Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

Giống lúa lai 3 dòng Bác ưu 025

LUAGAO - Vụ mùa các giống lúa lai hay bị bệnh bạc lá dẫn đến giảm năng suất, vì vậy việc tìm ra những giống lúa lai kháng bệnh bạc lá rất quan trọng và cần thiết. Từ vụ mùa năm 2003, Công ty cổ phần giống cây trồng Quảng Ninh đã nhập nội từ Trung Quốc giống lúa lai 3 dòng Bác ưu 025 về khảo nghiệm.

Sau bẩy năm (2003 – 2008) khảo nghiệm cơ bản tại công ty, khảo nghiệm quốc gia, khảo nghiệm rộng hàng trăm hecta ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định và Ninh Bình. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận SX thử, Quyết định số 111 ngày 27/4/2009).

Bác ưu 025 là giống lúa lai 3 dòng phản ứng nhẹ với ánh sáng chỉ cấy được vụ mùa, thời gian sinh trưởng 122 – 125 ngày, chiều cao cây 115 – 119cm, khối lượng 1000 hạt bằng 22 – 23g. năng suất bình quân đạt 60 – 65 tạ/ha, cao đạt 70 – 75 tạ/ha, chất lượng cơm đậm ngon. Khả năng đẻ nhánh khỏe nên chỉ cần 0,4 – 0,5kg giống cấy 1 sào. Đặc biệt giống Bác ưu 025 là giống kháng bạc lá tốt nhất hiện nay, kết quả đánh giá của Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương giống Bác ưu 025 bệnh bạc lá ở điểm 1 - 3, đối chứng là giống Bác ưu 253 bạc lá ở điểm 5 – 7. Tính thích ứng của giống Bác ưu 025 rất rộng: vàn cao thay Bao thai, vàn trung bình và vàn trũng thay các giống Mộc tuyền, Bác ưu 903, Bác ưu 253.

Yêu cầu kỹ thuật: Thời vụ gieo mạ từ 15 – 25/6, cấy từ 5/7, tuổi mạ 20 ngày.

Ngâm giống từ 24 – 30 giờ, thay nước 3 – 4 lần. Gieo mạ đều, chìm hạt. Mật độ gieo 1kg giống/25 – 30m2. Phân bón cho 1 sào mạ 360m2: 500kg phân chuồng + 10 – 15kg lân + 4 – 5kg đạm urê + 2kg kali clorua. Bón lót là chủ yếu chỉ để lại 2kg đạm, bón thúc khi mạ được 2 – 2,5 lá. Kỹ thuật cấy mật độ cấy 50 – 55 khóm/m2, cấy 1 -2 dảnh/khóm, cấy nông tay. Phân bón cho một sào lúa: (360m2) 400kg phân chuồng + 15 – 20kg lân + 8 - 9kg đạm urê + 5 – 6kg kali clorua. Cách bón: lót 100% phân chuồng + 100% lân + 2 – 3kg đạm + 1 – 2kg kali, thúc lần một: khi lúa bắt đầu đẻ nhánh rộ: 4 – 5kg đạm + 2kg kali, thúc lần hai khi lúa làm đòng: 2kg đạm + 2kg kali.

Các biện pháp kỹ thuật khác: Làm cỏ kịp thời trước khi lúa đứng cái làm đòng, khi lúa đẻ nhánh để cạn nước phơi ruộng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
KS. Nguyễn Ngọc Tiến

Sản xuất lúa lai HYT100 trên cánh đồng Mường Lò, Nghĩa Lộ

LUAGAO - Nói đến các cánh đồng trồng lúa trên vùng cao, đồng bào vùng núi phía Bắc thường có câu so sánh “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc…”.

Đó là nói đến các cánh đồng lúa phì nhiêu Mường Thanh ở Điện Biên, Mường Lò ở Nghĩa Lộ, Mường Than ở Thái Nguyên và Mường Tấc ở Sơn La. Cánh đồng Mường Lò có diện tích trên 2.000 ha, tưới tiêu tự chảy, đất có độ phì nhiêu khá tốt, khí hậu thuận hòa là nơi khá lý tưởng cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Gạo Mường Lò đang được người tiêu dùng để ý tới. Do có điều kiện thời tiết và khí hậu thích hợp, mấy năm gần đây Mường Lò còn hé lộ tiềm năng sản xuất hạt giống lúa lai F1.


Từ kết quả làm thử thắng lợi năm 2008, vụ xuân 2009 Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai thuộc Viện Cây lương thực & CTP đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, triển khai mô hình sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và sản xuất hạt giống F1 của tổ hợp lai 3 dòng HYT100 tại các điểm Tân An, Nghĩa Phúc… trên cánh đồng Mường Lò. Theo bà Nguyễn Tuyết Dung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ, với mức đầu tư như nhau, trên diện tích triển khai 23 ha giống HYT100 cho năng suất dự kiến 72 tạ/ha tương đương với giống Nhị ưu 838 (vẫn đang gieo cấy phổ biến ở Mường Lò) nhưng do giá bán sản phẩm cao hơn 1.000-1.500 đ/kg nên tổng thu đạt 46,8 triệu đ/ha, cao hơn so với sản xuất giống Nhị ưu 838 từ 7,2-10,8 triệu đ/ha. Việc gieo cấy giống HYT100 cùng với nền thâm canh áp dụng kỹ thuật phân viên nén dúi gốc (FDP) mang lại hiệu quả kinh tế cao được bà con các dân tộc vùng cao thị xã Nghĩa Lộ hưởng ứng và mong muốn phát triển thành một chương trình sản xuất gạo hàng hóa chất lượng cao.


ThS. Nguyễn Văn Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai cho biết, cùng với mô hình sản xuất lúa gạo hàng hóa, Trung tâm còn phối hợp thử nghiệm 6,5 ha sản xuất hạt lai F1 của tổ hợp HYT100 tại xã Nghĩa Phúc. Tại Hội nghị đầu bờ ngày 21/5/2009, trên cánh đồng sản xuất hạt F1 giống HYT100 nhìn thấy giống bố mẹ đã trỗ trùng khớp, lúa đang xuôi quả, các đại biểu tham dự đánh giá năng suất hạt lai có thể đạt 20-25 tạ/ha. Với năng suất này, cộng với khoản đầu tư về giống và phân bón, tổng thu nhập của bà con sản xuất hạt lai theo quy đổi có thể đạt giá trị tương đương 9-11 tấn thóc thương phẩm/ha.


Cũng tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã triển khai “Mô hình sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao định hướng hàng hóa” với các giống lúa lai HYT100, HYT103 và lúa thuần TL6 (so sánh với lúa lai Nhị ưu 838). ThS. Nguyễn Quang Tin, Phó trưởng Bộ môn Khoa học đất và sinh kế vùng cao của Viện cho biết với năng suất các giống dao động từ 65-72 tạ/ha, sản xuất lúa hàng hóa bằng các giống HYT100, HYT103 và TL6 cho lãi suất cao hơn so với sản xuất bằng giống Nhị ưu 838 từ 2,87 đến 5,07 triệu đ/ha.


Phát biểu tại Hội nghị đầu bờ, ông Chu Quốc Tuấn-Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ đã hoan nghênh kết quả các mô hình sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao và sản xuất hạt giống lúa lai F1 do Viện Cây lương thực & CTP và Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc đã phối hợp cùng thị xã tổ chức triển khai trong thời gian vừa qua. Theo ông Tuấn, cánh đồng Mường Lò còn rất nhiều tiềm năng cho sản xuất lúa hàng hóa, bà con các dân tộc tại đây đang rất cần sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan trung ương và địa phương để khai thác tiềm năng này.


Phạm Xuân Liêm

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Tứ giác Long Xuyên: Lựa chọn phân bón cho lúa vụ hè thu

LUAGAO - Không cầu kỳ, nông dân thắc mắc gì hỏi nấy và được giải đáp ngay đến khi hài lòng. Hơn 200 nông dân canh tác lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên - Kiên Giang vừa có buổi hội thảo về cách bón phân và chọn lựa sản phẩm phân bón thích hợp cho lúa trong vụ hè thu.

Ông Đỗ Văn Dục làm 9 ha lúa ở ấp kinh 9, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất – Kiên Giang cho biết: Vụ lúa hè thu này ông đã xuống giống được 6ha, hiện còn 3ha sắp sửa xuống giống. Bình quân, mỗi mùa vụ ông phải đầu tư khoảng 60 triệu đồng để mua phân bón và thuốc BVTV. Chính vì vậy mà việc chọn lựa được sản phẩm phân bón chất lượng và giá thành hợp lý quyết định rất nhiều đến lợi nhuận. Do canh tác nhiều ruộng nên thời gian qua ông được mời đi tham dự nhiều buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ. Qua các buổi học hỏi này ông nhận ra rằng, lâu nay nông dân mình thường hay bón thừa đạm. Ông Dục cho biết, sau khi điều chỉnh bón phân hợp lý, giảm phân đạm đã giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí mà năng suất lúa không hề giảm, thậm chí còn tăng thêm.

Anh Danh Cường ở ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: Khoảng nửa tháng nữa sẽ xuống giống 3ha lúa Jasmine. Do đặc thù ở đây gần biển, chịu ảnh hưởng của nước mặn nên thường phải xuống giống trễ hơn các vùng khác trong tỉnh cả tháng. Anh Cường cho biết thêm, bình quân mỗi vụ lúa anh phải chi phí khoảng 25 triệu đồng tiền mua phân bón và thuốc BVTV. Riêng chi phí phân bón đã lên đến 1,2 - 1,5 triệu đồng/công. Anh Danh Hải ở cùng ấp với anh Danh Cường chuẩn bị xuống giống 35 công lúa cũng tỏ ra băn khoăn về giá cả phân bón. Anh nói, mặc dù vụ lúa đông xuân vừa qua và vụ lúa hè thu này giá phân bón ổn định hơn nhưng thực tế vẫn còn khá cao so với lợi nhuận của nông dân.

Thời gian qua ở vùng Tứ giác Long Xuyên nhiều nông dân thắng đậm là biết bón phân hợp lý. Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có nhiều vùng sinh thái khác nhau nên việc khuyến cáo nông dân bón phân cho lúa cũng phải tuân thủ theo đặc thù của từng vùng đất. Trong vụ lúa hè thu 2008, Kiên Giang đã chọn ra 3 điểm trình diễn bón phân cho lúa ở các huyện: Giồng Riềng, Tân Hiệp và Hòn Đất. Sản phẩm phân bón chọn trình diễn của Cty CP Phân bón Việt Mỹ (AVF). Kết quả, tại các điểm trình diễn này năng suất lúa vượt trội hơn.

Cty CP phân bón Việt Mỹ hiện đang có các sản phẩm phân bón chuyên dùng cho lúa như: Phân hữu cơ khoáng LUCKY 1 cao cấp 2-4-2-20+TE. Loại phân bón này chuyên dùng để bón lót cho lúa giúp ra rễ nhiều, thân cứng, hạ phèn và cải tạo đất, rất thích hợp cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Khi cây lúa cần bón thúc lần 1 và lần 2 thì dùng loại phân bón hỗn hợp NPK 18-10-5+TE, giúp cây lúa nở bụi và nhiều bông. Đến giai đoạn bón thúc cho lúa lần 3 nhằm giúp hạt lúa chắc thì dùng loại phân bón hỗn hợp NPK 17-4-17+TE. Ngoài ra, AVF còn có chế phẩm phân bón lá STH-07 cao cấp (dạng bột) giúp hạt lúa to hơn.

Ông Đỗ Văn Hùng, TCty CP phân bón Việt Mỹ chia sẻ: Chúng tôi là những nhà sản xuất phân bón nên rất cần lắng nghe những ý kiến đóng góp từ thực tiễn sản xuất của nhà nông. Mỗi buổi hội thảo tiếp xúc với nông dân là một dịp để chúng tôi rút ra những kinh nghiệm quý. Qua đó, để sản xuất ra những sản phẩm phân bón phù hợp nhất cho từng vùng đất và từng loại cây trồng khác nhau.
PA

Giống lúa thuần cho vùng miền núi phía Bắc: BT13

LUAGAO - Năm 2005, Bộ môn cây lương thực và cây thực phẩm - Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã tiến hành chọn tạo giống lúa BT13, một giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, khả năng thích ứng rộng với các tiểu vùng sinh thái khác nhau của vùng miền núi phía Bắc.
Giống BT13 chọn tạo từ giống lúa Khẩu Sửu của Điện Biên bằng phương pháp chọn lọc cá thể. Từ vụ xuân 2006 được Bộ môn Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tiếp tục chọn tạo và làm thuần.

Giống lúa BT13 có thời gian sinh trưởng: vụ xuân 115 – 120 ngày; vụ mùa 100 – 105 ngày, ngắn hơn giống đối chứng KD18 10 ngày, độ thoát cổ bông trung bình, lá đòng to dài, đứng góc, kiểu cây gọn, kiểu hạt thon dài, gạo trong, tỷ lệ dài/rộng = 3,4. Theo dõi mức độ nhiễm sâu bệnh của giống BT13 cho thấy đây là giống có mức độ nhiễm thấp.

Kết quả theo dõi sâu bệnh hại trên đồng ruộng tại một số điểm khảo nghiệm trong vụ xuân 2008 tại tỉnh Phú Thọ thu được kết quả sau: So với đối chứng là giống KD18 tại hầu hết các điểm BT13 đều có mức độ nhiễm thấp hơn. BT13 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống đối chứng 7 – 12 ngày, đồng thời năng suất thực thu đạt trung bình 7,0-7,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng KD18 tới 0,8-9,5 tạ/ha. Kết quả khảo nghiệm giống BT13 tại xã Tú Lệ-Văn Chấn- Yên Bái tại vụ xuân 2007 thấy năng suất BT13 đạt 51 tạ/ha cao hơn đối chứng 16,5 tạ/ha, tăng 46,7%.

Từ các kết quả khảo nghiệm trong năm 2007 và 2008 của Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho thấy BT13 là giống cho năng suất khá ổn định trong các điều kiện canh tác và thời vụ khác nhau của từng tiểu vùng sinh thái ở miền núi phía Bắc. Như đã nói BT13 là giống lúa thuần ngắn ngày. Thích ứng rộng, tiềm năng năng suất cao, ít sâu bệnh, thích hợp cho canh tác vụ mùa vùng trung du và vụ xuân vùng cao.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Niên-Trưởng Bộ môn Cây lương thực- Cây thực phẩm của Viện cho biết, đặc tính quý của giống BT13 không chỉ ở ngắn ngày mà còn do nguồn gốc là giống bản địa vùng cao nên rất thích hợp với những điều kiện của “con nhà nghèo”, khả năng chịu đựng tốt: “Chúng tôi đề nghị nên đưa giống BT13 vào sản xuất trong vụ xuân tại các tỉnh miền núi phía Bắc để có thể gieo cấy các giống lúa đặc sản tập trung với diện tích lớn. Đưa vào vụ mùa ở những diện tích đất canh tác 3 vụ. Cục Trồng trọt nên xem xét công nhận giống tạm thời để thuận lợi hơn cho việc phổ biến giống”.
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

LC25 - giống lúa lai thương hiệu Lào Cai

LUAGAO - Bộ NN-PTNT vừa có quyết định công nhận giống lúa lai 3 dòng LC25 do Trung tâm giống NLN Lào Cai phối hợp với Cty Lục Đan (Trung Quốc) chọn tạo, SX thành công và cho phép các tỉnh phía Bắc tổ chức SX thử từ vụ xuân 2009. Lần đầu tiên trung tâm giống của một tỉnh miền núi đã hợp tác với một tổ chức nước ngoài chọn tạo thành công một giống lúa lai mới, mang “thương hiệu” LC25 của Lào Cai…

Năm 2006 Trung tâm giống nông lâm nghiệp Lào Cai (TTG Lào Cai) được Bộ NN-PTNT và tỉnh Lào Cai cho phép, đã hợp tác với Cty Lục Đan (Tứ Xuyên, TQ) chọn tạo những giống lúa lai từ những cặp bố mẹ có nguồn gốc từ TQ cho năng suất, chất lượng cao thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. Với 12 dòng mẹ, 29 dòng bố đã lai tạo được hơn 300 tổ hợp lai. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí của một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn như Lào Cai, nên TTG chỉ chọn một số cặp lai có ưu thế, đó là các cặp lai 3 dòng: LC368, LC25 và cặp lai 2 dòng: LC212, LC270.

Các giống lúa này sau khi được TTG Lào Cai gửi mẫu khảo kiểm nghiệm gieo trồng tại Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia, thấy giống có ưu thế nổi trội nhất là LC25. Giống lúa LC25 có chỉ tiêu: thời gian sinh trưởng vụ xuân 120-125 ngày, vụ mùa 105-110 ngày, năng suất bình quân 65-75 tạ/ha. Đây là giống lúa có năng suất cao, cơm thơm và ngon, thời gian sinh trưởng ngắn so với một số giống lúa khác, nên rất phù hợp với những địa phương tổ chức SX vụ đông.

Việc tổ chức SX hạt lai F1 LC25 được tiến hành ở các địa phương: Bản Qua (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn), năm 2007 TTG Lào Cai SX được gần 10 tấn hạt lai F1, năm 2008 SX được 12 tấn hạt lai. Để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân Lào Cai cũng như một số địa phương khác, vụ xuân 2009 TTG Lào Cai tổ chức SX hạt lai với diện tích gần 40 ha, năng suất trung bình đạt 33,12 tạ/ha, sản lượng dự kiến 100 tấn giống LC25.

Ngay từ vụ mùa 2007, TTG Lào Cai đã tổ chức cấy khảo nghiệm tại các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn (Lào Cai) và các tỉnh: Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Giang... bằng giống LC25. Năng suất đều đạt từ 62-72 tạ/ha, nhiều địa phương đạt 80 tạ/ha. So sánh với các giống lúa đối chứng: Nhị ưu 838, VL20… thì giống lúa LC25 có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, năng suất và chất lượng gạo ngon hơn hẳn các giống lúa đối chứng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm- PGĐ TTKN Quốc gia:
"Sản xuất giống lúa lai đòi hỏi công nghệ cao và tốn kém rất nhiều tiền bạc, Lào Cai là một tỉnh nghèo nhưng đã dành một phần kinh phí đáng kể cho việc nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức SX thành công giống lúa LC25 là việc làm rất đáng biểu dương. Có cơ quan nghiên cứu giống lai F1 thành công, nhưng khi đưa ra SX thì thất bại. Lào Cai là tỉnh mở đầu trong việc hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, chọn tạo và SX giống lúa lai. Với bước đi tổ chức chọn tạo, SX trước nghiên cứu sau, giống lúa LC25 có được hôm nay, chính là sự thành công của TTG Lào Cai trong việc SX giống…".
Bà Nguyễn Thị Xuân - Phú Nhuận, H. Bảo Thắng - Lào Cai cho biết: Từ vụ xuân 2008 đến nay gia đình tôi đều cấy giống lúa LC25, năng suất đạt từ 220 - 250 kg/sào. Đặc biệt giống lúa này ít bị sâu bệnh, mọi năm gia đình tôi cấy giống lúa Nhị ưu 838 mỗi vụ phải phun thuốc từ 3-4 lần, còn giống lúa LC25 vụ nào phun nhiều nhất thì hai lần, thường gia đình tôi chỉ phun một lần. Ông Bùi Đức Thưởng (Phú Nhuận, Bảo Thắng) không ngần ngại: Bà con nông dân thôn Phú An 2 thích giống lúa LC25 vì giống lúa này đẻ nhánh nhiều, trung bình mỗi khóm 6-7 nhánh, cây cứng không bị đổ và kháng bệnh bạc lá và khô vằn, năng suất những hộ chăm sóc tốt vụ xuân đạt 2,8tạ/sào, vụ mùa đạt 2,5 tạ/sào…
Ông Nguyễn Đức Phương- TTG Nghệ An cho biết: Năm 2007 TTG Nghệ An đã tổ chức trồng khảo nghiệm giống lúa LC25 tại khu vực Yên Thành, năng suất đạt từ 6,5-7tấn/ha. Vụ xuân 2009 chúng tôi cấy 3 ha giống lúa LC25, năng suất đạt 7,2 tấn/ha, so với giống lúa Nhị ưu 838, năng suất giống lúa LC25 cao hơn 10%.
Ngày 15/5/2009 TTG Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả SX hạt lai F1 tổ hợp lai 3 dòng LC25, với sự có mặt của các nhà khoa học ở các Vụ, Viện, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia thuộc Bộ NN-PTNT, các Trung tâm SX giống một số địa phương cùng đại biểu bà con nông dân tham gia SX giống và sử dụng giống lúa LC25. Các nhà khoa học và bà con nông dân đều đánh giá giống lúa LC25 có năng suất, chất lượng cao. Ông Phạm Đình Quê, PGĐ Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết: Cty Lục Đan (Tứ Xuyên-TQ) dự kiến cùng với Lào Cai xây dựng thành vùng SX giống, để cung cấp giống cho nông dân Việt Nam...
Thái Sinh

3 giảm, 3 tăng: Giải pháp khoa học giúp thâm canh lúa bền vững

LUAGAO - Những bất cập trong thâm canh lúa
Sự cần thiết thâm canh lúa

- Có thể nói nhiều người trên thế giới trước đây biết đến VN vì chúng ta dám đánh Mỹ và thắng Mỹ, còn ngày nay biết đến VN vì chúng ta đã vượt qua thiếu đói trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Hai thập kỷ thâm canh cây lúa, người VN đã làm thế giới ngạc nhiên về sức sáng tạo, kiên trì trong việc nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên cây lúa mà cho đến nay vẫn chưa được các nước trong khu vực nghĩ tới. Cùng với sự đầu tư về thủy lợi, sức sáng tạo của người VN đã đưa năng suất lúa bình quân từ 3,298 T/ha năm 1990 lên 4,98 T/ha vào năm 2007.
- Riêng vụ ĐX năng suất đã tăng từ 3,6 T/ha lên 5,71 T/ha, đặc biệt vùng SX lúa trọng điểm ĐBSCL năng suất một số tỉnh đã đạt gần 6,5 T/ha. Các TBKT bắt đầu từ công tác nghiên cứu lai tạo, nhập nội các giống lúa ngắn ngày từ những vật liệu khởi đầu được Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) gửi sang.
- Song song nhiều giải pháp về canh tác học ra đời hỗ trợ thêm cho bà con nông dân giúp chuyển dần từ cấy sang gieo sạ thẳng. Phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV cũng góp phần rất lớn làm gia tăng dần năng suất không những cho lúa và nhiều loại cây trồng khác, nhờ vậy giá trị mà ngành trồng trọt mang lại đã tăng từ 49.604 tỷ đồng lên 114.333 tỷ đồng (giá so sánh 1994). Hai mươi năm qua, chúng ta chưa bao giờ bị mất mùa tuy vẫn có những thiệt hại do sâu bệnh, thiên tai nhưng an ninh lương thực được giữ vững và liên tục giữ vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
- So với các nước, VN chúng ta là nước nông nghiệp nhưng bình quân lại ít đất nông nghiệp nhất, dân tộc ta có nghề truyền thống trồng lúa nước nhưng bình quân lại có ít đất trồng lúa nhất. Thử so sánh, VN chúng ta hiện có trên 86,5 triệu dân nhưng chỉ có gần 4,2 triệu ha đất trồng lúa, bình quân chỉ 485 m2/người, còn Thái Lan có 63 triệu dân nhưng có tới 9,6 triệu ha trồng lúa nên bình quân của họ tới 1.500 m2/người, gấp hơn 3 lần chúng ta. VN hiện nay được xếp thứ 13 về dân số mà chưa kể đến mỗi năm lại có thêm 1 triệu trẻ em chào đời. Mật độ dân số chúng ta rất cao, cao gấp 2 lần so với Trung Quốc, gấp 6,7 lần so với quy chuẩn của thế giới. Đất chật, người đông nên việc thâm canh, tăng vụ là tất nhiên. Nhờ thâm canh mà giá trị sản lượng lúa trên 1 ha bình quân của ta đạt 1.300 USD/ha/năm (lấy giá gạo 400 USD/T), còn Thái Lan chỉ đạt 900 USD/ha/năm (lấy giá gạo 550 USD/T).

Những bất cập trong thâm canh lúa

- Tuy nhiên sự phát triển nào cũng cần theo qui luật, nếu vượt ra ngoài các qui luật đó thì không những sản xuất không đạt yêu cầu mà còn bị thiệt hại lớn. Trong thập niên 90, chế độ thâm canh cao cây lúa đã bộc lộ rõ nhiều nhược điểm, một số kỹ thuật áp dụng của bà con nông dân đã vượt qua các giới hạn thúc đẩy sự tiến hóa của sâu bệnh nhanh hơn sự phát triển ra các giống mới, lần lượt các gen kháng trong cây lúa đã bị phá vỡ và thế là dịch hại xảy ra liên tục.
- Nhóm nghiên cứu về lúa thâm canh ở IRRI gồm có T.W. Mew, Paul S Teng, Cassman, R. Zeigler*, KL.Heong, S.Savary cũng đã đề xuất ra nhiều giải pháp trong đó có việc hạn chế ngay việc sử dụng phân đạm liều lượng bón cao vì sẽ gây ra nhiều sâu bệnh do “tán lúa” quá dầy làm cho điều kiện tiểu khí hậu (nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng) bên trong ruộng lúa sẽ thay đổi có lợi cho sinh vật gây hại.
Bón phân đạm thừa cũng sẽ cung cấp trực tiếp thức ăn cho sinh vật hại. Ở ĐBSCL, tán lúa dày còn bởi mật độ sạ cao, ban đầu do kỹ thuật kiểm soát cỏ dại còn kém và chất lượng hạt giống không đảm bảo cho nên nông dân cần sạ dầy, riết rồi thành thói quen khó sửa. Nhiều nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL và những nghiên cứu hợp tác quốc tế với JIRCAS Nhật Bản cho thấy có thể tiết kiệm hơn 50-60% lượng hạt giống mà năng suất vẫn không thay đổi. Ngoài việc bón thừa đạm làm tán lúa quá dày, việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hại quá nhiều càng làm cho môi trường tự nhiên của cây lúa trở nên đơn điệu, thiếu vắng sự cân bằng vốn có và vì thế mà sinh vật gây hại càng có cơ hội phát triển mạnh hơn.
- Phương pháp sử dụng hóa học, về căn bản chỉ giải quyết nhất thời, căn cơ lâu dài nhất vẫn là các giải pháp giúp ngăn ngừa dịch hại trước khi xảy ra và thân thiện nhiều hơn với các điều kiện về môi trường giảm dần áp lực của sự tương tác ký sinh và ký chủ. Hơn thế nữa, một cơ cấu giống thích hợp cân đối giữa các tỉ lệ giống chống chịu và nhiễm bệnh chưa được chú ý. Với phương pháp gieo sạ thẳng dễ dàng cho nên thời vụ ở ĐBSCL càng trở nên phức tạp, lúc nào trên ruộng cũng có lúa, các giai đoạn sinh trưởng của lúa cứ nối tiếp nhau trên nhiều giống nhiễm bệnh còn chiếm diện tích lớn, đây cũng là cơ hội để sâu bệnh hại có thể tiếp tục phát triển đặc biệt là rầy nâu.
PGS.TS Phạm Văn Dư

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

N. ưu 69, giống lúa lai rất thích hợp cho vụ mùa

LUAGAO - Để góp phần đa dạng hoá giống lúa lai đặc biệt là giống cho vụ mùa, ngay từ vụ mùa năm 2005 Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Bắc đã kết hợp với Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Trọng Tín tiếp nhận giống lúa lai 3 dòng N. ưu 69 và đưa vào mạng lưới khảo nghiệm quốc gia 3 vụ liên tiếp (mùa 2005, xuân 2006 và mùa 2006), được đánh giá là giống triển vọng đã được Bộ NN-PTNT thôn công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 54 QĐ/BNN-PTNT ngày 8/1/2007.

Giống N.ưu 69 có các ưu điểm sau:

1. Chống chịu sâu bệnh tốt: N.ưu 69 là giống lúa chỉ nhiễm bạc lá nhẹ. Kết quả khảo nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng và Phân bón Quốc gia cho thấy mức độ nhiễm sâu bệnh khác của giống này đều nhẹ: Khô vằn diểm 1 -3, đốm nâu 1 -3, sâu đục thân 0-1, sâu cuốn lá 1 -3, rầy nâu 0-1.

2. Đặc điểm nông sinh học: Thời gian sinh trưởng của N.ưu 69 trong vụ mùa khoảng 110 ngày, chiều cao cây 110 – 115 cm, sinh trưởng và phát triển khoẻ, đẻ nhánh khá, cứng cây chống đổ tốt, trỗ bông tập trung, độ thoát cổ bông tốt, độ thuần giống cao.

3. Năng suất cao và ổn định tại các điểm khảo nghiệm, năng suất tương đương và cao hơn đối chứng Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, D.ưu 527. Các chỉ tiêu cấu thành năng suất đều cao: Số bông/khóm 5,5, số hạt/bông 160, khối lượng 1.000 hạt 26,8 và tỉ lệ lép thấp hơn hầu hết các giống khác, chỉ 18,4%.

4. Tính thích ứng rộng: Thực tế sản xuất cho thấy N.ưu 69 là giống chịu thâm canh, có thể gieo cấy được trên các vùng sinh thái khác nhau kể cả trên những vùng đất dốc. Hơn nữa sức chống chịu về nhiệt độ cao và hạn đều tốt hơn một số giống lúa lai đang được gieo cấy phổ biến hiện nay.

5. Chất lượng gạo tốt: N.ưu 69 có chất lượng cơm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, so với Nhị ưu 838, N ưu 69 được đánh giá là giống có chất lượng cơm ngon hơn một cách rõ rệt.
Do có nhiều ưu việt nên sau khi được công nhận cho sản xuất thử giống N.ưu 69 được nông dân các tỉnh phía Bắc và miền Trung gieo cấy đại trà trong các vụ mùa vừa qua. Đây là sản phẩm độc quyền phân phối của Công ty Cổ phần giống cây trồng Miền Bắc. N. ưu 69 đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức tại Quyết định 89/QĐ-TT-CLT ngày 10/4/2009.
Phạm Hữu Toản

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

ĐẶC ĐIỂM CỦA HẠT GIỐNG LÚA LAI (HYBRID RICE) VÀ MỘT SỐ LƯU Ý KHI NGÂM Ủ, THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

KS. Nguyễn Chí Công – 0902 339 006 – chicong1002@gmail.com

LUAGAO – Hạt giống lúa lai thu hoạch trên cây mẹ (Dòng A – Lúa lai 3 dòng hay Dòng S – Lúa lai 2 dòng), vì thế kiểu hình hạt giống toàn bộ giống dòng mẹ. Sản xuất hạt lai sử dụng phương pháp giao phấn (thụ phấn nhờ gió và chủ yếu bằng kỹ thuật kéo phấn), nghĩa là hạt lai có được nhờ nhận phấn ngoài. Chính vì vậy hạt giống lúa lai tồn tại một số đặc điểm khác với lúa thường là: Hai mảnh vỏ trấu không đóng kín, đầu nhụy có vết ở mép giáp giữa hai vỏ trấu. Nguyên nhân là hai nhụy của dòng mẹ trong quá trình thụ phấn vươn ra ngoài vỏ trấu (đặc điểm của dòng mẹ lúa lai) để quá trình nhận phấn dễ dàng. Vì vỏ trấu hở nên có một số đặc điểm cần lưu ý sau:
1. CHÚ Ý TRONG QUÁ TRÌNH NGÂM Ủ HẠT GIỐNG LAI
- Khối lượng riêng nhẹ hơn lúa thường, đổ hạt giống vào nước đa số bị nổi, nửa nổi nửa chìm. Vì thế khi ngâm ủ không vớt bỏ hạt nổi mà hãy ngâm riêng vì các hạt này vẫn nảy mầm bình thường.
- Hạt giống bị hở vỏ nên chứa một số mầm móng bệnh hại, có thể ngâm ủ với nước muối, nước vôi, thuốc ngừa bệnh để diệt mầm bệnh đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao.
- Vỏ trấu bị hở nên khi ngâm hạt giống hút nước rất nhanh, vì thế thời gian ngâm ít hơn lúa thường (Hè thu 10 – 18h; Vụ Xuân 20 – 30h). Khi ngâm có nhiều hạt gạo bị tách vỏ sẽ lên men làm chua nước, vì vậy mà chúng ta nên thay nước thường xuyên (6h/lần) và lượng nước ngâm nên nhiều gấp 4 – 5 lần hạt giống.
2. CHÚ Ý TRONG QUÁ TRÌNH THU HOẠCH HẠT GIỐNG LAI
Hạt giống lúa lai hở vỏ trầu, vì thế dễ hút nước khi gặp mưa. Nên thu hoạch sớm (khi hạt chín 80 – 85%) nếu không trời mưa hạt giống lai sẽ nảy mầm, ảnh hưởng đến chất lượng hạt giống sau này.
3. CHÚ Ý TRONG QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN HẠT GIỐNG LAI
Vỏ trấu không đóng kín nên bảo quản rất khó, sau 3 – 4 tháng tỷ lệ nảy mầm giảm đáng kể, vì thế chúng ta phải có phương pháp bảo quản cẩn thận. Không nên bảo quản hạt giống lai quá lâu
Nếu vì lý do nào đó không làm giống nữa mà chuyển mục đích sử dụng, thì tỷ lệ gạo của hạt giống lai rất thấp, hạt gạo nhỏ, không đều, xay xát bị gãy; tấm và cám nhiều; chỉ có thể làm thức ăn chăn nuôi.
+ Kết luận: nắm được một số đặc điểm của hạt giống lúa lai giúp ta có những biện pháp cụ thể và hữu hiệu để nâng cao phẩm chất hạt giống lai. Áp dụng Lúa lai là chúng ta đang áp dụng khoa học công nghệ cao của thế giới.

ARIZE B-TE1 VÀ ARIZE XL-90417 – HAI GIỐNG LÚA LAI F1 CỦA BAYER CROPSCIENCE (BIOSCIENCE)

KS. Nguyễn Chí Công – 0902 339 006 – chicong1002@gmail.com
(Theo Bayer Vietnam Ltd – BioScience)

LUAGAO - Giới thiệu hai giống Lúa lai của Bayer

1. ARIZE B-TE1 – Sự đột phá hoàn hảo
Giống lúa lai Arize B-TE1 là giống lúa lai F1 ba dòng do công ty Bayer CropScience sản xuất và được công nhận giống quốc gia từ tháng 07/2007 cho các tỉnh phía Nam và công nhận cho các tỉnh phía Bắc từ tháng 3/2008 cho tất cả các vụ trong năm
+ Năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20% trong cùng điều kiện canh tác
+ Hạt thon nhỏ, gạo chất lượng cao, cơm mềm, thơm nhẹ, chất lượng nấu ăn tốt, được chấp nhận cao
+ Kháng bệnh đạo ôn tốt (Cấp 1), kháng Rầy nâu trung bình
+ Hạt gạo dài 6,4 – 6,5 mm
+ Tiềm năng năng suất (Năng suất lý thuyết) trên 10 tấn/ha tại ĐBSCL nếu thâm canh tốt
+ Thời gian sinh trưởng (TGST):
++ Miền Nam: Đông xuân: 100 – 107 ngày; Hè thu: 105 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)
++ Miền Trung và Cao Nguyên: Đông xuân: 110 – 115 ngày; Hè thu: 105 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)
+ Lượng giống gieo: 3 – 5 kg/ 1.000 m2 (30 – 50 kg/ha) đối với lúa sạ. Tốt nhất 35 kg/ha
+ Năng suất đạt 8 – 10 tấn/ha. Theo kết quả sản xuất của nông dân ĐBSCL vụ Đông xuân 2007-2008 nếu thâm canh tốt, quản lý sâu bệnh tốt có thể đạt trên 12 tấn/ha
=> Nhược: Hạt B-TE1 ngắn và nhỏ vì thế không đáp ứng cho xuất khẩu, TGST hơi dài nên khó áp dụng cho vùng canh tác 3 vụ lúa trên năm
2. ARIZE XL – 94017 – Hạt dài ngon cơm
Arize XL – 94017 là giống lúa lai F1 ba dòng do công ty Bayer CropScience – chi nhánh Ấn Độ chọn tạo ra. Hạt giống đã được Bộ NN và PTNN công nhận cho Miền Nam và Trung Bộ vào tháng 1/2009
+ Năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20% trong cùng điều kiện canh tác
+ Hạt thon dài 7,3 – 7,4 mm, gạo chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
+ Kháng đạo ôn tốt (Cấp 2), chống chịu rầy nâu trung bình (Cấp 5)
+ Tiềm năng năng suất (Năng suất lý thuyết) trên 10 tấn/ha tại ĐBSCL nếu thâm canh tốt
+ Chiều cao cây 100 – 105 cm, lá đứng, xanh, cứng cây, chống đổ ngã, bông dài nhiều hạt
+ Thời gian sinh trưởng:
++ Miền nam: Đông xuân: 103 – 105 ngày; Hè thu: 108 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)
++ Miền trung và Cao nguyên: Đông xuân: 115 – 120 ngày; Hè thu: 110 – 115 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)
+ Lượng giống gieo: 3 – 5 kg/ 1.000 m2 (30 – 50 kg/ha) đối với lúa sạ. Tốt nhất 35 kg/ha
=> Nhược: TGST hơi dài nên khó áp dụng cho vùng canh tác 3 vụ lúa trên năm
*Lưu ý:
- Không dùng lúa thịt để làm giống vụ sau, năng suất không đảm bảo vì không còn ưu thế lai- Hạt giống đã được sử dụng hóa chất nên không được sử dụng cho người và gia súc, gia cầm

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009

MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ CÂY LÚA TRÊN BÁO NÔNG NGHIỆP

LUAGAO - Mời các bạn tham khảo một số bài viết hay về cây lúa trên Báo NNVN (nongnghiep.vn)

- Tự kiểm tra chất lượng thóc giống - KS. Nguyễn

http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/82/82/32238/Default.aspx

- Thực nghiệm thành công giữ lúa giống bằng bao nhựa kín - Trung Hiệp

http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/67/67/32157/Default.aspx

- Một giống lúa có thân phận kỳ lạ - Trần Cao

http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/32028/Default.aspx

- Giống lúa cực ngắn P6 đột biến - Hà Văn Nhân

http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/67/67/32078/Default.aspx

- Máy gặt đập "made in Hai Tính" - MINH SÁNG- HOÀNG VŨ

http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/32256/Default.aspx

- Máy cuộn ép rơm lúa CER5070 - QN

http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/32314/Default.aspx