Những chương trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã kết luận rằng sự thoái hóa giống lúa trong quá trình canh tác chủ yếu do các nguyên nhân sau:
- Yếu tố cơ giới: Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thoái hóa giống, có thể nói 90 % lúa bị lẫn tạp là do nguyên nhân này. Khi thu hoạch lúa suốt không làm sạch máy, sân phơi bị sót những giống lúa khác, bao bì đựng không sạch, lúa khác có sẵn trên ruộng khi gieo sạ. Nói chung tất cả các động tác có tính chất cơ giới thực hiện không đúng trong quá trình sản xuất mà không thực hiện đúng thì đều gây nên lẫn tạp giống và sẽ dẫn đến sự thoái hóa giống.
- Thụ phấn chéo: Cây lúa là cây tự thụ phấn, tuy nhiên lúa vẫn bị lẫn tạp do phấn của cây khác bay tới, tỷ lệ lẫn tạp này thường không quá 2% tuỳ theo từng giống và sự cách ly các giống trong sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân khá quan trọng làm thoái hóa giống lúa.
- Sâu bệnh: Trong quá trình sản xuất, giống lúa bị nhiễm sâu bệnh nhưng không thay giống và tuyển chọn lại thì cũng gây nên hiện tượng thoái hóa giống.
- Canh tác: Trên một chân đất vụ này làm một giống, vụ sau làm giống khác sẽ làm lúa bị lẫn rất nhiều. Trong quá trình trồng lúa thực hiện những biện pháp canh tác không đúng, không phù hợp cho giống đã dẫn tới giống bị thoái hóa làm cây cao, cây thấp, trổ chín không đều làm giảm năng suất lúa.
- Khí hậu: Do điều kiện khí hậu thời tiết bất lợi như quá nắng, quá khô hạn, lũ lụt, yếu tố bức xạ... gây ra hiện tượng biến đổi gen sẽ làm thay đổi cơ bản các đặc điểm nông học của giống.
Biện pháp khắc phục:
Về giống:
- Chọn giống có độ thuần tốt, có nguồn gốc rõ ràng, tên giống, cơ quan sản xuất, hạn sử dụng, người sản xuất phải ghi rõ ràng để có điều kiện kiểm tra lại khi giống không đạt yêu cầu.
- Sau hai vụ sản xuất thì nên thay giống khác trên nền đất đó và nên mua những giống mới ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín như ở các Viện nghiên cứu, Trung tâm giống các tỉnh...
Trên một cánh đồng không nên trồng nhiều giống khác nhau để tránh tạp giao.
Chất lượng lúa giống do các cơ sở sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn như:
+ Giống nguyên chủng: Độ sạch tối thiểu 99%, tạp chất tối đa 1%, hạt giống lẫn có thể phân biệt được 0,05%, hạt cỏ tối đa 5 hạt/kg, tỷ lệ nảy mầm 98%, độ ẩm hạt 13,5%.
+ Giống xác nhận: Độ sạch tối thiểu 99%, tạp chất tối đa 1%, hạt giống lẫn có thể phân biệt được 0,25%, hạt cỏ tối đa 10 hạt/kg, tỷ lệ nảy mầm 95%, độ ẩm hạt 13,5%.
Về phương pháp canh tác:
- Làm vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước khi xuống giống, dọn sạch lúa chét trên nền lúa cũ.
- Cày bừa trục đất thật kỹ, san ruộng bằng phẳng cho hạt lúa cũ vùi xuống tầng đất sâu sẽ không nảy mầm được.
- Gieo sạ với mật độ vừa phải, nên gieo theo hàng để dễ kiểm soát lúa lẫn.
- Phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại thật tốt, đáp ứng đủ nhu cầu về nước, dinh dưỡng cho cây lúa.
- Khử lẫn: Sau khi lúa trổ đều thì tiến hành khử lẫn, cắt tận gốc những bụi lúa có ngoại hình khác với quần thể như cao hơn, thấp hơn, kiểu lá, kiểu bông, màu sắc bông khác thường, trước khi thu hoạch cần tiến hành khử lẫn một lần nữa.
Khâu thu hoạch và sau thu hoạch:
- Thu hoạch đúng độ chín, khi cây lúa có 90% số hạt/bông chín thì thu hoạch là vừa.
- Máy tuốt lúa, máy quạt lúa cần phải vệ sinh sạch sẽ trước khi thực hiện.
- Quét sạch sân phơi trước khi phơi lúa, rũ sạch bao bì trước khi đựng lúa.
Trên đây là những biện pháp khắc phục lúa bị lẫn và dẫn đến thoái hóa. Cơ bản là bà con nông dân cần chú ý nguồn giống mua phải rõ ràng, trước khi gieo sạ cần làm vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, công tác này sẽ khử được mầm bệnh và lúa cũ còn lại, đặc biệt là lúa cỏ. Kiểm soát thật kỹ khi thu hoạch, các công cụ thu hoạch, sân phơi, bao bì sẽ hạn chế được rất nhiều sự lẫn giống và sẽ giảm được sự thoái hóa giống lúa.
KS. Lê Minh