2. Tiếp tục sản xuất theo hướng “3 giảm 3 tăng”: giảm lượng giống sạ xuống còn từ 80-120kg/ha, sử dụng giống xác nhận, bón phân cân đối, áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là rất cần thiết.
3. Nguyên tắc chung sử dụng giống Lúa là ở mỗi địa phương chỉ nên sử dụng 4-5 giống chủ lực, 2-3 giống bổ sung (có thể thay thế giống chủ lực khi cần thiết) nhưng một giống chủ lực chiếm diện tích không quá 15-20% diện tích gieo trồng trong vùng. Sử dụng giống chống chịu (giống kháng) Rầy nâu, nếu trồng các giống như Jasmine, VD 20…cần thăm đồng thường xuyên, quản lý sâu bệnh, dinh dưỡng chặt chẽ ngay từ đầu vụ, đẩy mạnh áp dụng 3 giảm 3 tăng trên các giống Lúa có thời gian sinh trưởng trung bình cho năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như ĐH 85, ĐV, Mã Lâm 48, Q 23, Q 5…
4. Tiếp tục phát huy hiệu quả các hệ thống bẫy đèn để dự báo chính xác về Rầy nâu.
5. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý trong việc phòng chống Rầy nâu và các dịch bệnh khác theo nguyên tắc 4 đúng.
B. GIẢI PHÁP THÂM CANH
I. Giai đoạn mạ
Từ 1-20 ngày sau sạ (ngày sau sạ: nss)
1. Đặc điểm
Cây nhỏ, mẫn cảm với dịch hại, cần bổ sung dinh dưỡng sớm.
2. Mục đích thâm canh
Tạo cho cây khỏe để chuẩn bị đẻ nhánh.
3. Thâm canh
- Dùng hạt giống tốt, ngâm ủ giúp Lúa nẩy mầm đều. Xử lý hạt giống với nước nóng 540C (3 sôi 2 lạnh) góp phần phá niên trạng và diệt một phần mầm bệnh hại bám trên hạt Lúa, xử lý với dung dịch nước muối 15% (15kg muối ăn pha trong 100 lít nước) có tác dụng rất tốt loại bỏ đáng kể mầm bệnh Lúa von, các hạt lép lửng, hạt cỏ gạo.
- Làm đất kỹ, bằng phằng.
- Sạ với mật độ hợp lý (80-120kg/ha). Trên thực tế bà con thường sạ dày nhưng việc này không cần thiết vừa tốn giống vừa tốn dinh dưỡng mà cây lại phát triển không tốt và dễ bị nhiễm các loại dịch hại.
II. Giai đoạn đẻ nhánh
Từ 21- 45 nss
1. Đặc điểm
Cây đẻ nhánh, ra lá, tăng chiều cao nhanh. Nhu cầu dinh dưỡng cần khá cao (nhất là đạm, lân). Thời kỳ này sẽ quyết định tới năng suất Lúa.
2. Mục đích thâm canh
Có được số bông thích hợp, bông đều và bông to - sáng.
3. Thâm canh
a. Bón phân đợt 1 (10-12 nss)
- Nên bón phân đợt 1 sớm (7-10 nss) nhằm giúp cây lúa phát triển tốt ngay từ đầu.
- Lượng bón cho 1 ha: 100 – 150 kg NPK 20-20-15 + 40-50 kg Urê
- Đất phèn TB: 100kg DAP + 30kg Urê/ha.
- Đất xám: 100kg DAP + 30kg Urê/ha.
Bà con có thể giảm bớt lượng phân DAP và thay bằng các loại NPK hoặc phân tưới rễ MX-HÒA NƯỚC TƯỚI 1 vừa tiết kiệm đồng thời hiệu quả nhanh.
b. Phun trên lá: dùng Food-MX1 hoặc NUTRIMIX-Đặc Hiệu (Chuyên dùng cho Lúa) phun ngay sau khi xử lý thuốc cỏ xong (khoảng 10-14 nss).
c. Canh tác
- Phòng trừ cỏ thật tốt.
- Giữ mực nước thích hợp (ngập 5cm so với mặt ruộng).
- Tỉa dặm sớm (15-18 nss) để cho ruộng đồng đều.
d. Chú ý
Không bón phân lai rai vì sẽ làm tăng chồi vô hiệu. Bón phân đợt 2 sớm (18-22 nss) và tháo khô nước khi ruộng đã kín hàng (35-40 nss) là biện pháp khống chế chồi vô hiệu rất có kết quả. Ruộng nào quá trũng, cần bón đợt 2 nhẹ tay, tránh Lúa quá tốt sẽ lốp đổ.
e. Bón phân đợt 2 (18-22 nss)
- Bón phân, kết hợp làm cỏ, sụt bùn, vùi phân vào đất, bón phân khi có nước trong ruộng Lúa (ngập so mặt ruộng khoảng 5cm).
- Lượng bón cho 1 ha:
- Đất phèn: 40-50 kg DAP + 40-50 kg Urê
- Đất xám: 40-50 kg DAP + 50-60 kg Urê
- Đất phù sa: 50-70kg DAP + 20kg Urê/ ha và thêm 0-30kg DAP để bón vá áo riêng.
- Đất phèn TB: 50kg DAP + 50kg Urê/ha và thêm 0-50kg DAP để bón vá áo riêng.
- Đất xám: 50-70kg DAP + 20 kg Urê/ha và thêm 0-30kg DAP để bón vá áo riêng.
Chú ý: Đợt 2 phải bón “vá áo” sửa ruộng cho đều, dùng 998, R2, JF2, Yara L2…bón thêm vào chỗ ruộng xấu, chỗ cấy dặm, gò cao… và kết hợp NUTRIMIX-Đặc Hiệu hoặc Food-MX1 phun vào chỗ cần vá áo.
III. Giai đoạn làm đòng
Từ 46-60 nss
1. Đặc điểm
Rất mẫn cảm với nhiệt độ, nước và đạm (thời kỳ mẫn cảm đạm). Thời kỳ này quyết định bông to hay nhỏ và số hạt/bông.
2. Thâm canh
Bảo vệ lá đòng và hai lá dưới xanh bền bằng cách phòng trừ sâu bệnh như bệnh khô vằn, vàng lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá,…
a. Phun trên lá
- Dùng MAGIÊPHOS phun 1 lần lúc Lúa 47 – 49 nss để đón đòng, chống đổ lốp.
- Dùng thêm MAGIÊPHOS 1 lần nữa trước trổ 7-10 ngày => giúp trổ đòng đồng loạt.
b. Bón phân đợt 3
- Lượng phân bón cho 1 ha
Đất phèn: 40-50 kg Urê + 30-40 kg Kali
Đất xám: 40-50 kg Urê + 30-40 kg Kali
Không bón dư đạm, bón đủ kali và nên bón đón đòng (50 nss)
Lưu ý: Tuyệt đối không được bón dư đạm vào đợt này, hại gấp nhiều lần. Bón hơi thiếu, mức tối đa là 50kg Urê/ha. Cần xịt thêm phân bón lá MAGIÊPHOS hoặc NUTRIMIX-Đặc Hiệu nếu thấy cây hơi yếu.
IV. Giai đoạn trổ
Từ 61-85 nss
1. Đặc điểm
Cây tích lũy chất khô về hạt. Màu đổi từ xanh sang vàng. Trọng lượng hạt tăng dần và ổn định tới khi chín hoàn toàn.
2. Mục đích thâm canh
Giúp cây trổ đòng tốt để quyết định số hạt chắc/bông, giúp to – sáng hạt và chống rụng hạt.
3. Thâm canh (phun trên lá)
- Dùng HCR-Đặc Hiệu phun 1 lần lúc Lúa 72-73 nss tức 2-3 ngày trước trổ thúc cây trổ đòng đồng loạt. Nếu muốn hạt to nhanh thêm nữa thì sau đó tiếp tục phun 1 lần HCR trong giai đoạn “cong trái me”. Lưu ý phun nhiều nước (khoảng 400-600 lít nước/ha, lượng nước nhiều giúp phân bón qua lá thấm đều và dễ hấp thu vào lá).
V. Giai đoạn chín
- Dùng Food-MX4 phun 1 lần lúc Lúa 90 nss => giúp hạt chắc, mẩy, bóng, màu vàng sáng và chín đồng loạt.
Chú ý:
- Giữ ruộng đủ nước tới chín sáp (trước thu hoạch 7 ngày).
- Thu hoạch sớm (85-90% độ chín) sẽ cho năng suất và chất lượng cao nhất.
* Chú ý : thời gian phun xịt theo khuyến cáo như trên phù hợp với giống lúa có thời gian phát triển trung bình từ 100-105 ngày. Tùy theo giống có thể chủ động thời gian phun xịt cho phù hợp với thực tế.
C. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
I. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
1. Định nghĩa:
Quản lý dịch hại tổng hợp trên cơ sở sinh học dựa chủ yếu vào các yếu tố kềm chế lẫn nhau trong tự nhiên (còn gọi là cân bằng sinh thái) như thiên địch, thời tiết…và tìm kiếm những biện pháp nào ít tác động xấu tới con người và môi trường. IPM chỉ sử dụng thuốc khi thấy thực sự cần thiết. Thật lý tưởng nếu chương trình quản lý dịch hại xem xét tất cả các hoạt động và đánh giá khả năng tương tác trong các biện pháp phòng trừ khác nhau như giống kháng bệnh, kỹ thuật canh tác, thời tiết, những dịch hại khác và hoa màu được bảo vệ.
2. Nội dung IPM
- Trồng cây khỏe: đây là nguyên tắc quan trọng nhất, cần áp dụng một cách hài hòa các biện pháp canh tác để cho cây khỏe, chống chịu được sâu bệnh và thời tiết bất thuận.
- Bảo vệ thiên địch: trong thiên nhiên có nhiều sinh vật có ích (thiên địch), chúng diệt sâu bệnh hại. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho chúng phát triển, chính chúng là yếu tố hạn chế dịch hại.
- Thăm đồng thường xuyên: cần điều tra hệ sinh thái trên đồng ruộng mỗi tuần hay vài ngày một lần để phát hiện những yếu tố bất lợi cho cây trồng, xác định tỷ lệ giữa thiên địch và sâu hại, từ đó quyết định biện pháp xử lý để hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra giúp cây trồng phát triển tốt.
- Nông dân trở thành chuyên gia: nông dân được huấn luyện để trở thành những chuyên gia, có khả năng nhận dạng được sâu bệnh và xử lý kịp thời những bất lợi trên đồng ruộng bằng các biện pháp kỹ thuật thích hợp nhất, đồng thời cũng là người huấn luyện và truyền đạt lại cho những nông dân khác để cùng thực hiện chương trình quản lý dịch hại trên phạm vi rộng hơn.
3. Các biện pháp kỹ thuật trong IPM
3.1. Sử dụng giống kháng: là một trong những biện pháp quan trọng, dễ áp dụng, ít tốn kém, hiệu quả cao. Trên cùng cánh đồng không nên trồng một giống chiếm 60% diện tích để giữ tính kháng của giống được lâu.
3.2. Biện pháp canh tác gồm: chuẩn bị đất, bố trí thời vụ, mật độ gieo sạ, phân bón hợp lý, chăm sóc vệ sinh đồng ruộng tốt. Quản lý nước theo quy trình mới, dùng nước ém cỏ.
3.3. Biện pháp sinh học: là biện pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
- Tạo môi trường thuận lợi cho một số loại côn trùng, nấm bệnh có ích trong thiên nhiên (thiên địch) để chúng khống chế một số sâu bệnh hại như không sử dụng thuốc trừ sâu sớm và loại thuốc có độ độc hại cao.
- Nhân nuôi một số loại ong ký sinh có ích để tiêu diệt sâu hại.
3.4. Biện pháp vật lý: bẫy đèn, trực tiếp bắt sâu, quơ chà tre gạt sâu phao, trực tiếp đào hang, dặm cù bắt chuột….
3.5. Biện pháp hóa học: đây là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn thiệt hại do sâu bệnh gây ra khi mật độ hoặc tỷ lệ quá cao.
- Ưu điểm: dễ sử dụng, hiệu quả diệt sâu bệnh cao và nhanh, dùng khống chế và dập dịch.
- Khuyết điểm: chi phí cao, gây độc cho người, diệt thiên địch, phá vỡ cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường…
Chú ý: khi sử dụng thuốc hóa học cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng:
- Đúng thuốc: xác định đúng đối tượng gây hại (sâu, bệnh gì). Chọn đúng loại thuốc có hiệu quả cao nhất, hiệu quả chọn lọc cho từng đối tượng sâu bệnh, không nên chọn loại thuốc phổ rộng.
- Đúng liều lượng – nồng độ: pha đúng nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất, phun đủ lượng nước tùy theo đối tượng, đảm bảo 320-400 lít/ha.
- Đúng lúc: phun vào lúc sức chống chịu của sâu kém nhất ví dụ như Rầy phun khi tuổi 2-3, chỉ phun thuốc khi tới ngưỡng kinh tế cần phòng trừ.
- Đúng cách: cần phun đúng vị trí sâu bệnh trú ẩn.
II. MỘT SỐ DỊCH HẠI CHÍNH
1. Quản lý rầy nâu
Theo phương châm áp dụng các biện pháp tổng hợp (dùng giống kháng, tránh - né bằng gieo sạ đồng lọat, canh tác theo “3 tăng - 3 giảm”, dùng thuốc hóa học theo nguyên tắc “4 đúng”, tiêu hủy ruộng, cây bệnh khi cần thiết.), xem sổ tay hướng dẫn phòng trừ rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa của Bộ NN & PTNT.
Giai đoạn lúa dưới 40 ngày tuổi, khi mật độ rầy đạt khoảng 8 - 10 con /tép, rầy nâu đang tuổi 2 – 3 dùng thuốc phòng trị bằng các loại thuốc chống lột xác :
Điều quan trọng trong quản lý rầy nâu là phải thường xuyên thăm đồng, để xác định đúng thời điểm phun xịt thuốc. Khi phun phải theo nguyên tắc 4 đúng, chú ý phun đều và gần gốc lúa.
2. Sâu cuốn lá : Thời điểm xuất hiện 20 nss, đặc biệt quan trọng khi cây lúa bị hại ở giai đọan làm đòng- trổ bông. Không cần thiết sử dụng thuốc trong 40 ngày sau sạ vì cây lúa có khả năng phục hồi.
Từ lúa đứng cái - trỗ : mật số SCL > 10 con/m2
Thuốc phòng trị sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc như sau :
+ Alika: 10ml/bình 16 lít x 2 bình cho 1 000m2
+ Virtako 40WG: 50-60g/ha : 3g/bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
+ Angun 5WDG: 10g/bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
Phun khi sâu còn nhỏ (tuổi 1-2) hoặc 5-6 ngày sau khi có bướm rộ trên ruộng.
3. Sâu phao đục bẹ : gây hại quan trọng ở giai đoạn đâm chồi tích cực (20-40 nss), xử lý thuốc khi thấy có 3-5 chồi bị hại/m2 hoặc 7 ngày sau khi có bướm rộ với một trong các loại thuốc :
+ Proclaim 1.9EC: 10-20ml/bình 16 lít x 2 bình cho 1 000m2
+ Virtako 40WG: 50-60g/ha : 3g/bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
+ Angun 5WDG 10g bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
+ Kinalux 25EC : 50ml/bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
+ KinaGold 23EC 40ml/bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
Lưu ý: khi phun nhớ tháo cạn nước để tăng hiệu quả của thuốc, chú ý phun kỹ ở những vùng có sâu gây hại nặng.
4. Nhện gié: gây hại quan trọng ở giai đoạn đẻ nhánh à làm đòng, trổ. Triệu chứng bên ngoài là những vết nám bẹ màu nâu, tương tự như vết cạo gió. Bệnh nặng có thể làm bông lúa bị lép, lem hoặc trổ nghẹn. Phun trị khi thấy có 3-5 vết nám bẹ trên 1 m2 bằng các loại thuốc :
+ Angun 5WDG 10g bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
+ Kinalux 25EC : 50ml/bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
+ KinaGold 23EC 40ml/bình 16 lít x 2 bình cho 1000m2
II. Quản lý bệnh hại
1. Bệnh Lúa von: đặc biệt nhiễm nặng với những giống Lúa thơm. Phòng trị bằng cách xử lý giống khi ngâm ủ.
Xử lý với dung dịch nước muối 15% có tác dụng rất tốt loại bỏ đáng kể mầm bệnh lúa von, các hạt lép lửng, hạt cỏ gạo.
Cách làm như sau:
- Lúa giống ngâm nước sạch 24-36 giờ (lúa đã no nước), pha dung dịch nước muối 15% (15kg muối ăn pha trong 100 lít nước), khuấy mạnh cho tan hết muối.
- Một thể tích lúa giống cần 3 thể tích dung dịch muối đã pha.
- Xử lý nhanh trong vòng 10-15 phút (loại tất cả hạt lép, lửng, hạt cỏ) sau đó đem lúa giống đãi với nước sạch nhiều lần cho hết muối mới đem đi ủ.
Để hạn chế nấm bệnh lúa von tấn công từ đất, giai đoạn mạ đến đẻ nhánh tránh để ruộng bị khô. Ở những vùng đã trồng giống nhiễm nhiều vụ, nên khuyến cáo bà con nông dân thay đổi giống khác (1 vụ) để cách ly nguồn bệnh.
2. Bệnh đạo ôn
- Bệnh Đạo ôn xuất hiện quanh năm đặc biệt trong vụ ĐX. Bệnh gây hại trên lá, thân, cổ bông và gié Lúa.
- Trên lá: vết bệnh có hình thoi, xung quanh viền màu nâu, ở giữa có màu xám trắng, khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau thành vết lớn và ruộng lúa bị bệnh nặng lúa bị cháy rụi thành từng đám.
- Trên thân: bắt đầu là chấm nhỏ màu đen về sau lớn dần bao quanh thân, làm cho thân thắt lại, thường làm thối cổ lá và đốt rất dễ gãy.
- Trên bông: Thường xuất hiện ở cổ bông, bệnh nặng sẽ gây bông bị lép hoàn toàn.
Khi trong vùng có bệnh đạo ôn đang phát triển nên phun ngừa ở giai đoạn bón thúc chồi, hoặc khi thấy lá lúa có vết bệnh chấm kim, ở giai đoạn này sử dụng Fuan 40EC, liều lượng 1-1,2 lít/ha. Có thể phun lập lại lần thứ 2 vào 7 ngày sau khi thấy bệnh phát triển lại.
Phun phòng trị bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần ở giai đoạn 7 ngày trước trổ và 7 ngày sau trổ, sử dụng Filia 525SE. Liều lượng pha 25ml/bình 16 lít, phun 2 bình cho 1000m2
3. Bệnh đốm vằn
Phòng trị bệnh khi thấy có 5% chồi bị bệnh, thuốc sử dụng:
+ Anvil 5 SC: 50ml/bình 16 lít x 2 bình/1000m2
+ Bonanza 100DD: 20ml/bình 16 lít x 2 bình/1000m2
+ Nevo 330EC: 15ml/bình 16 lít x 2 bình/1000m2
+ Validan 5DD : 50ml/bình 16 lít x 2 bình/1000m2
* Chú ý phun kỹ những vùng bị bệnh
4. Bệnh vàng lá chín sớm
Bệnh thường tấn công vào giai đoạn làm đòng đến trổ chín. Lá đòng bị vàng lụi sớm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp nuôi hạt của cây. Bệnh có thể phát triển nặng trên chân ruộng bón thừa đạm.
Phòng trị:
o Bón phân cân đối, không bón thừa đạm
o Ngừa bệnh giai đoạn làm đòng (40 – 55 nss) 1 trong các loại thuốc:
Ridomil Gold 68: 50g/bình 16 lít, phun 2 bình/1.000 m2
Nevo 330EC: 15ml/bình 16 lít x 2 bình/1.000m2
Tilt super: 15ml/ bình 16 lít, phun 2 bình/1.000 m2
Topan: 25-50g/ bình 16 lít, phun 2 bình/1.000 m2
5. Bệnh lem lép hạt : phun ngừa bệnh 2 lần vào 7 ngày trước trổ và 7 ngày sau khi lúa trổ đều bằng Tilt Super 300EC hoặc Amistar top liều lượng 15ml/bình 16 lít, phun 2 bình 1000m2.
6. Bệnh do Vi Khuẩn: tấn công trên lá, thân và hạt.
Giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ: nếu thấy bệnh xuất hiện, rút nước và rải vôi: liều lượng 15-20kg/1000m2 (trộn vôi với 1 thúng tro trấu đã thấm nước).
Hoặc phòng trị bằng nước vôi: Pha 2kg vôi/bình 16 lít (gạn lấy phần trong) phun 2 bình 1000m2.
Giai đoạn trổ: nếu thấy bệnh xuất hiện cũng dùng nước vôi với liều lượng như trên. Có thể lập lại lần 2 cách lần trước 7 ngày nếu thấy bệnh chưa dứt hẳn.
7. Bệnh vàng lùn
a. Tác nhân: bệnh vàng lùn là một dạng triệu chứng do virus gây bễnh lúa cỏ có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) gây ra.
b. Nhận dạng
- Màu sắc lá của cây Lúa bệnh chuyển từ xanh nhạt à vàng nhạt à vàng cam à vàng khô.
- Vị trí lá bị vàng: lá dưới bị vàng trước, lần lượt đến các lá bên trên, vết vàng trên lá lan từ chóp lá lần vào bẹ lá.
- Đặc điểm của lá Lúa bệnh: lá có khuynh hướng xòe ngang.
Bệnh làm giảm chiều cao chồi Lúa bệnh và giảm số chồi của bụi Lúa mắc bệnh.
- Ruộng Lúa bệnh ngả màu vàng, chiều cao cây không đồng đều.
c. Cách lan truyền bệnh
- Rầy nâu là môi giới truyền Virus gây bệnh cho cây Lúa và chúng có khả năng truyền Virus cho tới khi chết.
- Cây Lúa bị bệnh mang Virus cho tới khi gặt, Lúa chét cũng có thể nhiễm bệnh. Khi bị bệnh ở giai đoạn Lúa non, Lúa sẽ không trổ đòng, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng.
- Rầy nâu chích hút cây Lúa bệnh sau 5-10 phút là mang mầm bệnh trong cơ thể và khoảng 10 ngày sau là có thể lan truyền Virus gây bệnh sang cây Lúa khỏe khác.
- Virus gây bệnh không truyền qua trứng Rầy, đất, nước, không khí.
- Rầy nâu cánh dài mang Virus phát tán đi rất xa nên phạm vi lây lan của bệnh rộng, Rầy cánh ngắn mang virus lây lan trong phạm vi hẹp vì không thể di chuyển xa được.
- Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus gây bệnh.
8. Bệnh lùn xoắn lá
a. Tác nhân: do virus có tên RRSV (Rice Ragged Stunt Virus) gây ra.
b. Nhận dạng
- Cây bị lùn, màu lá xanh đậm.
- Rìa lá bị rách và gợn sóng, dọc theo gân lá có bướu.
- Chóp lá bị biến dạng và xoăn tít lại.
- Lúa không trổ được, bị nghẹn đòng, hạt lép.
c. Cách lan truyền bệnh
Bệnh lùn xoắn lá có cách lan truyền bệnh như bệnh vàng lùn. Có trường hợp trên một cây Lúa đồng thời xuất hiện cả 2 triệu chứng vàng lùn và lùn xoắn lá.
9. Bệnh Lúa cỏ
a. Tác nhân: do virus có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) gây ra.
b. Nhận dạng
- Cây bị lùn, mọc nhiều chồi, bộ rễ bình thường.
- Lá ngắn, hẹp, cứng màu xanh vàng hoặc vàng cam.
- Lá non có nhiều đốm gỉ sắt hoặc màu vàng đỏ.
c. Cách lan truyền bệnh
Bệnh lúa cỏ có cách lan truyền bệnh như bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
10. Phòng trừ bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá
a. Phòng bệnh
Bệnh VL-LXL, bệnh Lúa cỏ gây hại cho cây Lúa cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, do đó biện pháp đầu tiên là phòng bệnh, bao gồm:
- Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ Rầy nâu.
- Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây Lúa khỏe nhất trong giai đoạn trước trổ để gia tăng sức đề kháng của cây. Phun bổ sung phân bón lá hữu cơ sinh học NUTRIMIX cũng góp phần giúp cây Lúa khỏe hơn, kháng bệnh mạnh hơn.
b. Tiêu hủy nguồn bệnh trên đồng ruộng cụ thể như sau:
- Giai đoạn Lúa còn non (0-40 nss): nếu ruộng Lúa bị nhiễm nặng (trên 10%) thì phải tiêu hủy ngay bằng cách cày trục cả ruộng nhằm diệt mầm bệnh, trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ Rầy nâu để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác. Nếu bị nhiễm nhẹ (rải rác, dưới 10% số khóm bị bệnh) thì phải nhổ bỏ những cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ.
- Giai đoạn Lúa sau gieo sạ 40 ngày trở đi: thường xuyên thăm đồng và nhổ, vùi bỏ bụi Lúa bệnh, đồng thời nếu phát hiện Rầy cám có mật độ trên 3 con/dảnh thì phải phun thuốc trừ Rầy nâu theo “nguyên tắc 4 đúng”. Nếu ruộng Lúa bị nhiễm quá nặng thì tiêu hủy bằng cách cày, trục cả ruộng; trước khi tiêu hủy phải phun thuốc trừ Rầy nâu để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.
11. Phân biệt bệnh VL-LXL với các triệu chứng vàng lá do ngộ độ hữu cơ
Triệu chứng đặc trưng của vàng lá do ngộ độc hữu cơ là khi nhổ cây Lúa lên thì thấy đất có màu rất đen và bộ rễ bị thối đen. Do rễ không hút được dưỡng chất nên bộ lá ngả sang màu vàng, từ chóp lá xuống và từ mép lá vào.
Cách phân biệt giữa bệnh vàng lùn với ngộ độc hữu cơ là dựa vào màu sắc rễ Lúa. Cây Lúa bị bệnh vàng lùn còn tươi có rễ màu trắng, còn Lúa ngộ độc hữu cơ có màu đen, mùi hôi.
Ruộng Lúa thường bị ngộ độc hữu cơ khi: ruộng trũng, bị ngập nước liên tục, khoảng thời gian từ khi làm đất tới khi gieo sạ rất ngắn (chưa tới 15-20 ngày), hoặc làm đất sơ sài, cày vùi rơm rạ rồi gieo sạ liền, ruộng Lúa gần các ao cá hay chuồng trại chăn nuôi bị tháo nước xuống ruộng thường xuyên.
Vàng lùn do ngộ độc hữu cơ là dạng bệnh sinh lý vì vậy cần áp dụng những biện pháp sau:
- Thay nước ruộng bằng cách tháo nước ra, bơm nước mới vào từ 1-2 lần, phơi mặt ruộng.
- Ngưng bón phân đạm, tăng cường bón phân lân.
- Khi cây Lúa phục hồi ra lá xanh, có rễ màu trắng thì tiến hành bón phân đạm, DAP và chăm sóc tiếp như bình thường.
D. THU HOẠCH, BẢO QUẢN VÀ TỰ ĐỂ GIỐNG
I. Thu họach, bảo quản
- Thu hoạch vào lúc sau trổ 28-30 ngày, hoặc thấy 85-90% số hạt trên bông đã chín vàng. Nếu thu hoạch sớm hay trễ đều làm giảm chất lượng và tăng tỷ lệ hao hụt.
- Hiện nay một số nơi đã áp dụng thu hoạch lúa bằng máy xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, giảm được thất thóat, giảm áp lực lao động thời vụ.
- Gặt xong tuốt lúa ngay, không nên phơi mớ ngòai đồng
- Sau khi làm khô, rê sạch và sử dụng bao đúng quy cách để đựng (nếu để giống cho vụ sau). Bảo quản lúa ở nơi khô ráo và thóang. Nếu bảo quản trong thời gian dưới 3 tháng, độ ẩm lúa cần đạt 14-15%. Nếu thời gian bảo quản trên 3 tháng, độ ẩm phải đạt dưới 14%.
II. Tự chuẩn bị giống cho vụ sau
Về nguyên tắc nên sử dụng giống xác nhận do các cơ sở nhân giống từ giống nguyên chủng. Nếu muốn tự để giống có chất lượng cao thì theo các bước sau:
- Nên chọn 1/20 diện tích ruộng để làm giống, giống phải tốt, lựa chọn ruộng tốt, tiện nước, dễ chăm sóc, ruộng không bị sâu bệnh, cây lúa phát triển tốt.
- Khử cây lẫn 2-3 lần (ở thời kỳ đẻ nhánh tối đa, sau trổ đều và trước thu họach). Khử lẫn thật kỹ (lọai bỏ các cây dị dạng, các cây cao hoặc thấp, trổ sớm hoặc muộn, màu sắc khác với màu sắc chung).
- Khi thu hoạch dùng bao mới hoặc bao sạch, cắt riêng, tuốt riêng, phơi riêng (tuyệt đối tránh lẫn tạp cơ giới trên sân phơi), nếu dùng máy sấy hạt giống thí tốt nhất.Có chế độ bảo quản riêng, cẩn thận hơn, kiểm tra độ ẩm thường xuyên, nếu độ ẩm vượt quá 14% thi phải phơi ngay để khống chế độ ẩm hạt khỏang 12-13%.