Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Thần nông xứ dừa

Bằng khen Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, giải nhì cuộc thi “sáng tạo kỹ thuật nhà nông” toàn quốc lần thứ 3, được Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam chứng nhận điển hình sáng tạo Việt Nam, đạt giải “Sao thần nông” năm 2009…, đó là thành tích đáng nể của ông Lê Văn Hoa (Hai Hoa), ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
 
Kiện tướng bưởi da xanh
Đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Hai Hoa vẫn còn rất khỏe mạnh. Kể về những ngày đầu khó khăn, vất vả, ông được cha mẹ cho mảnh vườn diện tích 5.000m2. Khu vườn này trồng các loại cây như quýt, cam, chanh... nhưng do cây đã già cỗi, lại chưa có được những kinh nghiệm chăm sóc cần thiết nên năng suất rất thấp. Quyết tâm phải tìm một hướng đi mang tính bền vững, cây trồng phải cho năng suất cao, chất lượng tốt, năm 1998 ông Hoa đã mạnh dạn phá bỏ vườn cây, chuyển đổi sang trồng giống bưởi da xanh ruột hồng.
Năm 2001, cây bắt đầu cho trái. Qua các đợt thu hoạch, ông Hai Hoa nhận thấy có sự khác biệt về mẫu mã, kích cỡ, chất lượng và có dấu hiệu suy giảm giữa các đợt trái. Sau những ngày miệt mài quan sát, so sánh, ghi chép, theo dõi diễn biến tăng trưởng của cây bưởi, ông Hai Hoa đã đưa ra kết luận, vị trí trái bưởi từ các nhánh nhện trong thân có tính ưu việt vượt trội so với các trái ngoài cành. Các trái nơi đây có mẫu mã đẹp, kích cỡ hợp lý, chất lượng tốt; quá trình mang trái cây vẫn tạo ra nhánh nhện mới, hình thái cây không có dấu hiệu suy kiệt, thời gian thu hoạch ngắn.
Chính vì thế, ông Hai thí điểm tỉa bỏ hết các trái ngoài cành, giữ lại những trái trên nhánh nhện; kết quả thu hoạch đạt chất lượng tốt, tuy nhiên số lượng chưa cao. Tiếp tục nghiên cứu khắc phục tình trạng trên, ông Hai áp dụng giải pháp xử lý ra hoa trên nhánh nhện theo 2 nhóm: nhóm 1 phun thuốc kích thích ra hoa, nhóm 2 tỉa bỏ lá. Kết quả nhóm 1 thời gian dài, tỷ lệ ra hoa từ 60 – 70%, nhóm 2 thời gian ngắn, tỷ lệ ra hoa đạt 100%.
Kết quả vượt trội của nhóm 2 đã mở ra bước ngoặc cho nghề làm vườn của gia đình ông Hai. Với sáng kiến điều chỉnh vị trí ra hoa, đậu trái trên cây bưởi da xanh theo ý muốn, ông Hai Hoa đã được Sở KH- CN tỉnh Bến Tre tặng Giấy khen năm 2005, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” toàn quốc lần thứ nhất năm 2004 – 2005.
Không dừng lại ở đó, ông Hai tiếp tục gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu khoa học nông nghiệp với sáng kiến “chụp lưới lên chùm hoa” giúp bưởi da xanh không hạt. Giống bưởi da xanh vốn chất lượng ngon và không hạt. Tuy nhiên, do đặc điểm thụ phấn chéo với các cây có múi có hạt ở các vườn lân cận nên bưởi có hạt làm giảm chất lượng, uy tín.
Tìm tòi nghiên cứu học hỏi, áp dụng thí nghiệm trực tiếp trên cây bưởi của khu vườn, ông Hai đã xử lý thành công bưởi không hạt bằng kỹ thuật rất đơn giản: Khi chùm hoa bưởi ra có nụ trắng khoảng 3 ngày, dùng lồng kẽm chụp lên chùm hoa, lấy mảnh lưới bao quanh ngoài lồng kẽm, dùng dây cố định; trong vòng 24 giờ quan sát chùm hoa trở thành trái non thì tháo lưới và lồng kẽm.
Thân thiện mận An Phước 
Mận An Phước là giống mận quý, có năng suất và chất lượng cao, được bà con nông dân lựa chọn và phổ biến rộng rãi bởi mẫu mã trái to, vỏ có màu đỏ hồng bóng đẹp, trái không hạt, thịt giòn, ngọt, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, chăm sóc, bảo vệ trái không phải là việc đơn giản. Trái mận có vỏ mỏng, ngọt nên rất dễ bị sâu, ruồi tấn công.
Vươn lên từ gian khó, mò mẫn tìm hướng đi, ông Hai Hoa thấu hiểu nỗi vất vả người nông dân. Ông luôn tâm huyết một điều là làm sao có thể mang hết những kinh nghiệm làm vườn của mình truyền đạt rộng rãi đến người nông dân. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn, học hỏi kinh nghiệm, có thể liên hệ theo địa chỉ: Lê Văn Hoa, ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; số điện thoại: 0987169014.
Để bảo vệ trái người nông dân thường áp dụng phun xịt thuốc trừ sâu với liều lượng và tần suất cao. Điều này làm phát sinh trường hợp sâu, ruồi kháng thuốc, bắt buộc người nông dân phải tăng liều lượng, tần suất (cách khoảng 5 – 7 ngày phải phun xịt thuốc trừ sâu ít nhất 1 lần) gây ô nhiễm môi trường và sự e ngại của người tiêu dùng. Trăn trở cùng với người nông dân, quan sát và thực nghiệm trên cây mận, ông Hai đã đưa ra kỹ thuật “bao trái mận” nâng cao năng suất, chất lượng theo hướng an toàn hiệu quả.
Khi cây ra hoa tuyển chọn những chùm có ưu thế giữ lại khoảng 50%. Hoa mận nở khoảng 3 – 4 ngày thì phun xịt thuốc trừ sâu, trị nấm 1 lần lên toàn thân và tán lá; từ 5 – 7 ngày quan sát hoa nở rụng râu và chạy nụ trái, dùng túi nilon trắng (cắt bỏ phần đáy), kích thước 30 x 40 cm cố định bao trùm trái theo hướng thẳng xuống. Trong quá trình bao trái, quan sát có đợt lá non phun ít thuốc trừ sâu bảo vệ lá để quang hợp, bảo vệ cây và tạo sức nuôi trái tốt.
Phương pháp này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Sẵn sàng giúp người khác làm giàu
Anh Lê Văn Quang ở xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre cách đây 5 năm đã tìm đến ông Hai mua cây bưởi giống và được ông tư vấn kỹ thuật chăm sóc. Đến nay vườn cây của anh Quang đã sum suê trĩu quả, kinh tế gia đình phát triển. Anh cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ khi tiếp xúc với chú Hai, một người nổi tiếng nhưng rất gần gũi, chất phác, nhiệt tình truyền đạt hết tất cả những kinh nghiệm biết được. Lần này quay lại đây tôi lại tiếp tục được học hỏi thêm nhiều sáng kiến độc đáo của chú”.
Anh Quang chỉ là một trong hàng trăm người nông dân được ông Hai Hoa tư vấn kỹ thuật. Bất cứ tổ chức hay cá nhân, lúc nào, ở đâu nếu có nhu cầu ông đều sẵn sàng đến tận nơi hướng dẫn, tư vấn "cầm tay chỉ việc" cho đến khi nào người nông dân làm được mới thôi.