Đó là nói đến các cánh đồng lúa phì nhiêu Mường Thanh ở Điện Biên, Mường Lò ở Nghĩa Lộ, Mường Than ở Thái Nguyên và Mường Tấc ở Sơn La. Cánh đồng Mường Lò có diện tích trên 2.000 ha, tưới tiêu tự chảy, đất có độ phì nhiêu khá tốt, khí hậu thuận hòa là nơi khá lý tưởng cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Gạo Mường Lò đang được người tiêu dùng để ý tới. Do có điều kiện thời tiết và khí hậu thích hợp, mấy năm gần đây Mường Lò còn hé lộ tiềm năng sản xuất hạt giống lúa lai F1.
Từ kết quả làm thử thắng lợi năm 2008, vụ xuân 2009 Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai thuộc Viện Cây lương thực & CTP đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, triển khai mô hình sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và sản xuất hạt giống F1 của tổ hợp lai 3 dòng HYT100 tại các điểm Tân An, Nghĩa Phúc… trên cánh đồng Mường Lò. Theo bà Nguyễn Tuyết Dung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ, với mức đầu tư như nhau, trên diện tích triển khai 23 ha giống HYT100 cho năng suất dự kiến 72 tạ/ha tương đương với giống Nhị ưu 838 (vẫn đang gieo cấy phổ biến ở Mường Lò) nhưng do giá bán sản phẩm cao hơn 1.000-1.500 đ/kg nên tổng thu đạt 46,8 triệu đ/ha, cao hơn so với sản xuất giống Nhị ưu 838 từ 7,2-10,8 triệu đ/ha. Việc gieo cấy giống HYT100 cùng với nền thâm canh áp dụng kỹ thuật phân viên nén dúi gốc (FDP) mang lại hiệu quả kinh tế cao được bà con các dân tộc vùng cao thị xã Nghĩa Lộ hưởng ứng và mong muốn phát triển thành một chương trình sản xuất gạo hàng hóa chất lượng cao.
ThS. Nguyễn Văn Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai cho biết, cùng với mô hình sản xuất lúa gạo hàng hóa, Trung tâm còn phối hợp thử nghiệm 6,5 ha sản xuất hạt lai F1 của tổ hợp HYT100 tại xã Nghĩa Phúc. Tại Hội nghị đầu bờ ngày 21/5/2009, trên cánh đồng sản xuất hạt F1 giống HYT100 nhìn thấy giống bố mẹ đã trỗ trùng khớp, lúa đang xuôi quả, các đại biểu tham dự đánh giá năng suất hạt lai có thể đạt 20-25 tạ/ha. Với năng suất này, cộng với khoản đầu tư về giống và phân bón, tổng thu nhập của bà con sản xuất hạt lai theo quy đổi có thể đạt giá trị tương đương 9-11 tấn thóc thương phẩm/ha.
Cũng tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã triển khai “Mô hình sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao định hướng hàng hóa” với các giống lúa lai HYT100, HYT103 và lúa thuần TL6 (so sánh với lúa lai Nhị ưu 838). ThS. Nguyễn Quang Tin, Phó trưởng Bộ môn Khoa học đất và sinh kế vùng cao của Viện cho biết với năng suất các giống dao động từ 65-72 tạ/ha, sản xuất lúa hàng hóa bằng các giống HYT100, HYT103 và TL6 cho lãi suất cao hơn so với sản xuất bằng giống Nhị ưu 838 từ 2,87 đến 5,07 triệu đ/ha.
Phát biểu tại Hội nghị đầu bờ, ông Chu Quốc Tuấn-Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ đã hoan nghênh kết quả các mô hình sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao và sản xuất hạt giống lúa lai F1 do Viện Cây lương thực & CTP và Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc đã phối hợp cùng thị xã tổ chức triển khai trong thời gian vừa qua. Theo ông Tuấn, cánh đồng Mường Lò còn rất nhiều tiềm năng cho sản xuất lúa hàng hóa, bà con các dân tộc tại đây đang rất cần sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan trung ương và địa phương để khai thác tiềm năng này.
Phạm Xuân Liêm