Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

GIÁ TRỊ MANG LẠI TỪ GẠO THAN

LUAGAO – Giới thiệu về gạo than, thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn.


Tiến sĩ Lê Hữu Hải, người âm thầm nghiên cứu gạo than từ năm 2005 đến đã phát hiện hàm lượng anthocyanin của gạo than Cai Lậy, Tiền Giang lên tới 600 mg/kg.
“Anthocyanin có trong gạo than tới 60,4 mg/100g, cao hơn 94,47% so với gạo trắng. Đây là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quí như: khả năng chống oxy hóa cao nên được sử dụng để chống lão hóa; chống oxy hóa các sản phẩm thực phẩm; hạn chế sự suy giảm sức đề kháng; có tác dụng làm bền thành mạch, chống viêm, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư”, TS Hải giải thích.
Một nghiên cứu khác của phòng thí nghiệm chuyên sâu thuộc trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM khẳng định: 1 kilogam gạo than chứa đến 26,4 mg chất sắt, cao hơn 450% so với gạo trắng (4,8 mg/kg), chỉ thấp hơn thịt bò 13,6% (30 mg/kg).
Vi chất sắt trong gạo than cần thiết trong việc duy trì sự khoẻ mạnh của hệ miễn dịch, các cơ và điều chỉnh sự phát triển của các tế bào. Chất sắt được dự trữ trong hemoglobin và myoglobin, 2 tế bào protein máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô và cơ trong cơ thể. Các nhà khoa học còn phát hiện quan hệ giữa kẽm và tuyến tiền liệt rất mật thiết.
Ngoài ra, trong gạo than còn chứa nhiều khoáng chất khác như amylose, canxi, lysine… có hàm lượng cao hơn gạo trắng bình thường.
Gạo than chứa Anthocyanin, xay lứt ngâm trong 20 giờ, nấu chín… người Nhật ăn theo phương pháp thực dưỡng còn gọi đó là cơm gạo mầm, tác dụng chống các tia phóng xạ.
Từ nguồn giống của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), chạy điện di protein SDS – PAGE tại bộ môn Di truyền chọn giống, trường Đại học Cần Thơ, trồng khảo nghiệm nhiều vụ ngoài đồng ruộng tại Cai Lậy, tiến sĩ Hải đã tuyển chọn được 2 dòng lúa than thích nghi tốt với điều kiện sản xuất thâm canh, thời gian sinh trưởng chỉ 75 – 80 ngày, không cảm ứng quang kỳ như các giống lúa mùa nên có thể thâm canh 3 vụ/năm.

Tiến sĩ Võ Công Thành, bộ môn Di truyền chọn giống, cho biết giống lúa than “Huyền Ngọc”, được chọn tạo từ tổ hợp lai từ loại lúa Khẩu Lệch (Huế) và giống BN, kết quả kiểm nghiệm của phòng thí nghiệm chuyên sâu trường đại học Cần Thơ cho thấy hàm lượng Fe tới 54,9 mg/kg và anthocyanin lên đến 1432 mg/kg, cao hơn lúa than Cai Lậy. Tiến sĩ Thành nói rằng ông cố gắng làm cho giống lúa có tính kháng sâu bệnh, chịu hạn hoặc mặn trên 5‰.
Tại Sóc Trăng, kĩ sư Hồ Quang Cua, âm thầm nghiên cứu tổ hợp lai, cũng bất ngờ trước những kết quả vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo ông, cần tiếp tục nghiên cứu. Thầm lặng và ngẫu nhiên, 3 điểm nghiên cứu lúa than vô tình chạy vào đường đua.
Tiến sĩ Hải cho biết ông đã làm hồ sơ đăng ký “Gạo Lá cẩm Cai Lậy” và HTX Mỹ Thành, Cai Lậy, Tiền Giang đã trồng 39 ha lúa than theo tiêu chuẩn GlobalGAP trong vụ hè thu sớm 2011.
Công ty TNHH ADC đặt hàng toàn bộ lúa than với giá tương ứng 1 kg “lúa cẩm Cai Lậy“ = 1,6kg lúa hột dài. Công ty này sẽ giúp HTX mở rộng diện tích và kết hợp với ngành dược phẩm tạo ra cuộc đời thứ hai của gạo than với dòng sản phẩm mới có giá trị dinh dưỡng cao, dùng như thực phẩm chức năng.
Với năng suất bình quân 5-6 tấn/ha, các nhóm tác nhân: chế biến, đóng gói, kinh doanh siêu thị đang tìm cách săn đón gạo than. Một số công ty xuất khẩu cũng muốn tham gia chuỗi giá trị bằng cách đẩy giá lên cao để mua hàng mà không cần đầu tư vùng nguyên liệu. Nhưng những cơ hội thương lượng với người sản xuất cá thể ở Tiền Giang, Sóc Trăng rất mong manh vì nguồn giống vốn rất giới hạn và việc kiểm soát dự án tại gốc hết sức chặt chẽ.