Bệnh nấm hồng
Bệnh nấm hồng do một loại nấm ký sinh gây ra. Ban đầu vết bệnh chỉ là đốm nấm màu hồng (hơi giống màu đỏ hồng), xuất hiện trên cành mai, sau đó vết bệnh cứ phát triển rộng dần ra bao quanh hết cả đoạn cành, đồng thời cũng phát triển lên cả phía trên và phía dưới của chỗ bị bệnh, làm cho vết thương không chỉ bao kín hết chu vi của cành mà còn phát triển dài thêm.
Khi vết bệnh đã bao quanh kín hết cả một đoạn cành thì đa số những lá mai phía trên chỗ bị bệnh sẽ có màu vàng, xanh loang lổ, rồi bị rụng dần, khúc cành phía trên chỗ bị bệnh trở nên khô nứt, giòn dễ gẫy. Nếu không phát hiện sớm và phun thuốc phòng trị kịp thời thì có khi lên đến vài chục phần trăm số cành bị hại, làm cho cây xơ xác, vụ ra bông năm sau sẽ không đẹp.
Bệnh chỉ tấn công trên những cành nhỏ cỡ chân nhang cho đến cỡ cây đũa ăn cơm, ít khi gây hại ở những cành lớn hoặc trên thân, nếu như cây được phun xịt thuốc kịp thời. Nhưng vì những cành nhỏ này lại là cành mang bông cho vụ sau nên nếu để nhiều cành bị hại cây sẽ có ít bông và bông không đẹp, bông nhỏ, rất khó bán và bán không được giá.
Thực tế cho thấy bệnh thường gây hại nhiều hơn trong mùa khô, khi mùa mưa xuống bệnh bớt dần.
Để phòng trị bệnh chúng tôi xin giới thiệu với các bạn áp dụng một số kinh nghiệm của anh Tô Văn Tám - một người trồng mai lâu năm ở phường An Phú Đông, Quận 12, Tp.HCM, đã áp dụng đã có kết quả rất tốt:
Kiểm tra vườn mai thường xuyên (nhất là vào mùa khô) để phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn bệnh kịp thời. Khi phát hiện có bệnh có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: COC 85WP; Vidoc 30WP; Vidoc 80BTN; hoặc Vidoc 50HP; Batocide 12WP Viben-C 50BTN… để phun xịt, nếu vườn thường bị bệnh này thì trong mùa khô (là mùa thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển) nên phun xịt định kỳ khoảng một tuần lễ một lần. Về liều lượng và cách sử dụng thuốc các bạn có thể đọc kỹ hướng dẫn mà nàh sản xuất đã có in trên nãhn thuốc.
Thường xuyên thu gom những cành đã bị bệnh không thể phục hồi được đem tiêu huỷ. Khi cắt nhớ cắt sâu thêm vào bên trong chỗ vết bệnh khoảng vài phân để phòng nấm bệnh còn sót lại trên cành tiếp tục phát triển lây lan sang các cành khác hoặc các cành non sắp ra sau này.
Bệnh "rỉ sét"
Rỉ sét là một loại bệnh thường xuất hiện và gây hại trên những lá mai đã bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi. Ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ màu nâu, sau đó vết bệnh cứ lớn dần lên như hạt tấm, hạt mè… (đa số vết bệnh có kích thước khoảng trên dưới 2mm), hình tròn hoặc hình bầu dục, đôi khi vết bệnh cũng có kích thước khoản 4 - 5mm. Đa số vết bệnh nằm trong phiến lá, tuy nhiên thình thoảng cũng có những vết nằm ngoài mép lá, gặp trường hợp này vết bệnh chỉ còn lại nửa hình tròn. Vết bệnh có màu đỏ nâu, nhìn giống như màu của sắt rỉ (ảnh 16), nên bà con trồng mai vàng chuyên canh ở quận Thủ Đức, Quận 12… (TP.HCM) thường gọi bằng từ mang tính chất hình tượng cho dễ hiểu, dễ nhớ đó là bệnh "Rỉ sét". Vết bệnh thể hiện ở cả mặt trên và mặt dưới của lá mai, xung quanh vết bệnh có một quầng vàng nhỏ bao quanh, nếu soi lên ánh sáng thì những quầng này thể hiện rõ hơn.
Khác với những bệnh mà chúng ta thường gọi là bệnh rỉ sắt hại trên một số cây trồng khác như bệnh rỉ sắt cà phê, bệnh rỉ sắt đậu đỗ, bệnh rỉ sắt hại ngô… thường bao giờ vết bệnh cũng nổi lên một cục u, bên trong những mục u này có chứa một khối bột màu gạch non ( giống như màu của sắt rỉ), thì trên vết bệnh "Rỉ sét" của cây mai vàng không có những cục u và những khối bột màu gạch non này, mà chúng vẫn phẳng bình thường như mặt phẳng của phiến lá. Nếu bệnh hại nặng mà không tìm biện pháp chữa trị kịp thời sẽ làm cho bộ lá của cây mai mất dần màu xanh vốn có cùa nó, rối chuyển dần sang màu vàng, diệp lục tố bị mất dần, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp bình thường của cây, làm cho cây mai mất sức, yếu ớt. Bệnh thường chỉ xuất hiện và gây hại nhiều trong mùa mưa, nhất là vào những tháng mưa nhiều (tháng 8, tháng 9 âm lịch).
Để phòng trị bệnh bạn nên áp dụng một vài biện pháp sau đây:
Không nên trồng hoặc đặt các chậu mai quá gần sát nhau, tạo cho vườn mai luôn thông thoáng. Liếp trồng mai, hoặc liếp đặt chậu mai nên thiết kế theo hình mai rùa để thoát nước tốt mỗi khi có mưa. Kê đặt chậu mai cao để tránh cho cây mai bị úng nước trong mùa mưa.
Khi bước vào mùa mưa nên kiểm tra vườn mai thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn bệnh kịp thời. Khi phát hiện có bệnh có thể sử dụng một trong những loại thuốc sau đây để phun xịt: COC 85WP; Vidoc 30WP; Vidoc 80BTMN; hoặc Vidoc 50HP; Batocide 12WP Viben – C 50BTN… Theo kinh nghiệm của một số chủ vườn mai ở Q.12 (Tp.HCM) thì nếu vườn thường bị bệnh này thì trong mùa mưa (là mùa thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển) nên phun xịt định kỳ khoản một tuần lể một lần. Về liều lượng và cách sử dụng thuốc bạn có thể đọc kỹ hướng dẫn sử dụng mà nhà sản xuất đã có in trên nhãn thuốc.
Bệnh bù lạch
Bệnh bù lạch trên cây mai do con bù lạch (có người gọi là con bọ trĩ) gây ra. Con bù lạch có đặc điểm là mỗi khi cây mai ra đọt non thì con trưởng thành của chúng sẽ di chuyển từ nơi khác tới đẻ trứng trên những đọt lá non, sau khi đẻ vài ngày trứng bắt đầu nở ra con bù lạch non (con ấu trùng). Cơ thể bù lạch rất nhỏ, đẫy sức cũng chỉ dài khoảng hơn 1mm. Cả con trưởng thành và con ấu trùng đều thích hút nhựa của những đọt non, lá non, tạo ra những vết lấm tấm trắng nhỏ li ti. Những lá bị hại sẽ mất dần chất dinh dưỡng, phát triển không bình thường, nhỏ lại, mép lá bị "cháy", lá còi cọc, xơ xác không phát triển được.
Khi những lá bị hại chuyển sang giai đoạn bánh tẻ và già, thức ăn không còn phù hợp cho chúng, chúng lại di chuyển sang những lá non khác để chích hút và gây hại. Bù lạch thường gây hại nhiều trong mùa khô, khi mùa mưa đến một số bù lạch sẽ giảm dần. Vài năm gần đây loài sâu hại này gây hại ngày một nhiều hơn cho những vùng trồng mai chuyên canh của một số quận, huyện thuộc ngoại thành TP.HCM, nhiều chủ vườn mai cho biết diệt trừ loại sâu hại này tương đối khó vì chúng lờn thuốc tương đối nhanh.
Để phòng trị (mà theo bạn nói là khắc phục) loại bù lạch này, có thể tiến hành như sau:
Khi tưới nước cho cây mai, bạn nên dùng loại máy bơm có áp suất mạnh xịt thẳng tia nước vào những chỗ mà bù lạch "cư trú" để rửa trôi bớt chúng, với cách làm này bạn cũng sẽ làm giảm bớt được mật số của một số đối tượng dịch hại đang gây hại cây mai như nhện đỏ, rệp sáp…
Nếu mật số bù lạch cao bạn có thể sử dụng một vài loại thuốc trừ sâu thường dùng như: Malvate 21EC; Trebon 10EC; Confidor 100SL; Admire 050EC; Regent 5SC… Khi phun xịt thuốc bạn nhớ phun ướt đều cả mặt dưới của lá mai. Về liều lượng và cách thức pha chế bạn có thể đọc hướng dẫn của hãng sản xuất có in sẵn trên nhãn thuốc.
Nguyễn Danh Vàn,Phòng trừ sâu bệnh hai cây hoa kiểng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét