Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

GS-TS. Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: LÚA LÀ MỤC TIÊU

LUAGAO - Sản xuất lúa hằng năm tăng đều theo công nghệ sản xuất mới. Bên cạnh đó, vẫn có một số hạn chế cho việc sản xuất lúa hiệu quả cao. GS. TS. Nguyễn Văn Luật là một nhà quản lí đã nhiều năm lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL; nhưng ông còn là một chuyên gia giỏi về cây lúa. Trong các Diễn đàn, GS. luôn có những tham luận khoa học đề cập việc tăng năng suất lúa trên nền tảng của công nghệ sản xuất mới ở Việt Nam. GS-TS. Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, có cuộc trao đổi với Báo NNVN về những vấn đề ông quan tâm nhân Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II năm 2011 từ ngày 8/11/2011 đến ngày 11/11/2011, tại Sóc Trăng.

PV: Thưa GS, về hưu không tham gia công tác quản lí, ông vẫn nặng lòng với nông dân và cây lúa?

GS. NVL: Vâng, nhưng nói “nặng tình” thì đúng hơn, nặng tình đến mức “phải lòng” nếu không nói quá. Đấy là ước nguyện của tôi mà, từ khi tự nguyện rời khỏi vị trí “giảng viên trẻ đại học NN 1 Hà Nội” để gần nông dân, gần cây lúa tính đến nay đã gần nửa thế kỷ đấy, trong thời gian đó ở ĐBSH thì tôi có góp phần đưa vụ lúa Xuân thành vụ chính; ở ĐBSCL thì góp phần đưa vụ lúa Thu Đông thành vụ lúa chính. Thật thú vị: khi mình còn trẻ thì “nặng tình” với nông dân và cây lúa ở ĐBSH phù sa “cao tuổi” với vụ lúa xuân; Khi mình cao tuổi, hay tuổi đã sang thu thì vẫn trung thủy với hai đối tượng trên, nhưng ở vùng phù sa trẻ ĐBSCL với vụ lúa thu đông cùng với các giống lúa OMCS mà nhiều nhà báo dịch sai là “ôm em cực sướng.

PV: Ông nói nhiều về công nghệ sản xuất mới. Xin ông cho biết, những vấn đề chính nông dân trồng lúa nên quan tâm.

GS. NVL: Hiện nay, những vấn đề chính nông dân trồng lúa nên quan tâm chính là khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT mới nhất. Đấy là việc thực hiện “Ba không”: Không cúi cấy; Không phơi lúa; và Không gặt lúa bằng tay. Về lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội do khuyến cáo này đưa lại rất to lớn, chắc hẳn là bà con nông dân mình và cán bộ khuyến nông đã rõ. Tôi chỉ xin nói thêm một chút: “Ba không” cũng là một “gói định hướng kỹ thuật mở” nhằm thực hiện “Ba tăng, Ba giảm”, một gói kỹ thuật mở mang tính phong trào nhằm đưa nhanh kỹ thuật mới vào sản xuất, như PCT An Giang Huỳnh Thế Năng đã có nói. Vì là gói kỹ thuật mở, nên ở miền Bắc là “Không cúi cấy” còn ở ĐBSCL là “Không sạ lan lãng phí” mà dùng dụng cụ sạ lúa theo hàng. Dụng cụ này là IRRI SEEDER, vì mẫu máy của Viện Lúa Quốc tế, tôi mang về, cùng Viện tôi và doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng nghiên cứu cải tiến, bà con nông dân miền Tây hưởng ứng sử dụng. Đến nay miền Bắc lại áp dụng nhanh hơn, tôi rất vui về điều đó, vì quê tôi ở Hà Nội mà. Nhiều nước trồng lúa có đến tham quan rút kinh nghiệm và mua mẫu máy đã cải tiến từ Việt Nam ta mang về phát triển ở nước mình.

PV: Còn theo ông, nông thôn mới có ý nghĩa như thế nào tới việc trồng lúa?

GS. NVL: Nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới việc trồng lúa, là bước đi cơ bản nhất cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, cũng là biện pháp rất thiết thực nhằm “Đền ơn đáp nghĩa” với bà con nông dân mình vốn chịu nhiều thiệt thòi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nói nông nghiệp là giá đỡ cho đất nước mình đứng vững trong biến động về tài chính mấy năm qua. Và chắc chắn sẽ là giá đỡ trước biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKH) ngày càng phức tạp. Nhiều nhà khoa học thế giới có nói BĐKH sẽ dẫn đến thay đổi vị trí quốc gia, nước nào sản xuất được nhiều lương thực thực phẩm sẽ là cường quốc, chứ không như hiện nay, nhiều nước phát triển “hy sinh” nông nghiệp, nông dân, và nông thôn nhằm tập trung vào mấy sản phẩm công nghiệp để giầu có. Họ chỉ biết “Phi công bất phú”, mà không biết “Phi nông bất an”.

PV: Thế, hoạt động khuyến nông giữ vai trò gì trong sản xuất lúa đạt thương hiệu bền vững?

GS. NVL: Hoạt động khuyến nông giữ vai trò quan trọng trong sản xuất lúa đạt thương hiệu “Lúa gạo Việt Nam” bền vững trên thị trường thế giới, tất nhiên là trên cơ sở phát triển sản xuất lúa bền vững. Tổ chức nòng cốt của họat động khuyến nông là Trung tâm Khuyến nông QG, và TTKN tỉnh/ thành, có màng lưới sâu rộng đến huyện, xã, ấp/ xóm. Còn hoạt động khuyến nông thì có rất nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, như cá nhân chuyên gia Nguyễn Lân Hùng luôn xuất hiện và hướng dẫn kỹ thuật rất cụ thể, từ con giun, con dế đến con kỳ đà, con dê núi; từ cây lúa cây ngô đến cây tóc gây trầm kỳ Nam.. Nếu như tổ chức khuyến nông có điều kiện quy tụ được các họat động khuyến nông thì bà con nông sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

PV: “Festival lúa gạo Việt Nam” lần này tại Sóc Trăng, ông lại tham gia diễn đàn Nông nghiệp?

GS. NVL: Tất nhiên rồi. Tôi thường được Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ và Cty BVTV An Giang hỗ trợ ít nhiều qua Hội Giống Cây trồng Nam Bộ, nên chưa “lực bất tòng tâm”.

Xin cám ơn Giáo sư!

Bài & ảnh: THẠCH THẢO (nguồn Báo Nông Nghiệp Việt Nam)