Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Về cơ cấu giống lúa tại Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên


LUAGAO - Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có vị trí giao thông thuận lợi trên trục Quốc lộ 1A. Là vùng có thế mạnh về sản xuất Nông lâm thủy hải sản, nhưng chủ yếu vẫn là trồng trọt. Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2008, diện tích lúa gieo sạ 524,9 nghìn ha; năng suất trung bình 49,5 tạ/ha. Tây Nguyên, diện tích lúa gieo sạ 211,7 nghìn ha; năng suất trung bình 44,3 tạ/ha.

So với cả nước, vùng DHNTB và Tây Nguyên diện tích lúa chỉ chiếm 9,9% tổng diện tích gieo cấy lúa; sản lượng lúa hàng năm đạt 3.529,9 nghìn tấn. Với dân số như hiện nay trên 14 triệu người, thì bình quân lương thực (lúa) chỉ đạt 252 kg/người/năm. Như vậy, hiện nay việc sản xuất lúa gạo ở vùng DHNTB và Tây Nguyên là để giải quyết đời sống tại chỗ cho người dân, góp phần an ninh lương thực cho vùng và Quốc gia.

Thực trạng cơ cấu giống lúa đang sử dụng gieo trồng trong vùng chủ yếu vẫn là giống lúa hạt bầu, hạt dài trung bình; có chất lượng gạo và cơm trung bình; một số giống có chất lượng gạo và cơm có khá hơn nhưng không nhiều như các giống lúa thường Xi23, NX30, X21, IR17494 (13/2), Q5, ĐB6, TBR1, ĐV108, ĐH99-81, ĐH815-6, TH1, BM9855, BM9820, Khang dân 18, Khang dân đột biến, ML48, ML49, TH41, ML202, ML68, OMCS2000, IR64, VND19-20, LC93-1, LC93-4; các giống lúa lai như Nhị ưu 838, B-TE1, Nghi hương 2308, TN15…

Tuy vậy, phần lớn các giống lúa chủ lực hiện đang gieo trồng trong vùng là những giống có nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao. Theo kết quả đánh giá sâu bệnh trên các giống lúa hiện đang sản xuất tại vùng DHNTB và Tây Nguyên trong 2 năm 2007-2008 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia, đã phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đánh giá trong nhà lưới cho thấy các giống lúa nhiễm rầy nâu nặng như Ải 32 (cấp 9), ML48 (cấp 9), ML49 (cấp 9), BM9855 (cấp 9), BM9820 (cấp 9), KD 18 (cấp 9), HT1 (cấp 9); các giống nhiễm rầy nâu từ trung bình đến nặng gồm Xi23 (cấp 7-9), IR17494 (cấp 7- 9), Khang dân đột biến (cấp 7-9), VND19-20 (cấp 7), IR64 (cấp 7-9). Các giống nhiễm bệnh đạo ôn từ trung bình đến nặng IR17494 (cấp 7-9), ML48 (cấp 7-9), BM9855 (cấp 7-9), BM9820 (cấp 7-9), Ải 32 (cấp 7-9), KD 18 (cấp 7-9), Q5 (cấp 7-9), ĐH815-6 (cấp 7-9).

Trong thực tiễn sản xuất hiện nay sự bùng phát của dịch rầy nâu đã gây nên các bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa đang diễn ra phức tạp không chỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà đã lây lan ra các tỉnh Bắc bộ như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình và vùng Bắc Trung bộ như Nghệ An. Nếu các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên không có biện pháp phòng tránh tốt thì nguy cơ bùng phát rầy nâu trên diện rộng đối với lúa trong vụ đông xuân 2009-2010 và hè thu 2010 dẫn đến xuất hiện bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa ở các giống lúa nhiễm rầy là khó tránh khỏi.

Để khắc phục một phần những hạn chế về cơ cấu giống lúa hiện nay tại các tỉnh trong vùng xin được gợi ý một số giải pháp sau đây:

- Giải pháp tình thế trước mắt trong vụ sản xuất đông xuân 2009-2010 đó là:

+ Không gieo cấy các giống nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn nặng: Ải 32, ML49;

+ Tiếp tục sử dụng các giống lúa có nhiều ưu điểm tốt, nhưng nhiễm rầy nâu trung bình; nhiễm đạo ôn từ cấp nhẹ đến trung bình để gieo cấy như NX30, Xi23, Khang dân đột biến, Q5, ĐV108, IR64, VND19-20, LC93-1, LC93-4, Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, BTE-1. Khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử các các giống lúa mới có triển vọng ĐT34, BM207, PC10, HT6, ML203 (lúa thường); BIO404, QH5, TH3-3, Vân hương 7 (lúa lai). Chú ý cơ cấu mỗi giống lúa không vượt quá 10-15% tổng diện tích gieo cấy lúa;

+ Dùng giống lúa có cấp chất lượng tốt để gieo cấy (cấp nguyên chủng, xác nhận và hạt lai F1). Tuyệt đốI không được sử dụng thóc ăn để làm giống;

+ Thực hiện thâm canh lúa theo "3 giảm, 3 tăng" để góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa trong vùng;

+ Phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc phòng là chính, khi cần sử dụng thuốc hóa học để trừ phải kịp thực hiện theo “4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều lượng; đồng thời tập trung công tác dự tính dự báo và các biện pháp phòng trừ kịp thời sâu bệnh trên lúa.

- Về giải pháp lâu dài:

+ Cần thu thập khảo nghiệm tại các tỉnh trong vùng các giống lúa mới có khả năng kháng rầy nâu, kháng bệnh bạc lá và đạo ôn từ các vùng miền trong nước và nước ngoài; ưu tiên các giống lúa chất lượng có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam;

+ Tập trung chọn tạo các giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh tại vùng DHNTB và Tây Nguyên;

+ Tập trung sản xuất 2 vụ/năm nhằm cắt đứt nguồn ký chủ lây truyền sâu bệnh đồng ruộng; đồng thời làm đất phơi ải để diệt trừ tận gốc nguồn lây bệnh;

+ Luân canh cây lúa với cây bộ đậu (lạc, đậu tương), cây ngô và cây rau màu khác để hạn chế sâu bệnh và giúp cải tạo đất lúa;

+ Cần quy hoạch các vùng sản xuất lúa giống tập trung, nhất là sản xuất hạt lai F1 theo qui mô công nghiệp để chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất trong vùng.

----

TS LÊ QUÝ TƯỜNG

nGUỒN: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/40871/Default.aspx