Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Lúa gạo và giải pháp phát triển bền vững

LUAGAO - Thành tựu nổi bật nhất về kinh tế Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới là phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo dự trữ quốc gia và xuất khẩu gạo nhiều năm liền đứng hàng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, nông dân gặp nhiều rủi ro, thách thức như: thiên tai, dịch bệnh, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kiết “4 nhà” còn yếu kém, khâu tiêu thụ luôn gặp khó khăn…

Do đó, rất cần có những giải pháp phát triển nông nghiệp ổn định và bền vững, nhằm đảm bảo ANLT Quốc gia trong thời kỳ CNH-HĐH và nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu hiện nay.

ĐBSCL có tổng diện tích khoảng 3,96 triệu ha, phần lớn là đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa là 1,85 triệu ha. Toàn vùng hiện có hơn 18 triệu người, trong đó gần 80% dân số sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái… Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác khai hoang, thủy lợi đã mở rộng diện tích trồng lúa, công tác nghiên cứu giống, công tác khuyến nông… đã giúp ĐBSCL nâng sản lượng lúa từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên trên 21 triệu tấn vào năm 2009. Thành quả đó đã góp phần quan trọng vào ANLT Quốc gia và chiếm tỷ trọng trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nhu cầu về lúa gạo nhiều hơn, đa dạng hơn, tạo thị trường tiêu thụ rộng rãi hơn.

Có thể nói, cây lúa không chỉ là cây trồng chủ lực của ĐBSCL mà còn là cây đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia và cung cấp lúa gạo cho thị trường thế giới. Thành tựu cơ bản trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong các năm qua nhờ vào các yếu tố như: nghiên cứu cải tiến giống lúa, thay đổi từ giống lúa mùa một vụ năng suất thấp (1,5-2 tấn/ha) sang các giống cao sản chất lượng cao (6-8 tấn/ha), ngắn ngày (85-100 ngày) nên dễ dàng tăng vụ (2-3 vụ/năm), từ đó làm tăng sản lượng. Công tác đầu tư thủy lợi, xả phèn rửa mặn, cải tạo đất hoang hóa, chủ động tưới tiêu, tạo tiền đề cho các giống lúa thích nghi phát triển, nhờ đó diện tích gieo trồng được mở rộng.

Tuy nhiên, để góp phần thực hiện tốt hơn nữa tinh thần Nghị quyết 26 của Trung ương và chiến lược đến năm 2030 của Chính phủ về vấn đề ANLT, duy trì diện tích sản xuất lúa, tăng thu nhập cho nông dân trong bối cảnh do tác động của hội nhập, đô thị hóa làm mất đất sản xuất, cạnh tranh khốc liệt về thị trường, rủi ro cao do dịch bệnh và thay đổi khí hậu… cần có giải pháp thích hợp trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Riêng đối với cây lúa ở ĐBSCL thì giải pháp “liên kết vùng và tham gia 4 nhà” là hết sức quan trọng. Việc liên kết này sẽ giúp thực thi các kế hoạch, chiến lược sản xuất lúa và ANLT đến tận địa phương. Qua đó, tìm sự đồng thuận không những từ nguồn lực nhà nước mà của cả xã hội để sản xuất và tiêu thụ, nhằm làm tăng thu nhập cho nông dân. Thông qua sự liên kết và tham gia này thì hoạt động sẽ trở thành hệ thống, từ đó giúp Chính phủ đưa ra những chính sách và cơ chế phù hợp để phát triển lúa gạo.

Trước tiên là liên kết các đơn vị nghiên cứu khoa học như Viện/Trường để ứng dụng nhanh các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao, ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu toàn cầu. Đẩy mạnh chuyển giao các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và sự biến đổi khí hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Phát triển các dạng hình kinh tế hợp tác để thuận lợi cho đầu tư, sản xuất hàng hóa đủ lớn, dễ dàng tiếp cận thị trường và đảm bảo đầu ra, trong đó liên kết “4 nhà” là khâu mấu chốt cần được quan tâm hàng đầu. Nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh lúa gạo vùng ĐBSCL từ khâu dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản tồn trữ, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, trong đó tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu cần được đặc biệt chú ý.

Tóm lại, ngoài việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội nông thôn, quy hoạch lại đất đai trong sản xuất nông nghiệp, chính sách cho nông dân, đặc biệt là người trồng lúa, đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp (cả trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất)… cần có chiến lược lâu dài cho việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trong đó cần có sự liên kết vùng và liên kết “4 nhà”, mỗi nhà cần được phân vai cụ thể, nếu vai nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì công tác sản xuất lúa gạo mới đi vào ổn định và phát triển.

Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam đến năm 2020

TT

Chỉ tiêu

2010

2015

2020

1

Dân số (triệu người)

88,5

93,5

100

2

Đất lúa (triệu ha)

4,0

3,8

3,6

3

Diện tích gieo trồng

7,1

6,9

6,8

4

Sản lượng (triệu tấn)

36,5

37,2

38,5

5

Nhu cầu (triệu tấn)

31,1

32,1

35,2

6

Cân đối

5,4

5,1

3,3

7

Xuất khẩu (dự kiến)

3,5

3,3

3,1



TS. Lê Văn Bảnh

Nguồn: http://nongnghiep.vn/NongnghiepVN/vi-VN/61/158/2/2/2/44401/Default.aspx