LUAGAO - Theo dự báo, năm 2012 Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu được 7,3 triệu tấn gạo - kỷ lục từ trước đến nay. Có được con số này, lúa gạo Việt đã trải qua nhiều khó khăn, giông bão, nhiều câu chuyện chưa từng được kể.
Một thời gian khó
Năm 2011 này, lần đầu tiên Việt Nam đạt vượt qua ngưỡng 40 triệu tấn lúa với tổng sản lượng cả nước đạt tới hơn 41,5 triệu tấn với năng suất bình quân đã vượt mốc 6,1 tấn/ha. Nhưng để đạt được kỳ tích như ngày hôm nay, hạt gạo Việt Nam đã có thời bị thiếu hụt trầm trọng, hàng năm phải đi nhập khẩu một lượng lớn để bù đắp cho sự thiếu đói.
Nhớ lại những thời kỳ đó, ông Nguyễn Công Tạn -nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nói: “Năm 1980, sản lượng lúa nước ta mới đạt 11,65 triệu tấn, sau khi thực hiện Chỉ thị 100 đến năm 1988 vươn lên được 17 triệu tấn, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và đây chính là thời điểm cao độ của khủng hoảng, lúc đấy đất nước ta có hàng triệu người thiếu ăn và phải nhập hàng triệu tấn gạo và bột mỳ”.
Các cột mốc trong 22 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam: Nếu năm 1989, Việt Nam mới xuất khẩu được 1,37 triệu tấn gạo, thì 6 năm sau đó đến năm 1995 đã đạt số lượng 2,05 triệu tấn. Ngay sau đó 1 năm (1996) đã tăng vọt lên 3,06 triệu tấn, đến năm 1999, xuất khẩu gạo đạt cột mốc mới với 4,56 triệu tấn. Nhưng kể từ sau năm 2000, số lượng xuất khẩu lại bị tụt xuống ở mốc 3,35 triệu tấn và đến năm 2005 mới thiết lập được mốc mới là 5,2 triệu tấn. Tới năm 2009 đạt cột mốc 6 triệu tấn, năm 2010 đạt 6,8 triệu tấn và năm 2011 đạt 7,2 triệu tấn. |
Thế rồi, luồng gió mới từ Nghị quyết 10 đã đến và giải phóng cho toàn bộ nền nông nghiệp nước ta, biến một nước từ chỗ phải lệ thuộc vào lương thực nhập khẩu trở thành một nước xuất khẩu gạo liên tục trong 22 năm vừa qua.
Ông Tạn tâm sự: “Ngay năm 1989, sản lượng lúa cả nước đã đạt 18,99 triệu tấn, đến 1990 đạt 19,22 triệu tấn, rồi 19,43 triệu tấn vào năm 1991 và cứ thế suốt từ 1988 đến nay, sản lượng lúa chỉ có tăng và lên. Đặc biệt, cũng từ 1989, chúng ta đã xuất khẩu được 1,37 triệu tấn gạo, từ bấy đến nay chỉ toàn xuất khẩu tới ngưỡng 7,2 triệu tấn như năm nay”. Theo ông Tạn, để có được thành công đó là do Đảng, Nhà nước đã thay đổi chính sách về nông nghiệp, nhất là chúng ta đã luật hóa được toàn bộ tư liệu sản xuất đối với nông dân bằng Luật Đất đai năm 1993.
Có lúc đi xin... xuất khẩu
Hiện nay, hạt gạo Việt Nam đã vươn đi gần như khắp thế giới. Nhưng để có được thành công và những thuận lợi đó, những người làm công tác xuất khẩu gạo đã trải qua những thời kỳ vô cùng gian khó.
Là người điều hành xuất khẩu gạo ngay từ những ngày đầu, hạt gạo Việt Nam vươn ra khỏi bản đồ hình chữ S, ông Nguyễn Đăng Chi - nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhớ lại: “Khi chúng ta mới tham gia xuất khẩu gạo, trên thị trường thế giới cung vẫn còn lớn hơn cầu, nước xuất nhiều hơn nước nhập, nên dạo đó, có những hợp đồng khi tổ chức đấu thầu, chúng tôi đã phải đi “lobby” cả đến cấp Chính phủ nước đó. Thậm chí, có thời điểm xuất khẩu khó khăn quá, chúng tôi đã phải thảo cả thư cho Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký gửi cho Tổng thống Philippines chiếu cố nhập khẩu gạo cho chúng ta”.
Năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam đã xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, triển vọng xuất khẩu gạo năm 2012 của Việt Nam nhìn chung vẫn khá sáng sủa do yếu tố lũ lụt ở Thái Lan, cộng với chính sách quy định về thu mua gạo ở giá sàn khá cao của nước này, tạo cơ hội cho Việt Nam có thể san bằng, thậm chí vượt Thái Lan về số lượng xuất khẩu gạo ở vị trí “quán quân”.Theo ông Chi: “Trong trước mắt và có lẽ cả lâu dài, xuất khẩu gạo nhìn chung thuận lợi nhiều hơn do chúng ta có được cơ hội do đất đai ngày càng thu hẹp, dân số thế giới lại tăng, nguy cơ đói của thế giới vẫn còn. Cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong xuất khẩu với nhiều thị trường, bạn hàng lâu năm, chúng ta sẽ vẫn rất thuận lợi về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, vai trò điều hành, nhất là của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải được xây dựng lại mạnh hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp phải đoàn kết, bảo được nhau. Như thế, xuất khẩu mới đem lại hiệu quả”.
“Vương miện” phải dành cho nông dân
Có một thực tế hiện nay, mặc dù riêng ngành lúa gạo xuất khẩu đã đem lại giá trị tới 3,5 tỷ USD/năm về cho nước ta, nhưng thực tế, từ sau năm 1975 đến nay những người trồng lúa vẫn là những người nghèo nhất.
TS Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Thực tế, cái vị trí số 1 hay số 2 chẳng có gì vinh dự, mà điều quan trọng là người nông dân được hưởng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận trong những con số xuất khẩu đó. Cho nên, theo tôi chiếc “vương miện” số 1 đó phải được dành cho những người nông dân trực tiếp làm ra từng hạt gạo”. Cũng theo ông Quốc, trên thế giới đã có nhiều nước, thậm chí người ta còn điều chỉnh vị trí xuất khẩu của mình từ số 1 xuống số 2, từ số 2 xuống số 3… để đem lại hiệu quả cho người sản xuất.
Cùng chung tư tưởng với ông Quốc, ông Nguyễn Đăng Chi nhận định, vươn lên số 1, số 2 về số lượng không khó nếu các nước thi nhau xuất khẩu giá thấp. Ông nói: “Chúng ta cần tập trung vào nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đảm bảo cho nông dân có lợi trong từng cân lúa bán ra với mức lãi 30% thậm chí có thể 50% và cao hơn nữa”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Cây lúa là thế mạnh của nước ta Nói về định hướng cho ngành sản xuất lúa gạo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Trên thực tế, một mặt chúng ta phát triển sản xuất lúa gạo để đảm bảo nhu cầu trong nước, nhưng mặt khác chính cây lúa là lợi thế của nước Việt Nam. Cây lúa đem lại lợi ích cho nước Việt Nam và cho những người nông dân trồng lúa. Không dễ gì tìm được cây khác có hiệu quả hơn trên những vùng đất trồng lúa truyền thống của chúng ta. Đây là sự sàng lọc của lịch sử”. Theo ông Phát, ĐBSCL của nước ta là một trong những vùng trồng lúa nước tốt nhất trên thế giới và không phải ngẫu nhiên mà nước ta trở thành nước xuất khẩu lúa gạo lớn thứ 2 tuy với diện tích đất rất nhỏ hẹp. Vì cây lúa có lợi thế và nhìn lại quá trình hơn 20 năm vừa qua khi chúng ta đổi mới, có thể thấy nền nông nghiệp của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi chúng ta tập trung vào phát huy những gì là thế mạnh của chúng ta. Cây lúa là một trong những thế mạnh của nền nông nghiệp và của cả nước. Do đó, chúng ta nên tiếp tục phát huy và nên gìn giữ mảnh đất màu mỡ ấy cho muôn đời sau. Không phải hôm nay chúng ta xuất khẩu nhiều gạo là để làm an ninh lương thực cho thế giới, mà chúng ta làm ra hạt gạo trước hết là vì chúng ta, vì đất nước chúng ta”. Ngọc Lê (ghi) |