Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Quảng Ngãi: Giống lúa BM9962 cho năng suất cao


LUAGAO - Để có bộ giống lúa tốt phục vụ bà con nông dân sản xuất, vừa qua Trung tâm Giống cây trồng Vật nuôi Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị tham quan đầu bờ mô hình sản xuất giống lúa mới BM9962 tại nhiều địa điểm trình diễn khác nhau trên địa bàn 5 huyện thị của tỉnh Quảng Ngãi.

BM9962 do tác giả Lê Vĩnh Thảo và CTV thuộc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm tạo ra từ tổ hợp lai VN10/D88-6-5, chọn lọc theo phả hệ. Giống BM9962 đã được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 2182/BNN-KHKT ngày 29/7/2004. Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh Quảng Ngãi đã du nhập và tiến hành khảo nghiệm từ vụ ĐX 2006 – 2007 đến nay.

Ông Đoàn Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Qua 3 năm sản xuất thử cho thấy: Giống BM9962 có thời gian sinh trưởng trong vụ ĐX khoảng 125 ngày, vụ hè thu 115 ngày.

Giống lúa BM9962 có dạng cây gọn, chiều cao cây trung bình từ 115 – 125cm, chống ngập úng tốt rất thích hợp với chủ trương chuyển đổi gieo cấy 2 vụ lúa của tỉnh Quảng Ngãi cũng như nhiều tỉnh miền Trung. BM9962 thích hợp trên nhiều loại chân đất khác nhau, đặc biệt chân đất trũng và chịu thâm canh. Giống lúa này có khả năng sinh trưởng mạnh, chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu. Năng suất vụ ĐX đạt 68-75 tạ/ha (vượt 10-15% so với Xi23), vụ hè thu đạt 65-70 tạ/ha (vượt 5-11% so Xi23). Tại các điểm triển khai mô hình, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi đã tiến hành nhiều thí nghiệm như thổ nhưỡng, thời vụ, mật độ gieo sạ, phân bón, các yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của giống để hoàn thiện quy trình kỹ thuật.

Sau khi tham quan đầu bờ, các đại biểu đều đánh giá giống lúa BM9962 thích hợp với điều kiện gieo cấy tại Quảng Ngãi và có nhiều triển vọng để phát triển, các ngành chức năng cũng như nông dân đề nghị Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi cần sớm hoàn thiện quy trình kỹ thuật gieo cấy để tiến tới đề nghị công nhận giống chính thức đưa vào cơ cấu giống của tỉnh.

NGỌC KHANH

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/67/67/40002/Default.aspx

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Giống LÚA mới của Viện Khoa học Nông nghiệp VN

LUAGAO - Giới thiệu một số giống LÚA mới của Viện KHKT NN VN

I. Nhóm lúa thơm, ngắn ngày, chất lượng cao

1. Giống lúa thơm BT09

Nguồn gốc: Do Viện Cây lương thực – CTP chọn tạo.

Đặc điểm:

- TGST: Vụ mùa 95-100 ngày; vụ xuân 120-125 ngày.

- Chiều cao cây: TB từ 95 -105 cm. Dạng cây gọn, đẻ nhánh khá.

- Bông: Vừa phải, hạt nhỏ màu nâu sẫm. Gạo trong, cơm dẻo và thơm, vị đậm.

- Năng suất trung bình: 5,5-6 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt 7 tấn/ha.

BT09 là giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, thích ứng rộng.

2. Giống lúa thơm LT25

Nguồn gốc:

Do Bộ mô Đột biến và ưu thế lai, Viện Di truyền NN phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông – Viện CLT và CTP chọn tạo và giới thiệu ra sản xuất.

Đặc điểm:

- TGST: Vụ xuân 120-130 ngày; vụ mùa 105-110 ngày.

- Năng suất: 55-60 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 70 tạ/ha.

- Chống chịu: Chống chịu sâu bệnh tốt, ít nhiễm bạc lá, đạo ôn, khô vằn, đặc biệt chống đổ rất tốt.

- Chân đất thích hợp: vàn, vàn cao. Cấy được 2 vụ: xuân muộn và mùa sớm.

3. Giống lúa thơm TL6

Nguồn gốc: Do Trung tâm NC và PT Lúa lai – Viện CLT và CTP chọn tạo.

TGST: 100-110 ngày vụ mùa.

Chiều cao cây: 100-110 cm.

Bông: Dài 25-28cm. Bông to nhiều hạt, TB 150-200 hạt/bông, thâm canh có thể đạt 300 hạt/bông. Hạt thon, vỏ màu nâu, trọng lượng 1.000 hạt: 22-23g.

Năng suất: TB 5,5-6,5 tấn/ha, thâm canh có thể đạt 7,5 tấn/ha.

TL6 là giống chịu thâm canh, khả năng thích ứng rộng, kháng bạc lá tốt hơn HT1 trong vụ mùa.

4. Giống lúa thơm HT6

Nguồn gốc: Giống HT6 do PGS.TS Lê Vĩnh Thảo, Trung tâm NC và PT lúa thuần - Viện CLT-CTP chọn tạo. Giống đã được công nhận tạm thời năm 2008.

Đặc điểm:

- Là giống chịu tâm canh, thích ứng rộng.

- Cứng cây, chống đổ tốt. Chú ý bón phân cân đối.

- Năng suất cao: 6-6,5 tấn/ha, thâm canh có thể đạt 7-7,5 tấn/ha.

- Chống chịu khá với đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu.

- Gạo HT6 trong, tỷ lệ gạo nguyên cao. Cơm dẻo, đậm, thơm nhẹ.

5. Giống lúa thơm SH2 (XT 27)

Nguồn gốc: Do PGS.TS Tạ Minh Sơn chọn tạo, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông – Viện CLT và CTP giới thiệu ra sản xuất.

Đặc điểm:

Chất lượng gạo ngon, dẻo, không dính, gần giống gạo nương.

Ngắn ngày: 100-108 ngày vụ mùa.

Tiềm năng năng suất cao, thích ứng rộng.

Sinh trưởng mạnh, đẻ khỏe, cứng cây, lá đòng dài cứng.

Chống chịu khá: Đạo ôn, khô vằn, rầy nâu, bạc lá; chịu rét tốt.

II. GIỐNG LÚA THUẦN, LÚA NẾP NGẮN NGÀY

1. Giống lúa DT45

Nguồn gốc: Do Bộ môn Đột biến và ưu thế lai – Viện Di truyền NN phối hợp cùng Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và khuyến nông – Viện CLT và CTP chọn tạo và giới thiệu ra sản xuất.

Thời gian sinh trưởng: Vụ mùa: 100-110 ngày; vụ xuân: 125-130 ngày.

Chiều cao cây: 95-105cm.

Bông: Dài 20-25cm. Bông to, nhiều hạt, trung bình 170-220 hạt/bông, thâm canh có thể đạt 300 hạt/bông.

Hạt: Hạt bầu, to, trọng lượng 1.000 hạt: 23-25g.

Năng suất: 6,5-7 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt 8 tấn/ha.

- DT45 là giống lúa chịu thâm canh, thích ứng rộng, đặc biệt có thể trồng ở chân trũng hẩu, chịu được nước ô nhiễm.

2. Giống nếp 87-2 (N98)

Đặc điểm sinh học:

TGST: Vụ mùa 110-115 ngày, vụ xuân: 125-135 ngày.

- Chiều cao cây: 100-105cm, cây cúng, chống đổ.

Kháng đạo ôn, bạc lá hơn nếp IR 352.

- NS trung bình 60-65 tạ/ha, thâm canh: 75 tạ/ha.

Xôi dẻo, thơm hơn nếp IR 352.

Thời vụ:

Vụ xuân gieo 20/1-5/2, cấy khi mạ dược 4-5 lá; mạ sân: 2-3 lá.

Vụ mùa gieo 5-15/6, tuổi mạ: Mạ dược: 14-16 ngày, mạ sân: 7-10 ngày.

Mật độ cấy: 40-45 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm.

Phân bón: Phân chuồng300-400kg, đạm ure 8-10kg, lân 15-20kg, kali 5-6 kg/sào Bắc bộ.

Để tìm hiểu thêm về giống, liên hệ cơ quan chuyển giao: Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, ĐT: 04.36874751, Fax: (84) 4. 38618137; TS Lê Quốc Thanh, ĐT: 0912338697.

-----

Nguồn: Báo Nông Nghiệp

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Việt Nam sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn thóc gạo

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn

LUAGAO - Nhà phân tích Paka-on Tipayatanadaja thuộc Trung tâm nghiên cứu Kasikorn ở Bangkok nói Việt Nam sẽ xuất khẩu kỷ lục 6 triệu tấn thóc gạo năm nay và thậm chí có thể nhiều hơn vào năm tới, nếu Philippines - một trong những bạn hàng truyền thống của thị trường gạo Việt Nam - tăng cường mua vào khi giá hạ.

Giới thương gia và các nhà phân tích nhận định giá gạo sẽ không tăng trên thị trường do nguồn cung ở Đông Nam Á, khu vực sản xuất thóc gạo chính của thế giới, có thể nhích lên đáng kể vào cuối năm nay. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của các nước khu vực vẫn khả quan nhờ có mặt bằng giá cả tương đối thấp.

Việc Chính phủ Thái Lan lần đầu tiên thay đổi chính sách cam kết hỗ trợ giá thông qua chương trình mua thóc gạo trực tiếp với giá khá cao từ nông dân trong nhiều năm qua, cộng với nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo và sản lượng thóc của Myanmar cũng như của Campuchia tăng lên có khả năng sẽ đẩy giá gạo xuống chỉ còn 400 USD/tấn hoặc thậm chí thấp hơn. Đây là sự đảo ngược đáng kể so với mức giá đỉnh điểm 1.080 USD/tấn hồi tháng 4 năm ngoái, khi nhiều nước hạn chế bán ra do lo ngại sự khan hiếm nguồn cung.

Giá gạo Thái Lan đã sụt giảm từ đầu năm nay, khi nhu cầu trên thị trường chững lại vì hầu hết các nước nhập khẩu nhiều lương thực ở trong và ngoài khu vực đều mua đủ lượng thóc gạo dự trữ.

Hiện thời giá gạo loại Thái 100% B giao dịch ở mức 540 USD/tấn, được hỗ trợ một phần bởi chính phủ nước này quyết định kéo dài chương trình thu mua thóc gạo đến cuối tháng 9 để xoa dịu các cuộc biểu tình của nông dân.

Gạo Thái còn chịu sức ép giảm giá bởi nước này đã mua nhiều thóc gạo của nông dân, đưa lượng thóc gạo dự trữ trong các kho trong nước lên tới 6-7 triệu tấn.

Chủ tịch công ty CP Intertrade ở Bangkok Sumeth Laomoraporrn cho rằng hiện không có bất kỳ lý do gì khẳng định giá thóc gạo sẽ tăng lên. Trong khi các thương gia khác cho rằng giá cả sụt giảm sẽ khuyến khích nhu cầu tiêu dùng, nhất là khi các nhà nhập khẩu bắt đầu mua thêm thóc gạo dự trữ vào năm 2010 sau khi đã phải vật lộn để tìm nguồn lương thực với mức giá có thể chấp nhận trong năm ngoái.

Dự đoán, nguồn cung của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo chủ chốt trên thế giới như Thái Lan, Việt Nam và Mỹ - nước xuất khẩu gạo nhiều thứ tư thế giới - đều sẽ tăng vào cuối năm nay. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng thóc của Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sẽ đạt 35,99 triệu tấn trong năm nay.

Tại Ấn Độ, lượng thóc gạo dự trữ đã tăng mạnh từ 23,2 triệu tấn trong một năm trước lên 30,1 triệu tấn - mức được coi là đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng chưa đủ để đưa Ấn Độ tái trở thành nhà xuất khẩu lớn. Còn Myanmar đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn thóc gạo trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3 năm tới.

Tính tới cuối tháng 8 năm nay, Myanmar đã xuất khẩu 600.000 tấn, so với con số 666.400 tấn niên vụ 2008-2009 và 358.500 tấn của vụ trước đó.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể đạt hoặc vượt 10 triệu tấn, nếu chính phủ quản lý và giải tỏa khôn khéo lượng gạo dự trữ trong nước trong lúc dự định sẽ bắt đầu thực hiện chính sách mới và không mua thóc gạo trực tiếp của nông dân từ vụ thu hoạch tới để cắt giảm ngân sách hỗ trợ và chi phí bảo quản.

(Theo TTXVN)

Nguồn: NNVN - http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/39920/Default.aspx

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

THÔNG TIN KHOA HỌC VỀ LÚA GẠO

LUAGAO - Tổng hợp các tin khoa học về Lúa Gạo do GS.TS Bùi Chí Bửu cung cấp, được đăng tải trên trang TINKHOAHOC của TS. Hoàng Kim

1. Lúa thơm giá trị cao từ giống gốc Basmati
Báo cáo khoa học của ĐH Cornell, Hoa Kỳ cho thấy gen điều khiển mùi thơm của giống Basmati và các giống lúa được lai từ giống Basmati có giá trị cao đã được thị trường thế giới công nhận. Lúa gạo có từ 2 nhóm loài phụ: indica và japonica. Cả hai đều được trồng và phát triển tại Trung Quốc hơn 8.000 năm. Nghiên cứu mới nhất ấn bản hàng ngày 25-8-2009 tại Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), khẳng định rằng giống Basmati hạt dài, có mùi thơm được giả định là giống của Ấn Độ, có liên quan mật thiết với japonica về mặt di truyền. Basmati, trồng ở Bắc Ấn Độ, Pakistan và Iran, không phải thuộc nhóm indica như đã từng được giả định trước đây vì tính trạng hạt thon dài của nó. Các giống lúa japonica của Đông Á và Đông Nam Á bao gồm giống lúa làm món ăn sushi (gói với cá sống), có hạt gạo ngắn và dính dẽo. Gen BADH2, mất chức năng thông qua tiến trình chọn lọc tự nhiên, đột biến thành lúa thơm. Nghiên cứu cho thấy có 8 đột biến mới của BADH2 kết hợp với mùi thơm. Nghiên cứu còn cho thấy một đột biến gần đây nhất bao gồm tính trạng mùi thơm của lúa japonica (Basmati) và tính trạng mùi thơm của lúa indica (gạo Jasmine của Thái Lan). Giáo sư Susan McCouch nói rằng: người ta nghĩ rằng tất cả giống lúa của Ấn Độ là loại hình indica, nhưng đó là điều không đúng. Michael Kovach, nghiên cứu sinh Post-doct của Bà McCouch cùng với Bà đã công bố công trình khoa học này. Nghiên cứu được tài trợ bởi Plant Genome Program thuộc quỹ National Science Foundation and the European Union Project METAPHOR. Xem chi tiết http://www.cornell.edu/

2. Lúa Vàng sẽ được thương mại hoá vào năm 2011
Tạp chí Food and Beverage News (India), ra ngày 1-9-2009, đã thông tin rằng giống lúa biến đổi gen giàu vitamin A “Lúa Vàng” (Golden Rice) sẽ được thương mại hoá vào năm 2011. Lúa có hàm lượng carotenoid (beta carotene) cao làm hạt gạo có màu vàng. Chính beta carotene sẽ trở thành vitamin A khi được ăn và chuyển vào cơ thể. Các nhà thống kê của tổ chức WHO cho biết 40% trẻ em ở lứa tuổi 6 tháng đến 5 năm, và 30% trẻ em ở lứa tuổi cắp sách đến trường đều có triệu chứng thiếu vitamin A. Tương tự, 50% phụ nữ mang thai và cho con bú cũng đang có vấn đề do thiếu vitamin A. Công nghệ tạo ra lúa vàng dựa trên nguyên tắc lúa tích tụ beta carotene trên lá, không phải trong hạt gạo. Nhờ thêm vào hai gen phytoene synthase và phytoene desaturase – bằng phương pháp chuyển gen, beta carotene này sẽ chuyển vị được vào trong phôi nhũ hạt gạo. Golden Rice hi vọng sẽ được phát triển tại Philippines vào năm 2011. Thị trường của Ấn Độ, Việt Nam cũng rất có triển vọng để phát triển trong cùng thời điểm này. Giống Golden Rice đầu tiên của thế giới do Dr Ingo Potrykus và Dr Peter Beyer tạo ra vào năm 2000. Sau đó, hai nhóm nghiên cứu của Syngenta, sản xuất ra Golden Rice có hàm lượng beta carotene cao hơn gấp nhiều lần. Golden Rice-1 được phát triền vào năm 2003 và giống Golden Rice-2 vào năm 2005. Xem chi tiết http://www.fnbnews.com

3. Giống lúa kháng bệnh hại trong tương lai
Elie Dolgin đã đăng trên Nature News về giống lúa trong tương lai có tính kháng sâu bệnh hại từ kết quả nghiên cứu của Shuichi Fukuoka và ctv., thuộc Japan's National Institute of Agrobiological Sciences. Họ đã tìm thấy một gen có từ giống địa phương kháng bệnh đạo ôn. Họ lai giống ấy với giống cao sản đang canh tác. Bệnh đạo ôn đã làm mất năng suất từ 30 đến 40%; tương đương với sản lượng thóc đủ nuôi 60 triệu người / mỗi năm. Giống lúa có gen kháng bệnh thường có phẩm chất gạo không mong muốn. Điều này đã được cải tiến trong chương trình lai tạo giống mới. Fukuoka và đồng nghiệp chỉ ra rằng tính kháng bệnh đạo ôn và phẩm chất kém là do các gen bị tách biệt nhau. Xem chi tiết trên tạp chí Science vào tháng 8-2009 hoặchttp://www.nature.com/news/2009/090820/full/news.2009.841.html

4. Thông Báo Hội nghị thương mại Lúa Gạo lần thứ 14
Hội nghị thương mại lúa gạo lần thứ 14, 2009 [14th WORLD RICE COMMERCE 2009]
sẽ được diễn ra tại Bali, Indonesia, vào ngày 8-10 tháng Mười, 2009. Xem chi tiết: http://www.worldricecommerce.com

5.Gen tổng hợp tinh bột trong gạo Thái
Phẩm chất cơm là một trong những tính trạng quan trọng đối với phẩm chất lúa gạo. Nó tuỳ thuộc vào 3 nội dung: hàm lượng amylose, độ bền thể gel, nhiệt độ hoá hồ. 192 mẫu giống lúa Thái Lan được xét nghiệm PCR-SSCP do các nhà nghiên cứu của Đại Học Kasetsart, Thái Lan. Người ta phân lập các alen tại 7 loci điều khiển sinh tổng hợp tinh bột (GBSSI, SSSlIIa, SSSIIIb, SSSIVa, SSSIVb, RBEl and RBE3). Các trình tự nucleotide được đọc đối với từng SSCP patterns được quan sát và báo cáo trong tài liệu của GenBank. Các mẫu giống Oryza Thái Lan thể hiện đa dạng cao về nucleotide so với phân tích trước đây trên các loài của Oryza dựa theo multiple loci.

6. FAO đề nghị mới về an ninh lương thực
FAO vừa gửi cho các Bộ Trưởng Ngoại Giao, Vụ Hợp tác phát triển và nông nghiệp của những thành viên FAO, cơ quan Liên Hiệp Quốc, nhằm tuyên bố trong Hội nghị cấp cao thế giới của các nhà lãnh đạo quốc gia về an ninh lương thực trong tháng 11, 2009 tại Rome. Secretariat contribution to defining the objectives and possible decisions of the World Summit on Food Security, yêu cầu hoàn toàn thực hiện nội dung xoá đói đến năm 2025, và đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho nhân dân toàn thế giới, ước khoảng 9,2 tỷ người vào năm 2050.
Xem thông báo báo chí của FAO http://www.fao.org/news/story/en/item/29219/icode/

7. Giống lúa chống chịu ngập được công nhận chính thức ở Philippines
Cơ quan NSIC (Philippine Seed Industry Council) vừa chấp thuận cho phép phát triển chính thức giống lúa chống chịu ngập đầu tiên ở Philippines. Đó là giống NSIC Rc194, còn được gọi Submarino 1. Nguồn gốc của nó là giống IR64 có chứa gen Sub1 từ FR13A của Ấn Độ. Nó đã được các khoa học gia IRRI phát triển trong quan hệ hợp tác với các nhà nghiên cứu của Đại Học California-Davis. Submarino 1 đạt năng suất như IR64 (khoảng 4,5 tấn / ha) nhưng nó có thể tăng trưởng và phát triển 10 ngày trong điều kiện bị ngập hoàn toàn trong nước. Viện nghiên cứu lúa Philippines (PhilRice), nơi phân phối giống Submarino 1, thông báo rằng họ đã sản xuất 0,3 ha giống tác giả (breeder seeds) và 0,5 ha giống nguyên chủng vào mùa mưa 2009.

8. Mở được khoá về sự đa dạng của cây lúa
Một hợp tác quốc tế của các nhà nghiên cứu Châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu đã tạo ra khả năng hiểu biết tốt hơn đa dạng di truyền cây lúa; điều này sẽ giúp cho việc cải tiến giống lúa và sản lượng lúa tốt hơn. Xem online Proceedings of the National Academy of Sciences, họ thảo luận về nghiên cứu xem xét bộ gen của 20 loài lúa hoang dại trong chương trình lai tạo giống lúa quốc tế. Họ đang nhắm vào SNP (single nucleotide polymorphisms) hoặc những SNP làm phân biệt rõ các giống lúa. Tổng Giám Đốc Viện Lúa Quốc Tế (IRRI), Tiến Sĩ Robert Zeigler nói rằng "Nếu các nhà chọn giống biết nhiều hơn về kiến trúc di truyền cây lúa, họ sẽ có thể sử dụng chúng hiệu quả hơn rất nhiều. Trong khi chúng ta đang đối diện với thay đổi khí hậu, chúng ta sẽ dựa vào ngày càng nhiều tính chất đa dạng di truyền chưa được khai thác để phát triển giống lúa cải tiến mới". Cộng tác viên đến từ Đại Học Colorado State, ĐH Michigan State, Perlegen Sciences, Inc., ĐH McGill, Viện Max Planck Institute for Developmental Biology, Phòng thí nghiệm Friedrich Miescher Laboratory của Max Planck Society, và ĐH Cornell với sự trợ giúp của “consortium of institutions and donors” bao gồm Generation Challenge Program, và Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ. Xem chi tiếthttp://beta.irri.org/news/

9. Lúa biến đổi gen trong cuộc chiến với thiếu dưỡng chất sắt
Các nhà khoa học của Swiss Federal Institute of Technology (ETH), tại Zurich, Thuỵ Sĩ đã phát triển được giống lúa có khả năng tạo ra dưỡng chất sắt cao gấp 6 lần bình thường trong hạt gạo trắng (đã đánh bóng). Giống lúa có hàm lượng sắt cao có thể chứng minh được rằng chúng ta có đầy đủ khả năng chiến thắng với sự kiện thiếu dinh dưỡng sắt, đặc biệt ở các nước đang phát triển thuộc Châu Á và Châu Phi. Ở đó lúa gạo là nguồn năng lượng chính. Hơn hai tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới đang chịu đựng tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu sắt; theo nguồn tin của Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO). Hậu quả của thiếu sắt là hội chứng anemia, thiểu năng trí tuệ và hệ thống miễn dịch bị ức chế. Hạt gạo giàu dinh dưỡng sắt được thể hiện bởi 2 gen điều khiển, sản sinh ra enzyme nicotianamin synthase, làm hoạt hoá sắt và protein ferritin, chúng dự trữ sắt. Theo các nhà nghiên cứu này, hoạt động trợ lực như vậy của protein nói trên cho phép cây lúa hấp thu nhiều sắt hơn từ đất và dự trữ chúng trong hạt gạo. Trong tự nhiên, lúa gạo có nhiều sắt, nhưng chỉ bao quanh ở võ lụa hạt gạo. Tại nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, võ lụa này bị bóc tách ra trong điều kiện tồn trữ ở kho vựa. Wilhelm Gruissem, khoa học gia của ETH Zurich's Department of Biology, và đồng nghiệp đã in ấn công trình này trên tạp chí Plant Biotechnology Journal. Ông nói rằng . "Đánh giá đặc tính nông học của dòng lúa giàu sắt này không thể hiện sự đối kháng về năng suất với hàm lượng sắt cao, trừ tính trạng trổ bông sớm hơn". Xem http://www.ethlife.ethz.ch/archive_articles/090717_Eisen_Reis_MM/index_EN bài viết trên tạp chí http://dx.doi.org/10.1111/j.1467-7652.2009.00430.x

10. FAO: Giá lương thực vẫn còn cao ở các nước nghèo
Giá lương thực chủ lực của những nước đang phát triển vẫn còn cao, mặc dù giá quốc tế có chiều hướng giảm, làm cho đời sống của hàng triệu dân nghèo trở nên khó khăn hơn (FAO). Báo cáo gần đây nhất về triển vọng cây trồng và tình trạng lương thực thực phẩm của FAO cho thấy đầu ra của mễ cốc hi vọng đạt 3,4% so với 2,209 tỷ tấn trong năm 2009. Tại 27 quốc gia thuộc sub-Saharan Africa, FAO ghi nhận 80 – 90% giá mễ cốc vẫn duy trì ở mức cao hơn 25% trước khi có khủng hoảng lương thực vào 2 năm trước đây. Sudan là một ví dụ, giá cao lương được báo cáo trong tháng 6 cao gấp 3 lần so với 2 năm trước. Giá bắp của Ethiopia, Kenya và Uganda, cao gấp đôi so với hai năm trước. FAO đã kể ra số lượt thu hoạch giảm, nhập khẩu cao hơn hoặc đứng yên, xung đột dân cư, nhu cầu tăng mạnh giữa các nước láng giềng và các dòng chảy thương mại có tính khu vực, cũng như các nguyên nhân làm cho giá lương thực thực phẩm cao. Tổ chức Liên Hiệp Quốc cho rằng viễn cảnh của mễ cốc 2009 chưa phải ổn định nhất là ở Đông Phi và Tây Phi, cũng như tại Châu Á; bởi vì khởi động bất bình thường của mùa mưa năm nay. Xemhttp://www.fao.org/news/story/en/item/28797/icode/

11. Phân tích phân tử transcript trên lúa lai (superhybrid)
Sử dụng microarray toàn bộ genome oligonucleotide để nghiên cứu profiles của gen LYP9 trong cây lúa và trên giống bố mẹ của nó. Zhu Lihuang và ctv. thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Nông Nghiệp Trung Quốc và Trung Tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa Lai Quốc Gia đã công bố cơ sở di truyền và cơ chế phân tử của một giống lúa superhybrid phổ biến. Nó được phát triển từ thập niên 1970s của Yuan Longping, cha đẻ lúa lai Trung Quốc, LYP9 là một trong các giống lúa lai đã góp phần giải quyết vấn đề lương thực Trung Quốc. Phân tích nhóm cho thấy con lai F1 có profile thể hiện giống như bố mẹ. Trong tổng số 22.266 gen thể hiện, các nhà khoa học tìm thấy 7.078 gen được phân chia trên bảy mẫu mô lúa. Theo họ, gen thể hiện được phân hoá thành DGPP (differentially-expressed genes into those between the parents) và DGHP (differentially-expressed genes into those between the hybrid and its parents). Kết quả so sánh cho thấy các gen như vậy được phân hạng theo cơ chế biến dưỡng năng lượng và cơ chế vận chuyển có nhiều DGHP hơn DGPP. Những gen có tính chất differentially-expressed như vậy, đặc biệt bao hàm cơ chế biến dưỡng carbohydrate, là những gen ứng cử viên điều khiển ưu thế lai. Xem tạp chí PNAShttp://dx.doi.org/10.1073/pnas.0902340106

GS.TS BÙI CHÍ BỬU

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Nhân duy trì thành công hạt giống dòng mẹ Nhị 32A

LUAGAO - Dòng bất dục đực Nhị 32A là dòng mẹ lúa lai có nhiều đặc điểm tốt, được sử dụng để lai tạo nhiều giống lúa lai ở Trung Quốc và ở nước ta.

Dòng Nhị 32A có tính thích nghi rộng, chống chịu được các điều kiện bất thuận cao, dễ sản xuất hạt lai F1, khả năng phối hợp tốt và cho ưu thế lai cao. Các giống lúa lai có Nhị 32A làm mẹ chiếm khoảng 20% diện tích trồng lúa lai của Trung Quốc và 60% diện tích trồng lúa lai của Việt Nam. Hàng năm chúng ta phải nhập khẩu của Trung Quốc từ 6.000-8.000 tấn hạt giống lúa lai hệ Nhị ưu, phần lớn là giống Nhị ưu 838. Do đó nhân giống được dòng mẹ Nhị 32A, duy trì được tính bất dục ổn định của dòng này có ý nghĩa quan trọng đối với chủ trương tự túc 70% nhu cầu hạt giống lúa lai của Bộ NN-PTNT

Tự túc hạt giống lúa lai hệ Nhị ưu là một bài toán khó. Chính phủ Trung Quốc không cho phép xuất khẩu các dòng bố mẹ. Các công ty trong nước muốn sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 phải nhập khẩu bất hợp pháp dòng mẹ Nhị 32A, giá rất đắt, không chủ động cả khối lượng và chất lượng.

Nhưng nhân duy trì hạt giống dòng Nhị 32A lại là một việc khó khăn hơn. Ở Trung Quốc vùng Tứ Xuyên là vùng thích hợp nhất để nhân dòng Nhị 32A có chất lượng tốt. Xuôi về phía nam, ở Quảng Đông hay đảo Hải Nam dòng Nhị 32A dễ mất tính bất dục, tỉ lệ hữu dục có thể lên đến 40% nếu gặp ngày ngắn có 12 giờ chiếu sáng hay nhiệt độ trung bình ngày cao hơn 26oC (theo nghiên cứu của Sở Nghiên cứu Lúa thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông). Do đó nhiều cơ quan nghiên cứu trong nước ta đã nghiên cứu nhân duy trì dòng Nhị 32A nhưng chưa thật sự thành công.

Muốn duy trì dòng Nhị 32 A cần phải có đủ 2 điều kiện:

1) Có dòng Nhị 32B đẳng gene (hoàn toàn giống dòng Nhị 32A nhưng hữu dục) để lai với dòng Nhị 32A tạo ra đời con là dòng Nhị 32A bất dục trở lại nhưng với khối lượng nhân lên lớn hơn.

2) Dòng Nhị 32B phải duy trì được tính bất dục của dòng Nhị 32A trong điều kiện nóng của Việt Nam (nhiệt độ bình quân ngày 27oC).

Từ năm 2001 Cty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) đã thu thập nhiều nguồn giống của dòng mẹ Nhị 32A như của Trung tâm nghiên cứu lúa lai Trung Quốc ở Hồ Nam, của Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên và một số công ty giống của Trung Quốc để tìm dòng Nhị 32B thỏa mãn được hai điều kiện trên. Đến năm 2005 tổng cộng có trên 2.000 cặp lai (giữa các cá thể Nhị 32B phân lập được và dòng mẹ Nhị 32A) được gieo trồng lặp lại nhiều vụ để khảo sát và đánh giá độ ổn định tính bất dục đời sau ở hai vùng sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Sự nỗ lực và kiên trì của tập thể nghiên cứu lúa lai của SSC đã được đền bù. Dòng Nhị 32B có đặc điểm như mong muốn đã được tìm ra. Làm phép so sánh t-test trong các thí nghiệm so sánh với dòng mẹ Nhị 32A nhập từ Trung Quốc cho thấy dòng Nhị 32A nhân duy trì với dòng Nhị 32B của SSC hoàn toàn giống nhau về các đặc điểm hình thái nông học và ưu thế lai. Giống lúa lai Nhị ưu 838 sử dụng dòng mẹ Nhị 32A của SSC hoàn toàn giống giống lúa lai Nhị ưu 838 nhập từ Trung Quốc và cho năng suất tương đương.

Điều này đã được thực tế sản xuất khẳng định, vì từ năm 2005 đến nay SSC hoàn toàn tự túc được dòng mẹ Nhị 32A để sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838, không phải nhập dòng mẹ từ Trung Quốc. Đến nay đã có hơn 20 tấn hạt giống Nhị 32A được SSC nhân giống để sản xuất ra 572 tấn hạt giống lúa lai Nhị ưu 838. Giống lúa lai Nhị ưu 838 SSC đã trở thành thương hiệu tin cậy của bà con nông dân ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Từ năm 2007 SSC cũng đã cung ứng hạt giống dòng mẹ Nhị 32A cho Cty CP Giống cây trồng Quảng Nam và được phản hồi rất tốt, thậm chí nhiều bà con nông dân Quảng Nam còn đạt được năng suất lúa thịt cao hơn so với giống Nhị ưu 838 nhập khẩu từ Trung Quốc .

Việc nhân duy trì thành công hạt giống dòng mẹ Nhị 32A trong điều kiện ngày ngắn và nhiệt độ trung bình ngày 27oC là chìa khóa để mở rộng cánh cửa tự lực sản xuất hạt giống lúa lai trong nước.

-----

ThS. DƯƠNG THÀNH TÀI - Phó TGĐ Công ty CP Giống Cây Trồng Miền Nam (SSC)

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/39536/Default.aspx

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Kỹ thuật hạn chế lúa lép

LUAGAO - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lúa lép trong vụ lúa hè thu, nhưng phải nói rằng sự đổ ngã là nguyên nhân chính và gây lép nhiều nhất. Tỷ lệ lép nhiều hay ít tùy thuộc vào ruộng lúa bị đổ ngã vào các thời kỳ sinh trưởng khác nhau của cây lúa.

Nếu ruộng lúa bị đổ ngã ở thời kỳ trước và ngay sau khi trổ bông thì tỷ lệ lép rất cao và năng suất lúa sẽ giảm rõ rệt. Mặt khác, ruộng lúa bị đổ ngã, việc thuê mướn công cắt cũng khó khăn và giá cao hơn so với ruộng lúa đứng, dẫn đến làm tăng giá thành sản xuất lúa.

Những nguyên nhân dẫn đến lúa bị lép là:

- Do người sản xuất áp dụng các yếu tố kỹ thuật không phù hợp như gieo sạ với mật độ quá dày, bón phân mất cân đối giữa đạm lân và kali, chủ yếu là bón quá nhiều phân đạm ở giai đoạn cuối làm cho cây lúa phát triển lá quá mạnh, thân cây lúa bị yếu sẽ dẫn đến đổ ngã, bông lúa trổ ra bị ngâm dưới nước sẽ bị hư hoặc đè lên nhau sẽ không thụ phấn được làm cho hạt lúa bị lép.

- Do tác động của các yếu tố ngoại cảnh như mưa to, gió lớn. Lúa trổ ra mà gặp cơn bão thì tỷ lệ lép sẽ rất cao, thời tiết quá nóng, quá lạnh, trời âm u không có nắng cũng làm cho khả năng thụ phấn kém, dẫn đến hạt lúa bị lép.

- Do giống: Có những giống lúa thường hay có tỷ lệ hạt lép cao trong vụ hè thu như IR64, Jasmin85. Những giống thường cho tỷ lệ hạt lép thấp trong vụ hè thu như OM4498, OM2517… Những giống lúa cao cây sẽ hay bị đổ ngã trong vụ hè thu làm tăng tỷ lệ hạt lép.

- Do sâu bệnh: Vào thời kỳ lúa trổ thường hay bị các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trên lá, đạo ôn cổ bông. Ruộng lúa bị hại nặng bởi các loài dịch hại này sẽ làm lúa lép rất nhiều.

Tìm hiểu và nắm được nguyên nhân gây ra lúa lép ở cây lúa, chúng ta sẽ đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ hạt lép của lúa một cách chủ động, trên cơ sở đó sẽ giữ vững được năng suất. Các biện pháp cụ thể để hạn chế đổ ngã là:

+ Sử dụng các giống lúa cứng cây: Trong vụ hè thu đa số các giống lúa cao sản ngắn ngày đều có rạ cứng như OM4498, CS2000, OM2517… Những giống lúa thơm, lúa dài ngày, lúa mùa thường cao cây và yếu rạ.

+ Bố trí thời vụ thích hợp: Vụ hè thu ở ĐBSCL, vào các tháng 10, 11 thường hay có mưa to kéo dài và lũ lụt vì vậy cần bố trí mùa vụ hợp lý để thu hoạch trước khi lũ về.

+ Làm đất thật kỹ khi xuống giống nhằm cho bộ rễ phát triển mạnh sẽ giúp cây lúa cứng cây hơn.

+ Áp dụng các biện pháp sạ thưa như sạ theo hàng, lượng giống sạ từ 100-120 kg lúa/ha để đảm bảo độ thông thoáng trong ruộng lúa sẽ giảm được sâu bệnh.

+ Cần bón phân cân đối giữa các loại phân là đạm, lân và kali. Bón đạm nên bón theo bảng so màu lá vừa đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng của cây lúa, vừa không gây lãng phí phân đạm. Chú ý bón phân kali sẽ làm cây lúa cứng cáp hơn.

+ Thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện có sâu bệnh tới ngưỡng gây hại thì cần xử lý ngay. Trước và sau khi lúa trổ nên phun thuốc Till Supfer sẽ phòng trừ được một số loại bệnh và làm tăng độ phì hạt lúa, màu sắc lúa sáng bóng.

+ Điều tiết nước trong ruộng lúa, tốt nhất nên tháo cạn nước ruộng trước khi cây lúa vào giai đoạn làm đòng, vừa tạo điều kiện thông thoáng ruộng lúa, vừa làm cho bộ rễ phát triển ăn sâu vào đất. Thời gian rút nước khoảng 7 ngày, sau đó cho nước vào và khống chế mức nước ở mức 5-10 cm cho đến khi lúa chín. Rút hết nước trước khi thu hoạch lúa 10 ngày.

ĐỖ QUẢNG

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/39474/Default.aspx

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Lơ là nông nghiệp, thế giới sẽ điêu đứng

LUAGAO - Từ ngày 8-12/10 năm sau, Bộ NN- PTNT cùng IRRI và AsiaCongress Events, sẽ đồng tổ chức Đại hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần 3. Đây là lần đầu tiên một Đại hội nghị Lúa gạo Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. NNVN đã trò chuyện với TS Tô Phúc Tường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI).

1. Theo ông, tại sao Việt Nam được chọn tổ chức Đại hội nghị lần này?
Đại hội nghị tổ chức 4 năm một lần. Hai lần trước đã diễn ra ở những nước SX lúa gạo nhiều nhất thế giới là Trung Quốc (2002) và Ấn Độ (2006). Việt Nam hiện đứng hàng thứ 5 trên thế giới về SX lúa gạo (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh). 10 năm qua, Việt Nam là nước thành công nhất trong việc đưa những tiến bộ KHKT xuống đồng ruộng để nâng cao năng suất lúa và quay vòng thời vụ.
Bởi thế, sẽ là công bằng khi IRRI chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Đại hội nghị lần 3 với mục đích để các đại biểu đến dự thấy được hàng loạt thành công của Việt Nam.


2. Chủ đề của Đại hội nghị lần 3 là gì, thưa ông?
Là “Cây lúa vì thế hệ tương lai”. Khác với hai Đại hội nghị trước đây, những thông điệp mà Đại hội nghị lần 3 đưa ra sẽ không phản ánh những thành tựu hiện tại mà hướng tới những biện pháp cho tương lai, hướng tới người SX lúa và người tiêu dùng lúa gạo những thế hệ tới.
Với chủ đề nói trên, Đại hội nghị lần 3 sẽ tập trung vào những hoạt động then chốt, gồm: Hội nghị quốc tế về phát triển KHKT trong SX lúa; Hội nghị quốc tế về thương mại, mậu dịch lúa gạo; Triển lãm quốc tế máy móc và trang thiết bị phục vụ SX lúa gạo. Đây cũng là dịp để Chính phủ các nước SX lúa gạo châu Á cùng bàn bạc về vấn đề hợp tác vùng trong lúa gạo.


3. Ông đánh giá tương lai ngành lúa gạo thế giới thế nào- lạc quan hay bi quan?

Gần đây, có hiện tượng giá lương thực tăng cao và bất ổn, mà điển hình là đợt tăng giá gạo rất mạnh năm ngoái. Có người đổ cho những nguyên nhân ngắn hạn như giá xăng dầu, đất lúa bị chuyển sang trồng các loại cây khác, thiên tai ở nhiều nơi…Nhưng tôi khẳng định, nếu không có những nguyên nhân trên thì giá lương thực vẫn có thể được đẩy lên vì sự tăng sản lượng không theo nổi đà tăng dân số.
Đây là một vấn đề lớn, mà nguyên nhân chính là trong 2 thập kỷ qua, đầu tư cho SXNN ở nhiều nước đã giảm mạnh. Gần đây, nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã nhận thức ra, nếu lơ là nông nghiệp thế giới sẽ điêu đứng. Đại Hội nghị sẽ bàn nhiều về thương mại, mậu dịch lúa gạo. Theo đó, giá lúa gạo ở các nước phải ở mức vừa không để cho người tiêu dùng nghèo bị ảnh hưởng, mà lại vẫn giúp cho người SX lúa có lợi nhuận đủ để họ vẫn gắn bó với cây lúa.


4. Người nghèo luôn mong giá gạo rẻ, trong khi nông dân lại muốn giá lúa cao. Làm sao để làm hài lòng cả hai?
Để giải quyết được điều này cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT nhằm tăng năng suất lúa, tăng hiệu suất sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào- tóm lại là giảm giá thành. Chẳng hạn, năng suất lúa trung bình ở Việt Nam hiện 4,8 tấn/ha. Nếu tăng lên 6 tấn/ha, giá lúa gạo có thể hạ mà nông dân vẫn có được lợi nhuận tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tích tụ ruộng đất SX lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng giúp hạ giá thành SX lúa gạo.
5. Là chuyên gia cao cấp người Việt làm việc lâu năm cho IRRI, theo ông có cách gì nâng cao năng suất lúa tại Việt Nam?
Ở những nơi đã có năng suất lúa rất cao, thì thực tế đồng ruộng vẫn có sự chênh lệch đáng kể năng suất giữa mảnh ruộng này với mảnh ruộng kia. Còn ở những nơi đã có năng suất trung bình cao thì cần làm cho năng suất giữa các mảnh ruộng trở nên đồng đều. Còn ở những nơi năng suất lúa đang thấp, cần áp dụng ngay những tiến bộ KHKT mới.
IRRI đang có những giống lúa có thể bị ngập chìm trong nước 2- 3 tuần lễ mà vẫn phát triển tốt và không bị ảnh hưởng tới năng suất. Những giống này có thể sử dụng để nâng cao năng suất cho các tỉnh miền Trung hoặc miền núi phía Bắc Việt Nam, là những nơi hay bị lũ trong mùa mưa. IRRI cũng đã có được những giống lúa chịu được mặn với độ mặn lên đến 6- 7 phần ngàn, mà năng suất lúa vẫn tốt, Việt Nam nên đưa về các vùng ven biển.

Xin cảm ơn ông!

----------------

"Thi ảnh nghệ thuật về lúa gạo Việt Nam
Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất năm 2009 tại Hậu Giang, Hội VHNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thi ảnh nghệ thuật về lúa gạo Việt Nam.
Nội dung hội thi bao gồm: ảnh phong cảnh về đồng lúa trên mọi miền đất nước; quá trình trồng tỉa, chăm bón và thu hoạch lúa; các công đoạn chế biến, giao thương và XK gạo...Tất cả tác giả nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp trong cả nước đều được tham gia (mỗi tác giả dự thi không quá 10 ảnh, kể cả ảnh màu và ảnh đen trắng), cỡ ảnh dự thi 30x40 đến 30x45cm (nếu ảnh vuông thì mỗi cạnh 30cm, ảnh panorama thì cạnh dài nhất không quá 45cm), kèm theo mỗi ảnh lớn là một ảnh nhỏ khổ 10x15cm.
Nhận tác phẩm từ nay đến hết 30-10-2009, tại Hội VHNT Hậu Giang (số 406 Trần Hưng Đạo, phường 5, thị xã Vị Thanh, ĐT: 0711.3580477)."

--------


THANH SƠN