Những năm qua, cây lúa lai đã trở thành một trong những giống lúa cho năng suất và hiệu quả khá cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng thành chương trình phát triển 1 triệu ha lúa lai vào năm 2010. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi phải có một sự nỗ lực rất cao của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền các địa phương. Nhưng xung quanh việc đưa cây lúa lai vào trồng còn nhiều vấn đề cần phải bàn tới, đó là trình trạng một số giống lúa lai không có hạt. Mặc dù, quy trình khảo nghiệm giống lúa lai mới khá cụ thể và rõ ràng nhưng việc xảy ra những sai sót không đáng có trong khâu giống đã đặt ra phải có sự kiểm nghiệm chặt chẽ hơn. Một thực tế cho thấy hiện nay là, đa số các giống lúa lai đang được trồng ở Việt Nam là những giống lúa được nhập nhẩu từ Trung Quốc. Hàng năm, chúng ta vẫn phải nhập trên 80% lúa giống F1 từ Trung Quốc về sản xuất tại Việt Nam gọi là lúa lai thương phẩm, với các tên giống lúa lai hiện đang cho năng suất cao như Khang Dân, Hải Phong, Q1, Q5.. Chính điều đó đã cho thấy sự mất tự chủ của chúng ta trong khâu giống. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong số 55 giống lúa lai 3 dòng mà Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương tiến hành khảo nghiệm chỉ vẻn vẹn… có 2 giống của Việt Nam, còn là của Trung Quốc. Do không chủ động được giống, nên tuy Bộ đề ra kế hoạch sản xuất hạt lai F1 trong vụ đông xuân vừa qua là 1.500 ha, nhưng các địa phương chỉ sản xuất được trên 1.200 ha. Việc phụ thuộc vào các giống lúa lai Trung Quốc đã khiến cho nhiều địa phương không thể chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như ổn định về chất lượng giống. Do các giống lúa lai thường có ưu điểm là ngắn ngày, năng suất cao nhưng có nhược điểm là khả năng chống chịu sâu bệnh kém, đòi hỏi qui trình chăm sóc rất nghiêm ngặt. Do vậy, khâu khảo nghiệm đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần phải đưa vào sản xuất thử, nếu đạt yêu cầu mới đem ra trồng đại trà. Điển hình như Nghệ An trong những năm qua rất quan tâm, chú trọng chọn cây lúa lai để phát triển nhằm nâng cao năng suất và thu nhập. Mặc dù kết quả khả quan nhưng việc nhầm lẫn để xảy ra tình trạng lúa lai không hạt luôn là bài học đắt giá với những người làm nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, vụ chiêm xuân năm nay đã là năm thứ 3 triển khai giống lúa lai Q1, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục cho trồng khảo nghiệm trên diện tích của 29 xã thuộc nhiều vùng khí hậu khác nhau từ miền núi đến các xã vùng biển. Với mục đích nhằm có được kết luận chính xác, trung thực nhất khi xin phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho công nhận là giống chuẩn quốc gia. Vào đầu tháng 5 vừa qua, tại hội nghị đầu bờ của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tỉnh cùng với đơn vị cung cấp giống đã có nhiều ý kiến đánh giá về cây lúa lai mà cụ thể là giống lúa lai F1. Đây là gống lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với giống lúa khác từ 5- 10 ngày. Chính ưu điểm này có thể tránh được lũ, bão sớm. Theo đánh giá của bà con nông dân năng suất của giống lúa lai này có thể cho từ 8 - 10 tấn/ha. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển giống lúa lai F1 có thể kháng được rầy và bệnh đạo ôn cao, đặc biệt tránh được bệnh bạc lá, một căn bệnh chung của các giống lúa lai khi được trồng tại Việt Nam. Mặc dù, hiệu quả kinh tế của cây lúa lai đã rõ ràng, nhưng việc bao giờ chủ động được giống lúa lai vẫn đang là bài toán đặt ra với ngành nông nghiệp Việt Nam. Các Viện Nghiên cứu lúa của chúng ta mặc dù vẫn hoạt động, nhưng hiệu quả thực sự vẫn còn xa với yêu cầu thực tế. Nếu đem so sánh lực lương nghiên cứu của Trung Quốc sẽ thấy họ có khoảng 500 cán bộ nghiên cứu trong khi đó Việt Nam có chưa đầy 50 cán bộ. Hàng năm, Trung Quốc được hỗ trợ kinh phí của nhà nước tới hàng triệu đô la để tìm giống lúa mới thì ở Việt Nam con số này là rất thấp. Để khắc phục tình trạng không chủ động được về giống lúa lai, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ một phương án “dài hơi”, đó là mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu. Bên cạnh đó, kêu gọi liên kết hợp tác với các chuyên gia Trung Quốc, hay các chuyên gia nước khác để sản xất ra giống lúa bố mẹ ngay tại Việt Nam. Vừa qua, Công ty giống Trùng Khánh của Trung Quốc đã có những chuyến khảo sát tại Nghệ An, với mong muốn chọn địa điểm và tìm đối tác để hợp tác xây dựng một trại nghiên cứu chọn tạo giống lúa tại Việt Nam. Nếu đi vào hoạt động phía tỉnh Nghệ An sẽ cung cấp đất đai, con người và tài chính, còn phía Trùng Khánh chuyển giao công nghệ, gửi chuyên gia để cùng nhau xây dựng trại giống. Theo ý kiến của lãnh đạo Công ty, Trùng Khánh khẳng định nếu giống lúa lai được nghiên cứu chọn tạo và sản xuất tại Việt Nam thì khả năng kháng chịu sâu bệnh chắc chắn sẽ cao hơn hiện tại, năng suất cũng sẽ cao hơn từ 2-4 tấn/ha. Để chương trình giống lúa lai phát triển bền vững, chương trình không những chỉ quan tâm đến nông dân được hưởng lợi mà còn đề cập đến các doanh nghiệp cũng được tham gia sản xuất giống lúa lai. Đây được coi là một bước đột phát thế độc quyền lâu nay khuyến nông chỉ làm với nông dân để sản xuất ra F1, sau đó các doanh nghiệp thu mua bán sang cho đơn vị khác, địa phương khác. Trong pháp lệnh giống cây trồng do Chủ tịch nước ký ngày 5/4/200 có khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp sử dụng giống cây trồng mới có năng suất cao và chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu thị trường. Và pháp lệnh cũng qui định rõ trách nhiện cụ thể của các Bộ, Ban, Ngành liên quan cùng chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện tượng lúa lai kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương cho thấy việc vi phạm pháp lệnh giống cây trồng vẫn còn là “rào cản” để những tiến bộ về lúa lai chưa đến được với bà con nông dân. Hy vọng rằng trong thời gian tới công tác chọn tạo giống của chúng ta sẽ được kiểm soát và khảo nghiệm một cách nghiêm túc hơn, tránh tình trạng thí nghiệm trên lưng bà con nông dân, cũng như phải giảm mục tiêu phát triển diện tích lúa lai từ 1 triệu ha/năm xuống còn hơn một nửa.
Nguồn: Tạp chí Nông thông mới, Số 179/20065