Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

VENUS 300EC – Thần "Vệ nữ" diệt trừ cỏ lúa

LUAGAO - Cỏ dại là một trong bốn nhóm dịch hại quan trọng nhất đối với cây trồng cùng với Sâu, Bệnh và Chuột. Thiệt hại do cỏ dại gây ra tương đối lớn, theo tài liệu của FAO, thì cỏ dại gây thiệt hại 11,5% tổng sản lượng nông nghiệp toàn thế giới. Vì thế diệt trừ cỏ dại luôn là mối quan tâm hàng đầu của bà con nông dân, đặc biệt là vụ lúa Đông Xuân sắp tới - vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

Để quản lý cỏ dại trên lúa một cách hiệu quả, chúng ta cần kết hợp các biện pháp tổng hợp (IPM) như: chọn giống không lẫn hạt cỏ; loại bỏ cỏ dại trong khi ngâm ủ; làm đất kỹ trước khi gieo trồng…Trong số các biện pháp trên thì sử dụng thuốc hóa học để diệt cỏ là biện pháp hiệu quả nhanh nhất. Hôm nay tôi xin giới thiệu một loại thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm rất được bà con nông dân tín nhiệm, đó là VENUS 300EC – Thần “Vệ Nữ” diệt cỏ lúa của Công ty CP BVTV SAIGON.

VENUS 300EC lấy tên của một vị thần, vị nữ thần biểu tượng cho tình yêu và sắc đẹp của người Hy Lạp. VENUS 300EC mang đến cho bà con nông dân một vị thần tài sắc để diệt trừ cỏ dại hữu hiệu, mang lại năng suất thu nhập cho bà con.

VENUS 300EC là thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (diệt mầm cỏ); thành phần hoạt chất Pretilachlor (300 g/lít). Pretilachlor thuộc nhóm Acetamide, cơ chế diệt cỏ của hoạt chất này là ức chế quá trình tổng hợp Lipid của cây cỏ và làm cỏ chết. Ngoài thành phần hoạt chất diệt cỏ, VENUS 300EC còn chứa thêm thành phần chất an toàn (Fenclorim – 100 g/lít) vì thế có tính chọn lọc cao, rất an toàn cho lúa, không sợ ảnh hưởng đến lúa khi phun xịt.

VENUS 300EC dạng nhũ dầu, màu nâu nhạt, mùi nhẹ.

VENUS 300EC có phổ tác dụng rộng, diệt trừ hầu hết các loại cỏ dại trên ruộng lúa, diệt trừ cả ba nhóm cỏ: hòa bản; năn lác; lá rộng. Đặc biệt VENUS 300EC diệt trừ cả lúa cỏ trong ruộng lúa, do cơ chế tác động khá thông minh của thuốc.

VENUS 300EC sử dụng ngay say khi làm đất lần cuối từ 1-4 ngày. Liều lượng sử dụng 0,75 – 1,2 lít/ha; pha 25-30 ml cho bình 8 lít; phun 3-4 bình cho 1000 m2

Để đạt hiệu quả cao trong khi sử dụng, bà con cần làm đất bằng phẳng, có lớp bùn nhão, không để đọng nước. Sau khi phun 2-5 ngày cho nước vào xăm xắp, không để ruộng khô nứt nẻ chân chim.

Chú ý:

- Không phun thuốc quá 5 ngày sau khi sạ, vì lúc này hạt cỏ đã mọc rễ và lá, phun sẽ hiệu quả không cao, tốn kém chi phí, công sức.
- Khi sử dụng thuốc hóa học, bà con chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn; khi sử dụng thuốc bà con chú ý sử dụng đồ bảo hộ lao động
- Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào, bà con cũng phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng

Nguyễn Chí Công

Nguồn: LUAGAO.COM - http://luagao.com/festival/tintucsukien/775419_venus_300ec_–_than_ve_nu_diet_tru_co_lua.aspx

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Việt Nam - “chốn tổ” của cây lúa vươn tới nghề trồng lúa công nghệ cao

LUAGAO - Việt Nam là một trong những “chốn tổ” của cây lúa. Việt Nam cũng là một trong những “cái nôi” của loài người. Điều này được chứng minh bằng rất nhiều chứng cứ, trước hết bằng những di chỉ khảo cổ học. Nền văn hóa hang động ngày một phát lộ nhiều hơn. Đấy là sự hiện hữu phong phú của những hạt thóc, vỏ trấu trong hang, những cây ăn củ từ xa xưa mọc quanh hang; những công cụ sản xuất bằng đá cũ, đá mới, bằng đồng, bằng sắt cổ xưa rải rắc và ẩn sâu trong lòng đất hay ở hang động. Bắt đầu từ thời đại đồ đá, vượn người ở Việt Nam sử dụng công cụ để sản xuất lúa khoai mà trở thành người Việt Nam cổ đại. Những chứng cứ trên ở những thời điểm nhất định thể hiện nền văn hóa trồng lúa. Cả quá trình lịch sử hoàn thiện nghề trồng lúa thể hiện nền văn minh trồng lúa, luôn phát triển lên những tầm cao mới.

Nông nghiệp Việt Nam đã có từ 10.000-12.000 năm trước đây, bắt đầu từ cây ăn củ và cây lúa. Trong thế kỷ 20, cây lúa Việt Nam đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học trong và ngòai nước ở các ngành khác nhau, như khảo cổ hoc, nhân chủng học, ngôn ngữ học, địa lý, di truyền, sinh lý thực vật, nông học v. v..

Trải qua hàng thiên niên kỷ, quá trình phát triển nền văn minh trồng lúa đã để lại những bằng chứng phong phú về các nền văn hóa kế tiếp nhau: nền văn hóa Sơn Vi và Hòa Bình, nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn..

Nền văn hóa phi vật thể xung quanh nghề trồng lúa ở Việt Nam đã chứa dựng biết bao kinh nghiệm qúy truyền lại cho hậu thế, bằng hình thúc truyền miệng ca dao, phương ngôn, tục ngữ. Đơn cử một số câu sau:”Nhất thì nhì thục”; “ Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”; “ Gió đông là chồng lúa chiêm, Gió bấc là duyên lúa mùa”; “Ước gì anh hóa con ó vàng, Bay qua đám cấy quắp nàng cùng đi”; “Em còn đang bận ba cây lúa muộn nó tốn tền, Cấy xong ba cây lúa muộn em sẽ cuốn mền theo anh”..

Đời sống cây lúa, bắt đầu từ lúa hoang dại lưu niên. Người tiền sử (Homo sapiens) khi đó kiếm sống qua nhiều đời bằng hái lượm. Bước vào một thời kỳ mới tiến bộ vượt bậc là biết dùng công cụ bằng đá, rồi bằng đồng, bằng sắt để sản xuất lúa. Cũng từ lúc này, Homo sapiens trở thành người nông dân. Chỉ mới vài thập kỷ trước đây thôi, họat động hái lượm hạt lúa hoang ở Nam bộ còn khá phổ biến trong mùa nước nổi. Trên những chiếc ghe, một người chèo lái, một người gạt bông lúa hoang dễ rụng hạt vào lòng ghe. Một ngày có thể thu một vài giạ thóc.

Người ngày một động, yêu cầu về lương thực ngày một nhiều, công cụ sản xuất ngày một tinh xảo, kỹ năng và năng suất lao động ngày một cao. Người nông dân trải qua hàng thiên niên kỷ đã chọn ra những giống lúa có đặc tính phù hợp. Đời sống cây lúa từ lưu niên, đến hàng năm, cho đến nay thì phổ biến làm 2 vụ/ năm. Đồng thời, thân lúa ngắn lại dần, lá thẳng đứng, bông to, hạt nhiều hơn, dẫn đến năng suất lúa tăng. Đã có nơi làm được 3 vụ lúa/ năm khá phổ biến, và có nơi 2 năm làm 7 vụ, thậm chí 1 năm làm 4 vụ, vì dùng những giống lúa cực sớm với kỹ thuật thích hợp, như giống thuộc nhóm Ao cao sản xuất khẩu OMCS ≤ 90 ngày ở đồng bằng sông Cửu Long. Đã có hàng chục giống lúa thuộc nhóm này, được sử dụng hàng năm tới gần 1 triệu ha. Người có công lai tạo trực tiếp những giống lúa độc đáo này là kỹ sư Nguyễn Văn Lõan, học trò của thày Lương Định Của, cũng là một trong 10 nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCLđược Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao qúy nhất dành cho các nhà khoa học.

Liên quan tới diện tích gieo trồng lúa, năng suất và tổng sản lượng lúa cả nước, có thể chia ra làm các thời kỳ như sau:

+ Từ năm 1878 đến 1945, trong thời kỳ Pháp thuộc, năng suất lúa chỉ đạt trên dưới 1 tấn/ ha và sản lượng lúa vẻn vẹn 5 triệu tấn lúa. Trước đó còn thấp hơn nữa. Sản xuất lúa quảng canh, khai thác độ mầu mỡ sẵn có của đất bằng giống lúa cổ truyền.

+ Từ năm 1945 đến 1955, năng suất lúa bình quân đạt 1,2 – 1, 4t/ha, với diện tích gieo trồng 4,2 đến 4,6 triệu ha, và tổng sản lượng đạt 5,5 triệu đến 6,7 triệu tấn thóc. Điều kiện chính ảnh hưởng đến thâm canh lúa ở thời kỳ này là: xây dựng đồng ruộng trồng lúa, lao động dồi dào, và đất đai mầu mỡ. Trong thời kỳ này, miền Bắc có phong trào làm bèo hoa dâu khá mạnh, bắt nguồn từ làng La Vân Thái Bình, bổ xung nguồn đạm và chất hữu cơ cho ruộng lúa.

+ Từ 1960 đến 1985 (trước đổi mới): Năng suất bình quân: 2,0 đến 2,8t/ha; diện tích gieo trồng tăng đáng kể: 4,8 lên đến 5,7t triệu ha; tổng sản lượng: 9,5 đến 15,9 triệu tấn/ năm. Những nhân tố hàng đầu ảnh hưởng đến nghề trồng lúa là: thủy lợi được cải thiện, dùng giống lúa mới cao sản (HYV), chủ yếu nhập từ Viện Lúa Quốc tế (IRRI) vào khỏang 40% diện tích lúa; bón phân hóa học và cơ giới hóa trên 30-40% diện tích trồng lúa.

+ Từ 1990 đến 1999, năng suất lúa tăng từ 3,2 lên trên 4 tấn/ ha, diện tích gieo trồng lúa tăng từ 6 triệu ha lên 7,7 triệu ha, và sản lượng tăng từ 19,5 lên 31,0 triệu tấn thóc. Ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất lúa trong thời kỳ này là thủy lợi được cải thiện, đã chủ động tiêu tưới được 60- 80% diện tích lúa tùy địa phương. Nhà nước và nông dân đầu tư cho sản xuất lúa tăng từ 2 đến 4 lần, cho điều kiện tiêu tưới, phân hóa học và thuốc sát trùng, cơ giới hóa sản xuất lúa, và tỷ lệ diện tích dùng giống mới cao, tới 80% diện tích. Bên cạnh giống nhập nội từ IRRI và Trung Quốc, các giống mới do ta tự tạo chọn chiếm một tỷ lệ ngày càng cao, nhất là ở ĐBSCL.

+ Từ năm 2000 đến nay, đặc điểm nổi bật nhất của sản xuất lúa ở thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là diện tích canh tác và gieo trồng lúa đều giảm do mở các khu công nghiệp, khu đô thị và sân golf, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng do năng suất lúa tăng.

Về mặt khoa học và công nghệ, các điều kiện tăng năng suất để tăng sản lượng lúa có chất lượng gạo cao đều được cải thiện, như các điều kiện về tiêu tưới nước, dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng, cơ giới hóa sản xuất lúa và sau thu họach, và nổi trội hơn cả là quá trình cải thiện cơ cấu giống lúa. Thông tin đại chúng gần đây cho biết năm 2009 này Việt Nam lại đạt kỷ lục mới về sản lượng lúa, gần chạm mức kỷ lục sản lượng 40 triệu tấn thóc, xuất khảu cũng vươn tới mức kỷ lục mới 6 triệu tấn gạo!

Hiện nay, diện tích dùng giống lúa cải tiến, hay giống lúa thấp cây cao sản ngắn ngày (High Yielding Variety- HYV) lên tới khỏang 90%. Một thể hiện sự nỗ lực trong tạo chọn giống lúa ở Việt Nam thời gian qua là: ở thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, hầu hết giống mới đều nhập nội hay có nguồn gốc ở nước ngòai. Đến nay, giống lúa được tạo chọn trong nước đã chiếm gần 50%, trong đó ở ĐBSCL là 75%; ở ĐBSH là 13-15%, còn lại là nhập nội.

Diện tích trồng lúa thuần nhập từ Trung Quốc cả 2 vụ là 1,35 triệu ha, trong đó ĐBSH là cao nhất (58,5%). Diện tích dùng giống của Trung Quốc giảm dần xuống phia Nam : ở miền Đông Nam bộ là khỏang 9%; và không có ở ĐBSCL. Giống lúa thuần có nguồn gốc từ IRRI là hơn 1 triệu ha, trong đó Trung du và miền núi phía Bắc có 2,4%; ĐBSH 3,2%; miền Đông Nam bộ có cao nhất, 21% và 26%, nhưng vùng ĐBSCL chỉ còn 11%, vì phải “cạnh tranh” với giống tạo chọn trong nước. Người nông dân chọn giống nào đó để sản xuất thì đâu cần biết của ai và từ đâu đến.

Diện tích lúa ưu thế lai cả nước đạt khỏang 60 đến 70 vạn ha, chiếm gần 10% diện tích gieo trồng lúa. Vùng có tỷ lệ diện tích cao nhất là miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, lúa lai chiến diện tích 21 và 26%. Diện tích này cũng giảm dần về phía Nam , đến ĐBSCL thi chỉ còn một diện tích rất khiêm tốn. Hạt giống lúa lai còn phải nhập tư Trung Quốc. Nhưng các nhà khoa học ở ĐBSH đã tự tạo chọn được nhiều giống lúa lai triển vọng, như giống lúa lai 2 dòng TH3-3 của PGsTs Nguyễn Thị Trâm, cũng là 1 trong những học trò của thày Của, và đã được Giải thưởng Kovalepxkaja..

Trong những thập kỷ tới, thế kỷ tới, nền văn minh trồng lúa hiện nay thế tất sẽ để lại những kinh nghiệm cho nền văn minh trông lúa mai sau, nền văn minh trồng lúa công nghệ cao. Đấy là những bước phát triển lên tầm cao của công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vũ trụ học, công nghệ hải dương học.. Chúng tôi đã có dịp tham quan sự vận hành của những công nghệ này trong sản xuất lúa ở ngòai nước, và cả ở trong nước., như điều khiển bằng remote vận hành máy nông nghiệp, sử dụng tia lade trong khâu san phẳng ruộng, áp dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón và thuốc nảo vệ thực vật, điều khiển tưới nước bằng computer theo chương trình cài đặt trước..

Những giải pháp kỹ thuật khoa học nông nghiệp nuôi 9 tỷ người vào năm 2050 cũng đang được nghiên cứu và cho kết quả rất triển vọng cho việc áp dụng vào sản xuất đại trà. Chúng tôi cũng nhận được khá nhiều thông tin từ các nhà khoa học là đồng nghiệp đang làm tại FAO, hay cư trú tại Mỹ, Canada , Nhật..

Một trong những tài liệu vừa nhận được (17/07/2009, Irvine, Nam Cali-Hoa Kỳ) là của Gs Tôn Thất Trình, một nhà khoa học gần 80 tuổi mà rất tâm huyết với nền nông nghiệp nước nhà, liên tục gửi những thông tin và ý kiến đóng góp của minh (chúng tôi có tiếp chuyển cho những bạn đồng nghiệp cần). Xin được giới thiệu tóm tắt như sau: (i) Giải pháp khai thác vùng sa mạc, vùng bờ biển khô nóng là dùng nhà kiếng (green house), biến nước biển thành nước ngọt trồng hoa màu, khỏi dùng nhà máy khử muối biển quá tốn kém; (ii) Dùng công nghệ di truyền tạo ra những giống lúa siêu năng, lọai lúa C4, tương tự lề lối quang hợp của cây bắp (ngô), cây lúa miến. Theo báo cáo của IRRI về hứa hẹn của cây lúa C4 thì 10 năm nữa sẽ ra mắt thiên hạ; (iii) Thay thế phân bón hóa học bằng phân vi sinh vật. Nhà di truyền học phân tử và vi trùng học, Gs C A Reddy ở đại học bang Michigan, đã nghiên cứu khảo sát 300 lọai vi sinh vật trong đất, tạo ra một hỗn hợp cốc ten (cocktail) vừa giảm được yêu cầu về phân hóa học, vừa bảo vệ được cây trồng chống mầm bệnh, tăng năng suất hầu hết cây trồng, như những cây ông đã làm thí nghiệm là cà chua, cỏ voi, cà dái dê. Sản phẩm được bán ra dưới dạng lỏng tưới vào đất cho “Đất sinh học tăng cường” (Bio Soil Enhancers), lọai này “tự bền vững”, chứ không phải bón hàng vụ như phân hóa học; (iv) Công nghệ “canh tác chính xác” gồm cách dùng máy cày do hệ thống định vị GIS hướng dẫn, có thể bón phân, tưới nước, gieo hạt... với mức độ chính xác chừng 2 cm. Một hệ thống máy dò được đặt sâu 0,3m khỏang 8- 12 cái/ha không có giây, sẽ cho những thông tin chính xác yêu cầu về nước tưới, phân bón, truyền lên computer trung ương để điều khiển máy nông nghiệp thực hiện. Nông dân tốn thêm 40 – 60 USD, nhưng tiết kiệm được 300 USD; (v) Phục sinh đất trồng đã bị thóai hóa, xuống cấp, trở thành đất trồng trọt, bằng cách bổ sung than (hoa, cây củi), còn gọi là than sinh học cung cấp cho cây trồng chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời lại giam cầm khí CO2. Tiềm năng kỹ thuật mới này biến những vùng đất bao la không canh tác này thành đất canh tác; (vi) Tạo giống “siêu hoa mầu” đang được các nhà di truyền thực hện với khoai mì (củ sắn- cassava), tăng thêm 10 lần chất bổ so với hiện nay, dự kiến sẽ hoàn thành vào 2015. Thế giới hiện có 500 triệu người trông cậy vào khoai mì làm lương thực chính; (vii) Tái lập bản đồ cho cả một lục địa là chương trình nghiên cứu nhằm giúp vùng sa mạc Sahara Phi châu. lập được bản đồ ẩm độ tích cực và ẩm độ tiêu cực có ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất cây trồng, cùng với nhiều dữ liệu khác, như thành phần đất, khí hậu, mô hình lý thuýết và các kiểu phát triển.. (viii) Sử dụng robot làm nhân công nông nghiệp.
----------
GS.TS. Nguyễn Văn Luật
(Nguyên Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long
Anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh)

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Sản xuất lúa Japonica - lựa chọn mới của nông dân

LUAGAO - Theo TS Đỗ Năng Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, trên thị trường lúa gạo trong nước, gần đây xuất hiện các giống gạo thuộc loại Japonica có nguồn gốc Nhật Bản với giá bán cao gấp 2 đến 3 lần giá gạo loại gốc Indica. Sự gia tăng nhu cầu đối với lúa gạo chất lượng cao trong nước, đã thúc đẩy mở rộng sản xuất và thương mại loại gạo chất lượng cao mới, gạo hạt tròn Japonica.

Ông Vịnh cho biết, trên thế giới có 2 loại gạo chất lượng cao, đó là gạo hạt dài thuộc loài phụ Indica, được sản xuất ở các nước nhiệt đới và loại hạt tròn thuộc loài phụ Japonica, sản xuất chủ yếu ở vùng lạnh. Khác với lúa Indica, hạt gạo của lúa Japonica tròn, cơm dẻo do có hàm lượng amylose thấp hơn và có chứa amylopectin. Một số giống lúa Japonica, cơm có màu hơi vàng do có hàm lượng protein trong hạt khá cao.

Lúa Japonica là loại hình thấp cây đến trung bình, chống đổ tốt, chịu thâm canh, chịu lạnh khoẻ, có khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh và có thời gian sinh trưởng từ ngắn đến trung bình. Ưu điểm của lúa Japonica là khả năng chịu lạnh, sinh trưởng ở nhiệt độ thấp xung quanh 15 độ C, tuy nhiên nhiệt độ xuống tới 11 độ C ở giai đoạn trỗ bông sẽ gây hại nặng. Lúa Japonica thường thích hợp với vùng trồng có khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và vùng cao nhiệt đới. Các nước trồng lúa Japonica chủ yếu tập trung ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... trải dài tới Trung cận đông như Ai Cập, Ma-rốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thống kê của FAO từ năm 1982 - 1994 diện tích trồng lúa Japonica trên thế giới thay đổi không nhiều, nhưng sản lượng lúa tăng 16,6%; chủ yếu nhờ vào tăng năng suất trung bình đạt từ 5 - 5,8 tấn/ha. Tổng sản lượng lúa Japonica trên thế giới chỉ khoảng 100 triệu tấn trên diện tích 17,29 triệu ha, chiếm khoảng 11,9% tổng diện tích trồng lúa thế giới. Nhưng tình hình sản suất lúa Japonica trên thế giới hiện nay có những thay đổi, diện tích trồng lúa Japonica đã lên tới 20% diện tích trồng lúa toàn cầu.

Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản xuất lúa Japonica với tổng diện tích khoảng 7,3 triệu ha, tiếp đó là Nhật Bản 2,1 triệu ha... Diện tích trồng lúa Japonica ở Trung Quốc đã tăng hơn 2 lần trong vòng hai chục năm qua, giá lúa Japonica cũng tăng hơn 2 lần. Chính sách đã có tác động tới thay đổi cơ cấu giống của TQ như một số tỉnh trước đây chủ yếu sản xuất lúa Indica đã thay bằng các giống Japonica, có tỉnh đã nâng diện tích Japonica lên khoảng 80%. TQ xuất khẩu chủ yếu gạo Japonica sang Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo GS Nguyễn Văn Luật, vào thập niên 90, Viện lúa ĐBSCL đã hợp tác với Viện JIRCAS của Nhật Bản nghiên cứu khảo nghiệm các giống lúa Japonica do các nhà khoa học Nhật mang sang. Tại phía Bắc, Viện Quy hoạch & Thiết kế Nông nghiệp hợp tác với Nhật Bản trồng thử Japhonica ở Thái Bình và một số địa phương khác. Đồng thời DN của Nhật cũng hợp tác với tỉnh An Giang trồng thử nghiệm các giống lúa hạt tròn Japonica. Tại An Giang trong chương trình trồng thử nghiệm giống lúa Japonica hạt tròn, năng suất có thể đạt 8 - 8,5 tấn/ha. Hưng Yên và Thái Bình trong điều kiện vụ xuân giống lúa Japonica có tên ĐS1 đã đạt năng suất 3 tạ/sào (8,1 tấn/ha).

Những năm qua, Viện Di truyền NN phối hợp với các địa phương khảo nghiệm khoảng 50 giống lúa Japonica khác nhau ở các tỉnh phía Bắc. Trong đó, giống lúa Japonica ĐS1 được chọn tạo và nhân giống từ năm 2001, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đã được Bộ NN - PTNT công nhận là giống tạm thời. Hiện tại giống ĐS1 đang được mở rộng sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc. Giống ĐS1 trồng được cả hai vụ, thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất vụ xuân đạt trung bình 7-8 tấn/ha, và có nhiều ưu điểm như cứng cây, chịu rét tốt, ít bị sâu bệnh...

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hoà Bình, lúa ĐS1 càng lên vùng cao lạnh hơn càng biểu hiện năng suất cao hơn, một số HTX đạt trên 10 tấn/ha. Giá lúa ĐS1 vụ ĐX 2009 nông dân bán ra 7.000đ/kg, tăng gấp 2 lần so với giống Khang dân, trong khi năng suất ĐS1 lại cao hơn. Theo thông báo của Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tại Định Hóa - Thái Nguyên, năng suất lúa ĐS1 đạt trung bình 7,2 tấn/ha; tại Sơn Dương, Tuyên Quang đạt 7,8 tấn/ha; tại Chi Lăng, Lạng Sơn đạt 7,3 tấn/ha. Giá gạo Japonica tại địa phương cao hơn so với các giống khác từ 2.500 - 3.000đ/kg. Chất lượng gạo ngon, dẻo được bà con các dân tộc vùng cao rất ưa thích. Ngoài ra, Viện DTNN đang tiếp tục khảo nghiệm và chọn tạo hàng chục giống Japonica khác, nhân nhanh một số giống có thời gian sinh trưởng từ rất ngắn, ngắn, đến trung bình. Như giống J02 có thời gian sinh trưởng vụ mùa 100-105 ngày, tiềm năng năng suất cao, gạo ngon, có thể tham gia cơ cấu mùa sớm kịp thời vụ sản xuất vụ đông.

PGS-TS Đỗ Năng Vịnh cho biết, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương miền núi đẩy diện tích sản xuất lúa Japonica lên 10 - 20%, sản lượng chiếm 12 - 24%. Dự kiến sẽ đưa kỹ thuật gieo thẳng vào sản xuất và đưa vụ đông xuân lên sớm hơn nhờ đặc tính chịu lạnh, khai thác các giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn và phát triển sản xuất vụ mùa bảo đảm sản xuất được 2 vụ lúa có năng suất cao và hiệu quả kinh tế cao, chất lượng gạo cao hơn so với các giống Indica ở cùng khu vực. Khai thác thêm một vụ đông giữa 2 vụ lúa ở một số địa bàn. Gạo Japonica sản xuất ở miền núi, đặc biệt gạo hữu cơ, có thể phục vụ xuất khẩu. Đồng bào các dân tộc chắc chắn sẽ chào đón các giống Japonica vì bản thân họ vốn quen ăn gạo dẻo...


TRƯỜNG GIANG

NGUỒN: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/67/67/40940/Default.aspx

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Về cơ cấu giống lúa tại Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên


LUAGAO - Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có vị trí giao thông thuận lợi trên trục Quốc lộ 1A. Là vùng có thế mạnh về sản xuất Nông lâm thủy hải sản, nhưng chủ yếu vẫn là trồng trọt. Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2008, diện tích lúa gieo sạ 524,9 nghìn ha; năng suất trung bình 49,5 tạ/ha. Tây Nguyên, diện tích lúa gieo sạ 211,7 nghìn ha; năng suất trung bình 44,3 tạ/ha.

So với cả nước, vùng DHNTB và Tây Nguyên diện tích lúa chỉ chiếm 9,9% tổng diện tích gieo cấy lúa; sản lượng lúa hàng năm đạt 3.529,9 nghìn tấn. Với dân số như hiện nay trên 14 triệu người, thì bình quân lương thực (lúa) chỉ đạt 252 kg/người/năm. Như vậy, hiện nay việc sản xuất lúa gạo ở vùng DHNTB và Tây Nguyên là để giải quyết đời sống tại chỗ cho người dân, góp phần an ninh lương thực cho vùng và Quốc gia.

Thực trạng cơ cấu giống lúa đang sử dụng gieo trồng trong vùng chủ yếu vẫn là giống lúa hạt bầu, hạt dài trung bình; có chất lượng gạo và cơm trung bình; một số giống có chất lượng gạo và cơm có khá hơn nhưng không nhiều như các giống lúa thường Xi23, NX30, X21, IR17494 (13/2), Q5, ĐB6, TBR1, ĐV108, ĐH99-81, ĐH815-6, TH1, BM9855, BM9820, Khang dân 18, Khang dân đột biến, ML48, ML49, TH41, ML202, ML68, OMCS2000, IR64, VND19-20, LC93-1, LC93-4; các giống lúa lai như Nhị ưu 838, B-TE1, Nghi hương 2308, TN15…

Tuy vậy, phần lớn các giống lúa chủ lực hiện đang gieo trồng trong vùng là những giống có nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao. Theo kết quả đánh giá sâu bệnh trên các giống lúa hiện đang sản xuất tại vùng DHNTB và Tây Nguyên trong 2 năm 2007-2008 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia, đã phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đánh giá trong nhà lưới cho thấy các giống lúa nhiễm rầy nâu nặng như Ải 32 (cấp 9), ML48 (cấp 9), ML49 (cấp 9), BM9855 (cấp 9), BM9820 (cấp 9), KD 18 (cấp 9), HT1 (cấp 9); các giống nhiễm rầy nâu từ trung bình đến nặng gồm Xi23 (cấp 7-9), IR17494 (cấp 7- 9), Khang dân đột biến (cấp 7-9), VND19-20 (cấp 7), IR64 (cấp 7-9). Các giống nhiễm bệnh đạo ôn từ trung bình đến nặng IR17494 (cấp 7-9), ML48 (cấp 7-9), BM9855 (cấp 7-9), BM9820 (cấp 7-9), Ải 32 (cấp 7-9), KD 18 (cấp 7-9), Q5 (cấp 7-9), ĐH815-6 (cấp 7-9).

Trong thực tiễn sản xuất hiện nay sự bùng phát của dịch rầy nâu đã gây nên các bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa đang diễn ra phức tạp không chỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà đã lây lan ra các tỉnh Bắc bộ như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình và vùng Bắc Trung bộ như Nghệ An. Nếu các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên không có biện pháp phòng tránh tốt thì nguy cơ bùng phát rầy nâu trên diện rộng đối với lúa trong vụ đông xuân 2009-2010 và hè thu 2010 dẫn đến xuất hiện bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa ở các giống lúa nhiễm rầy là khó tránh khỏi.

Để khắc phục một phần những hạn chế về cơ cấu giống lúa hiện nay tại các tỉnh trong vùng xin được gợi ý một số giải pháp sau đây:

- Giải pháp tình thế trước mắt trong vụ sản xuất đông xuân 2009-2010 đó là:

+ Không gieo cấy các giống nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn nặng: Ải 32, ML49;

+ Tiếp tục sử dụng các giống lúa có nhiều ưu điểm tốt, nhưng nhiễm rầy nâu trung bình; nhiễm đạo ôn từ cấp nhẹ đến trung bình để gieo cấy như NX30, Xi23, Khang dân đột biến, Q5, ĐV108, IR64, VND19-20, LC93-1, LC93-4, Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, BTE-1. Khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử các các giống lúa mới có triển vọng ĐT34, BM207, PC10, HT6, ML203 (lúa thường); BIO404, QH5, TH3-3, Vân hương 7 (lúa lai). Chú ý cơ cấu mỗi giống lúa không vượt quá 10-15% tổng diện tích gieo cấy lúa;

+ Dùng giống lúa có cấp chất lượng tốt để gieo cấy (cấp nguyên chủng, xác nhận và hạt lai F1). Tuyệt đốI không được sử dụng thóc ăn để làm giống;

+ Thực hiện thâm canh lúa theo "3 giảm, 3 tăng" để góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa trong vùng;

+ Phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc phòng là chính, khi cần sử dụng thuốc hóa học để trừ phải kịp thực hiện theo “4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều lượng; đồng thời tập trung công tác dự tính dự báo và các biện pháp phòng trừ kịp thời sâu bệnh trên lúa.

- Về giải pháp lâu dài:

+ Cần thu thập khảo nghiệm tại các tỉnh trong vùng các giống lúa mới có khả năng kháng rầy nâu, kháng bệnh bạc lá và đạo ôn từ các vùng miền trong nước và nước ngoài; ưu tiên các giống lúa chất lượng có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam;

+ Tập trung chọn tạo các giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh tại vùng DHNTB và Tây Nguyên;

+ Tập trung sản xuất 2 vụ/năm nhằm cắt đứt nguồn ký chủ lây truyền sâu bệnh đồng ruộng; đồng thời làm đất phơi ải để diệt trừ tận gốc nguồn lây bệnh;

+ Luân canh cây lúa với cây bộ đậu (lạc, đậu tương), cây ngô và cây rau màu khác để hạn chế sâu bệnh và giúp cải tạo đất lúa;

+ Cần quy hoạch các vùng sản xuất lúa giống tập trung, nhất là sản xuất hạt lai F1 theo qui mô công nghiệp để chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất trong vùng.

----

TS LÊ QUÝ TƯỜNG

nGUỒN: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/40871/Default.aspx

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

CỎ DẠI VÀ CÁC LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC HÓA HỌC TRỪ CỎ CHO LÚA

LUAGAO - Trong tháng 10, 11 và tháng 12 tới vụ lúa Đông Xuân (vụ lúa quan trọng nhất trong năm) tại các tỉnh ĐBSCL sẽ đồng loạt xuống giống. Hàng loạt vấn đề bà con Nông dân cần quan tâm cho thời điểm đầu vụ, tuy nhiên quan trọng nhất lúc này là vấn để Cỏ dại.

- DĐBSCL với diện tích canh tác lớn, nhân công thiếu, việc chuẩn bị các khâu đầu vụ như làm đất, thu dọn cỏ dại vụ trước…không kỹ. Cho nên việc quản lý cỏ dại đối với bà con tương đối khó khăn. Biện pháp sử dụng thuốc Hóa học mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

- HHiện nay trên thị trường có rất nhiều tên thương mại thuốc trừ cỏ khác nhau, nếu không nắm vững bà con sẽ rất hoang mang và khó khăn để chọn cho mình một loại thuốc phù hợp. Để giúp bà con hiểu rõ hơn tôi xin trình bày tóm tắt về cỏ dại và một số lưu ý khi sử dụng thuốc trừ cỏ lúa.

1. Cỏ dại trên ruộng lúa

Có nhiều cách phân loại cỏ dại, nhưng để bà con dễ hiểu và hình dung nhất tôi xin trình bày cách phân loại theo hình dạng lá. Cách này chia làm 2 nhóm:

- Nhóm cỏ lá hẹp: gồm họ hòa bản (Lồng vực, Đuôi phụng,..) và họ Năn lác (cỏ cháo, chác, U du thưa)

- Nhóm cỏ lá rộng: cỏ bợ, cỏ mực, lục bình,…

2. Phân loại thuốc trừ cỏ và các chú ý khi sử dụng

Có nhiều cách để phân loại thuốc trừ cỏ dại, ở đây tôi xin trình bày cách phân loại theo thời gian sử dụng đối với cỏ. Chia làm 3 loại

- Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: tức phun thuốc khi cỏ chưa mọc hoặc mới mọc được một lá, loại thuốc này phải phun sớm sau khi sạ lúa khoảng 0-3 ngày. Thuốc tiền nảy mầm có loại có chất an toàn (dùng cho lúa sạ) và loại không có chất an toàn (dùng cho lúa cấy). Lúa sạ nhất định phải dùng thuốc có chất an toàn

Chú ý:

+ Cần trang bằng mặt ruộng và đất đủ ẩm: nếu ruộng không trang bằng, có nhiều lỗ chân trâu, hạt cỏ nằm ở đó thuốc không tiếp xúc, hiệu quả phòng trừ không cao

+ Sau phun vài ngày cho nước vào ruộng (1-3 ngày), không để ruộng khô sau khi phun thuốc.

- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: tức dùng thuốc khi cỏ đã mọc ra lá (cỏ có từ 2-7 lá tương ứng với lúa sạ được 7-20 ngày ).

Chú ý:

- Loại thuốc này được lá cỏ hấp thu vào bên trong, do đó khi sử dụng, ruộng phải tháo cạn nước để lá cỏ tiếp xúc được với thuốc.

- Phun thuốc xong 1-3 ngày cho nước vào ruộng (không để nước ngập ngọn lúa) và giử mực nước trong ruộng phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của lúa

- Vì là thuốc trừ cây cỏ khi cỏ phát triển đầy đủ, nên nếu dùng một loại thuốc trong một thời gian dài sẽ có khả năng kháng thuốc

- Thuốc trừ cỏ tiền và hậu nảy mầm sớm: tức dùng thuốc khi cỏ đã mọc ra lá nhưng còn nhỏ (cỏ có từ 1- 3lá ) tương ứng lúa 3-7 ngày sau sạ. Sử dụng thuốc loại này rất có hiệu quả vì được cỏ hấp thu vừa qua lá vừa qua rễ.

Chú ý:

Loại sản phẩm này, có thể phun hoặc trộn với đất, phân bón để rải vào ruộng có nước xăm xấp.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

GIỚI THIỆU VỀ TRANG WEB LUAGAO.COM

LUAGAO - Giới thiệu trang Web về LUAGAO.COM, ghé thăm trang Web này mọi người sẽ nắm bắt được một số thông tin về Nông Nghiệp. Hiện tại trang Web mới xây dựng nên thông tin chưa nhiều, mong nhận được sự hợp tác của tất cả mọi người
Địa chỉ: http://www.luagao.com



Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Hạt gạo ngày xưa

LUAGAO - Việc làm ra hột lúa với công phu một nắng hai sương, rõ ràng là “đắng cay muôn phần”. Thế nhưng từ hột lúa biến thành hột gạo cũng không phải là đơn giản. Ngày nay, với sự sản xuất gạo số lượng lớn của công nghiệp xay xát, với sự có mặt rộng rãi của các loại máy xay xát cở nhỏ khắp miền quê, việc làm ra hột gạo quá dễ dàng. Dễ dàng và tự nhiên cho tới nổi không ai hoài hơi để thử đặt một câu hỏi, đại loại như “không biết cái thời chưa có máy móc, ông bà mình ngày xưa làm sao để có gạo nấu cơm?”

Để trở thành “hột gạo trắng ngần”, hột lúa phải qua bốn lần lột xác để đi từ thô gạo lứt đến gạo trắng tinh; đó là xay , sàng , giả và giần . Mỗi giai đoạn cần một hai loại dụng cụ khác nhau mà nhà nông không nhà nào thiếu.

Thớt trên mòn thớt dưới cũng mòn . . .

Trong cái nghề làm gạo, việc đâu tiên là phải tách hột gạo ra khỏi cái vỏ cứng của nó. Loại hột thu hoạch từ cây lúa được gọi là hột lúa, và cái vỏ của hột lúa là vỏ lúa. Điều này thì hiển nhiên dễ hiểu, dễ nhận. Đến khi vỏ đi đàng vỏ, ruột đi đàng ruột, thì vỏ là vỏ trấu hay trấu, còn ruột là hột gạo. Chưa hết, nếu gạo này đem nấu chín thì gọi là cơm. Thật là lớp lang chi tiết!

Với dân tộc miền núi biết trồng lúa rẫy, họ chỉ cần một bộ dụng cụ đơn giản là cái cối và cái chày. Bỏ lúa vào cối giã một hồi cũng tách được gạo ra khỏi vỏ lúa. Đem sảy cho sạch vỏ lúa thì có ngay gạo để nấu cơm, làm bữa nào ăn bữa đó. Với người Kinh, vốn quá già kinh nghiệm về việc trồng lúa nước, nên dụng cụ làm ra hột gạo cũng có vẻ cao kỹ hơn , do đó cái cối xay lúa ra đời ! Cái cối xay lúa, khi hoạt động cũng có vẻ máy móc lắm. Cối được chế tạo bằng ba loại vật liệu thông dụng : tre, đất sét và gỗ (thường là gỗ đước)Cối gồm có hai phần chính: thớt trên và thớt dưới. Thớt dưới cố định, ở trung tâm có một cái chốt (trục) dài chừng ba tấc, đường kính chừng 3 phân, dùng làm trục quay cho thớt trên.

Cả thớt trên lẫn thớt dưới đều đan bằng tre, đường kính bằng nhau, chừng 40-50cm, nhưng thớt trên cao hơn thớt dưới, thường gấp đôi. Lưng chừng thớt trên có một thanh gỗ xỏ ngang, hai đầu thò ra ngoài, mỗi bên chừng 2 tấc, có đục một cái lổ tròn để tra cái giàn xay vào. Thanh gỗ này, có hai công dụng: bên ngoài thì làm tay quay, còn bên trong thì giúp cho cái ổ quay được chắc chắn vững vàng hơn.

Bên trong cả hai thớt đều được nong đầy bằng đất sét. Mặt trên của thớt trên , đất sét được khoét thành hình miệng phểu, có một lổ thông xuống thớt dưới để làm đường dẫn lúa đi xuống. Hai mặt tiếp xúc của thớt trên và thớt dưới đều có gắn răng cối để khi ma sát thì làm vỡ vỏ lúa, phóng thích hột gạo ra ngoài. Vì cả hai mặt cùng ma sát nên cùng chịu mòn như nhau. Từ ý nghĩa đó, thành ngữ thớt trên mòn thớt dưới cũng mòn được dân ta dùng để diễn tả cái ý cả hai bên đều thiệt thòi hao tốn như nhau khi ganh đua hay tranh chấp về một việc gì đó.

Răng cối là những mảnh gỗ sắp xếp theo chiều thẳng đứng (kiểu trồng răng) với một kiểu thức khéo léo khiến cho khi xay, hai mặt thớt ma sát làm vỡ vỏ lúa mà không làm nát gạo. Toàn bộ thớt trên và thớt dưới “ngự” vững vàng trên một cái giá gỗ

Thế nào là một cái cối xay tốt? Đó là một cái cối nặng để ngồi vững vàng trên mặt đất nhưng khi xay thì lại chuyển vận nhẹ nhàng, đở tốn sức. Đặc điểm quan trọng nhất, ngoài sự bền chắc, là cối xay sạch lúa (nghĩa là số lúa còn sót lại ít) và không làm nát gạo.

Lúa phơi khô quạt sạch được đổ vào cối. Người ta tra cái giàn xay vào tay quay và vận sức để quay cái thớt trên. Khi mới khởi động thì phải tốn sức nhiều, cũng kiểu như xe hơi khi mới bắt đầu chạy, vì khá nặng nề, nhưng khi xay đã có đà thì có phần bớt nhọc nhằn hơn. Để đở tốn sức nâng giữ cái giàn xay, người ta cột một đầu của giàn xay lên cái đòn tay của mái tranh. Chẳng phải là máy móc gì ghê gớm lắm nhưng khi xay lúa, sự ma sát cũng tạo nên một thứ tiếng động nghe ù-ù như tiếng sấm ầm ì từ xa vang tới.

Ở nông thôn, đủ thứ việc trong nhà, việc ngoài đồng, đòi hỏi mọi thành viên trong gia đình chung tay mà làm, tùy sức, tùy tuổi: nào chăn trâu, cắt cỏ, xay lúa, giả gạo, bồng em, băm chuối, nấu cám heo v.v. Việc nào cũng là việc, anh chị em chia nhau mà làm, sao cho công bằng hợp lý, để ai nấy cùng vui lòng, cho nên xay lúa thì khỏi bồng em, một nguyên tắc phân công đơn giản và công bằng.

Lọt sàng xuống nia

Gạo xay ra lẫn lộn với vỏ trấu và lúa còn sót lại. Việc đầu tiên là phải tách trấu ra khỏi gạo. Tùy theo số lượng gạo làm ra nhiều hay ít, tùy theo gia cảnh của người làm gạo giàu hay nghèo mà người ta sử dụng những phương tiện khác nhau khi muốn loại vỏ trấu ra khỏi gạo.

Nhà giàu, có nhiều lúa thì phải sắm cái xa quạt (xe quạt lúa), đóng bằng gỗ. Đại khái đó là một cái thùng hình khối chữ nhật, có 4 chân đứng, ở trên là một miệng phểu hình vuông để đổ lúa vào, ở dưới là một cái máng gỗ cho lúa tuôn ra. Lưng chừng là lá quạt với bốn hay 6 cánh bằng gỗ mỏng gắn vào một cái trục. có tay quay ăn thông ra ngoài. Người ta quay tay quay, tạo thành sức gió để tống rơm rác, lúa lép và vỏ trấu ra ngoài xa, còn lúa tốt hoặc gạo nặng hơn sẽ rơi gần hơn, theo cái máng gỗ đi xuống cái thúng để hứng sẵn.

Nhà nào không có xa quạt thì mượn sức gió để gie lúa, gie gạo, nếu gặp ngày có gió. Gie lúa là tách lúa lép và rơm rác ra khỏi lúa chắc; gie gạo là tách trấu ra khỏi gạo. Đứng thẳng góc vói hướng gió thổi, người ta nâng thúng gạo mới xay lên cao và từ từ trút xuống. Vỏ trấu nhẹ hơn sẽ được gió thổi ra xa, còn gạo và lúa nặng hơn sẽ tách ra rơi xuống gần hơn.

Thông thường, người ta làm sạch trấu bằng cách sãy gạo với cái nia.

Nia là đồ dùng bằng tre, hình tròn, phẳng, đường kính chừng 1m, đan kín mặt, chung quanh có cạp vành tre . Nếu bạn đã có dịp thấy cái mẹt (hay cái trẹt), thì nia chính là cái mẹt phóng lớn ra.

Sảy là động tác tung mớ gạo mới xay lên rồi hứng lại. Trong khi rơi xuống, thành phần gạo và lúa vì nặng hơn nên rơi trước và rơi gần, được hứng lại trên nia, còn vỏ trấu thuộc thành phần nhẹ hơn, bay xa hơn và cho rơi xuống đất.

Sau khi đã loại được trấu ra khỏi gạo, lại còn phải loại lúa còn sót (khá nhiều) trong gạo. Đến giai đoạn này người ta cần đến cái sàng.

Sàng là đồ dùng đan bằng tre, có mặt phẳng, đường kính chừng 5 tấc, với vành tre nhỏ cạp chung quanh. Sàng có lổ thưa để lọt hột gạo nhưng không cho lúa lọt xuống.

Nếu sảy là một động tác tung hứng thì sàng là động tác xoay tròn cái sàng theo chiều kim đồng hồ để cho lúa dần dần nổi lên trên, nhóm vào giữa, còn gạo thì lọt xuống nia.

Một cái sàng đan khéo, ngoài đặc điểm bền chắc , còn phải canh sao cho các lổ sàng để lọt hột gạo mà không cho lúa đi qua. Có cái sàng tốt nhưng gặp người không biết sàng thì việc làm gạo cũng mất năng suất. Nhìn một người thiện nghệ sàng gạo cũng như thưởng thức một vũ điệu đẹp chốn thôn dã: người phụ nữ nhẹ nhàng đưa cái sàng chuyển động theo vòng tròn, nhịp nhàng , uyển chuyển; trên mặt sàng thì gạo chuyển động như hình một cơn bão mà tâm bão là nơi lúa nổi lên và nhóm lại, còn dưới sàng thì gạo rơi xuống rào rào như mưa. Người không biết sàng không làm được điều đó, nghĩa là gạo có rơi xuống nhưng lúa không nổi lên và không nhóm lại.

Như bạn thấy đó, khi sàng, người ta không những chỉ có sàng, mà còn sảy và lắc nữa, nghĩa làm đủ mọi động tác để cho gạo rơi hết xuống nia, chỉ còn lại lúa trên sàng mà thôi. Ấy vậy mà vẫn còn những hột gạo trên sàng, rõ ràng đó là những hột gạo”cao số”. Cũng thế, nếu bạn đã từng xông pha tên đạn, trải qua bao gian nan nguy hiểm mà vẫn tai qua nạn khỏi, vẫn mạnh khỏe và sống nhăn với vợ con tới giờ, trong khi bạn bè, bà con, đã có rất nhiều người nằm xuống, thì bạn đúng là hột gạo trên sàng. Thành ngữ thật là mộc mạc nhưng nghe diễn cảm và gợi hình.

Hột gạo trắng ngần

Sau khi sàng sảy thì coi như đã có gạo trong tay, nghĩa là có thể đã có cơm ăn. Nhưng đó là gạo lứt. Mãi đến giữa thế kỹ 20 khi phương pháp dưỡng sinh “gạo lứt, muối mè” của Osawa ra đời thì người ta mới biết đến giá trị của gạo lứt, còn trước kia, ngay cả nhà nghèo, người ta cũng chưa ăn cơm với loại gạo này. Gạo cần phải trải qua giai đoạn chế biến thứ ba, đó là giã gạo cho trắng.

Dụng cụ dùng để giã gạo là cái cối và cái chày. Người ta thường giã gạo bằng chày vồ hoặc chày đạp vì lối giã này có năng suất cao, nghĩa là giã được nhiều (vì cối lớn) và nhanh vì có thể hai hoặc nhiều người cùng làm.

Bộ cối chày vồ gồm một cối với bốn chày, nhưng không phải bao giờ cũng sử dụng hết bốn chày. Cối được để tự nhiên trên mặt đất, chung quanh có lót đồ để hứng gạo rơi vải. Người giã đứng chung quanh , lần lượt giáng chày xuống theo một nhịp điệu nhịp nhàng, đều đặn. Nhờ thay phiên nhau mà giã, có lúc làm lúc nghỉ, nên lối giả này nhanh mà ít nhọc người, lại có bạn cùng làm nên mọi người đều vui vẻ.

Cũng như đa số các loại hột khác, hột gạo có một lớp vỏ lụa màu nâu bao bọc chung quanh. Lớp vỏ này làm cho hột gạo mất đẹp, nấu lâu chín, ăn cứng cơm và nhám miệng. Mặc dầu về sau này người ta đã khám phá ra rằng chính lớp vỏ lụa này là nguồn vitamin, trong đó đứng đầu là B1, nhưng từ xưa tới giờ, bao giờ người ta cũng tìm mọi cách làm sạch cái lớp vỏ lụa đó để cho hột gạo trắng trẻo, trông ngon lành hơn, tránh được những khuyết điểm vừa nói. Lớp vỏ lụa tróc ra thành những mảnh nhỏ li ti, gọi là cám. Gạo đã giã xong, nghĩa là đã đạt độ trắng nhiều hay ít tùy người dùng, nhưng còn lẫn với cám và vỏ trấu cùng gạo vỡ vụn (đó là tấm, broken rice) nên cần phải được làm sạch bằng cách giần và sãy.

Hột gạo trên . . . giần

Ở giai đoạn cuối cùng của việc làm gạo, người ta phải giần gạo để tách gạo ra khởi tấm, cám và vỏ trấu vụn.

Giần là đồ dùng bằng tre, cách cấu tạo và kích thuóc, hình dáng, y hệt cái sàng, chỉ trừ một điểm: lỗ giần nhỏ hơn lổ sàn, chỉ cho tấm cám đi qua mà giữ lại gạo.

Động tác giần cũng y như động tác sàng. Trong khi xoay cái giần, tấm, cám và vỏ trấu vụn sẽ rơi xuống nia, những hột lúa còn sót lại sẽ dần dần nhóm trên mặt, và được nhặt đi. Trong khi giần, thỉnh thoảng người ta cũng sảy vài cái để giúp đẩy bớt vỏ trấu vụn ra ngoài. Chính vì cám thường có lẫn vỏ trấu vụn, ăn không được, nên cám chỉ dùng để nấu cám heo. Con heo mập không nhờ chuối cây hay bèo băm vụn mà chính là nhờ cám, phó sản từ việc làm gạo. Bèo hay chuối cây chẳng qua chỉ là chất độn để đánh lừa bao tử của heo chứ chẳng bổ báo gì.

Nền văn minh nông nghiệp với con trâu cái cày làm vốn, và phó sản của nó là nền thủ công nghiệp, đã đóng một vai trò quyết định trong sự hình thành nền văn học và nghệ thuật dân gian Việt Nam. Nào là ca dao, đồng dao, tục ngữ, hò, vè, múa, hát . . . thật là đa dạng và phong phú. Nhưng khi văn minh cơ khí bắt đầu xâm nhập và phát triển theo đà tiến bộ chung của thế giới thì sớm hay muộn gì con trâu và cái cày rồi cũng sẽ chia tay nhau, một đi vào vườn bách thú và một đi vào viện bảo tàng cho hậu thế coi chơi.

. Thành ra khi thấy những nông cụ cổ truyền, chẳng hạn cày, bừa, xe đạp nước, gàu sòng, gàu dai v.v. và những đồ dùng một thời quen thuộc, như cái cối xay lúa, bộ cối chày đạp, bộ cối chày vồ v.v. tuần tự và lặng lẽ biến mất trước tiếng nổ của các loại máy nông nghiệp, tôi vừa mừng vừa lo, nếu không nói là hơi buồn một thoáng. Tiến bộ, hỏi ai không mừng? Nhưng mải mê với hiện tại và tương lai mà đứt bóng quá khứ thì nó hụt hẫng làm sao, nên phải ghi vội vài hàng.

---

Trần Ngọc Thể

Theo khoahoc.net

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Gặp những nông dân sản xuất lúa giống


LUAGAO - Giá giống lúa lai chưa hề có điểm dừng, nhiều hộ nông dân đã phải xoay xở đủ kiểu mới gom đủ tiền để mua mấy cân hạt giống. Nhiều địa phương đã tính đến việc phục tráng một số giống lúa thuần có năng suất và chất lượng cao cho nông dân, năm 2008 được sự giúp đỡ của Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc (NOMAFSI), nông dân nhiều nơi đã tự SX được hạt giống…

Qua nhiều năm theo dõi NOMAFSI đã nhận thấy các giống lúa thuần: N46, T10, Chiêm hương, HT1, BT13, DT122, KD18, Ải Lùn 32… được các nhà khoa học, các viện nghiên cứu lai tạo, chọn lọc từ nhiều vùng sinh thái khác nhau có năng suất ổn định và chất lượng gạo ngon. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Lương thực & Thực phẩm Liên hợp quốc, từ năm 2008 NOMAFSI đã triển khai dự án “Tăng cường năng lực cải tiến giống và SX lúa vùng cao” tại các địa phương: Hoàng Su Phì, Yên Minh (Hà Giang), Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái), Phù Ninh, Đoan Hùng (Phú Thọ)…

Tuỳ đặc điểm thời tiết, thổ nhưỡng mỗi vùng và trình độ canh tác của người dân mỗi địa phương để tự chọn cho mình giống lúa phù hợp. Các giống lúa: Chiêm hương, T10, HT1 thích ứng rộng, năng suất từ 6,5-8 tấn/ha, cơm ngon, dễ SX và bán được giá cao so với lúa lai. Từ dự án do NOMAFSI giúp đỡ, ở Yên Bái đã hình thành hai khu vực SX giống: Phù Nham và Đại Phác, do các hộ nông dân tự tổ chức. Ông Trần Sinh Hùng - Trưởng thôn 4, xã Đại Phác, huyện Văn Yên cho biết: Vụ mùa 2009 tổ SX giống xã Đại Phác có 33 hộ đã tổ chức SX hạt giống trên diện tích 5 ha, năng suất bình quân của các hộ đều đạt từ 170-180 kg/sào, tương đương 4,7-5 tấn/ha.

Ông Hùng cho biết, các hộ tham gia vào SX lúa giống tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu gieo cấy, kỹ thuật chăm sóc, chọn lựa hạt giống… do NOMAFSI hướng dẫn, trước khi đưa lúa giống vào tuốt cũng phải rửa máy sạch sẽ, không để lẫn một hạt, khi phơi ở sân phơi riêng, không để lẫn dù một hạt lúa khác. Khi giao hạt giống cho HTX các hộ đều ghi tên mình trên bao bì, phòng khi hạt giống hộ nào mà người SX tới vụ gặt thấy lẫn giống, chất lượng gạo kém… thì hộ đó phải đền năng suất cho những gia đình mình đã bán giống.

Mỗi vụ, tổ SX lúa giống ở Đại Phác cung cấp ra thị trường 25 tấn lúa giống Chiêm hương qua HTXNNDV và Trạm giống Văn Yên. Theo ông Hùng năm 2008 Trung tâm giống Thái Bình đã lên tận Đại Phác đặt mua giống. Giống lúa Chiêm hương do nông dân Đại Phác SX cung cấp cho 500 ha lúa SX hàng hoá của huyện Văn Yên vụ mùa 2009 đều có năng suất từ 7,5-8 tấn/ha.

Ông Hà Minh Phượng - Phó chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Vụ mùa 2009 Yên Phú cấy 100 ha lúa hàng hoá, toàn bộ bằng giống Chiêm hương do nông dân xã Đại Phác cung cấp, đến nay chúng tôi khẳng định năng suất các hộ đều đạt từ 1,8-2 tạ/sào. Với giống lúa đó bà con có thể để được 2-3 vụ sau mới phải thay hoặc đổi giống. Lúa Chiêm hương cơm gạo ngon nên dễ bán. Giá trung bình 6.000đ/kg thóc, có thời gian giá lúa này lên 9.000đ/kg mà không có bán…

Trưởng nhóm SX giống xã Phù Nham, huyện Văn Chấn ông Lò Văn Dòm cho biết: Nhóm SX giống của chúng tôi có 19 hộ, làm trên diện tích 4,9 ha giống lúa T10, toàn bộ số giống SX ra được HTX dịch vụ nông nghiệp thu mua hết, giá 1 kg giống bằng 1,3 kg thóc thịt nên bà con rất phấn khởi… Hạt giống của chúng tôi SX ra hiện đã có bao bì, nhãn mác riêng, rất tiện cho bà con. Giá giống do chúng tôi SX ra chỉ bán với giá 14.000đ/kg, so với giống lúa lai 35.000-40.000đ/kg là rất rẻ. Nếu bà con tự đổi lúa thịt lấy lúa giống cho nhau thì chỉ có 11.000đ/kg…

Từ điểm SX hạt giống ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn đã mở rộng diện tích ở xã Hạnh Sơn thêm 10 ha. Theo ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn: Mấy vụ vừa qua, toàn bộ số giống do nông dân làm ra đều không đủ bán, tương lai chúng tôi phải mở rộng diện tích SX hạt giống để đáp ứng nhu cầu của chính địa phương và thị trường…

THÁI SINH

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/40408/Default.aspx