Mô hình Câu lạc bộ cà phê khuyến nông ra đời đã trang bị những kiến thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cho nhiều nông dân.
Sáng sớm, tại quán cà phê Khuyến nông của ông Võ Văn Manh ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) tập trung nhiều nông dân quanh khu vực đến uống cà phê, truy cập internet, đọc sách báo. Nơi đây trở thành địa điểm giao lưu học hỏi phương thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giữa nông dân và các nhà khoa học.
Lão nông thời @
Thành lập từ tháng 4/2010, Câu lạc bộ cà phê Khuyến nông ở ấp Hậu được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM trang bị cơ sở vật chất nhằm chuyển giao thông tin khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Tại quán, có một máy vi tính kết nối mạng internet và một máy máy in cỡ nhỏ để các nông dân truy cập miễn phí. Ngoài ra quán còn được đầu tư một tủ sách với hơn 200 đầu sách về nông học và nhiều tờ bướm liên quan đến nông nghiệp.
Tranh thủ thời gian trước khi ra đồng, nhiều lão nông đã ghé vào quán vừa nhâm nhi ly cà phê vừa đọc báo và trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Gác tạm cái cuốc sang bên, ông Nguyễn Văn Vĩnh, một hội viên của hội nông dân xã hồ hởi khoe: “Từ có khi có CLB cà phê khuyến nông, chúng tôi đã có một địa chỉ để tìm đến giải đáp những thắc mắc trong sản xuất, kinh doanh. Qua việc đọc báo, đọc các tài liệu hướng dẫn, cách thức chăm bón từng loại hoa cảnh, tôi đã có được những vụ bội thu”. Vụ hoa vừa qua, nhờ được tư vấn kỹ thuật và tìm được đầu ra, gia đình ông Vĩnh đã thu lời trên 50 triệu đồng.
Anh Võ Văn Bá, hướng dẫn viên tin học cho biết: “Bà con thường quan tâm tìm hiểu các thông tin về các loại giống cây, hoa vừa nhập khẩu về, cách chữa trị các loại bệnh cơ bản ở vật nuôi. Các thông tin này chủ yếu nằm ở các trang web của Trung tâm Khuyến nông hoặc từ các báo”. Dù không được học qua một lớp đào tạo tin học nào, nhưng lão nông Phan Quốc Minh lại rất “sành” khi truy cập mạng để tìm hiểu giá cả các loại rau quả ở các siêu thị. “Giá cả thay đổi mỗi ngày nên mình phải thường xuyên cập nhật để đưa ra mức bán hợp lý. Nhờ có mạng internet mà công việc làm ăn của tôi dễ dàng, thuận lợi hơn”, ông Minh tâm sự.
Để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nhiều với thông tin, vào sáng chủ nhật hàng tuần anh Bảy thường xuyên tổ chức các tiết học bổ trợ kiến thức tin học cho bà con. Thông qua những tiết học này, nông dân được dạy cách truy cập lấy thông tin từ mạng internet và in ra giấy làm tài liệu nghiên cứu. Ông Võ Văn Manh, chủ quán cà phê thống kê trung bình mỗi ngày quán đón gần 100 lượt khách là nông dân. Bà con thường đến quán vào thời điểm sáng sớm từ 4h – 8h, trưa 12h – 15h, chiều 6h – 8h. Ngoài việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, các lão nông còn giao lưu cờ tướng, cờ vua giải trí.
Làm giàu nhờ lướt nét
Ông Trần Văn Chon, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thông Hội cho biết: “Câu lạc bộ cà phê Khuyến nông ở ấp Hậu đang thu hút nhiều hội viên nông dân trong xã đến tham gia. Qua đây, nông dân được trang bị các kiến thức khoa học về chăn nuôi, trồng trọt… nên sản lượng nông nghiệp của xã trong thời gian qua luôn đạt cao. Nhiều hộ đã vượt lên làm giàu với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng”.
Mô hình cà phê Khuyến nông đã phát triện rộng khắp nhiều huyện của TP.HCM như: Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ. Người nông dân vốn quen với con trâu, cái cày nay đã bắt đầu sử dụng email, yahoo chat… để học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm hướng ra cho sản phẩm của mình. |
Từ quán cà phê Khuyến nông, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Văn Tài – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Hậu đến tham quan trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Nguyễn Thế Minh. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, anh Minh đã mạnh dạn vay vốn, học cách chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp. Anh tâm sự: “Qua đọc báo, đọc sách của Trung tâm Khuyến nông, tôi đã có thêm nhiều kiến thức để phát triển trang trại. Sắp tới tôi sẽ nhập thêm một số bò sữa ở nước ngoài về để làm giống”. Hiện trang trại của anh mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.