Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

GS.TS Bùi Chí Bửu: Cánh đồng mẫu lớn- chiến lược lớn


LUAGAO - ĐBSCL bắt đầu thu hoạch rộ lúa ĐX, có nhiều ý kiến khác nhau về giải pháp tạm trữ lúa gạo để đảm bảo việc tiêu thụ, giữ giá lúa của nông dân. NNVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam xung quanh vấn đề này. 
Diễn biến thị trường lúa gạo đầu năm 2012 có vẻ như không được thuận lợi cho các nước SX lúa gạo, ông nghĩ sao?
Hiện nay sản lượng lúa toàn cầu 700 triệu tấn/năm, nhưng thị trường lưu thông tiêu thụ rất hẹp, chỉ khoảng 30 triệu tấn gạo, tương ứng khoảng 60 triệu tấn lúa. Còn lại phần lớn là tiêu dùng tại chỗ, vì vậy thị trường tiêu thụ lúa gạo trở nên mỏng manh và nhạy cảm vô cùng. Những nước SX lúa gạo lớn nhất tập trung ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam…
Đâu là giá lúa gạo thật trên thị trường lúa gạo thế giới?
Trên thực tế thị trường lúa gạo thế giới đã có lúc giá ảo. Theo Hiệp hội lương thực thế giới (FAO) muốn đưa giá gạo trung bình về khoảng 300- 400 USD/tấn. Đó là do Liên hợp quốc muốn điều tiết các quốc gia SX lúa gạo mở kho dự trữ để kềm chế giá lúa gạo tăng. Và như đã nói, chính vì thị trường lúa gạo rất mỏng, chỉ lưu thông giao dịch 60/700 triệu tấn lúa.
Nhưng trên thị trường, gạo thơm vẫn giữ được giá, có phải đây là một hướng lựa chọn ?
Nếu chúng ta quay sang chạy theo thị trường gạo thơm, mỗi năm thị trường các nước NK chỉ có 2 triệu/30 triệu tấn gạo lưu thông. Gạo thơm có giá rất cao tựa như đi mua kim cương vậy. Nhưng có mấy người mua “kim cương”? Tôi cho rằng muốn đi theo con đường này gạo VN phải có uy tín, thương hiệu, chứ không phải chúng ta muốn làm bất cứ giá nào. Chúng ta đã thấy gạo thơm như mặt hàng cao cấp. Vài năm qua gạo thơm Thái Lan giá cao nên khách hàng chọn gạo thơm VN. Nếu chúng ta làm mất uy tín thì nguy cơ sẽ mất thị trường.
Trở lại vấn đề thực tại, giao dịch lúa tại ĐBSCL đang hiện lên mối lo lúa IR50404, ý kiến ôngnhư thế nào về vấn đề này ?
Bộ NN- PTNT khuyến cáo lúa IR50404 này dưới 20% diện tích canh tác. Vấn đề này báo chí đã nói rất nhiều. Nếu trồng giống lúa này nhiều khả năng tiêu thụ giá thấp rất cao. Tôi đã cảnh báo từ năm ngoái khả năng Ấn Độ “bung kho” dự trữ.
Vụ lúa ĐX có 1,4 triệu ha, nếu 10% tương đương 140.000 ha, 20% khoảng 280.000 ha. Như thế nếu trồng một giống lúa nào chiếm trên 30% diện tích sẽ rất nguy hiểm. Có lúc giống lúa Jasmine trồng lên tới 350.000- 400.000 ha. Đây là giống lúa cho gạo thơm nhưng rất sợ nhiễm rầy. Với lúa IR50404 có lúc lên tới 40%, gần 600.000 ha.
Tôi cho rằng trên một cánh đồng cần có 1 giống chủ lực nằm xen kẽ những giống khác, nhưng những giống kia chiếm diện tích không nhiều. Trong SX lúa cần 4- 5 giống chủ lực, còn lại giống nhỏ lẻ. Đó là cơ cấu giống cực kỳ hay, vừa đa dạng và sâu bệnh giảm đi. Nếu trồng một loại giống sẽ đơn điệu về mặt di truyền SX, tiếp sau đó quá trình thâm canh, tăng vụ sâu bệnh sẽ “đánh chết”. Trên CĐML với 300- 500 ha trồng cùng một loại giống thì được.
Theo ông, với diễn biến thị trường gạo, các DN kinh doanh XK đã nắm rõ tình hình? Giải pháp căn cơ, chủ động lâu dài là gì?
Tất nhiên các DN hiểu rõ. Chủ trương thực hiện chương trình xây dựng CĐML của Bộ NN- PTNT là để DN liên kết đầu tư. Chiến lược nghiên cứu khoa học sắp tới cũng sẽ hướng thay đổi. Trước đây nghiên cứu phục vụ đối tượng là nông dân. Nhưng khi tiến tới SX hàng hóa lớn, nông dân “tự bơi” sẽ không nổi, vì vậy đối tượng liên kết trong nghiên cứu khoa học sắp tới sẽ là DN. Chỉ có DN mới đủ sức đẩy nông dân đi lên. Đó là hướng phát triển nông nghiệp đi lên theo hướng công nghiệp. Nếu trước kia chuyển giao ứng dụng KHKT xuống tới nông dân thì sắp tới sẽ chuyển giao cho DN thiết tha với phát triển nông nghiệp nước nhà.
CĐML là giải pháp hữu hiệu?
Theo VFA, gạo thơm đặc sản của VN có giá 780- 800 USD/tấn, gạo thơm thường 650-700 USD/tấn. Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu trên 400.000 tấn gạo thơm, cao nhất từ trước đến nay. Năm nay dự kiến đạt khoảng 500.000 tấn.
CĐML tuy thấy đơn giản nhưng là chiến lược lớn. Đất nước ta đang hướng tới trong hơn 12 năm nữa sẽ là một nước công nghiệp, vì vậy SX nông nghiệp phải tạo được đòn bẩy lớn. Trong đó DN đóng vai trò rất lớn trong đầu tư vào nông nghiệp, đẩy nền nông nghiệp đi lên mới khởi sắc được. CĐML là hình thức hợp tác hoàn toàn tự nguyện của nông dân. Cách thực hiện phù hợp với hiện trạng đồng ruộng nước ta. Dù có giới hạn mức hạn điền nhưng vẫn làm được. Nếu DN chịu bỏ vốn đầu tư vào và Nhà nước đã có cơ chế chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, SX một giống lúa trên một CĐML.
Tôi cho đây là chương trình khéo vận dụng thì gạo VN sẽ có thương hiệu. Quy trình canh tác đảm bảo an toàn, ND an tâm vì SX có đầu ra (giống như gạo Nhật của Cty Kitoku Sinryo (Nhật Bản) có thị trường ổn định). Đó là một bài học về giá thành SX thấp, nhưng năng suất đạt 6 tấn, giá bán ra trên 1 USD/tấn, lãi khoảng 8 cent/kg.
Xin cám ơn GS!
(Theo Báo NNVN)