Lão nông Võ Văn Đỏ, "chuyên gia" SX lúa giống xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành rất hài lòng với TBKT của Hợp Trí
LUAGAO - “Thực sự chúng tôi rất đắn đo khi sử dụng quy trình kỹ thuật của Cty Hợp Trí cho toàn bộ diện tích lúa của trại giống Hòa Phú”, ThS Trịnh Hoàng Việt, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Long An chia sẻ.
"Ngả mũ bái phục"
Lý do đầu tiên khiến ông Việt e ngại bởi, năm nay trại Hòa Phú SX giống Nàng hoa 9, một giống lúa thơm chất lượng rất cao nhưng cũng rất mẫn cảm với các điều kiện bất lợi và sâu bệnh hại. Đây chỉ là một quy trình kỹ thuật chưa được công nhận là TBKT. Nhưng khi TTKN Long An áp dụng thì dưới con mắt người dân, quy trình đấy mặc nhiên đã được công nhận!
Tuy có e dè nhưng thực tế diễn ra trên 423,4 ha của 242 hộ SX cánh đồng mẫu lớn ở xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa vụ HT vừa mới thu hoạch đã thúc giục TTKN Long An tiếp tục sử dụng quy trình.
Tại mô hình trên, tổng chi của ruộng áp dụng quy trình kỹ thuật của Hợp Trí thấp hơn ruộng đối chứng (để dân tự do SX theo thói quen) bình quân 1.991.820 đ/ha nhưng lợi nhuận lại cao hơn 8.729.320 đ/ha.
Tạo nên sự khác biệt nêu trên, chủ yếu do sự chênh lệch về năng suất, năng suất ở ruộng theo quy trình của Hợp Trí (đạt bình quân 6,75 tấn/ha), còn năng suất ruộng đối chứng SX theo tập quán của bà con nông dân chỉ đạt 5,3 tấn/ha.
Đấy là với lúa thịt, còn với lúa giống thì ngoài năng suất, điều căn bản hơn là chất lượng hạt giống. Tại buổi tham quan ngày 26/11 vừa qua, gần 50 nông dân chuyên SX lúa giống của tỉnh Long An đều thừa nhận chất lượng lúa giống Nàng hoa 9 của trại Hòa Phú khi SX theo quy trình của Hợp Trí đều có mã lúa đẹp hơn hẳn ruộng của họ.
Ông Võ Văn Đỏ, 73 tuổi, ngụ tại ấp 2 xã Vĩnh Công (huyện Châu Thành), nguyên nhà giáo nghỉ hưu, chuyên SX lúa giống gần 20 năm nay khi vuốt từng bông lúa phải tấm tắc: Giống Nàng Hoa 9 mà không có lép cậy, hạt lúa đều, sáng như rày là siêu lắm.
Anh Nguyễn Hoàng Quân, ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, người mỗi năm thuê hơn 200 ha ruộng để chuyên SX lúa giống từ 8 năm nay, trong đó 7 ha thuê lại trại giống Hòa Phú cùng làm giống Nàng Hoa 9, cấy cùng ngày nhưng đã phải ngả mũ bái phục khi 2 đám ruộng cách nhau chỉ một con đường nhưng có mã lúa khác hẳn nhau.
Lấy dinh dưỡng làm nền tảng
Khác với những công ty BVTV khác, quy trình thâm canh lúa của Hợp Trí được xây dựng đảm bảo cây lúa khỏe ngay từ sơ sinh dựa vào một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất cho cây. KS Nguyễn Ngọc Chiểu, Phòng Kỹ thuật của Cty Hợp Trí, tác giả của quy trình cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng, cây lúa cũng như con người, nếu khỏe thì sức đề kháng cao nên không những sẽ hạn chế “cảm mạo, nhức đầu, sổ mũi khi trái gió trở trời” mà còn giảm thiểu được sâu bệnh hại.
Theo nguyên lý đó, quy trình của chúng tôi là tổng hợp nhiều giải pháp, tiến bộ đã được đúc kết từ việc làm đất, chọn giống, lượng giống, gieo sạ né rầy… Cái khác chăng chỉ là hạn chế tối đa dùng thuốc, chất kích thích tăng trưởng, khi bất khả kháng phải dùng thuốc thì sử dụng thuốc ít độc nhưng có hiệu quả cao".
Để làm được việc đó, Hợp Trí đã đưa một số dinh dưỡng cao cấp vào quy trình, chẳng hạn đưa Super Humic thay cho việc xử lý hạt giống bằng hóa chất, axit humic được bố trí bón lót, tẩm hạt giống trước lúc gieo cấy. Với hàm lượng axit humic đậm đặc lên đến 70% (chưa kể 20% axit fuvic) sẽ làm cho bộ rễ phát triển mạnh ngay nên cây lúa sẽ khỏe.
Theo Sở NN-PTNT Long An, chương trình cánh đồng mẫu lớn vụ ĐX 2012 - 2013 của tỉnh này vẫn tiếp tục mở rộng, trong đó mô hình ở xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa được Hợp Trí chuyển giao quy trình người dân vẫn thiết tha tiếp tục, bởi lợi nhuận, tính bền vững và sức khỏe cho cộng đồng và môi trường của quy trình này mang lại.
Tương tự, việc sử dụng hydrophos có hàm lượng lân lên tới 44% sẽ thúc đẻ nhánh khỏe, tập trung, sử dụng casi có hàm lượng CaO dễ tiêu rất cao làm cho cây cứng, chống ngã đổ nên năng suất vẫn đạt mà hạn chế được sâu bệnh…
Việc sử dụng phân bón đủ, cân đối kết hợp với các dinh dưỡng bổ sung làm cho cây cường tráng để giảm thiểu thuốc BVTV là không khó về mặt kỹ thuật nhưng lại khó về mặt kinh tế. Làm sao để chi phí, bao gồm cả lao động không bị đội lên?
Trên thực tế, Hợp Trí đã làm được, chi phí khi áp dụng quy trình không những không bị đội lên mà còn luôn thấp hơn. Nếu nông dân tuân thủ quy trình chặt chẽ thì lượng phân NPK chỉ sử dụng trong mức 70 N - 50 P2O5 - 50 K2O, thấp hơn mức 110 N - 50 P2O5 - 40 K2O của ruộng ngoài mô hình, tính ra chỉ riêng đạm, áp dụng theo quy trình Hợp Trí đã giảm được 1,5 bao urê/ha.
Nguồn Báo NNVN