LUAGAO - Vụ lúa HT 2012, ĐBSCL có kế hoạch xuống giống hơn 1,6 triệu ha. Nhiều vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm là khô hạn, xâm nhập mặn, dịch bệnh và liên kết SX theo cánh đồng mẫu lớn (CĐML).
Trung tâm Khí tượng thủy văn Bến Tre cho biết: Tình hình xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng. Hiện tại, người dân TP Bến Tre đang sử dụng nước đã nhiễm mặn, sẽ ảnh hưởng lớn đối với SX lúa HT. Trên sông Hậu, độ mặn 4%0 cũng đã xâm nhập sâu cách cửa Trần Đề khoảng 50 km.
Tại Hậu Giang, mặn đã về sớm hơn cùng kỳ khoảng 10 ngày. Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN- PTNT Hậu Giang cho biết: Độ mặn 3%0 đã về đến các xã tiếp giáp với sông Cái Lớn từ biển Tây đi vào TP Vị Thanh và xã Hỏa Tiến, Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ. Nếu như độ mặn năm nay bằng năm 2009 thì nguy cơ sẽ có khoảng 2.000 ha lúa HT ảnh hưởng nặng. Hiện tại, chính quyền địa phương ở các khu vực có nguy cơ bị mặn xâm nhập đã tiến hành kiểm tra, tu sửa các cống đập thời vụ.
Về lâu dài và căn cơ Hậu Giang đầu tư thi công tuyến đê bao ngăn mặn Vị Thanh- Long Mỹ. Ngoài ra một số dự án ngăn mặn triệt để như đê bao tuyến Vị Thanh- Vịnh Chèo, huyện Vị Thủy; dự án Vị Thủy- Vịnh Chèo, dự án Nam Xà No với tổng chiều dài khoảng 20 km với kinh phí dự kiến gần 300 tỷ đồng; sớm hoàn chỉnh dự án WB6 (Ô Môn- Xà No) giai đoạn 2 với gần 30 cống cấp 2.
Hậu Giang cũng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hồ nước ngọt tại xã Vĩnh Tường bằng nguồn vốn ODA với diện tích hồ 100 ha để trữ nước ngọt. Ngoài giải pháp công trình, Hậu Giang phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực nghiệm giống lúa OM 5464 thích nghi với điều kiện BĐKH. Giống lúa này đang được ngành nông nghiệp nhân ra để phục vụ bà con canh tác trong các vụ tới.
Thực hiện SX theo CĐML trong vụ HT này cũng được nhiều tỉnh đặc biệt quan tâm. Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN- PTNT Đồng Tháp cho biết: Chủ trương phát triển CĐML là hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Nhưng muốn bền vững thì DN tham gia ký kết hợp đồng phải mang tính chiến lược lâu dài. Bộ NN- PTNT cần có một cơ chế chính sách trong chiến lược liên kết giữa DN và nông dân thực hiện CĐML.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ lúa trên CĐML, ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN- PTNT Kiên Giang kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo cho DNXK gạo thuộc hệ thống Nhà nước tham gia ký hợp đồng thu mua trên CĐML. Để làm được điều này thì phải có Hiệp hội Lương thực VN tham gia. DN đặt hàng nông dân SX thì chắc chắn chất lượng gạo sẽ rất tốt, XK được giá cao, nông dân có lợi nhiều.
Công tác chỉ đạo xuống giống cần tuân thủ các nguyên tắc chung: Bố trí thời vụ né mặn, hạn ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao. Gia cố bờ bao, tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng. Phải đảm bảo thời gian giãn vụ, cày ải, phơi đất ngay sau thu hoạch tối thiểu là 20 ngày để cách ly nguồn bệnh nhằm đảm bảo năng suất lúa HT. |
Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN- PTNT An Giang nói: Từ năm 2002 đến nay việc SX theo hợp đồng có rất nhiều trở ngại, vì thế từ nay về sau khi thực hiện CĐML có DN tham gia thì phải xác định DN có nhu cầu thực sự, năng lực thật sự. Hiện tại, trên 8.000 ha lúa của An Giang đang SX theo CĐML là DN có nhu cầu. SX theo các tiêu chuẩn Viet GAP và hướng đến Global GAP và được các DN xây dựng thương hiệu riêng.
Riêng về tình hình dịch bệnh trên trà lúa HT cũng được Cục BVTV đặc biệt lưu ý. Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Trà lúa HT sớm ở các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang đã có khá nhiều diện tích nhiễm rầy nâu, tỉ lệ rầy nâu mang mầm bệnh vẫn còn cao, các địa phương cần hết sức cảnh giác.
Hiện tại, đợt rầy tháng 4 đã qua nhưng đến tháng 5 phải cảnh giác vì có đến 2 đợt rầy di trú: Đợt 1 từ 27/4 đến 5/5; Đợt 2 từ 25/5 đến 31/5. Tháng 6 rầy nâu di trú từ 20/6 đến 25/6. Ngoài các đối tượng sâu bệnh gây hại có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước tưới và xâm nhập mặn.
(Báo NNVN)