương Nhị ưu 838, quy trình sản xuất không phức tạp, chịu thâm canh, thích nghi với nhiều chân ruộng, mức đầu tư không cao hơn các giống lúa lai khác. Theo ông Đạt, những năm qua, sản xuất ở một số địa phương khác, có nhiều vụ Nhị ưu 986 cho năng suất lên tới 12-13 tấn/ha.

VĂN SỰ

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/31705/Default.aspx

Phòng trừ côn trùng gây hại bằng nấm bệnh

LUAGAO - Trên đồng ruộng, ngoài những nấm bệnh gây hại cho lúa còn nhiều nguồn bệnh có ích cho cây trồng. Cũng tương tự như thiên địch ăn sâu hại, những nguồn bệnh có ích diệt sâu hại bằng cách gây bệnh cho sâu và tiêu diệt chúng.
Trong ruộng lúa có nhiều loài vi sinh vật khác nhau có thể gây bệnh và tiêu diệt sâu hại lúa. Các nhóm này chủ yếu là nấm, vi khuẩn, tuyến trùng và một số vi sinh vật khác cũng có thể gây bệnh cho sâu hại. Xin giới thiệu một số nấm bệnh phổ biến và có ích nhất trên đồng ruộng.

1. Nấm Metarhizium anisopliae:
Nấm Metarhizium gây hại cho bọ rầy, bọ xít và bọ rùa. Bào tử nấm rơi trên cơ thể côn trùng và khi độ ẩm cao kéo dài, bào tử nấm nảy mầm và mọc vào trong cơ thể côn trùng. Nấm phát triển bên trong cơ thể côn trùng ký chủ và ăn chất bổ của cơ thể côn trùng. Khi côn trùng chết, nấm xuất hiện lúc đầu thành một lớp trắng ở những chỗ nối giữa các đốt ở cơ thể côn trùng. Ví dụ như trên thân bọ xít khi hình thành bào tử, nếu là nấm M.Flavovirde sẽ có màu xanh lục nhạt, còn nếu là nấm M.anisoplae chúng sẽ chuyển thành màu xanh lục đậm. Bào tử xuất hiện từ ký chủ đã chết sang ký chủ mới qua gió hoặc nước.
2. Nấm Beauveria bassiana:
Nấm này là một loại nấm trắng gây bệnh cho rầy thân, rầy lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ xít hại lúa và bọ xít đen. Chúng có ở tất cả các môi trường trồng lúa. Cũng giống như các bệnh nấm khác, chúng đòi hỏi phải có độ ẩm cao, kéo dài để các bào tử lây lan nhờ gió và nước nảy mầm. Nấm hủy hoại các mô mềm và dịch cơ thể của ký chủ và khi chuẩn bị hình thành bào tử phát tán, chúng phát triển ra bên ngoài ký chủ. Bào tử có màu phấn trắng như ở trên thân rầy nâu hoặc bọ xít hại lúa.
3. Bệnh nấm tua (Hirsutella):
Nấm tua là loài nấm gây bệnh trên bọ rầy thân và bọ rầy lá. Sau khi nấm xâm nhập cơ thể ký chủ và tiêu thụ các mô bên trong, chúng mọc ra ngoài tạo thành các sợi dài, lúc đầu màu trắng bẩn rồi chuyển thành màu ghi. Những sợi nấm sản xuất ra các bào tử phát tán và gây bệnh.
4. Bệnh nấm bột (Nomuraca):
Nấm hột là loài nấm trắng, bào tử có màu xanh lục nhạt. Chúng gây bệnh cho sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu xanh, sâu keo và sâu phao. Khi mới bị nhiễm, sâu bị bệnh trở nên có màu trắng. Sau một vài ngày bào tử hình thành và sâu chuyển thành màu xanh lục nhạt.
5. Bệnh virus nhân (NPV):
Virus NPV thường xuất hiện ở sâu keo và sâu khoang. Sâu non bị bệnh do ăn lá bị nhiễm virus. Khi virus đã lan ra khắp cơ thể sâu non, ký chủ trở nên chậm chạp và ngừng ăn. Sau đó sâu non chuyển thành màu trắng rồi màu đen, treo ở lá và chỉ còn các chân dính trên lá. Dung dịch mang bệnh ở cơ thể sâu non sẽ làm ô nhiễm phần lá chỗ sâu chết và tiếp tục truyền bệnh.
6. Virus viên:
Virus viên gây bệnh ở bướm đêm và bướm ngày. Cũng giống như nấm NPV, sâu non ăn lá bị nhiễm bệnh sẽ bò chậm chạp, sau đó bỏ ăn. Sau 1-2 tuần thân sâu non thắt lại, bề ngoài như có đốt giống sâu đo nâu. Sâu bị nhiễm bệnh chuyển màu vàng, hồng và đen mềm nhũn.
Các loại nấm bệnh trên sâu hại cây trồng có thể sản xuất được hàng loạt với giá rẻ dưới dạng lỏng hoặc bột và có thể phun như các loại thuốc trừ sâu bệnh thông thường.

LÊ MINH

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

Làm gì để nâng cao năng suất vụ hè thu?

LUAGAO - Trường Đại học Cần Thơ và Công ty cổ phần hoá nông Lúa Vàng vừa tổ chức một hội thảo chuyên đề về việc nâng cao năng suất của vụ hè thu nhằm giúp bà con nông dân học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cũng như chia sẻ những giải pháp mới nhất trong lĩnh vực này.

- Một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa hè thu hiện nay là dịch bệnh. Theo ThS. Phạm Hoàng Oanh, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ thì hiện có đến 8 loại bệnh có thể ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đối với các loại bệnh này, giải pháp phòng trừ chính là sử dụng các loại thuốc trừ sâu hại theo đúng liều lượng và phương thức. Bên cạnh đó, việc bón phân đầy đủ và xuống giống vào thời điểm thích hợp cũng rất quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa.
- Dịch bệnh đã khiến cho năng suất vụ HT không cao như mong đợi. Theo một nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ, hiện chênh lệch mức lời giữa hai vụ lúa ĐX và HT của nông dân là rất lớn (mức lời vụ lúa HT chỉ khoảng 40% so với vụ ĐX). Nguyên nhân do năng suất thấp, bình quân năng suất lúa vụ HT khoảng 4,5 tấn/ha trong khi vụ ĐX khoảng 6,5 tấn/ha. Trong khi đó, chi phí cho việc canh tác lúa HT không giảm nên với chênh lệch khoảng 2 tấn/ha, người nông dân bị thiệt trên 8 triệu đồng.
- Theo PGS TS Nguyễn Bảo Vệ, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ, cách nay khoảng 10 năm, đã có những hội thảo tìm biện pháp gia tăng năng suất lúa HT, rút ngắn chênh lệch năng suất với vụ ĐX. Lúc bấy giờ, bình quân năng suất lúa HT chưa tới 4 tấn/ha, nhưng nhiều địa phương còn e ngại về khả năng gia tăng năng suất của vụ lúa này và cho rằng điều kiện môi trường đã quyết định như vậy, khó mà thay đổi (trời nóng, mưa nhiều, ít nắng, dịch bệnh…). Tuy nhiên, qua phân tích và đánh giá về tiềm năng năng suất lúa vụ HT trong điều kiện tự nhiên của ĐBSCL, có thể thấy rằng có những nguy cơ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lúa HT, nếu tích cực khắc phục là có thể nâng cao năng suất lúa HT. “Thực tế hiện nay có địa phương đã đạt được năng suất lúa HT bình quân toàn huyện trên 6 tấn/ha. Do đó việc tìm ra biện pháp khắc phục những nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa hè là rất cần thiết” – ông nói.

"Cty CP hoá nông Lúa Vàng với thương hiệu “Lúa Vàng - Chất lượng vàng” đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng cả nước, đặc biệt là đối với người nông dân Việt Nam. Cty hiện có 2 nhà máy chuyên ngành bảo vệ thực vật đặt tại Bình Dương và Vĩnh Long và một hệ thống các chi nhánh, đại lý phân phối trên toàn quốc."

- Tại hội thảo này, bà con nông dân các đại biểu đã nghe các bài trình bày quan trọng liên quan đến vấn đề nâng cao năng suất lúa vụ hè thu. Đây là những tham luận khoa học đáng chú ý đã được xây dựng trên cơ sở khoa học và đúc kết từ thực tiễn sản xuất vụ hè thu tại vùng ĐBSCL. Theo các chuyên gia, giải pháp khắc phục đối với các loại bệnh vẫn là sử dụng các loại thuốc trừ sâu hại theo đúng liều lượng và phương thức.
- Mới đây, công ty cổ phần hoá nông Lúa Vàng đã chính thức giới thiệu các dòng sản phẩm Comcat 150WP, Physan 20L, hiện được coi là những giải pháp hiệu quả trong canh tác lúa theo hướng an toàn. Đặc biệt, Sản phẩm Comcat 150WP là sản phẩm duy nhất được Cục Bảo vệ Thực vật cho phép đăng ký là thuốc ức chế “Bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá”. Đại diện của Cty CP hoá nông Lúa Vàng cho biết mục tiêu của công ty là không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn cung cấp cả những giải pháp tổng thể giúp bà con luôn đạt năng suất và giảm chi phí. Các sản phẩm của công ty hiện đang chiếm thị phần rất lớn tại ĐBSCL nhờ chất lượng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại. Công ty này đang hy vọng sẽ cùng với bà con nông dân tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả của vụ lúa HT tại ĐBSCL với các sản phẩm mới này.

THÙY ANH

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/31475/Default.aspx

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Kinh nghiệm xử lý thóc giống trước khi gieo mạ

LUAGAO - Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, các cán bộ nghiên cứu Viện BVTV đã đưa ra một số phương pháp xử lý hạt thóc giống trước khi gieo mạ nhằm loại bỏ hết các tác nhân gây nên một số bệnh hại như bệnh lúa von, bệnh khô vằn, bệnh lở cổ rễ v.v... Được lây truyền từ vỏ hạt giống sang mầm mạ và trên cây lúa sau này. Đây là những phương pháp đơn giản, dễ làm, được bà con nông dân nhiều nơi ứng dụng cho kết quả rất tốt.
Xử lý bằng nước muối (15%):
- Dùng nước sạch pha với lượng muối 15% (1 lít nước hòa vào 150g muối ăn), khuấy đều cho tan hết muối. - Cách thử nồng độ: Dùng quả trứng gà tươi thả vào dung dịch nước muối đã pha. Nếu quả trứng nổi lập lờ, nửa chìm, nửa nổi là được. Nếu trứng chìm thì cho thêm muối, nếu trứng nổi trên mặt nước thì cho thêm nước. - Cho hạt thóc giống vào dung dịch muối đã pha nói trên. Sau 5-10 phút vớt bỏ các hạt nổi (đó là các hạt lép lửng, các hạt bị bệnh), đem các hạt chìm đi ngâm ủ để gieo mạ sẽ được những cây mạ khỏe, đảm bảo chất lượng và sạch bệnh.
Xử lý bằng nước nóng (54 độ C):
Pha 2 phần nước lạnh với 3 phần nước sôi (3 sôi, 2 lạnh), lượng nước xử lý cần gấp 3-5 lần lượng thóc cần xử lý để có nhiệt độ 54 độ C. Chú ý: Trước và sau khi cho thóc giống vào xử lý cần dùng nhiệt kế kiểm tra để luôn đảm bảo nhiệt độ 54 độ C mới đảm bảo đủ nhiệt để diệt nấm. Nếu chưa đủ 54 độ C cho thêm nước sôi vào, vừa đổ vừa khuấy đều, thời gian xử lý 3-5 phút.Xử lý bằng nước vôi trong (2-3%): Dùng 200-300g vôi cục hoặc 400 – 500 vôi mới tôi hòa tan trong 10 lít nước sạch. Để lắng 15-20 phút rồi lọc lấy 6-7 lít nước vôi trong để ngâm cho 6-7 kg thóc giống trong thời gian từ 10-12 giờ. Căn cứ vào lượng thóc giống cần gieo để tính toán lượng nước vôi trong cần pha cho phù hợp.
Xử lý bằng các thuốc trừ nấm:
CuSO4(1-4%), Bavistin, Daconil, Captan... pha nồng độ 0,3% ngâm trong 12 giờ. Một trong những loại thuốc hiện đang được bà con nông dân sử dụng rộng rãi là xử lý thuốc Cruser Plus 312,5 FS để ngăn ngừa sự tấn công gây hại ngay từ đầu đối với bọ trĩ và một số côn trùng chích hút khác trên cây lúa như rầy nâu. Ngoài ra, các hoạt chất thuốc trừ nấm có trong thành phần thuốc sẽ diệt trừ các loại mầm bệnh còn tiềm ẩn trên hạt giống mà với các biện pháp khác khó loại trừ. Nếu xử lý cho 100 kg thóc giống thì pha 20ml thuốc Cruser Plus 312,5 FS với 4-5 lít nước sạch, khuấy kỹ (dung dịch có màu đỏ), tưới và trộn đều với thóc rồi đem ủ cho mọc mầm trước khi gieo.Sau khi xử lý bằng một trong các phương pháp trên, bà con đem hạt giống ngâm tiếp trong nước lã 48 tiếng đối với lúa thuần (đủ 60 giờ cho cả xử lý thuốc và ngâm nước lã) và 36 giờ đối với lúa lai (đủ 36 giờ cho cả xử lý thuốc và ngâm nước lã). Chú ý ngày thay nước 2 lần, để thóc nơi râm mát đề phòng thối hạt do nước chua hoặc nhiệt độ cao. Đãi sạch hết nước chua, rồi ủ hạt giống trong 25-30 giờ cho đến khi hạt nảy mầm “gai dứa” đem gieo ra ruộng.
Trần Nga (Theo Báo NNVN)

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

Nông dân tự chế thuốc trừ sâu rầy

LUAGAO - Thoạt nghe lạ, càng lạ hơn là khi nhiều nông dân tin cách “tự chế” thuốc trừ được sâu rầy, đạt hiệu quả và ít tốn kém. Đó là cách làm mới lần đầu tiên của nông dân Sóc Trăng – qua nhiều mùa lúa thử nghiệm, dùng nấm ký sinh phòng trị rầy nâu (RN), sâu bệnh.
- Một biện pháp sinh học được các cán bộ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp Viện lúa ĐBSCL và trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) thừa nhận hiệu quả, có lợi cho môi trường và từ cách làm này có thể tiến tới sản xuất nông phẩm đạt theo tiêu chuẩn sạch.
- Nông dân Nguyễn Hữu Công, ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) tự nguyện học và làm theo cách làm này đạt hiệu quả kể: “Thật ra từ mấy năm trước nghe bà con nông dân đã thử phun thuốc sinh học hiệu quả, tôi đã muốn làm theo. Thế rồi vào một chiều nọ do tình cờ xem ti vi thấy cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Sóc Trăng chỉ dẫn bà con cách làm, tôi tìm tới chi cục BVTV tỉnh học trong 10 ngày, rồi mua sắm vật dụng về làm tại nhà. Sau 10 ngày sau khi cấy nấm chuyển màu xanh cũng là lúc lúa được 10 ngày, phát hiện có RN mật số 5-10 con/m2. Tôi bèn pha thuốc phun ngay. Thú thiệt lúc đầu phun thuốc 2 bình thấy hơi chán so với trước kia phun thuốc hoá học (rầy chết ngay). Nhưng phải nói tới lần thứ 3, lúa được 23 ngày, tôi thấy RN bị nhiễm nấm trắng, bị chết. Tôi mừng quá đem khoe với bà con và tôi tới phòng kỹ thuật chi cục BVTV xin nấm về để cấy và phun thêm”.
- Từ mô hình nông dân tự cấy nấm trừ sâu rầy, hiện nay nông dân ở một số địa phương tỉnh Sóc Trăng đã tiến thêm một bước là hình thành những nhóm nông dân có sự phân công và chia sẻ kỹ thuật trong cách nuôi cấy nấm để phân phối trong cộng đồng. Theo cách “thương mại hoá” này, giá cả dễ chấp nhận nên được nông dân đồng thuận. Ông Bùi Thanh Toàn, nông dân ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) là người nhân nuôi nấm trong nhóm cộng đồng nói: “Theo yêu cầu của bà con hơn 50 hộ nông dân trong nhóm, tôi nhân cấy nấm đáp ứng đủ cho 40 ha lúa. Trong vụ lúa ĐX vừa qua trong xã Tân Thạnh nhờ có nhiều nhóm nông dân phun xịt thuốc nấm ký sinh này nên mật số RN luôn ở mức thấp. Thấy vậy, các xã lân cận hiện có hơn 200 nông dân đang yêu cầu giúp làm mô hình điểm để nhân rộng ra từ cách làm này.
- Quá trình ứng dụng thuốc vi nấm từ nấm ký sinh (Metarhizium anisopliae & Beauveria bassiana) phòng trừ RN trong thâm canh lúa chất lượng cao ở Sóc Trăng bắt đầu từ những năm 2003-2008 và đến nay vẫn còn tiếp tục. Từ 12 mô hình ứng dụng đầu tiên thực hiện trên 48ha (4ha/mô hình) tại 2 huyện Mỹ Xuyên và Thạnh Trị, TS Nguyễn Thị Lộc – cán bộ Viện lúa ĐBSCL kết luận, mô hình đã giảm được chi phí và tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt ứng dụng chế phẩm sinh học giúp bảo vệ môi rường sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mô hình lúa-cá, lúa-tôm tại tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL. Trong giai đoạn này nông dân mới làm quen với nấm ký sinh.


+ Theo PGS. TS Trần Văn Hai, qui trình sản xuất chế phẩm nấm xanh Metarhiziium anisopliae (Ma) chuyển giao trong điều kiện nông hộ như sau: ngâm gạo với nước trong 1 giờ, cho vào bọc nylon (0,5kg/bọc), sau đó hấp thanh trùng bằng nồi nhôm trong khoảng 1-1,5 giờ (đun bằng than đá hoặc củi), cấy nấm gốc Ma (giống cấp 1) vào từng bọc, lấy 1/6 đĩa petri (đường kính 9,5cm), đem ủ trong điều kiện nhiệt độ từ 28-30oC và lắc lọc chế phẩm 1 lần/ngày. Sau 10-14 ngày nuôi cấy chế phẩm có thể dùng được như đem cấy truyền tạo và đem phun xịt; dùng 5 bọc (2,5kg)/ha là đủ.
+ Dùng chế phẩm nấm xanh Ma, mật số RN giảm nhanh chóng sau 7 ngày phun xịt và tiếp tục giảm dần đến 28 ngày sau khi phun. Hiệu lực của chế phẩm trên các loại sâu gây hại khác như sâu cuốn lá, sâu keo, sâu đeo, sâu đo…

- Nhưng phải nói trong năm 2006-2008, được Dự án Nâng cao chất lượng cây trồng-vật nuôi tỉnh Sóc Trăng do CIDA Canada tài trợ, dù trong tình hình dịch RN, bệnh VL-LXL phát sinh lây lan trong toàn khu vực, tỉnh Sóc Trăng vẫn kiên trì thực hiện mở rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trên lúa mùa, lúa thơm ST3, ST5, ST10 ở các huyện Mỹ Xuyên, Kế Sách, Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm. Kết quả nông dân tin vào biện pháp này đạt hiệu quả, nhất là nơi thực hiện mô hình lúa-tôm giữ gìn môi trường tốt vì không phải dùng thuốc trừ sâu hóa học.
- Từ tháng 8/2008 đến nay là dấu mốc đánh dấu chuyển giao qui trình cấy nấm trừ côn trùng hại cây trồng cho nông hộ tự làm. Bộ môn BVTV trường ĐHCT là đơn vị nghiên cứu xây dựng qui trình và chuyển giao nhân nuôi nấm ký sinh phòng trừ sâu rầy hại lúa và cung cấp giống đầu dòng tại 6 huyện trong tỉnh Sóc Trăng. KS Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng nhận xét: “Qui trình sản xuất nấm tại nông hộ được đa số nông dân đồng tình và cho biết dễ làm. Qua thực tế dùng biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại trên đồng ruộng được nhiều nông dân xác nhận hiệu quả. Chi phí phòng trừ RN bằng nấm xanh bình quân 100.000đ/ha/lần, trong khi ruộng lúa phun thuốc hóa học biến động 200.000đ đến 1 triệu đồng/ha/lần. Việc xã hội hóa trong phòng trừ dịch hại bằng sinh học sẽ góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức từ thuốc hóa học sang thuốc sinh học”.
Qua mô hình dùng chế phẩm sinh học quản lý kiểm soát RN, TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhớ lại: “Hồi lúc dịch RN bùng phát dữ dội, Bộ NN&PTNT phân công tôi làm thành viên trong Ban phòng chống RN - bệnhVL, LXL. Đi dọc theo các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL rồi sang nước bạn Campuchia, đâu đâu tôi cũng thấy lúa nhiễm rầy rất nặng, nhưng ở Thái Lan thì không. Những đồng nghiệp ngành BVTV ở Thái Lan nói nhờ dùng nấm ký sinh và cách làm này được chuyển giao tới nông dân. Tôi xuống xem thực tế ở nhiều địa phương, quả thật có nơi 150.000ha lúa an toàn nhờ biện pháp phòng trừ sinh học này. Hiện thời ở Sóc Trăng chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả cho thấy mô hình triển khai rất nhanh và kết quả thu được rất thuyết phục. Làm như nông dân Sóc Trăng thì nông dân nơi khác cũng làm được”.

HỮU ĐỨC

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

4.000 tỷ đồng hiện đại hóa nông nghiệp ĐBSCL

LUAGAO - Theo NNVN: Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam sẽ giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng cho việc phát triển nông nghiệp bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Severin Kodderritzsch, Điều phối viên Chương trình phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên thuộc WB, số tiền trên được dùng để thực hiện các chương trình bảo đảm an ninh lương thực, gia nhập WTO, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trước hết là ứng phó với nước biển dâng cao tại đây trong vài chục năm tới.
Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, đây là số tiền của WB dành ưu tiên đặc biệt cho vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam để xây dựng các công trình phục vụ cho sự phát triển nền nông nghiệp bền vững của vùng.
Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất nên đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết nhất hiện nay gồm: Quy hoạch chung cho phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu, dự báo, đề ra giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong; phát triển hệ thống thủy lợi, xây dựng đê biển.
Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư sản xuất giống cây trồng, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp để tập huấn, chuyển giao công nghệ cho nông dân, tổ chức sản xuất sẽ theo hướng mở rộng quy mô, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cũng được trú trọng.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và WB tại Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu, lựa chọn các thứ tự ưu tiên đầu tư và lập dự án trình Chính phủ phê duyệt.
(Theo TTXVN)

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

GIỚI THIỆU ĐẶC TÍNH MỘT SỐ GIỐNG LÚA CHỦ LỰC VÀ TRIỂN VỌNG HIỆN NAY Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

KS. Nguyễn Chí Công
(Theo Cục Trồng Trọt)
GIỐNG LÚA VNĐ 95-20
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Đỗ Khắc Thịnh, Hùng Phi Oanh, Nguyễn Thị Cúc, Đào Minh Sô, Nguyễn Ngọc Oanh – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Phương pháp chọn tạo: Đột biến phóng xạ gamma Co60, trên giống IR64 và chọn lọc phả hệ.
Được công nhận giống quốc gia năm 1999 theo Quyết định số 3493 QĐ/BNN-KHCN ngày 9/9/1999. Hiện nay là một trong những giống có diện tích lớn nhất trong sản xuất.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân 90 – 95 ngày, vụ Hè Thu 95 – 102 ngày.
Chiều cao cây 85 - 90 cm, cứng cây, đẻ nhánh trung bình, lá đòng thẳng, khối lượng 1.000 hạt 25 – 27g. Hạt gạo dài 7,2 – 7,4 mm, không bạc bụng (hạt gạo trong, sáng, đẹp, thích hợp xuất khẩu); độ hóa kiềm cấp 5 – 6, amyloza 20 – 22 %, cơm mềm, dẻo. Năng suất trung bình vụ Đông Xuân 6 – 8 tấn/ha, Hè Thu 5 – 7 tấn/ha.
Kháng rầy nâu, ít nhiễm bệnh đạo ôn, ít nhiễm vàng lá, đốm, chịu phèn, chịu gió khá tốt.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thời vụ thích hợp: Hè Thu, Mùa, Đông Xuân trên nhiều chân đất khác nhau.
Các lưu ý trong sản xuất: Là một trong 5 giống chủ lực cho xuất khẩu ở các tỉnh phía Nam, giống có tính ổn định cao, trong điều kiện thâm canh có thể đạt 9 tấn/ ha/ vụ.

GIỐNG LÚA OM 576
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Viện lúa ĐBSCL.
Giống OM 576 được chọn lọc từ tổ hợp lai Hungary/ IR 48 từ năm 1982 và được công nhận chính thức từ năm 1990.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng cực ngắn, khoảng 90 ngày trong điều kiện sạ thẳng, 95 ngày khi gieo mạ cấy; chiều cao cây trung bình 90 – 95 cm. Năng suất trung bình đạt 4,5 – 5,5 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 7,0 – 7,5 tấn/ ha. OM 576 có hạt gạo hơi ngắn, chiều dài hạt gạo trung bình 6,5 mm; khối lượng 1000 hạt 24 gram; tỉ lệ bạc bụng thấp, cơm mềm, ngon.
Kháng rầy nâu trung bình (3-5), hơi nhiễm bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn; giống rất dai hạt.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống OM 576 thích nghi rộng, hiện là 10 giống lúa chủ lực có diện tích sản xuất rất rộng ở ĐBSCL. Trong thực tế, OM 576 nhiễm nhẹ rầu nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. OM 576 có thể trồng cả trong 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, phù hợp vùng sản xuất lúa gạo chất lượng trung bình sử dụng giống ngắn ngày.
+Lưu ý: Cần phục tráng, làm thuần giống để phát huy tốt tiềm năng của giống.

GIỐNG LÚA OMCS 2000
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Loãn, Lê Thị Dự, Huỳnh Thị Phương Loan, Trần Minh Tuấn, Phạm Thị Mùi, Lưu Văn Quỳnh, Nguyễn Hữu Hà Linh, Bùi Bá Bổng, Bùi Chí Bửu – Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc: Được tạo ra từ tổ hợp lai OM1723/ MRC19399.
Phương pháp chọn tạo: Lai cổ truyền năm 1996, chọn lọc theo phương pháp phả hệ và đưa vào khảo nghiệm từ năm 1999.
Được khu vực hóa theo Quyết định số 5218 BNN-KHCN/QĐ ngày 16/11/2000 và công nhận chính thức là giống quốc gia năm 2002 theo Quyết định số 5310 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/11/2002.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 90 - 95 ngày trong điều kiện sạ thẳng.
Chiều cao cây 95 – 110 cm, thân rạ cứng trung bình, đẻ nhánh khá. Có phẩm chất gạo tốt, tương đương với OM 997-6 và cao hơn OM 1490; hạt gạo dài 7,3 mm; tỉ lệ dài/rộng 3,3; ít bạc bụng; tỉ lệ amyloza 25,6%; cơm mềm và đậm. Năng suất vụ Đông Xuân 6 – 8 tấn/ ha và Hè Thu 4,0 – 5,5 tấn/ ha tương đương và cao hơn giống lúa OM 997-6 và OM 1490.
Trong điều kiện thử nghiệm nhân tạo, OMCS 2000 nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 7) và hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chịu phèn khá.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thích hợp ở vụ Đông Xuân và Hè Thu trên đất phù sa và đất phèn nhẹ đền trung bình.
Các lưu ý trong sản xuất: chịu thâm canh trung bình, không bón lượng đạm qúa cao, không cân đối dễ dẫn đến đổ ngã.

GIỐNG LÚA IR64 (OM89)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa IR 64 được tuyển chọn từ giống nhập nội IR18348 – 36-3-3 của Viện lúa quốc tế IRRI.
IR 64 được tuyển chọn từ năm 1983 và được công nhận chính thức năm 1989. Hiện là giống lúa chủ lực trong sản xuất ở Nam bộ, Tây Nguyên.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 105 – 115 ngày trong điều kiện gieo mạ cấy và 95 – 100 ngày khi sạ thẳng.
Chiều cao cây trung bình 95 – 105 cm. Dạng hạt thon dài (7,5 mm), khối lượng 1000 hạt 26 – 27g. Tỉ lệ gạo trên 70%, bạc bụng thấp (cấp 1), gạo trắng, cơm dẻo, ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được nhiều nước ưu chuộng. Năng suất bình quân, vụ Hè Thu 4 – 5 tấn/ ha, vụ Đông Xuân 6,0 – 6,5 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 7,0 – 8,0 tấn/ha.
Kháng rầy nâu (cấp 3-5), rất kháng đạo ôn (cấp 1), hơi kháng bạc lá (cấp 3-5), nhiễm khô vằn (cấp 5-7).
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Khả năng thích ứng rộng, có thể gieo cấy trên chân đất phù sa cổ có Glây hóa. Trên đất phù sa phèn nhẹ cho năng suất cao hơn các giống đang sử dụng. Trồng được cả 2 vụ: Đông Xuân gieo mạ tháng 11 – 12, vụ Hè Thu gieo mạ tháng 4 – 5. Cấy khi mạ khoảng 20 – 25 ngày. Có thể đưa vào sản xuất gạo xuất khẩu. Ở các tỉnh phía Bắc trong vụ Xuân muộn hoặc vụ Mùa sớm, vụ Hè Thu ở miền Trung.
Mật độ cấy 44 – 50 khóm/m2 hoặc gieo sạ với lượng hạt giống khoảng 180 kg/ha. Giống chịu thâm canh khá cao, có thể bón 80 – 100 N/ha.
Lưu ý: IR 64 có ưu thế cao hơn trong vụ Đông Xuân; vụ Hè Thu dễ bị lép, đổ nếu bón đạm thiếu cân đối với lân và kali.

GIỐNG LÚA OM 3536 (OMCS 21)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Loãn và CTV: Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu – Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM3536 có nguồn gốc từ tổ hợp lai TĐ8/ OM1738.
Giống đã được công nhận giống quốc gia năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/ BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng 95 – 100 ngày trong điều kiện cấy và 85 - 90 ngày khi gieo sạ.
Chiều cao cây 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/m2 khoảng 312 bông. Khối lượng 1000 hạt đạt 26,2 g, hàm lượng amyloza 22 – 23%, có mùi thơm trung bình, độ bạc bụng cấp 0, chiều dài hạt gạo 7,1 – 7,5mm. Năng suất trung bình của giống đạt 4,0 tấn/ ha vụ Hè Thu và vụ Đông Xuân 6,0 tấn/ ha.
Giống hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5) và hơi kháng bệnh đạo ôn (cấp 3).
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
OM 3536 có thể trồng được cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống thích nghi rộng, dễ canh tác, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện đang là một trong 5 giống chủ lực dùng xuất khẩu và đang được trồng nhiều ở các địa phương như An Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng.
Lưu ý: OM 3536 hơi yếu cây và không chịu thâm canh cao. Chú ý bón phân đạm vừa phải và cân đối.

GIỐNG LÚA IR 50404
1. Nguồn gốc
Giống lúa IR 50404 có nguồn gốc từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) được nhập vào Việt Nam đầu năm 1990. Giống IR 50404 do Bộ môn Cây lương thực – Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc và phát triển. Giống IR 50404 được công nhận chính thức vào năm 1992.
2. Đặc điểm nông học
Giống IR 50404 có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 90 ngày trong điều kiện sạ thẳng; chiều cao cây thấp (85 – 90 cm), đẻ nhánh khá, số hạt/bông trung bình (65 – 70 ), tỉ lệ hạt chắc cao.
IR 50404 chịu phèn mặn khá, dễ tính, thích ứng rộng có thể gieo trồng và đạt năng suất cao trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Ở thời điểm công nhận giống IR 50404 kháng cao rầy nâu và nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn và khô vằn. Hiện nay IR 50404 vẫn được gieo trồng trên diện tích rất rộng ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL; giống nhiễm rầy cục bộ ở một số địa phương.
Nhược điểm cơ bản của IR 50404 là chất lượng gạo thấp (hạt hơi ngắn và tỉ lệ bạc bụng khá cao).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
IR 50404 có thể gieo trồng trong cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, đặc biệt thích hợp ở vùng đất nhiễm phèn nhẹ đến trung bình, và những vùng cần giống cực ngắn ngày để tránh mặn trong vụ Đông Xuân và né lũ trong vụ Hè Thu. Tuy nhiên IR 50404 có chất lượng gạo thấp, không nên bố trí sản xuất ở những vùng lúa cao sản chất lượng cao cho xuất khẩu.
Lưu ý: Cần phục tráng, làm thuần giống để phát huy tốt tiềm năng của giống.

GIỐNG LÚA OM 2517
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang và các CTV: Nguyễn Văn Loãn, Bùi Chí Bửu - Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM2517 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM1325/ OMCS94.
Được công nhận giống quốc gia năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/7/2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 90 - 95 ngày.
Chiều cao cây 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/khóm 9/12. Khối lượng 1000 hạt 26 – 28g, hàm lượng amyloza 24 – 25%, độ bạc bụng cấp 1 - 5, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm. Năng suất trong vụ Hè Thu đạt 5,0 tấn/ha và vụ Đông Xuân đạt 8 tấn/ha.
Giống kháng rầy nâu cấp 5 và bệnh đạo ôn cấp 5.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống thích nghi rộng, dễ canh tác, phù hợp với vùng Tứ Giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.

GIỐNG LÚA OM 2395-165
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Lang và Bùi Chí Bửu, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn gốc: Từ tổ hợp lai IR 63356-6B (dạng hình siêu lúa, năng suất cao, sạch bệnh)/ TN 1(giống thấp cây) và chọn lọc theo phương pháp phả hệ, thực hiện từ năm 1999. Giống OM 2395 được công nhận tạm thời năm 2002 và công nhận chính thức năm 2003.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày.
Chiều cao cây trung bình 90 – 100 cm; thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, khối lượng 1000 hạt 27 – 28 gram.
Chống chịu sâu bệnh: kháng rầy nâu (cấp 1), hơi kháng bệnh đạo ôn (cấp 3).
Năng suất trung bình đạt 5 – 7 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, 4 – 6 tấn/ ha trong vụ Hè Thu.
Chất lượng gạo: Tỉ lệ xay sát khá cao (gạo lức: 78 – 80 %; gạo tổng số 67 – 69 %; gạo nguyên: 50 – 55 %). Hạt gạo thon dài (7,0 – 7,4 mm), tỉ lệ dài/ rộng (D/R: 3,3), bạc bụng thấp; hàm lượng amyloza khoảng 24 – 25 %.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống OM 2395 kháng sâu bệnh tốt, thích ứng rộng, dễ canh tác ngay cả trong vùng khó khăn; năng suất cao và ổn định, chất lượng gạo tốt. OM 2395 có thể gieo trồng cả trong hai vụ Đông Xuân và Hè Thu, trên đất phù sa ngọt hoặc nhiễm phèn mặn nhẹ ở ĐBSCL.

GIỐNG LÚA OM4498
1. Nguồn gốc
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo và phát triển từ tổ hợp lai: IR64/ OMCS2000// IR64; có sử dụng phương pháp Marker.
Giống OM 4498 đã được Bộ NN và PTNT công nhận tạm thời năm 2005.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 90 – 95 ngày.
Chiều cao cây đạt 95 – 100 cm.
Chống chịu sâu bệnh: Hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), hơi kháng bệnh đạo ôn (cấp 3); chịu phèn khá.
Năng suất: 6 – 8 tấn/ha.
Chất lượng gạo: Tỉ lệ xay sát cao (gạo lức: 79 -80 %; gạo tổng số 68 – 69 %; gạo nguyên: 50 – 55 %). Hạt gạo thon dài (7,0 – 7,1 mm), tỉ lệ dài/rộng (D/R: 3,3), bạc bụng thấp; hàm lượng amyloza trung bình khoảng 24,5%.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Chịu thâm canh trung bình. Thích hợp cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu cho vùng thâm canh cao, hoặc nhiễm phèn nhẹ đến trung bình.

GIỐNG LÚA OM4495
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang và các CTV: Bùi Chí Bửu - Viện Lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM4495 có nguồn gốc từ IR64/OM1706//IR64.
Được công nhận tạm thời năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/7/2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 90 - 95 ngày.
Chiều cao cây 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/khóm 8/12. Khối lượng 1.000 hạt 27g, hàm lượng amyloza 24 – 25 %, độ bạc bụng cấp 1-5, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm. Năng suất giống đạt 5 – 7 tấn/ha.
Giống có tính kháng rầy nâu cấp 5 và bệnh đạo ôn cấp 3, hơi yếu cây.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống OM4495 là giống lúa cao sản, ngắn ngày, phẩm chất gạo tốt, được giải thưởng bông lúa vàng Hội chợ Quốc tế Nông nghiệp năm 2003. Giống phù hợp gieo trồng vụ Hè Thu và Đông Xuân tại vùng đất cao các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dưới điều kiện thâm canh thấp đến trung bình.
Lưu ý: Giống hơi yếu cây, cần bón phân đạm vừa phải và cân đối

GIỐNG LÚA AS 996-9
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu - Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc lai tạo: Được tạo ra từ tổ hợp lai IR64/Oryzarufipugon.
Phương pháp chọn tạo: Lai tạo hữu tính với bốn lần hồi giao.
Được khu vực hóa theo Quyết định số 5218 BNN-KHCN/QĐ ngày 16/11/2000 và công nhận chính thức là giống quốc gia năm 2002 theo Quyết định số 5310 QĐ/BNN – KHCN ngày 29/11/2002.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 90 – 100 ngày .
Chiều cao cây 80 – 90 cm, thân rạ cứng, đẻ nhánh khá. Có phẩm chất gạo tương đương với IR 64; hạt gạo dài 7,4mm; tỉ lệ dài/rộng 3,4; ít bạc bụng; tỉ lệ amyloza 24,76%; cơm mềm và ngon. Năng suất vụ Đông Xuân 5 - 7 tấn/ha, vụ Hè Thu 4 – 5 tấn/ha tương đương và cao hơn giống lúa IR64.
Chống chịu bệnh đạo ôn cấp 3 và rầy nâu cấp 5, kháng phèn tốt.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thích hợp vụ Đông Xuân và Hè Thu trên đất phù sa và đất phèn.
Các lưu ý trong sản xuất: Chịu thâm canh cao.

GIỐNG LÚA OM 2718
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thế Lâm, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Trọng Lương, Trần Thị Thanh Xà, Phạm Văn Sơn và Phạm Văn Ro – Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc lai tạo: Giống lúa OM2718 được tạo ra từ cặp lai OM1738/ MCRDB. Trong đó OM1738 tạo ra từ cặp lai OM269/ IR50401. Dòng MCRDB là dòng đột biến từ giống móng chim rơi phóng xạ dưới tia gamma (y60Co) ở liều lượng 20 Krad tại thời điểm 69 giờ sau khi mọc mầm.
Được công nhận tạm thời theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 100 ngày trong điều kiện gieo mạ cấy và 90 - 95 trong điều kiện gieo thẳng.
Chiều cao cây 100 – 105 cm, tỉ lệ hạt lép/bông khoảng 12 – 20 %. Khối lượng 1.000 hạt thóc từ 22 – 25g. Năng suất trung bình ở vụ Đông Xuân 5 - 6 tấn/ha, vụ Hè Thu 4 tấn/ha. OM 2718 có gạo hạt dài 7mm, gạo trong k hông bạc bụng, cơm mềm đạt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu.
Kết quả đánh giá trong điều kiện nhân tạo cho thấy OM 2718 có tính kháng trung bình với rầy nâu và nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 7), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5).
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống có tính thích ứng rộng, dễ sản xuất, có thể gieo trồng trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu ở vùng bán đảo Cà Mau.
Giống nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn, vì vậy cần gieo sạ với mật độ vừa phải, áp dụng lượng phân đạm trung bình và cân đối với lân và kali; Giảm diện tích sản xuất ở những vùng có áp lực rầy nâu và bệnh đạo ôn cao.

GIỐNG LÚA JASMINE 85
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Đỗ Khắc Thịnh, Đào Minh Xô, Trương Thị Hoài Nam và Trần Tiến Khai – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Nguồn gốc: Jas mine 85 (Dòng lai IR 841-85) được chọn tạo từ tổ hợp lai Pata/ TN 1// Khao dawk Mali của Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI).
Phương pháp chọn lọc: Chọn lọc làm thuần giống, đưa ra khảo nghiệm và sản xuất thử từ năm 1993.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân từ 95 -102 ngày, vụ Hè Thu 100 – 108 ngày; chiều cao cây 85 – 90 cm, khá cứng cây, đẻ nhánh trung bình, lá đòng thẳng; khối lượng 1.000 hạt khoảng 26 – 27 gram. Hạt gạo dài 7,2 – 7,6 mm, trong suốt, không bạc bụng, mạt gạo đẹp; hàm lượng amylose trung bình (20 – 21 %), độ hóa hồ cấp 5, cơm mềm, dẻo có mùi thơm đặc trưng.
Năng suất trung bình trong vụ Đông Xuân từ 5 – 8 tấn/ ha; vụ Hè Thu 3,5 – 4,5 tấn/ ha.
Jasmine 85 nhiễm rầy nâu, nhiễm bệnh đạo ôn và bệnh cháy bìa lá; ít chịu phèn, hạn và nhập úng.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thời vụ gieo trồng thích hợp nhất là vụ Đông Xuân.
Phạm vi phân bố: Thích hợp vùng đất phù sa ngọt ở ĐBSCL hoặc đất xám vùng Đông Nam bộ; phù hợp sản xuất gạo đặc sản cho tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu.
Lưu ý trong sản xuất: Giống Jasmine 85 nhiễm nặng cả rầy nâu và bệnh đạo ôn, không nên bố trí cơ cấu quá lớn trong sản xuất; áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp, kết hợp sử dụng giống xác nhận để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa.

GIỐNG LÚA VĐ 20 (OMĐS 20)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Luật và CTV: Lê Thị Dự, Lê An Ninh, Nguyễn Thị Tâm, Bùi Chí Bửu – Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống VĐ 20 có nguồn gốc từ Đài Loan, được tuyển chọn theo phương pháp chọn đầu dòng và so sánh các dòng triển vọng. VĐ 20 được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/ BNN-KHCN ngày 29/ 07/ 2004.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Giống có TGST ngắn từ 100 – 115 ngày, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Thuộc dạng hình thâm canh thấp. Chiều cao cây 105 – 115 cm, số hạt chắc/ bông khá cao (100 – 120), tỉ lệ lép 15 – 22 %. Khối lượng 1.000 hạt 21 gram, hạt gạo ngắn (5,8 – 6,4 cm), màu sắc vỏ trấu vàng, có sọc; bạc bụng cấp 0. Tỉ lệ gạo nguyên cao (trên 45%); hàm lượng amylose thấp đến trung bình (18,4%); gạo có chất lượng cao cấp, thơm, dẻo phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Năng suất đạt 3 - 4 tấn/ ha trong vụ Hè Thu và 4 – 5 tấn/ ha trong vụ Đông Xuân. Năng suất cao nhất có thể đạt 6 tấn/ ha.
Giống nhiễm rầy nâu (cấp 7) và hơi nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống có thích nghi rộng với nhiều vùng sinh thái và có ưu thế cao hơn trong vụ Đông Xuân so với vụ Hè Thu; có thể gieo trồng được trên đất phèn nhẹ. VĐ 20 được sản xuất rộng ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An...

GIỐNG VND 99-3
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Đỗ Khắc Thịnh, Đào Minh Sô, Trương Quốc Ánh – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Phương pháp chọn tạo: Đột biến phóng xạ gamma Co60, trên giống Nàng Hương và chọn lọc phả hệ.
Được công nhận tạm thời năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân 90 - 98 ngày, vụ Hè Thu 100 - 105 ngày.
Chiều cao cây 85 – 90 cm, thân cứng trung bình, đẻ nhánh khá, lá đồng thẳng (cấp 3), khối lượng 1.000 hạt 25 – 27g. Hạt gạo dài 7,0 – 7,4 mm, bạc bụng trung bình (caịnh); độ hóa hồ cấp 4 – 5, amyloza 22 – 23 %, cơm mềm, dẻo. Năng suất trung bình vụ Đông Xuân 5 – 8 tấn/ ha, Hè Thu 4 – 6 tấn/ ha.
Hơi kháng rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn và cháy bìa lá, ít nhiễm đốm vằn, vàng lá, chịu phèn, chịu hạn rất tốt.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thời vụ thích hợp: Hè Thu, Mùa, Đông Xuân.
Phạm vi phân bố: Thích nghi rộng, dễ trồng, chịu được điều kiện khó khăn, đặc biệt thích hợp vùng Đông Nam bộ.
Các lưu ý trong sản xuất: Giống thích nghi rộng, thích hợp trên nhiều chân đất, địa hình; đặc biệt rất thích hợp cho những vùng khó khăn, ít có điều kiện thâm canh về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

GIỐNG LÚA OM 3242
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Phạm Thị Mùi và các CTV: Bùi Chí Bửu - Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM3242 được chọn lọc và phát triển từ tổ hợp lai IR64/ K26.
Được công nhận tạm thời năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/ BNN-KHCN ngày 29/ 7/ 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 95 – 100 ngày. Chiều cao cây trung bình 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/ khóm cao (9 – 12). Khối lượng 1.000 hạt 27g, hàm lượng amylose hơi cao (25%), độ bạc bụng cấp 1 – 5, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm. Giống có năng suất trung bình 5 tấn/ha (vụ Hè Thu) và 6 tấn/ha (vụ Đông Xuân).
Giống có tính kháng rầy nâu cấp 5 và bệnh đạo ôn cấp 5.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống có khả năng thích ứng rộng, khả năng kháng mặm tương đối khá, phẩm chất tốt, hiện đang được mở rộng trồng ở các vùng phèn ở Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và Đồng Tháp.

GIỐNG LÚA IR 42 (NN 4 B)
1. Nguồn gốc
Giống lúa IR 42 nhập nội từ Viện Lúa quốc tế, có tên gốc là IR 2071-586-5-6-3.
Được công nhận giống quốc gia năm 1885 theo Quyết định số 10 NN/ QĐ ngày 14 tháng 1 năm 1985.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 140 – 150 ngày, ở đất phèn mặn tới 160 ngày; nơi đất tốt 135 ngày.
Chiều cao cây trung bình khoảng 110 cm, đẻ nhánh khỏe, nhiều bông; số hạt chắc/ bông khá cao ( 95 – 105 hạt), gạo ngon ít bạc bụng. IR 42 dễ tính, không đòi hỏi thâm canh cao, trong điều kiện bình thường vẫn cho năng suất khá. Năng suất bình quân 4,0 – 4,5 tấn/ ha; cao nhất có thể đạt 6 – 8 tấn/ ha.
Chịu phèn mặn tốt, kháng rầy nâu típ 2, kháng ngang với bệnh nấm đạo ôn. Nhược điểm là nhiễm bệnh bạc lá và khô vằn.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
IR 42 có thể gieo trồng trên đất phèn mặn, mực nước không sâu quá 40 cm; có thể bố trí gieo trồng ở trà lúa Mùa sớm để thu hoạch vào tháng 11 ở những vùng lúa Mùa ĐBSCL.

GIỐNG LÚA IR 29723
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn gốc và phương pháp chọn tạo: Giống IR 29723 được nhập từ Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), được Viện lúa ĐBSCL nhập nội, chọn lọc và phát triển. Giống đã được khu vực hóa năm 1990 và công nhận giống quốc gia năm 1992 theo Quyết định số 126 NN-KHCN/ QĐ ngày 21 tháng 5 năm 1992.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng trung ngày, từ 125 – 135 ngày; chiều cao cây trung bình từ 105-110 cm; hạt thon dài, khối lượng 1.000 hạt từ 23 – 25 gram; tỉ lệ gạo 66 – 70 %, ngon cơm, có thể xuất khẩu; nhược điểm là hàm lượng amylose hơi cao. Năng suất trung bình đạt từ 4,0 – 5,0 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 6 – 7 tấn/ ha.
Hơi nhiễm rầy nâu, hơi kháng đạo ôn, nhiễm bệnh cháy bìa lá. Khả năng phục hồi sau khi ngập hoặc sau khi bị bệnh kém hơn IR 42. IR 29723 chịu phèn mặc khá tốt.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống chịu thâm canh cao, thích hợp chân đất trũng ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang...
Thích hợp gieo cầy trong vụ Mùa hoặc Hè Thu. Vụ Mùa gieo mạ vào tháng 7 – 8, cầy vào tháng 8 – 9, tuổi mạ 25 – 28 ngày.

GIỐNG LÚA OM 5930
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu, và CTV, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn gốc và phương pháp chọn tạo: OM 5930 có nguồn gốc từ biến dị tế bào soma giống OM 3536, thực hiện vào 2001, dòng triển vọng được chọn bằng Maker và được khảo nghiệm chính thức từ năm 2005.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày; chiều cao cây trung bình từ 105 – 110 cm; thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, hạt chắc/ bông cao (150), khối lượng 1.000 hạt 25 – 26 gram; hạt gạo thon dài, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm, bạc bụng cấp 0, hàm lượng amylose trung bình (22,0 - 22,5 %); tỉ lệ xay xát khá cao, gạo trắng đạt khoảng 70% và gạo nguyên đạt xung quanh 50%. Năng suất trung bình đạt từ 5,0 – 7,0 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 7 – 8 tấn/ ha.
Kháng cao rầy nâu (cấp 1), hơi kháng đạo ôn (cấp 3).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống chịu thâm canh cao, thích hợp đất phù sa ngọt; với khả năng kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt, OM 5930 có thể phát triển để thay thế giống OM 2514, OM 1490 và bổ sung vào cơ cấu giống lúa cao sản chất lượng cao.

GIỐNG LÚA OM 5239
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu, và CTV, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn gốc và phương pháp chọn tạo: OM 5239 được chọn lọc và phát triển từ tổ hợp lai IR 64/ OM 2395 và được khảo nghiệm chính thức từ năm 2004-2006.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày; chiều cao cây trung bình từ 95 – 105 m; thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, hạt chắc/ bông cao (80 - 100), khối lượng 1.000 hạt 26,0 – 26,5 gram; hạt gạo thon dài, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,1 mm, bạc bụng thấp (cấp 1), hàm lượng amylose trung bình đến hơi cao (24,0 – 25,0 %); cơm nở, rời và hơi cứng; tỉ lệ xay xát khá cao, gạo trắng đạt khoảng 68 – 69 % và gạo nguyên đạt từ 45 – 50 %. Năng suất trung bình đạt từ 5,0 – 7,0 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 7 – 8 tấn/ ha.
Hơi kháng – hơi nhiễm rầy nâu (cấp 3-5), hơi nhiễm đạo ôn (cấp 5).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống lúa OM 5239 thích ứng rộng, phù hợp cả trong điều kiện thâm canh và những vùng khó khăn như Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Bến Tre, Hậu Giang; giống có thể gieo trồng trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.

GIỐNG LÚA MTL384 (L264-1-4-5-4-2)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Bộ môn Tài nguyên Cây Trồng, Viện NC Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa MTL384 có tên gốc L264-1-4-5-4-2 được chọn lọc từ các dòng phân ly F6 của tổ hợp lai L264/ MTL142 năm 1999. Giống MTL384 đã được khảo nghiệm Quốc gia trong ba vụ từ Đông Xuân 2004-2005 đến Đông Xuân 2005-2006.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày trong điều kiện gieo thẳng, 95 ngày trong điều kiện cấy tại ĐBSCL.
Chiều cao cây trung bình 80 – 90 cm, lá thẳng ngắn, thích hợp cho điều kiện thâm canh, số bông/m2 trung bình từ 260 – 290 (lúa cấy). Số hạt chắc/bông thay đổi từ 90 – 100 hạt, trọng lượng 1.000 hạt trung bình 25 – 27 g. Năng suất trung bình thay đổi từ 5,4 – 7,3 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 5,0 – 5,5 tấn/ha,
MTL 384 có tỉ lệ gạo trắng cao (69 – 70 %) và gạo nguyên cao (54 – 58 %), tỉ lệ bạc bụng thấp. Chiều dài hạt gạo khoảng 6,7 mm, hàm lượng amylose cao (28,2%). Gạo trắng trong, có mùi thơm nhẹ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kháng rầy nâu trung bình (3-5) và hơi kháng đạo ôn (3-5), chịu phèn khá.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
MTL 384 thích nghi tốt cả hai vùng phù sa và đất phèn có cải tạo như Tri Tô (An Giang), Tân Phước (Tiền Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Bạc Liêu; giống có thễ gieo trồng trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.

GIỐNG LÚA MTL 392 (L 274-4-5-7-1-1)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Bộ môn Tài nguyên Cây Trồng, Viện NC Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ.
Nguồn gốc và phương pháp: được chọn lọc và phát triển từ tổ hợp lai L 274// Lúa thơm cực ngắn / OM 1723. Giống lúa MTL 392 đã được khảo nghiệm quốc gia trong 2 năm, 2005-2006.
2. Đặc điểm nông học
Thời gian sinh trưởng trong điều kiện sạ thẳng từ 90 - 95 ngày; trong điều kiện cấy kéo dài đến 100 ngày.
Giống lúa MTL392 có chiều cao trung bình 95 – 100 cm, lá thẳng, bông dài to, thích hợp cho điều kiện thâm canh, số bông/m2 trung bình từ 300 – 340 bông/m2 (lúa cấy), số hạt chắc/bông thay đổi từ 70 – 100 hạt, trọng lượng 1.000 hạt trung bình 27,0 – 27,5 gam. Năng suất trung bình thay đổi từ 6,5 – 7,5 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và 5,0 – 5,5 tấn/ha trong vụ Hè Thu. Kết quả phân tích phẩm chất hạt cho thấy giống MTL392 có tỉ lệ gạo trắng cao (70,2 %), tỉ lệ gạo nguyên thu hồi cao (58 – 60 %), tỉ lệ gạo bạc bụng thấp (14 - 15% bạc bụng tổng số) trong đó số hạt bạc bụng cấp 9 rất thấp (10%), chiều dài hạt gạo trắng 7,0 mm, hàm lượng amylose thấp (21,0 – 22,0 %), protein cao (11,0%). Gạo trắng trong, có mùi thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giống lúa MTL392 kháng rầy nâu (cấp 1,7 – 3,7) và hơi nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5 - 6) trong các thử nghiệm trong nhà lưới tại Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam và Đại học Cần Thơ. Qua sản xuất trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 2006 giống MTL392 tỏ ra chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá tại các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống lúa MTL392 thích nghi tốt ở cả hai vùng phù sa và vùng đất phèn có cải tạo như vùng Phụng Hiệp- Hậu Giang. Qua kết quả sản xuất cho thấy giống lúa MTL392 phù hợp cho vùng sinh thái phù sa ngọt ở ĐBSCL, đang phát triển sản xuất mạnh tại các tỉnh Vĩnh Long, Tp. Cần Thơ, Hậu Giang.