Trà hoa nghệ thuật độc đáo có thể nở trong nước thành những đóa hoa ngũ sắc rực rỡ, ngoài thưởng thức, trà hoa còn có tác dụng làm đẹp và tăng cường sức khỏe, giúp hưng phấn tinh thần. Sau nhiều năm trăn trở, chị Nguyễn Thị Nguyệt (phường Cải Đan, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đã cho ra đời sản phẩm trà hoa nghệ thuật được đánh giá là “siêu chè” này.
Từ nguyên liệu chè búp tươi Tân Cương đặc biệt, chị Nguyễn Thị Nguyệt (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân trà Hạnh Nguyệt) đã sáng tạo ra một loại sản phẩm chè đặc biệt có tên "Trà hoa nghệ thuật". Sản phẩm trà hoa nghệ thuật còn được nhiều khách hàng gọi là "siêu chè Thái Nguyên" bởi sự công phu khi lựa chọn nguyên liệu, sản xuất và đặc biệt là giá bán sản phẩm lên tới trên dưới 10 triệu đồng/kg.
Giá bán siêu cao và hiện nay doanh nghiệp hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, chủ yếu là các khách hàng từ nước ngoài. Tại hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 6 (năm 2009), sản phẩm trà hoa nghệ thuật của doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các thị trường khó tính. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp của Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ý... đã đề nghị được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, được độc quyền phân phối.
Đặc biệt hơn, các mẫu sản phẩm trà nghệ thuật của doanh nghiệp không trùng lắp với bất kỳ một loại trà nghệ thuật nào của Trung Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản. “Đó chính là cơ hội để mình càng quyết tâm sáng tạo, mày mò và giới thiệu sản phẩm chè Việt Nam trên toàn thế giới”.
Vốn là người kinh doanh chè trong nhiều năm trước đây, chị Nguyệt luôn ấp ủ một dự định, mong muốn tạo ra dòng sản phẩm cao cấp để nâng cao giá trị của cây chè Thái Nguyên. Sau nhiều năm tự mày mò, nghiên cứu, không biết bao đêm trắng với những búp chè để thử nghiệm vẽ mẫu, tết hoa. Đến năm 2009, chị đã chính thức cho ra đời sản phẩm trà hoa nghệ thuật – đó là những bông hoa chè, loại chè ghép với các loại hoa: hồng, nhài, sen, cúc, mẫu đơn...
Để làm được sản phẩm trà hoa nghệ thuật, việc đầu tiên là tuyển lựa chè búp tươi kỹ càng từ các hộ làm chè an toàn ở vùng Tân Cương (TP Thái Nguyên). Chè tươi nguyên liệu chủ yếu là các giống chè chất lượng cao như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, 777... Khi thu hái, doanh nghiệp phải đưa công nhân đến tận nơi, lựa chọn các búp chè "một tôm, hai lá" xanh non nhất rồi đưa về xưởng xử lý ngay trong ngày.
Khác với quy trình sản xuất chè thông thường, trà hoa nghệ thuật chủ yếu phải làm thủ công. Sau khi khử bớt vị chát của chè, mỗi công nhân tỉ mỉ xoắn từng búp chè rồi ghép lại thành từng bông hoa, mỗi bông nặng từ 3 đến 3,5 gam, vừa đủ để pha thành một ly to hoặc một ấm trà. Toàn bộ nguyên liệu làm trà hoa nghệ thuật đều là nguyên liệu tự nhiên 100%, ngay cả dây sử dụng để ghép từng búp chè cũng được làm bằng cỏ mần trầu - loại thảo mộc có tác dụng chữa bệnh.
Theo nhu cầu đặt hàng, có thể ghép chè với các loại hoa rồi ướp hương, tẩm sấy đủ 3 lần cho búp chè khô, hoà quyện với hương hoa nhưng vẫn giữ được màu sắc nguyên bản của các loại hoa. Bởi sự cầu kỳ trong quy trình sản xuất nên mỗi ca làm việc (8h đồng hồ), một công nhân lành nghề cũng chỉ làm được từ 20 đến 25 búp trà hoa nghệ thuật. Những công nhân làm trà hoa phải trải qua thời gian đào tạo ít nhất là 1 tháng.
Trước triển vọng của loại sản phẩm trà hoa nghệ thuật, Doanh nghiệp tư nhân trà Hạnh Nguyệt đang thực hiện dự án xây dựng NMSX trên 1 ha tại xã Vinh Sơn, thị xã Sông Công với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương. Để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, riêng dây chuyền làm trà hoa nghệ thuật cần tới 300 lao động. Ngoài sản phẩm trà hoa nghệ thuật, doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất chè đặc sản truyền thống và trà nhúng cao cấp phục vụ xuất khẩu.
Dự kiến, nhà máy này sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động trong quý II/2011. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng khẩn trương thực hiện việc đăng ký bảo bộ bản quyền sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.