Vùng Tứ giác Long Xuyên phèn chua nước mặn, “muỗi kêu như sáo, đỉa lội tựa bánh canh” ngày nào, giờ xuất hiện những ông “chúa đất” với diện tích trồng lúa một vài ngàn công tầm cắt (1.296 m2 một công).
“Tui là dân “đấu ao” nuôi cá, vậy mà hứng chí bán hết tài sản dắt díu vợ con vào cái vùng Tứ giác Long Xuyên này mua đất khai hoang trồng lúa. Ngày tui đi, bạn bè bảo tui là “thằng khùng”, hẹn 10 năm sau gặp nhau xem sống chết thế nào. Vô tới đây, vợ tui nhìn cánh đồng phèn chua, nước mặn khóc đến ngất xỉu”, Sáu Đức nhớ lại cái ngày trở thành “ông khùng” đi làm “chúa đất”.
Phải làm ăn lớn
Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức, xã Lương An Trà, An Giang) đích thị là dân “đấu ao”. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, anh và đám bạn trai tráng sang tận Campuchia, tới cả Bộ Thủy sản của nước bạn để “đấu ao” quầng đăng nuôi cá. “Cá bên đó nhiều lắm chú ơi. Mỗi lần thu hoạch cá, phải chở bằng xà lan về Việt Nam tiêu thụ. Lời dữ lắm”, Sáu Đức kể. Vậy mà chẳng hiểu “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào anh về bàn với “bà Sáu” (Sáu Đức hay gọi vợ như thế) bán hết tài sản lội vô xã kinh tế mới Lương An Trà mua đất khai hoang. “Tui vô vùng này mua đất để khai hoang vào năm 1997. Lúc đó, vùng này đất hoang hóa nhiều lắm. Bà con đi kinh tế mới đến đây nhận đất để khai hoang trồng lúa 10 người thì hết 9 người rưỡi làm ăn thất bại, chán nản bỏ đi tứ tán”, ông Sáu kể.
"Chúa đất" Sáu Đức kiểm tra lúa đang trổ đồng vụ đông - xuân 2009. Ảnh: Cửu Long. |
Khai hoang muộn, ông Sáu phải lội vô sâu trong đồng mua những khoảnh đất lớn khai hoang với giá 700.000 đồng một công để tính chuyện “làm ăn lớn”. “Tui nghĩ đã làm nông thì phải làm kiểu nông trang mới phát triển kinh tế được”, ông Sáu nhăn trán nói.
Có được đất, Sáu Đức sắm ngay chiếc máy cày cũ của Liên Xô rồi thuê nhân công đốt cỏ, nhổ gốc tràm, ban gò, lấp lung… san nền ruộng chuẩn bị trồng lúa. “Cực chẳng khác gì con trâu chú ơi. Tờ mờ sáng tui phải mò ra đồng, tối mù, tối mịt mới về đến nhà. Chiếc máy cày cũ còn xục xịch hư lên, hư xuống chứ tui quyết mình không được ngả bệnh. Mất 7 - 8 năm đầu tư đất hoang hóa tốn biết bao công sức, tiền của mới thành đất thuộc”, Sáu Đức nhớ lại.
Cơ giới hóa
Nếu ở An Giang có “ông khùng” Sáu Đức thì ở Kiên Giang cũng có “ông khùng” Út Phải (Lê Văn Phải). Khác với Sáu Đức, Út Phải là dân địa phương. Ông Út kể, sau Giải phóng (1975), theo phong trào kinh tế mới khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên, gia đình ông bắt đầu đẩy mạnh việc khai hoang. Có vài con trâu, ông chọn những lung có nước lợ khai hoang làm lúa trước. Tuy nhiên, Út Phải cũng là nông dân biết tính chuyện “làm ăn lớn”. Nhưng rồi thấy vài con trâu thì biết khai hoang đến chừng nào, ông bàn với anh em trong gia đình bán hết trâu, bò, heo để mua chiếc máy cày “khai hoang làm ruộng cho đã”. “Tui phải làm công tác tư tưởng lắm mấy anh em trong gia đình mới chịu hùn mua máy cày”, ông Út cười khà khà.
Khi đem máy cày về mấy ông nông dân địa phương “bật ngửa” bảo Út Phải “khùng quá xá”, lỡ khai hoang thất bại trâu, bò còn mổ thịt đem ra chợ bán được chứ máy cày bán ai mua. “Khai hoang lúc ấy cực lắm, phải lắng nước phèn mà uống để chiến đấu với đất phèn chua”, Út phải kể.
Tôi hỏi Sáu Đức sau bao nhiêu năm bỏ công khai hoang bây giờ có bao nhiêu công đất thuộc? Ông cười rồi nói lãng: “Vụ này (đông - xuân) tui làm có 700 công đất à chú ơi”. Thế nhưng trước khi tiếp chuyện Sáu Đức, con gái ông cho tôi biết “ba làm hơn 1.000 công” và “ba định qua tết mua thêm 700 công đất nữa”. Sáu Đức bật mí xã Lương An Trà vẫn còn vài trăm ha đất trồng tràm. “Nếu tui được nhận số đất ấy mà khai hoang làm nông trang thì còn gì bằng”, ông cười nói.
Trong khi đó, Út Phải cũng cho biết mình còn 400 công đất. Số đất còn lại (khoảng vài trăm công) ông chia đều cho 5 người con để “chạy hạn điền”.
Với trung bình 30 triệu đồng mỗi công đất như hiện nay ở Tứ giác Long Xuyên thì mấy nông dân này xứng danh là “chúa đất miền Tây”.
Tứ giác Long Xuyên thuộc ĐBSCL, trên địa phận của ba tỉnh thành Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ, diện tích tự nhiên khoảng 489.000 ha. Mùa lũ (tháng 7 - 12), vùng này thường ngập 0,5 - 2,5m; mùa khô thường bị bị nước mặn thâm nhập. Chương trình thủy lợi thoát lũ qua biển Tây của Chính phủ phần nào giải quyết tình trạng ngập lũ và đất bị nhiễm mặn của vùng này. Những năm 1988 -1989, các tỉnh đã mở bước đột phá khai thác tiềm năng vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, ít người lui tới này. Nhiều người là nông dân, cán bộ, đảng viên đã “xâm mình” quyết dấn thân với mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, góp phần xây dựng nên diện mạo mới của vùng Tứ giác Long Xuyên ngày nay. |