VFA muốn có điểm dừng chứ để tăng tới 200-300 DN thì giống như TPHCM, đông xe quá dẫn tới kẹt... Tuy nhiên, nếu “hãm” lại thì trật quy định luật pháp...
“Miếng bánh” quá... ngon
Theo tính toán của VFA, xuất gạo cả năm 2011 này sẽ vượt qua mốc 7 triệu tấn, thu về hơn 3 tỉ USD (năm 2010 cả nước xuất khẩu 6,89 triệu tấn gạo, thu về 3,25 tỉ USD).
Đáng lưu ý, theo VFA, trong 9 tháng vừa qua, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt trên 520USD/tấn - tăng hơn 133USD/tấn so với cùng kỳ. Dù giá tăng nhưng từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo khó mà tụt xuống, thậm chí sẽ có lợi cho cả quý I/2012. Bởi thị trường xuất khẩu biến động theo chiều hướng thuận lợi cho Việt Nam. Cụ thể, thị trường hiện đã hình thành 2 cấp. Một là nhu cầu gạo cấp thấp, giá rẻ với nguồn cung từ Ấn Độ. Hai là nhu cầu gạo cao cấp, giá cao từ Thái Lan, Việt Nam.
Với gạo cấp cao Thái Lan - nước tác động lớn đến giá gạo thế giới - áp dụng chính sách hỗ trợ nâng giá lúa sẽ khiến giá gạo tăng cao - đạt mức 750 - 800USD/tấn. Điều này chưa hẳn được nhiều nước nhập khẩu chấp nhận, bởi những nước này đa phần đang chịu lạm phát. Khả năng các nước đổ sang tìm nguồn cung từ Việt Nam là điều dễ nhận thấy. Với thị trường gạo cấp thấp, trung bình, Ấn Độ là nước cạnh tranh gay gắt với Việt Nam. Hiện Ấn Độ đã công bố bán 2 triệu tấn gạo ra thị trường thế giới. “Với sản lượng này thì Ấn Độ chưa đủ làm giảm nhiệt giá gạo, trừ khi họ tuyên bố bán nhiều hơn. Nhưng theo dự đoán của chúng tôi thì Ấn Độ khó có khả năng này, vì phải tăng cường chính sách ANLT” - ông Bảy cho biết.
Trong khi đó, Việt Nam ngoài việc có thể cạnh tranh thị phần gạo cấp cao với Thái Lan trong lúc họ biến động, thì có thể giành được cả thị trường gạo cấp thấp và trung bình ở gần địa giới, bởi cước vận chuyển thấp, chất lượng và nguồn hàng ổn định hơn Ấn Độ.
Bất ngờ ngoài toan tính
Bên cạnh sự khấp khởi, VFA lại đang dấy lên nỗi “băn khoăn”, khi đến thời điểm này, đã có 125 DN được Bộ Công Thương cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo theo Nghị định 109, chưa kể 4 DN liên doanh với nước ngoài. Đáng lưu ý, trong số đó có 29 DN chưa bao giờ xuất khẩu gạo, đa phần làm ngành nghề khác, nhưng trước “miếng bánh” xuất khẩu gạo đã góp vốn liên kết với DN có kho chứa đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 109.
Nhiều DN khác vẫn tiếp tục củng cố năng lực và nộp hồ sơ đăng ký xuất khẩu gạo. Thực tế này làm bất ngờ nhiều người. Bởi mục tiêu của Nghị định 109 là loại bỏ những DN nhỏ lẻ, không đủ năng lực, không đầu tư kho bãi, đầu tư cho nông dân nhưng mua bán “chụp giật” phá giá, gây hỗn loạn thị trường, làm ảnh hưởng uy tín gạo Việt Nam. Khi nghị định “hình hài”, VFA từng tin rằng với những quy định chặt chẽ đòi hỏi DN phải có vốn rất lớn thì sẽ chỉ còn dưới 100/262 DN đang xuất khẩu gạo.
Nên ngoài 125 DN đã được cấp phép, trước việc các DN tiếp tục nộp hồ sơ, ông Bảy đã không giấu giếm toan tính của VFA: “Quan điểm của VFA là phải có điểm dừng. Chứ lên tới 200-300 DN xuất khẩu gạo, lượng gạo có giới hạn. Nếu miếng bánh cứ chia nhỏ, mỗi DN chia nhau ít gạo để xuất thì sẽ càng làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Giống như tình trạng xe cộ ở TPHCM, phải tính toán lượng dân cư, đường sá để quy định bao nhiều đầu xe là vừa. Chứ vô đông quá, tắc đường thì hại nhiều hơn lợi!” - ông Bảy nói.
Tuy nhiên, nếu “người ta” tìm cách hãm và không cho DN đủ điều kiện đăng ký xuất khẩu gạo, lại vi phạm Luật DN và các quy định khác của pháp luật. Nên các cơ quan chức năng hiện đang loay hoay tìm giải pháp.
Theo: 24h.com.vn