Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010

Các bệnh thường gặp ở thỏ?

Thỏ không ăn được rau ướt nên nếu bạn lỡ cho nó ăn rau ướt nó rất dễ bị đau bụng.


1/ Thỏ sơ sinh bị chết do mất nhiệt:


Sau khi thỏ đẻ, cần kiểm tra đàn con xem chúng có nằm tập trung không. Nếu thấy chúng nằm phân tán trong ổ thì phải thu chúng nằm gọn vào một nơi, nếu mùa rét thì lấy lông mẹ phủ kín xung quanh đàn con để tránh thỏ con chết rét.


2/ Thỏ con chết đói:


Thỏ mẹ chỉ nhảy vào ổ cho con bú một lần trong ngày. Nếu thỏ mẹ không có sữa, hoặc viêm vú không biết cho con bú thì da thỏ con nhăn nheo, vùng bụng không có bầu sữa. Thỏ con bị đói 2-3 ngày là chết. Hàng ngày phải kiểm tra xem thỏ con có được bú no không. Nếu thấy thỏ con đói sữa thì phải tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời và cho đàn con bú nhờ mẹ khác có đàn con cùng tuổi.


3/ Bệnh đau bụng tiêu chảy:


Thỏ con sau cai sữa đến 3 tháng tuổi hay mắc bệnh này. Thực chất của bệnh này là rối loạn tiêu hoá do chuyển tiếp thức ăn đột ngột, ăn nhiều rau lá, củ quả chứa nhiều nước hoặc thức ăn, nước uống bị lẫn tạp chất bẩn, dính nước mưa, nước sương, mùa đông uống nước lạnh hoặc thỏ nằm trên cao bị gió lạnh lùa vào bụng vv...


Khi thỏ mắc bệnh, phân lúc đầu hơi nhão, sau đó lỏng dần thấm dính bết lông quanh hậu môn, thỏ kém ăn, lờ đờ, uống nước nhiều. Có khi thỏ bị chướng hơi, đầy bụng, thỏ không yên tĩnh, khó thở, chảy rãi ướt lông quanh hai mép.


Khi thấy phân thỏ nhão, cần đình chỉ thức ăn xanh, nước uống và các yếu tố môi trường không hợp vệ sinh. Cho thỏ ăn hoặc uống nước ép từ cây nhọ nồi, búp ổi, búp chè, quả hồng xiêm, cỏ sữa. Nếu bị bệnh nặng thì cho uống thêm thì cho uống thêm Sulfaguanidin với liều 0,1g/kg thể trọng/ngày và uống 3 ngày liền. Khi thấy thỏ chướng hơi thì cho thỏ uống thêm 1-2 thìa dầu thực vật và lấy tay vuốt nhẹ hai bên thành bụng.


Phòng bệnh này chủ yếu bằng chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt là chế độ chuyển tiếp thức ăn dần dần từ thức ăn khô sang thức ăn xanh và tăng dần khối lượng. Thức ăn chứa nhiều nước cần phơi háo bớt nước trước khi cho ăn. nên kết hợp thức ăn thô khô với thức ăn thô xanh trong khẩu phần hàng ngày.


4/ Bệnh cầu trùng:


Đây là bệnh ký sinh trùng đường ruột phổ biến trong điều kiện chăn nuôi và vệ sinh kém. từ lúc thỏ tập ăn đã bắt đầu cảm nhiễm cầu trùng. Sau cai sữa, nếu nhốt thỏ chật chội, chuồng nuôi ẩm thấp, tối tăm, ngột ngạt, đặc biệt là thỏ đói, thiếu dinh dưỡng thì sức đề kháng của cơ thể giảm sút là bệnh cầu trùng phát sinh. Cầu trùng phá huỷ đường ruột và tiết độc tố làm thỏ gầy yếu, nhiễm độc và chết, có khi chết hàng loạt vào lúc 2-3 tháng tuổi.


Triệu chứng lâm sàng của bệnh cầu trùng là thỏ xù lông, kém ăn, gầy dần, đôi khi ỉa chảy, phân thấm máu, trước khi thỏ chết thường thấy thỏ quay vòng giãy dụa.


Cần phòng bệnh thật tốt từ khi thỏ còn bú mẹ với một số bịên pháp như sau:


+ Đáy lồng chuồng phải có lỗ, rãnh thoát được phân dễ dàng, hàng ngày phải quyét dọn đáy lồng chuồng, rửa máng ăn, máng uống, không để thức ăn thô trực tiếp xuống đáy lồng.


+ Thức ăn các loại phải sạch sẽ, không bị ôi mốc, biến chất. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và số lượng thức ăn theo nhu càu của từng thời kỳ, đặc biệt là nhu cầu vitamin, khoáng, muối.


+ Sau khi cai sữa cần dùng các loại Sulfamid, Sulffaquinoxalin, Sulffathiazol, Sulfadimethoxin trộn với thức ăn tinh với liều 0,1-0,2g/kg thể trọng, ăn trong 7 ngày liền, nghỉ 5 ngày lại ăn tiếp 7 ngày nữa.


Nếu trong đàn có một số con chết vì bệnh cầu trùng thì cần cho uống thuốc như trên với liều gấp đôi để điều trị.


5/ Bệnh ghẻ:


Bệnh ghẻ là bệnh ký sinh trùng ngoài da rất phổ biến, gây tác hại lớn đến chăn nuôi thỏ, bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi trên 2 tháng trở đi.


Triệu chứng đặc trưng của bệnh ghẻ là ngứa, rụng lông và đóng vẩy ở mí mắt, mũi, mép, có khi lan truyền snag móng chân, gót chân, da vùng hậu môn, cơ quan sinh dục, có khi gây bệnh trong lỗ tai,vành tai. Cơ thể bị nhiễm độc do ghẻ tiết ra, mất máu, thỏ không yên tĩnh, mất ngủ, kém ăn gầy dần rồi chết.


Hiện nay có thể sử dụng thuốc ghẻ Ivermectin 0,3% tiêm dưới da một lần cho thỏ với liều lượng 0,5ml/2kg thể trọng có tác dụng tốt. Nếu không có Ivermectin thì có thể lấy 50g Diterex, 40ml cồn iốt 20% và 20g bột lưu huỳnh pha trộn đều với 1 lít dầu thực vật để bôi 2 lần cách nhau 3-4 ngày. trước khi bôi thuốc cần thấm nwosc xà phòng cho mềm vẩy để bóc hết.


Phải thường xuyên kiểm tra cá thể để phát hiện bệnh và điều trị bệnh kịp thời. Cách ly những con bị ghẻ và vệ sinh, sát trùng lồng, chuồng, dụng cụ chăn nuôi khu vực quanh con bị bệnh.