LUAGAO - Trên ruộng lúa, cùng với những loại sâu bệnh hại thường gặp như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn… thì ốc bươu vàng cũng là một đối tượng thường xuyên có mặt trên đồng ruộng, chúng luôn tiềm ẩn một sức phá hại rất lớn đối với cây lúa nếu điều kiện ngoại cảnh thuận lợi cho chúng.
Mùa mưa ở các tỉnh Nam bộ đã bắt đầu, mới vào đầu mùa mưa mà lượng mưa ở nhiều nơi đã rất cao, khiến cho nước trên ruộng lúa khá nhiều, đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sản, phát tán lây lan gây hại mạnh cho lúa hè thu ở đầu vụ.
Để hạn chế tác hại của ốc một cách chủ động bà con cần áp dụng kết hợp sớm và đồng bộ những biện pháp trong Quy trình quản lý tổng hợp ốc bươu vàng. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Thu gom ốc và ổ trứng: Để hạn chế số lượng ốc ở đầu vụ, các bạn nên tổ chức đi thu gom ốc và ổ trứng trên đồng ruộng, xung quanh các ao hồ, kênh rạch công cộng… trước khi gieo sạ lúa.
- Đào rãnh thu gom ốc: Trước khi sạ cấy, các bạn nên đào các rãnh nhỏ xung quanh ruộng và những chỗ có nhiều nước trong ruộng để khi nước rút ốc sẽ tập trung vào những đường rãnh này, việc thu bắt chúng sẽ dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.
- Dùng lưới chắn ốc: Nên dùng lưới nilon có lỗ nhỏ che chắn kỹ những chỗ có đường nước chảy tự nhiên từ ngoài kênh vào ruộng hoặc những chỗ nhong bơm nước vào ruộng để ngăn chặn ốc từ kênh mương vào ruộng lúa.
- Thả vịt vào ruộng ăn ốc: Trước khi xuống giống nếu có điều kiện các bạn nên thả vịt vào ruộng để vịt ăn những con ốc nhỏ mà trong lúc đi thu gom chúng ta đã bỏ sót. Khi cây lúa đã lớn nên thả vịt vào ruộng để vịt ăn ốc và một số loại sâu hại thường tập trung ở phần gốc của cây lúa.
- Tăng mật độ sạ cấy: Trước khi sạ nếu ruộng có nhiều ốc thì các bạn phải tăng lượng giống gieo sạ lên từ 5-10% so với những ruộng bình thường khác để trừ hao cây ốc ăn mất sau này. Nếu ruộng cấy thì nên cấy mạ hơi già hơn một chút và cấy nhiều tép.
- Giữ mực nước ruộng phù hợp: Khi cây lúa còn nhỏ dễ bị ốc gây hại, các bạn chỉ nên để mực nước ruộng sâu khoảng 2-3 phân để hạn chế bớt sự di chuyển của ốc sang nơi khác.
- Thu gom ốc và trứng ốc thường xuyên: Trong quá trình chăm sóc lúa, nếu thấy có ốc và ổ trứng thì thu gom ngay. Việc này các bạn nên làm thường xuyên để tạo thành thói quen.
- Cắm cọc nhử ốc đến đẻ trứng: Dùng cây, que cắm ở những chỗ có nhiều ốc tập trung “dụ” cho ốc leo lên đẻ rồi thu gom trứng để tiêu huỷ, kết hợp với việc thường xuyên thu gom trứng trên bờ cỏ và trên thân cây lúa (định kỳ khoảng 5-7 ngày/lần) trước khi trứng kịp nở ra ốc con rơi xuống nước phát tán đi.
- Dùng thuốc diệt ốc: Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào chúng ta đều có thể áp dụng hết tất cả những biện pháp trên, do đó ốc vẫn có cơ hội để tồn tại và phát triển. Những ruộng thường có mật số ốc cao, gây hại nhiều, các bạn có thể phun thuốc VINICLO 70WP, DIOTO 250EC vào giai đoạn trước hoặc ngay sau khi sạ giống, với liều lượng 250 gram thuốc pha với 400 lít nước phun cho một ha lúa. (Cụ thể là pha 5 gram thuốc cho một bình xít loại 8 lít, phun 5 bình cho một công ruộng (1.000m2). Chú ý: Khi phun thuốc ruộng phải có độ ẩm bão hoà hoặc xâm xấp nước (mực nước ruộng dưới 5 cm). Nhớ là không sử dụng thuốc này cho những ruộng có nuôi cá.
HÀ MINH