Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

BỆNH TRUYỀN NHIỄM DO VI RUS GÂY RA THƯỜNG GẶP Ở DÊ

1/. Bệnh viêm khớp – viêm não (Arthritis Encephalitis Syndrome):
- Nguyên nhân và cách lan truyền: Bệnh gây ra do virus. Bệnh được truyền từ con già đến con non qua tiếp xúc hay từ sữa mẹ truyền sang đàn con.
- Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra ở dê con 2 – 4 tháng tuổi. Biểu hiện rõ nhất là 2 chân sau bị yếu, đi cà nhắc và cuối cùng không đi được. Chân không đi được nên cơ bị teo dần, dê con suy yếu dần rồi chết. Dê già thường thấy các khớp bị sưng. Bệnh phát triển chậm trong vòng hai hay nhiều năm, dê đi đứng rất khó khăn. Dê không sốt, vẫn ăn uống bình thường, nhưng các triệu chứng trên, nhất là triệu chứng viêm khớp kéo dài suốt trong quá trình bệnh. Sau vài năm dê yếu dần, trọng lượng giảm, cơ teo dần, các khớp viêm nặng và dê chỉ có thể đi bằng đầu gối.
- Điều trị: Không có biện pháp nào điều trị hiệu quả. Khi phát hiện cần cách ly ngay con vật mắc bệnh.
- Phòng bệnh: Dê con cần nuôi tách riêng và xa con mẹ mắc bệnh. Tốt nhất nên loại thải những dê bị bệnh.
2/. Bệnh viêm loét miệng(Contagious Ecthyma): Dễ lây lan và lây lan cho cả người.
- Nguyên nhân: Có thể do virus parapox xâm nhập vào dê qua chổ bị trầy xước…
- Triệu chứng: Trong đàn nhiễm bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh ở dê con thường tới 100%. Dê trưởng thành thường mắc bệnh nhẹ. Dê mới chuyển vùng, nhất là dê con dễ cảm nhiễm bệnh hơn; Các nốt mụn nước, mụn mủ tạo thành vết loét, rồi thành vẩy cứng chủ yếu ở trên môi, mép, cũng có thể xuất hiện ở mặt, tai, bầu vú, núm vú, bìu dịch hoàn, âm hộ, vách móng và sườn; Các vết loét có thể ở lưỡi hoặc ở niêm mạc miệng được phủ lớp bựa trắng. Dê đau đớn, kém ăn, chảy dãi có mùi hôi. Trường hợp này dễ bị nhiễm trùng thứ phát…
- Điều trị: Các loại kháng sinh chỉ có tác dụng đối với bệnh thứ phát xuất hiện. Một số dung dịch sát trùng được dùng điều trị các vết loét môi, mồm của những con mắc bệnh; Có thể sử dụng hỗn hợp Ecthymatocid (hỗn hợp pha chế bởi 40 ml cồn, Iốt 20% và 20g bột tetran hòa với 1 lít mật ong) để bôi vào các vết loét 2-3 lần/ngày.
- Phòng bệnh: Giữ môi trường thông thoáng, khô ráo, sạch sẽ; Nuôi dưỡng, chăm sóc tốt dê con, nhất là sau khi vận chuyển xa; Cách ly ngay những con đã mắc bệnh ra khỏi đàn dê; Hàng ngày phải thu dọn, vệ sinh tiêu độc khu vực nuôi dê mắc bệnh; Dụng cụ bôi thuốc điều trị xong phải được sát trùng kỹ…
3/. Bệnh lở mồm long móng (Foot and Mouth Disease-FMD):
- Nguyên nhân: Có thể do một loại virus có khả năng lây nhiễm rất cao. Mầm bệnh có thể tồn tại trong cơ thể và có nguy cơ xẩy ra dịch bệnh sau một năm hoặc lâu hơn. Bệnh lây lan theo đường thức ăn, nước uống và không khí hoặc do virút xâm nhập vào niêm mạc mắt mũi…
- Triệu chứng: Dê lờ đờ, đi đứng tập tễnh, kém ăn, bỏ ăn, sốt cao… đặc trưng nhất là xuất hiện các mụn nước nhỏ ở trên lớp niêm mạc mồm, lưỡi... Các mụn nước khi vỡ ra để lại các vết loét tạo thành các lỗ nhỏ ăn sâu vào lớp tế bào dưới niêm mạc gây nên hiện tượng lở mồm. Các mụn này cũng xuất hiện ở kẻ móng xung quanh móng và trên bàn chân… gây nên hiện tượng long móng. Mụn cũng có thể xuất hiện vú và bầu vú… Dê con bị bệnh hay chết đột ngột, dê mẹ có chửa hay bị sẩy thai…
- Điều trị: Khi nhiễm bệnh nặng thì không thể điều trị khỏi bệnh. Khi phát hiện dê mới bị nhiễm ở mức nhẹ thì phải cách ly ngay, dùng cồn iốt 10% bôi cục bộ liên tục 2-3 lần/ngày và tiêu độc chuồng trại bằng thuốc sát trùng mạnh như formalin, xút, sun fát đồng có thể cứu vãn được tình thế.
- Phòng bệnh: Tốt nhất nên sử dụng vaccin đa giá chất lượng quốc tế để tiêm phòng cho dê, nhất là ở những vùng đã có tiền sử bệnh.