Đó là nhận định chung tại các cuộc hội thảo khoa học trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần hai ở tỉnh Sóc Trăng (từ ngày 8 đến 11-11).
Lúa ở nhiều địa phương ĐBSCL đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha/vụ, được cho là cao nhất thế giới. Đặc biệt, giống OM6976 được đưa vào khảo nghiệm ở nhiều tỉnh ĐBSCL đạt năng suất 9-11 tấn/ha/vụ mà Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống-Sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ đánh giá “có thể coi là sự đột phá về năng suất”.
Trong 3 năm từ 2008 đến 2011, ở ĐBSCL, có hàng trăm giống lúa lai tạo từ các cơ sở nghiên cứu đưa ra khảo nghiệm và đã được phép sản xuất đại trà 31 giống, sản xuất thử 48 giống. Ước tính, diện tích sản xuất giống mới mỗi năm đạt 600.000 – 800.000 ha.
Trong đó, khoảng 90% giống lúa đến từ Viện Lúa ĐBSCL và nơi đây đã chọn được những giống lúa ngắn ngày giàu chất sắt, kháng sâu bệnh và năng suất cao, thích nghi vùng nhiễm phèn mặn. Viện Nghiên cứu Duyên hải Nam Trung Bộ có giống chịu hạn, trồng ở Tây Nguyên đạt năng suất 7 tấn/ha/vụ; trồng ở Nam Trung Bộ đạt 6,5 tấn/ha/vụ.
Thành công trong công tác giống còn phải kể đến việc phổ biến rộng rãi cho nông dân với chủ trương khuyến khích cộng đồng làm giống. Hạt giống đầu dòng từ các cơ sở nghiên cứu chỉ đáp ứng 3 – 5% diện tích gieo trồng, nhưng ở tỉnh An Giang, 90% diện tích gieo sạ sử dụng giống tương đương xác nhận, nhờ hàng trăm tổ và hộ nông dân sản xuất giống.
Mất hơn 10.000 tỷ đồng/năm
TS Phạm Văn Tấn ở Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, ĐBSCL có mức tổn thất sau thu hoạch lên tới 13,7%, trong khi Ấn Độ có tỷ lệ 6%, Nhật Bản 3,9-5,6%. Tổn thất lớn ở 2 công đoạn: sấy 4,2% và tồn trữ 2,6%.
Tổng sản lượng lúa của ĐBSCL năm 2011 là 23 triệu tấn; tổn thất ở hai khâu này là gần 1,6 triệu tấn. Với giá 7.000 đồng/kg, số tiền mất là hơn 10.000 tỷ đồng.
Tổn thất từ sấy còn dẫn tới tổn thất trong xay xát ở mức cao 3%. Lúa không được sấy đúng kỹ thuật, không đạt độ ẩm cần thiết 13-14% nên khi xay xát, hạt gạo nguyên và trắng thu được rất thấp. Một nghiên cứu của Đại học Nông lâm TPHCM cho thấy, lúa có độ ẩm 14% khi xay xát sẽ được 50% gạo nguyên, nhưng nếu độ ẩm 16% thì gạo nguyên chỉ còn 34%. Hiện nay, lúa sấy đúng kỹ thuật của ĐBSCL chỉ khoảng 38% tổng sản lượng.
TS Tấn cho biết, quy trình công nghệ sau thu hoạch ở ĐBSCL hiện nay là quy trình ngược. Lúa thu hoạch xong được nông dân và thương lái phơi sấy sơ qua, đem bán cho doanh nghiệp xay xát, lau bóng, khi đã thành gạo rồi mới tiếp tục sấy đến độ ẩm 14% để đóng bao tiêu thụ. Tình trạng này kéo dài có nguyên nhân ở công nghệ sấy lúa lạc hậu.
ĐBSCL sử dụng lò sấy tĩnh vỉ ngang và sấy đứng, không thể sấy được lúa có độ ẩm trên 30%, mà hầu hết lúa hè thu ở ĐBSCL có độ ẩm rất cao lại cần sấy trong thời gian ngắn vì gieo sạ đồng loạt để tránh rầy và thu hoạch trong mùa mưa. TS Tấn đề nghị “cần công nghệ sấy lúa mới”.
Theo nhiều chuyên gia, cần tổ chức lại chuỗi cung ứng sau thu hoạch thật gọn và hiệu quả. Trong đó, huấn luyện cũng như đầu tư cho nông dân và thương lái để họ có khả năng sấy lúa đến độ ẩm 18-25% là rất quan trọng, sau đó doanh nghiệp sấy tiếp đạt độ ẩm 14% trước khi đưa vào xay xát.
Theo: 24h.com.vn